Ngày … tháng … Chiến tranh lạnh!
U ám gia đình !
Tôi không nói. Vợ tôi không nói. Mẹ tôi không nói. Con tôi không nói. Vợ tôi không nói chuyện vì giận tôi. Mẹ tôi không nói vì buồn phiền. Còn con tôi không nói vì chán nản. Những đứa trẻ vốn là diện mạo tinh thần của gia đình. Nhìn lũ trẽ, ta có thể xem tướng một gia đình. Trẻ con tươi tắn, cởi mở, đôn hậu, là gia đình đang vượng. Trẻ con ủ rũ là gia đình đang biến. Trẻ con khùng loạn là gia đình đang suy.
Cậu Linh dạo này lại đọc tới Nam Hoa Kinh của Trang Tử . Con ơi ! Mày định ru hồn vào giấc mơ bướm của Trang Tử hay sao? Thì cứ mơ đi! Giấc mơ đôi lúc cũng cứu người. Ta chỉ sợ cái thực của đời đến một ngày nào đó sẽ giết hết giấc mơ của người. Mất Phật, mất Chúa, con người đã mất một giấc mơ lớn. Mất giấc mơ lớn, con người lồng lộn săn đuổi những giấc mơ nhỏ nhoi thường nhật, nhưng rồi cũng chẳng đạt được. Cuối cùng người ta phỉ báng sự mơ. Con người trở nên què quặt, bất túc .
Con ơi cha cũng đang trở nên bất túc đây.
Ngày … tháng … Ta bỏ bê "con lợn" . Ta mặc xác con lợn Bò. Ta cưỡi xe đạp dong chơi phố phường Hà Nội. Ta trốn chạy cái nhà ta ở. Ta sà vào quán nước, quán rượu. Ta lê la các nhà bạn bè để nói những chuyện tầm phào. Ri-gân đắc cử ư? Một người phẫn chí tự thiêu ư? Cải cách giáo dục ư? Chủ nghĩa Mao man rợ ư ? Cải cách nội các ư? Chuyện một bà lớn áp phe kim cương ư? … Để rồi, đêm ta về nhà, bật chiếc đèn ngủ, mà nghe lợn kêu, mà mung lung chán phèo …
Buổi chiều, Tám đưa ta một mảnh giấy. A! Một mảnh Bách Khoa Lợn. Nào, thì đọc.
NGƯỜI LỢN và LỢN NGƯỜI Văn chương thế giới và đời sống thực đều có những chú "Lợn Người". Trư bát Giới là lợn người. Phải kể thêm con lợn Chiến sĩ của Lân cũng là một thứ lợn người. Có lẽ nên để bạn đọc tự rút ra định nghĩa về khái niệm "Lợn Người".
Còn khái niệm "Người Lợn" cũng thấy sách sử ghi lại. Tư mã Thiên có nói Lã hậu chặt chân, chạt tay người phi yêu dấu của Hán Cao Tổ, vứt vào nhà xí và gọi đó là con lợn. Sợ rằng xác định khái niệm người lợn như vậy là quá ư thô thiển.
Tôi đọc sách thấy có nhiều đoạn nhắc đến thứ Người Lợn, vậy xin ghi lại để tham khảo.
Thời nhà Lê, thời kỳ cực thịnh của phong kiến Việt nam có khá nhiều người lợn. Cái hồi Trần nguyên Hãn và Nguyễn Trãi mới gặp Lê Lợi ở Lỗi Giang, Hãn bảo Trãi: " Tướng Lê Lợi là tướng lợn, người ấy chỉ có thể vui với ta lúc đói nghèo, gối đất nằm sương, chứ không thể chung hưởng với ta khi phú quí." Quả nhiên về sau, Lê Lợi giết Trần nguyên Hãn đầu tiên khi kháng chiến thành công. Té ra Lê Lợi là một thứ người lợn. Cháu chắt ông ta là Tương Dực Đế xây Cửu trùng đài cũng được dân Thăng Long gọi là Vua Lợn. Quan lợn thời Lê cũng có. Thời Lê nhân Tông, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi: "Đến khi thi Đình, vua đích thân ra đầu đề văn sách, hỏi về lễ nhạc hành chính, cho Nguyễn nghiêu Tư đỗ Trạng nguyên.... Nghiêu Tư đã từng thông dâm với mẹ vợ ... Có người hát ở đường cái rằng: "Trạng nguyên Trư, Nguyễn nghiêu Tư" nghĩa là "Trạng nguyên lợn, Nguyễn nghiêu Tư".
Té ra ngày xưa có cả ông nghè lợn.
Đêm đen.
Chẳng thấy gì . Chỉ nghe tiếng con lợn Bò ngáy ngoài chuồng lợn ... và tiếng vợ ta thở dài trong giấc mơ.
Ta ngủ sao nổi.Cứ nghĩ vẩn vơ mãi. Có ai thì thầm trong óc: "Hãy suy nghĩ cho kỹ. Có phải anh cùng duộc với Nguyễn nghiêu Tư hay không?"
Thằng Linh mê ngủ bỗng thét lớn: "Đồ tể! Đồ tể!" Và con lợn Bò giật mình cũng rống lên hồng hộc.
Ta bịt tai lại. Phải rồi! Đúng rồi! Ô nhiễm! Đúng nhà ta đang bị ô nhiễm như hôm nào Tám đã tiên tri.
Ngày … tháng …
Nói theo kiểu cô Sa-gan nước Pháp: "Chào cái buồn". Còn nói theo kiểu của ta: "Thôi cút đi cái buồn". Ừ, ta cần gì cái buồn, ta cần cái vui cơ. Thì vui. Thì say sưa. Một người bạn rủ ta đi uống rượu, nào ta đi uống cho say.
Bạn ta tổ chức một tiệc rượu. Có hoa, có ảnh, có đàn, có hát, có bánh ga tô ... có lòng lợn, có tiết canh, có xôi, có thịt ... có họa sĩ, có giáo sư, có nhà thơ, có nhạc sĩ và nhiều nhà cầm bút. Đấy, cái lương tâm thời đại. Đấy, cái gương mặt Hà Nội ... Người bạn già vẽ phố đổ, mặt siêu ... Tiếng lảnh lót ngâm thơ về một dòng sông mộng mơ cổ kính. Người ta luận đàm về những phạm trù triết học, sử học ...
Xin lỗi các bạn. Tôi không nhớ gì cả, tôi không cần gì cả, lúc này, chỉ mỗi điều tôi thèm khát: cái vui. Và cả theo định nghĩa của tôi, người ta chỉ vui khi người ta thật, nghĩa là ta lột vỏ, là ta nguyên hình, là ta bình đẳng, là ta ... tuyệt đối. Hãy tung hê hết cả mọi ước lệ, mọi quá khứ, mọi qui định, mọi trói buộc ... để trở về với cái thần ngây thơ và lung linh. Những phút hiếm.
Giấc mơ xác định nhân dạng tôi: "Anh là Người Lợn". Hỡi ôi! Tôi đích thực là giống thô bỉ. Chối sao được. Có người định nghĩa tôi : thằng hề. Có bạn bảo tôi: thằng khùng, thằng say. Một nhà nhân đạo chủ nghĩa nhận xét tôi: thằng gàn ... Tôi biết chọn tính từ nào để mặc cho hợp cái dáng lom thom gày guộc, để đắp cho tròn cái típ người - phổi lép xẹp. Tôi biết chọn ngôn từ phấn son nào để xoa kín những nếp nhăn nhó trên khuôn mặt quắt queo xám ngoét hằn in những dấu vết của số phận nguyền rủa. Không! Tôi không thèm phấn son. Thèm khát một lõa thể, dù một lõa thể nhăn nheo. Trong những giấc mơ xưa, tôi bị chôn sống trong một đống ngôn từ óng ánh sắc cầu vồng. May mà tôi thức dậy kịp. Bây giờ thì tôi dị ứng sắc cầu vồng.
Cám ơn các bạn đã tặng tôi thứ tính từ xam xám. Tức là các người đã nhân đạo với tôi, đã thể tất cho tôi. Cám ơn! Cám ơn!
Nhưng có lẽ các bạn không hiểu, trong khoảnh khắc tiệc ấy, tôi đã nhìn thấu sự trần truồng; không gian trần truồng và người trần truồng, tôi uống rượu. Tôi đã xem tướng và ngây thơ muốn giao cảm với các bạn:
- Sao mọi khi anh thành thật, mà lúc này anh dối trá?
- Cớ sao anh run rẩy và cổ kính?
- Đừng có lên mẽ ông tướng, dù là phò mã. Hãy ngồi cho bằng tròn, ngang phẳng, và dốc chén cho cạn. Chén rượu sẽ làm con người thực sự bình đẳng, anh em.
Tôi bảo:
- Ta là thế giới.
Bạn ta chỉnh lại:
- Ta là dân tộc.
Tôi khăng khăng:
- Ta là bất đồng.
Tôi muốn nói đến "vết cắt". Một lưỡi dao sắc ngọt xả đôi ta ra ... Vết cắt tức là giã từ, là siêu việt, là lột xác, là trở về cái đích thực ta, cội nguồn ta. Ôi! Giã từ thật là khó khăn. Ai thét lên như người đau đẻ? Ai giơ dao lên đâm chém tương tàn trong trái tim ta?
Tôi say như muốn khóc lên trong cõi bơ vơ. "Ta là dân tộc". "Không! Ta là thế giới".
Giã từ sao mà đứt ruột. Nhớ chứ! Yêu chứ! Tôi vẫn yêu con sông Đuống mộng mơ của anh, bởi vì chính từ con sông nên thơ ấy, ta hành trình đến được "vết cắt". Tôi cũng yêu luôn những dãy phố nghiêng nghiêng cổ kính của anh, bởi vì nó là khởi đầu "vết cắt". Tôi yêu cả cái dân tộc của anh, bởi vì chính chúng ta đã chập chững tập đi, tập nhảy từ cái phạm trù thần thánh ấy. Nhưng ta không dừng lại ở những bước đi, điệu nhảy; chúng ta còn muốn vươn lên khoảng không bao la, muốn vươn khỏi cái hạn hẹp để hành trình đến cái đích thực nhân đạo.
- Tôi đếch cần mọi thứ linh thiêng.
- Thằng say nói bậy.
-Bậy nhưng mà vui.
Ta vui trong nỗi lo âu run rẩy, bởi vì ta là nô lệ, ta là hèn hạ.
- Tôi đéo vào sự nô lệ.
- Tôi đếch cần cái buồn.
- Tôi đéo vào sự vô sỉ.
Bạn ơi! Tôi đang kể cho bạn nghe về con lợn Chiến sĩ đó. Thât ngoắt ngoéo. Thật mập mờ. Nhưng mà vui. Bởi vì trong cái mập mờ, ta đã nhìn thấy, qua tấm màn tuyn, một lõa thể, một trần truồng : đó là cái vui.
Tôi cứ mê man đi trong cái nửa thật, nửa mơ như vậy. Cái bảng lảng theo chiếc xe đạp chuếnh choáng của tôi diễu binh trên phố vắng đem Hà nội. Đến tận 12 giờ khuya, tôi mới lần được về đến trước cửa nhà tôi.
Thàng Linh vẫn còn nằm đọc Trang Tử, nó thò đầu ra khỏi màn và hỏi:
- Bố ăn cơm chưa?
- Tao mới chỉ uống rượu.
- Bố say rồi.
- Có để phần cái gì không? Có lẽ nhắm ít ngũ cốc vào bụng là hết say.
- Hôm nay không có gạo bố ạ.
- Thì mì sợi.
- Mì hết.
- Thì sắn.
- Mẹ không có tiền mua.
- Thì tớ nhịn vậy.
Thằng con tôi chợt cười:
- Có món đặc biệt đấy bố ạ.
- Thứ gì?
- Hôm nay, con thử nấu cháo bằng cám ngô.
- A! tranh ăn của lợn.
- Cám ngô rắc ít tóp mỡ. Ngon tuyệt! Thơm phức! Béo ngậy!
Thế là hành trình tôi đi từ một bửa tiệc đến một bữa cháo cám. Bát cháo cám chợt làm tỉnh cơn say. Cuộc hành trình bắt đầu từ một cơn vui điên cuồng đi đến một lặng lẽ tư lự. Chắc chắn tên gọi của nó là: Cái buồn. Tôi nhắc lại câu nói của Sa-gan: "Chào cái buồn!" và nước mắt tôi ứa ra. Tôi đi uống rượu trong khi các con của tôi ăn cháo cám, tranh phần lợn. Có thể gọi đó là tội lỗi. Đừng có bẻm mép lý thuyết thêm nữa; đừng tìm cách biện hộ, che giấu. Trong lúc này, không lo đủ miếng ăn cho lũ con, đó là tội lỗi. Cớ sao anh lại phè phỡn. Anh dửng dưng chăng? Anh còn lo hão những chuyện to tát đâu đâu chăng? Anh còn tự phỉnh nịnh ru ngủ bằng cái nghèo đẹp đẽ, bằng những ngôn từ vĩ đại sáo rỗng đến buồn nôn chăng? Anh là kẻ vô sỉ, thứ Người - Lợn. Tâm hồn tôi rưng rức khóc; và những giọt nước mắt nóng hổi tràn trụa trong lòng khiến toàn thân tôi rung lên.
Ôi chao! Sao ta bất lực.
Ngày … tháng …
Vẫn chiến tranh lạnh. Suốt ngày tôi không nói với vợ con một câu. Suốt ngày tôi ngồi im lặng trong chiếc ghế bành cà khổ ấy, và buồn rầu lạc vào cái vương quốc tưởng tượng mà chỉ mình tôi biết, ở đó cả lũ quỉ và cả những ông thánh đều là những vị khách thân quen.
Không hiểu sao hôm nay tôi lại lạc về căn phòng hỏi cung trần trụi mà tôi đã nhiều lần phải có mặt .
Tôi nhớ đó là cuộc hỏi cung lần thứ hai mươi thì phải. Người cán bộ an ninh đeo kính trắng hôm ấy có vẻ nóng nảy sốt ruột, đó là một tâm lý mà người hỏi cung thường không bao giờ để lộ ra trên nét mặt hay sắc điệu của giọng nói.
Anh ta nhìn tôi chăm chăm, không chớp mắt. Tôi biết mình đang nằm trong một giai đoạn đấu tranh kịch liệt nhất, và anh ta quyết định đánh gục tôi hôm nay. Ánh mắt anh ta nóng bỏng áp đảo, còn ánh mắt tôi cố giữ vẻ điềm tĩnh phớt đời. Ánh mắt thôi miên ấy bỗng lóng lánh vẻ tinh quái :
- Này, có phải anh tự cho rằng anh chỉ là con người ưa trầm tư suy ngẫm chứ không phải con người muốn hành động?
Tôi đột nhiên bị lúng túng, vì không hiểu ẩn ý của câu hỏi là gì? Phải chăng anh ta châm biếm chế nhạo tôi? Phải chăng trong câu hỏi có gài một cái bẫy? Tôi nghĩ ngợi rồi trả lời :
- Nói chung ai chả hành động ...
- Không nói chung. Riêng anh thì sao?
- Tôi ư? Cũng thế thôi. Nhưng không phải hành động chính trị.
- Này, thế cái "Que faire" thì sao?
Tôi nhìn anh ta trừng trừng
- Anh nói gì?
- A... a...
Tôi choáng voáng không tin ở tai mình nữa. Và hai tiếng "Que faire" như một điệp khúc bỗng vang vang trong trí não tôi. Thì ra họ biết cả chuyện ấy nữa ư? Một cảm giác vừa tức giận, vừa sợ hãi, vừa buồn bã bỗng xâm chiếm toàn thể con người tôi, chắc nó đã làm cho gương mặt tôi sạm lại. Anh ta tiến công liên tục không cho kịp hồi tỉnh:
- Người ta đã khai hết cả rồi. Ngay cả X người cầm đầu cũng khai lời nói của anh ta. Vậy mà anh, anh còn cố quanh co che giấu cho họ làm gì? Sao anh dại vậy. Trong nhóm chống Đảng anh chỉ là một quân tốt đen. Người ta thí tốt, vậy thì anh cần gì phải bảo vệ cho họ ...
Tôi lặng lẽ ngồi trước tờ giấy trắng. Và trong óc tôi thì dấy lên biết bao ý nghĩ ...
Hôm đó, gia đình tôi tiếp khách. Khách gồm có anh X, một cô bạn gái mà một thời tôi đã yêu, một anh bạn trai viết văn vốn là bạn nối khố với tôi. Về phía gia đình có tôi và vợ tôi.
- Anh nhớ lại đi, hôm ấy X mang đến chai rượu Liên xô, vợ anh rang lạc, còn cô bạn gái pha cà phê ... có đúng không nào? Tiếng nói của anh cán bộ an ninh gợi ý như muốn đưa cho tôi một cái cột mốc để níu lại những bóng mờ dĩ vãng.
Tôi cần gì một điểm bấu víu. Buổi hôm ấy tôi nhớ rành rành.
Que faire? (Làm gì?)
Que faire? (Làm gì?)
Đó là tên cuốn sách của một nhà văn nổi tiếng Nga thế kỷ 19.
Tôi không phải người sính dùng tiếng nước ngoài nhưng bởi vì tôi chú ý đến câu hỏi đó, mà hai tiếng Que faire lại gợi cho tôi một âm hưởng đặc biệt nên tôi cứ hay dùng hai chữ đó để thay thế cho hai chữ làm gì. Thú thực, tôi đã cố gắng đọc cuốn tiểu thuyết đó mấy lần, nhưng chịu không đọc nổi, đọc vào cứ bật ra, không nhớ nổi nội dung câu chuyện. Có lẽ cuốn sách không hợp khẩu vị của tôi. Nhưng điều kỳ lạ, cái tên cuốn sách hấp dẫn tôi ghê gớm. "Làm gì? Làm gì?" . Tôi cứ hay thầm nhắc trong óc câu hỏi ma quái đó. Lắm lúc trong những đêm trắng nằm bâng quơ buồn rã rượi tôi lại cứ tự hỏi tôi "Làm gì đây? Làm gì? " Ô hay! Đời đang vui, đời đang lên, sao ta lại hỏi "Làm gì?" . Số kiếp tôi là số kiếp những kẻ mua dây buộc vào mình nên cứ hay lẩn thẩn như vậy. Khi con người ta đứng trước giông tố, đứng trước một bước ngoặt, đứng trước cái sống và cái chết, phải đối mặt giữa cái thiện và cái ác, thì câu hỏi "làm gì" là câu hỏi của lương tri. Lúc đó con người phải lựa chọn, phải tra vấn lương tâm của mình, phải ra quyết định cho thái độ của mình. Lúc đó, biết mà dửng dưng, mà trốn chạy câu hỏi đó lại là một tội ác.
Tôi là một thằng điên, hay thằng gàn, hay một kẻ mộng du ... vì thế chính cái hôm ấy, trong bửa ăn vui, tôi đã hỏi mọi người:
- Que faire?
- Sao?
- Làm gì?
Vợ tôi thì dĩ nhiên im lặng vì không phải lĩnh vực của cô ấy. Người bạn nối khố của tôi thì lặng lẽ buồn rầu. Anh X thì nắm tay tôi thông cảm:
- Hoàng nghĩ vậy là phải.
Còn người đàn bà có một thời đã yêu tôi, thì lúc tôi tiễn cô ra về , đã nói:
- Hoàng ơi! Hoàng vẫn kỳ cục như xưa.
- Nghĩa là cô đã thất vọng vì tôi chăng?
- Sao lại thất vọng. Có lẽ càng thích thêm thì có.
- Đừng có đùa.
- Mình nói thật. Thấy tiếc Hoàng rồi đó.
- Lúc nào cũng đùa dai.
Tôi quay đi để tránh những kỷ niệm cũ bỗng hiện về. Và người bạn gái thở dài bắt tay tôi từ biệt.
...........
Tiếng người cán bộ an ninh khêu gợi cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi:
- Đấy, hành động bắt đầu từ buổi họp mặt hôm ấy. "Làm gì" đó là những câu hỏi để dẫn tới những kế hoạch, chương trình, dẫn tới những giải pháp tổ chức. Hôm ấy X có nói : "Không tổ chức !Ở Xã hội chủ nghĩa tổ chức là chết". Hắn ta làm động tác giả đấy. X là một con cáo già, đã tù Tây ở Sơn La, đã tham gia hoạt động thời bí mật, hắn hiểu rõ hoạt động chống đảng không thể bàn ở một cuộc họp như vậy, mà phải cực kỳ bí mật, khéo léo ...
Thực ra trước khi anh hỏi "làm gì", hắn đã có sẵn một tổ chức chống đảng rồi.
Tôi không nghe thấy tiếng hắn nữa, dòng suy nghĩ của tôi làm chìm tiếng nói của người cán bộ an ninh đi. Lúc này trong tôi là day dứt.
Chúng tôi năm người hôm ấy. Vậy thì ai đã khai chuyện ấy với an ninh? Anh X ư? Vô lý, đó là người mà nhân cách của anh tôi vô cùng kính trọng. Anh bạn nối khố của tôi ư? Hay người bạn gái thân thương đã một thời dan díu cùng tôi? Vô lý! Vô lý! Hay là vợ tôi? Máu ghen của người đàn bà... Sự trả thù của người đàn bà ... Sự yếu đuối của người đàn bà ... Kể cả có thời tôi đã sa cơ thất thế quá chừng, khi tôi đã là kẻ khố rách áo ôm , khi tôi đang bị rình rập đe dọa ... thì ... thì tất cả đều có thể lắm chứ ... Chính vợ tôi đã kể lại cho tôi nghe rằng một bà phó giám đốc đã thương vợ tôi hồng nhan bạc mệnh, lấy phải thằng văn sĩ gàn mà phản động, nên đã giới thiệu cho cô ta gặp gỡ một cậu thiếu tá công an ... Cũng chẳng hiểu cái duyên nợ nào đã trói buộc cô ta ở lại với tôi .
... ... ...
Trong chiếc ghế bành tả tơi rách nát ấy, tôi liên tục rít thuốc lào để lạc về những hồi ức tối đen, chúng từ những đáy thẳm lãng quên lồm cồm thức dậy, làm trĩu nặng lương tâm, tạo ra những màn khói ngờ vực hận thù kéo mờ ý thức.
"Làm gì?"
"Làm gì?"
Câu hỏi khi xưa lại trở về tra vấn tôi. Tôi chợt thở dài. Cũng may ở đời còn có câu hỏi đó.
Tôi khóa kín tôi trong cái hình hài lom thom gầy guộc để nó tự giãy dụa tuyệt vọng, tự tìm ra lối thoát bằng những hồi ức, những liên tưởng, những độc thoại... Ừ! Tại sao nhỉ? Tại sao tôi lại tập trung vào cái người đàn bà đã sống hơn hai chục năm cùng tôi? Tại sao tôi lại trút nghi ngờ, và căm giận lên đầu cô ta. Vì cô ta đã làm vỡ nốt cái ảo vọng cuối cùng của đời tôi chăng? Vì cô đã phá vỡ cái lô cốt cuối cùng, cái tế bào gia đình mà tôi đã cố công xây dựng, là ốc đảo của đời mình chăng? Có thực là cô ta đã phản bội tôi không? Cô ta đã nói chịu, nói lỡ mồm: "Không khéo rũ tù!" . Rồi cô ta lại bĩu môi, cái bĩu môi đầy hàm ý nghĩa. Có người bảo rằng cái nói nhịu mới là những ý nghĩa ý nghĩa thầm kín trung thực nhất của con người mà bao giờ con người cũng cố giấu kín đi. Vậy chắc chắn, trong thẳm sâu, cô ta muốn tôi đi tù. Chắc chắn, trong thẳm sâu, cô ta căm thù tôi. Thế đấy! Sự thực cay đắng đến thế đấy. Nhưng cũng có thể lý giải tình cảm theo một cách khác. Có thể cô ta chỉ là một cái cớ để trút giận. Thực ra tôi oán giận một cái gì đó to lớn hơn, bao trùm hơn, và tôi đã chuyển di nỗi hờn giận đó lên cô ta. Người đàn bà mềm yếu đáng thương của tôi chỉ là một cái thùng để tôi nôn mửa những nọc độc ghê tởm chán chường của cuộc đời mình vào đó chăng ... Và nếu như vậy, đối với cô ta tôi đã bất công, và có tội ...
Những ý nghĩ giằng xé ấy cuối cùng đã dẫn tôi đến một liều thuốc ngủ.Cũng may, liều thuốc ngủ tôi có trong tay chỉ đủ để cho tôi một giấc ngủ dài suốt một đêm ngày.
Giấc ngủ triền miên ấy là một liều thuốc an thần; cũng may loài người cơ cực còn có giấc ngủ xoa dịu; nó đẩy lùi mọi đắng cay, chôn vùi mọi thất vọng vào tận thẳm cùng những miền âm ti sọ não, nó tắm rửa sạch sẽ những bụi bặm của kiếp sống, khoác cho tâm hồn ta một bộ áo tươi mát, đôn hậu, ban cho ta một tinh lực mới để khi tỉnh dậy ta mới có đủ can đảm để sống tiếp.
Tôi đã may mắn gặp được giấc ngủ đầy ơn phước và quên lãng ấy. Khi tôi tỉnh dậy thì lòng tôi chỉ còn chút bùi ngùi. Giá như tôi lại tiếp tục nhận được những kích mới, có thể tôi sẽ điên rồ trở lại. Nhưng vợ con tôi đều lặng lẽ và ân cần; có thể họ đã bàn luận với nhau trong khi tôi ngủ, có thể họ còn chút thương tôi, còn chút luyến tiếc với cái ốc đảo mà họ đã cùng tôi bao năm chắt chiu xây dựng; và tôi chắc rằng trong tôi cũng còn chút lương tri, tôi cúi đầu xuống tránh gặp ánh mắt ngơ ngác dò hỏi của vợ tôi. Cầu xin cho màn sương lãng quên đôn hậu hãy phủ xuống chúng tôi, để xóa kín những vết rạn nứt của kiếp sống bọt bèo; cầu xin cho sự bằng an đã bao năm ở cùng chúng tôi trở về trên ốc đảo, xứ thiên đường ảo tưởng của chúng tôi ...