Ai?
-Tên Thái.
-Tòa án nhân dân xử tội?
Mắt người trả lời bỗng sáng lên:
-Xử bắn!
Xử bắn bao giờ cũng là một quang cảnh cực kỳ kích thích. Người ta sợ, rợn, nhưng tự đáy thẳm ai cũng muốn xem tận mắt. Ai cũng có ý nghĩ ấy, nhưng chẳng ai thổ lộ với ai. Đội thiếu niên nhi đồng không em nào vắng mặt. Những chú bé bảy, tám tuổi chưa được vào đội nhi đồng cũng trốn nhà ra bãi đầu làng, ở đấy người ta dựng sẵn một cây thập ác bằng tre.
Đấu, tố, trở mặt, giậm chân, mặt mũi đỏ bừng sầm sầm, nộ khí xung thiên, la hét... Có những người khóc nấc lên rồi ngất đi vì xúc động.
Vài phút lại vang lên những tiếng hô dậy trời "đả đảo". Người ta hô đến khản cả tiếng. Có người khản đặc, tiếng nói phào phào... Bãi bắn đông nghịt những người. Cờ, khẩu hiệu đỏ chói. Chỗ ngồi của bà chánh án cao vút, uy nghi. Người nào cũng sáng mắt nhìn ra phía trước, nhưng không phải nhìn vào án đài, mà nhìn vào cây thập ác.
Người chỉ huy đội bắn cao to lẫm liệt, đang hùng dũng bước ra. Người ta xì xào:"Ông Tí giò." Cái vóc dáng khổng lồ của Tí giò càng làm thần kinh người dự xem thêm căng. Tí giò đứng ngẩng cao đầu, tay trái chống cạnh sườn, tay phải chỉ vào mặt Thái lúc này đã bị trói chặt vào cột.
-Các đồng chí chú ý! Mục tiêu: Tên phản động trước mặt. Tư thế: Đứng chuẩn bị bắn.
Thày giáo Thái lồng lộn, vùng vẫy. Người xem thì thào:
-Ông Tí giò đã trói bằng lạt tre tươi lột lấy cật rồi đem nướng lửa.Có đến hổ bị ông Tí trói cũng chịu cứng, nữa là lão Thái gày gò. Rẫy ruạ chỉ tổ sầy vẩy, cũng chẳng nước me gì.
Tí mỉm cười, nhìn con mồi của mình đang tuyệt vọng lồng lộn. Chờ cho đến lúc Thái quá đau đớn mệt mỏi, anh đứng im thở hồng hộc, lúc đó Tí gò mới hô:"Chuẩn bị bắn".
Ba anh du kích đứng giẻ chân chèo, bắt đầu lên đạn và nhắm súng vào cái vóc người gầy gò thảm hại bị buộc giăng tay vào cây thập ác. Con người chịu khổ nạn ấy không giẫy giụa nữa. Cũng may, đôi con mắt bị buộc chiếc khăn vuông đen nên anh đã không phải chứng kiến những khuôn mặt người bị méo mó đi vì khoái trá, vì căm giận. Họ căm giận anh thực sự. Anh không trông thấy nhưng anh nghe thấy những tiếng hò hét, những tiếng rì rầm của họ thì anh hiểu. Anh cảm thấy thương hại sự vô ơn của những con người ấy. Chính vì những con người ấy mà bao năm nay anh lăn lộn xả thân ...
Tí cố để cho cái phút chuẩn bị, chờ đợi chết ấy hơi kéo dài. Nhưng không sao! Tí đã mơ hồ cảm thấy tâm lý của người đi xem xử tử. Hình như mọi người đều muốn cái phút chờ đợi ấy kéo dài.
Trong khi ấy, Thái mê man đi cùng bao suy nghĩ. Đáng lẽ ra lúc ấy anh phải kêu lên những tiếng kêu uất hận, cũng có thể những tiếng kêu oan ức. Đằng này, Thái lại bật lên một tiếng hô làm cả pháp trường bỗng ngỡ ngàng. Anh rướn cổ lên và hô to:
-Đảng cộng sản muôn năm!
Có lẽ vì Thái hô to quá, kỳ dị quá, nên khi Tí ra lệnh: "Bắn", ba anh du kích bỗng run tay. Một anh bắn trượt, một anh bắn trúng tay, một anh bắn sượt má Thái. Tí bực bội gầm lên:
-Hãy để hắn cho tôi.
Và Tí đã dũng mãnh xông lên, rút con dao đồ tể mỏng như lá lúa mà anh thường giắt bên người. Bằng một đường dao chính xác, ngọt ngào, anh đã đâm từ cổ thọc xuống tim người đội trưởng du kích người dẫn đường anh khi xưa.
Thái ngoẹo đầu xuống, hình dáng hệt như chúa Giê Su chịu nạn. Lúc chết, mắt Thái vẫn mở to. Đôi mắt như ngơ ngác, như băn khoăn, như bàng hoàng, vì chưa hiểu ra một điều gì đó thật kỳ quái.
Khi Tí rút con dao lá lúa ra, dòng máu ở cổ Thái vọt dài. Người đi xem nhiều kẻ tay run cầm cập, nhưng mắt vẫn sáng quắc. Có người còn nuốt nước bọt. Riêng anh Tí giò, tối hôm ấy, anh xách con cá quả to bằng bắp chân về nấu ám. Tí uống rượu cùng đội trưởng cải cách. Anh còn vui vẻ hát cho anh đội nghe một câu hát xưa rất thú vị.
Vô phúc lấy phải học trò
....
Thình thùng thình...
Cô Phốp, cô gái to béo đa tình ở đội du kích năm xưa đi qua ngõ nhà Tí, bỗng nói vọng vào, khen ngợi:
-Giọng anh Tí hát hay quá!
Khi sửa sai, ông Hương Tẹo được xuống thành phần trung nông lớp trên, còn anh Thái được phục hồi danh dự. Nhân dân lúc này xì xào về Tí giò nhưng đồng chí cán bộ sửa sai giải thích:
-Có sai lầm, nhưng phải hiểu cải cách ruộng đất thắng lợi là cơ bản... Còn các đồng chí cán bộ cốt cán, về cơ bản cũng là những con người rất tốt; họ vẫn là chỗ dựa của Đảng. Sửa sai cốt để đoàn kết nông dân, chứ không phải để hục hặc lẫn nhau. Phải đoàn kết giữa các đồng chí cũ và mới. Phải hiểu rằng các đồng chí cốt cán rất triệt để cách mạng. Họ sai bởi vì họ quá triệt để. Nhưng triệt để cách mạng là một phẩm giá cao quý nhất.
Dĩ nhiên, Tí là người triệt để cách mạng, vì vậy người ta muốn đưa anh lên làm chủ tịch xã. Tí khiêm tốn:
-Tôi không làm chủ tịch được đâu. Xin cho tôi làm việc khác.
-Việc gì?
-Cho tôi làm trưởng công an xã
Ngày xưa, anh Thái đã phát hiện ra năng khiếu ấy của Tí. Tí qua kinh nghiệm giết lợn của mình, đã hiểu rằng người nào nắm quyền sinh quyền sát là người ấy có quyền to nhất. Ông chủ tịch xã quyền có to nhưng là quyền giả tạo. Chính chánh công an xã mới là người quyền to nhất, bởi vì ông ta có quyền theo dõi mọi người, có quyền dùng tiếng nói của mình để buộc tội hoặc tha người. Tí đã có thêm một kinh nghiệm mới: Giết người bằng dao là khó, nhưng giết người bằng ba tấc lưỡi còn khó hơn nhiều, bởi vì nó sạch sẽ hơn, tinh vi hơn, bí mật hơn, sâu hiểm hơn. Đó là kinh nghiệm ông Hương Tẹo đã truyền cho Tí.
Khi ông Hương Tẹo được xuống thành phần, Tí giò có vẻ ngượng ngùng, không dám gặp mặt ông chú. Nhưng ông Tẹo là người từng trải, khôn ngoan.Chính ông đã tự mình đến gặp người cháu. Ông nói:
-Cái chuyện cải cách, chú có giận anh. Giận nhưng lại mừng. Mừng vì anh hiện nay giữ một chân quan trọng nhất xã. Anh đã làm rạng danh cho họ Nguyễn nhà ta. Thử hỏi, hiện nay trong họ Nguyễn ai quyền cao chức trọng bằng anh? Xưa kia, hồi Pháp, chức tước cao nhất trong họ là chú cũng chỉ giữ được chân hương trưởng. Này, này... mày đừng có coi thường lão cường hào giả này nhé. Ngày xưa, chánh tổng lý trưởng của cả vùng này đều phải châu đầu quanh cái bàn đèn của tao. Trong huyện, người ta gọi cái bàn đèn của tao là trường họ tổng lý đấy, con ạ.
- Bây giờ, thời buổi có khác chú ạ.
-Khác cái gì? Vẫn lũy tre, vẫn những tục lệ xưa. Cái khác là tên gọi mới: Ví dụ chánh tổng người ta gọi là chủ tịch. Tức là con người đã khôn ngoan hơn... Không ai dùng ba toong, cặc bò như xưa nữa, mà dùng những lời ngọt ngào đường mật để thít chặt con người lại. Cậu đã hiểu chưa.
Tí không cãi lại, cũng không tỏ ý tán thành, anh ta cứ lửng lơ và lặng yên suy ngẫm.
Việc ông Tẹo lấy lại cái nhà gạch của ông đã chia cho Tí cũng rất khéo léo. Một hôm, ông nói chuyện với cháu:
-Chú có thể cho anh cái nhà của chú. Nhưng, như thế về sau con chú và anh lúc nhìn mặt nhau nó vẫn có điều hận. Chi bằng chú đưa cho anh ít tiền và cứ nghe lời quân sư của chú, khắc là anh có nhà. Này nhé... đất, ta xin xã; chọn miếng đất thật nục nạc, thật đẹp, có tiền, có hậu, rộng gấp đôi, gấp ba của chú thì hãy xin. Có cơ hội, đã xin phải xin cho nó xứng. Còn gạch ngói, công sức ta nhờ dân làng, nhờ bọn đàn em trong làng. Mày cứ nhấp môi một tiếng, khắc có đứa tự nguyện đến làm giúp. Còn tiền nung gạch, chi phí, tao trả. Bụi tre trong vườn thì ngả xuống ngâm làm đòn tay...
-Cháu sợ người ta nói ra nói vào.
-Đứa nào dám nói? Giúp ông chánh công an nghèo, đó là cái nhiệm vụ. Vả lại mình vẫn cho họ ăn uống đàng hoàng. Rượu, tao cho nồi gạo mà nấu. Cá mua rẻ của xã... Lợn, vay của xã... Vài năm sau sẽ trả...
Thế là Tí có ngôi nhà gạch năm gian đàng hoàng. Và từ đấy, chú cháu lại trở nên tâm đắc. Dần dần bên mâm rượu, bên ấm trà, ông chú đã nghĩ ngợi và truyền lại hết cái nghề chăn dân của mình cho ông cháu:
-Nông thôn ta không gì bằng họ hàng. Phải lấy họ hàng làm cái gốc, làm vây cánh. Phải gây dựng cho anh em, con cháu trong họ.
-Gây dựng bằng cách nào?
-Đưa dần con cháu, họ hàng mình vào Đảng, vào các chức vụ quan trọng. Trong họ phải có đứa làm chủ nhiệm, làm bí thư thanh niên, làm đảng ủy... Vây cánh của mình mạnh, tức khắc các họ khác phải nem nép nghe theo mình. Việc ấy phải làm lâu dài, phải năm năm, mười năm mới xong.
Ông còn dạy cháu những đòn hiếm hơn.
-Hiện nay, trong xã họ Phạm đang chiếm hết ghế chủ chốt; chủ tịch, chủ nhiệm, thanh niên, đảng ủy, họ đều nắm cả. Ta phải liên kết với họ Trịnh, vì họ Trịnh đang nắm chức bí thư. Phải ngọt ngào với họ Phạm, nhưng phải luôn rình mò, nắm cho hết tội lỗi của người họ Phạm. Cháu làm công an, cháu thừa sức làm được điều đó. Con người đã làm việc bao giờ cũng có sai lầm; hãy chờ một cơ hội lúc họ Phạm mắc một lỗi lầm to lớn, thế nào cũng có cơ hội đó, khi ấy ta tập trung khoét sâu tội lỗi và đánh đổ chúng nó.
Tí đã thực hiện đúng cái ngón "khoét dần đưa dao vào tim" của ông chú. Anh lầm lì, ngọt ngào với người họ Phạm. Đùng một cái, chủ nhiệm họ Phạm thông đồng với thủ kho họ Phạm tham ô một tấn thóc nếp bán cho tư thương. Tí đã gài người biết chắc giờ giấc giao hàng và đã bắt quả tang bọn tham ô. Tí đã tập hợp được một đống tài liệu về những người họ Phạm, mà anh đã rình mò tích tụ suốt năm năm liền. Từ vụ ăn cắp một tấn thóc, anh đã cộng vào hàng trăm vụ khác. Lẽ dĩ nhiên họ Phạm bị đánh đổ, mất gần hết các vị trí then chốt trong bộ máy quyền lực. Chức chủ tịch và chủ nhiệm hợp tác xã lập tức rơi vào tay những người họ hàng của Tí.
Ông Hương Tẹo uống rượu với ông chánh công an Tí giò. Ông chú cười ha hả:
- Bây giờ cánh họ Nguyễn nhà ta mạnh nhất làng rồi. Cậu cháu thấy mưu mẹo của ông chú ra sao?
- Thưa, đúng là mưu Gia Cát.
- Hừ, anh tưởng chỉ riêng chú mới nghĩ ra được những điều đó sao? Không, khắp nơi đâu đâu người ta cũng làm như chú cháu ta cả. Vẫn là mưu mẹo thời xưa thôi cháu ạ. Chú đã bảo thời bây giờ vẫn giống thời xưa là như thế. Bình cũ rượu mới mà. Ở cái nước Việt Nam ta, trong bất cứ ai, cũng đều chồm chỗm trong đầu một bộ óc kỳ hào quan lại. Gặp dịp là ông kỳ hào nhỏm dậy ngay tức khắc.
- Đến cuối tiệc rượu, khi đã ngà ngà Tí hỏi Hương Tẹo:
- Thưa chú, bây giờ cháu nên làm gì?
- Còn làm gì nữa? Cháu mất bao nhiêu công sức, họ Nguyễn nhà ta mới được như ngày hôm nay. Có công thì hưởng. Bây giờ việc của anh là sống sao cho sướng. Bây giờ anh có làm voi làm chuột cũng chẳng đứa nào dám hé môi.
Từ đó, Tí xoay ra nghĩ đến việc sung sướng.