Có tiếng ai gọi phía sau lưng - Hoàng! Hoàng ơi! Tôi quay lại. Một người đứng tuổi, râu ria xồm xoàm, tóc dài đến lưng, quần áo giản dị, đứng nhìn tôi bằng đôi mắt lóng lánh sự vui. Quen quá! Quái lạ! Sao bộ mặt quen đến thế? - Không nhận được ra sao? - Bộ mặt xồm xoàm kia hỏi lại. Và nghe giọng nói ấy, tôi bỗng nhận ra ngay. - Kìa! Tám! Anh Tám gàn! - Khẽ chứ - Bộ mặt xồm xoàm đảo đi đảo lại, nhìn trước nhìn sau - Không nên để cho họ biết mình. Tôi sung sướng khoác tay Tám gàn, vừa đi vừa nghĩ: "Thật đúng lúc! Có Tám, mình sẽ thấy hết cô đơn ở xứ sở kỳ quái này. Ở xứ phù thủy này, nếu ta chỉ độc thoại, không chừng sẽ hóa điên. Đối thoại là liều thuốc vơi nhẹ." - Anh đến đây bằng cách nào? - Đến lậu. Không có giấy nhập cảnh. Tôi là kẻ vượt biên. - Để làm gì nhỉ? - Để nghiên cứu. Để truy lùng. - Truy lùng ai? - Tội ác. - Tôi không hiểu. - Rồi anh sẽ hiểu ... Căn phòng Tám ở là một căn hầm để đồ, một nơi ở của những người gàn dở, một căn phòng của những kẻ thích xa lánh ồn ào. Căn phòng đó bề bộn, nhiều chai lọ, nhiều hóa chất lạ, nhiều dụng cụ cơ khí, điện, quang, nhiệt ... Nhưng nhiều nhất là những bình thủy tinh, với những nước hóa chất đủ mầu: xanh, lam, đỏ, da cam, tím vàng ... Tôi thốt lên: - Chỗ ở đó của anh giống nơi ở của những nhà luyện vàng thời cổ. Còn anh trông giống như một nhà phù thủy. - Có thể đúng. - Anh đang thực hiện một dự định không tưởng nào chăng? - Tôi đã thí nghiệm một điều ít ai nghĩ tới. Tôi may mắn lạc vào một kho sách cổ, ở đó, tôi đã tìm thấy một bản thảo kỹ thuật kỳ lạ. - Tôi chán ngấy sự kỳ lạ. Tám mỉm cười. Anh phân tích ngay phản ứng của tôi: - Anh chỉ chán ngấy sự kỳ lạ vô nhân. Nhưng đây là sự kỳ lạ bổ ích. - Anh đang sáng chế cái gì? - Đúc một thứ gương, một thứ kính đặc biệt. Nhìn qua nó, ta thấy ngay bộ mặt thật của đời. Tôi cười: - Tức là anh đã sáng chế ra một loại "chiếu yêu kính" mà các bà tiên, bà phật xưa kia đã dùng nó để bắt tróc yêu ma quỉ quái phải hiện hình. - Đúng. Nhưng vì kính của tôi chỉ dùng để tìm nhận chân tướng con người, nên tôi đề nghị gọi nó là "chân tướng kính" - Phải chăng hôm xưa, tôi và anh đã nhìn thấy chiếc kính ấy đeo trên mắt Tsê khốp? Chiếc kính không gọng? - Cũng gần giống. Nhưng chiếc kính của tôi hiền hòa hơn. Nó không dùng để phát lộ chân tướng của những người nhỏ bé với cuộc sống tủn mủn, hoen rỉ, đáng thương. Nó câm lặng, thông cảm với những kiếp người sống dở chết dở, lúc này độc ác, nhưng lúc khác có thể tốt bụng. Nó nhòe nhòa trước tiếng khóc và biết long lanh trước một nhành hoa. Nhưng, khi chiếu nó vào một kẻ độc ác đích thực, nó biết quắc lên như đôi mắt phẫn nộ, và bắt kẻ kia phải lộ nguyên hình. - Đúng. Anh là một nhà luyện vàng hiện đại. Nhưng công việc đã tiến hành đến đâu? - Tạm gọi là xong. - Tám trịnh trọng rút ở túi ra một chiếc kính rất bình thường, trao cho tôi. Tôi sờ nó, ngắm nó. Chiếc kính trắng hệt như một chiếc kính lão. Tôi thử đeo nó vào mắt. Ô hay! Kỳ dị chưa! Qua chiếc kính, căn phòng của Tám chợt như vui hẳn lên. Những bình thủy tinh đựng nước mầu chợt biến thành những chú bé tinh quái, mặc áo sặc sỡ đang toét miệng ra cười. Kìa! những con mắt như đang lấp láy với tôi. Tám hỏi: - Anh thấy sao? - Thú vị. Qua chiếc kính của anh, tôi chợt thấy cuộc sống hồng hào lên. - Nhưng sẽ có lúc nó sẽ cho anh biết thế nào là màu xám ngoét. Tôi có hai chiếc. Tặng anh chiếc ấy. Nhưng anh nhớ đừng nên lạm dụng nó. Chỉ khi nào thật cần, hãy đeo nó vào mắt. Bởi vì nguyên lý của chiếc kính này là tha thứ. Tha thứ để mà tích trữ năng lượng. Có như thế, khi gặp tội ác ta mới có đủ năng lượng phẫn nộ. Bởi vì nếu anh luôn luôn phẫn nộ với những mẩu đời oan trái, thì sợ sẽ có lúc tâm hồn anh bị ảnh hưởng, nhàm chán và sơ cứng lại. Rồi, đến khi gặp một tội ác lớn, trái tim sẽ chùn chân, và anh sẽ là kẻ lặng im tòng phạm. Sau đó, Tám trầm ngâm nói nhỏ với tôi một điều; mà chắc anh chỉ hé mở: - Khi du lịch ở xứ này, sẽ có lúc anh phải dùng đến chiếc kính của tôi. - Đây là Cực - Thiên - Thai, xứ của niềm vui. Nhưng chiếc kính của tôi lại báo hiệu, đề nghị tôi phải nhìn bằng con mắt dè dặt. Chắc anh chưa hiểu rõ xứ này. Tám dừng lại, uống nước, rồi trầm ngâm kể: - Người đứng đầu Cực - Thiên - Thai tên là A1, hay còn gọi là công dân số 1. Có thể có bốn công dân B5, hoặc một trăm công dân I6, nhưng chỉ có độc một công dân A1. A1 xây dựng đất nước này trên nền tảng triết học gọi là : chủ nghĩa cực kinh tế - cực duy lý - cực khoa học. Với ba ngọn cờ ấy, A1 đã hoàn thành được nhiều thành tựu kỳ lạ trên đất nước này. - Tôi cũng đã thấy nhiều điều kỳ dị. Ở đây, người ta không biết khóc. Tám chợt có vẻ bồn chồn. Anh đi đi lại lại bên những hàng chai lọ. Rồi anh nói: - Sướt mướt là món hàng rẻ tiền ngán ngẫm. Nhưng không biết khóc ư? Hừ! Nhân loại ở đây rồi sẽ ra sao khi những tuyến nước mắt teo tóp đi một cách điên rồ? Chỉ biết tiếng cười! Thật là một ý nghĩ tốt đẹp. Đời chỉ có hoa và tiếng cười. Ai nghe cũng thấy hay. Nhưng họ quên mất rằng, thiếu nước mắt con người sẽ trở nên hoang dại điên rồ. Phải nói rằng nước mắt là một ân sủng vĩ đại mà vũ trụ đã dành riêng cho con người. Loài người chỉ tồn tại khi còn nước mắt. Hết nước mắt, hết con người. Đột nhiên có tiếng gầm lên: - Câm đi! Đó là một luận điệu phản động của một kẻ cuồng ngôn. Tôi giật thót khi thấy hai người lạ mặt to lớn đã đứng sừng sững trong phòng Tám từ lúc nào chẳng hay. Đó là hai sĩ quan an ninh của xứ Cực - Thiên - Thai. Họ còng tay chúng tôi lại, rồi giải đi. Tôi bị nhốt trong một xà lim suốt ba hôm, không ai hỏi han tới. Tôi buồn bã suốt ngày ngồi ôm đầu. Hôm mới bị bắt, người ta nói rằng tôi đã dính líu vào một vụ gián điệp. Khi nghe vậy tôi phản đối ngay: - Gián điệp? Tôi mà là gián điệp sao? - Đúng. Một loại gián điệp về tư tưởng. - Các ông lầm to. Tôi chỉ là khách du lịch. - Anh là khách du lịch giả danh. Còn tên kia là kẻ vượt biên. Nó là một tên gián điệp chính cống. - Các ông không có bằng chứng. - Sao lại không? Viên sĩ quan bấm nút một chiếc máy phát. Cuộn băng ghi âm phát ra rành rọt tiếng nói của Tám: "Không biết khóc ư? Hừ, nhân loại ở đây rồi sẽ ra sao, khi nói những tuyến nước mắt đã bị teo tóp đi một cách điên rồ? ..." Viên sĩ quan tắt máy, rồi tiếp: - Mới đầu, tôi cũng tưởng các anh chỉ là những kẻ lạc hậu, nhưng khi chúng tôi phát hiện ra các anh đặt máy phản sóng ghi âm và ghi hình để vô hiệu hóa những con mắt điện tử của chúng tôi đã được giăng lưới, thì chúng tôi hiểu nhân dạng đích thực của các anh là những tên gián điệp. Tôi bào chữa: - Tôi hoàn toàn không biết điều đó. Và tôi xin thề với các ông rằng, cả anh bạn tôi nữa, anh ta chỉ là một nhà khoa học gàn dở. Sự điên gàn của Tám đã gây ra sự hiểu lầm cho các ông. - Cả đến việc giả định các anh là những thằng điên, chúng tôi cũng đặt ra. Chúng tôi cũng đã kiểm tra bằng những máy tinh vi để đo những tín hiệu của não các anh phát ra. Để cho những dữ kiện thu thập được hoàn toàn vô tư, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra ngầm, không cho các anh biết. Kết quả: máy cho biết rằng các anh hoàn toàn không điên, mà lại là những con người tỉnh táo, thông minh. Vậy, tóm lại, chúng tôi kết luận các anh là gián điệp. Điều đó hoàn toàn chính xác. Tôi kêu to: - Xin đừng tin vào máy. - Vậy chúng tôi tin vào cái gì? Tin vào những lời nói vu vơ của các anh hay sao? Tội các anh đã quá rõ ràng. Các anh hãy chờ đợi sự trừng phạt. - Trừng phạt? - Chiếu theo pháp luật, tội gián điệp tư tưởng là phải tẩy não. Tẩy não ư? Tôi ngồi phịch xuống ghế run rẩy ôm đầu. Hôm trước, Mi đã kể cho tôi nghe pháp luật của xứ này. Tôi hiểu tẩy não nghĩa là chúng tôi sẽ được tiêm một loại hóa chất hủy diệt chức năng tư duy. Nghĩa là, tôi vẫn sống, nhưng tôi không biết suy nghĩ nữa. Nghĩa là, tôi vẫn ăn, vẫn uống, vẫn lao động, nhưng tôi sẽ biến thành một thằng người ngớ ngẩn. Khi ai hỏi, tôi sẽ trả lời bằng một nụ cười rất hiền, nhưng ngây ngô; và người ta sẽ khen tôi : "Thằng này bây giờ khá, nó trở nên dễ chịu, thích hợp." Nghĩa là tôi sẽ trở nên một xác chết biết cử động. Nghĩa là, người ta không muốn tôi chết thực sự, vì lý do kinh tế: Phải vắt cho hết cái chất kinh tế trong cơ thể một kẻ tử tù. Nghĩa là, tóm lại, tôi sẽ biến thành một cái máy, chỉ biết lao động cho đến tắt thở. Hôm nay là ngày tù tội thứ tư ở xứ Vui, xứ Cực - Thiên - Thai. Hình ngục nan đào mà! Anh trốn đâu cho thoát. Đến trong những giấc mơ hoang đường, anh cũng bị lưu đầy. Tôi chua chát, nghĩ thầm: "Ừ! Anh bị trị tội ở đây là phải quá. Bởi vì chỉ riêng cái tội anh buồn, không phải ở đây người ta mới trừng trị, trên thế gian còn nhiều nơi trị tội đó. Còn chuyện tẩy não? Rồi mai kia anh sẽ biến thành thằng đần, thằng ngốc. Ngốc ư? Thì bao giờ anh chả là thằng ngốc. Thiên hạ ai chả ngả theo kẻ mạnh. Còn anh, lúc nào cũng mải mê suy tư. Cái sự nghĩ nó làm khổ anh. Cục u đấy. Người ta sẽ cắt bỏ cục u hộ anh, giúp anh hành trình nhẹ nhõm. Vậy thì, u uất mà làm gì?" Những ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy cũng chẳng làm tôi khuây nhẹ chút nào. Tôi chợt như thấy đau đau trong đầu lâu. Tôi hoảng hốt nghĩ đến những mũi tiêm mà họ có thể trích cho tôi vào ban đêm. Chỉ nhói một cái. Thoảng nhẹ thôi, như một con rệp hoặc một con kiến đốt. " Ôi chao! Đau quá! Tôi là một thằng bị ăn cướp não sọ. Xin các người hãy trả não lại cho ta. Ta có tội tình gì? Ta chỉ muốn nghỉ, chỉ muốn làm con người. "Tôi thét to và bỗng dưng muốn khóc. Nhưng, nước mắt sao chẳng thấy chảy ra. Lại tiếp thêm một nỗi sợ hãi. Hay là ... hay là họ đã nhỏ thuốc làm teo tuyến nước mắt của tôi rồi. Điều đó chắc chắn đã xảy ra, vì từ khi đến đây tôi đã mất cảnh giác. Tôi cay đắng, phẫn nộ: "Các người lại ăn cướp nốt cả nước mắt của ta ư?" Tôi gào thật to, và kỳ lạ chưa, trong cơn phẫn nộ nước mắt của tôi bỗng ứa ra ràn rụa. Mừng thay! Tôi sung sướng tiếp đón những giọt nước mặn nồng lăn xuống đôi môi. Tôi liếm láp như một chú mèo, khoan khoái tận hưởng vị đậm đà, sự vơi nhẹ của nó qua miệng và chảy vào máu huyết. Hôm nay là ngày tù tội thứ năm ở xứ Vui, xứ Cực - Thiên - Thai. Tôi ngồi đấy, trơ trơ ôm cái đầu lâu nóng bỏng. Những giọt nước mắt mặn nồng vẫn lăn xuống đôi môi thèm khát. Tôi nhớ rõ ràng đêm nào đó, một bàn tay thơm ngát đã nhẹ nhàng nhỏ vào hai khóe mắt tôi hai giọt thuốc. Hai giọt thuốc mát lạnh làm tôi chợt tỉnh, và trong đêm đen, tôi chợt nhận thấy màu hồng. Thuốc quỉ hay thuốc tiên? Chỉ biết rằng, mỗi buổi chiều về, tôi cứ thấy đôi mi trĩu nặng. Đôi mi phập phồng. Có lẽ những giọt nước mắt bị lưu đày vĩnh viễn đã hồi hương, chúng lủi thủi trở về quê nhà, trở về quê Mắt, nhưng tấm tức vì không làm trôi ra được. Những giọt nước mắt héo hon vì chẳng được sinh sôi. Trong vũ trụ, chỉ có hai loài biết khóc. Thứ nhất là loài đêm. Đêm xấu xí nhưng hiền hậu. Ai cũng sợ cái mặt mịt mùng của nó, nhưng ai cũng yêu đêm. Mầm sinh sôi nảy ra từ đêm tối. Con tinh trùng gặp trứng từ đêm đen ướt át. Đêm nhỏ những giọt khóc long lanh đôn hậu, rắc những hạt sương ngọc, treo trên cỏ hèn lá úa. Thứ hai là loài người. Chẳng thấy ai tra hỏi gì về cội nguồn của nước mắt con người. Khoa học bảo nước mắt sinh ra từ tuyến lệ. Thật là một sự nhầm lẫn tai hại. Qua tự nghiệm, tôi đoán chắc rằng nước mắt chảy ra từ đáy thẳm tâm hồn. Tôi biết rõ điều ấy, vì bàn tay thơm ngát đêm xưa đã nhỏ thuốc hủy diệt vào mắt tôi chính là bàn tay cô Mi. Bàn tay run run như ngập ngừng và hối hận. Tôi tha thứ cho cô gái lầm lạc, vì tôi linh cảm rằng nước mắt sẽ trở về với tôi. Mấy hôm vừa qua, trái tim tôi vẫn phập phồng, nó vẫn thì thầm gọi những giọt nước mắt mặn nồn trở về. Còn đôi mi mắt tôi vẫn trĩu nặng rưng rưng. Tôi đã trải qua bao âu lo, nghi ngờ, sợ hãi ... Nhưng đến lúc này, thì nước mắt ấm áo lại từ nguồn thẳm trong tôi tuôn ra rào rạt. Bàn tay thơm ngát của Mi đêm xưa run run. Tôi nhớ rõ ràng như vậy, bàn tay ấy đặt lên mặt tôi, vuốt ve, rồi ngập ngừng, lẩy bẩy ấy, nên tôi hiểu trong tận cùng trái tim cô, cũng vẫn còn dư đọng một vài giọt nước long lanh. Cũng vì vậy, nên tôi tha thứ cho cô. Hôm nay là ngày tù tội thứ sáu ở xứ Vui, xứ Cực - Thiên - Thai. Tôi run rẩy ôm cái đầu lâu nóng bỏng ngồi chờ chết. Tôi được biết rằng ở đây người ta còn có cả một kỹ nghệ khổng lồ ứng dụng vật lý học, hóa học, sinh học ... vào việc tẩy não. Có thể người ta tiêm hóa chất để hủy diệt tư duy. Có thể người ta dùng một dòng điện, kết hợp với một kỹ thuật đặc biệt nào đó, để làm tê liệt một bộ phận của não. Cũng có thể người ta dùng phẫu thuật để cắt bỏ, cấy ghép ... Tư duy bao giờ cũng gắn liền với ngôn ngữ. Như vậy, tôi có thể biến thành một thằng câm. Tôi cay đắng tự nhủ: "Hoàng ơi! Đáng đời mày lắm! Sao mày lại cầm bút? Sinh ư nghệ, tử ư nghệ. Một nhà văn, một nhà báo lại vừa câm vừa ngốc. Đã thấy thú vị chưa? Mà mày cũng đừng nên oán thán; bởi vì đã có một kỹ nghệ khổng lồ tẩy não, thì ắt phải có một số đông người bị tẩy não. Vậy là, đã có một nhân loại bị khoét óc, cắt lưỡi. Mày sẽ không cô đơn. Cái nhân loại thảm thương ấy ít nhất cũng còn những bàn tay, ít nhất cũng còn tiếng bập bẹ cảm thương, để du dím mày, để xót xa cho mày, nếu không phải bằng nước mắt thì cũng bằng những tia nhìn hiền hậu. Cũng có thể mày còn cô đơn hơn mày tưởng tượng, bởi vì trừng phạt cũng chia ra nhiều mức độ. Sẽ có kẻ chỉ riêng bị câm; sẽ có kẻ chỉ còn biết hát như máy ghi âm ... Người ta sẽ có biện pháp để phân hóa cái đám nhân loại tật nguyền ấy; để cho họ tự tố cáo lẫn nhau, tranh giành lẫn nhau, cấu xé lẫn nhau; để cho họ mất khả thể biến thành một cộng đồng có tiềm năng phẫn nộ. Trong cái bậc thang tật nguyền; kẻ nào bị hình phạt mất nguyên bộ tư duy là nặng nề nhất. Mày ở trong số hiếm, vậy sự cô đơn của mày sẽ sâu đậm hơn. Có thể gọi là Cực - Cô Đơn. Hiếm nhưng không phải là độc nhất; vậy mày vẫn có thể tự an ủi là vẫn còn có ốc đảo trú chân, mày vẫn còn những bạn bè tật nguyền của mày, tuy ít ỏi ... Thiên chúa giáo có Thiên đàng; Phật giáo có Niết bàn; con người xây dựng Cực - Thiên - Thai. Vậy, tôi sẽ đi đâu, sẽ về đâu? Tôi làm gì nên tôi mà tất cả các cộng đồng đều như muốn xua đuổi tôi, khai trừ tôi, thậm chí muốn ăn thịt tôi? Một tiếng thì thầm quen thuộc bỗng văng vẳng trong óc: "Kìa! Anh Hoàng, sao lại bi phẫn thế? Đừng nên bi kịch hóa cuộc sống. Tôi biết anh là một người theo tôn giáo." Tôi cãi lại: "Tôn giáo nào? Tôi chưa bao giờ phát nguyện." Tiếng thì thầm như đùa cợt, lại vừa như nghiêm túc: "Đạo Nước - Mắt. Anh quên rồi sao?" Tôi cáu kỉnh: "Hừ! Đừng có đùa!" Nghe cứ như tiếng anh bạn thân suốt đời chỉ biết bông lơn. Nhưng cũng có thể là tiếng một anh bạn khác suốt đời chỉ biết nghiêm nghị. Và, cũng có thể là tiếng châm chọc của một người thù địch với tôi. Tôi băn khoăn, chợt cảm thấy như có ai đang chăm chú nhìn mình. Tôi ngẩng đầu, và nhận ra người sĩ quan an ninh đang lặng lẽ đứng trước mặt. - Ông đến tự bao giờ? - Tôi hỏi. - Tôi mở cửa, vào đã lâu mà ông không biết. - Nghĩa là ông bắt gặp tôi khóc? - Lần đầu tiên tôi trông thấy người khóc. Tôi châm chọc: - Cảm tưởng của ông ra sao? Chắc khó chịu? Người sĩ quan cười: - Đó là một lĩnh vực mà ... tôi chưa hề có kinh nghiệm. Nhưng ... - người sĩ quan hạ giọng - nhưng ... có lẽ người ta tha ông là phải. - Ha ha ... Tôi được tha vì tôi biết khóc. Khuôn mặt tình cảm của người sĩ quan bỗng nhiên đanh lại và trở về sắt đá: - Tôi khuyên ông nên nghiêm túc. Chính câu nói vừa rồi của ông có một hàm nghĩa phạm tội. Tôi nhắc để ông biết, ông là người may mắn. Chính công dân A1 đã tự tay ký lệnh tha ông. Nhiệm vụ của ông lúc này là phải sửa sang trang phục chỉnh tề, giữ cho vẽ mặt tươi tắn, để đi đến lầu đài cảm ơn lượng bao dung của người.