Si-yeou-ki(Saigon – Paris – Bruxelles - Rome - Istanbul - Saigon)
(29 avril – 3 juillet 1963)
Tây du ký (29-4 đến 3-7-1963).Hôm nay 12-6-1978, ngồi đánh máy mấy trang truyện cũ nầy, và lật hồ sơ buổi Tây Du ký năm trước xem lại, bồi hồi và bàng hoàng như vừa tỉnh một giấc chiêm bao êm đẹp; mười lăm năm đã trôi qua, 1963-1978, mau quá.
29-4-1963 - Chuyến máy bay Air France kỳ 30 avril không có, nên dời cho mình lên đường hôm nay. Lòng nôn nao đã mấy bữa khó ăn khó ngủ, vừa 8 giờ tối đã gọi taxi cùng với Bảo và mẹ Bảo, với một xách tay lớn, đưa nhau lên hãng máy bay tại nhà hàng Caravelle, đường Tự Do. 9 giờ có xe ca lớn chở năm ba bộ hành lèo tèo lên sân bay Tân Sơn Nhứt thì đã chực sẵn để đưa lên đường, ông Phạm Biểu Tâm, bác sĩ, có thực tâm và giúp mình nhiều việc nhưng cho đến nay mình chưa báo đáp được chút gì, và bác sĩ Nguyễn Ngọc Nhuận, bạn học cũ trường Chasseloup, đến đưa để nhờ mua thuốc vì Sài Gòn không có. Từ giã lẹ vợ con. 10g50 máy bay cất cánh, 12 giờ khuya đến Bangkok, hãng buộc hành khách xuống sân để phi cơ tiếp nhận xăng, nực cười con mắt nhắm con mắt mở, đứng giữa sân bỗng nghe tiếng ai kêu tên mình thật lớn; “Sển! “. Mừng quá tưởng đâu tha hương ngộ cố tri, té ra đó là anh khổ lực Tiều Châu đẩy xe chở hàng cho hãng gọi thằng từng Tiều Châu khác trùng tên với mình, Sển ở Sài Gòn số ít, Sển ở Thái Lan, nhiều như tôm ươn ế ẩm buổi chợ chiều. Cu-li đẩy xe ở đây cũng Sển nầy Sển nọ. Và cũng nực cười cho nhân vị một tên dân Việt xuất xứ. Một đàng căn dặn ở trên nói xuống, một hai khi ra nước ngoài, hãy giữ thể thống, hãy trọng nhân vị. Nhân vị gì khi xuất ngoại, tuy có tiền mà không mua được đô la theo yêu cầu để đủ xây xài.
Tại ga sân bay Bangkok, việc đầu tiên là nếm mùi ngó khách lạ uống rượu và cà phê mà mình ngó miệng đủ no. 1 giờ khuya hành khách lên tàu, bay thống thét, 4 giờ sáng tới Karachỉ, nghỉ đây một giờ; mình không xuống ga, ở lại trên tàu mặc cho lao công quét dọn; kế bay qua Téhéran, thì trời vừa rạng sáng. Cà phê ở đây ngon đặc biệt, nhưng khen phò mã tết áo là thừa, đâu phải cà phê xứ mình nữa. Kế bay qua Rome, nghỉ cánh một giờ, rồi bay thẳng tới Orly là 12 giờ 30. Buổi cơm dọn trên tàu, đã không ngon thêm phá bụng.
Thứ ba 30-4 - Tàu tới ga, hành khách xuống, có một nhân viên còn trẻ, râu cá chốt, xưng đại diện toà lãnh sự Việt, đến liếc mất làm tình rồi biến mất, phận sự của anh đối với tôi, chân ướt chân ráo xứ lạ, chỉ có bao nhiêu ấy, anh cho là đủ rồi; vì đã có sở ngoại giao Pháp phái một nữ nhân viên, bà Brotel, lấy xe của bộ, đến sân bay Orly, nhận giùm xách tay, làm thủ tục đoan, và đưa mình về Paris, mình xuống nhà bác sĩ Harter 160 đường Bronlel, là bạn quen cũ biết và mến nhau từ Sài Gòn; buổi chiều bà Brotel đem xe lại rước mình đến bộ ngoại giao nhận số liền trợ cấp để chi dụng trên đất Pháp. Một bà mạng phụ tiếp tử tế, giao 1.500 NF rằng hãy tạm nhận bao nhiêu đây, qua tháng sau sẽ đến nhận nết một số tương đương như vậy nữa (1.500 NF), bà không trao hết một lần, vì sợ rủi ro mất mát. Còn về sự chi tiêu, chánh phủ pháp không dòm ngó chi cá, để mặc cho mình, biết khôn thì nhờ, bằng muốn ăn xài cho thoả không học hành chi, thì cũng mặc; đó là vì tôn trọng tự do của ông đó. Thưa bà, tôi nào có nói chi. Qua đây dốc lòng “ăn” và “học”. Học đã sẵn viện báo tàng Guimel làm nơi làm việc, và các viện khác sẽ viếng khớp, cho đúng câu bồi bổ tỉnh thần; rồi sau đó, về vấn đề “ăn”, thì sẽ rán tận lực ăn, ăn cho biết món ngon mẫu quốc, nhứt là cái kia, cũng muốn sẵn dịp trả thù cho biết. Dầu bà không hỏi, sẵn đây gọi là phúc trình muộn. Tôi đã viếng được các nơi sau đây:
- Viếng toà lãnh sự Việt, 45 đại lộ Villiers, chào ông Phạm Khắc Hy, ngày 2/5;
- Viếng vùng Louveciennes, ngủ đêm ở đây, nhà phụ mẫu bác sĩ Harter, ngày 3/5;
- Chào bà Dupont, quả phu quản thủ viện bảo tàng Sài Gòn, và viếng mộ bà Christine Bruel, ân nhân trước cho mượn tiền xây dựng nhà tại Gia Định, 5-5;
- Viếng cung điện Versailles, ngày 9/5. Ngày 12/5, trở lại xem một lần nữa, nhưng vẫn không mãn nhãn; Viếng lò làm đồ gốm Sèvres, hoa viên Saint- Cloud, và musée Cernuschi, 12/5;
- Viếng đại học đường Collège de France, chào bác sĩ Filliozat, vì nay trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội tạm đặt trụ sở nơi trường nầy, ngày 15/5;
- Chào ông G. Coedès, cựu Viện trưởng Trường Bác cổ và cô Auboyer~ nữ quản thủ viện bảo tàng Guimet, nói chuyện với ông Elisseeff ngày 15/5;
- Viếng trở lại Musée National de Céramique ở Sèvres, chiều dùng cơm với Lafont, nhân viên Trường Bác cổ tại quán cơrn đường Sorbonne, ngày 16/5;
- Viếng điện Panthéon, ăn cơm Việt quán cơm Viện đường Monge ngày 18/5.
- Viếng cung điện Fontainebleau, dùng bữa tại quán xưa Napoléon từng đến, 19/5;
- Viếng Paris, điện Louvre, nhà thờ Notre Dam, cửa khải hoàn Arc de Triomphe, tháp Eiffel, ngày 20/5;
- Viếng lăng hoàng đế Napoléon tại Hôtel des Invalides, mộ tướng Foch, đi một vòng xem địa thế vùng Montmartre, xem nhà hát lớn Opéra, ngày 21/5;
- Viếng dưỡng đường Saint Louis, dùng bữa với các bác sĩ nơi Garderie Saint Louis, thấy nhiều tục lạ, các bác sĩ chào nhau bằng đi một vòng bàn ăn, lấy ngón tay chấm vào lưng bạn, chớ không bắt tay, và sinh viên học thuốc nơi đây vẽ hình tục tĩu đầy vách, bêu riếu giáo sư nhiều là thương nhiều, 22/5;
- Viếng cung điện cũ ở Blois của vua Francois 1er, điện Chambord, rồi qua điện Cheverny, xem mộ vua Louis XI và nghe một mục sư diễn và chỉ sọ vua Louis XI cho công chúng xem. Khi sống thì oai, khi chết chúng chỉ sọ trọng phơi bày trước mất công chúng, oai quyền còn đâu, ngày 23/5; Viếng hoa viên Olivet, xem điện Beaugency, xem nhà thờ Orléans, ngày 26/5;
- Viếng tỷ mỹ hành lang Galerie d apollon lại điện Louvre, thấy đủ thứ ngọc đã tả nơi bài số 27 trong tập; Bijoux de la Couronne, châu báu từ vua Francios 1er đến vua Louis XVI, viên kim cương le Régent, nặng 138 ca-ra. 27/5;
- Viếng cuộc triển lãm gốm mỹ thuật tại Sèvres, biết được ở Pháp, gốm tân chế giá mắc không thua gốm cổ bên mình, tuỳ người chế tạo Picasso, Le Corbusier, Cocteau, miễn là nhà tài tử hữu danh, là mắc tiền. Ngày 28/5;
- Sáng nầy nhơn đến viện Louvre xem phòng Hy Lạp, La Mã về nữ trang cổ, bà kiểm vé cửa, thấy đề trên thiếp mình là Quản thủ viện bảo tàng Sài Gòn, bà giới thiệu và đưa mình vào xem triển lãm châu báu hoàng triều Thuỵ Điển, gồm kiều khấu yên ngựa cổ dát vàng, gươm báu bịt vàng, và còi đi săn có nhận kim cương của vua Charles VIII, thật lạ mắt; 30- 5- 63.
- Viếng khám Conciergerie đời Cách Mạng Pháp năm 1789, nhốt bà hoàng hậu Marie - Antionette, và lưới gươm chém đầu vua Louis XVI; 31-5-63;
- Viếng lò sứ và lâu đài cổ ở Gien, đi xe ca du lịch nên rẻ tiền; 2-6-63;
- Viếng vùng Champagne, nơi trồng nho và chế rượu sâm banh, xuống hầm dài 48 km là chỗ để rượu dịu lại (xem một đoạn), được thưởng rượu ngon, tha hồ uống không lấy tiền; Champagne là cựu chiến trường; viếng nhà thờ Reims; 3-6-63;
- Viếng viện bảo tàng thuộc địa gọi Musée de la France d Outre-Men, và ghé Hôtel Drouot là nhà bán đấu giá, cũng y như nhà tầm tầm Sài Gòn buổi xưa nếu kể về sự dơ bẩn. Nhưng Hotel Drouot vĩ đại, và chia ra nhiều phòng có hộ giá viên riêng đều là chuyên gia; gốm, sứ, bội tinh, sách cổ; ngày 5/6;
- Đi Lisieux ngày 8/6 bằng xe hoả tốc hành, thăm cố ân sư dạy sử ở Chasseloup là B. Bourotte, đêm ngủ tại đây và đàm đạo đến khuya, rạng ngày 10/6 về Paris, dè đâu là lần chót, vĩnh biệt hay sẽ gặp lại ông bà Bourotte ở huỳnh tuyền. Hôm nay tận lực giúp viện Guimet và nữ chuyên gia Daisy Lion -Goldschmidt sắp lại bộ môn đồ sứ của ông Grandidier đi tặng viện và để trên gác vì không người khảo cứu rành. Bà Goldschmidt tặng sách và hứa sẽ mời trở qua tiếp tục xếp lại bộ môn nầy, nhưng từ ấy bặt vô âm tín, tôi thì không vận động xin xỏ nên chuyện xếp đặt đồ xưa thành bánh vẽ. Ngày 13/6/1963;
- Xem diễn kịch ở rạp Théâtre du Vieux Colombier, tệ xấu, chỉ có danh (15/6).
- Viếng viện Pasteur Paris với viện trưởng là bác sĩ Girard, quen trước, xong rồi bác sĩ đưa về nhà ở Garches đãi cơm. 15 giờ ông lái xe đưa về Paris, nhưng đã trễ chuyến đi viếng hầm chôn xác và nơi tụ hợp Cách mạng les Catacombes. Bèn xin để mình xuống lựa sách đường Monsieur le Prince, bắt tay lần chót và không gặp ông lại nữa. Ngày 15/6.
- Trở lại viếng tháp Eiffel và Nhân chủng viện (Musée de l’ Homme) 16/6;
- Sáng 18/6, lên tàu hoả lốc hành đi Bruxelles, kinh đô nước Bỉ (Belgique) 7 giờ 33 xe chạy, 10 giờ 27 xe đến nơi; một lần đầu đi xe train - express, thật là khoái trá. Đến đây thất vọng lớn, vì bà Houyoux, viết thơ xin hẹn trước bà không trả lời, nay đến tìm thì bà đã về hưu; muốn xem cho được đồ cổ, lên taxi, xe đến chỗ, kim đồng hồ chỉ 49 F., móc ví trả 60 F., mà bác tài chưa chịu, kèo nài thêm 5F, nữa mới vừa lòng, nếu vậy thì bác tài Sài Gòn còn phải đến học nghề nơi kinh đô nước Bỉ. Nhưng có chỗ an ủi, vì viện Bỉ Musée du Cinquantenaire, phong phú gấp mươi lần viện Guimet, kể về đồ gốm men ngọc Thanh Hoá, có trống đồng, có cốt momie (xác ướp khô, ngót ngàn năm còn nguyên vẹn); có đồ cổ đồng xưa không kém các viện nào, duy đồ sứ men lam Huế, ở đây không có một mống nào, vì thuộc địa của Bỉ là xứ da đen không có đồ sành bleu de Huế. Trái lại đồ gốm men ngọc ở đây thật là nhiều và rất cổ, vì nghe đâu có một nhân viên trường Bác cổ, đề nghị bán bộ môn sưu tập của va cho viện Guimet, rồi giận vì trả giá không đúng, nên ôm hết qua Bỉ bán hết vào viện nầy, một cơn giận nhỏ làm hư hại cho nước Pháp không ít. Ở viện nầy ra về, còn tìm đến le Pavillon chinois ở Laeken, xem tiếp bộ môn chén trà Trung Hoa và một trà đình bằng gỗ rất nên thơ, nhưng xem lại những chén trà nầy toàn loại ngũ sắc, còn mới độ vào đời Đạo Quang đến Quang Tự và Tây Thái hậu đây thôi và như vậy còn kém bộ môn của mình xa. Ở Laeken về Bruxelles, học được khôn, đi xe buýt rẻ tiền và không đưa cổ cho taxi cắt như buổi sáng nữa. Đêm nay trọ phòng ở kinh đô Bỉ, sạch và thoả mái, nhứt là ở Bỉ, bánh mì ăn tan trong miệng, ước sức ở xứ mình có bán, sáng điểm tâm bằng bánh, khỏi giặm hột gà om-lết, cũng đủ ngon. Cố ân sư một hai căn dặn tới Bỉ, nên nếm bánh mì ổ và bánh mì chiếc đũa (baguette), đến đây thí nghiệm quả lời thầy Bourotte, không sai. Buổi chiều thả bách bộ cho biết chợ Bruxelles, thấy bán hánh mì lạp xường, mua ăn đỡ buổi cơm, nhưng không khoái khẩu, vì lạp xường họ chiên trong mỡ chớ không nướng lửa than như bên mình, ăn vô ở cổ và nặng bụng, thao thức không ngủ. Sáng sớm đi xe điện trở lại Laeken, tốn có 5 F., thay vì mấy chục quan hôm rồi. Xem lại ngôi trà đình bằng gỗ, thấy mà tội nghiệp cho gỗ thuộc địa, qua xứ lạnh như người vong hương, coi bộ không đứng vững được lâu. Thiếu hơi nóng mặt trời và qua mùa tuyết, nóc lãnh đủ lớp tuyết dày, ắt sập. Đến trưa từ giã hai người quản thủ Belge, đón xe tramway (xe điện) đưa đến ga tàu hoả, vé 5 F., vừa đến bến, xe về Paris sắp sửa lăn bánh, nhảy càn lên toa hạng thường bất chấp vé mua hạng nhứt, miễn về sớm tới Paris là thích chí, và còn sướng hơn đeo xe buýt Sài Gòn ngày nay bá bội. Khởi hành 10 giờ 50, xe đến gare du Nord là 14 giờ 50, vì không phải chuyến tốc hành. Còn lại bánh Bỉ hai bánh mua 8,70 Fr hồi sáng, ăn trừ cơm, còn ngon hơn bánh croissant Paris (19-6-63).
Hôm nay, trời Paris mưa buồn tối, rán đi Musée de l Homme, vẫn còn hấp dẫn, cũng có đủ xác ướp khô, hình nộm về nhân chủng học đủ các sắc dân hoàn cầu, có một hình nộm một hoa khôi Hottentole loã thể, xem đã nhiều lần, mà mỗi lần tới đây, bắt đứng tần ngần nghĩ nghị xa gần, không biết đàn bà xứ gì quái gở đến bực nầy, mà tại sao xấu tệ mà hấp dẫn ghê hay cặp nhãn mình đã bại hoại rồi (ngày 20~6); lối nay cô J. Auboyer lái xe đưa về nhà, ghé mua món ăn sẵn, cơm xoàng nhưng thân, nhà trên nồng cao, vách bằng thuỷ tinh, thấy Paris về đêm như cảnh tiên. Cô bé mặc y phục Việt ngồi bên tôi, nay đa bao lớn?
- Viếng Château de Vincennes với bác sĩ Harter để từ giã luôn trước khi lên đường rời Paris, dắt nhau trở lại Salle de garde de l’ hôpital Saint Louis, ở đây vừa cơm ngon, vừa không tốn tiền vì Harter đài thọ, vừa nói chuyện vui vì các bác sĩ ở đây rất cởi mở, không phân biệt màu da. (Ngày 21-6);
Bữa nay là ngày áp chót (25-6-1963) còn không mấy giờ nữa là từ giã Paris. Paris quyến rũ thật, ban đầu lạ sau quen, vừa biết mê là đã hết hạn kỳ. Lòng vẫn nao nao trông mau về nhà mau thấy mặt vợ con, vì sức đã thấm mệt, tiền túi đã nhót, sự tận lực trong ngót hai tháng nơi xứ lạnh, khi mưa khi gió bất thường, chúng bạn quen người Việt đều sổ mũi nhức đầu, mình cũng như ai, làm sao tránh mãi việc phong vân bất trắc. Sáng để bụng đói, xuống xe ngầm mé tro đi một hơi đến viên-lâm Bois de Vincennes, đến vườn bách thú (jardin zoologique), khéo gấp mấy lần vườn thú bên la, thêm có nhiều thú vật lạ; gấu trắng Nga, lạc đà Mông Cổ, voi Phi châu, tượng Á châu, ngựa rằn, bò bướu, con lê ngưu đủ hai loại, loại có một sừng và loại đủ hai sừng; sư tử Phi châu và cọp Tây tạng, nhứt là loại tạp chủng, đúc tréo (croisé ); tên mới đặt là tigron hoặc tiglon, cha là sư tử, nên đầu bồm xồm cổ xù, và mẹ là cọp, nên mình vằn vện. Giống nầy không sanh đẻ, muốn có, phải đúc lại (hỗn huyết; hybride). Có con hươu cao cổ (girafe), nhưng tôi vẫn thích và trở lại xem con tê ngưu một sừng, của Á châu, hình thù dị kỳ như người giáp sĩ thượng cổ mình mặc giáp sắt, trong rừng nó ăn gai, càng cất miệng càng đã thèm, và uống nước khuấy cho đục ngầu mới uống, chẳng qua biết mình không đẹp nên không muốn thấy bóng soi dưới nước, nhưng chẳng qua tê ngưu tự tìm cái khổ, hạnh phúc kề bên mà không biết tận hưởng, và đời có cần gì đẹp, sức mạnh vô biên của tê ngưu đực là đủ tê ngưu cái mê rồi. Kế bên anh chàng vô phúc ấy, có con bạn đồng loại, sanh tại Phi châu, nhỏ con hơn, nhưng dầu có đến hai sừng? Ăn điểm tâm tại vườn, uống cốc bière, ở chơi đến mười một giờ, thả lần lại đường La Huchette, nhà Đào Khiết, rua ba cuốn sách xuất bản tại Hà Nội, rồi đến nhà bà Dupont đường Boursault, bà đãi một bùa cơm từ giã, đến tối thay y phục đến dự cơm khách nhà bà Bensusan, trước có qua Sài Gòn, ham chơi đồ cổ, tiệc tám người, chuyển về theo mé tro, tới phòng là 12g, 1-4.
- Trọn ngày 26/6, thức dậy sớm, xếp đặt hành lý, đi đến đâu cũng là một cử chỉ kể như lần chót; uống cốc cà-phê góc đường Monge, từ giã bác sĩ Nguyễn Trần Huân, vợ chồng Lý Công Trinh, để trong tập lưu bút họ Lý; đêm vui rồi cũng dứt, hai tháng Paris có bao nhiêu? Tình một xứ, tình biết nhau từ thuở nhỏ, tình tha hương niềm nở như vầy rồi cũng phải chia tay. Tạm biệt hay là vĩnh biệt, rồi cũng gặp nhau có ngày. Đêm chót ở Paris, 26-6-1963.
27-6-1963 - Mấy hàng nầy viết tại nước Ý, nơi thành La Mã, trong một ký túc xá gọi Pensione LE PALME, số 160 đường Flaminica thuộc chung một cao ốc Salvia, đến đây hồi 11 giờ 30 trưa, nhớ sáng sớm còn ở Paris, métro và các thứ xe công cộng đều đình công, may thời có phước tinh là bà Roux lái xe mượn của người quen, giải vây, chạy như bay đến Orly vừa kịp lên tàu bay thì kim đồng hồ chỉ 8 giờ 30, qua 8 giờ 55, máy bay cất cánh. Lúc ở ga chờ làm thủ tục cân hành lý và kiểm vé, bà Roux tỉ tê tâm sự, rằng tiếc vì lúc mình ở Paris, nhà bà có khách tá túc nên không mời mình đến ở cho đỡ tốn (sau về xứ rõ được lão khách nói đây là Nguyễn Đình Thuần). Máy bay bay cao trên ngàn thước.
10 giờ 55 đáp xuống sân bay La Mã, thì đã có sẵn ông Corsini, trước là đệ nhứt thơ ký toà lãnh sự Ý tại Sài Gòn, nay về nghỉ phép ở quê hương, cũng bạn chơi đồ cổ, và có thạnh tình làm hướng đạo cho mình trong mấy ngày dừng chơi nước Ý. Ông Corsini khiêm tốn và khả ái thật, nhưng mình không dám lợi dụng lòng tốt của ông nhiều, lúc ra sân bay rước mình, tự ông xách giùm hành lý lên taxi, và giành trả tiền xe, thêm cho mình mượn mười ngàn đồng lire (tiền nước Ý) để xoay xở nơi nước lạ đường xa nầy, ơn ấy tôi không bao giờ dám quên nhưng buổi ấy liếc thấy ông cùng đi với một cô gái đẹp người Đức, thầm nghĩ có lẽ đây là vị hôn thê của ông chăng, nên tự thoái thác đi đường riệt, xin miễn dự buổi tiệc ông mời về nhà, để dùng thì giờ mua vài tấm thiếp gởi anh em và viết mấy trang ký sự. Bao việc xảy đến cho mình đều như tiền định. Cám ơn nước Pháp cho mình một dịp may đi “ăn và học”. Về học, nhớ lại khi kể lể mấy trang trên đến phát chán, thì chẳng là mình học rất nhiều, duy thồn đọng kiểu bồ câu ra ràng ngốn mồi của mẹ đút, nuốt không kịp thở biết sau nầy có còn nhớ được chút nào chăng. Nhưng than ôi, học khá nhiều, nhưng vô sở dụng, về tới nhà không bao lâu thì lão Khánh cho ra rìa, đành ôm mớ hiểu biết làm của riêng như con nhện già ôm bọc trứng. Duy kể về “ăn”, đây là đặc quyền sở hữu của riêng, không chánh phủ nào kiểm tra và dạy phải phúc trình, cái tuổi quá sáu mươi còn gì là lạc thú, trong bốn thú trời dành, đứng đau há chẳng là “ăn”? Ở Bỉ nếm bánh mì ba-ghết (baguette) ở nước Pháp suốt hai tháng, nào pho-mát, nào thịt chiên, thịt nướng, nào trái cây tươi, nào lòng bò nấu theo kiểu tỉnh Caen (tripes à la mòde de Caen) bên xứ mình vẫn nấu được nhưng vì thiếu cải-lach (moutarde) nên mất vị. Nhứt là những buổi tiệc tại gia, mỗi nhà ở kinh đô và ở vùng sông Loire, nhớ tới rượu vang mỗi khi xe ca du lịch tổ chức viếng lâu đài cổ, trải qua vùng nào đều mời thường thức rượu đầu mùa hay rượu để lâu năm kiểu Champagne quảng cáo uống líp theo tửu lượng và khỏi trả tiền, nhớ hơn nữa là tấm thạnh tình chân thật của cô Jeannine Auboyer, Quản thủ viện bảo tàng Guimet, nhà cô đơn chiếc, gái độc thân, thế mà cũng mời đãi mình bữa nọ, nhớ cô ghé xe mua trong phố món ăn là in sẵn nhưng nhớ đến vuông nhà toàn bằng kính thuỷ tinh trong sáng như vậy mà ăn ở mãn đời trong nhà “kiếng” ấy mà không chói mắt sao? Nếu bên xứ mình thì không khác sống trong lò quay nhưng nhờ khí độ Paris, lạnh nhiều hơn nóng và vẫn thiếu ánh sáng mật trời, cho nên đêm ấy, ngồi trong lồng kính ngấm muôn sao trên vòm trời và muôn ngàn đốm sáng từ vùng kinh đô ánh sáng chiếu lên, thì quả là cảnh Thiên thai trên địa thế. Nhà cô Auboyer hôm ấy chỉ có sáu người nhà, cô là bà bạn “chủ nhà chung”, bốn trẻ ba trai một gái, cô nầy hôm ấy vận quốc phục Việt Nam để tiếp đãi tôi thêm long trọng, với tôi nữa là bảy người nhập tiệc, cô Auboyer là một học giả uyên thâm về ngành khảo cổ, nhưng cách cô tiếp đãi, nó nhã nhặn và thật tình làm sao. Mình là gì, mà được trọng đãi như vầy, nghĩ mà hổ, và không khỏi đổ thừa cho bớt thẹn là “giai cho tiền định”.
Nay tới xứ của lão Marco Po lo (1254 - 1323) là tay hầu cận vua Hốt Tất Liệt đời Nguyên. Lão ăn cắp thuật làm mì của Trung Hoa, chừng nào mình được nếm? Thối thác không dự tiệc của ông C. là cố ý, muốn ăn theo bình dân ở quán trọ cho biết thú phong lưu nếm cho đủ mùi đời. Quả nhiên nhà tôi tá túc đây, là ký túc xá khách ngồi bàn có đủ sức, một Nhật Bản, một người da đen, hai người kỹ sư một Đài Loan, một Trung Hoa lục địa, và tôi, ông Corsini khi chọn chỗ nầy cho tôi là khéo trí hết sức, phòng nầy vừa ở gần nhà của ông đi bộ cũng tới khỏi cần xe, thêm được yên tịnh, sạch sẽ và không mắc tiền. Mỗi buổi sáng điểm tâm bánh mì, khi là baguette, khi là bánh nute, (dài và vóc nhỏ như ống sáo, ít ruột, da vàng lườm và bột ngon không thua bánh nước Bỉ làm ở Bruxelles), cà-phê pha một tô đầy, nêm sữa thật nhiều, thêm đĩa bơ lạt, ổ đĩa bơ lạt, nhớ tới thèm rỏ dãi. Ý còn là xứ lạnh, La Mã mát mẻ dễ chịu, nên bơ ở đây họ không để nguyên cục và họ nạo bằng dụng cụ gì mà mỗi miếng bơ khéo như vỏ sò, giống cái ngao nho nhỏ xinh xinh, vừa lấy mũi dao khều và phết vào bánh mì, thì bơ ríu ríu dính theo dao, và thau trong miệng vừa thơm thêm ngon ngọt. Tôi ở đây mấy ngày, mà tiền ăn tiền phòng: tính lại không bằng một bữa cơm xoàng xĩnh của tửu lâu Caravelle độ nọ. Hôm 27-6, khi đến La Mã, tôi dùng bữa cơm nhẹ lại ký túc xá, nằm nghỉ lưng và tắm nước mát thấy phục hồi sức lực lại. 15 giờ tôi thay y phục đến nhà Corsini, mới rõ đây là nhà một hầu tước Corsini cha trước là giáo sư trường luật có danh, nay đã khuất, bà mạng phụ trông còn khỏe và nhã nhặn đài các lắm. Bạn Corsini của tôi còn một em gái xinh đẹp đúng là con nhà gia lễ, nói chuyện tiếng Pháp rất bặt thiệp, và rất có duyên; không như cô gái Đức, cũng là tân khách nhà nầy như tôi, quả là vị hôn thê của ông chủ con, nên nội nhà đều lăng xăng niềm nở với cô lắm, chính Corsini cũng quýnh quít với cô nhưng tôi không hạp nhãn và có linh tánh cô nầy quá lạnh lùng và xa vời, làm tình vài bữa thì hay, làm bạn trăm năm thì lâu ngày ắt trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Duy được một cái là gái Đức xưng hô cũng “dạ” như mình.
Chào thân mẫu và em gái chủ nhà xong, Corsini và cô Đức và tôi đồng xuống lầu cùng lên tai dạo một vòng cho biết thành La Mã; Basilique de Saint-pierre (đại giáo đường thánh Pierre), Colisée (cổ đấu trường trứ danh), Catacombes (hầm chôn cốt dưới đất sâu và cũng chỗ tụ hội xưa của dân La Mã), và một Basilique (giáo đường) ở ngoại ô, nhỏ thôi nhưng xinh xắn, lúc ấy đang kinh chiều, tiếng ngân nga trong vất từ trong giáo đường vọng ra, thiêng liêng huyền bí, xứ nầy là xứ của đạo Giatô và của Marconi ( 1874-1937) thuỷ tổ của máy vi âm tinh tế.
- Thứ sáu 28-6-/963 - Hôm nay là ngày thứ nhì ở La Mã. Gia đình Corsini mời mình 1 giờ trưa đến dùng cơm. Buổi sáng ăn tại ký túc xá rồi thả bộ dạo xem đường sá La Mã, khang trang sạch sẽ thật, nhưng khách ngoài đường vắng hoe, hay là giờ mình dạo phố là giờ họ đến thánh đường nghe lễ. Mỗi ngã tư đại lộ, tôi đều thấy hồ nước cổ, có bể cạn và vòi nước bằng đá vừa cổ vừa mỹ thuật; ngày xưa một bể cạn có nước cho dân dùng như vầy là có ích vô ngần, nhưng ngày nay là thời buổi xe cộ chạy như mắc củi, e bể cạn là chướng ngại vật bề bộn hơn là hữu dụng, cũng may thành phố La Mã không đông người đông xe như Paris, vả lại người Ý đa số là hiếu cổ, nên bao giờ họ dẹp bể cạn cho đành. La Mã là thành xưa, liệt vào cổ tích, nhưng chu vi không lớn, mình đến sở bưu điện gởi mấy tấm thiếp cho anh em, chứng tỏ hôm nay mình có để chan nơi chốn nầy kế đến giờ lại nhà C. Bữa tiệc hôm nay là tiệc đãi miễn cưỡng, không lựa ngày khác được, vì mai nầy tôi cất bước đi Istanbul, chớ ngày thứ sáu, ở đây họ đều cữ thịt, nhưng rất may cho tôi, là có dịp thấy cái khéo của mụ bếp già, dọn toàn là pâte, bột mì nhồi trong nhựa (ruột bánh) đều là hoa quả mụ nghe khách là Việt Nam, mụ lên đứng mời từng món một, khoe món nầy nhồi cách nào, món nọ là đặc biệt của vùng nào, mụ tưởng người Việt ốm và nhỏ con, nên cố ép ăn, không ngờ tôi là con cháu Hạ Hầu Đôn, bao nhiêu món dọn ra, mời chủ xong, còn lại bao nhiêu, tôi đều nịch hết. Không biết trong bếp, mụ có chừa chút nào không, hay lát nữa mụ nhịn đói, nhưng thấy mặt mụ tươi chong, tôi ra về mừng thầm vì trời cho tôi có một dạ dày mạnh chở. Cái rủi của tôi là du lịch La Mã vào dịp lễ thánh Pierre nên điện Vatican đóng cửa để chưng dọn, tôi chỉ leo lên được nóc điện, những tượng bằng đồng trên nầy y cao lớn dị thường, lưỡi cưa của một vị thánh cầm trên tay, đứng dưới đất tưởng lưỡi ấy mỏng như lưỡi cưa thường, nhưng lên đến gần xem lại lưỡi dày trót phân tây mà ở dưới lúc nãy xem mỏng dính. Một cái quê “chú Mán ra chợ” của tôi là khi đứng trong thang máy chờ lên nóc Vatican, tôi không thấy thang động địa nhúc nhích khi tới nơi còn chưa hay nên lúc thang đặt xuống tôi để ý nhìn nhờ bóng sáng thay đổi mà biết thang chạy tốt, chẳng qua loại thang điện (ascenseur) cũng như loại máy vi âm thâu âm hay phát âm sản xuất ở Ý đều là hạng nhứt (xứ của Malconi mà lỵ! Và nay người Nhựt có sản xuất hơn không?)
Céladon, gốm men ngọc, mi là giống chi mà đày đoạ ta đến thế? Muốn xem mặt mi ở Istanbul mà phải đổ đường ngàn dặm, lặn lội những chốn xa lạ nầy cũng vì mi! Hôm qua đã tắm. Hôm nay, về đến phòng, thấy tốt trời, bèn xin nước tắm nữa. Lúc ở Paris, một bạn cũ từng nói ở đó một năm tắm vài lần là đủ, vì chỗ tắm khó kiếm, mất tiền, tốn kém. Nhưng mai nầy là lên đường trẩy bước sang xứ ấm Thổ Nhĩ Kỳ, âu là tắm nước lạnh cho sạch cái phong trần trời âu, tắm lần chót để tẩy trần, chấm dứt bước Tây du hai tháng. Vì hai tháng nên chưa thành chánh quả.
Thứ bảy 29-6-1963 - Cô Đức đã bay về xứ ăn thịt đồi un khói, xứ xúc-xích và rượu bia đen. Hôm nay cũng là ngày chót của tôi trên đất Ý, nên anh bạn C. của tôi cống hiến trọn ngày cho tôi, để thoả tình người đồng điệu si mê đồ sứ cổ. Anh dặn tôi ăn điểm tâm nhẹ nhẹ, để anh sắp cho tôi thường thức một cái mừng bất ngờ.
Rủi cho tôi ngày nay là ngày lễ thánh Pierre, các hiệu buôn, các nhà sách, tiệm bán đồ xưa, đều đóng cửa. Hai tôi la cà từ quán nước đá chanh qua quán cà-phê, thả bộ gần rã giò mà 14 giờ 35 là phải có mặt ở sân bay, nên chi tuy còn sớm chán, mới 12 giờ Corsini đưa tôi lại một khách lầu ở một ngã tư đường thị tứ nay tôi đã quên tên, ông gọi chủ nhà ra và giới thiệu tôi mà dặn rằng; “ông làm cho bạn thân tôi là ông Sển, một đĩa pâte có trộn fromage và một trái dưa melon”. Tôi không biết đĩa ở đây bao lớn nên dè dặt xin “nửa đĩa thôi “, nhưng ông chủ nhà hàng cũng là đầu bếp ngự thiện, xoa tay liếc bạn tôi mà nói một câu tiếng Pháp giọng Parisien: “Thưa ông khách quý, hôm nay trước mặt bạn của chúng ta là C, đây tôi hiến ông một đĩa lớn bánh bột rắc pho mát do tự tay tôi chế biến. Nếu ông dùng không hết đĩa, thì tôi không nhận tiền và xin ông đừng gọi tôi là ngự thiện số một của thành La Mã nầy”.
Mà quả thật không biết bao tử của tôi hôm đó là bao lớn, mà đĩa bột đi trước, đĩa dưa gang đi sau, cả hai đều chung tót vào hồi nào tôi không hay, ngon quá, khoái quá, ăn quên thôi, và khi bước ra đường tôi không thấy nặng bụng chút nào vẫn đi đứng như thường như chưa xức phàn. Tiếc một điều là hôm nay là ngày chót, muốn ăn lại nữa có hoạ may là chờ kiếp sau. Corsini đãi tôi và chỉ ăn sơ một chén gelée, và tôi cũng làm một chén gelée (thịt đông) và vẫn ngon như thường.
Vạn sự Corsini bao hết, luôn cả lát nữa tiền taxi và tiền vào sân bay là 1.500 lires, chung qui vừa tiền mượn bỏ túi vừa tiền trước tiền sau, tôi nhớ mắc nợ bạn tôi là 12.000 lires, tức là lối 120 NF hoặc tính theo liền Việt Nam hồi đó là 1.848 đồng hay là tiền chẵn 2.000 đồng cho gọn, ấy là ăn xài thả cửa ba ngày ở La Mã năm 1963, của thằng hư nầy.
Sau bữa cơm, C. gọi taxi đưa tôi về phòng, lấy va ly tự tay ông xách, tôi giành lại ông không cho, khi tới nhà gare trời nóng bức như bên ta vào mùa hạn, hai đứa ngồi chờ đến 14 giờ 35, C. đứng dậy bắt tay từ giã, C, nhìn tôi cất bước lên xe đưa ra sân bay, nối gót phiêu lưu. Không biết một tiếng Turc (Thổ Nhĩ Kỳ), xứ ấy quen dùng tiếng Anh, thì mình cũng không biết luôn, biết quẹt quẹt ba tiếng Tây y thì xứ Thổ Nhĩ Kỳ không xài, thế mà vẫn mạnh dạn lên máy bay đi cho biết. Tôi ngó lại, vẫy tay cám ơn người bạn tốt, Corsini anh ôi, phải tam sanh hữu hạnh mới tái ngộ nhau phen nữa. Biết đến chừng nào tôi gặp một bạn như anh? Bây giờ anh ở đâu, hay là công danh đắc lộ, anh nay là đại sứ? Tiền túi không cho có ngoài số đã định, đô la thì quá lớn, cho thì tiếc, mỗi lần sang nước khác, tiền lặt vặt xe cộ không đủ chi dụng, vì vậy mà tôi phải nhờ C. trả tiền, thiệt là thốn bên đít. Đi xa mất thú.
Từ phút nầy không nói là 14 giờ 55 (giờ Ý) mà đổi lại 8 giờ 55 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ. Xe đò đưa từ gare Rome qua chỗ hãng Air France chở ra phi cảng, giá vé là 3 T.L (lire turc). Tiền còn trong túi là 180 NF đổi được 327,60 T.L. Xe đến chỗ, bác tài người Turc chìa tay đòi răn rắt là 5 T.L mặc dầu giá định là 3 T.L. ăn cướp từ đây. Thổ Nhĩ Kỳ là xứ trồng cây thẩu làm ra á phiện. Thồ Nhĩ Kỳ là xứ đàn bà che mặt (nay đã bỏ), và đó cũng là xứ đẻ ra danh từ bakchich; pourboire, hối lộ, ăn cướp từ đây! Máy bay đến Istanbul, đến phòng dặn trước té ra họ nhốt mình trong một căn chật hẹp và nhỏ như hộp quẹt, thêm ở tuốt dưới hầm sâu, không có cửa sổ, vậy mà chưa nói tiền cho chác lì xì, tiền service, tiền phòng tính mỗi ngày 3 đô la (3 dollars), ăn cướp cũng từ đây!
- Chủ nhựt 30-6-1963 - Hay là: “Đây cách người Thổ Nhĩ Kỳ ăn pà uống”.
Sáng thức dậy, ngày đầu tại Istanbul, phải làm cách nào cho thấy đủ điều với thiên hạ, với một số tiền có hạn định (180 NF hay 327,60 T.L, trong số nầy, còn chừa lại tiền vặt trả tiền xe pháo khi tới Tân Sơn Nhứt). Từ phòng ngủ ra phòng khách của khách sạn Plaza nầy, phải nói là lên, vì phòng ở dưới hầm sâu. Tuy trời còn sớm lắm, nhưng đến phòng khách tôi đã thấy tề tựu bốn năm anh tài xế đủ sắc dân, đến đây kiếm mối. Tôi dùng Pháp ngữ và nói cần dùng một bác thạo tiếng Pháp. Có một anh da trắng, mặt mày xem cởi mở, đứng dậy bắt tay tôi vừa cười vừa xưng tên là Marko. Lão vừa là chủ xe vừa lái taxi. Nhưng tôi đến xứ bakchich lần đầu, phải biết già tay ấn với bọn nầy. Tôi hư tôi chịu thua đồng bào cùng một dòng máu và cùng một xứ với tôi, nhưng với bọn nầy, tôi không cho lột da nữa. Tôi thương thuyết với Marko chịu mướn xe y hai ngày, giao xem đủ hết các kỳ quan phong cảnh đất Bosphore, nhứt là những danh thắng tại lstanbul, lấy sách chỉ nam của tôi cầm tay làm bằng là cuốn Istanbul et ses evirons loại Guide bleu illustré của nhà Hachette, thông pháp. Ngã ngũ một trăm quan Pháp nặng (100 NF) chở tôi đi chơi hai ngày xăng nhớt của va, Marko chịu, và liền đó, va lần lượt đưa tôi đi xem khắp các nơi nầy và làm hướng đạo viên luôn, mỗi chỗ. Marko lại còn châm tiếng Pháp và dặn trước tôi mọi điều để tránh nạn quỷ sứ ăn đàng sóng nói đàng gió, đòi hối lộ và bakchich. Nhưng nơi tôi được xem là: (xin để nguyên Pháp văn, vì dịch lạ thì lòng thòng);
1 ) La Mosquée bleue (chùa Thổ Nhĩ Kỳ cẩn bằng gốm men màu lam) (ở đây có tục khách xem phải cởi giày mới được bước vào chùa, vì sợ dơ tấm thảm bằng lông thú quý. Nhưng Marko dạy tôi cho 0,50 lira, tức thì tên gác cửa trao ra một đôi babouche (giày hạ không gót), tự tay tên gác dang quỳ gối tròng babouche trùm hết giày tôi kín mít, và tôi vô chùa khỏi cởi giày; nhờ hối lộ. Khi tôi ra cửa, tên gác dang quỳ gối một lần nữa, lột babouche và cám ơn khúm núm, bao nhiêu ấy chỉ tốn có nửa đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ (0,5 lira turc).
2) La Sainte Sophie, một ngôi chùa vĩ đại, đã có từ năm 325 Tây lịch;
3) Le Musée des mosaiques, xưa chặt đầu người ở chỗ nầy;
4) La Fonlaine d ahmel III;
5) Le panorama de la ville, xem toàn thể phong cảnh vùng Bosphore hùng vĩ, nước biển trong vắt ngó trước mặt là bờ cõi Nga, hay rún trái đất là đây?
6) Le musée archéologique (viện bảo tàng cổ tích học (nơi đây có quan tài bằng đá của Alexandre và xác khô (momie) của vua xứ Sicon, tóc còn, và cái sọ thì chẻ ngay đỉnh đầu là một cổ tục chẻ sọ như vậy y khi còn sống, nếu người đó không chết mới là linh thiêng.
7) Les 1001 colonnes de Binbirdirek (đó là hồ chứa nước dưới đất có nhiều cột chống đỡ và khi đứng xem, hơi nước mát lạnh khiến phải rùng mình);
8) La Mosquée de Suleiman (một chùa cổ đặt tên theo vua nầy);
Xem đến đây, đã trưa trật, thêm kiện cắn bụng, không biết sao tiền túi ngày một nhẹ mà từ khi Tây du, bụng đói liền liền, để bắt bồ với lão Marko cho thêm thân thiện, tôi mời lão dùng với tôi một bữa cơm Thổ, tự ý và đưa đường miễn ngon và bình dân là quý. Lão cười, lái xe đánh một vòng thật lớn cắt nghĩa và cho tôi xem tổng quát chung quanh Bosphore, thiệt là núi non trùng điệp, dưới nước là một màu xanh biếc trong khe, đúng với câu nước non muôn trùng, nếu nhà ở gần, sớm chiều đến ngắm cảnh nầy, ắt là lu chết.
Không biết lão có tính cuốc xe nầy trong số liền giao kết với mình buổi sáng chăng, nhưng sau đó lão ghé xe vào một cái quán nhỏ lèo hèo, lão gọi dọn mỗi người một đĩa cơm và thịt trừu, gọi Doner kebabi avec pilaf (mouton au riz) vì lạ miệng, tôi ăn thật ngon, ăn rồi uống một ly nước suối, khi trả tiền, tôi tặng Marko một gói thuốc lá, vị chi hết thảy là mười một lira turc, rẻ quá. Marko đưa tôi về nhà hàng Plaza thì đã một giờ trưa. Tôi thay y phục, nằm nghỉ lưng đánh một giấc đến ba giờ chiều, thức dậy tắm nước lạnh, vì tiết nóng như bên mình, 28 độ. Tôi lên thang ra sân khách sạn, gọi một taxi mà tài xế là người Ba Lan, cao lớn con nhưng dáng hiền lành, lão nầy lái xe đưa tôi một vòng Bosphore khác hơn đường của Marko buổi sáng, chuyến về đi vòng ngả núi, phong cảnh chỗ còn tịch mịch nhưng chỗ khác quang đãng lắm, thỉnh thoảng có suối chảy róc rách và mấy chỗ ấy dân ở đây đều có đặt đồ dùng cho khách lỡ bước tạm dùng nước ấy giải khất, nếu bên ta thì ất có lập miếu thắp nhang. Tín ngưỡng ở đâu cũng có, duy phong tục có khác. Như buổi sáng tôi dùng bữa rồi tuy không có đũa nhưng lệ quen tôi chắp tay xá, có tên Thổ ngồi trước mặt, nở một nụ cười khinh rẻ, tôi cứ để cho nó cười. Về đến khách sạn Plaza, bác tài Ba Lan xin ba mươi lăm lira, giá nầy rẻ hơn giá Marko 20%, nhưng lỡ đã giao kết với thằng da trắng biết nói tiếng Pháp đó rồi. Bận về ghé nhà đại khách sạn quốc tế Hôtel Hilton để xem chưng bày đồ gốm men ngọc céladon. Lúc ở Sài Gòn, bác sĩ Caubet khoe nhà nầy bán giá hời, nhưng chiều nầy là chủ nhựt, nhà hàng đóng cửa, đi lốn tiền xe vô ích. Và khi đi sứ lạ không có sách chỉ nam, chỉ mất thì giờ và tốn tiền lảng như vầy. Kêu tai trở về Plaza, giá xe là năm lira, thì đâu có mắc, và lầm lão Marko rồi.
Đêm nay bụng đói, biết nhà hàng Plaza có bán khuya, nhưng không dám lên, vì sợ không đủ tiền và đường về nhà còn xa thăm thẳm. Người ta xuất dương, không nghe nói trông về. Còn tôi, giấy phép cho đi hai tháng, mà xem dài như thiên thu, ý là đi du lịch có ngày về, nếu đi vĩnh viễn như ai thì chịu sao cho thấu nỗi nhớ nhà. Đêm nay là đêm áp chót trước khi lên máy bay trở về nước, sao lại thấy thương Việt Nam cố quốc của mình quá.
Thứ hai ngày 1-7-1963 (11 tháng 5 âm lịch năm Quý Mão), đêm chót ớ Istanbul.
Sáng nầy thức dậy sớm ngồi tính sổ, hơi ngán và giựt mình e không đủ tiền dùng. Đếm tiền trong túi và ví, còn cả thảy là 100 NF và 5 đô la, với 178 lira turc, sợ cho không đủ tiền phòng, tiền ăn bữa nay và nội tiền lão Marko đã 100 NF rồi. Nhưng khi gặp Marko, thì lão thản nhiên khuyên mình không nên để tâm chuyện ấy vì theo lão, có thể bớt tiền phòng với nhà Plaza, và hãy để mặc lão chế biến và thương lượng, bây giờ nên đi chơi cho thích chí, không thiếu đủ bao nhiêu đâu mà sợ dữ vậy. Tuy nghe vậy, cũng bớt lo, nhưng vì có lánh dè dặt, phải “liệu cơm gắp mắm” trước, nên sáng nầy nhịn cà phê, ghé quán mua hai bánh croissant (bánh sừng trâu) là 0,30 lira turc. Vừa leo lên xe ngồi nhời bánh, Marko huýt gió miệng và triết lý: “Tôi xem bộ ông có tánh làm khổ cho mình. Làm tới đâu hay tới đó, ông không biết hưởng hạnh phúc. Chuyện tiền phòng, ông quá lo, còn việc trước mắt, ông quên mất. Bây giờ đầu tiên, để tôi đưa ông lại hãng Air France dàn chỗ ngày mai đi Tel Aviv là xong. Rồi cho phép tôi đãi ông một bữa điểm tâm gọi từ giã và chúc ông còn trở lại Istanbul nầy một phen nữa và xin nhớ lão Marko biết nói tiếng Tây nầy!”. Rồi Marko làm y như lời, tôi trách móc lão bao nhiêu, bây giờ lại hổ thầm với lão bấy nhiêu. Marko lái xe lại hãng máy bay, chỗ dặn đàng hoàng rồi đưa tôi lại nhà hàng đãi tôi một đĩa bánh íromage ngon lành, tôi uống một chai nhỏ nước suối thay vì cà phê, rồi đưa tôi lại viện bảo tàng le Grand Sérail (cố cung của các vua Thổ Nhĩ Kỳ), mua hai vé vô cửa hết 2,50 T.L. Lúc ấy là mười giờ sáng, vả chăng chỗ nầy chứa đồ gốm men ngọc (céladon) nhiều nhứt thế giới, tôi đổ đường ngàn dặm là dốc xem có bao nhiêu nầy, và sự hiện diện của Marko đã hết cần thiết, vì đây là sở trường chuyên môn của tôi, nên tôi dặn Marko hãy lái xe đi kiếm mối thêm, và nhớ chiều 16 giờ, giờ đóng cửa viện, sẽ lại đây rước tôi và đưa tôi xem vài chỗ như lời giao đã định.
Nhà triết gia thầy đời Marko chưa nghe tôi nói dứt lời, mừng quá vụt siết tay tôi và phóng xe mất dạng. Tôi một mình ở lại đây, trong cái viện rộng lớn và vĩ đại mấy lần hơn Đại Nội Huế, tuy mới đặt chân chưa được mấy phút đồng hồ, mà hồn mơ mộng như cảnh cũ đã quen từ thuở. Tôi mừng như cá kia gặp nước, cái ước ao suốt một đời nay mới thấy hiện ra trước mất. Quả Grand Sérail danh bất hư truyền, nhưng biết làm sao tả xiết cho độc giả không phải ai ai cũng si mê đồ cổ như mình. Từ 10 giờ đến 16 giờ, tôi xem đồ gốm céladon và đồ men lam Đại Minh thật là mãn nhãn, rồi tôi bước qua cung kế bên, xem tiếp les Trésors des Sultans (kho tàng các vua chúa Thổ Nhĩ Kỳ), xem không biết chán, rồi tôi xem viện bảo tàng hàng lụa (le musée de lissus), và viện bảo tàng binh khí cổ (le musée d armes), chỗ nào cũng có ngăn có nắp, xem thôi thoải mái và không gặp nạn trặc cổ trặc hầu như xem viện Topkapi đã tả trong chương trước. Tôi đi một vòng trong Sérail rồi tôi trở lại Topkapi xem gốm và phòng châu báu, nhân viên đã quen mặt và không thâu tiền vô cửa nữa. Tôi than phiền khát nước, họ chạy kiếm đem lại tôi, tôi xin trả tiền, họ cười mà rằng ông uống thêm nữa thì tôi đi lấy, tiền với bạc làm gì, nghe đâu ông cũng là bạn đồng nghiệp mà.
Ô hay, xứ bakchich, mà sao chỗ nầy vô nhiễm ảnh hưởng của céladon trừ bá bịnh hay mình vốn là thằng hư, vu khống cho người ta?
Nhưng chuyện vui nào cũng đến lụn tàn. Trời mưa xối xả, tôi nhìn lỗ trống trên chót vót Topkapi thấy mưa bay đi, không rớt giọt nào xuống viện, tôi đợi phút nhân viên không để ý, tôi lâm râm cám ơn đứng thiêng liêng đã giúp tôi mãn nguyện, một đời tôi mới thấy hé một chút vui làm vầy, tôi đang thả hồn thơ luyến tiếc đâu đâu, thì ngoài cửa có bóng lão Marko lù lù đi lại. 16 giờ đã gõ, Marko lái xe đưa tôi xem la Citerne du Buillique là hồ chứa nước của đại giáo đường hồ rộng bao la, nhìn chỗ nào cũng cột đá chống nền giáo đường và nước ở đâu nhiều thế, hỏi thì Marko nói nước ấy như nước suối, rịn tươm từ đâu chớ không ai gánh nước đổ đầy!
Marko nghe tôi nói hôm qua đi chơi với tài xế Ba Lan, và nổi ghen, đưa tôi trở lại vòng Bosphore, chạy đến một vùng núi non chập chồng, và chỉ cho tôi xem một cảnh lạ lùng, đó là vách thành xưa lơ lửng gần đụng mây xanh, cong queo uốn khúc uyển chuyển như mình con mãng xà, khủng long chạy từ chóp núi nầy qua triền núi nọ. Vạn lý trường thành thì m¾t tôi chưa thấy, nhưng sánh với vách thành Huế, thì vách nầy kiên cố hơn nhiều. Mấy anh Thổ NhÜ Kỳ nầy có danh là đầu cứng như đá và vẫn cứng đầu hơn bất cứ ai (tête comme un Turc), xét ra không phải là ngoa, vì họ là cháu chắt chít chút của Hốt Tất Liệt. Đòng Khả Hãn anh hùng, họ quen cỡi ngựa, và để chống chân ngựa không gì hơn vách thành thật cao thật kiên cố.
Marko cay đắng; “Ông ở có hai bữa làm sao xem hết danh lam thắng cảnh của Istanbul bao la nầy. Tối ông rảnh không. Gái bây giờ không che mắt nữa. Lát nữa đây, tôi đưa ông xem đền cổ, chỗ nào cửa sổ đóng mành mành mắt cáo, chỗ ấy xưa nhốt mỹ nhân che mặt, và cũng lát nữa, xe chạy ngang nghĩa địa, mộ nào có cây cột gãy ngang nửa chừng, mộ ấy của đàn ông chúng ta, chúng ta chết tự nhiên, đàn bà họ bị khuynh thiên đảo địa, mất cây cột chống trời, thì tự nhiên trời nghiêng đất méo! Thưa độc giả, câu nầy Marko vẫn nói tiếng Pháp, duy tôi dịch cho dễ hiểu, và xin đừng lái lại.
Sau rốt, Marko đưa tôi viếng le Grand Bazar là Chợ Trời, đã có từ đời ông Nhạc ỉa cứt su. Le Grand Bazar lớn lắm, và ồn ào như ong vỡ tổ, từ sáng đến tối. Tôi thấy bày nhiều đồ cổ xứ nầy, cây đèn La Mã bằng đất nung, đồ chai pha ly cổ (verrerie ancienne), ý tôi định mua, nhưng sợ Marko bắt tẩy, vì buổi sáng mình than hết tiền. Tôi vớ một xâu chuỗi hổ phách, anh bán bazar giả đạo đức, dạy rằng hổ phách nầy giả tạo, nhưng tôi vẫn mua và trả lời ba trăm năm nữa nó sẽ thành đồ xưa.
Tôi xin Marko đưa tôi đến nhà Hachelte, nơi đây tồi mua một cuốn chỉ nam bằng Pháp ngữ khảo về Istanbul, giá 15 lira turc, sau đó ghé Hôtel Hilton hôm qua chúa nhựt đóng cửa, tôi hỏi giá một đĩa lớn có vẻ cổ, nhưng chế tạo vào đời Minh (1368- 1643) đây thôi, họ đòi 3000 lira hay là 1.500 NF, thế thì vẫn mắc hơn giá ở Paris và mắc hơn giá Sài Gòn rất nhiều, và bác sĩ Caubet nói “3 fois moins cher qu’a Saigon” là khác xa sự thật rồi! Trời nhá đèn đã từ lâu. Marko đưa tôi đi ăn thịt trừu nướng gấp ăn với cơm và tomates, hai đứa ăn hai đĩa, uống nước suối (cũng may vì Marko cữ rượu), tôi trả 9 lira. Marko đưa tôi về phòng, tôi cho Marko rảnh đến sáng mai, sẽ rước tôi ra ga. Đêm nay nằm thao thức trông mau sáng, đặng lên đường về xứ, chưa sáu giờ tôi đã dậy, đi tắm đi cầu, rồi trở vô sắp hành lý, soạn các món xếp vào va ly và cặp xách tay. Xem lại đồng hồ còn quá sớm, định bụng muốn dùng một buổi điểm tâm ai cho thịnh soạn, để từ giã xứ nầy, không chắc còn ngày trở lại đây nữa, nhưng ngại hụt tiền, thôi thì sẵn còn một cái bánh sừng trâu mua từ sáng hôm qua, bèn ngồi nhơi bánh ngon lành chờ sáng.
Hạnh phúc là đó mà tôi nào dè. Mảng chạy tìm hạnh phúc một đời, mà chỉ tìm được cái hư. Hạnh phúc ở kề bên lưng mà không biết ôm biết nựng, ăn được ngủ được, trưa tối thấy đói hoài, sao không ăn cho phỉ? Có liền bo bo, nay có dùng được không? Lời Marko nói trên xe, là phải; Tôi chỉ làm khổ cho tôi và tôi không biết với tay bồng hạnh phúc. Tôi ham chơi đồ cổ mà không biết thực hành. Ấy là hư;
- Ngày chót ở Istanbul, 2-7-1963 - Vừa bảy giờ rưới, tôi đã nê va ly khá nặng, tay xách cặp da, leo lên khách phòng và bây giờ mới biết phòng mình ở ném về từng dưới, và nhà hàng Plaza cất trên triền nổng nghiêng triền nên khách phòng thuộc về từng lầu trên chỗ mình nằm, lên tới đó thì lầu nầy chưa mở cửa, nhưng mình ở trong nhà nên thông thương dễ dàng. Cũng may là vừa lúc ấy, Marko và thơ ký của khách sạn cũng vừa bước vô, và Marko thị sự cho mình trả tiền phòng. Nếu cứ tính theo giá đã định, thì ở ba đêm (29-6, 30-6 và 1-7) là 3 đô la x 3 = 9 đô la cả thảy. Nhưng mình không có đồng quan Mỹ (dollar), nên xin trả bằng lira (bạc bản xứ) là 103 lira turc kể luôn tiền lì xì là 110 lira. Nhưng đến đây, Marko can thiệp, đưa ra lý lẽ phòng không cửa sổ, thiếu vệ sinh, không tính giá 3 đô la được, viên thơ ký nhà hàng đuối lý, phải chịu bớt. Xách hành lý ra xe, mừng chưa kịp no, định bụng trá Marko hai ngày là 100 NF, nhưng đến đây mới thấy thủ đoạn cao cường của tên da trắng nói tiếng Pháp nầy? Marko kèo nài, bây giờ nói thẳng tay chớ không lễ phép gì nữa, không úp mở gì nữa: “Ông phải cho tôi thêm 35 lira, vì tiền phòng ông trả nhẹ là nhờ công tôi, vả lại bạc turc ông đem về xứ cũng xài không được, vậy thì cho tôi còn có nghĩa hơn”. Nhưng chưa đủ. Giây lát, Marko xin thêm 5 lira nữa rằng phải biết điều với viên thơ ký phòng ngủ. “Ông có thể bớt tiền phòng của tên chủ nhà hàng, chớ không thể không lì xì cho tên thơ ký, nó chỉ nhờ có bao nhiêu hoa lợi đó”. Marko lái xe đưa tôi tới khách sạn Hilton là trụ sở của hãng máy bay ELLA (Compagnie aérienne turque), tôi vừa xách va ly vô hãng, thì ngoài nầy Marko vụt xe biến mất, không thèm ô-rơ-voa. Tôi đã nói xứ bakchich, chỉ có mộ danh từ để gọi: “ăn cướp “! Đến giờ nầy, Marko ló đuôi! Hay nói cách khác: “hồ ly hiện nguyên hình”. Nếu không có chuyện nầy, sao gọi: “Tây du”. Tôi ngồi trơ trọi nơi phòng rộng của hãng máy bay, đếm từng con kiến và từng đầu đinh trên cánh cửa và từng bao nhiêu đinh ốc gắn bản lề cửa. Đếm mãi không thấy xe đưa mình ra sân bay, nhớ lại không biết căn hay quả, mà hôm nay ngồi tại Istanbul nầy, mới ngày nào (13-6-1963) đến hãng Air France ở Place des Invalides, và chỉ nhờ có hai hạt ốc oan ương mua 40 bạc ở trước Chợ Mới Sài Gòn mà đổi được vé máy bay, thay vì Paris về thẳng Sài Gòn, đổi vé lại, được ghé Rome hai ngày (27 đến sáng 29 juin), ghé Istanbul ba ngày (29 juin đến 2 juillet) rồi từ Istanbul đi Tel Aviv để đón máy bay đường về xứ, mọi việc cũng tại mình có vay có trả, nay tiền hết đường xa, sợ về không tới nhà, ngán quá chớ không chơi. Tôi ngồi sật sừ nửa tỉnh nửa mê, ôn lại chuyện cũ, may quá có xe lại rước ra sân bay, kim đồng hồ chỉ 10 giờ nhưng vẫn chưa hết nạn. Đường chạy theo triền núi, xe xả hết tốc lực, thế mà bác tài xế Turc biểu diễn nghệ thuật buông tay lái đứng dậy gác chơi lên ghế ngồi, chống nạnh ngó hành khách rồi ngó cái đĩa nhỏ đặt trên nấp thùng máy gần ghế va ngồi, ý muốn nói “dâng bakchich” đi rồi ta sẽ cho các ngươi đi tới chỗ”. Thiệt là quân ăn cướp, một thằng ở ga Rome, một thằng ở lstanbul nầy, có lẽ đều là quân tiểu yêu đường đi thỉnh kinh lại sanh kiếp nầy. Còn bao nhiêu lira trong túi quần, tôi trút hết vào đĩa, cúng đạo lộ đường sá, bác tài nhoẻn miệng cười duyên, ngồi xuống lái xe chững chạc hơn ban nãy. Lòng tôi lâng lâng như trút được bao nhiêu lân khổ và hoạn nạn vào đĩa tiền, trái tim khỏi sút tuột lồng ngực, vị chi cũng nhờ thế lực ba đồng lira xứ bakchich. Tôi khổ nơi đoạn đường nầy, vì tuy lấy vé máy hay là của Air France, nhưng hành khách không đủ số, hãng tiết kiệm và tôi bị giật nợ, Aìr France mượn Air Turc chở giùm đoạn đường Istanbul - Tel Aviv, cái khổ của tôi là vì vậy. Xe ca tới sân bay nước Do Thái Israel là 15 giờ, bụng muốn viếng xứ nầy cho biết, nhưng nhân viên sân bay dặn đừng đi xa vì máy bay sắp đến. Ngồi nhìn phố Tel Aviv chỗ chung quanh sân bay, thấy lèo hèo mấy dãy lều lúp xúp mái tôle, thợ lui cui gắn dây điện chưa xong, thảy đều râu quai nón bó hàm, và mấy mục sư juif đồng bào của tướng độc nhãn Do Thái, có tiếng là ra trận không ai thông nổi, nhưng thấy tận mắt đây sao lượt bướt yếu xìu và ở đời không nên xét theo tướng mạo kẻo lầm. Lóng nhóng buồn thiu, mãi đến 18 giờ, chiếc máy bay khổng lồ Air France Boeing Interconlinental mới đến. Trình vé xách cặp da leo lên tìm được chỗ ngồi, thế là thoái nạn, khỏe thân, chỉ còn chờ đến nơi là xuống, khỏi lo đường xa xứ lạ hụi tiền. Từ giã mi, xứ bakchich đi rồi liếc tiếc. Tại Tel Aviv khám giấy thông hành nhưng không xét kiểm hành lý, thêm chúc câu “lên đường bình an”, cái nước mới tạo lập có mấy chục năm, mà lịch sự quá. Bây giờ đến lượt tôi ló đuôi hư, trong ví còn giấu 80 NF, mà than với Marko hết liền. Mua tại sân bay một chai whisky 3 đô la vì miễn thuế. Cất cánh 18 giờ, 21 giờ đến Bénarès, có loa gọi hành khách xuống phi cơ lên xe đưa ra ga, độ một giờ sau lại rước trở về phi cơ, làm như vậy vì mỗi khi máy thu dầu mỡ sợ nạn hút thuốc và đề phòng hoả hoạn. Bénarès là đất ấn, sông Hằng ở đó mà không thấy mặt mày. Rồi máy bay ghé New Delhi là kinh đô Ấn Độ, cũng không được viếng, tham quá không được.. Rồi đến Bangkok, bay thét bay cao trên mười một ngàn thước, bay ngang Biển Hồ (Tonlé Sạp) ngang thành phố Phnôm-Pênh, kim đồng hồ chỉ 13 giờ 35 là đáp xuống Tân Sơn Nhứt. Lo khai đoan, trình giấy thông hành, không khí nhẹ tâng trời Tây đã dứt, xếp tiếng lang sa cất kỹ vì bớt xài từ bước chân khỏi nấc thang tàu bay. Không khí Sài Gòn oi ả từ đó cho đến bây giờ, càng ngày càng nặng.
Ghé musée lãnh lương hai tháng Năm và Sáu, trong túi xọc xạch có tiền trên hai chục ngàn đồng, mà sướng hơn ngày nay, đổi tiền một triệu cũ hoá ra hai ngàn, giấy mới. Quên mừng con và vợ hiền đứng đợi từ lâu.
(Viết theo hồ sơ cũ, ngày đổi liền 14-6-1978)