Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hơn nửa đời hư

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 36483 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hơn nửa đời hư
Vương Hồng Sển

7

Nhắc lại năm 1923, nay mới thấy đó là một năm định mạng về số phận của mình. Chúng tôi là học sinh trường Chasseloup-Laubat, những năm 1919 đến 1923. Hai anh Hồ Văn Ngà và Trần Văn Thạch đều cùng học với chúng tôi trong ba năm đầu từ 1919 đến 1922, nhưng hai anh nầy có năng khiếu hơn nhiều, cuối năm 1922, đều thi đậu Brevet Elémentaire, nên năm 1923 được nhảy lớp học năm Nhứt ban tú tài bản xứ (classe d enseignement secondaire local), tuy vẫn còn ăn chung một phòng, ngủ chung một lầu và cùng chơi một sân trường như nhau.

Cứ đáo lệ cuối mỗi năm, trường nầy có tổ chức hai kỳ thi ra trường để phát cấp bằng mãn học thành tài và lúc ấy chỉ có học sinh trường Taberd dự thi gọi candidat libre, tôi dịch cho dễ hiểu là học sinh trường tư, còn Cần Thơ và các tỉnh lớn khác chưa có trường trung học. Hai khoá thi là:
 
1) Khoá thi dành cho học sinh quốc tịch Pháp và Nam cùng thi, lấy bằng Brevet Elémentaire (văn bằng cấp sơ đẳng) nữa ra làm thầy giáo dạy tiểu học nhưng đặc biệt là cho đến năm 1922, Có bằng nầy ăn lương cao hơn giáo viên đậu diplôme (giáo diplôme lãnh sáu chục bạc, giáo có brevet tám chục). Tuy cả hai cùng học một chương trình, nhưng đề thi brevet có phần gắt hơn và thiên về Pháp văn nhiều hơn. Từ năm 1923 về sau, sửa đổi lại và có hai văn bằng một lượt cũng vẫn lãnh lương lối sáu chục bạc mà thôi, vì kể từ năm 1923, học sinh đã đông hơn trước, và nhà nhà đua nhau cho con đi học chữ Tây chớ không tránh né gượng gạo như thuở trước đệ nhứt thế chiến Âu châu 1914- 1918.
 
Năm 1922, mãn năm đệ tam, tôi thi thử Brevet élémentaire khoá ngày 6-1-1922. Thầy bói danh tiếng Vi Kỉnh Trang ăn năm cắc bạc tiền quẻ, đoán tôi năm ấy thi hai khoa thì đậu một. Nhưng tôi đã có đầu óc “cãi thầy”, nên tôi bỏ thi diplôme cho thầy bói Chợ Lớn nầy nói trật chơi, việc ấy nên hay hư, tôi xin miễn trả lời.
 
Đến khoá 18-6-1923, thi thi đậu Brevel élémentaire cùng một lượt với các anh và chị khác, ngày nay nếu chưa xuống lỗ thì cũng đã làm ông nội ông ngoại, con cháu đùm đề.
 
Về Trần Văn Giàu, có tên trong bản danh sách sĩ tử thi đậu diplôme năm 1923. (Không phải tác giả “Giai cấp công nhân Việt Nam” hiện nay). - Anh nầy, lúc học chung với tôi nơi trường tỉnh ở Sốc Trăng vẫn tên là Châu Văn Đặng. Anh nhỏ tuổi hơn hết và học sáng hơn ai, gia đình anh thật đáng thương, vì cha anh vẫn nấu bếp cho một ông trạng sư Việt có vợ Pháp là ông Đoàn Vĩnh Thuận. Chính ông Thuận xuất tiền cho Đặng ăn học, vì Đặng có danh học giỏi. Không may là Đặng không có khai sanh, khiến cho đến ngày nạp đơn xin thi tiểu học, trong khi gấp rút, túng quá Đặng tìm ra một khai sanh nạp cho đốc học trường, rồi thi đậu, được tuyển học nơi trường trung học Chasseloup, nhưng không hiểu vì sao năm học ấy học sinh trường nầy đều bị đưa qua học trương Sở Cọp (Ecole Normale) gần Sở Thú, học đủ bốn năm, khi thi ra trường, Đặng thi đỗ đủ hai bằng Brevet élémentaire và Diplôme, nhưng chờ mãi không được bổ nhiệm làm giáo viên.
 
Đặng tức khí đi thi khoá tuyển thơ ký Sở Ngân khố, Đặng thi đậu nữa, và các bạn hữu tốt số đều được gọi tên cho sở làm, duy Đặng vẫn không được gọi. Tức lòng, Đặng kêu nài, khi ấy mới biết vì trùng tên với ông khét tiếng, tác giả bộ sách “Giai cấp công nhân Việt Nam”, là ông Trần Văn Giàu.
 
Con nhà hàn vi, trông mong thi đậu có chỗ làm, giúp đỡ cha mẹ, không ngờ vì chánh phủ thời đó ngu lối, khiến cho một người học trò tốt là anh Châu Văn Đặng, ức lòng, đi theo Lâm Hiệp Châu, làm cách mạng, rồi từ ấy mất tích luôn.
 
Những anh em đã đậu kỳ thi viết nhưng qua hạch miệng bị đánh rớt thiệt là rủi ro vì thời buổi ấy không có lệ cho đậu vớt mà cũng không ai dám kêu nài, thiệt là Tây nó oai quá. Nhưng không cần bằng cấp, nhiều người đã thành danh còn rỡ ràng hơn người thi đỗ như bạn cũ Bùi Hữu Tung, (ông Đốc Mai thấy tên lạ, hỏi Tung nghĩa là gì?” đáp “Tung veut dire tung tung” bị ông đốc Mai quở và cất nghĩa “tung là tung hoành”. Quả thiệt Tung nhớ mãi về sau sanh con đặt tên Bùi Hữu Hoành để nhớ thầy; nhưng Tung là con người quá quắt, vì vốn dân Vĩnh Hội (Sài Gòn) nên dám trêu ông đốc M., một hôm anh ta lén lấy tấm danh thiếp của ông đề sẵn:
 
NGUYỄN VĂN MAI
 
Professeur de langue annamite au collège de jeunes filles indigènes et au collège Chasseloup-Laubat,
 
Officier d Académie, Chevalier de la Légion d Honneur
 
N... Quai de la Marne-Khánh Hội
 
Anh ta viết tay thêm mấy hàng nầy dưới hàng chữ in “Marchand de dây luộc, dây chạc ét de nước mắm hòn, maison Quỳnh Mỹ, rue Amiral Courbet à Chợ Mới (Sài Gòn)”. Ông M, bất được tấm thiệp, giận đòi đuổi, Tung năn nỉ, ông run lên rồi cũng hò qua vì đó là sự thật. Tung biết rõ vì là người hàng xóm, con một ông quán sớ thuế thương chánh xóm Nhà Rồng (Messageries Maritimes). Tình thầy trò lớp xưa, nghiêm thì có, mà ác thì không, và học trò buổi nào cũng ưa phá thầy để xứng danh đứng hàng thứ ba chỉ thua ma và quỷ.
 
Mảng cà kê mà suýt lạc đề. Từ khi thi đậu, anh em chia tay về nhà kỳ bãi trường năm chót 1923, những anh tương đắc và giỏi về môn toán như Trương Đăng Khoa, Trần Quan Viên, Trần Văn Của, đều lựa và xin học trường tạo tác Hà Nội để trở nên sau nầy kỹ sư có thực tài, người làm thầu khoán như Khoa, người lên tới tổng trưởng công chánh như Của, nhưng khí phách nhứt có lẽ là Viên, về già không làm gì hết, đi đâu chỉ xách cây dù vải đen xê dịch đó đây ròng xe lam xe buýt, an phận thủ thường và cứng cỏi như lúc còn học trong trường không khác. Đến như anh Nguyễn Văn Thơ và Đinh Căng Nguyên, vốn sở trường Pháp văn, nên chọn trường Cao đẳng sư phạm, về sau đều là nhà mô phạm đủ chân tài. Riêng anh Nguyễn Văn Chi, người tỉnh Tân An đáng được ghi một điểm son lớn Anh lựa trường Canh nông, sau về làm đến Giám đốc sở thuỷ lâm, và vẻ đặc sắc của anh là anh khéo dạy con.
 
Tay xách va-li chia tay nơi cổng trường, các anh hỏi tôi đã lựa trường nào chưa, tôi lắc đầu nói chỉ ham học trường đời, đã muốn vợ quá, ra học ngoài ấy, không khéo cứng đầu bị đuổi chẳng là thêm lỡ làng công danh, cũng không muộn đâu tôi nói, các anh cứ đi đi, sau nầy chúng mình sẽ gặp”.
 
Bãi trường về nhà ở Sốc Trăng, nghỉ chưa thấy khỏe kế hay tin ngày 1 tháng 8 năm ấy 1923, có mở khoa thi tuyển mười lăm thơ ký chánh phủ. Tôi xin dự và đến ngày, may thời đậu vào số 3, hai anh đậu trên là các anh Lê Văn Quí (số 1) và Nguyễn Ngọc Thạch (số 2), vốn học lớp tú tài bản xứ, nên tôi làm không lại.
 
Anh Lê Văn Quí được bổ vào toà bố Gia Định, sướng một cửa vì vừa gần Sài Gòn vừa là ở tỉnh, mặc sức học thêm nơi thơ viện đô thành và nơi sở làm. Anh Nguyễn Ngọc Thạch được sai xuống lãnh việc nơi toà bố tỉnh Trà Vinh là xứ giàu lúa gạo, nên mặc sức tẩm bổ. Nhưng không hiểu vì duyên cớ nào hoặc có điều gì bất đắc chí, ít năm sau anh Thạch xin nghỉ việc và tôi đã gặp anh mấy năm gần đây, nghiễm nhiên là một đại doanh thương tự chủ lấy mình, một chủ hiệu buôn máy ảnh và phim ảnh, xuất phát bạc muôn bạc triệu, sướng gấp mấy lần thân làm tôi mọi, thơ ký thí sai. Riêng tôi, trong ý mừng thầm, nay đậu số 3, ắt sẽ được chỗ tốt, tôi ước ao nhứt là được làm nơi dinh phó soái (Cabinel du Gouverneur) được gần mặt trời, mau thăng chức, thứ nhì là muốn làm ở dinh thượng thơ (Direction des bureaux du Gouvernement), chỗ bộ kinh tế ngày nay, là nơi tự thuở nào vẫn có phụ nữ trẻ đẹp lai vãng, chạy ép phe hoặc khoe mình giỡn bóng, lúc ấy mặc cho tôi tập hút thuốc phì phà, chưng diện bảnh bao, ăn chơi chỉ phí. Cái mừng thứ ba là được đổi đi lục tỉnh”, làm việc nơi toà bố, nay gọi toà hành chánh, vừa dễ kiếm vợ giàu vợ đẹp, vừa dễ kiếm chác, tiền lì xì, nói huỵch tẹt là tiền hối lộ, vì thú thật lúc nhỏ sơ lâm tôi chỉ muốn hư, muốn được y như các đàn anh đã vạch đường đi trước: “Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” “sớm vác ô đi chiều vác về”, “ăn chơi cho sướng, miễn có tiền trong túi, xài hoài còn hoài”, mặc cho đời vì nước đã lọt vào tay thằng Tây đâu còn gì là hy vọng đoạt lại, thân làm công chức như hột cát sông Hằng, thôi thì cứ hiểu như quan niệm từ xửa từ xưa để lại, “chữ bổng đi kèm chữ lộc”, lộc là lộc trời cho, ai giỏi lượm thì no lòng, đán nó cho thì cứ lấy: Vả lại ăn của hối một đồng mà làm xong việc đỡ cho anh nhà quê biết mấy: Giấy tờ ký tên xong, xách dù đi về nhà, còn hơn công chức làm mai thanh khiết mà bất dân chờ đợi ba bữa, nào tiền phòng ngủ, tiền ăn xài, biết đâu chừng sa vào ổ nhện bị điếm lây bịnh đem về báo hại vợ con, cái hại bằng mười bằng trăm. Miễn đừng như cá xà cá mập ăn bám thật nhiều mới đúng là tham nhũng, chớ mấy đời lòng tong cá chốt, rút tỉa thứ dư thừa của thiên hạ nào thấy chết ai! Nhưng số tôi, như nay cho thấy, lòng muốn hư mà trời chẳng cho hư. Bởi còn trong sạch nên mới mạnh miệng nói đùa, chớ thú thật hơn nửa đời người, “ý muốn làm đĩ, ngặt nỗi xấu mà đòi quá mắc nên không ai thèm kêu đi khách”, còn trinh gì bởi Dạ xoa! Tôi lúc ra trường không khác chi chị Bê Rết trong bài ngụ ngôn, đầu đội hũ sữa mà lòng xây mộng Đằng vương, thi đậu trông mau bổ nhiệm chỗ khá khá mà kiếm chác... Té ra mấy anh kia hoặc nhờ thời vận đỏ hoặc nhờ khôn khéo có cha chú chỉ đường và giỏi nghề chạy chọi nên đều được chỗ xứng ý vừa lòng. Đến phiên tôi, còn sót lại hai chỗ đúng là cục xương khô bỏ xuống đất chó không thèm gặm! Chỗ thứ nhứt là thơ ký Khám Lớn Sài Gòn. Lúc ấy lẽ đáng chỗ nầy về tôi, vì trên phòng nhơn ty (Bureau de Personnel) thúc tôi kíp nạn khai sanh để tiện bổ nhiệm, tôi có chút linh tánh giục thưỡn cầu mưu, trên kia đợi không được nên làm giấy bổ anh đậu số 4 trám chỗ đó và vì vậy anh Nguyễn Văn Lạc thế tôi vào làm thơ ký cho lão Agostini, chúa ngục xếp ở Khám Lớn. Tưởng đà thoát nạn ngờ đâu còn cái bẫy số hai. Ai biết đâu mà tránh. Cũng cứng ngất chai khô không kém, tuy danh gọi ít ghê tởm hơn, đó là thơ ký Trường máy đường Đỗ Hữu Vị, nay là trường trung học cơ khí đường Huỳnh Thúc Kháng. Tôi hờ cơ hay là tới số, xin sao lục được tờ khai sanh đem nạp. Về nhà chờ cho cá ăn câu té ra cá ngon đâu không thấy, đến chừng giấy bổ nhiệm đến tay, mở ra đọc, tá hoả tam tinh(1).
 
Trời đất ôi, còn gì là cái mộng đẹp được làm sở tốt để học khôn học khéo, nữa thông thạo nghề hành chánh, về sau thi đậu lên ngạch cao cấp ông huyện ông phủ, ăn trên ngồi trốc! Thôi rồi cái mơ ước ăn vận bảnh tẽn, mặc áo u-oe cổ thắt dây cà-ra-oách, hỉnh mũi lên mặt với chị em? Trước khi vào nhận việc ngày 27-8-1923, tôi cẩn thận chạy hỏi thăm các thầy làm việc nơi sở thì các ông căn dặn muốn vô làm được lâu dài thì phải nhập gia tuỳ tục, phải làm gương cho học trò bắt chước, tức nhiên phải bỏ hết côm-lê cà vạt, phải ăn mặc khiêm tốn như dân thợ, áo bành tô (paletot) bằng bố trắng cổ cao che kín ngực và không bao giờ nên mặc áo tha ngực thất nơ đen đỏ hay cà vạt nhiều màu. Như vậy có chán chưa? Nhưng biết làm sao chạy chối vì đã quá trễ, mùa xuống tàu đi học Hà Nội đã qua từ lâu, uổng tiếc đã muộn cái công ăn học bốn năm, đỗ được ba bằng trong mấy tháng?
 
Khi vô lãnh việc lại càng thêm buồn bã chân ướt chân ráo chưa chi ông chủ trường là quan năm kỹ sư Rosel lại chê tôi mười chín tuổi là quá bé thơ chưa biết gì e không kham trọng trách. Sau nhờ trên phòng nhơn ty trả lời rằng tôi đậu số cao và hiện không có nhân viên trộng tuổi, ông mới bằng lòng thâu nhận. Vì buổi đầu tiên vừa bắt tay vào việc là có cái nhạp cái chớp đó, nên tôi sanh ngã lòng và cái tật bất mãn ưa cự nự lại càng có cớ để bộc phát thêm. Nói chí miệng và có người đồng thời còn sống làm chứng, tôi ngã lòng thối chí cũng phải, vì ai đời có bao nhiêu sở học thâu thập bấy lâu, khi vào là ai nơi Trường Máy nầy đều không dùng đến. Hằng ngày phận sự của tôi là làm còm-măng mua vật liệu, do anh Năm Vĩ, nay còn mạnh và hiện nghe đâu ở miệt Châu Thới (Biên Hoà), anh ở dưới xường thấy thiếu thốn món gì thì lên bu-rô nói cho là viết mua. Mà cơ khổ chớ chi anh đọc cho viết toàn những danh từ tao nhã êm tai từng nghe từng học ở trường thì cũng còn khuây lảng làm vui, đàng nầy từ đầu năm đến cuối năm đều gặp những tiếng nào bù-lon, lông-đền, nào cu-lát (culasse), ma-ni-huênh (manivelle), nhứt là những danh từ hóc búa không có dạy trong trường xách-lu (Chasseloup), và nay ra đời, tôi dám chắc, trừ Trường Máy nầy, chỗ khác chưa bao giờ thấy mặt chữ, tỷ dụ như:
 
- Làm còm măng mua gấp mười lăm cái sơ-mi bằng đồng (commande urgente de quinze chemises de bronze), hỏi ra không phải để phát cho học trò mặc lót mồ hôi nhưng đích thị đó là môi bộ phận trong máy tàu, và phải viết thơ gởi kiểu đặt làm riêng nơi xưởng Ba-son (arsenal) mới thạo chế tác. Một hôm đến phiên tôi trực, gác bu-rô ngày chúa nhựt, cố nhiên không có ai rành nghề phụ giúp, bỗng có một anh sốp-phơ dinh thống đốc, hớt hơ hớt hải chạy đâm sầm lên yêu cầu tôi nói với ông chủ trưởng rằng phải mua tức tốc để thay cho kịp đưa quan soái ra Vũng Tàu cho đúng buổi ăn trưa vì xe của anh đã hư, “cái đầu thầy chùa đã gãy”! Tôi bối rối không biết dịch ra tiếng gì cho đúng, tôi nói giằng quay tiếng Pháp có tiếng “tê te de bonze”, thế mà ông Rosel cười và hiểu ngay đó là “tê te de bielle”, tức là đầu cây chuyền sức vận động cho bộ máy. Tôi vừa mắc cỡ vừa tức tối vì học chưa tới nơi tới chốn, dốt ngay đuôi! - một kỳ nữa, bối rối không nhỏ, lại cũng nhằm một ngày trực, những người có kinh nghiệm và thành thạo đều nghỉ xả hơi, riêng tôi vô ngồi bu-rô canh tê-lê-phôn và ngủ gục. Có anh cai chụm lửa tàu đánh lộn thua nên lên mét: “Tôi ở dưới túi đùm, nó ăn hiếp với đánh tôi sặc máu mũi”. Tôi chưa hiểu túi đùm là gì, dịch tỉnh bơ: “Il dit tui đum?”. Thế mà ông chủ Tây lại giỏi tiếng Việt hơn tôi, tủm tỉm cười và cắt nghĩa đó là “trou d ombre”, cái ống thông hơi dẫn gió làm cho mái dưới hầm tàu.
 
Nếu cứ cái đà nầy mãi thì chữ Tây tôi sẽ quên hết và nổi cơn điên được quá? Nhưng cũng từ đó tôi thấy bớt tánh tự kiêu, ỷ giỏi. Mình nghĩ một mình, lại tức cười thầm, không biết ai khéo đặt chữ “thơ ký thí sai” để dịch chữ Pháp “secré taire stagiaire”, thật là thí sai: sai thí. Ngày nay dịch “thư ký tập sự” tuy sát nghĩa nhưng không khôi hài bằng. Khi giận tự cho mình là “thằng cạo giấy”, nhưng thấm mật về lâu là hai chữ “thí sai”, đúng là ăn cơm nhà mặc áo mẹ, sanh ra để cho người đời sai thí!
 
Tuy làm thơ ký ở Khám Lớn và ở Trường Máy là hai chỗ bạc bẽo, nhưng được an ủi là mau thăng chức. Chúng tôi ở trong cảnh thơ ký tập sự đúng một năm thì có giấy chạy cho hay được lên thơ ký thiệt thọ hạng 6 (sáu) cùng một lúc với các bạn sau đây và cùng một chỉ dụ, ghi lại dưới đây làm kỷ niệm(2).
 
Tương lai về sau cho biết trong số tám thơ ký kể trên, riêng anh Lê Văn Quí, tôi mất dấu không rõ anh đi về đây, duy về anh Nguyễn Ngọc Thạch, anh sớm rút lui trong hàng công chức và trở nên một nhà kinh doanh có hạng, thành công trong giới thương trường. Về anh Nguyễn Văn Mới, bạn học bốn năm trường Xách Lu, anh vốn người vạm vỡ mập tròn, nhưng không hiểu vì sao lại sớm mất trước năm đảo chánh 1945, làm chúng tôi mất một anh bạn hay cười hay giễu, trong lớp thường gọi Mới Củ Nấng, đến nay cũng chưa biết danh từ nầy nghĩa là gì. Cái anh Trần Chí Lâu mới là cẩn thận nhứt. Đi thi thơ ký anh tạm trọ chung phòng với tôi tại nhà ngủ Lục Tỉnh khách lầu, có một cô ăn sương cựu học sinh Trường áo tím ghẹo anh mà anh không dám trả lời, nay có giấy làm thiệt thọ thơ ký rồi, anh bèn xin đi học thêm nơi trường cao đẳng thú y ngoài Hà Nội, thành tài rồi trở về làm công chức suốt ba chục năm vô sự, và nay tiếp tục mở phòng thú y tư, an nhàn không tai tiếng, trong trần gian ai dễ biết ai. Anh Lâm Văn Thọ (đã từ trần) và anh Trần Văn Chi về sau cả hai đậu huyện rồi lên đến đốc phủ sứ, con đường công danh đi đến đó đã là mãn nguyện.
 
Trong hạng anh em từng nhai gạo lức, ăn mỗi sáng một hột vịt giằm nước mẩm ngang của tên Xí-Cu-Lại (Nicolai) ở Xách Lu và công đậu một khoá thơ ký, có anh Nguyễn Văn Lạc và tôi, khác đôi chút với các bạn đồng song, vừa lận đận vừa tầm thường để xứng danh là những tên công bộc tầm thường vô thưởng vô phạt, nếu không nói là vô danh tiểu tốt.
 
Anh Lạc về Gò Công tiếp tục làm thơ ký hay nói chí đáng về già lên lão làm thông phán (secrétaire principal) và mất âm thầm với chức khiêm tốn “ông Phán Lạc già toà bố”. Tôi nghe nói lại lúc làm ở Khám Lớn, anh với ông Phủ Hiệu, là hai người trong sạch thường giúp đỡ những người vô phúc mạc vào lòng lao lý. Khi lui về xứ sở, anh Lạc làm bạn với ve chai và chết vì bịnh rượu, tôi kết luận là khi một ai giữ được tinh khiết không ăn của hối, thì người đi lo dụ dỗ qua đường xôi thịt tiệc tùng ăn uống, và anh Lạc chết vì sạch với tiền mà nhiễm độc vì Martel, Whisky tức là vì tánh ham nhậu nhẹt Sở dĩ tôi mỉa mai anh Lạc là vì thương tiếc một bạn từng chia ngọt xẻ bùi, một bạn đồng bịnh, anh đã chết và tôi bị phạt suốt đời cử mặn, còn gấp mấy lần cay nghiệt hơn lúc cùng nhau la-ve củ kiệu quán Draguy chợ Mới năm xưa, muốn uống nữa mà trong túi đã cạn tiền.
 
Tôi cười anh Lạc mà có hơn gì Lạc? Tôi đậu rất sớm khoa kiến thức phổ thông (examen de culture générale) (đậu năm 1927 vừa được bốn năm thơ ký) là khoa thi mở đường khi lấy chức huyện sau khi đỗ kỳ thi chuyên nghiệp bảy lần đều rớt đủ bảy lần (sẽ nói sau), và năm 1943 tôi xin về hưu tỷ lệ, qua năm 1947 lại trở ra tròng cổ cái gông công chức trưng dụng công nhựt, năm 1963 được công du hai tháng ở Pháp và mười lăm ngày ở Hồng Kông, Đài Bắc và Nhựt Bản, thiệt cũng học hỏi thêm nhiều và phấn nước vẽ mày đôi chút. Nhưng học nhiều làm chi khi năm 1964 bị lão râu xệ Khánh(3) và râu thép Kỳ cho về hưu thiệt thọ và bắt giao việc cho người mới, ngày 11-9-1964. Mười bảy năm làm tại Viện bảo tàng không cho truy lãnh vào phần hưu bổng, cái chức Giám đốc hay Quản thủ Viện bảo tàng vốn là chức lậu, cái danh giảng viên trường Đại Học vốn là danh hão, chung qui cái chức không ai tranh giành của tôi đúng là một phán già, khác gì anh Lạc? Nay xin khai thiệt, cái câu hãm rượu trong một tiệc năm 1930 nói trong tập Hoa trái mùa, của ông Trần Văn Tấn, xuất bản năm 1940, trang 21:
 
“Lầu cao leo mới một từng,
 
Ông Huyện nửa chừng xem thấy mà thương...”
 
Đích thị là ám chỉ hai tôi, ông Mai Thọ Truyền(4) và kẻ nầy, lúc ấy đều có nửa miếng giật lưng, ông Mai tốt phước sau làm đủ bộ và lên đến tột bực la-phông, tôi mãi lé đè trèo lên tuột xuống và thơ ký vẫn hoàn thơ ký. Hư hay không một mình tôi biết.
 
Nhưng mãi than van rên xiết chỉ làm chúng ghét, xin trở lại những gì thiết thực hơn. Năm 1924, khi được bổ nhiệm thực thụ thơ ký hạng 6, thế là tôi khỏi sợ bị sa thải vô lý do, và tôi càng buông lung thả rong chơi dạo phố hơn là cặm cụi ngồi bu-rô làm việc đúng giờ, và cái việc đến trễ về sớm của tôi đã quá hiển nhiên đến các chủ Tây đều nhắm mắt giả đò không hay biết. Duy công việc và phận sự của tôi đều sòng phẳng, không khi nào bê trễ, thêm tánh tôi ngay thẳng, không ăn hối lộ nên ông Rosel mến chuộng như con cái nhà ông để mặc tôi tự tung tự tác, các đầu phòng và xếp xưởng thấy vậy công làm ngơ luôn. Ông Rosel sợ nếu rầy quở tôi, tôi sẽ xin đổi đi chỗ khác, mất đi một thơ ký có vẻ thiệt thà mà cơ khổ ông có biết đâu tại Trường Máy mà làm gì ăn hối lộ được với còm-măng đồ sắt hàng Tây và ga-ra cũng Tây, còn về củi chụm tàu, mua mỗi tháng cả mấy chục ngàn và xăng nhớt thì đã có anh cặp rằng ăn hớt trước tôi rồi, đến như những việc khác mua nầy mua nọ, đều giao thiệp với bọn Tây mà tham nhũng sao vô? Lúc ấy xăng chỉ có hai cắc ngoài một lít, và ông Phó chức là giám thị chánh, tên là Favier, mỗi tháng bỏ túi mấy trăm bạc, tiền bán thùng thiếc không xài, và biên vào sổ dưới chương mục đồ phế thải bán lấy tiền chi tiêu vặt vãnh. Anh cai lính thuỷ tên Laot, lên trường dạy thể dục cho học trò, tiền xê dịch lộ phí mỗi ngày từ trại lính thuỷ nơi mé sông lên trường, định là hai cắc bạc, anh làm măng-đa lãnh răn rắt sáu đồng, cho tháng ba mươi ngày và sáu đồng hai cho các tháng ba mươi mốt ngày, đến ba năm sau bộ thanh tra tài chánh bên Pháp mới gởi hồ sơ và thơ khiển trách đòi anh cai phải trả bốn cắc bạc tiền lãnh dư, và những việc ấy cũng không thấy bị khép vào tội hà lạm. Trong khi ấy, tôi lìa sở xách một tập hồ sơ nhỏ theo ra đường rong chơi cả buổi, lại có công là đi hỏi thăm giá cả để làm còm-măng khỏi bị sở kiểm duyệt ngân quỹ làm khó dễ, ai dám nói tôi lấy cớ rong chơi, để vào nằm với chị em! Có một năm kia trên Biên Hoà bị lụt lớn, xe lửa chạy không được, tôi theo thầy Tư Xuân cùng làm một sở lên trên ở chơi hai ngày đã đời rồi về cũng không nghe ai trách bỏ nhiệm sở trong giờ thừa hành phận sự. Ông Rosel ra lịnh biểu tôi thâu vét các số tiền ứng trước cho các tỉnh về việc sửa tàu sửa xe, đã quá niên quá hạn nay phải ghi vào ngân sách mới để rộng đường chi dụng, danh từ chuyên môn gọi “recettes d exercice clos”, tôi ngán quá không biết đó là gì, tôi bèn chôn luôn hồ sơ vào ổ mối, một mặt lên thượng thơ toà nhì (2è Bureau) o bế xin đừng đòi hỏi về vụ nầy, làm việc bê tha như vậy thế mà cuối năm được thăng chức cũng như ai. Cũng năm 1924, ông thống đốc Cognacq có tiếng là hách một cây, mua gà Mỹ về nuôi, chỉ thị cho trường làm chuồng, tôi lãnh việc mua sắt chữ V và thiếc Cao Bằng làm và lợp chuồng, năm ấy tôi được đặc biệt vinh thăng thơ ký hạng 5, vừa đúng mười tám tháng công nghiệp, mà xin đừng nói lớn vì công nghiệp làm chuồng gà cho dinh Phó Soái!
 
Từ năm 1924, tôi cưới vợ rồi ly dị với người nầy ăn ở với nhau chưa nát chiếc chiếu tân hôn, vừa đúng chín tháng đưa nhau ra toà xin ly dị, lỗi về người đàn bà theo mặt luật mà đúng ra lỗi về người đàn ông ham mua sách và mê đọc sách đến quên người vợ trẻ nằm kế bên! Tiền hồ đám cưới được sáu trăm bạc là một số tiền kếch xù, tiền ông nhạc cung cấp mỗi tháng không phải nhỏ, cộng với sáu bảy chục bạc lương, chỉ vèo trong mấy tháng, kết quả tủ sách không còn chỗ để, mà ái tình đã nhẹ gót ra đi. Ai chịu nổi với thằng chồng hư như vầy, nàng có đọc cũng xin tha thứ! Thôi vợ rồi, tôi thấy căn phố quá rộng nên bán quách hết đồ đạc, một mình chở sách ra xin ở ăn cơm tháng nơi nhà anh Chí là bạn học bên Nọt- manh; mười lăm đồng mỗi tháng mà có khi đóng khi hụt tiền trả lần hồi, nay nhắc lại mà thảm. Từ đó tôi càng hoang đàng hơn trước, Ba tôi ở Sốc Trăng không buồn gởi thơ cho tôi nữa. Tôi tập hút thuốc lá, tập uống la-ve, tập đánh bài cắt-tê, càng đàn đúm và tiêu hoang hơn trước, vì tôi làm rất ra tiền và làm ra tiền rất lương thiện, anh em cùng sở cùng nhà trọ đều lé mắt với tôi. Ngày nay tôi cân nặng trên sáu chục ký, thế mà thuở ấy cân nào tốt chỉ lên đến số 42 kilos là cùng, ấy là cân tại nhà thuốc để luôn y phục, bít-tất và đôi giày vía sơ-men da cứng. Nhưng kể về tiền bỏ túi thì tôi xài hời hợt vẫn còn dư, vì tôi ở độc thân, lãnh lương mỗi tháng trên sáu mươi đồng, thêm có tiền xúp, là tôi lãnh dạy ba ông Tây đầu sở, một ông thương tín cuộc tên Rigaud, một ông kỹ sư tên Aton và một ông nha y sĩ tên Brodard, mỗi ông trả tôi hai chục bạc, dạy mỗi tuần hai giờ, có thêm la-ve hoặc Whisky thỉnh thoảng, vị chi mỗi tháng tôi có một trăm hai chục bạc, tương đương lương tri phủ hạng ba chớ không chơi? Lúc ấy tôi học cũng dữ và mua sách cũng nhiều, duy về ngón ăn chơi thì khét tiếng. Mà thâm ý của tôi, buông lung làm vậy là để cho ông Rosel chán chê mà cho tôi đổi đi chỗ khác, mặc tình ăn diện hư hỏng, ngờ đâu ông cha già nầy, gắt gao với người khác mà vẫn nhấm mắt để giữ chân tôi ở lại với ông nơi Trường Máy.
 
Tôi đem tờ la Cloche fêée (Cái Chuông rè) của Nguyễn An Ninh, trải chè bè trên bàn và đọc tại sở, các anh em bạn đều tránh tôi như tránh bịnh hủi, thế mà ông Rosel, có người học lại, vẫn không nói gì. Ngày nay tôi nhớ lại càng thương ông thì đã muộn. Thét rồi tôi trở chứng càng làm già và trở nên khó thương không chỗ nói.
 
Buổi ấy mấy ông mấy thầy làm việc trong chánh phủ đều rất sợ bị tình nghi mình làm chánh trị, nói theo đời đó là làm cách mạng, vì sợ bể nồi cơm, vợ nheo con đói. Trừ phi những người tương lai đã hỏng, hậu vận dẫu tốt nết cũng không ra gì, thì vẫn làm liều, để chuộc tiếng gỡ gạc. Tôi không đứng trong hạng đó nhưng tôi ít tuổi chưa biết sợ, cứ tưởng mình ăn hối lộ là được, và tôi có chủ tâm làm nư để được thuyên chuyển đi chỗ khác, một tay một xách, chỗ nào cũng sướng hơn ở miết nơi Trường Máy lu mòn hết sở học bấy lâu. Nói cho đúng, tôi chỉ vì bất mãn nhỏ vặt có tật đánh liều bởi con cưng và cũng vì xét suy nông cạn, cứ tưởng rằng hễ mình không làm đĩ thì sợ gì thứ lính kiểm tục cóc nhái! Trong khi ấy, phần đông những người hưởng ứng hoặc tham gia những cuộc ủng hộ hội kín, lạc quyên lén, hay là nhúng tay thật sự vào việc bạo động nầy nọ dính dấp với vụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, những người ấy đều là chủ điền có máu mặt, nhà giàu có đầu óc tư chức, công chức, tuy ăn cơm Tào mà chẳng phục Tào, bởi tức một điều gì khó nói ra cũng có, hoặc vì nhiệt tâm và thành thực yêu nước cũng có, mà vì háo danh tung vãi tiền ra cho chúng làm coi chơi cũng có.
 
Tôi biết gì về nhưng người nầy
 
Tôi chơi với Hồ Văn Ngà và Trần Văn Thạch(5) vì tình bạn đồng song cùng thầy tuy khác lớp, suốt ba năm đầu trường Xách-lu (1919-1922). Tôi mến Ngà vì học giỏi hơn tôi và có tánh ngay thẳng. Sau khi ra trường, có một lần tôi gặp Ngà ngay quán sách Albert Portail (nay là nhà sách Xuân Thu). Ngà cho tôi hay sắp sang Pháp học thêm. Tôi khen Ngà tốt số. Ngà đáp gọn bâng: “Tao đi với tiền bên vợ cho, mà sướng gì mầy!”
 
Còn Trần Văn Thạch, sau khi ra làm Hội đồng thành phố, gặp tôi trên xe buýt, tôi bắt tay chào, Thạch cười: “Ê, bộ mầy không sợ mất chức sao?”. Tôi trả lời: “Có cái mầy sợ bất tay tao rồi nhơ tay mầy? Chớ tao không sợ giống gì hết. Mầy có gan làm chánh trị thây kệ mầy! Tao có gan của tao là vẫn bắt tay một thằng bạn cũ. Nếu mầy không cho là đàng khác, chớ tình tao như cũ, biết chưa?” Hai đứa cùng cười.
 
Cũng như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Sâm(6) tôi đều có biết và từng tiếp xúc. Những ông nầy để tiếng nhắc đời, tôi chỉ hơn ở cái sống thừa, già mà chưa chết. Hôm nay ôn lại dĩ vãng vặt vạnh viết lại những gì thuộc dật sử của mấy ông ấy góp chút tài liệu nhỏ cho những ai sau nầy muốn viết lại chánh sử hoặc muốn hiểu thêm một vài chi tiết thật mà chưa ải nói thuộc về tiểu sử của mấy người gan lì dạ sắt đã đấu tranh không tiếc thân cho “độc lập” nước nhà, tường không đến nỗi là vô ích.
 
Nhớ lại quy chế học nội trú trường Chasseloup những năm 1919-1923.
 
Những năm nầy, giá học nội trú trường nầy thật là rất rẻ. So sánh với giá thâu ngày nay nơi các trường tư Sài Gòn thật là một trời một vực.
 
Trường chia ra hai khu phân biệt:
 
1) Khu dành cho nhóm học sinh dân Tây và ngoại tịch (chà và khách trú), gọi quartter européen, học trò khi học phải mặc đồ Táy đi giày, đồng phục khi ra khỏi trường là quần trắng, áo nỉ màu tím có hai hàng nút mạ vàng, chạm chữ nổi “C.C.L” (Collège Chasseloup Loubat) nhưng học trò trường Taberd châm biếm đọc là “Con C... lõ”? Trong khi ấy, học sinh trường thầy dòng nầy mặc sắc phục có thêu hai chữ “I.T” (Institution Taberd) chúng tôi nhạo lại gọi học trò trường “ỉa trịn”, “ỉa trịn” tuy không chua cay bằng nhưng cũng với vát bớt nhục, và đây không phải nói tục, kỳ thật là muốn ghi lại tâm lý nhóm học sinh bao giờ cũng liến thoắng và chỉ trích nhau một cách vô hại.
 
Tiền học bổng hằng niên là 180 đồng trọn năm nội trú hay là 90 đồng nếu ăn chỉ một buổi cơm trưa và tối được về nhà ở xa gọi demi-pension. Học nội trú, phải sắm đủ y phục thay đổi và dụng cụ cần thiết (trousseau) đều có khắc chữ chạm tên và khi vô trường, giám thị xét thấy chưa đủ thì không cho nhập nội.
 
Năm đệ nhứt (1919-1920) gặp ông Ourgaud làm giám đốc. Ông người cao lớn, ưa gầm gừ như dữ tợn lắm, kỳ trung ông dùng phương pháp bàn tay sắt bọc bao nhung: trò nào phạm quy luật, ông đòi lên văn phòng, quạt máy chạy vù vù, một cây gậy to tướng để trên bàn, nhưng đúng giờ thì cho xuống và học trò phạm lỗi ít khi thấy mặt ông, vì ông cố tình doạ cho khiếp mà không đánh đập. Chỉ một lần nọ ông đuổi vài anh vì phạm lỗi nặng lén rinh cửa sổ ngắm xem dung nhan bà đốc!
 
Năm đệ nhứt nầy, ông tổng giám thị Nicolai, dốt không có một bằng xét-ty-phi-ca, nhưng nói tiếng Tây giòn như bắp rang và chửi nghe rất sướng tai, ông kiếm chức économe (quản lý xuất nạp), nhưng chúng tôi đặt tên riêng là thằng nấu cơm tháng biệt danh là Xích Cu Lại. Ông ta hà tiện đủ cách, cho ăn rất cực: mỗi sáng điểm tâm bốn hột vịt giầm nước nắm ngang ăn chung bốn đứa làm một ca-rê, ngày nào cũng vậy, trừ ngày chúa nhật và ngày lễ được mỗi đứa nửa chén cà phê đen và một khúc bánh mì độ nửa gang tay. Cơm trưa và tối ba món: canh đục ngừ quơ đũa mò không thấy cá tôm; một đĩa thịt bò dai nhách như cao su, một tô thịt kho mỡ lên, nhứt là ít ngày tái diễn món gan bò nấu ga-ru, Xích Cu Lại dạy rằng ăn gan tẩm bổ, nhưng nó ngán và chỉ được cái rẻ tiền. Cơm nấu bằng chảo đụn, gạo lức vo ngay phông-tên trong giỏ tre cần xé và đạp bằng chân, khi anh cu-li rút chén ra, tôi thấy những mụt ghẻ cổ chân đỏ au và sạch mất những mày ghẻ (tôi thề không nói gian vì bữa ấy mãn giờ ra chơi, tôi đá banh rồi khát nước, xách lon thiếc xuống nhà bếp kiếm trà, bỗng bắt tại trận anh cặp rằng cọc-cạch-lửa làm công việc ác ôn nầy, giận bỏi, anh tỉnh bơ: “Gạo cả cần xé vo tay làm sao sạch, và cứ tin đi án có chết ai đâu?. Mà quả thật, suốt bốn năm ăn uống thế nầy chúng tôi trở nên mập mạnh hơn lúc ăn cơm trắng cá tươi của cha mẹ ở nhà, và tuy dơ dáy, nhắm mất mà ăn vẫn không thấy truyền nhiễm. Xích Cu Lại làm tổng giám thị lãnh nấu cơm tháng nuôi học trò, nên mấy đứa học trò lười và thường bị phạt vẫn cám ơn và binh vực cho lão gian tham ấy, vì mỗi lần lão xách sổ điểm danh học trò bị phạt ở lại ngày chúa nhựt, lão sợ tốn cơm nên thường cho ra trường khỏi bị cấm túc công-xinh (consigne).
 
Các giáo sư năm đệ nhứt gồm có:
 
- Pháp văn: Motais de Narbonne, sau xuống dạy Mỹ Tho. Tú tài dạy không hay. Có biệt danh là “Thằng Cối”, vì ông ưa nhắc Nhĩ Hà mà ông gọi là Sông Cối.
 
Sừ địa: Eaton, gốc ăng-lê nhập Pháp tịch. Ông nói tiếng nhỏ, thuở ấy chưa có ông loa phóng thanh, nên chúng tôi hưởng thụ lời ông dạy rất ít. Thay cho ông là giáo sư Bénarđ lại còn tồi hơn, vô lớp chỉ bắt học trò mua sẵn đường thẻ, ông gọi chocolat annamite và ông uống trà Huế nhai hết cục đường rồi nói chuyện kháo chớ không dạy. Tới tháng lãnh lương!
 
Việt văn: Ông Nguyễn Văn Mai, lúc ấy đã già, mặc áo dài khăn đóng, đi giày mỏ vịt, đeo kính pince-nez, ông ưa nói câu nửa Pháp nửa Việt “Si je trouve quelqu un qui nói đớt, je lui colle tout de suite un zéro”. Suốt bốn năm chúng tôi không lĩnh hội nhiều nhưng rất kính ông về phần đạo đức.
 
Khoa học: Mille Merle, cử nhân khoa học, xấu mà ham diện. Thân gọi Chị Mẹt. Trước chị Merle có ông Solse, người Chà nhưng nói tiếng Tây rất cừ. (Về hai ông Bénard và Solse, tôi không chất dạy năm đệ nhứt hay đệ nhị, các bạn cũ nếu đọc bài nầy xin đính chánh giùm).
 
Toán và Kỹ hà học (Hình học): Venturini, người Corse, biệt danh “Ống Điếu”, vì ông hút điếu cối và phù dung. Chuyên ép học cửu chương đến 20x20. Miệng rất hôi!
 
Vẽ: Ông Nguyễn Văn Cứng được cung kính vì ông là người Việt Khoa viết chữ khéo (écriture): Ông Nam, họ Cao Đình, luôn luôn áo dài đen, đầu chít khăn đầu rìu. Trò nào thiếu điểm lên nói với ông, ông cho tột điểm vớt vát lại khỏi bị cấm túc (consigne). Đội ơn thầy.
 
Năm đệ nhị (1920-1912), thay vì A, B nay đổi lại gọi 2è année X và Y do ý ông đốc học vốn là đại tá chuyên khoa toán pháp là ông Colonel Limandoux. Vì có cuộc xuống đường của chúng tôi nên ông bị thay thế, và ông Sentenac từ Mỹ Tho lên làm đốc trường. Ông nầy người lùn xủn, khi đứng gần ông giáo sư Bourotte cao 1 thước 90, thì ông đứng chưa tới vú. Ông Sentenac có một tật, nay nhắc lại còn rùng mình nổi ốc là mỗi lần ông ho, thấy miệng ông nhai nhai mà không thấy ông khạc đờm nhớt ra, có lê ông đã phi lang vào bao tử.
 
Tổng giám thị trào Limandoux là Thomas, cử nhân toán, vì hối lộ bị đổi.
 
Các giáo sư lớp đệ nhị nầy còn ảnh hưởng tai nạn trận giặc 1914-1918, nên thiếu người có thực tài, tuyển chọn không đồng đều gồm có:
 
Pháp văn: Ông Lallemand, người bòn bon (Bourbonnais), nhở có chiến công nên được bổ làm giáo sư, khi giảng về bài “con ruồi và anh đánh xe” (la mouche el le coche của La Fontaine), ông nhắm híp mắt lại và nói: “La mouche fait com me cà: Zi! Zi! Zit!” (con ruồi làm như vầy: zi zì zịt), đến chừng ông hỏi bài, không đứa nào cắt nghĩa cho xuôi, bằng đứa nào theo y ông nhái lại hệt là “La mouche fait zi! zi! zit!” tường đặng điểm lớn, té ra ông cho ăn trứng vịt zéro bắt lỗi sao dám nhạo thầy! Ông Lauemand đổi đi, ông Louis lại thế, ông nầy chuyên môn thấm nước miếng vuốt râu ngạch trê cho thật giống củ ấu, đến phiên ông Doumaud vô thế, dạy cũng không hơn gì, cả ba đã hại chúng tôi mất một năm học Pháp văn như ý muốn. Thầy không đủ khả năng hại học trò không tiến bộ là một tội.
 
- Sừ địa: Ông Bernard Bourotte, cử nhân văn chương. Khỏi nói ông nầy dạy về môn nầy thì không ai giỏi hơn. Học trò rất mến nhưng sợ ông như sợ cọp. Tánh ông nóng như lửa, trả lời hay ông cho tột điểm 9/10, nói thêm một câu thất lật ông sửa liền thành một hột vịt to tướng? Học sanh Taberd vô thi, ông hỏi đứa nào không đáp được, ông day qua hỏi ông thầy dòng ngồi nghe, báo hại các sư huynh mặc áo dài đen bỏ phòng khảo thí chạy có cờ!
 
- Khoa học: Cũng chị Merle như cũ, sau lấy chồng trở nên bà Saint-Marty.
 
- Toán pháp: Ông Bulliard, brevet supérieur, nhưng dư sức dạy. Ông tánh nóng, mỗi lần học trò không trả lời được, ông ôm đầu bứt óc. Có một lần giờ dạy kỹ hà, ông đưa lớp tôi ra sân banh vườn ông Thượng làm thực tập, lần ấy ông rượt tôi chạy gần giáp nửa sân. Ông thì chạy tay không, còn tôi lại không dám buông cây hoa tiêu sợ gãy mắc đền, rốt cuộc đua trăm thước bất ngờ, phần thắng về trẻ dưới hai mươi, ông ngưng lại cười xoà bỏ cuộc.
 
Nay nhớ lại thầy đà trăm tuổi, đứa dưới hai mươi nay cũng bạc đầu Việt văn: Ông Nguyễn Văn Mai như cũ. Ông bắt tôi đọc Kiều và tuồng hát bội cho đến mãn giờ mà không giảng nghĩa.
 
Dạy vẽ: Giáo sư Maire, người tốt bụng và dạy đúng phương pháp, mau phát.
 
- Tập viết chữ cho đẹp (écriture): Ông Cao Đình Nam như mấy năm trước.
 
Năm đệ tam đổi lại làm 3ème année X dành cho payants và 3ème année Y cho boursiers, đổi đi đổi lại hoài không hiểu vì sao. Đốc học là ông Mathieu, thêm dấu thành ra Mã Thiệu. Tổng giám thị là ông Victori, ông kiêm luôn chức quản lý xuất nạp économe, nhưng ông liêm chính và thường bữa chăm nom thức ăn nước uống cho học trò. Đến đời ông có trà nóng chứa nguyên thùng cho học sinh tha hồ giải khát. Ông được cử giữ hai chức vụ trên cho đến năm sau, và khi ông về hưu, nhà triệu phú, nay là tỷ phú Hủi Bon Hoa (Chú Hoả), vốn có con cháu học với ông bên khu vực Pháp nhớ đến tiền ân, bèn rước ông về nhà giao cho làm tổng quản lý.., coi sóc về phố xá thâu góp tiền phố, một đời sung mãn an nhàn, rất xứng công thưởng người có lương tâm, tận tuỵ về nghề giáo, cương trực thanh liêm và mẫn cán. Một dật sử vặt để cho thấy tôi hư đến bực nào và nói để bỏ qua cho. Những năm 1922-1923, ông làm tổng giám thị Xách Lu và ông dọn chỗ ở trên lầu thượng ngay góc Công Lý và Trần Quý Cáp ngày nay. Một bữa nọ vào chiều trời nhá nhem, tôi lảng vảng một mình lại góc đó nơi dưới lầu để kiếm chút trà đỡ khát. Chỗ nầy có một cầu thang có lướt sắt ngăn lại ăn thông với nhà trù. Tôi đi tới đó bỗng nghe tiếng guốc gỗ nõn đùng đùng trên nấc thang cây tôi đứng lại ngó ngoáy lên thang. Trời đất ôi, tôi chết điếng chân bước không được! Một cái mông tròn trắng phều đang từ từ xê dịch lên lầu, lồ lộ một đống thịt có chẻ một đường giữa nõn nà nõn nuột. Lúc ấy tôi sững sờ đứng chết trân quên khát. Thoạt cái mông trắng đi tới khúc quanh, huý bà Victori, ủa quên cái mông trắng phều, dừng lại, xổ một tràng tiếng Tây. Tôi nghe thật lớn: “ce n est pas assez comme cà?” (bao nhiêu ấy chưa vừa sao?), tôi hoàn hồn, quên việc đi uống nước, ba chân bốn cẳng, vắt giò lên cổ, chạy một hơi về phòng tự tập, thấy thầy Chín trọc đang nhổ râu, tôi bước vào chỗ ngồi tỉnh tuồng như không có sự gì, nhưng lúc ấy ai biết sờ tôi sẽ thấy trống chiến đánh gần bể ngực. Suốt một tuần rồi nửa tháng, rồi một tháng tròn tôi mới dám thở mạnh. Tôi tự lấy làm xấu hổ, sợ bị đuổi như trào ông Ourgaud lây nhơ đến cha mẹ, nhưng thú thật trai dậy mẩy, đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy cái mặt sau của gái Tây phương, nó trắng làm sao là trắng? Khỏi nói từ đó tôi bỏ tật khát trà không phải lúc, và mãi về lâu tôi không dám bén mảng tới góc lầu nầy. Cũng may bà Victori không học lại với chồng. Quên nói bữa ấy máy hư bà xuống tắm lầu dưới, báo hại tôi du Thiên Thai cưỡng bách suýt bị đuổi.
 
Các giáo sư năm đệ tam 3è année X, niên khoá 1921-1922, gồm có:
 
- Pháp văn: Ông Nguyễn Văn Duyên có brevet supérieur, nhưng học lực rất cao. Ngày nay chúng lối sống sót còn nhớ công ơn dạy dỗ. Lúc đó không đứa nào dám hỗn đối với ông (trừ anh Nguyễn Văn Hoá, Tây Ninh, sau làm giáo sư ở Mỹ Tho, dám tutoyer với ông, nhưng chúng tôi gọi Hoá khùng cũng không lạ). Ông Duyên có biệt tài, chỉ dạy cho chúng tôi những lỗi mà người Việt thường hay lầm vấp khi nói và viết tiếng và chữ Tây. Học với ông năm nầy kéo lại thì giờ đã mất với kiểu giáo sư nhắm mất ra bộ mà không cho trò nhái lại.
 
- Sử địa: Lão Salmon, xưa có tú tài, nhưng khi trường hỏi xin bản sao lục góp vào hồ sơ, lão đổ thừa đã chìm mất dưới biển trong cuộc đắm tàu buổi chiến tranh đã qua. Suốt một năm ròng rã chúng tôi không học được một chữ nào với ông già chuyên môn ngậm kẹo Valda nầy, duy thường nghe ông khen nịnh phao tay dân Việt trắng hơn phao tay dân chà, dân bòn bon, tức xứng đáng đứng gần ông hơn những bọn kia!
 
- Khoa học: Ông Trương Văn Tuấn, tú tài khoa học ở Hà Nội về ông nói tiếng Pháp trôi chảy, thuộc gần trọn cuốn sciences của tác giả Bazin, nhưng ông không dạy khoa thực hành nên ngày nay chữ nghĩa trả lại thầy, tôi không biết chút gì về môn khoa học. Thỉnh thoảng tôi còn gặp và tình sư nghĩa đệ chưa quên, và há dám quên. Lúc dạy ông thường mặc trọn bộ com lê bằng hàng tussor sang trọng, tay đeo chiếc nhẫn xoàn gần mười ly chớp nhoáng.
 
Toán pháp và Kỹ hà học: Vẫn ông Bulliard, giáo sư lão thành tận tuỵ với nghề nghiệp.
 
Việt văn: Ông Nguyễn Văn Mai, không thay đổi.
 
Vẽ vời: Chị Gioan, rất đẹp, có chồng dạy toán lớp.trên, đứa nào chị thấy chăm chỉ học, chỉ thường khòm lưng trên đầu để dạy chấm phá, rủi đầu học trò đụng chạm vào ngực chị, chị không nói gì, bởi thế chúng thường làm cho đụng để rồi giả bộ xin lỗi. Thân mật chúng tôi gọi chị là chị Giãn. Hiện nhà tôi còn giữ một bức chân dung của chị để làm kỷ niệm một bà thầy dị chủng nghĩa nặng khó quên.
 
Dạy viết chữ cho khéo: Cao Đình Nam (Tôi chưa biết dịch écriture ra danh từ nào cho gọn).
 
Năm đệ tứ, gọi 4è année X, niên khoá 1922-1923.
 
- Đốc học: Bouault, thạc sĩ sử học. Tổng giám thị, cũng ông Victori, y như năm rồi, rất được trọng dụng vì học trò mến phục và nhân viên kính vì. Không ăn xới ăn bớt cơm học trò.
 
Các giáo sư dạy năm chót của chúng tôi năm 1922-1923, gồm;
 
Pháp văn: ban đầu Tullier, rồi Ro bin, văn chương cử nhân, thảy đều có chân tài, rất hết lòng và dạy rất dễ hiểu và mau lĩnh hội.
 
- Sử địa: Ông Bernard Bourotte, vẫn gọi bằng ông để tỏ lòng kinh trọng. Ông vừa là thầy dạy học vừa là bạn, mãi đến năm 1968 trước khi ông mất, chúng tôi thường thơ từ qua lại và năm 1963 tôi có ghé nhà nghỉ một đêm tại Lisieux, đốt đèn khuấy chị Phù dung thuốc rất ngon gout indien.
 
- Khoa học: Ông Franchini, vốn là anh của chủ nhà hàng Đại Lục đường Tự Do, nghe như hiện dưỡng nhàn tại Nice bên Pháp quốc.
 
- Toán pháp và kỹ hà học: Ông Lê Văn Kiêm, giáo sư cử nhân, gốc người Bến Tre, hiền và rất tốt với học trò, đứa nào cũng mến. Nhưng tôi không hiểu hết những gì ông dạy, lỗi tại tôi dở toán.
 
- Việt văn: Nguyễn Văn Mai.
 
- Vẽ vời: Bà Gioan, cũng là chị Giãn.
 
- Dạy viết chữ cho khéo (écriture): Cao Đình Nam. Đến giờ ông chúng tôi tự do được làm theo ý muốn, vì ông nói chúng tôi nào phải trẻ con mà dạy tập đồ.
 
Các thầy gác phòng tự tập, coi ăn coi ngủ. Mai Điểu Chính, Đoàn Hưng Tường, Đào Văn Lân, Trần Văn Phận, Nguyễn Bá Tải, Sersot, Dumoulin, Đỗ Văn Ngô, quên tên vài ông... Thỉnh thoảng có ông Trần Văn Chiêu xuống dạy khoa đã tự (đánh máy chữ), cũng có khi ông gác lớp vài giờ, ông Lê Đình Dực (lé) coi về phát mandat đại diện lãnh tiền thế cho học trò, và ông Mạnh (quên họ) gọi lén là Trương Tác Lâm, danh từ nầy do các anh lớn để lại và tôi không hiểu gốc tích.
 
Bà đầm coi sóc y phục tên Mong, có mấy chị phụ giúp, thứ năm nào tới giờ phát áo quần mới, chúng tôi đều chen nhau gọi réo: “Chị lấy tôi, chị”, tiếng gọi tắt đã quen thay vì nói “xin chị lấy giùm y phục cho tôi”, quá dài. Và chị vẫn tươi cười không thấy chê rầy đứa nào vì đứa nào cung trai tơ nheo nhẻo.
 
Tuỳ phái chạy giấy đem thơ là Thường. Cu li dọn dẹp khá nhiều, đều là gốc gác miền Trung, nhứt là Thanh Nghệ, nên gọi chung là cọc cạch lửa, phải chăng là vì họ lo về tắt đèn tắt quạt, sửa điện và vặn nước cho học trò tắm. Ghét lớp nào các ông chờ cho xát xà phòng thì khoá nước, nên không dám chọc cho ghét.
 
Anh cặp rằng có râu dài, tánh tình khó thương, được tặng là Đề Thám! Người chịu khó, sai gì cũng được từ lấy đồ đi bỏ giặt đến mua một cặp lạp xường, đem nước trà lên lầu, cạy cơm cháy để học khuya, về trễ anh mở cửa cho lên ngủ không thưa gởi với thầy gác, đó là anh Hai Tân, nhớ lại thì ắt đã ra người thiên cổ. Vạn tuế Hai Tân!
 
Cho đến năm 1918, bãi trường lớn hai tháng vào tháng chạp Tây từ lễ No-en. Từ năm 1919 về sau, bãi trường lớn vào tháng bảy, lễ chánh chung (14 juillet). Cũng vì vậy mà các anh Nguyễn Văn Cáng (Đại Ngãi), Phương (Cần Thơ), Châu (Bạc Liêu) vô trường Xách Lu năm 1918 học tắt có sáu tháng rồi khi nhập trường cho lên lớp đệ nhị (deuxième année). Năm 1919, khi chúng tôi vào trường, học năm đệ nhứt thì tên lớp đặt là première année, chia ra A dành cho nhóm có học bổng (boursiers) và lớp B dành cho bọn có đóng liền (payants). Nhưng năm 1920, ông đốc Ourgaud nhường chỗ cho ông quan năm nhà binh là Colonel Limandoux, ông nầy là nhà toán học nên đổi lại gọi deuxième année X và Y.
 
Ông ít tánh kỳ thị, chính ông đưa sinh viên Nguyễn Văn Kiều (nha y sĩ Dr. Kiều) vào hội thể thao Pháp (Cercle Sporlif Saigonais) là hội dành riêng cho Tây chơi, ông đóng tiền cho Kiều dượt tơ-nít chung với bọn Pháp, vì Kiều có khiếu về môn nầy. Ông ở ăn tử tế như vậy nhưng ông bị lão tổng giám thị Thomas xỏ mũi rồi Thomas làm bậy, học trò phản đối bỏ trường không học xuống đường lần nhứt ở Nam kỳ vào năm 1920, ông cùng bị đổi, để ông sentenac ở Mỹ Tho lên thay, chừng ông nầy về hưu thì có ông Mathieu (Mã Thiệu) lên làm giám đốc. Nhưng giám đốc lỗi lạc nhứt là ông Bouault, thạc sĩ sử học thế cho Mã Thiệu, năm 1923, khi chúng tôi học lớp đệ tứ. Ông nầy say mê về sử và thuộc hàng Tây tốt. Một hôm, giáo sư dạy sử lớp tôi mắc việc riêng không đến dạy. Đốc học Bouault xuống thay thế, hỏi chúng tôi học đến đoạn nào. Trả lời đoạn nói về cuộc cách mạng bên Pháp từ năm 1789. Ông cười, xoa tay dạy cất hết giấy nết, căn dặn không cho ghi chép những gì ông nói ra, đoạn suốt một giờ ròng rã, ông thao thao bất tuyệt diễn giảng còn rành rọt hơn trong sách, những chi tiết vặt vạnh luôn về năm tháng xảy ra, nghe mê như mật rói vào tai đoạn ông xách nón bước ra cửa, chào và kết luận: “Chúng em còn nhỏ, sau nầy nếu muốn độc lập, thì phải tranh đấu cho đến kỳ cùng. Mặc cho chúng nó là bọn cai trị sẽ không bằng lòng, chớ nhà giáo có lương tâm như chúng tôi, vả lại tôi thuộc đảng xã hội (socialistes), chúng tôi không có quyền che giấu sự thật và chỉ muốn có sự công bằng”. Thật là một lời nói vàng ngọc và chí tình, đáng ghi vào phế phủ.
 
Nhớ HỒ VĂN NGÀ - Hồ Văn Ngà có da ngăm đen, mặt xương mắt sáng, miệng rộng, có cái cười rất cởi mở. Nhà nghèo, Ngà rất chăm học, giờ chơi luôn luôn ở lại trong lớp, tay cầm cục phấn, học riêng không cần thầy. Ngà có hoa tay, viết được cả tay trái, và khi vẽ vòng tròn trên bảng, Ngà cầm phấn quay một vòng tròn còn hơn vẽ có công-pa tức cái qui. Tuy nghèo mà rất gan dạ, chuyện gì dầu trái, như bỏ trường, cất nghĩa Ngà nghe phải tai thì hường ứng ra theo, bất chấp hậu quả. Thấy ông giáo sư Duyên chữ viết thật đẹp, Ngà tập theo và chẳng bao lâu Ngà có tuồng chữ y như chữ của ông Duyên không khác. Cho đến năm đệ tam, Ngà học ngang lớp với tôi. Tôi hơn Ngà môn thể dục và môn tập đọc nhạc phổ (solfège), nhưng chỉ hơn trong hai năm đầu, đến năm thứ ba, Ngà giựt luôn quán quân hai giải nầy, bỏ tôi xa lắc. Ngà thấy tôi yếu về khoa học và toán, Ngà cố tình chỉ bảo mọi cách nhưng tôi vẫn hoàn tôi. Nhớ lại năm 1921, vô học năm đệ nhị mà không sao học yên thân. Lão Thomas cho ăn cực quá, nuốt không vô. Thêm nữa lão thâu nạp học trò trường Nguyễn Xích Hồng dâng hối lộ cho lão rồi lão nhận bừa cho vô học cùng chúng tôi, Phát, Thiệt, Cung, mấy anh nầy rất tốt nhưng sức kém quá không theo kịp, thầy phải mất nhiều thì giờ mà chúng tôi lại thiệt thòi hơn thầy nhiều, thêm có nhiều lý do khác, khiến cho chúng tôi, nhóm học trò khu bản xứ, từ đệ tứ đến đệ nhứt, đồng lòng thừa dịp chiều thứ năm thầy dắt ra dạo chơi ngoài phố (promenade) rồi bỏ luôn không trở về trường, phản đối tổng giám thị Thomas bất công nhiều nỗi. Ngày sau là ngày thứ sáu, định kéo lên thống đốc nạp đơn kêu nài, nhưng lính đến giải tán. Một nhóm không hưởng ứng ở lại học, chúng tôi gọi “mấy thằng lác” (lâche), mãi về sau ra đời rồi cũng còn giận và ít giao thiệp. Nhưng cuộc làm reo (grève) bãi học nầy, lần hồi đưa vào thất bại. Chúng tôi không dự bị, vấn đề ăn và cho ở làm cho luống cuống. Đêm đầu có tiền đi xem ciné rồi ăn mì thế cơm. Ngủ thì chen nhau nằm sấp nằm chồng sấp lớp trong một phòng trọ tối tăm. Mấy hôm sau, cạn tiền phải sống bằng viện trợ, đúng hơn là bố thí của mấy thầy hãng tư, kẻ mươi đồng, người hảo tâm hơn cả là năm mươi đồng, làm sao đủ cho hơn hai trăm đứa nheo nhóc phần đói phần được thơ cha mẹ tuân lời đốc học khuyên răn làm mất hết tinh thần. Chưa được một tuần lễ, tôi tiếp được một thơ bảo đảm của Ba tôi từ Sốc Trăng gởi lên trong ấy có kèm một bưu phiếu mười đồng bạc, phải vô trường nhờ thầy Dực trên văn phòng lãnh hộ mới xong.
 
Lúc ấy tôi chỉ ăn một ổ bánh mì bốn xu trừ cơm mỗi ngày và đã hai hôm như vậy nên xót ruột quá. Về chỗ trọ, thì nhờ anh Trần Quan Viện, đưa về ở trên đường Barbet (nay là Lý Trần Quán), ngủ bừa dưới gạch, vừa rồi có dịp đi ngang qua đây, thấy cái tháp hoà thượng ngay sát bên lộ đã bị san bằng, lòng khiến bồi hồi nhớ lại năm chục năm trôi qua mau quá. Hôm vô trình diện để lãnh tiền, tôi mục kích một cảnh đáng thương tâm và cũng đáng kể lại đây. Hôm đó tại văn phòng, tôi thấy Ngà bị lịnh nghiêm thân từ Tân An bất trói hai tay dẫn trở vô trường ra mắt đốc học Limandoux.
 
Giữa ông Tây quan năm nhà binh và một ông già cổ học Đông phương, có ông giáo Dực đứng làm thông ngôn. Ngà hai tay bị trói bằng dây luộc đứng sát vách. Tôi, với một bộ đồ bà ba nhục nhục cả tuần chưa thay, đứng bên Ngà, vô tình trở nên một nhân chứng bất đắc dĩ.
 
- Con của ông - Limandoux nói- đã không nghe lời chỉ bảo và ngỗ nghịch bỏ trường ra theo bọn mất dạy, ông là cha, lỗi ấy về ông.
 
- Thưa quan đốc học - thân phụ của Ngà nói - quan đốc nói như vậy tôi là dân quê dốt nát, xin đỡ lời. Ngà, lúc còn ở nhà tôi, rất ngoan, tôi nói gì, Ngà nghe nấy. Lúc ấy, “tử bất giáo, phụ chi quá” quan đốc trách tôi là phải. Nhưng lúc đó Ngà biết nghe lời cha mẹ. Chỉ từ khi lên đây ăn học ở trong trường và được quan đốc dạy dỗ, từ ấy Ngà trở nên ngỗ nghịch. Hễ “giáo bất nghiêm, sư chi doạ”, thưa quan đốc, vậy lỗi ấy về ai?
 
Ông Limandoux nghe ông giáo Dực dịch xong, lật đật đứng dậy xin lỗi, bất tay ông già nhà quê, mà rằng: “Con ông học rất giỏi, đứng đầu trong lớp. Tôi không nỡ đuổi mấy đứa như vậy. Lời ông nói rất chí lý. Nay ông hãy bảo Ngà vô học lại”. Nhưng Ngà khoanh tay cung kính đáp bằng tiếng Pháp:
 
- Thưa ông Đốc, tôi không thể vô học một mình. Nếu ông ép tôi cũng nhảy rào trở ra. Chừng nào ông tha tội tất cả anh em chúng tôi, thì tôi mới chịu vâng lời.
 
Ngà mất học bổng, các anh kia tôi nhớ Tự (lớp đệ tam cầm đầu) và Sử (Cần Thơ) bị đuổi. Chúng tôi trở vô tiếp tục học, cuộc xuống đường tan như bọt xà bông. Ông Limandoux, ông Dực, hai cha con Ngà đều ra người thiên cổ, chỉ còn tôi ghi lại lời nầy, cũng không còn nhân chứng nào khác, vài năm sau khi từ giã Xách Lu, có một lần tôi gặp Ngà trước quán sách Albert Portail (nhà Xuân Thu đường Tự Do ngày nay), Ngà cho tôi hay sắp sang Pháp học thêm. Tôi khen Ngà tốt số, Ngà đáp: “Đi với tiền bên vợ mà sướng cái gì, mầy!” (Câu nầy nơi trước tôi có kể rồi).
 
Sang Pháp học trường cao học về kỹ nghệ và mỹ thuật, một dịp Tết Ngà gởi cho tôi một danh thiếp vỏn vẹn có mấy hàng nầy: “Hồ Văn Ngà S.M.N.X”. Tôi gặp Hồ Hữu Tường lấy ra hỏi, Tương cũng không hiểu bốn chữ kín ấy nghĩa gì.
 
Khi hay tin Ngà bị đuổi, kỹ sư Lưu Văn Lang nói: “Uổng quá, tôi có học trường ấy, nhưng tôi không làm major (đứng đầu trong lớp) suốt ba năm như Ngà. Làm major, khi ra trường tương lai lớn lắm. Uổng quá! Uổng quá”.
 
Tôi gặp lại Ngà lần chót tại Sốc Trăng, Ngà làm chánh văn phòng cho ông Nguyễn Văn Sâm chức là Khâm sai của đức Bảo Đại. Kế nghe đảo chánh, rồi nghe Ngà bị bắt, dẫn đi xuống miệt Cà Mau, dọc đường bị thủ tiêu, sau năm 1945, lối 1946 gì đó.
 
Nhớ TRẦN VĂN THẠCH:
 
- Anh Trần Văn Thạch là học sinh ngoại trú (externe) nên chỗ giao thiệp không mặn mòi với chúng tôi là học sinh nội trú, từng nuốt mấy trăm hội vịt giầm nước mắm năm lère année và nhai bít-tết giẻ rách của lão Xích Cu Lại ròng rã những tháng dài Trần Văn Thạch là học trò xuất sắc trường Phú Lâm, khi vào năm đệ nhứt Xách Lu thì vóc nhỏ người nhỏ con hơn hết bên ban A (boursiers), cũng như chú Từ Văn Thiệt sau nầy tốt nghiệp hãng Renault kỹ sư đào tạo bên Pháp chính cống mà qua bên nây vô hãng Renault Sài Gòn, Tây nó xếp dưới hàng giám đốc vẫn không có bằng kỹ sư nhưng là Tây thứ thiệt nên giành làm chủ, thiệt khi vô trường từ Cái Bè lần học chung một lớp với anh là Từ Văn Chẩn, vẫn chiếm giải thứ nhứt bé con nhứt bên ban B (payants) vậy.
 
Trần Văn Thạch cận thị từ nhỏ, vô lớp với hai gò má no tròn, mặt rất trẻ trung bé choắt nhưng đã lên bộ nghiêm trang đạo mạo với nhỡn kính gọng sắt xi kền y một kiểu với đức giám quốc Pháp có hình vẽ trong tiểu tự điển Petit Larousse là ông Adolphe Thiers. Thạch bề ngoài có vẻ phách, khinh người, nhưng bề trong là một bạn tốt như bánh mì Tây không có pha bột gạo. Duy Thạch kén người để giao thiệp và suốt mấy năm học chung trường Xách Lu, Thạch chỉ thích cặp kè với ông giáo sư dạy Pháp văn của lớp Thạch là ông Paul Baudet(7) có tiếng là dạy giỏi nhưng rất nghiêm nên chúng tôi rất sợ. Ông Baudet cũng khác hơn người, làm giáo sư mà ít giao thiệp với các giáo sư khác, dưới mắt tôi lúc ấy hai người đeo như sam là Paul Baudet và Trần Văn Thạch, cứ mỗi sáng đến giờ vô lớp là thấy hai người lù lù từ cổng vô sân, từ sân vô hành lang chờ giờ vô lớp học là hái người cặp kè, một giáo sư già Tây, một sinh viên trẻ ta, khăng khít không rời và trâm cùng nhau tiếng Tây không ngớt.
 
Ông Baudet thấy Thạch có khiếu nên thương, còn Thạch lợi dụng tình thầy trò để học tiếng Pháp. Chúng tôi không hiểu ất giáp gì, đứng ngoài xét cạn đã ban cho Thạch là “con lão Bồ Đề”, mấy lần thân thiện chúng tôi trách Thạch quá ham nói tiếng Tây, Thạch cự lại rằng: “Chúng bây ngu lắm! Vô đây học chữ Tây, tiếng Tây thì phải năng viết nhứt là năng nói thì mới giỏi được chớ? Còn nói rằng ham nói tiếng Tây sẽ bớt thương nước, thì sau nầy sẽ biết”.
 
Có đứa ác ý thấy Thạch giống ông giáo Dực trên văn phòng, vì cũng lé và mập tròn chắc da chắc thịt như nhau thì đặt tên bừa là “Con lão Dực” nhưng chỉ nói lén chớ Thạch hay được ắt đánh bể đầu. Thạch có biếu tôi một cuốn mỏng “Manon Lescaut” của Abbé Prévost và tủ sách tôi có chứa một cuốn mỏng khác “Le francais correct” của Thạch soạn khi làm giáo sư trường tư tại Sài Gòn, chứa đựng bao nhiêu sở đắc về văn phạm Pháp mà Thạch đã thâu thập được từ nhỏ. Tuy mỏng mà đáng lượng vàng.
 
Từ ngày ra trường, tôi không gặp Thạch. Vắng tin nhau mấy năm dài, Thạch sang Pháp du học ngày nào tôi không hay, Thạch nhiễm tư tưởng mới hồi nào tôi không rõ, một hôm tôi gặp Thạch trên xe buýt đường đi Bà Chiểu, lúc nầy Thạch là hội viên Hội đồng thành phố, còn tôi thì giúp việc trên dinh phó soái Nam Kỳ, tôi xê lại gần và bắt tay chào Thạch. Thạch cười lé xe: “Bộ mấy không sợ mất chức hay sao mà dám bắt tay tao?”. Tôi thản nhiên đáp lại: “Có cái mấy làm nghị viên, mấy làm chánh trị rồi mấy sợ bất tay một thằng thơ ký mà nhơ tay mấy; chớ tao thì không sợ giống gì hết. Đứa nào làm chánh trị thì làm, đứa nào kiếm cơm thì cứ việc kiếm cơm, bạn học năm xưa gặp nhau bất tay chào mà cũng sợ nữa sao?”. Hai đứa cùng cười nào ngờ hôm ấy rồi không bao giờ gặp nhau lại nữa.
 
Trong hàng anh em, Ngà giỏi đủ môn, Tân Hàm Phục và tôi giỏi Pháp văn duy có Thạch thấu đáo được văn phạm Pháp và có tánh cang chánh xây dựng, dám nói dám làm, tiếc thay trời không cho sống để thi thố tài nghệ, nhưng bao nhiêu kia cũng đủ, mạng ấy yểu mà danh ấy thọ.
 
Nhớ PHAN VĂN HÙM - Phan Văn Hùm(8) đã được nói nhiều do nhiều cây viết có uy tín ghi lại. Ở đây tôi chỉ muốn nêu ra vài cử chỉ đầy nghĩa khí của anh. Tôi biết Hùm lối năm 1920-1921, khi anh học trường cao đẳng tạo tác Hà Nội về. Tôi gặp Hùm lần đầu tiên tại nhà bà Phán Mẫn là mẹ nuôi của anh Nguyễn Tích Thiện, cô của bác sĩ Nguyễn Văn Sang. Nhắc đến hai vị ân nhân nay mà bùi ngùi vô cùng cảm xúc. Nếu nội nhà tôi đều nhờ anh Sang mát tay trị đủ thứ bịnh và bất luận giờ giấc nào, thì riêng tôi, lại thọ ơn dày bác Phán từ thuở còn mài đũng quần tại trường tỉnh cho mãi đến sau mỗi khi bãi trường ở Xách Lu về vẫn ăn chực thường thường tại nhà bác Phán, nhắc mà không thẹn lỗ miệng ngày nay. Bác trai mất từ lâu, nhưng bác gái một lòng thủ tiết và mỗi ngày đều cúng bác trai hai bữa cơm y như lúc sanh tiền.
 
Anh Hùm năm đó theo anh Tích Thiện về Sốc Trăng tuy quê anh ở Búng (Bình Dương) đừng lầm với chợ Bưng ở Mỹ Tho là chỗ ngày nay hai bên đánh nhau rầm rầm, ông trời can cũng không nổi. Nguyễn Tích Thiện học trường Cao đẳng sư phạm, năm ấy thi ra trường bị Tây ghét cứng đầu nên cho rớt. Hùm nghĩa hiệp chịu bỏ dở nửa chừng việc học, theo Thiện về tổ chức với nhiều tay hùn vốn dựng nên một dãy trường khá đồ sộ lấy tên là “Tích Thiện học đường” dưới bảng hiệu chua thêm một hàng chữ “Ký túc học xá” mà lúc ấy tôi chưa hiểu nghĩa là gì. Công việc làm ăn đang phát, Thiện đâm ra chơi bời, mê một cô me Tây mà quên hết sự nghiệp, nhứt là không nghe lời trực gián của Hùm, uất quá Hùm xin trở ra Hà Nội năm sau học lại rồi qua Pháp học lại Đại học Sorbonne thành tài, và đó là việc khác. Nhơn lại nhà bác Phán, tôi gặp Hùm và trò chuyện đôi ba lần đâm ra thích và kết lâm bạn tâm đầu. Hùm hơn tôi rất xa vì đã biết sẵn chữ Hán, Hùm có chỉ cho tôi học thêm, nhưng mãn kỳ bãi trường, hai tôi chia tay và không thấy nhau luôn cho đến ngày Hùm bị chết oan sau nầy.
 
Dưới mắt tôi, Hùm là một người học nhiều, viết nhiều nhưng tiết kiệm từ lời nói. Đúng là một học giả có chân tài học ngoài có vẻ cục mịch như anh lải gỗ đất Thủ (Thủ Dầu Một), bề trong thật là một viên ngọc đáng giá, nhưng không ba hoa lẻo mép như thằng nầy. Chớ chi lúc đó tôi biết được như hôm nay xin thọ giáo với Hùm thì đã khỏi “thiên bất đáo, địa bất chí” như tôi bây giờ. Những gì tôi nói nôm na, như trường ăn cơm trong để dịch chữ Internat, thì Hùm đổi lại là “ký túc xá”, chính chữ Surveillant général, tôi dịch “thầy gác chánh”, Hùm cười, sửa lại “Tông giám thị” nội bao nhiêu ấy đủ thấy “chơn” và “giả” khác nhau thế nào. Sống làm chỉ nhu kẻ hèn nầy; bởi vậy, bây giờ tôi nghe ai gọi tôi là học giả, tôi nhớ đến Hùm và xin cải chánh, chữ giả nầy là “không thiệt” xin đừng hiểu “học giả” là người có học, quả tôi không xứng đáng.
 
Hùm da ngăm ngăm đen, mặt thịt, mình mẩy rắn chắc, tôi hỏi anh Trần Quan Viên, trước học cùng trường ngoài Hà Nội, Viên cười nói “Nó có nghề!”. Bộ tịch vạm vỡ đúng là bé ton armé, dè đâu lại chết yểu. Như vậy mà còn có kẻ không tin con người có số mạng.
 
Nhớ NGUYỄN AN NINH(9). Tôi làm quen với ông Ninh nhờ mua báo bằng Pháp văn đối lập chống chánh phủ đương thời, gọi La Cloche Fêlée (Cái chuông rè) do ông một mình vừa chủ trương, vừa viết báo, và vừa bổn thân đứng bán khắp Sài Gòn, mình mặc áo dài trắng, đi xe đạp, tay ôm mớ nhựt trình, miệng rao lanh lẹ và chạy bán từ số, từ tờ cho mấy ông mấy thầy, bất chấp cách lườm ngó đầy ác ý và tiếng nặng nhẹ của nhóm thực dân, từ thằng biện chà gác đường đến thằng Cọt (Corse) ngồi nhà hàng uống rượu khai vị xưng mình là người cai trị da trắng mà sức học chưa có tới mảnh xẹt-ti-phi-ca.
 
Lúc ấy Sài Gòn hãnh diện với những nhà hàng sau đây địch thể với các nhà hàng bán rượu và cơm Pháp: như Continental (Đại Lục) gần nhà hát Tây, Rotonde (Viên Đình) vì góc tròn, ở chỗ nhà Denis Frères đường Tự Do góc mé sông và nhà hàng Pancrazi nơi góc Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiếp. Ba nhà hàng đối thủ với các nhà Pháp thuở đó là: Quảng Thạp (góc Chợ Mới đường Lê Thánh Tôn), chỗ ngân hàng Pháp ngày nay, đầu bếp là tay ngự thiện cũ của lão thống soái hách nhứt thời Cô Nhác (Cognacq), nhà nầy chuyên môn bán chim mỏ nhát rô ti và mỗi sáng bán điểm lâm với giá hai cắc bạc một tô cà phê đen lớn xộn một khúc bánh mì to tướng còn bơ lạt ướp lạnh tha hồ muốn quệt bao nhiêu thì quệt. Nhà thứ hai là nhà hàng Hiệu Hiệu ở Chợ Cũ đường Công Lý, chỗ lai vãng của các mại thương mái chính, nấu ăn được được nhưng không ngon và sạch bằng nhà thứ ba danh gọi Yeng Yeng, ở đường Pasleur, Chợ Cũ, bán cơm Tây rẻ tiền mà ngon lạ ngon lùng: bít tết Chateaubriand tám cắc đĩa nguyên, bốn cắc nửa đĩa, cục thịt mềm và thơm, khoai chiên bơ phồng lớn và tròn, bùi không chỗ nói, ngày nay vô Chợ Lớn kêu một đĩa bít tết như vậy tốn bạc ngàn mà ngon không bằng phân nửa chầu xưa. Nguyễn An Ninh ưa đứng bán báo nơi góc Tự Do và Gia Long và đón giờ ra sở năm giờ thì thế nào mấy thầy trẻ dinh Thượng Thơ cũng mua ủng hộ vài ba chục số. Nhưng mỗi luận vào khoảng tháng hai tháng ba Tây năm 1926 cứ mỗi thứ hai và thứ năm lối bảy tám giờ tối không sót ngày nào, ai muốn gặp Ninh cứ lại trước nhà hàng Yeng Yeng thì gặp, không trật bữa nào. Tôi thường lại đây dùng bữa vì đây là nơi hội ngộ của đám gái nửa sạc Lucie Bandeau vì đầu có theo nơi trán, con Mười Tóc Đỏ, Tư Dái, Sáu Ngọc Anh, bọn nầy khi hết tiền thì đeo theo bọn cờ bạc, khi có xu sọc sạch trong túi thì nhả bọn cờ bạc bám chúng tôi rút rỉa đồng lương đầu tháng, và xương tuỷ trai tơ. Trước khi giáp mặt chị em, tôi thường mua một tờ Chuông Rè để lấy le. Nhưng ông Ninh sau khi bán cho tôi đều đều, lại lầm tưởng, cho tôi đúng là nhà ái quốc có gan, không nữa cũng một tay cừ nào đó có sạn trên đầu. Một đôi khi, sau khi nhận của tôi một cắc bạc tiền mua báo, ông sang chồng báo qua tay trái và chìa tay mặt bắt tay tôi niềm nở như hai bạn tương tri cách mặt lâu ngày. Có mấy lần tôi thẳng thắn kéo tay mời ông vô dùng cơm Yeng Yeng dụng ý là mình dám đồng tịch đồng sàng cùng nhà cách mạng, nhưng ông lắc đầu lia lịa xổ một dọc tiếng Tây cám ơn không ngớt, và tỏ vẻ cảm động thật tình. Nói cho đúng lúc ấy ai ai đều ngán ông Ninh và không dám giao thiệp công khai, vì sợ liên luỵ không nhỏ. Riêng tôi, tôi lại nghĩ lại. Lúc bấy giờ ông Ninh chưa ai biết là nhà ái quốc dám hy sinh tánh mạng như ngày nay đã rõ, lúc đó ông là người ai cũng e dè không dám lại gần, trừ những người cùng một chủ nghĩa với ông, Việt Tha, Le Jean de la Bâtie, Paul Marchet, vân vân. Còn tôi tôi vẫn phục ông thật tình, lại nữa tôi còn nhỏ dại, thâm ý ngông cuồng là muốn ngồi cùng bàn, bắt quá lính kín xên, ông Rosel hay được sẽ buông tôi ra đổi tôi đi chỗ khác thì khỏi làm việc nơi Trường Máy, cho nên tôi mới dạn làm vậy. Có ngờ đâu kế tôi bất thành, và cho đến năm 1928. nhờ mấy ông Tây tôi dạy tiếng Việt vận động lắm, tôi mới lách rời ông Rosel, thẳng cánh bay về toà bố Sa Đéc được.
 
Theo tôi nhớ. ông Ninh người chắc da, chắc thịt, nẩm thấp đều đặn nhưng không đáng gọi lùn, ông có bề ngang, mặt đỏ hồng vì có dư sức khỏe. tóc đen nháy và thật nhiều, ông lăng xê mết để tóc dài xù xụ khỏi ót và thanh niên đời đó đứa nào có ít nhiều tâm sự như tôi đều bắt chước gọi kiểu phi lô xốp à la mode de Nguyễn An Ninh, cái kiểu hippy như bây giờ đâu phải là mới mẻ. Cặp mắt của ông sáng có sao, đổi lông mày thật rậm. Khi ông nhíu lại, trông người oai phong đầy nghị lực. Thế mà ông hiền như cục bột, miệng luôn luôn tươi cười tha thứ, và ăn nói rất có duyên. Một con nhà nề nếp nho phong mà tập ăn uống kham khổ không nề hà, trong khám Ninh thường nhín lại miếng khoai lang mò trong tô canh để rồi cũng la sấm la sét (dessert) như ai ở ngoài tù, vài khi còn tự do viết báo, món ăn thích nhất của Ninh vì rẻ tiền no bụng là món hột vịt lộn úp mề cặp với rau răm chấm muối tiêu, chêm la-ve cho thêm ấm bụng. Ninh ban đầu là một người yêu chân lý, ý toan đội đá vá trời, thành thật muốn cho Tây thực dân nghe theo lời ông mà nới tay biết đối xử với người bị trị làm sao cho phải đạo, cho đúng Rousseau, Voltaire đã viết và ông đã đọc. Ninh là người hết sức thiệt thà tin nơi lẽ phải và tin cho ai ai cũng đều tốt bụng như ông. Chớ chi Tây biết nghe lời và thầy chú không tàn ác thì Ninh đâu trở nên người bạo động. Xứ Sốc Trăng tuy quê mùa nhưng râí có duyên nợ với khách anh hùng cỡ Hùm, Sâm, Ninh...
 
Có một lần Ninh đi dạm vợ ở tỉnh Sóc. Chị nầy đang học trường bà phước sở tại, có tiếng là nơi kín cổng cao tường. Ninh vào trường để thăm vị hôn thê, mà bà phước không có lệ cho trai tơ thâm nhập chỗ dạy dỗ gái. Thế là Ninh phải giả làm phụ nữ, mặc áo dài choàng khăn écharpe là cái mốt thịnh hành thời ấy, bà phước thấy làm sao được mớ tóc phi lô xốp nên cho vào. Nếu cái tin nầy không phải chuyện hoang đàng và nếu tôi đây là trạng sư tôi sẽ cãi cho Ninh con người ham vui cợt đời dường ấy, đâu phải a con người làm cách mạng? Chuyện không hoang đàng và tôi dám cam đoan đúng trăm phần trăm là Ninh cưới hỏi chị nữ sinh trường bà nầy thực sự. Chị nầy nay còn sống, ban sơ hai người ăn ở với nhau rất đằm thấm, duyên thật bén duyên Nhưng khi ông bắt tay làm chánh trị, ông lậm và si mê đến tơ duyên đổ vỡ. Cơm không lành canh không ngọt, Ninh có lời nói nầy đủ thấy chí tình. “Em giao việc ly dị cho luật sư. Bao nhiêu lỗi anh xin gánh hết. Để em làm lại cuộc đời. Và để cho anh rảnh tay lo việc nầy cái đã!”. Cơ khổ tại sao quá hà tiện lời nói và không nói rõ việc nầy, ấy là việc quốc gia đại sự, nếu nói rành muốn đuổi Tây về xứ thì người đàn bà trẻ non lòng, chị Tư E.P, đâu có chia tay? Âu cũng là số kiếp hay là hết duyên hết nợ. Khi dừng chơn tại tỉnh Sốc Trăng. Ninh là người hết sức yêu đời, cười nói huyên thuyên, ưa giễu ưa chọc cười. Ninh lúc đó đâu phải là dành cho nệm đá xi măng lạnh lẽo, cơm tù hết Khám Lớn đến Côn Sơn, kết cuộc chết trong ngục tối. Nhưng chết trên nệm êm để sau giòi đục xương, đâu có bằng chết bó chiếu mà danh lưu thiên cổ.
 
Mối duyên bất thành kia, dường như khởi đầu tại Chiêu Nam Lầu, Chợ Cũ, nơi mà mẹ của chị nữ sinh trường bà phước ghé chọn để gặp người cô của Ninh là chủ của khách sạn nầy.
 
Nay ông Ninh đã nằm yên ngoài Côn Đảo, tiếng nghe dữ, nhưng êm tịnh hơn đất Sài Gòn. Cái mồ lý tưởng của nhà cách mạng nầy, theo tôi, là nên nằm nơi sân cỏ góc Gia Long-Công Lý, cạnh Khám Lớn Sài Gòn hồi xưa. Cái Thư viện quốc gia, theo tôi, nên đặt tên “Thư viện Nguyễn An Ninh”, mới là chí lý(10).
 
Lúc chánh phủ trước sai phá Khám Lớn, tôi có xin ông Bộ trưởng bộ giáo dục can thiệp xin chừa lại cái hồ nước, chỗ Ninh, Hùm đến uống và tắm giặt, phải chi nghe tôi thì Thư viện có một di tích quý kế bên. Nay chỗ đó bỏ không, mà lúc ấy tôi bị quở tại sao ham gánh bàn độc mướn. Bên Pháp cũng không sáng suốt gì hơn. Có cái cổ thành “Ngục Bastille” đem phá quách thành bình địa trong cơn nóng giận, chỉ thấy đó là một ngục tối chớ không phải là một cổ tích, để lại cho người sau biết và xem cảnh áp bức của chế độ quân chủ phong kiến, chẳng là hữu ích hơn. Lại thêm có món tiền thâu vô cửa cũng bộn? Biết khôn thì sự đã rồi.
 
Ngày nay Ninh, Hùm, Ngà, Thạch, Sâm, Thâu, Tạo v.v., đều có tên ghi vào lịch sử. Xưa tạc tượng đồng bia đá nay lấy tên đặt cho đường cho công viên. Thiếu chi người lúc sống đứng trên đầu trên cổ người ta, nhưng mải lo làm giầu vơ vét của công hoặc cầ in được quyền rồi quá lộng hành, khi mất địa vị mất thanh danh, chết làm phân bón còn chưa xứng đáng. Đã sanh làm người phải biết chọn đường đi, ở vào địa vị nào cũng nên biết phân biệt cái thơm cái thúi.
 
Nhớ ngày 21 tháng 3 năm 1926

<< 6 | 7 (tt) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 578

Return to top