Hạnh phúc là cái gì? Hỏi thì dễ mà trả lời không sao cho trôi.
Người bịnh ăn được nửa chén cháo, là thấy hạnh phúc nhóe lên trước mất, kẻ tù nhớ thuốc hút, vớ được đớp được một hơi hít là có thể quên hết nỗi dày vò xác thịt. Và đại phàm hạnh phúc qua rồi mới ước lượng được chân giá trị. Khi ấy thì đã muộn...
Như tôi, giá thử tôi không có dục vọng nhiều lúc bé, và chớ chi tôi sớm biết an phận tuỳ duyên, thì tôi đã thảnh thơi biết mấy? Vợ có vợ đẹp cha mẹ sẵn cưng chiều, tiền của có dư, đến có thừa để mua sắm đồ cổ, đồng lương thơ ký khoảng năm 1930 cho đến 1945, tôi lãnh mỗi tháng có trên một trăm năm chục bạc; thêm vào đó tôi lại có tiền lúa ruộng bên vợ trước, chia mỗi mùa, đổ đồng phần gia tài ruộng Hoà Tú hai ngàn công (200 ha), hoa lợi năm thất cũng như năm trúng, bù qua chế lại, lúa bán ra tiền mặt có trên năm sáu ngàn đồng bạc trắng, khỏi nặng nhọc dan nắng dầm mưa đi góp lúa ruộng, vì đã cô các anh vợ gánh vác việc nầy.
Thế mà lúc ấy tôi lại dại dột chạy theo bả vinh hoa để gặp nhiều nỗi đắng cay, thi rớt lên rớt xuống, càng rớt tôi lại càng say máu ngà định thi mãi cho đến chừng nào đậu cho chúng biết mặt, họ thi mánh lới mình thi “tay không” mà đậu được thì mới khoai. Có ngờ đâu tôi bị lâm trong giấc mê đồ, lúc hăng say tranh đua với chúng bạn thì đều đui mù như nhau cả, nay tỉnh ngộ mới rõ lại cây cầu đã qua nó gồ ghề tức xóc làm sao? Nhưng cũng may!
Tuổi trẻ là tuổi mau quên. Mặc dầu thi rớt, tức là lòng không toại nguyện, nhưng ngủ một đêm sáng ngày thức dậy, vung vai là quên hết sự đời, tôi lúc nhỏ ngây thơ tự ví và thấy mình như một tấm gương còn mới, chưa lắm bụi nhiều. Khi gặp một hoạn nạn ví như tấm gương bị hà hơi, bất quá hoen ố một đôi phút, hơi hà bay đi, tức khắc gương trở lại tỏ rạng như cũ, không hề hấn chút nào.
Chuyện cũ đã qua rồi từ lâu, nay nghiệm ra mới thấy... Những ngày chưa nhiễm bụi của tuổi xuân, đó là nguồn hạnh phúc tràn trề tiếc thay lúc ấy tôi không biết tận hường. Đến nay đã gần đất xa trời, nói theo ngôn ngữ Pháp, “đã có một chân thòng vào huyệt mộ”, đến từng buổi nầy còn nai lưng kệch ngồi đánh máy lóc cóc để ghi chép lại chuyện xưa, khi ấy mới thấm thía hối tiếc xâu chuỗi ngày xanh vô tư lự. Nhưng sự đã rồi và xuân thì luôn luôn là “bất tái lai”. Tỉ như những chuyện xảy ra sau đấy, vốn lẹ như chớp, tuy vậy lần tay tính lại, đã hơn mấy chục năm dài đằng đẵng.
CHUYỆN SỐ 1 - ĐI DU LỊCH TRÊN ĐẤT NAM VANG, TỪ 31-12-1938 ĐẾN 2-1-1939 ĂN XÀI HUY HOẮC TRONG BA NGÀY, TỔNG CỘNG HAI MƯƠI BẢY ĐỒNG BẠC (270$00):Nhắc lại lúc ấy tôi làm việc tại toà bố Cần Thơ với phận sự là “đứng bàn ông chánh”, tức làm bí thư và thông ngôn cho quan chủ tỉnh (ông Colas). Đây là một chỗ “thét ra lửa, mửa ra khói”, nếu có lòng tham nhũng thì tha hồ làm mưa làm gió, vơ vét của phi ngãi với chuyện không nói có chuyện có nói không. Nhưng ông Colas, phải nhìn nhận là thanh liêm, và riêng tôi, lại sẵn tánh ỷ giậu và muốn được trong sạch, nên thầy trò tôi rất xứng; ông ngay thẳng tuy tánh nóng; tôi thì trực ngôn và mau quạu, nhưng trong tỉnh nói chí đáng đều có cảm tình tốt, quan yêu dân chuộng, anh em bạn kính vì. Trong số anh em đồng liêu, có anh Huỳnh Văn Diêu, làm việc bên sở Tạo tác, là tương đắc lắm. Thứ năm 29 tháng chạp Tây, tôi thảo bức thơ cho chủ tỉnh ký tên gởi đi các quận và ty sở, cho hay dịp Tết dương lịch năm nay, tham biện Colas miễn tiếp tân như hằng năm. Đây là một lệ mới để tránh việc đội mâm và lánh nạn chầu hầu nịnh hót.
Trưa thứ bảy 31-12, dùng cơm vừa xong, có anh Diêu lại rủ vợ chồng tôi cùng đi với anh lên Nam Vang xem hội chợ nhơn dịp lễ tâng tốc Miên, tức là lễ đưa nước về biển sau khi làm mùa đã xong (như lễ kỳ yên bên ta) và để đầu mùa mưa sau sẽ dâng lễ óc bốc là lễ rước nước từ nguồn chảy xuống để khai điền (như phong tục ta đã có), vào dịp đầu năm mở mửa canh tác. Chiếc xe Xi-tô (Citroen) bảy chỗ mà chở đến tám người: hai vợ chồng anh Diêu, bà quản thủ điền địa Guétet và cô ái nữ ngồi đàng trước, phía sau bốn người gồm ba phụ nữ: bà đốc công Bính, cô Hai Cái Răng, và vợ chồng tôi chen nhau ngồi tuy chật nhưng khi xe chạy lại thấy dễ chịu hơn đi xe đò. Lúc ấy giá xăng chỉ có hai cắc ngoài một lít, còn về nhơn vật miễn có giấy căn cước bìa vải đen năm cắc mỗi tấm (titre d identité cho toàn Đông Dương) là tha hồ chạy bon bon trên đường tráng nhựa, dẫu lên tới biên giới gần Tàu gần Thái Lan cũng không một ai ngăn trở. Ban đầu hai tôi từ chối, nhưng nói cách mấy cả đoàn không nghe, túng thét hai đứa xách một tay xách nhỏ y phục gọn rồi lên xe chạy thẳng. Xe qua đò Néach Luông rồi tới Nam Vang, thì không còn một phòng trống nơi các khách sạn, quen gọi nhà hàng Tây, buộc lòng phải ở tạm nơi một khách điếm Tàu, chen nhau nằm một giường và một bộ ván ọp ẹp, chung nhau chịu cho muỗi thiêu rệp đối suốt mấy giờ không dám cục cựa, vì ngoài vợ nhàn sát da là hơi thở của bạn vợ, bà đốc công, bà quản thủ, và một cô gái ngây thơ. Nửa đêm, mượn cớ đi đổi gió, anh Diêu và tôi để cho các bà ngon giấc, chúng tôi thay y phục lấy xe chạy qua phòng một cô gái Miên nơi khách sạn Pháp, tưởng rằng gặp của lạ, ít nữa là “con mái hạng sang” trong hoàng gia “nhảy dù”, suốt đêm cô trâm tiếng Miên nghe giòn tai, tiếng được tiếng mất đến sáng ngày trả tiền sòng phẳng, chia tay nhau cô mới thú thật là người Sài Gòn đổ bộ lên Nam Vang kiếm mồi, gọi là “thả cầm thơ, giang hồ lưu lạc cho biết mùi phong lưu”.
MỒNG MỘT THÁNG GIÊNG TÂY (1-1-1939) TRÊN KIM BIÊN THÀNHVừa lang tảng sáng, chúng tôi lội về chỗ trọ, đánh thức các bà, được tiếng khen hào hiệp nhường giường cho ngủ, mà không biết chúng tôi đi ăn vụng lội lỗi tày trời.
Bảy giờ có người trả phòng, chúng tôi dọn qua và yên trí yên nơi yên chỗ. Trọn buổi sáng, chúng tôi thả xích phê vô tích sự tấp các nơi danh lam thắng cảnh trên Nam Vang từ thành vua ở đến các xóm Việt Nam kiều bào, từ Chợ Mới xây chia ra bốn hình như một ngôi sao bốn kiềng, đến các phố khách buôn bán tấp nập, đường Bon (vì ngay cây cầu “pont”) đến vùng tân lập, xáng vét bùn thổi cát lấp một bãi lầy và tạo lập Xóm Mới Chruoy Chângva (Chui Chần Hoa) đối diện với kinh thàh cũ xứ Miên thơ mộng. Thuở ấy là thuở đại thái bình, huynh đệ nhứt gia, người Tàu là “chênh” (Thanh nhơn) được ban cho mỹ hiệu là “check” (các chú) và Việt kiều ta là “bòn” là “bon” (người anh cả, “đại huynh”, người trên trước, trường thượng).
Để lấy lòng chủ xe, bất đầu sau buổi ăn sáng “hủ tiếu Nam Vang” xóm đường Bon, và “lạp xường” (lạp xưởng, lạp trường nói trại), chúng tôi đến nhà thờ xem lễ, vì anh Diêu và bà Guéret là người ngoan đạo, còn tôi mặc dầu là ngoại đạo, nhưng chỗ nào cũng vụ tất, kính Chúa như kính Phật, kính Lão-trang. Xem lễ xong, chúng tôi thả vô thành vua xem hội chợ (kermesse). Nơi đãy tôi mua được một hũ nhỏ loại đựng ngải, men ngọc céladon Tống, giá một đồng rưỡi (1$50) (Hũ nầy ghi số mục lục 87), sau tôi bán cho anh bạn Nguyễn Văn Minh ngày 29-8-1973 không biết nay anh còn giữ chăng?
2 THÁNG GIÊNG TÂY 1939Sáng trở vô thành vua, viếng chùa Bạc chùa Vàng. Gọi làm vậy vì nền chùa lát bằng bạc nguyên chất, lấy mỗi nén mười lượng, cán mỏng đánh vuông lót nền. Mỗi lần rửa ráy, chỉ dùng toàn nước dừa tươi cho được tinh khiết; tuy vậy khi bước chân lên đó, tiếng nghe lộp xộp y như tiếng chân đi trên mái thiếc, vì bạc không dày và cũng không dính khẳn chắc chắn như gạch đất nung gắn bằng xi măng trên nền đất bằng phẳng.
Nơi chánh điện có thờ một ông Phật đứng, kim thân bằng vàng ròng nguyên chất, bề cao lối một thước, một thước mốt Tây (bằng cỡ một trẻ mười tuổi). (Không biết ngày nay có còn tồn tại?).
Thuở binh Nhựt đổ bộ lên Nam Vang (khoảng năm 1942-1943, trước đảo chánh 1945) không biết Phật ra thế nào? Lúc tôi thấy, thì trên mình Phật có gắn sáu hột kim cương lớn cỡ đầu ngón tay trỏ chói loà đổ hào quang, một hột ngay trán, hai hột nơi linh nhãn, một hột mỗi bàn tay xòe tới trước và một hột lớn nơi ngực chỗ tim. Không kể sáu hột xoàn nầy giá trị ngày nay ước trên bạc tỷ, nếu ta đánh giá thử chơi số vàng một trăm hai chục ký lô tức tính theo lượng (37gr25) là 3221,47 lượng, nếu giá ngày nay mỗi lượng là 170.000 bạc, thì kim thân Phật, (không kể kim cương), trị giá theo hiện tại 5.476.499 đồng (bạc Việt Nam năm 1975).
Các món bảo vật khác trưng bày trong chùa là một ông Phật bằng ngọc thạch ngự trên toà sen đặt trên cao gần tới nóc. Đức Phật nầy, thân bằng ngọc bích màu xanh biếc chói sáng trên đỉnh cao, nhưng nghe nói không quý bằng một cổ Phật khác cũng bằng ngọc bích cao độ sáu bảy tấc và trước kia đã bị Xiêm binh tịch thu làm chiến lợi phẩm và mang về nước họ sau một trận giao binh mà thất bại về phần Cam-pu-chia quốc vào một thời xa xăm không nhớ được. Nghe nói vì mất Phật nầy mà nước Miên suy bại...
Cũng trong chùa còn tàng trữ một báu kiếm đã có từ đời Đế Thiên Đế Thích (nay còn chăng?). Kiếm nầy tượng trưng chợp ngôi báu vĩnh cửu của Miên Hoàng dòng Norodom (ta quen gọi là ông Hoàng Lân). Ngoài ra còn vô số báu vật khác toàn bằng vàng chế tạo ra chén bát, tô mâm, đếm không xiết vì chất chồng lên nhau và bày la liệt trong một tủ gỗ quý rất lớn, mỗi món đều nhuộm “màu vông” là màu ưa thích của dân tộc Miên, tức màu đỏ bầm của hoa vông. Vả chăng người Miên theo cổ tục vẫn ăn bốc bằng tay, cách dùng đũa chén là tiêm nhiễm theo tục Hoa-Việt, người dân thì ăn thúng mủng vùa, chén đất, người sang, vua chúa thì xa xỉ quá lẽ, dùng chén vàng chén bạc, mà mỗi lần có chiến tranh những báu vật ấy đều bị nấu ra kim khí đổi lấy tiền mua sắm khí cụ nuôi binh, mua ngựa, nên đồ từ khí cổ ngày nay không còn lại mấy.
Trên Nam Vang, nơi hoàng cung lúc tôi đi viếng, vẫn bày la liệt đồ vàng đồ bạc mà không sợ mất cắp vì người dân trong nước vẫn xem các món ấy là báu vật chung trong nước, họ không bao giờ có ý nghĩ đánh cắp hay chiếm đoạt làm của riêng. Ngoài ra các Miên vương vẫn rất xa xỉ và để phô trương sự giàu có, các vua nầy thường gắn hay nạm kim cương và châu báu trên các đồ ngự dụng.
Trong chùa còn trưng bày ấy chiếc mũ dạ đen của đức Norodom có gắn một viên kim cương to tướng, thậm chí những vật dùng hằng ngày của đức vua nầy từ cái ống phóng cũng bằng vàng, cây gậy cầm tay cũng bằng đồi mồi gắn hột xoàn chói lọi. Về cà-rá đeo tay, vòng tay, vòng cổ và kiềng cẳng của các bà Miên hậu để lại cũng bằng vàng hoặc ít nữa bằng đồng thoà tức vàng có pha bạc và pha đồng. Đồng thoà vả chăng là một kim khí được người Miên trọng dụng nhiều hơn vàng là khác. Nơi Viện bảo tàng lúc đó còn gọi là Musée Albert Sarraut, tên một toàn quyền Pháp chầu xưa cũng thấy trưng bày các vật dụng như cộ vua, ngự xa, kiệu rước quốc vương, đều chế tạo bằng gỗ quý, kiêu sa không chỗ tả, ví các con lon con tiện trên những vật dụng nầy đều làm bằng ngà, hoặc bằng sừng lên nước vàng lườm hoặc đen mun bóng lộn.
Chúng tôi viếng lần chót các viện nầy thì đồng hồ đã chỉ tám giờ sáng. Chúng tôi lên đường trực chỉ về Cần Thơ, nhưng phen nầy đi ngả Kampot (Cần vọt) để biết thêm một mớ địa danh khác, nhứt là để biết con đường mới khai phóng nối liền Hà Tiên qua Rạch Giá. Dọc đường ghé bãi Kép lắm biển, rồi dùng cơm nằm dưới triền núi, thức ăn đã cụ bị sẵn khi còn ở chợ Nam Vang. Đến Hà Tiên, chúng tôi còn ghé viếng núi Tô Châu, xem Thạch Động, rồi thả vô chợ phố viếng nhà nuôi đồi mồi sống, đoạn chạy một mạch trên đường Hà Tiên-Rạch Giá, vừa ăn lễ khánh thành cách chẳng bao lâu. Đường thẳng như dây thép kéo, cảnh hoang vu không một bóng người và nhà cửa, một bên và con kinh xáng mới múc, khai thông một khu rừng có tiếng là cô quạnh sình lầy vô dụng, một bên là cây cối giăng giăng bất tận, toàn là cây tràm cây giá và cây đước cây vẹt, khu lâm sản vốn ít ai khai phá và vẫn còn đầy huyền bí dưới danh từ “rừng già” đầy muỗi mòng, thú dữ như cọp voi và chim cao lớn như bồ nông thằng bè. Khi ở Rạch Giá chúng tôi còn đủ thì giờ viếng chợ và toà bố tỉnh lỵ, nơi ngày xưa danh nhân Nguyễn Trung Trực thọ hình. Chúng tôi ghé miếu thờ cá ông, mua tại chợ mớ nhấm tỏi ngâm giấm Hạ Châu và khô cá gộc về làm quà biếu bà con, rồi chạy thẳng thét tới Cần Thơ, ai về nhà nấy, thì đồng hồ chưa gõ chín giờ tối.
Ba ngày vui say với xứ lạ, ăn xài không kể, mà khi tính sổ, phần vợ chồng tôi như đã nói nơi đoạn đầu, chỉ tốn có hai mươi bảy đống bạc (27$00), so sánh lại với ngày nay, mới thấy thời buổi ấy, sống như trên thiên đàng mà nào biết đó là chín hạnh phúc.
Nhưng lạc cực sanh ai. Về nhà, tắm rửa thay y phục lên giường nằm, nghe lói lói bên hông, biết đã muộn vì mê ăn nhiều lạp xường và thức ăn nhiều dầu mỡ của xứ Chùa Tháp có nhiều bùa ngải. Kết quả phải nằm nhà thương Cần Thơ nửa tháng (bác sĩ điều trị là Dr. Piloz và ông bạn Nguyễn Duy Chi).
Ngày 20 tháng giêng, thầy thuốc cho ra nhà thương và biên giấy cho nghỉ dương bịnh mười lăm ngày Lúc nằm tại đường đường, cân chỉ còn 48 kí-lô, phương pháp điều trị bịnh gan bằng mười mũi emétine (thổ căn tinh) và ba mũi thuốc 914, làm sụt mất cỡ gần mười ký.
Ngày 21, Ba tôi ở Sốc Trăng lên, cùng đi với vợ chồng tôi ra Cấp đổi gió. Ngày 29, trong mình đã hồi phục, đi xe một ngựa với Ba, một vòng chín núi Gành Rái xem phong cảnh và địa thế Vũng Tàu. Ngày 30, Ba mua thịt quay và bánh mì đem ra bãi vừa ăn vừa xem đánh cá. Ngày 31 là ngày chót, cha con đoàn tụ nơi vùng mát mẻ thảnh thơi nầy. Ngày 1 tháng hai, lên xe đò hãng Pháp gọi Compagnie de tramway, trực chỉ Sài Gòn, đi ngang chợ Biên Hoà ghé mua ba chục bưởi Thanh Trà giá có hai đồng bảy cắc (Năm 1975, khi chép bài nầy, trái bưởi xứ anh Bình Nguyên Lộc đã lên giá trên hai trăm đồng một trái). Có lẽ mắc hơn thì hẳn, nhưng làm sao ngon ngọt bằng thuở thanh xuân, lúc Ba tôi còn sanh tiền. Xe đến bến Sài Gòn là 9 giờ ngày 1 tháng 4. Ba lên xe về luôn Sốc Trăng.
Ngày 2, chúng tôi còn nán lại Sài Gòn để ngày mồng ba dương lịch, tức rằm tháng chạp năm Kỷ Mão, khách trú Trần Tứ, nhà ở số 107 hẻm số 15 đường Chaigneau (nay là đường Tôn Thất Đạm) nài bán một xâu chuỗi ngọc thạch ba chục hội màu xanh biếc trong trẻo không một chút tỳ, giá sáu chục bạc (60$00) xâu chuỗi nầy, giá thử nay còn, giá bán không dưới năm trăm ngàn đồng (500.000$00), khi kể lại làm vầy không phải tôi lẩn thẩn mà tình thiệt muốn đánh dấu sự sai biệt của đồng bạc thời bình ngày xưa và thời bấp bênh hiện tại. Ngày 6 tháng hai, trở vô làm việc lại vì đã mãn phép, con bò kéo xe chưa hết kiếp, biết sao? (Tiền xài ở Cấp từ ngày 21-1 đến mồng một tháng hai thêm tiền xài ở Sốc Trăng từ 1 đến 5 tháng hai, chỉ có 195$00). Thiệt là rẻ mạt!