Ngày 6 tháng 4. Bữa nay chúa nhật, phái đoàn được thong thả trọn buổi sáng. Tôi rủ giáo sư Hoạch và Thẩm qua phố Gia Hội. Ông Hoạch gặp gánh bún riêu bán dạo, thèm món nầy từ lâu nên gọi một tô và đứng ăn ngoài đường bất chấp người thấy. Trong khi ấy tôi ghé nhà buôn đồ đồng góc đường nơi đầu cầu và trả mua được một lò hương (hương lô) có quai xách và một siêu đồng để nấu nước pha trà, hai món nầy giá 350$ và 90$, cả thảy là 440$, sau có người ở Sài Gòn nài mãi nên tôi đã bán. Buổi trưa, Hoạch và Thẩm, và tôi, bỏ bữa cơm của ông viện trưởng, nhảy dù đi ăn bánh khoái khỏi cầu Đông Ba đường Võ Tánh, đúng là ngon và lạ miệng. Nhưng khi trở về chỗ trọ thì hết khoái, vì có lịnh dặn chiều nầy không được đi đâu, và phải túc trực vào 17 giờ, y phục phải cho đúng đắn và phải cho đủ mặt để đi chào ông Cố! Cố đây là cố vấn Ngô Đình Cẩn, Cậu út Trầu xứ Huế, cục cưng của triều đình nhà Ngô danh gọi cố Trầu. Và bữa ra mắt ông Cố vấn nầy mới là đáng kể, mấy trang viết từ trước chỉ là để có món tiền nhuận bút của tạp chí Bách Khoa của anh Lê Ngộ Châu. Tuy nói rằng đủ mặt, nhưng trong phái đoàn có hai linh mục dòng Tên và một bà đầm gốc Nga, lẽ đáng phải có mặt, nhưng đoàn viện cớ xin ba người ở lại nhà đừng đi. “Chúng tôi không chừng có bàn đến quốc sự cơ mật” - kỳ trung, ông cố vấn ghét Tây và không biết tiếng Tây, nên không khứng tiếp, và báo hại ông viện trưởng phải một phen nói láo. Trước tiên, ghé nhà ông viện trưởng, ba đứa tôi cám ơn người đã tất tình và đã lo lắng cho cả đoàn mọi việc từ miếng ăn đến chốn ngủ. Ngồi nơi xa-lông của ông Cao Văn Luận, anh Doãn Quốc Sỹ ham làm tàng, xin hút nhờ một điếu thuốc lào, vì thấy bình điếu tuy bằng gốc tre nhưng có viền bạc khéo xem rất mỹ thuật không dè tuổi trẻ láu táu, vừa kéo một hơi là sặc sụa, ho có dây, ai nấy đều cười lên ruột.
Cặp mắt viện trưởng long lanh dưới đôi nhỡn kính trắng. Ông Lâm dường rất thân với viện trường và xưng hô “con” ngọt. Đồng hồ điểm quá 17 giờ, xe ca-miông chúng tôi mới đến trước cổng nhà ông Cố vấn ở Phú Cam, nguyên là nhà cũ của cụ cố Ngô Đình Khả để lại. Ông Cẩn rất có hiếu với mẹ, nên mặc dầu thay bực đổi ngôi, nhưng mẹ ở đâu con ở đó. Vả lại tánh bà cụ cưng con út nhiều cho nên nay giang san trong tay, “phú hữu tứ hải”, bà cụ và cố vấn, ưng thủ cựu thành Phú Cam hơn là điện ngọc lầu son chốn khác. Xe ngừng cửa ngoài, có người vào báo. Ông Cẩn mở hé cửa hông ló đầu ra, liếc thấy chúng tôi độ mười lăm mười sáu người, vội ập cửa lại, miệng la lớn: “Chu choa! Đi đâu mà đông rứa! Ai có đủ cho mà ăn?”. Đoạn ông mời riêng ông viện trường bước vào sân trong, hai người to nhỏ với nhau, kế ông viện trưởng bước ra, dặn khéo chúng tôi hãy đi bách bộ giây lát để ông cố vấn có thì giờ xếp đặt cuộc tiếp kiến. Lối nửa giờ sau, ông cố bổn thân ra mời, và khi cho khách vào, không hiểu vì ý gì, ông không mở cửa cái và chỉ mở cửa hông và cho chúng tôi lách mình vào từng người một. Trong khi chúng tôi đều mặc đại lễ đại phục, nơ, cà-ra-oách đàng hoàng, chính tôi chật vật lắm mới mượn được một cà-vẹt đen dư dùng của lão Thẩm, trong khi ấy ông Cẩn mặc một bộ đồ lụa lèo, kiểu “xá-xẩu” cắt may như kiểu áo bọn lính mật thám thời Pháp thuộc, chưn mang đôi giày da láng đen kiểu đi ban (escarpin).
Ông đứng hiêu hiêu tự đắc chờ ông Cao Văn Luận, giới thiệu từng người, rồi ông mới bắt tay chào. Nói thật, tôi lúc ấy chưa biết cái oai của ông cố vấn. Tôi thuở nay vẫn tôi là tôi, tôi kiếm chuyện cũng không hề bợ đỡ ai. Tôi lại có cái tật lấc khấc, cứ tưởng người ta cũng như mình, tóm lại tuy có tuổi nhưng tôi vẫn làm như “ngựa con chưa từng gặp khái”. Tuy ông Cẩn, năm 1958, đã ở ngôi cố vấn của anh mình từ bốn năm nay, từ 1954, nhưng nói chí tình, ông chưa hách lắm như mấy năm sau nầy. Ông Cẩn vừa bắt tay mọi người, vừa nói chuyện không thôi với ông Cao Văn Luận. Tôi mới là dại cho chớ! Đến phiên tôi chào, tôi vừa bắt tay ông Cẩn, miệng vừa dứt một câu chuyện kháo với một sinh viên. Tôi bước tới nắm tay ông và gặc thật mạnh, bất ngờ tay áo của ông bật lên và lòi ra một chiếc vòng bằng vàng thật lớn lủng lẳng khuất trong tay áo, nên nãy giờ không ai thấy. Tôi giựt mình và thầm tự trách mình đã quá trớn, cũng may ông Cẩn không nói gì, duy tôi còn nhớ tay ông mềm mại khác thường và no tròn như bàn tay một người đàn bà ăn không ngồi rồi, hoặc nói theo giọng thầy tướng, như bàn tay một người phúc hậu, giàu sang sung sướng mãn đời khỏi lo. Chiếc vòng ông đeo đang làm cho tôi lưỡng lự phân vân, thì ông đã buông tay tôi để bắt qua lay người kế tiếp. Cùng một lúc tôi bước vô trong và cũng vừa lấy tay gãi mũi, thoạt nghe thoảng qua tĩ quan rõ ràng là một mùi “nị”, một mùi Chà, một mùi hương lâng lâng nửa như trầm hương, nửa như nước hoa của bọn thầy phù thuỷ Xiêm-Miên, hay Ấn Độ quen dùng. Lạ quá! Người gì đeo vàng như gái, lại xức dầu thơm!
Bàn tiệc vẫn đặt chưa xong, khách vào trong vẫn đứng tần ngần lóng ngóng. Ông Cẩn mời chúng tôi đi một vòng với ông trong vườn, để tiệc được sắp xếp an bài. Nhà họ Ngô Đình, lớp xưa như thế nào, chưa biết được. Chớ cảnh Ngô gia trang (nên gọi đây là Vương phủ chưa), năm 1958, lúc tôi được biết, cũng là lạ lùng lắm: Vuông nhà chính, mái lợp tranh, có lẽ là nhà tổ phụ từ ông Khả để lại sao thì nay giữ y không đổi. Đứng ngoài sân dòm theo cửa sổ, thấy bên trong lót nhiều bộ ván gỗ, và sao nhiều thế? Thứ ván hai, tức hai tấm cỡ chín tấc bề ngang, ba thước, ba thước hai bề dài và hơn một tấc bề dày, lót làm một bộ ván mỗi bộ, mặt bóng lưỡng, dường như mỗi ngày mỗi đánh bóng lau giồi nên lên nước đỏ au láng trơn thấy mặt. Ván nầy do ông bà để lại hay vừa sung công đây đó đem về và để chật nhà làm vầy? Tôi lại thấy rất nhiều người chạy lăn xăn trong nhà, mặc áo dài xanh, chân đi đất không guốc dép, vì đứng xa nên không rõ những người nầy nam hay nữ, đàn bà hay nội thị không râu nay lạc mất vua theo chầu ông cố, hoặc nữa đây là hầu thiếp tôi tớ tay sai. Thảy đều sồn sồn, không người nào trẻ. Chung quanh bốn góc nhà nầy có dựng bốn cái nhà canh lô-cốt cao cẳng, đây có lẽ là bốn tháp canh mới xây cất gần đây, kiên cố lấm vì làm bằng bê tông cốt sắt, nhưng ông cố Trầu mới vọc vạch học chơi đồ cổ mà không có chút hiểu biết gì về chiến thuật học, nên bốn cái tháp canh nầy, phần trên giống giống cái bồn chứa nước của các xi-tẹt nhà Tây miền Nam, có thang sắt leo lên, còn khúc giữa biến thành lồng lớn, ông nuôi một con thượng cầm, và sát dưới đất có một chuồng khác, ông nuôi một con hạ thú. Ông Cẩn không nói ra nhưng muốn địch thể với Sài Gòn, lập riêng một vườn bách thú, vừa nuôi chim lạ thú lạ, như voi có, cọp có, ngựa có mà cũng có chim lớn con như nhan sen, già đãy v.v... Một điều đến nay tôi không cắt nghĩa được là hôm ấy chính mắt tôi thấy ông Cẩn gọi một con hổ con lại gần lưới chuồng, ông đưa mồi cho hổ ăn, một tay ông vuốt đầu nó như ta vuốt đầu mèo. Ông có ma lực gì? Trong buổi chiều hôm ấy, Hoạch và tôi bị ông sửa lưng nặng. Trong khi ông mắc bận cho cọp ăn mồi, bỗng giáo sư Hoạch đưa vài cô nữ sinh đến gần và cắt nghĩa: “Đây là hổ, hổ ăn thịt”. Nói chưa hết câu, bỗng nghe có tiếng Cố gắt thật lớn: “Hừ? Hổ nào ăn thịt? Người ta đâu có tiền nhiều mà mua thịt cho hổ ăn? Hổ nó ăn cơm!”. Chúng tôi ai nấy đều nghẹt thở khi nghe Cố giải thích làm vậy riêng tôi rất khoái thầm khi thấy một ông giáo sư đi học bên Tây về, bị Cố dạy đời, Hoạch thấy tôi che miệng cười, Hoạch oán tôi mà tôi không hay biết và lát nữa anh em cô bác sẽ biết cách trả thù của Hoạch. Nghe Cố giảng bài bác vật học xong, mỗi người tản lạc đi xem chỗ nào mình thích. Bỗng một nữ sinh kêu gọi tôi giựt dội: “Thầy ơi thầy? Lại đây thà xem con chim gì dữ quá, nó mới nuốt sống một con chim bồ câu đây nè?”. Tôi bước đến gần lồng, nhìn kỹ con chim và làm tàng, nói lớn, cắt nghĩa vừa cho cô nữ sinh và cả nhóm nghe: “Đó là con chim Pháp gọi marabout. Trong Nam, thấy nó có cái đãy dưới cổ để đựng cá tép đem về cho con, nên gọi con già đáy, nơi khác thấy nó đầu trụi lủi không còn một sợi lông nào nên đặt tên nó là “con già sói”. Vừa đến đó bỗng nghe sau lưng có tiếng “Hừ! Hừ” y như lúc nãy, vừa day lại thì thấy Cố Trầu. Ông hừ tôi rồi nói: “Nói tầm bậy! Đó là chim ông Lão, biết chưa?”. Tôi nín thinh chịu trận, nhưng trong bụng thấy tức mà không dám phản đối. Tôi đưa cô nữ sinh qua chỗ khác và để gỡ xấu, tôi nói nho nhỏ đủ cho cháu ấy nghe: “Cố nói khi nãy thầy không dám cãi. Vì ở Huế gần vua chúa, nên dân ở đây lễ phép quá độ, như vậy mà còn nay rầy mai phạt. Thấy già mà không dám dùng chữ già và bởi huý nên dùng chữ lão. Lão hay già cũng vậy. Một đàng thích nói chữ, một đàng ưa dùng nôm. Bọn ta, người trong Nam, không có vua từ lâu, nên mạnh miệng: hễ chim sói và già thì gọi chim già sói, thấy nó có đeo cái đãy thì gọi con già đãy cho vui vui, kỳ trung không có ý gì thất lễ. Nhưng cháu giữ đấy, Cố nghe e khó cho thầy”.
Quan khách đi một vòng giáp khu vườn và đang đứng xem một con voi nhỏ ăn mía cây thì có người lại báo tin tiệc dọn đã xong, nên Cố mời chúng tôi trở lại nhập tiệc. Nghĩ cho ông Cố nầy cũng thường thật. Mời chúng tôi tới nhà mà không cho chúng tôi vào nhà. Bàn tiệc đặt trước đại môn, nơi sân rộng có trồng lan chậu và lan treo (phong lan), lúc ấy đang trổ bông, hương đưa phảng phất.
Trong lúc các anh em đưa nhau tìm chỗ ngồi, thì cái tật tôi không chừa và tôi còn lục đục mảng nhìn một con cọp từ xa đứng trấn góc vườn, trong cảnh nhá nhem gần tối. Mới thoạt trông thấy hình dáng một con cọp to lớn đen đen, ngồi chồm chỗm hai tay trước chống xuống đất, xấu xí và không được khéo lấm, không ra vẻ cọp thiệt, cũng không oai nghi mỹ thuật chút nào trong bụng có ý khinh thầm và nói trong bụng: “Cọp dồn trấu xứ nầy làm dở quá, chưa được tinh xảo như trong Sài Gòn? Đến chừng tôi lại gần xem kỹ, tôi hết sức kinh ngạc, vì không phải cọp dồn trấu mà kỳ thật đó là một hòn đá cuội kinh niên hình dáng rõ ràng là một con hổ chực mồi, và như thế đây là một vật thiên tạo kỳ quái không đâu có. Hổ đá nầy, nghe đâu, Cố đã chọt trong Đại Nội nhà vua, Cố ưng ý từ thuở nào nên xúi bọn nịnh nhắm mắt cho tụi nó rinh về đây, biến vườn cố làm ngự viên, và báo hại thạch hổ thôi chầu vua về chầu Cố vấn! May thay khách ngồi bàn còn chừa cho tôi một ghế đặc biệt, là để tôi ngồi cách Cố ba ghế khác đều có giáo sư ngồi. Cố ngồi đầu bàn đưa lưng vào nhà, đầu kia ông viện trưởng Cao Văn Luận ngồi, mặt ngó vô nhà. Tôi ngồi bên phải của Cố, tức ngồi bên tay trái ông viện trưởng; và như vậy tôi ngồi ở khóm giữa, và bao nhiêu sinh viên nam và nữ, chia nhau ngồi các ghế còn lại. Tôi sẵn đói và khát từ ban chiều nay thấy trước mặt một ly bia lạnh mát là tôi không nhịn được, cứ việc hớp và ngà ngà lúc nào không hay? Trong nhà dọn ra để trước mặt mỗi vị quan khách một chén lớn bánh canh tôm, thịt và cua. Tôi sớn sác lấy muỗng múc một muỗng đầy đưa vào miệng, nhưng mùi tanh của tôm không mấy được tươi và mùi bánh canh nửa lạnh nửa nong nóng bắt tôi rùng mình, muốn ói ra. Tôi cúi gầm đầu xuống bên tay phải, định lén nhổ xuống đất giống gì nhờn nhờn ngậm lo trong miệng, bỗng tôi đánh thót giựt mình vì sát bên tôi có một con chó bẹt-rê a-lơ-măng (chó ngao Đức) to lớn, lưng đen hông vàng, cặp mắt sáng quắc, le lưỡi thè lè canh tôi nãy giờ. Tôi lật đật day đầu qua tay trái, cũng định nhả phứt cái gì đang ngậm xuống đất, nhưng chưa kịp nhả thì tôi thấy một con chó danois ngồi chồm hổm cách tôi không xa, và con chó nầy đầu chần vần trông còn dữ tợn bằng mấy con bẹt-rê kia nữa. Nguy quá tôi không còn dám nhúc nhích cụ cựa gì được. Triết lý thầy Tàu đã dạy, phải biết “tiên bảo kỳ thân”. Thôi thì, nay nhổ bên ni không được mà nhổ bên tê cũng không xong, bên nào cũng có tài cẩu (đại cẩu) chực hờ ra tay, không nhổ ra được thì chỉ còn một cách an toàn hơn cả là đừng cần biết vật kia tanh hôi đến bực nào và cứ nhắm mắt thủ tiêu nó vào bao tử! Đó là thượng sách! Nếu ực một cái chưa trôi, thì rán ực hai ba cái, chừng nào thứ kia nằm trong bụng thì tức là tai qua nạn khỏi, chớ lúc ấy còn kén lừa còn chê tanh chê hôi, người ngoài biết được thì e khốn khó đến mình! Triết lý là đó! Ngẫm nghĩ tới đó, tôi buông cái muỗng bỏ mứa tô bánh canh và chụp lẹ ly bia thứ nhì, nuốt ực ực một hơi cho sạch miệng. Tôi đang bực mình, bỗng nghe một nữ sinh mời tôi xơi hột vịt lộn:
- Thầy ơi thầy, hột vịt lộn úp mề, ngon quá, thầy! Mời thầy xơi với chúng con?
- Hứ! - tôi trả lời - Ai đời ra đây mà ăn hột vịt lộn bao giờ? Muốn ăn hãy đợi về trong mình mà ăn. Trong Chợ Lớn bán rẻ rề, lại thêm được ở tại nhà, dẫu có chột bụng phá bụng thì cũng ít bần tiện như ở đây. Tuy vậy, lúc ấy tôi đã say nên không giữ lời và nói tiếp, nếu cháu ăn không hết thì cứ dời mấy đĩa hột vịt lại gần đây thầy thủ tiêu cho mà xem!
Lời nói là lời nói chơi, pha lửng với mấy cháu nữ sinh, không dè lọt vào tai ông cố vấn. Ông nghe được, nói tỉnh bơ: “Ăn hết cho về ăn còn ỏ lại!”. Thế là kẹt! Ai biểu? Tôi ngồi làm tỉnh, nhưng trong bụng đánh lô tô từng hồi. Tôi phải nói nhỏ năn nỉ các cô nữ sinh, tội nghiệp thầy, lén dời mấy đĩa hột vịt ra xa, không thì thầy sẽ tử trận hôm nay tại Huế.
Tôi đang ngồi, trong ruột bào chọt vì hai ly bia uống khi bụng trống, tôi liếc thấy mấy đĩa nem ngon lành sắp bên cạnh, tôi vội gắp một chiếc cho vào mồm nhai trệu trạo, bỗng nghe dường như nem nầy khác lạ, sao lại nong nóng.
- Thưa ông, tôi hỏi nhỏ viện trưởng, nem ở đây như vầy hay sao? Tại sao nem lại ấm ấm nóng nóng như vầy?
- À, nem Huế thường người ta phải để cũ thì mới dai giòn, viện trưởng Luận đáp. Nay nem nầy chưa kịp cũ, còn mới quá. Muốn cho nó cũ đi, phải luộc sơ nên nóng.
Bỗng tôi thấy một chàng trai vạm vỡ ra đứng hầu cạnh ông Cố: người nầy mặc bộ âu phục kiểu sọt (short), áo ngắn tay, quần cụt trên gối, để lộ hai nắp tay gân guốc hai vế đùi thịt no tròn cứng rắn, lạ nhứt là khuôn mặt người nầy vuông vuông, xương cằm lớn, chân mày liên mi, dưới cằm tuy cạo nhẵn nhưng còn ló râu mới mọc xanh xanh bó hàm giáp mí, chạy từ quai hàm nầy liền qua mí hàm kia, nhìn lâu quả không phải người Việt chính cống. Sẵn ông viện trưởng nãy giờ tỏ ra có cảm tình với mình, nên tôi đánh bạo hỏi nhỏ ông một câu tiếng Pháp:
- Thưa, hết thảy người ở Huế đều một típ như người nầy hả?
- Không! - Ông đáp nhỏ - Đó là một tên Nhựt!
- Thưa, nếu là Nhựt, sao lại ở trong nhà nầy?
- Vâng, đó là một tên hộ vệ riêng của Cố vấn. Ông dùng tiếng “gác-đờ-co” (garde corps).
Tôi nhìn kỹ lại một lần nữa, quả thấy anh nầy bộ tịch vạm vỡ, xứng đáng là một vệ sĩ đủ sức chống đỡ cho một người sẵn tánh sợ ám sát như Cố Trầu. Kế đó, tôi nghe tiếng ông dõng dạc hô to lên như trên sân khấu hát bội:
- Trẻ tớ! Đem trầu cho ta!
Tôi nghe tiếng dạ rân và tức thì anh hộ vệ Nhựt ban nãy chạy vô nhà trong bưng ra một ô trầu, hai tay dâng lên Cố một cách rất lễ phép, và rất có điệu bộ. Cố thò tay lấy ra một lá trầu, vừa têm vừa cuốn lại gọn gàng, bỏ vào miệng nhai bỏm bẻm rất thành thạo như người quen ăn trầu xỉa thuốc theo lối xưa. Bỗng chút có một anh hộ vệ khác cũng bặm trợn như anh hộ vệ Nhựt nãy giờ, bưng từ trong nhà ra một cái ống phóng thau, chùi bóng thấy mặt, dâng lên cho Cố nhổ trầu. Dâng rồi đứng hầu, uy nghiêm như đứa tớ trung thành thuở vua chúa còn trị vì. Bất giác tôi suy nghĩ thầm: “Mẽ? Lạ quá? Lão nầy là ai? Đực rựa hay bán nam bán nữ, tức là lại cái? Mà lại cái sao được, vì vừa rồi có người nói với mình, lão có tánh ưa ăn vụng, thỉnh thoảng lén lút lão ưa mượn vợ đám nịnh thần chầu rìa. Mỗi lần có mụ nào đến nhà trêu bẹo, dâng cơm sát giường, lão bất dung tha “đá chẳng theo!” Nghe nói tánh lão không thích con gái tân, thiếu chi người muốn gả con cho lão, còn nheo nhẻo mà lão không ưng, dẫu tiên sa phụng lộn, lão cũng không đàng, lão chỉ khoái mượn xài đỡ đàn bà của bọn nịnh thần, vừa tiện lợi khỏi tốn tiền nuôi cơm, vừa là “đất có cày rồi” dễ khai phá! Kiếp trước lão là chim cu, hay tu hú, thích đẻ trứng cho chim khác ấp. Ổ sẵn! Nhưng nghe đâu vỏ quít dày, có móng tay nhọn! Bọn quỷ cái cũng khôn không vừa, được nằm với Cậu thì tha hồ mượn tiền cậu làm vốn, triệu nầy qua triệu kia, (nhưng đó là việc khác). Nghe nói lão con đùm con đề với mụ Luyến. Nhưng tại sao đàn ông đực rựa gì mà tay đeo vòng vàng, thêm xức dầu thơm có mùi thầy Ba Chà, lại biết nhai trầu xỉa thuốc, thật là lạ! Tôi trông mau mãn tiệc về sớm cho khỏe, nào ngờ đại hoạ sắp đến mà không hay. Bỗng không, Hoạch lão giáo sư chưa vợ, ngủ chung hổm rày một phòng với Thẩm và mình, có lẽ lão oán mình dám cười khi Cố dạy “cọp ăn cơm”, nên gây chuyện:
- Thưa Cố vấn, đây là cụ Sển, làm quản thủ Viện bảo tàng ở Sài Gòn. Cụ rất sành về đồ cổ. Như Cố vấn có cần dùng hỏi điều gì thì sẵn sàng đây xin Cố vấn hỏi cho chúng tôi nghe với cho vui.
- Được lắm! - Cố đáp - Trẻ tớ! Đâu nà, vô khênh cái khuông tiền cổ ra đây cho ta nào.
Tôi ngồi chết điếng mà không biết làm sao thoát, vì mình dốt, chữ không đầy lá mít, làm sao đọc chữ trên các tiền cổ cho rành, nói bậy anh em ở đây cười chịu sao nổi. Cũng may, có cô hồn độ mạng. Khi khuông tiền được đưa ra, tôi làm gan bước tới xem, trong lòng mừng khấp khởi, vì đã tìm được lối thoát. Quá trên khuông, tiền sắp không có thứ lớp, thay vì sắp theo niên hiệu các đời vua lại sấp theo cỡ lớn nhỏ, thành thử tuy xem đẹp mắt nhưng lộn xộn năm trước năm sau. Tôi bình tĩnh nói:
- Thưa Cố vấn, khuông nầy có nhiều đồng có giá trị lắm. Tiếc một chút là người sắp tiền chưa rành về sử học, nên sắp chưa được đúng chỗ. Tường nên cho gỡ ra và sắp lại cho có thứ tự thì hay hơn nhiều.
Ngờ đâu nói làm vậy, là tôi tự chôn sống lấy tôi. Cố vấn nhổ cổ trầu và hỏi:
- Sao vậy?
- Vì đây, thưa Cố vấn, đồng tiền nầy - Vừa nói tôi vừa lấy tay chỉ lên khuông tiền - đồng tiền nầy niên hiệu đề Thiệu Trị (1841- 1847) lại nhè sắp lên trên tiền nầy, niên hiệu Minh Mạng (1820-1840). Trái lại, tiền nầy, hiệu Tự Đức (1847-1883) lại sấp trên đồng Gia Long (1802- 1819), con đứng trước cha, cháu trước cố nội, kỳ quá.
Đến đây, giáo sư Hoạch, có lẽ chưa hết hận nên chưa chịu buông tha tôi, Hoạch hỏi tiếp:
- Nãy giờ cụ Sển cắt nghĩa nghe thông quá. Tưởng Cố vấn nên cầm cụ ở lại đây vài ngày, sắp đặt bộ tiền cho có thứ tự rồi sẽ về. Cụ Sển bằng lòng ở lại giúp Cố vấn chứ?
- Thưa Cố vấn - tôi làm tỉnh đáp - đó là lời ông bạn giáo sư muốn nói chơi vậy thôi. Tôi mà chữ nghĩa bao nhiêu. Việc ở lại Huế sấp tiền là việc mọn, tôi rất vui lòng ở lại nếu Cố vấn cần dùng. Nhưng làm như vậy có khác nào ở Cố đô nầy hết nhơn tài, hết người lỗi lạc hơn tôi hay sao? Có lý nào.
Quả thật, câu nói êm xuôi chạm ngay lòng tự ái của Cố. Ông nói lớn:
- Thôi được! Tôi không cần người nào ở lại cả. Ở Huế nầy thiếu chi người hay giỏi. Dẹp tiền vô bây!
Thế là tôi thoát nạn. Hú hồn! Câu chuyện đến đây bắt đầu thấy nguôi, người nào cũng muốn rút lui. Ông trưởng đoàn T.B.L ra dấu hiệu. Một cô nữ sinh, gốc miền Nam, vừa xinh vừa bặt thiệp nhứt trong đoàn, đứng dậy lễ phép nói mấy câu vừa gọn vừa đầy đủ trước cảm tạ lòng chiếu cố của Cố vấn, nhờ đó phái đoàn hưởng được mấy ngày vui chơi học hỏi rất nhiều về Huế đô, sau rốt vừa từ giã để mai nầy lên đường trở về Sài Gòn. Cả bàn tiệc khi ấy đều đứng dậy và tựu lại gần Cố vấn để nghe ban huấn từ. Nhưng tôi nào có nghe được gì ngoài mấy tiếng Cố đô, Cố đô, lặp đi lặp lại không biết đến lần thử mấy. Ông nói không đầu không đuôi rời rạc như bã trầu ông đang nhai, nhưng thật tình, lúc ấy ông tỏ ra rất hảo tâm, vì hứa hẹn phen sau, nếu chúng tôi ra Huế đô, sẽ được dùng xe nhà đi đó đi đây, khỏi nạn “u mê” vì ngồi trên sạp chiếc xe mười bánh. Một lần nữa, và đây là lần chót, chúng tôi bắt tay từ giã Cố vấn, bàn tay mềm mại tốt phúc của một người có một thuở làm lãnh chúa ngoài nầy, hét ra lửa, địt ra khói. Anh em không giận lâu, tôi và Hoạch làm lành, ngủ sớm để mai lên đường về xứ.
Ngày 7 tháng 4 - Sáng bốn giờ đã thức. Năm giờ rưỡi, xe mười bánh nhà binh đến rước, muốn u mê cho u mê luôn. Cũng một lần nầy rồi về đến nhà. Xe cây, không nệm, mỗi lần đường xấu xe dằn, ngó mặt các cô nhứt là bà L., tội nghiệp và quên đau. Lót mấy cái khăn lông lau mặt cũng không thấm tháp. Xe leo lên đỉnh đèo Hải Vân, ngừng lại dòm trời, mây, nước. Lòng thấy lâng lâng ngặt nỗi không biết làm thi. Xe đến Đà Nẵng, trời còn sớm chán.
Trước vào xem Viện bảo tàng đồ cổ tích Chiêm Thành (musée parmentier), rồi lên xe dạo khắp Ngũ Hành Sơn, trở lại Đà Nẵng dùng cơm Tây nơi một tiệm Hải Nam rất vui và ngon miệng. Mười bốn giờ rưỡi, ra phi trường, bay được nửa giờ, máy bay bị gió hút lọt vào một lỗ giữa trời thiếu không khí gọi là trou d air, đang bay bỗng rơi tọt xuống thật thấp, tưởng đà bỏ mạng không còn thấy mặt vợ con. Cánh quạt vẫn quay mà máy cứ rơi, vì thiếu gió. Nào bùn rền lật tốc, nào kiếng đen đeo mắt, nào nón cát hai lão linh mục luôn và người bị hốt lên rồi quăng mạnh xuống nền tàu. May sao máy bay kềm lại vững, và bay tiếp tục, nhưng phải một phen lên ruột. Mười sáu giờ rưỡi, đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhứt.
Về đến nhà, không lo cho thân, lật đật lấy mấy món cổ ngoạn ra xem, mừng quá, không có món nào hầy hấn. Có mấy chiếc nem mỏng như lá lúa và mấy gói mè xửng làm quà cho mẹ con nó mừng. Chuyện ông Cẩn, gói kín, để hôm nay mới thuật (1968). Tuy đó là câu chuyện khảo, như món thịt nguội, nhưng hâm lại vẫn nóng. Năm nay viết lại nữa, cũng còn được ăn, và thì giờ qua mau quá.
“Thuật một chuyện đi săn đồ cổ Huế” đã đăng lần đầu trong Bách Khoa số 275 (15-6-1968) và số 276 (1-7-1968), cũng như bài “Nghiên mực Tức Mặc Hầu của vua Tự Đức” (Bách Khoa 290 -291 số xuân Kỷ dậu 1969) và cũng như bài “Chuyện bảy cây ngọc Như Ý tại Viện bảo tàng Đài Bắc (Bách Khoa số 292 ngày 1-3 -1969) tôi đã viết lại các bài nầy trong ba tập “Khảo về đồ sứ men lam Huế”, nên nay xin miễn chép lại trong tập Hồi ký nầy. Rủi cho ba tập nói trên, tôi viết xong từ năm 1972 nhưng không có người chịu xuất bản. Sau tôi xin được Bộ Giáo dục ưng xuất bản (Nghị định số 223/VHGDTN/VH/KT/NĐ ngày 25-7-1974, tiền nhuận bút 250.000 đồng tôi đã lãnh và ăn tiêu rồi; nhưng về xuất bản cứ diên trì mãi, đầu năm 1975, ba tập bản thảo chạy đến cơ quan Văn hoá và Trung tâm Học liệu (số 240 đường Trần Bình Trọng) rồi kẹt luôn ở đây luôn về gần 200 bức ảnh tài liệu cho đến ngày được giải phóng. Tôi không lãnh ra và vái được thấy xuất bản trước khi tôi lìa đời.
Ngày 21-5-1975
Vương Hồng Sển