Hải Triều bước ra từ phòng tắm, tay trái gỡ chiếc khăn bông vàng quấn trên tóc xuống, tay phải với lấy bộ điều khiển mở ti vi rồi đến ngồi nhẹ nhàng lên chiếc ghế bành rộng, vừa xem ti vi vừa lau khô mái tóc ướt sũng nước.
“Thưa các bạn xem đài. Chương trình “Mỗi kỳ một nhân vật” hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một nữ họa sĩ tài hoa của thành phố chúng ta, một nhà từ thiện lớn của những người già neo đơn, những em bé mồ côi, những cuộc đời cơ nhỡ..Nữ họa sĩ Tố Như”.
Lời giới thiệu mở đầu ấy của cô phát thanh viên truyền hình đã thật sự thu hút Hải Triều. Nàng dừng tay thôi không lau tóc nữa mà chăm chú hơn vào màn hình lần lượt phát điểm qua những bức họa của bà Tố Như đã gây tiếng vang trong làng hội họa và làm nên tên tuổi của bà. Người ta còn thuyết minh rõ những bức họa nào của bà được bán bao nhiêu và bà đã đóng góp toàn bộ số tiền đó cho những hội từ thiện nào.
Đột nhiên Hải Triều giật nảy người lên trước hình ảnh bức họa có tên là “Nụ cười Việt Nam”. Bức họa vẽ một cô gái ôm bó hoa lớn đang tươi cười rạng rỡ, mà cô gái trong tranh kia chẳng ai khác chính là nàng. Trước đây, lúc nàng từ nước ngoài trở về, một nhà báo đã chụp nàng như thế và đăng lên trang bìa một tờ báo. Nhưng xem ra bức họa về nàng qua tay nữ họa sĩ này càng sống động và tuyệt hảo hơn nhiều.
Vừa lúc đó thì điện thoại cầm tay của Hải Triều đổ lên một hồi chuông.
Nàng bước đến lấy điện thoại, liếc qua dãy số trên màn hình biết ngay là Quốc Thắng liền mở máy lên nói:
– Quốc Thắng! Em nghe đây.
– Anh vừa thấy em trên truyền hình.
“Hóa ra là thế!” Hải Triều mỉm cười lại ghế ngồi:
− Em cũng đang xem truyền hình đây.
− Anh nghĩ anh sẽ tìm cách mua cho được bức họa đó để tặng em. Bức họa đó sẽ được treo ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của chúng ta sau ngày cưới. Em có thích không?
− Đương nhiên em thích rồi. Nhưng mà.. − Chỉ cần em nói thích là được rồi. Anh yêu em.
Hải Triều lại mỉm cười rồi đặt điện thoại lên bàn, tiếp tục theo dõi truyền hình. Sau phần trình bày một loạt tranh của nữ họa sĩ, tiếp theo là cuộc đối thoại với bà. Cô phát thanh viên hỏi bằng một chất giọng trong trẻo:
− Thưa bà, được biết trong đợt trưng bày tranh vừa rồi ,bức “Nụ cười Việt Nam” của bà được một người Mỹ trả giá mua đến hơn mười ngàn đô la, nhưng bà từ chối bán. Bà nói bà có thể bán tất cả những bức họa ,chỉ chừa duy nhất mỗi bức họa “Nụ cười Việt Nam”. Lại được biết bức họa đó bà đã họa lại từ một bức ảnh và cô gái trong bức họa đó là một bác sĩ có tài. Thưa bà, bà có thể nói đôi điều về bức họa “Nụ cười Việt Nam” không ạ?
− Nhiều ngày qua,bạn bè tôi và nhiều người quan tâm đến bức họa “Nụ cười Việt Nam”. Thật ra chẳng có gì lấy làm khó hiểu đâu.
Bà Tố Như nói xong mỉm cười. Gương mặt của bà hiện rõ trên ti vi khiến trái tim của Hải Triều dường như muốn ngừng đập.
“Bà ấy ... Chính bà ấy. Ôi ... ” Hải Triều bật người ra sau ghế, tay cắn chặt giữa hai hàm răng đau điếng mà vẫn không cảm thấy chút đau nào. Nàng nghe như nuốt lấy từng lời của bà Tố Như:
− Trước nhất, bức họa này không phải là sáng tạo của tôi, mà là một bức họa được tôi chép lại từ một bức ảnh. Tuy rằng trước lúc mang ra triển lãm, tôi đã xin phép nhà báo, tác giả của bức ảnh, nhưng tuyệt nhiên không thể bán, được đấu giá đến đâu cũng không thể bán vì tôi đặc biệt yêu thích cô gái đó – nữ bác sĩ trẻ, cô gái chống ung thư của Việt Nam. Cô ấy quý giá hơn tất cả. Từ lúc bắt đầu họa lại hình ảnh cô ấy, trong đầu tôi đã có ý nghĩ, sau này sẽ tặng lại bức họa cho cô ấy.
− Nếu đang xem chương trình này, nữ bác sĩ của chúng ta, cô gái trong bức họa hẳn là sung sướng và hạnh phúc lắm. Thưa bà,vừa qua bà đã trao tặng năm trăm triệu đồng cho bệnh viện miễn phí vì người nghèo và trao tặng một trăm căn nhà tình thương ... Nghĩa cử của bà vì người nghèo thật cao đẹp. lãnh đạo thành phố cũng đã có cuộc gặp với bà để thay người nghèo cảm ơn bà.
Được biết sắp tới ,bà sẽ theo chồng ra nước ngoài. Bà có ý định trở về không?
Nghe nói bà dự định “rửa tay gác kiếm”?
− Tôi sẽ theo chồng đi nước ngoài, nhưng không phải đi định cư mà là đi “chu du bốn biển”. Ở trong trái tim tôi quê hương là tất cả. Tôi có đi đến đâu rồi cũng sẽ quay về. Còn việc “rửa tay gác kiếm”, có lẽ đó chỉ là lời đồn thôi.
Hội họa là hơi thở của tôi, là vui buồn trong đời tôi, tôi chỉ thôi khi nào tay không còn cầm vững cây cọ được nữa. Huống hồ chi những bức họa tôi sẽ được đổi thành tiền, giúp đỡ cho những người nghèo khó. Ý nghĩa lớn lao như thế, tôi càng phải họa nhiều hơn, càng phải cố gắng nhiều hơn. Tôi làm từ thiện chỉ là đem lại niềm vui hạnh phúc tới cho người, cho mình.
− Xin cảm ơn bà. Xin chúc bà mãi mãi là người phụ nữ hạnh phúc.
Hải Triều ngồi co người trên ghế, từ lúc nào nước mắt ướt đẫm má. Cuộc trò chuyện trên truyền hình đã kết thúc và cũng đã chuyển sang tiết mục khác, nhưng nàng chẳng còn xem, chẳng còn quan tâm mà cừ thừ ra trên ghế như một pho tượng.
Hóa ra bà ấy là một người nổi tiếng, là một người giàu có. Vậy mà mình lúc nào cũng nghĩ bà ấy là kẻ moi tiền, một kẻ chỉ cần tiền. Đã thế mình còn mang tiền đến cho bà ấy, mình đem đến làm nhục bà ấy bằng thứ mà bà ấy chẳng kiếm được vô số mà còn đem ban phát khắp nơi. Trời ạ! Mình phải hiểu như thế nào đây về bà ấy? Nếu không tìm hiểu rõ sự việc về bà ấy thì suốt cuộc đời này, mình sẽ sống với một dấu hỏi không lời đáp và sẽ mãi không yên. Mình cảm nhận bà ấy không giống như những suy nghĩ của mình, bà ấy không phải là một người đàn bà vô tâm. Thế thì bà ấy là một người như thế nào?
Ôi, mà mình chẳng phải đã có một sự chọn lựa dứt khoát rồi sao? Giờ đây sao mình lại mâu thuẫn như thế? Mình phải làm sao đây?
Hải Triều ngột ngạt, rối tung như bị bao vây bởi bốn bức tường. Nàng bật lên khỏi ghế như cái lò xo và khựng lại khi nghe tiếng nhạc chuông điện thoại vang lên. Lại là Quốc Thắng! Hải Triều áp điện thoại vào tai:
− Alô.
− Em sướng rồi nhé, được một nữ họa sĩ nổi tiếng quan tâm đến, bức họa đó không cần anh cất công cũng thuộc về em rồi. Em có vui không?
− Rất vui.
− Anh nghĩ, nữ họa sĩ đó thật đặc biệt. Chúng ta sẽ làm quen với bà ấy, em nghĩ sao?
− Vâng, bà ấy thật đặc biệt, quen biết được là một diễm phúc. Bây giờ em có việc phải làm , anh thông cảm ...
− Tối nay mình gặp nhau có được không?
− Em sẽ điện cho anh sau.
− Được rồi. Anh cúp máy đây.
− Chào anh!
Hải Triều bỏ điện thoại xuống, mở cửa đi ra ngoài và xuống lầu. Nàng quyết định gặp cha mẹ để hỏi mọi chuyện.
Nàng đẩy cửa vào phòng nhưng không thấy ai liền đi luôn xuống dưới nhà.
Còn mấy bậc tam cấp nữa, Hải Triều bỗng nghe tiếng khóc của mẹ vọng đến từ phòng khách. Xen lẫn giữa tiếng khóc của mẹ là chất giọng trầm buồn của ba:
− Anh xin lỗi, anh xin lỗi vì quyết định của anh đã khiến cho em vô cùng đau khổ. Nhiều năm rồi, chúng ta đã hạnh phúc nhiều năm rồi, và chúng ta không thể ngang nhiên hạnh phúc mãi trên nỗi đau của người phụ nữ ấy.
− Nhưng tại sao anh cứ quyết liệt phải phơi bày sự thật trong khi người ta không cần thiết nữa? Người ta đã lấy chồng và người ta sẽ ra đi. Em thật không muốn ... em không muốn Hải Triều bỗng nhiên phải khổ trước một tình cảnh trớ trêu. Tuy rằng đứa con là do cô ấy sinh ra, nhưng cô ấy không gần gũi chăm sóc thì làm sao cô ấy thương nó bằng em.
− Thùy Dung! Em đừng nói như vậy!
− Không nói như thế thì nói sao đây, nói sao anh mới từ bỏ cái ý định mang Hải Triều của em đến trả cho cô ấy? Nói sao anh mới thôi cái ý định đào bới dĩ vãng lên. Hay là anh còn luyến tiếc, anh còn yêu cô ta, nay anh thấy cô ta thuận tình kết hôn với người đàn ông khác thì anh ghen tức lên, anh muốn mang Hải Triều đến để giữ chân cô ấy lại.
− Thùy Dung à! Tại sao em cứ nói những lời làm cho người khác đau lòng như thế?
Ông Hải Sơn ôm lấy đầu nói như rên lên:
− Anh chẳng bao giờ xứng đáng với cô ấy, ngày xưa cũng thế, bây giờ càng không xứng đáng. Mai này cô ấy sẽ đi không biết đến bao giờ mới quay lại.
chính vì thế mà cho dù em có trách, anh cũng không thể làm ngơ trước nỗi đau của cô ấy. Người ta chỉ mong gặp lại con một lần chứ đâu có đòi lại con. Hải Triều ngoài việc có thêm một người mẹ cũng vẫn là đứa con gái thuộc về em thôi. Hãy hiểu, hãy ban tặng cho cô ấy chút niềm vui em à.
Bà Thùy Dung trước những lời êm ái của chồng xem ra không còn muốn nổi giận dữ nữa, nhưng bà vẫn khóc rấm rứt và trách cứ:
− Thôi được rồi. Anh đã quyết tâm như thế rồi thì em không còn gì để nói nữa. Hãy mang con trả cho người ta đi. Thậm chí cả bản thân anh có đi theo cô ta luôn, em cũng chẳng nói gì đâu. Đi đi, đi hết đi! Mấy mươi năm nay, tuy rằng cô ta không hiện hữu, nhưng rõ ràng cô ta vẫn như một bóng ma ám ảnh. Em mệt mỏi lắm rồi. Em mệt mỏi với cái bóng của cô ta lắm rồi. Thôi thì kết thúc đi có lẽ hay hơn, kết thúc đi để em không còn phải nặng nề canh cánh bởi cô ta, bởi Hải Triều, bởi cả anh nữa. Suy cho cùng, cuộc đời này của em có được gì đâu. Chỉ là một vở kịch đầy những nỗi bất hạnh mà em cố lấy đó làm sự ngọt ngào mà thôi. Em nói hết rồi đó, anh thích làm sao thì làm vậy đi, để rồi sao này không còn lời nào mà oán trách em nữa.
− Bà Thùy Dung càng nói càng thương tâm nức nở, rồi bật người lên khỏi ghế bò đi về hướng thang lầu. Thế nhưng bà chẳng thể nào bước lên được bởi Hải Triều đã hiện diện nơi đó, vẻ mặt lặng buồn đẫm đầy nước mắt. Nàng nghẹn ngào:
− Mẹ ....
− Hải Triều! Con ...
Bà Thùy Dung bàng hoàng, tê dại nhìn sững con gái, tâm trạng bà hết sức bối rối. “Dường như Hải Triều đã nghe thấy tất cả..” Bà bỗng run rẩy. “Ôi, đứa con gái mà bà yêu quý. Đứa con gái mà bà xem như ngà ngọc ... Liệu nó hiểu rõ chuyện rồi nó có chạy theo người ấy hay không? Bà có mất con vĩnh viễn hay không?”.
− Mẹ!
Hải Triều bước xuống, nàng nắm lấy bàn tay đang lạnh của bà Thùy Dung, rồi thật nhẹ nhàng nàng vòng tay ôm chặt lấy mẹ, nghẹn thắt từng lời:
– Mẹ ơi! Bất luận có xảy ra chuyện gì, con cũng mãi mãi là con gái của mẹ.
Bà Thùy Dung không thốt được lời nào mà bật khóc nức nở trong vòng tay con gái. Hải Triều dìu bà đến ghế ngồi, rồi quay sang ông Hải Sơn đang bất động như một pho tượng đầy vẻ khắc khổ. Nàng cũng lặng đi một lúc mới nói được:
– Ba mẹ! Thật ra con đã biết chuyện về mình lâu rồi.
Ông Hải Sơn sửng người lên, cả bà Thùy Dung cũng thế. Cả hai không giấu được vẻ kinh ngạc trên nét mặt.
– Làm ... sao ... mà ... con biết được?
Ông Hải Sơn nói mà như nhả từng lời một cách khó nhọc. Hải Triều vẫn rất điềm tĩnh dù cõi lòng nàng đang buồn đau tan nát:
– Kể ra thì cũng vô tình thôi ...
Hải Triều bắt đầu kể lại, kể hết ... Nàng vừa dứt lời thì ông Hải Sơn bật khóc, rồi nghẹn lời nói:
– Con sai rồi con gái ạ. Con đã sai rồi.
– Ba! Có thể con sai. Nhưng con cũng chỉ muốn bảo vệ gia đình mình thôi.
Dù sao năm xưa người ấy cũng đã từ bỏ con, nay vì cớ gì mà tìm đến? Không vì tiền chẳng lẽ vì nhớ thương con sao? Không đúng. Nếu người ấy yêu con, người ấy đã không bỏ rơi con.
Hải Triều bộc bạch suy nghĩ một cách thẳng thừng. Ông Hải Sơn chính vì cảm nhận được tất cả những nỗi đau mà Tố Như phải chịu đựng, nên cảm thấy mình chẳng còn là một người đàn ông bản lĩnh mà chỉ là một kẻ yếu hèn làm nên nỗi đau cùng cực của người phụ nữ ấy. “Tội nghiệp! Thật là tội nghiệp.
Cuộc đời của bà sao mà tội nghiệp đến thế hở, Tố Như”.
Tâm tình giấu kín bao nhiêu năm, nỗi lòng ẩn uất bao nhiêu năm, cả con người của ông Hải Sơn giờ đây chẳng khác gì một ngọn núi lửa đã đến giờ phải phun trào. Ông đỏ mặt hét lên và phun lửa đến tận trời xanh:
– Người phụ nữ đó không phải bỏ rơi con như con nghĩ đâu. Người phụ nữ đó bị người ta bắt buộc phải xa lìa đứa con yêu của mình đấy thôi.
– Ba ...
Hải Triều bật lên tiếng rồi im bặt, toàn thân nàng rung động, tứ chi của nàng bắt đầu run rẩy lên, cả con người nàng tê cóng và sắp chết như đang bị đè dưới một ngọn núi băng giá lạnh.
Chưa bao giờ nàng bị hoang mang đến thế, sợ hãi đến thế. Nàng như không dám nhìn vào cơn giận dữ của ba mà nàng tin chắc rằng sau đó là một sự thật đau lòng. Nàng cũng chẳng dám nhìn vào cái dáng vẻ ủ rũ, hoảng loạn, sợ sệt của mẹ trước sự thật đang sắp lộ nguyên hình. Vậy thì sao? Sự thật là như thế nào? Hải Triều đưa tay vuốt dài lên mặt, rồi nhìn thẳng ba, nàng thu hết can đảm hỏi:
– Không phải như con nghĩ ... không phải như con nghĩ thì như thế nào hả ba?
Như thế nào?
– Ba sẽ kể ngay đây.
– Không, hãy để tôi kể. Bởi vì năm xưa, cái người đã ra cái điều kiện khắc nghiệt để bắt con của cô ấy là tôi ... chính tôi.
Hải Triều quay sang mẹ nhìn sững bà trong nhiều giây. Như một pho tượng, bà Thùy Dung ngồi dậy trong một tư thế sẵn sàng đối mặt với tất cả quá khứ lẫn hiện tại, rồi bà bắt đầu kể. Bà kể không bỏ sót chút gì chuyện của mấy mươi năm trước ...