Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tình Cảm, Xã Hội >> Nghìn Trùng Xa Cách

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 42028 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nghìn Trùng Xa Cách
Bích Quỳnh

Chương 13

Và hiện tại ...
Thúy Hoa không do dự mà nhấn chuông gọi cổng ngay. Bao nhiêu năm rồi, ấm ức thế cũng đủ rồi, đè nén thế cũng đủ rồi, đã đến lúc phải nổ tung rồi.
Tố Như đã không còn chịu đựng nổi mới làm chuyện rồ dại, mới chạy đi tìm sự yên ổn nơi cái chết. Nếu như hôm nay Thúy Hoa không quyết lòng phanh phui sự việc, thì chẳng hiểu Tố Như sẽ lại làm cái chuyện điền rồ gì nữa.
Là bạn thân thiết, hơn thế nữa là tình như chị em, từng ngày tháng năm qua chứng kiến nỗi đau cơ hồ tan da nát thịt, sống dở chết dở của Tố Như, Thúy Hoa đã từng cảm thương lẫn cảm phục. Nhưng bây giờ Tố Như đã từ trong sự chịu đựng đau lòng rơi luôn vào sự tuyệt vọng muốn chết. Người phụ nữ đáng thương ấy, người mẹ đáng nể ấy có đầy đủ sự cao quý để có thể nhìn lại con của mình.
Thúy Hoa không muốn mất đi một người bạn. Càng nhận thấy rằng sự việc Tố Như nhìn lại đứa con cũng không có gì quá đáng, vì thế mà nàng tức tốc đi đến nhà của Hải Sơn. Nàng nhất định vén lên bức màn của quá khứ. Nàng nhất định đòi lại cho Tố Như cái quyền làm mẹ mà Tố Như vẫn hằng khao khát.
Một hồi chuông nữa và một phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn mở cửa, nhìn Thúy Hoa hỏi:
− Thưa cô, cô tìm ai?
− Tôi tìm ông Hải Sơn. Tôi muốn gặp ông ấy.
− Xin cô chờ.
Người phụ nữ quay vào, rồi quay ra ngay:
− Mời cô vào!
Thúy Hoa lướt nhanh vào. Nàng được đưa vào phòng khách và gặp ngay Hải Sơn cùng Thúy Dung. Nhiều năm rồi, chỉ một lần gặp thoáng qua nên không thể nhớ, cả Thùy Dung lẫn Hải Sơn đều nhìn Thúy Hoa bằng ánh mắt xa lạ.
Hải Sơn đứng lên đón tiếp Thúy Hoa, rồi ngập ngừng hỏi:
− Xin lỗi ... cô là ...
Thúy Hoa hết sức điềm tĩnh:
− Tôi là Thúy Hoa. Tôi là bạn của Tố Như.
Thùy Dung nghe đến cái tên Tố Như thì giật nảy người lên đến Thúy Hoa cũng trông thấy. Hải Sơn thì ngược lại, chỉ để lộ một chút băn khoăn nơi đôi mày chau lại. Và hình như ông bắt đầu nhớ ra mình đã một lần gặp Thúy Hoa.
Ông có vẻ trầm ngâm nhưng cũng không quên lời mời.
− Tôi nhớ cô rồi. Mời cô ngồi!
− Không được. Chúng ta không có gì phải tiếp cô ấy cả. Giữa chúng ta và cô ấy hay bạn của cô ấy có đến đây luôn thì cũng không có gì để nói. Tuyệt nhiên không có gì để bàn luận.
Bà Thùy Dung đứng sững lên phản ứng một cách khá mãnh liệt. Biết Thùy Dung lo sợ, Hải Sơn quay sang trấn an vợ:
− Em đừng như thế. Dù sao chúng ta cũng phải trò chuyện một chút, phải nghe xem cô ấy muốn nói gì.
− Nhưng Hải Triều ...
− Không sao đâu. Con gái còn vui với bạn bè, chưa về lúc này đâu.
− Hải Sơn à ...
Hải Sơn đưa tay vỗ vỗ lên vai vợ như bảo hãy yên lòng, nhưng lòng Thúy Dung làm sao yên lòng cho được. Hôm nay ở buổi lễ danh dự mừng Hải Triều, bà đã trông thấy Tố Như, rồi cái cách cô ấy xuất hiện ra và biến mất như một bóng ma càng khiến bà lo sợ hơn lúc nào hết. Bà đã lo sợ không phải vô căn cứ khi đã có người của cô ấy tìm đến. Chừng ấy năm rồi, tại sao cô ấy không chịu quên đi chứ?
Thúy Dung càng nghĩ càng hoang mang cực độ. Bà nhìn thấy Thúy Hoa chằm chằm rồi run rẩy nói:
− Cô về đi! Tôi không cần biết cô đến đây làm gì và các cô đang rắp tâm mưu đồ chuyện gì. Tôi không nghe và cũng không sợ các cô đâu. Cô về đi. Nơi này không có người nào muốn đón tiếp cô.
Thúy Hoa nhìn thấu được nỗi lo sợ của Thùy Dung trong từng ánh mắt, trong từng cử chỉ và cả lời nói hoang mang.
“Bà ta đuổi mình là phải thôi. Bà ta khiến mình cảm thấy bị xúc phạm phải bỏ đi. Nhưng mình đâu thể dễ dàng bỏ đi như thế. Mình cần giúp Tố Như gỡ bỏ nỗi đau như hòn đá nặng đeo đẳng trong lòng mấy mươi năm. Trong khi Tố Như cứ mãi hoài đau khổ, thì bà ta đã có những năm tháng dài trọn vẹn hạnh phúc. Giờ phải đổi ngược lại thôi”.
Thúy Hoa ngẫm nghĩ thật nhanh rồi thốt lời:
− Nhưng bà đâu thể bưng bít mãi sự thật. Bà còn có lương tâm hay không?
Có khi nào bà nghĩ bà chiếm giữ hạnh phúc của người quá lâu rồi, đã đến lúc bà nên trả lại hay chia sớt lại hạnh phúc cho người hay không?
− Cô ... cô ăn nói gì thế?
− Tôi đang nói sự thật. Mấy mươi năm qua, trong khi bà từng ngày vui vẻ từng ngày hạnh phúc ấm êm thì bà có biết bạn của tôi đến một nụ cười trọn vẹn cũng không có. Người mẹ trẻ đó vò võ, đau đáu nỗi nhớ thương con gái của mình, nước mắt theo ngày tháng chảy thành sông thành suối, bà có biết hay không?
− Tôi không cần phải biết, vì đó là chuyện của cô ấy. Khi xưa, cô ta giao Hải Triều cho tôi thì từ đó Hải Triều là của tôi. Tôi đã hứa là sẽ lo lắng, yêu thương Hải Triều như con gái ruột và tôi đã làm đúng như lời hứa. Chỉ có cô ta mới là người thất tín, đã hứa mà không giữ lời hứa.
Thúy Hoa nghe mấy lời của bà Thùy Dung giận run cả người, to cả giọng:
− Bà nói như vậy mà nghe được sao? Bà cũng là người mang nặng đẻ đau, hẳn bà biết như thế nào là đứt ruột chia lìa. Chừng ấy năm dài, vậy mà Tố Như chưa bao giờ quên con gái mình dù một ngày. Tôi thật xót xa cho Tố Như, tôi đau lòng thay cho Tố Như. Lẽ ra Tố Như đã có hạnh phúc riêng, đã có một mái ấm riêng, nhưng vì Hải Triều mà Tố Như đã từ chối tất cả. Trái tim ấy chỉ có mỗi hình bóng con gái của mình mà thôi. Không quên được con, không nhìn lại được con, người phụ nữ đã cắt đứt mạch máu của mình rồi ...
Thúy Hoa nghẹn ngào mắt đầy ắp lệ. Bà Thùy Dung mở to đôi mắt bàng hoàng:
− Cô nói gì?
Ông Hải Sơn nãy giờ để yên cho hai người phụ nữ mặc tình căng thẳng với nhau, nghe thấy vậy cũng giật mình sửng sốt:
− Cô nói Tố Như cắt đứt mạch máu?
− Phải, cách đây vài giờ thôi.
Hải Sơn lùi lại mấy bước, té phịch xuống ghế như không dám tin vào những gì mà mình vừa nghe thấy. Bà Thùy Dung kịp chụp tay vào thành ghế để có thể đứng vững, nếu không cũng đã rơi luôn xuống chiếc ghế gần đó rồi.
Một bầu không khí im lặng nặng nề bao trùm lên gian phòng khách rộng.
“Cắt đứt mạch máu rồi!”. Bà Thùy Dung như không còn một chút sức lực nào.
Bà lặng lẽ lần từng bước một đến ghế ngồi rồi thều thào:
− Mời cô ngồi!
Thúy Hoa ngồi xuống ghế, ba người làm nên một tam giác, chẳng ai buồn thốt một lời nào nữa, tất cả cùng im lặng trong những ngổn ngang đè nặng trong lòng.
Vào cái lúc mà Thùy Dung lẫn Hải Sơn đều đinh ninh rằng Tố Như đã chết hoặc đang nguy kịch thì cả hai lòng dạ rối bời, cùng chung cái cảm giác xót đau và ray rứt không thốt được lời nào. Giữa lúc ấy thì Hải Triều về đến.
Chia tay với Quốc Thắng ở cửa, Hải Triều thong thả bước từng bước vào nhà. Đột nhiên nàng nghe từ phòng khách vọng ra tiếng nói của người lạ, và như một quán tính, nàng dừng hẳn bước chân lại lắng nghe xem là ai đang ở trong nhà.
Giọng của Thúy Hoa nhẹ nhàng mà bức xúc:
− Tố Như đã làm chuyện rồ dại, nhưng còn may là tôi đã đến kịp lúc. Cô ta mượn cái chết để trốn chạy thực tại, một thực tại đau lòng suốt nhiều năm. Tôi biết anh chị thương quý Hải Triều, nhưng xin hãy một lần cảm thương cho Tố Như. Dù sao cô ấy cũng là mẹ đẻ của Hải Triều, là người mang nặng đẻ đau để Hải Triều được có mặt trên cõi đời này. Bao nhiêu năm qua, cô ấy đã gạt bỏ hết mọi hạnh phúc riêng tư chỉ để chờ mong một ngày được ôm con gái vào lòng.
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc anh chị cũng nên đối xử công bằng một chút với Tố Như rồi. Hãy cho cô ấy nhìn lại con đi. Hãy cho hai mẹ con họ được nhìn lại nhau đi.
− Không thể được.
Bà Thùy Dung nghẹn lời, nước mặt trào ra mi nhưng vẫn tỏ một thái độ kiên định dứt khoát:
− Nói tôi ích kỷ cũng được, nói tôi độc ác cũng được, nói sao cũng được. Tôi tuyệt đối không để cho Hải Triều biết ngoài tôi ra nó còn có một người mẹ khác.
Tuy rằng cô ấy đã sinh ra, nhưng người dày công nuôi dưỡng là tôi. Công sinh thành và công nuôi dưỡng quả là khó phân định nặng nhẹ, nhưng Hải Triều đã từng ngày, từng ngày lớn lên trong vòng tay chăm sóc của tôi, tôi yêu quý nó hơn mạng sống của mình. Giờ bảo tôi chia sẻ tình thương thì tôi làm sao mà chấp nhận cho được. Ngộ lỡ tôi mất luôn Hải Triều thì sao? Tôi làm sao sống đây?
Bà Thùy Dung nấc lên thành tiếng:
− Tôi xin cô ... tôi xin Tố Như ... hãy tha cho gia đình của tôi đi, làm ơn tha giùm chúng tôi đi. Tôi quỳ xuống đây, xin cô và Tố Như hãy rộng lượng đừng bới tung quá khứ nữa, bởi vì như thế chẳng phải là quá khắc nghiệt, quá tàn nhẫn với Hải Triều hay sao? Tôi không muốn Hải Triều đau dù là một vết nhỏ, huống hồ chi đây là một vết đau quá lớn đối với Hải Triều.
Bà Thùy Dung vừa nói vừa quỳ luôn xuống nền gạch trước mặt Thúy Hoa, khiến Thúy Hoa vô cùng bối rối kêu lên:
− Chị làm gì vậy? Chị đứng lên đi!
Thúy Hoa đỡ lấy bà Thùy Dung, ông Hải Sơn vẻ mặt đầy nét thống khổ đến nâng vợ ngồi lại lên ghế nói:
− Em đừng làm như vậy mà. Hải Triều biết được càng đau khổ thêm thôi.
− Hải Sơn ơi! Em không muốn mất con. Em không muốn mất Hải Triều. Tuy rằng em không phải là mẹ đẻ, nhưng em thương Hải Triều còn hơn mẹ đẻ. Hải Triều là sinh mạng của em, là cuộc sống của em, là niềm vui hạnh phúc của em.
Mất Hải Triều, em sẽ mất tất cả.
Giây phút này, Hải Sơn chỉ còn biết ôm vợ vào lòng dỗ dành an ủi vì ông thật sự không biết phải phân xử như thế nào. Trong khi đó, ở bên ngoài, Hải Triều đứng chết lặng, sững sờ, hoảng loạn, mất hết tri giác trước những điều mà nàng vừa nghe thấy. Hóa ra ở phía sau nàng còn có một sự thật mà nàng không hề hay biết. Sự thật đó chính là nàng không phải là con đẻ của mẹ. Vậy thì nàng là con của ai? Người phụ nữ đó là ai? Một người như thế nào mà bỏ mặc con mình cho người khác nuôi? Người phụ nữ nỡ bỏ đi núm ruột mang nặng đẻ đau thì chẳng thể là một phụ nữ tốt được. Chẳng thể là một người tốt được. “Ôi trời ơi! Tôi không thể không kêu gào lên ... trời ơi vì sao vậy? Vì sao vậy? Thà là tôi không biết gì hết. Nhưng giờ thì tôi đã biết tất cả rồi. Tôi có thể là như không biết được không? Tôi có thể không đối mặt được không?”.
Trong cơn bấn loạn cùng cực, Hải Triều suy nghĩ lung tung đầy chẳng ra đầu đuôi chẳng ra đuôi. Nàng đứng lặng một hồi nước mắt ứa ra mi. Nàng lưỡng lự không biết có nên bước vào nhà hay không? Và nàng đã làm điều ngược lại.
nàng xách bóp đi thẳng ra cổng, đi lầm lủi một quãng khá dài rồi đưa tay vẫy một chiếc tắc xi nhưng không chạy đi mà vẫn đậu nguyên một chỗ. Còn Hải Triều ngồi ở trong xe mà mắt cứ dán chặt hướng cổng nhà nàng.
Không có bà Thúy Dung, chỉ có ông Hải Sơn đưa tiễn Thúy Hoa ra đến cổng. Dẫu rằng câu chuyện chưa đạt được một kết quả khả quan nào, nhưng Thúy Hoa vẫn không nản chí. Bà ngập ngừng một lúc rồi quay sang ông Hải Sơn từ tốn nói:
− Bà ấy có thể viện đủ mọi lý do nhưng anh thì không được. Anh không thể tìm kiếm bất cứ lý do nào dù nhỏ nhặt để khước từ Tố Như, để không ban cho Tố Như dù một lần hạnh phúc. Hãy tội nghiệp cho Tố Như! Hãy thương xót Tố Như. Cuộc đời người phụ nữ đó ngẫm lại chỉ toàn cay đắng. Giờ cô ấy có hưởng được sự ngọt ngào hay không là ở anh đó. Anh Sơn! Anh hãy nghĩ kỹ lại đi, nghĩ đến tận cùng cũng không có gì là sai quấy, bởi dù sao Hải Triều cũng chính là con đẻ của Tố Như. Mẹ con của người ta, chẳng lẽ các người định chia cắt suốt đời hay sao? Hay là đợi đến ngày cuối đời của Tố Như rồi mới nói ra?
Tôi hy vọng anh là người phá tan mọi rào cản để làm một việc có ý nghĩa, việc làm ấy sẽ thiêng liêng biết bao đối với Tố Như. Việc làm ấy không những giúp anh trả nợ tình cho Tố Như mà còn làm tiêu tan hết những uất ức khổ đau chứa trong lòng của Tố Như nhiều năm. Hãy làm trước khi quá muộn anh Sơn à. Anh suy nghĩ kỹ lại đi. Tôi đặt hết niềm tin vào anh đó.
− Cô quả là một người bạn tốt của Tố Như.
Hải Sơn buồn bã trầm ngâm nói:
− Nhiều năm qua, trái tim của tôi mỗi khi nhớ về Tố Như đều rất nhức nhối và hổ thẹn.Tôi hứa với cô là sẽ suy nghĩ thật nhiều để quyết định chuyện này.
Cô nói đúng, có lẽ đã đến lúc tôi phải trả nợ tình cho Tố Như rồi. Cô về nói lại với Tố Như là tôi sẽ biến ước mơ hoài vọng của cô ấy thành hiện thực, và cho tôi gởi tới cô ấy một lời xin lỗi chân thành.
− Thật tình là chỉ có anh mới làm được chuyện đó. Anh hứa là tôi yên tâm rồi. Tố Như hẳn sẽ mừng ghê lắm. Thôi tôi về đây. Chào anh!
Ông Hải Sơn không nói lại chào mà cúi đầu thật sâu thay cho lời tạm biệt với Thúy Hoa. Bà Thúy Hoa bước ra khỏi cổng rồi đưa tay vẫy chiếc tắc xi vừa trờ tới.
Cùng lúc chiếc tắc xi chở bà Thúy Hoa vừa chuyển bánh, Hải Triều nói ngay với người tài xế chiếc xe nàng đang ngồi:
− Anh làm ơn chạy theo chiếc tắc xi màu vàng ở phía trước.
Thế là chiếc tắc xi chở Hải Triều bám theo rút chiếc tắc xi chở bà Thúy Hoa đến tận bệnh viện. Xuống tắc xi, bà Thúy Hoa lên lầu sáu. Hải Triều cũng lên theo lầu sáu. Và nàng chỉ dừng chân lại khi thấy bà Thúy Hoa bước vào căn phòng mang số 610.
Sau đó Hải Triều quay về nhà. Nhìn thấy sự vui vẻ gượng gạo trên gương mặt của cha mẹ, trái tim nàng càng thêm tan nát. Viện cớ mệt cần nghỉ ngơi, Hải Triều lui về phòng đóng kín cửa để mặc tình suy nghĩ.
Không thể làm như không xảy ra chuyện gì được. Nhất định phải đối diện, nhưng đối diện thế nào đây? Hải Triều hết đứng, hết ngồi lại nằm dài trên giường, trái tim đau cơ hồ muốn tung ra khỏi lồng ngực. Thật khó nghĩ, thật khó tin, khi một ngày đẹp trời, nàng biết được sự thật mình là con của một ai đó sinh ra rồi bỏ rơi. “Vậy đó, mình chỉ là một con nhỏ bị bỏ rơi ... ”.
Đôi mắt Hải Triều nhạt nhòa lệ nóng. Nàng không muốn khóc nhưng nước mắt cứ từ trái tim đau chảy tràn ra ngoài. Ôi, cái sự thật khắc nghiệt ... lẽ ra nó nên rơi vào đâu đó ở núi cao, ở biển thẳm, cớ sao lại rơi vào ngay chính cuộc đời nàng.
Hải Triều nhắm nghiền mắt nghe trong đầu vang vang từng lời của Thúy Hoa mà nàng vô tình nghe được.
“Tôi biết anh chị thương quý Hải Triều, nhưng xin hãy một lần cảm thương cho Tố Như. Dù sao cô ấy cũng là mẹ đẻ của Hải Triều, là người mang nặng đẻ đau để Hải Triều được có mặt trên cõi đời này. Bao nhiêu năm qua, cô ấy đã gạt bỏ hết mọi hạnh phúc riêng tư chỉ để chờ mong một ngày được ôm con gái vào lòng. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc anh chị cũng nên đối xử công bằng một chút với Tố Như rồi. Hãy cho cô ấy nhìn lại con đi. Hãy cho hai mẹ con họ được nhìn lại nhau đi!”.
Biện hộ. Chỉ là những lời biện hộ. Đã bỏ rơi con của mình thì làm gì có chuyện hy sinh hạnh phúc riêng tư chỉ để chờ mong một ngày được ôm con vào lòng. Đã bỏ rơi rồi thì làm gì có chuyện yêu thương nữa. Bởi vì nếu yêu thương thì không bao giờ bỏ rơi, có chăng là giờ đây người phụ nữ ấy đang giở trò để làm tiền mà thôi.
Hải Triều lại nhớ tới những lời van xin thống thiết đầy nước mắt của mẹ nàng:
“Tuy rằng cô ấy đã sinh ra, nhưng người dày công nuôi dưỡng là tôi. Công sinh thành và công nuôi dưỡng quả là khó phân định nặng nhẹ, nhưng Hải Triều đã từng ngày, từng ngày lớn lên trong vòng tay chăm sóc của tôi, tôi yêu quý nó hơn mạng sống của mình. Giờ bảo tôi chia sẻ tình thương thì tôi làm sao mà chấp nhận cho được. Ngộ lỡ tôi mất luôn Hải Triều thì sao? Tôi làm sao sống đây?”.
− Mẹ ơi ...
Hải Triều bật ra tiếng kêu rồi khóc nghẹn ngào. Vừa khóc vừa nói:
− Con chỉ là con của mẹ thôi. Con không cần biết đến một sự thật nào cả, không cần biết có người phụ nữ nào đó đã sinh ra con. Trái tim con chỉ có mẹ, cuộc đời con chỉ có mẹ. Con sẽ cùng mẹ bảo vệ mái gia đình này. Mẹ yên tâm đi!
Lần đầu tiên trong cuộc đời đầy hoa gấm của Hải Triều, nàng biết như thế nào là một “cú sốc”. Cõi lòng nàng đầy rẫy những băn khoăn xáo động, đầy rẫy những muộn phiền lo lắng. Đó cũng là ngày vui nhất và cũng là ngày buồn nhất đối với Hải Triều.
Sau một đêm gần như không ngủ được với nhiều toan tính. Sáng ra Hải Triều mang trong người một “sứ mệnh” và đi khỏi nhà thật sớm.

<< Chương 12 | Chương 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 282

Return to top