Chuẩn úy Phan Lâm cúi đầu bước đi trên con đường đất đỏ ngầu bụi, dẫn tới căn cứ thứ Mười Một, nằm ở phía hữu ngạn kênh Xẻo
Rô. Cùng đi với anh còn có Năm Thi, vợ mới cưới và bà Bùi Thị Son, người Bắc, mới từ làng Hiền Lương vào thăm con dâu, cô Trương
Gia Lương Tâm và hai đứa cháu nội sinh đôi, An Viễn và An Phú.
Ngay từ khi mới bước lên bến đò, chuẩn úy bỗng thấy trong lòng dâng lên niềm xúc cảm bồi hồi, khó tả. Kể từ cái đêm định mệnh ấy,
tính đến nay đã tròn sáu năm, nhưng những gì đã từng xảy ra ở đây, thì chuẩn úy không thể nào quên được. Nó đã khắc vào trong lòng
anh như một con dấu nung đỏ.
Làm sao chuẩn úy có thể quên được cặp mắt đau đớn của đại đội trưởng, lúc hai người bị kẹt lại trong căn cứ. Lúc đó, họ đều có chung
một tâm trạng rối bời, tâm trạng của những kẻ sa cơ, mất hết cơ may thoát ra ngoài căn cứ địch. Thế nhưng, ngay lúc ấy, lúc mà anh
cảm thấy tuyệt vọng, thì đại đội trưởng đã ra hiệu cho anh, dùng súng phang vào đầu hai tên lính gác mà chạy. Nhờ có sự khôn ngoan
đó, nên các anh mới chạy kịp về khu dân cư, nằm ở sát dòng kênh. Nhưng tại sao lại chạy về hướng đó thì chuẩn úy không biết được.
Sau này, nghĩ lại, chuẩn úy mới có nhận xét, họ chỉ có thể thoát được nếu chạy về nơi có nhân dân.
Ngay sau khi nhảy xuống dưới dòng kênh, lợi dụng ghe thuyền và những vật che khuất, chuẩn úy đã thoát chết và hai ngày sau, anh có
mặt tại đơn vị. Trong chuyến đi trinh sát lần ấy, đơn vị bị tổn thất nặng nề. Hướng khu A, đại đội phó Ba Trần hy sinh. Phó chính trị
viên Lê Đình Thực bị thương nặng, về tới đơn vị thì chết, chiến sĩ Tạ Ngọc Lỡi hy sinh. Hướng khu B, đại đội trưởng Lê Sỹ Quý cũng
không trở lại.
Cứ nghĩ đến những gì đã xảy ra trong ngày hôm ấy, chuẩn úy Phan Lâm lại buồn rầu. Anh luôn có mặc cảm là do mình ra chậm mà
đại đội trưởng phải chết. Nếu như bữa đó, anh không đi lạc, lại không bị bọn lính tuần tra cản trở tại khu vực kho xăng, thì anh cũng sẽ
đến điểm hẹn đúng giờ. Khốn thay, chiến tranh là như thế! Những tình huống cứ liên tục xảy ra, không ai có thể lường trước được.
Chuẩn úy đưa mọi người đến trước khoảng sân rộng đầy cỏ, ngổn ngang những đống tro, nguyên xưa kia là bãi để xe và là nơi trút bỏ
những phương tiện không còn khả năng sử dụng. Kho đạn đồ sộ, kiên cố là thế, nay đã bị lột hết mái tôn, trơ ra những khoảng tường
hoen ố. Hàng rào xung quanh căn cứ cũng đã được thu dọn, tuy còn nham nhở. Đây đó, vẫn còn những thùng bộng han rỉ, những
đống dây kẽm gai bị đốt cháy đỏ quạch, bên cạnh là những đoạn giao thông hào sụt lở, do người đào bới, tìm kiếm cọc sắt, phế liệu
gây ra. Chuẩn úy lặng người trong giây lát. Một lần nữa, hình ảnh của quá khứ lại hiện về, làm cho anh không kềm lòng được, nước
mắt cứ thế trào ra.
-- Nội ơi! Chú Lâm khóc kìa, nội! - An Viễn giật mạnh tay bà Son, nói.
-- An Viễn! Từ sớm đến giờ, con lí lắc quá đấy! - Bảy Tâm rầy con, rồi bước tới gần chỗ Phan Lâm đang đứng.
Phan Lâm dùng cườm tay lau nước mắt nói:
-- Bữa ấy, tôi và anh Quý nằm tại chỗ này. Sau khi đánh gục hai tên lính gác, chúng tôi chạy về khu dân cư ở phía dưới kia.
Bảy Tâm cắn môi, nhìn xuống mặt đất, nơi cô đang đứng. Cô luôn cảm thấy tất cả những gì có liên quan đến đại đội trưởng đều trở
thành những kỷ niệm quý báu của cô. Cô luôn tin rằng khoảng thời gian cô được sống gần anh là khoảng thời gian đẹp nhất, đáng giá
nhất. Nó đáng giá ngàn vạn lần so với những gì mà cô đã làm được cho bản thân mình. Đã có lần người ta đem cô ra kiểm điểm gay gắt
về mối quan hệ tình cảm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng giữa đại đội trưởng và cô, nhưng cô không lấy đó làm buồn, bởi cô muốn sinh
cho người yêu của mình một đứa con và cô đã làm được. Sau khi nghe tin anh chết, cô đã khóc suốt mấy ngày. Cô khóc vi mất anh,
thương anh. Bù lại, cô đã được an ủi phần nào vì sinh ra cho anh không phải một, mà là hai đứa con trai cùng một lúc, hai bản sao tuyệt
đẹp của cuộc đời anh. Đối với cô, đây mới là điều đáng giá nhất. Bằng tình yêu của mình, cô đã làm cho nòi giống của anh tồn tại.
-- Chúng ta phải đi tới nữa, mẹ ạ! - Bảy Tâm nói khẽ - May ra ở dưới, có thể biết được thêm tin tức của chồng con.
Bà Son gật đầu, dắt An Viễn và An Phú đi theo mọi người tới khu dân cư nằm ở sát mé kênh. Lúc còn ở ngoài Bắc, sau khi nhận được
giấy báo tử của con trai, bà đã ngã lăn xuống đất. Dân làng kéo đến đầy nhà, thăm nom, an ủi. Nỗi đau mất con đã làm cho bà cấm
khẩu cả tháng. Bà lang thang như một bóng ma. Bà kêu gào trời đất, đay nghiến cỏ cây, coi mọi thứ như là những ác nhân giết hại con
bà. Hai năm sau, sắp đến ngày hòa bình, bà lại nhận được tin đứa con trai thứ hai, con riêng của người chồng sau, thượng sĩ Nguyễn
Minh Thắng hy sinh tại mặt trận Thừa Thiên, bà không còn muốn sống nữa. Trong mắt bà, trời không còn là trời nữa. Bà không thể tin
rằng sự nghiệt ngã cứ giáng xuống đầu bà, xuống dòng họ của chồng bà. Bà cũng không tin rằng tất cả những người thân yêu nhất đều
bỏ bà ra đi. Làm sao bà có thể tin vào đấng tối thượng, khi mà ngài đã nhẫn tâm lột sạch của bà những chỗ dựa và niềm an ủi tinh thần.
Đúng lúc bà có dự định tìm đường về thế giới bên kia để sống với những người thân của mình, thì nhận được thư của đại úy Phan
Vĩnh, rồi đến thư của chuẩn úy Phan Lâm báo cho bà biết là bà còn một đứa con dâu và hai cháu nội ở miền Nam. Thoạt đầu, bà vẫn
còn bán tín, bán nghi, nhưng đến khi nhận được thư của Bảy Tâm cùng với ảnh của hai đứa cháu kháu khỉnh, giống con trai bà như
đúc, bà mới tin đó là sự thật. Bà cầm lá thư và tấm ảnh reo hò, chạy đi khắp làng, nước mắt giàn giụa. Bà đã lên cơn điên. Nhưng đó là
cơn điên của hạnh phúc, cơn điên của một người đàn bà hẩm hiu, tuyệt vọng, tìm được niềm an ủi cho phần hồn. Trong thâm tâm, bà
vô cùng biết ơn và coi người con dâu miền Nam mà bà chưa biết mặt như là đấng Bồ Tát đã cải tạo số mệnh cho bà. Chính người con
gái miền Nam ấy giũp cho gia đình bà không bao giờ tuyệt tự.
Vào năm hòa bình thứ hai, bà nhận được thư của Bảy Tâm báo rằng cô sẽ đưa các con ra Bắc nhận mặt bà nội, họ hàng, rồi đón bà vào
miền Nam ở, nhưng vì tàu xe quá khó khăn, nên chưa thể đi được. Vì thương con, thương cháu, bà quyết định vào Nam một mình. Bà
đã xa rời quê hương, đến sống với con, cháu ở một phương trời mới, nơi làm cho cuộc đời của bà trở nên có ý nghĩa.
So với những gì nhìn thấy trong đêm tối cách đây sáu năm, khu dân cư hiện thời có quá nhiều đổi khác, đến mức, chuẩn úy Phan Lâm
không nhận ra nơi anh đã từng nhảy xuống nước nữa. Tất cả những gì tồn tại trong trí nhớ của anh thì hiện lên rõ mồn một, còn hình
ảnh thực tế lại phủ nhận tất cả. Đơn giản chỉ là sự thay đổi của thời gian.
Chuẩn úy đã gặp, hỏi chuyện nhiều người, nhưng phần lớn, họ mới đến ở sau ngày toàn thắng, nên không ai biết chuyện gì về đại đội
trưởng Lê Sỹ Quý cả. Cũng phải thôi. Sau hòa bình, những gia đình bị bắt buộc phải vào sống ở đây, ngoại trừ số vượt biên, còn lại đều
trở về quê hương bản quán của họ.
Với một tâm trạng chán nản, não nề, mọi người kéo nhau vào một quán nước ven đường nghỉ cho đỡ mệt. Chủ quán là một phụ nữ đẫy
đà, đón khách bằng nụ cười thường trực trên môi. Bà ta nhanh nhẹn pha nước, đem ra cho khách. Chờ mọi người uống nước xong
xuôi, Bảy Tâm kéo chủ quán ra sau nhà, hỏi:
-- Chế à, cách đây khoảng sáu năm, có một anh bộ đôi bị thương, chạy vào khu vực này, sau đó, nghe nói ảnh đã mất ở tại đây, chế có
biết chuyện đó không?
-- Tôi ở đây cũng đã lâu, nhưng không nghe thấy ai bị thương, bị bắt, hoặc bị chết ở đây cả. - Bà chủ quán thành thật trả lời. Ngừng
một lát như thể để kiểm tra lại trí nhớ của mình, bà nói tiếp - Chị nên tới chỗ nhà máy chà gạo hỏi xem, may ra họ biết. Nghe nói ở
đẳng có nuôi giấu Việt cộng đấy!
Mặc dù không tin tưởng vào những câu chuyện nơi đầu đường, quán trọ, nhưng Bảy Tâm vẫn bấu víu vào đó để tự an ủi mình. Cô
không muốn mất đi niềm hy vọng tìm được một chút ít tin tức, hoặc hài cốt người thân yêu nhất của cô. Cô nói với mọi người cứ ngồi
lại uống nước, rồi lững thững đi về phía nhà máy chà gạo, cách quán nước khoảng gần một trăm mét.
Bữa nay, cơ sở chà gạo nghỉ việc để sửa chữa máy móc, chỉ còn một mình Ba Quảng, con dâu của ông chủ ở nhà, dọn dẹp.
Đó là một phụ nữ khoảng hơn ba mươi tuổi, vẻ mặt hiền lành, cam chịu, sống lủi thủi với cái bóng của mình. Chị vấn chiếc khăn rằn
màu đen, giống như mọi người phụ nữ ở miền Tây.
-- à... Không. - Bảy Tâm nói một cách rụt rè - Tôi tới đây, xin gặp chế, hỏi chuyện một chút xíu, được không?
-- Gặp tôi? - Ba Quảng sửng sốt nhìn người khách lạ, hỏi lại - Có chuyện chi vậy?
Bảy Tâm đau đáu nhìn chị chủ, hỏi chuyện, nhưng trong lòng không mấy hy vọng biết được tin tức cụ thể từ người phụ nữ này.
-- Chế à, nghe nói cách đây sáu năm, chế đã nuôi giấu một anh lính của chúng tôi bị thương, đúng không?
-- Ai nói với chế vậy? - Ba Quảng chùi đôi tay lấm lem vào chiếc quần trắng phau vì bụi cám, hỏi.
-- Nghe mấy người ở đẳng. - Bảy Tâm chỉ tay về phía quán nước, nói.
-- Chế muốn biết chuyện ấy để làm gì? - Ba Quảng băn khoăn hỏi lại.
-- ảnh là chồng tôi! - Cố gắng lắm, Bảy Tâm mới thốt được ra những lời này - ảnh là đại đội trưởng trinh sát!
Ba Quảng chau mày, nghĩ ngợi. Một lát sau, chị hỏi, giọng run run:
-- ảnh người Bắc mà?
-- Dạ, đúng! ảnh là người Bắc! - Bảy Tâm xác định - ảnh cao chừng một mét bảy mươi, ốm người.
-- Tôi nhớ rồi! - Ba Quảng vừa suy nghĩ, vừa nói - ảnh bị thương vào ngực bên phải. Tên là Bảy Tâm!
-- Đúng rồi! Trời ạ! - Bảy Tâm sung sướng reo lên - Thực ra, tên ảnh không phải vậy. Bảy Tâm là tên tôi. Vậy ra, chế là người đã cứu
ảnh sao?
-- Không. Người trực tiếp cứu ảnh là ba chồng tôi. ổng đưa ảnh từ đâu về, tôi không rõ. Tôi chỉ biết rằng lúc đó, người ảnh ướt sũng.
Vết thương ở ngực bên phải rất nặng, vẫn còn ri rỉ máu. ở đây, tôi chỉ giúp ảnh băng bó, điều trị vết thương.
-- Và ảnh đã được cứu sống, phải không chế? - Bảy Tâm háo hức muốn biết chuyện.
-- Không, ảnh chết rồi! - Ba Quảng bồi hồi nhớ lại - Bữa đó là ngày mấy âm, tôi không nhớ rõ, nhưng đúng là ngày mùng một tháng
sáu dương lịch, ngày ông già tôi thường cúng cơm ảnh, chúng tôi bị huy động sang bên kia kênh, đón ông Thiệu về thành lập chi khu.
Lúc chúng tôi ra đi, ảnh vẫn đang lên cơn sốt, nằm liệt trong hầm, nên không nói gì được với ảnh, chỉ để đồ ăn thức uống lại. Vào
khoảng mười giờ sáng, tôi nghĩ thế, chợt có một loạt súng dài, từ bên này, chỗ cây trâm kia, bắn về phía khán đài, làm cho một người
đứng cạnh ông Thiệu bị thương. Ngay sau đó, lính ập đến, lùng sục, nhưng không tìm thấy ảnh, ngoại trừ khẩu súng hết đạn, rơi xuống
dưới kênh. Mấy ngày sau, tôi và ông già kiếm cớ chèo xuồng đi dọc theo kênh tìm xác ảnh, nhưng không thấy. Tôi nghĩ, khi bắn hết
đạn, ảnh mệt quá, đã rơi xuống dòng kênh, rồi bị nước ròng cuốn ra biển.
Bảy Tâm đứng chết lặng. Nước mắt cô lã chã rơi. Thế là sau bao thời gian tìm kiếm, cô đã biết được tin tức chính xác của chồng. Cô
bước về phía bờ kênh, cứ nhìn mãi gốc cây tràm mà khóc. Cô thầm gọi hồn anh, nói với anh những nỗi đau bấy lâu nay chứa chất trong
lòng. Cô cầu xin anh hãy tha lỗi cho cô, vì sao từ hòa bình đến nay, đã hai năm trôi qua, cô mới cất công tìm kiếm tin tức của anh. Cô
cũng thầm báo với anh rằng người mẹ mà anh yêu quý, hiện đang sống với ba mẹ con cô. Cô tin rằng với trái tim yêu anh thiết tha của
mình, từ cõi bên kia, anh nghe thấy tất cả, thậm chí, còn hiểu được tất cả những gì sâu kín nhất hiện ra trong tâm linh của cô.
Buổi chiều hôm ấy, vào lúc hoàng hôn, người dân quận Hiếu Lễ nhìn thấy một chiếc xuồng chở người, trong số đó có một nhà sư, từ
phía nhà máy chà gạo, bơi ra giữa dòng, rồi dừng lại làm lễ cầu siêu cho người quá cố: đại đội trưởng trinh sát trung úy Lê Sỹ Quý.
Nhang đèn được thắp lên, cháy phập phồng.
Sau khi đọc kinh cầu hồn cho người đã khuất, mọi người đem tiền âm phủ ra đốt, rồi rải bánh trái xuống dòng kênh. Ngồi bên mẹ
chồng và hai đứa con trai, Bảy Tâm mím môi, khóc lặng lẽ. Cô nhìn về phía hạ nguồn, lòng trở nên hồi hộp, khó tả. Gió liu riu thổi.
Trong một thời khắc không rõ ràng, Bảy Tâm linh cảm thấy người yêu đang hiện về. Anh đứng ngay trước mũi xuồng, tay ôm vai, hết
nhìn cô, lại nhìn mẹ rồi nhìn bạn bè, đồng đội. Đôi mắt anh nhìn thật lâu vào hai đứa con mang dòng máu của anh. Anh cứ nhìn mãi,
mặt buồn rười rượi, môi mấp máy mà không nói thành lời.
-- An Phú, An Viễn, các con lạy ba đi! Ba về rồi kìa! - Bảy Tâm hoảng hốt, thốt lên như đang mê sảng.
-- Ba ở đâu hả mẹ? - An Viễn ngơ ngác hỏi.
-- Ba đứng ở ngay trước mũi xuồng ấy! - Bà Son cất lời - Con cứ nhìn kỹ đi, sẽ thấy ba con.
Thằng bé cứ nhìn mãi xuống dòng kênh, rồi ngửng lên, ngơ ngác nhìn mọi người.
-- Mình thả thuyền được chưa nội? - An Phú háo hức, hỏi.
-- Được rồi! Mấy con thả đi!
Những chiếc thuyền giấy, được thắp nến, từ đôi bàn tay nhỏ xíu trượt xuống dòng kênh. Gió thổi và nước lớn đẩy những con thuyền
giấy, mang theo ánh lửa, trôi về phía thượng nguồn, nơi khởi đầu của những dòng chảy. Tiếng hát của hai đứa trẻ đồng thanh cất lên,
loang dài trên dòng kênh giá lạnh.
Những con thuyền
Hãy trôi đi
Về với ba
Nói với ba
ở cõi người
Có thằng Viễn
Có thằng Phú
Thương nhớ ba
Ôm cột khóc.
Những con thuyền
Hãy trôi đi,
Về Âm phủ
Nói với chú
Nói với ba
Người đi xa
Xin đừng lạnh
Người đi xa
Xin đừng đau
Những người sống
Lòng vẫn nhớ
Những người sống
Càng thương nhau
Những con thuyền
Hãy trôi đi
Hãy mang đi...
Thành phố Hồ Chí Minh, 27/7/1998.