Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Đồng dao thời chiến tranh

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 29649 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đồng dao thời chiến tranh
Văn Lê

Chương Bốn
1
Sau gần một đêm vất vả chuẩn bị cho trận phục kích
đánh tàu trên sông Cái Bé, giờ đây, đại đội trưởng
Lê Sỹ Quý có thể tạm yên lòng cho bộ đội nghỉ ngơi tại chỗ, chờ tàu giặc tới.
Đại đội trưởng thấy công việc được mọi người hoàn tất một cách nhịp nhàng. Ngoại trừ hai lần phải gián đoạn vì máy bay địch soi đêm,
đơn vị không hề gặp bất kỳ một trở ngại nào. Công việc còn lại chỉ là chuyện đánh đắm tàu địch nữa thôi.
Trời về sáng. Vào thời điểm này, súng địch từ các đồn bót,căn cứ đóng dọc theo hai bên bờ sông thỉnh thoảng lại tru lên từng hồi dài
không ngớt. Tiếng động cơ máy bay trực thăng đi tuần đêm vẫn âm ỉ, tạo lên một cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
- Bọn Mỹ sợ chúng ta rồi, ông Quý ạ. Ba Trần nói khẽ - Có lẽ tranh thủ lúc này, cho bộ đội ăn cơm thôi, suốt đêm đào hầm, ngụp lặn
trong nước, thấy đói bụng lắm rồi.
- Ăn thì ăn. - Đại đội trưởng hờ hững trả lời.
Ba Trần vội vàng trải tấm áo mưa xuống đất, rồi lấy dao găm cắt nắm cơm ra nhiều lát nhỏ, chấm muối tiêu, ăn một cách ngon lành.
Đại đội trưởng với tay nhón một miếng bỏ vào miệng, nhai uể oải, biếng nhác. Nỗi lo tàu địch không xuất hiện đè nặng trong lòng anh.
- Này, ăn mạnh lên đi chứ. Ba Trần hối - Ông không ăn, tôi làm ráo đấy.
- Thì đằng ấy cứ ăn đi! - Đại đội trưởng nói một cách chiếu lệ - Bụng đói, nhưng tôi không muốn ăn một chút nào.
- Tại ông lo nghĩ quá đấy thôi. Điều gì phải xảy ra, tất sẽ đến. Nghĩ ngợi làm quái gì cho mệt xác. Ráng ăn lấy thêm vài miếng, kẻo
chúng tới lại bỏ dở bữa ăn.
Rốt cuộc, đại đội trưởng cũng đã ăn hết non nửa nắm cơm, rồi mở nắp bi đông nước, tu ừng ực.
Trời sáng hẳn. Dòng sông Cái Bé phơ phất sương bay. Trận địa im ắng một cách lạ thường. Từ trên miệng hầm cá nhân được ngụy
trang một cách cẩn trọng, đại đội trưởng đang lơ đãng nhìn về phía hạ nguồn, chợt Phan Lâm reo lên khe khẽ:
- Anh Quý, nhìn kìa!
Đại đội trưởng giật mình quay lại, vẻ mặt hốt hoảng:
- Gì thế?
- Bình minh! - Lâm xuýt xoa - Bình minh đẹp quá. Trời đất lặng ngắt như tờ.
- Mẹ khỉ. - Ba Trần rủa - Có thế mà cũng tru lên.
Đại đội trưởng im lặng nhìn về phía đông. Lần đầu tiên trong cuộc đời người lính, anh cảm nhận được sự chuyển động lặng lẽ giữa
đêm và ngày. Dường như có một đấng thiêng liêng nào đó đang điều khiển cho góc trời vỡ ra. Từ trong sự rạn nứt không rõ ràng ấy,
vầng mặt trời thoát thai, bay lên một cách kỳ diệu. Đại đội trưởng sững sờ trước vẻ đẹp rực rỡ của tự nhiên.
- Cậu có cái nhìn tinh tế lắm, Phan Lâm ạ! Vào đúng cái khoảnh khắc ấy, anh lờ mờ nghe thấy tiếng động cơ của tàu nhanh.
- Chúng nó sắp đến đấy! Tất cả vào vị trí đi! - Ba Trần kêu lên khe khẽ.
Mọi người cùng dỏng tai, nghe ngóng:
- Đúng là chúng sắp đến! - Đại đội trưởng xác định dứt khoát, rồi quay về phía Ba Trần - Ông báo ngay cho Phách chuẩn bị s1/2n sàng
và ở lại với nó. Chừng nào thấy cảm giác chắc ăn thì cứ việc bấm mìn. Thôi, đi đi.
Giao nhiệm vụ cho Ba Trần xong, đại đội trưởng quay sang hỏi Phan Lâm, xạ thủ B41:
- Cậu gỡ chốt bảo hiểm trái đạn chưa?
- Dạ, rồi. Em gỡ từ hồi đêm lựng.
- Chuẩn bị s1/2n sàng, đợi lệnh tôi.
Trên trận địa, mọi người đang ở vào vị trí s1/2n sàng chiến đấu, tàu địch từ hướng Rạch Giá cũng bắt đầu xuất hiện. Đoàn tàu có năm
chiếc. Chiếc nọ đi cách chiếc kia lối chừng bảy, tám chục mét. Đi đầu là chiếc tàu nhanh mang số hiệu 31, rẽ sóng lướt tới. Đại đội
trưởng xuýt nữa thì kêu lên vì anh ngỡ là số 35 - Tàu của trung úy Zumwalt, con trai gã đô đốc hải quân Mỹ. Con tàu đang lao về phía
anh. Khi đến gần khúc cua, tự nhiên nó giảm tốc độ. Đại đội trưởng nín thở. Anh có cảm giác là gã chỉ huy tàu nhanh mang số 31 đã
linh cảm thấy tai họa đón đường. Sau khi dừng lại trong giây lát, nó quay tất cả nòng súng vào bờ và trút đạn trong hành tiến. Những
chiếc tàu PBR đi sau lần lượt giảm tốc độ, tiến vào khúc cua.
- Bắn được chưa, thủ trưởng? - Phan Lâm hỏi.
Đại đội trưởng vẫn im lặng, mắt không ngừng quan sát. Đợi cho chiếc tàu thứ ba lọt vào khúc cua, đại đội trưởng, phẩy tay, Phan Lâm
lập tức xiết cò. Trong khảnh khắc chỉ được tính bằng những phần trăm của giây, đại đội trưởng kịp nhìn thấy ánh chớp màu da cam lóe
lên ở phía mũi tàu, tiếp theo là một tiếng nổ giật mạnh. Chiếc tàu nhanh khựng lại trong giây lát rồi quay tròn như thể không còn người
điều khiển. Cùng lúc, lửa và khói bốc lên. Con tàu lao thẳng vào bờ. Những tên lính sống sót la hét, chạy qua chạy lại trên sàn tàu đang
bốc lửa. Một vài tên kịp nhảy lên bờ, lợi dụng địa hình, đánh trả, nhưng đã bị súng bộ binh của ta quật ngã.
Bị đánh bất ngờ, hai chiếc PBR đi sau vội vàng bẻ lái, tăng tốc độ, toan bỏ chạy; nhưng do khúc cua quá hẹp, lại bị bãi chà cản lối, nên
mất khả năng xoay xở. Vào đúng thời điểm đó, Ba Trần ra lệnh cho Nguyễn Hữu Phách bấm mìn.
Trong tiếng súng nổ hỗn loạn, đại đội trưởng nhìn thấy một chiếc PBR bị trái mìn nhấc lên khỏi mặt nước, rồi lại rơi xuống, vỡ rời ra.
Một chiếc khác bị mìn đục thủng một lỗ hổng lớn, bò cũng có thể chui lọt. Bọn lính bị ném văng từ boong bên này sang bên kia, rồi bị
ném trở lại, cho tới khi chiếc tàu bị lật nghiêng và từ từ chìm xuống.
Hai chiếc tàu chạy sau cùng vội quay mũi, vòng trở lại, bắn trả một cách cuồng nộ. Đạn cày tung đất phía trước và phía sau trận địa.
Những bụi cỏ cao bị đạn cắt trụi. Những cây tràm khô trắng, bị đạn đốn ngang, đè cả lên công sự. Sau vài giây đồng hồ suy xét, đại đội
trưởng ra hiệu cho bộ đội rút lui.
Từ các công sự, các chiến sĩ của anh ôm súng, nhanh chóng vọt lên khỏi trận địa, chạy về phía dải rừng xanh. Đại đội trưởng là người
rút lui sau cùng. Trước khi rời khỏi công sự, anh ngoái lại nhìn một lần nữa hình ảnh của dòng sông. Dưới vòm trời đen đặc khói và lửa,
mặt nước nổi lều bều những mảnh tàu vỡ, những xác người, mũ sắt và cả những phao cứu sinh vô chủ.
2
Kể từ khi trong đội hình trung đoàn, đại đội lật cánh về chiến trường miền Tây, thì trận phục kích đánh tàu ở trên sông Cái Bé được đơn
vị thực hiện một cách tốt đẹp. Rồi đây, các cơ quan chuyên môn sẽ mổ xẻ, phân tích, tìm ra những cái hay trong trận đánh này. Người
ta sẽ không tiếc lời ca ngợi, coi đây như là sự kỳ diệu của công tác tổ chức nắm địch, sự tinh khôn trong cách chọn quyết chiến điểm và
sự hài hòa trong hợp đồng tác chiến giữa các phân đội.... Thông thường, kẻ chiến thắng có quyền được nói quá lời. Nhưng đại đội
trưởng Lê Sỹ Quý không coi thành tích là một cái gì ghê gớm. ở đây, ngoài một số sai lầm của địch, đơn vị còn gặp may nữa. Nếu như
chiếc PCF đi đầu, trước đó, không dừng lại, mà cứ thẳng tiến vọt qua khúc cua, với cự ly giữa các tàu luôn được giữ vững, thì may lắm
các anh chỉ túm được nó là cùng. Thế mà tự nhiên, nó dừng lại, dồn đội hình rồi mới hành tiến. Chính sự sai lầm chết người này đã tạo
điều kiện cho các anh có được thời cơ ngàn vàng để loại bỏ ba, trong số năm chiếc tàu của chúng. Điều dở hơi nhất trong trận đánh
này là đại đội trưởng đã không bố trí đội hình một cách hợp lý để có thể khóa chặt đuôi, dồn chúng đến khúc cua. Chính sự lơi lỏng
này đã tạo cho kẻ thù xổng chuồng một cách dễ dàng.
Nhưng dù sao đại đội trưởng vẫn thầm cảm ơn sự bình tĩnh, chính xác của xạ thủ B41 - Phan Lâm. Kế đến là sự mẫn cảm tuyệt vời
trong việc chọn thời điểm bấm mìn của tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Phách. Chính họ đã đem đến cho đơn vị niềm vinh quang này.
Đại đội trưởng chợt nhớ đến Bảy Tâm. Những ngày vừa qua, anh nhớ đến cô nhiều hơn lúc nào. Anh nhớ vẻ mặt ảm đạm của cô trong
lần gặp đầu tiên. Anh nhớ cả những lời nói xé lòng, khi cô kể về bạn bè nằm xuống. Anh nhớ đến dáng vẻ mảnh mai và cái nhìn ướt
rượt của cô. Rồi anh mường tượng đến việc cô vui mừng như thế nào khi nghe anh kể về trận đánh vừa rồi. Anh muốn mang đến cho
cô những nụ cười để xóa bớt đi phần nào những nỗi đau mà cô phải gánh chịu.
- Biết được tin chiến thắng của tụi mình, mấy nhỏ du kích chắc khoái dữ lắm! - Trên đường hành quân về căn cứ, Ba Trần đột nhiên cất
tiếng, cắt ngang nỗi nhớ của đại đội trưởng, gây cho anh cảm giác là người cán bộ dưới quyền đã đọc được suy nghĩ của anh.
- Bởi vậy, về căn cứ, cấp trên phải khao quân chứ nhỉ? - Phan Lâm dò hỏi.
- Tình hình thực phẩm khó khăn thế này, lấy gì mà khao? - Ba Trần hỏi lại.
- Khó khăn thì chẳng bao giờ hết cả, đúng không đại đội trưởng? Nguyễn Hữu Phách vui vẻ thêm lời - Nhưng lãnh đạo phải có cách
chứ?
- Chẳng có cách đếch gì cả. Ba Trần nói - Tôi chưa cạo đầu cậu là may lắm rồi. Chỉ huy lính tráng khỉ gì mà để nó bắn như chó đái.
Chỉ một chút xíu nứa là nó chơi cả băng đạn vào tôi.
- Trung đội trưởng chấp làm gì người lính mới đánh trận lần đầu! - Nguyễn Hữu Phách đay lại - Anh ta bì làm sao được với những
người đánh đấm trầy trụa như anh...
- Thôi, xin mấy bố... Đủ rồi! - Đại đội trưởng xua tay - Đi mau lên, về cứ, còn tắm giặt. Người ngợm dơ như quỷ...
- Có phải về nhanh để tắm giặt hay còn làm gì nữa? - Ba Trần nháy mắt, hỏi đại đội trưởng - Bữa rồi, nói chuyện với nữ xã đội phó, mắt
ông cứ chớp lia chớp lịa.
Về việc này, Ba Trần có lý. Đúng là đại đội trưởng rất nóng lòng mong gặp Bảy Tâm. Anh có linh cảm rằng giữa cô và anh đang hình
thành một mối dây liên hệ vô hình nào đó nằm bên ngoài sự kiểm soát của anh. Chỉ mới đây thôi, anh còn tự hỏi mình là có phải anh
đã yêu cô hay không mà tâm hồn cứ bị ám ảnh bởi hình bóng cô như thế? Đó là tình yêu hay chỉ là sự xúc cảm đơn thuần trước nỗi
đau của một người con gái, đồng thời là đồng đội của anh? Phải chăng mối tình của anh là do sự sắp đặt mầu nhiệm của thiên cơ hay là
do sự trớ trêu của số phận? Nhưng dù là gì thì đại dội trưởng cũng phải thừa nhận rằng nỗi nhớ Bảy Tâm luôn canh cánh trong tâm hồn
anh. Anh không biết mai đây mình sống như thế nào, nếu cứ phải đeo đẳng mãi tâm trạng ấy? Vừa về tới đơn vị, đại đội trưởng đi tắt
qua khu hầm giành cho du kích, anh cảm thấy bàng hoàng trước cảnh trống trơn, không một bóng người. Đại đội trưởng thở sâu, buồn
bã. Anh bước đi như một kẻ vô hồn. Đại đội trưởng cảm thấy mọi cái trở nên nhàm chán, vô vị. Anh uể oải đặt khẩu súng tiểu liên lên
chiếc bàn làm bằng gỗ thùng đạn, mắc vội chiếc võng, rồi nằm ườn ra, tâm hồn trở nên trống rỗng.
Một lát sau, Thảo Lạnh Lùng - Y sĩ của đại đội, người được giao nhiệm vụ ở lại giữ căn cứ, đi tới.
- Đám du kích đi đâu cả rồi? - Đại đội trưởng túm lấy anh ta, hỏi dồn dập - Họ đi đâu, hả?
Thảo Lạnh Lùng nhìn cấp trên. Một thoáng ngỡ ngàng hiện lên trên cặp mắt vốn vô cảm của anh.
- Họ đi rồi! - Y sĩ khẽ trả lời - Bảy Tâm có gởi mấy chữ cho anh. Cổ nói rằng cổ phải về xã đòi nợ kẻ thù của cổ.
Đại đội trưởng lắc đầu, nhận tờ giấy gấp tư từ tay Thảo Lạnh Lùng, giở ra coi, đôi bàn tay anh run run như người lên cơn sốt. Bảy Tâm
viết:
Anh thân!
Cảm ơn anh và mọi người đã giúp đỡ tụi em trong những ngày thất cơ, lỡ vận. Được sống với mấy anh không lâu, nhưng những gì mà
các anh giành cho tụi em, em không bao giờ có thể quên được. Nếu không may chết đi, thì em cũng mang theo nó về cõi tâm hồn. Em
phải về xã, nắm lại tình hình. Cho tụi em gởi lời thăm hỏi và chia tay tới tất cả mấy anh. Cảm ơn anh nhiều! Em nhớ anh!
Đại đội trưởng đọc lại một lần nữa, rồi gấp lá thư bỏ vào túi áo ngực. Cô ấy đi thật rồi! Anh thở ra, vẻ mặt chùng xuống.
- Họ còn nhắn gì thêm không? Đại đội trưởng lơ đãng hỏi.
- Không! Họ chỉ gởi lời chào anh em trong toàn đơn vị.
- Lẽ ra, ông phải tìm mọi cách giữ bằng được họ lại. Ai đời, khách đến nhà, chủ đi vắng, ông lại để họ đi...
Đại đội trưởng lắng nghe y sĩ nói, lòng anh chỉ thấy buồn.
- Rất tiếc, đơn vị ta đánh trận hay như thế, mà tôi lại chẳng được "giây máu ăn phần". Tiếc thật! - Y sĩ chuyển đề tài.
- Số ông "sát địch" thấy mẹ! - Sau cùng, đại đội trưởng cười, nói - Lần nào đi đánh nhau có mặt ông, thì i như rằng lần đó, đơn vị mang
đầu máu. Thôi thì, cứ để ông ở nhà coi cứ, cho anh em yên tâm.
Khuya hôm ấy, đại đội trưởng trở nên khó ngủ. Nằm trên võng, anh cứ trằn trọc, suy nghĩ miên man. Đã mấy lần anh nhủ mình phải
quên đi tất cả, để có thể ngủ một cách ngon lành, nhưng mí mắt anh cứ cứng đơ, ráo hoảnh. Hình bóng của Bảy Tâm cứ mờ tỏ, ẩn hiện
trong cõi lòng anh.
Thôi, đừng nghĩ nữa, đừng nhớ nữa, Lê Sỹ Quý. Nếu là ý muốn của trời, thì nhất định mi sẽ có ngày gặp lại. Bằng không thì mi cứ coi
đây như là những kỷ niệm vội vàng, bất chợt của chiến tranh, những kỷ niệm mà người ta gặp vô số trong đời, rồi lần lượt quên đi theo
năm tháng. Kể ra cũng phũ phàng đấy! Nhưng cuộc đời là vậy. Chiến tranh mà...
3
Phải mất tới cả tuần sau, đại đội trưởng mới nguôi dần nỗi nhớ Bảy Tâm, mặc dù để làm được điều đó, anh khổ sở vô cùng. Mấy ngày
qua, anh dẫn theo năm chiến sĩ lần mò suốt đêm ngày dọc bờ sông Cái Lớn tìm địa điểm đánh địch. Nhưng anh vẫn chưa chọn được
chỗ nào khả dĩ. Sau nhiều đêm đắn đo, suy xét, đại đội trưởng dự định sẽ tiến hành chiến thuật nghi binh, điều địch vào trong kênh nhỏ
để dễ bề tiêu diệt.
Buổi chiều ngày trinh sát cuối cùng, trước khi quyết kế hoạch, anh đưa bộ đội quay trở lại phía nam ấp An Bình một lần nữa. Đây là
một ấp vốn rất trù phú, với những vườn sầu riêng bạt ngàn trồng từ thời Tây, nhưng hiện tại, không còn người ở. Phía nam ấp là kinh
Bà Đầm, rộng chừng hơn năm mươi mét, sâu, ăn thông ra sông Cái Lớn.
Sau khi quan sát kỹ vàm kênh, đại đội trưởng tiến sâu về phía hữu ngạn - nơi có những khu vườn bỏ hoang, ăn thông ra cánh rừng tràm
bị máy bay và chất độc hóa học đốn trụi, anh bắt gặp những căn hầm đào vội, những bếp lửa dã chiến và những hố bom, pháo dày đặc,
sũng nước. Anh còn bắt gặp những mảnh quần áo rách nát, những mảnh băng cứu thương và cả những chiếc dép rọ màu trắng đứt
quai, được dán nhiều lần. Tất cả hiện trường khẳng định rằng: trước đây, tại khu vực này, từng có lực lượng ta hoạt động. Còn bây giờ,
bọn địch hoàn toàn kiểm soát.
Buổi sáng ngày hôm trước, cũng tại khu vực này, trong lúc đại đội trưởng đang ngắm nhìn chiếc lược làm bằng vỏ ống phóng bom bi,
có lẽ do một nữ chiến sỹ nào đó đánh rơi, thì tàu địch từ sông Cái Lớn chạy tới. Chúng có sáu chiếc. Đi đầu là ba chiếc tàu nhanh PCF,
còn lại là tàu thường, loại PBR.
Chỉ cần nhìn chúng ung dung lướt sóng trên sông, mở đài inh ỏi, đại đội trưởng nhận ra rằng, đã từ lâu, trên khúc sông này, chúng
chưa bị nếm đòn nào. Khi chạy tới gần vàm kênh Bà Đầm, đoàn tàu địch tách ra làm đôi. Một nửa tiếp tục đi, nửa còn lại rẽ vào dòng
kênh, từ đó, tiến vào kênh số Sáu. Từ thực tế trên, đại đội trưởng cho rằng tổ chức đánh địch ở ngay trên sông Cái Lớn bằng mìn ĐH10
và thủy lôi là một việc hết sức khó khăn. Đoạn sông này rộng, nên chỉ có thể tấn công bằng phi lôi, hoặc hỏa tiễn. Đại đội trưởng bỗng
nảy ra ý định dùng một lực lượng nhỏ dụ địch vào khu vực bố trí s1/2n trên kênh Bà Đầm, để tiêu diệt chúng. Muốn vậy, công việc
chuẩn bị chiến trường của anh phải tỉ mỉ, công phu.
Để thực hiện tốt cái mẹo vặt này, đại đội trưởng quyết định cho bộ đội phục kích đêm ngay trên sông Cái Lớn. Trường hợp địch xuất
hiện, có thời cơ, thì cứ nhằm thẳng vào chúng mà bắn. Nếu diệt được tàu thì tốt, bằng không thì đây cũng là một sự thông báo ngầm
cho chúng biết là đã có một đơn vị của ta về hoạt động tại đây.
Xẩm tối hôm ấy, đại đội trưởng dẫn các chiến sĩ bí mật tiếp cận sông Cái Lớn. Địa điểm tập kích của đơn vị cách vàm kinh Bà Đầm
chừng bảy cây số về phía đông nam. Đây là nơi rất thuận tiện cho việc rút lui, một khi bị địch phản kích.
Đại đội trưởng bố trí một tổ ba người mai phục ở phía sau đề phòng bất trắc, còn mình dẫn Phan Lâm bí mật tiếp cận dòng sông. Hai
người đào một căn hầm nhỏ bên gốc một cây si đã chết, dẫn xuống một cái bến, trước đây dùng để tắm giặt. Sau khi hoàn tất công
việc, đại đội trưởng và Phan Lâm ngồi đợi.
Đây là một vùng đất quá nhiều muỗi. Ngay từ lúc mới đào hầm, muỗi đã kéo đến đen đặc; chỉ cần quờ tay là có thể bắt được vài con.
Để chống lại loài côn trùng khó chịu, hút máu này, đại đội trưởng bẻ một cành lá phe phẩy liên tục, xua chúng đi hơn là để giết chúng.
Nhưng chúng dạn dĩ đến mức bám vào ngay cánh tay cử động của anh mà hút máu. Đại đội trưởng chỉ còn biết dùng cánh tay còn lại
vuốt lên mặt, hoặc tuốt một đường là bàn tay đỏ máu. Lũ côn trùng có cánh này đã làm cho anh và Phan Lâm rùng mình liên tục.
Hai người chờ đợi gần một tiếng đồng hồ thì nghe thấy tiếng máy bay trực thăng loại "sói biển" đi tuần đêm. Chúng có năm chiếc. Ba
chiếc đi đầu bay rất thấp, bật đèn pha, quét dọc theo dòng sông. Hai chiếc phía sau bay cao hơn, s1/2n sàng nổ súng. Không đầy nửa
phút đồng hồ, bầy "sói biển" lao vút qua đầu họ. Tiếng động cơ phành phạch, uy hiếp. Tốp máy bay đi được chừng hơn hai chục phút
thì một đoàn tàu địch xuất hiện. Chúng rọi đèn pha và bật đèn trong cabin trông rõ mồn một. Đi đầu là hai chiếc "Chim cắt". Tiếp đến
là một chiếc tàu dắt, kéo theo hai chiếc xà lan chở nặng. Rất có thể là chúng chở đồ tiếp tế cho một căn cứ nào đó ở Chương Thiện.
- Bắn chiếc nào, anh? - Xạ thủ B41 "thần sầu" - Phan Lâm, khẽ hỏi.
- Chiếc tàu dắt.
- Nó lọt vào tầm ngắm rồi đấy!
- Chắc ăn chưa?
- Rồi!
Chờ một, hai giây đồng hồ sau, đại đội trưởng ra lệnh:
- Bắn!
Tức thì, một tiếng nổ đầu nòng chắc nịch của súng phóng hỏa tiễn vang lên, làm thức tỉnh dòng sông. Trong chớp mắt, chiếc tàu dắt bị
trúng đạn, khựng lại giây lát, rồi phát lửa. Cùng lúc, hai chiếc xà lan chở nặng từ phía sau lao tới, đụng cái rầm vào chiếc tàu dắt. Sự va
đập cộng hưởng mạnh đến nỗi, cả chùm tàu, ba chiếc, chìm tức thì xuống dòng sông.
- Rút! Đại đội trưởng ra lệnh.
Hai người nhanh chóng vọt khỏi công sự, lao xuống con rạch thoát nước trong khu vườn, rồi cùng tổ cảnh giới biến mất vào đêm, bỏ
lại bờ sông cho tàu địch và máy bay kéo lên bắn phá.
Sau khi đã tạo được một khoảng cách an toàn, đại đội trưởng cùng các chiến sỹ nằm vật ra đất thở dốc. Họ thở như kéo bễ, trong tiếng
pháo từ các nơi dồn dập nã đạn xuống bờ sông. Đèn dù cháy trên trời sáng rực. Lũ "Sói biển" lồng lộn rải từng dây đạn lửa từ trên trời
xuống đất. Sự trả đũa điên cuồng, muộn màng của địch, dự báo cho những điều không lành trong những trận đánh sắp tới.
Nghỉ ngơi vừa lại sức, đại đội trưởng cho bộ đội tiếp tục hành quân. Họ đi được chừng hai giờ đồng hồ thì đụng một cánh rừng tràm
thấp, thoáng đãng, đầy những cây dương xỉ. Đại đội trưởng quyết định cho mọi người nghỉ lại.
Đó là đêm duy nhất trong chuyến đi trinh sát lần này, đại đội trưởng ngủ ngon. Anh ngủ thật sâu, liền một mạch, cho tới khi đồng đội
đánh thức, anh mới tỉnh dậy.
- Thủ trưởng có biết mình đang ở đâu không? - chiến sĩ Bùi Như Cao, khẽ hỏi.
- Làm sao mà biết được mậy? - Đại đội trưởng vừa dụi mắt vừa trả lời - Nhưng có chuyện gì không?
- Chúng ta đóng quân ở sát một đơn vị bạn. Sáng thức dậy, em thấy họ đánh răng, rửa mặt.
- Họ có biết chúng ta đã xâm nhập đơn vị của họ không?
- Em nghĩ là biết, vì họ cứ chỉ tay về phía chúng ta, rì rầm trao đổi với nhau.
Đại đội trưởng bước xuống đất, lấy bình tông nước, tu một ngụm xúc miệng, rồi rửa tay, rửa mặt. Xong, anh vuốt lại mái tóc và dẫn Bùi
Như Cao đi về phía căn cứ của bạn.
- Mấy ông thuộc đơn vị nào đến đây? - Một người lính vận trang phục theo kiểu thường dân, xách súng từ trong căn hầm nửa chìm nửa
nổi, bước lên, nhìn hai người từ đầu đến chân, hỏi với giọng xách mé.
- Chúng tôi từ sông Cái Bé về đây đêm qua. Mệt quá, lăn ra ngủ - Đại đội trưởng ôn tồn nói - Đồng chí có thể cho tôi gặp cấp chỉ huy
cao nhất ở đây được không?
- Tôi biết ông là ai mà đưa lên gặp chỉ huy? Lại đòi gặp chỉ huy cao nhất nữa?
- Ôi, ông bạn! - Đại đội trưởng xề xòa - Nếu không phải là đồng chí với nhau thì liệu chúng tôi còn sống được để mà nói chuyện với
ông bạn không chứ? Thôi, làm khó nhau làm gì. Cho tôi gặp chỉ huy đi.
- Đi vắng rồi! - Anh lính mặc thường phục cảnh giác - Thôi, mấy ông đi đi.
Đại đội trưởng phân vân, toan quay trở ra, thì anh nghe thấy tiếng người reo lên từ phía một căn hầm gần đấy, được ngụy trang, trông
giống như là một gò đất.
- A, thằng quỷ! Làm sao mày đã lại lần mò được đến đây?
Từ dưới hầm, một người lính xuất hiện. Anh ta vận bộ quân phục vải tốt, màu lông chuột, có li, nếp hẳn hoi. Phải mất tới mấy giây
đồng hồ sau, đại đội trưởng mới nhận ra anh lính đang dang rộng hai cánh tay, tươi cười, bước tới trước mặt mình.
- Mẹ khỉ! Trời xui đất khiến nào mà tao lại gặp được mày ở đây hả, Phan Vĩnh? - Vừa nói, đại đội trưởng vừa chạy tới ôm chầm lấy
bạn. Hai người lại đấm nhau như lần gặp bữa nào.
- Thôi, vào đây uống nước cái đã. Phan Vĩnh nói, rồi dắt bạn đi về phía căn hầm của mình. Trước lúc bước xuống cửa hầm, anh gọi
một chiến sĩ tới, căn dặn điều gì đó, rồi quay về phía đại đội trưởng - Thế nào, vất vả lắm phải không? Anh hỏi.
- Cũng khá. Đại đội trưởng vừa trả lời vừa ngồi xuống thùng đạn đại liên có khóa, chắc là đựng tài liệu, để trong hầm - Còn mày? Vẫn
ở chỗ cũ chớ?
- Vẫn thế! - Phan Vĩnh vừa nói vừa bóc gói thuốc lá Ara, rút một điếu, châm lửa hút, rồi thảy lên chiếc bàn làm bằng vỏ thùng đạn -
Chỉ có điều khác một chút là được chuyển xuống làm cụm trưởng ở đây. Sau khi hít một hơi thuốc dài, Phan Vĩnh nói - Hồi đêm, có
đơn vì nào đó choảng chúng ở sông Cái Lớn, phải tụi mày không?
- Thì tụi tao chớ còn ai! - Đại đội trưởng trả lời, rút một điếu thuốc, châm lửa hút.
- Vậy hả? Tuyệt! - Phan Vĩnh vui vẻ - Hồi đêm lên đài, nghe chúng la mà hả dạ. Theo chúng thì có một tàu dắt và hai xà lan chở hàng
bị đánh chìm. Sớm nay, chúng sẽ càn ở đấy! Nhưng làm sao tụi mày đánh được? Đánh bằng phi lôi à?
- Cóc có phi lôi mà đánh. Tụi tao chỉ có bắn mỗi một trái B41.
- Tao có một thằng xạ thủ thần đồng. Hắn bắn như để.
- Vậy trận đánh cách đây mấy ngày, gần ấp Cây Goòng, hướng sông Cái Bé, cũng là tụi bay?
- ...
- Tụi tao hết! - Đại đội trưởng dửng dưng - Cũng vẫn cái thằng xạ thủ của tao, chơi độc có một phát khóa đầu.
Phan Vĩnh khoái chí, phát một cái thật mạnh vào vai bạn, giọng hể hả:
- Mày quá giỏi! - Ngừng một lát để dụi tàn thuốc, Phan Vĩnh hỏi tiếp - Cấp trên đã biết thành tích này chưa?
- Có liên lạc được đâu mà báo cáo. Về tình hình chiến trường, tao mù tịt.
Hai người đang nói chuyện với nhau, thì một anh lính đem xuống hầm hai li cà phê sữa nóng. Phan Vĩnh lấy một li trao cho bạn, còn
một li, anh bảo đem lên đưa cho Bùi Như Cao.
- Uống đi cho tỉnh táo, rồi tao sẽ tìm cách báo cáo thành tích cho mày.
- ủa, tụi mày có đường dây hữu tuyến à?
- Không. Vô tuyến thôi. Có điều, mày phải viết tất cả ra giấy, để tao dịch rồi phát sóng. Viết ngắn thôi. Có đề nghị gì thì viết thêm vào
đó. Giấy bút đây.
Quả thật, đại đội trưởng không thể ngờ rằng mình lại gặp may đến thế. Thực tế xảy ra cứ như trong mơ vậy. Anh uống một hớp cà phê
thơm lừng, rồi cầm bút viết. Anh viết liền một lèo, rồi trao cho bạn.
Phan Vĩnh nhận bức điện, rồi bảo:
- Mày cứ ngồi uống cà phê đi nhé! Tao phát xong, rồi nhận chỉ thị luôn giùm cho.
Phan Vĩnh bước lên khỏi hầm chừng nửa giờ sau thì quay lại. Anh vui vẻ trao cho đại đội trưởng tờ điện, rồi nói:
- Đọc đi, rồi trả lại bức điện cho tao!
Đại đội trưởng đọc lướt nhanh tờ giấy. Anh rất vui mừng vì được thủ trưởng trung đoàn khen ngợi, đánh giá cao thành tích của đại đội.
Trung đoàn đề nghị ban chính trị làm bản thành tích gởi lên Quân khu và đề nghị Bộ Chỉ huy Miền khen thưởng. Riêng về vũ khí,
trung đoàn sẽ làm việc với Tư lệnh để cấp cho đại đội ở kho 14 cho gần. Xem xong bức điện, đại đội trưởng trao lại cho Phan Vĩnh, vẻ
mặt anh tỏ vẻ băn khoăn.
- Sao mấy cha trên trung đoàn không nói gì đến chuyện cấp lương thực và thực phẩm cho tụi tao nhỉ?
- Có đấy! Họ liên hệ với tao vay cho tụi mày một tạ gạo và một số thực phẩm. Tao nhận lời. Chừng nào đi, cho lính đến đây, tao cấp
luôn cho.
Đại đội trưởng sững sờ trước lời hứa của Phan Vĩnh. Anh cứ nắm lấy tay bạn mà lắc:
- Mày là một thằng bạn đặc biệt của tao, của chúng tao. Cầu cho mày sống lâu mãi mãi.
- Để còn gánh việc cho chúng mày nữa, đúng không?
- Dĩ nhiên rồi!
Sau một hồi trò truyện vui vẻ, đại đội trưởng kể cho Phan Vĩnh nghe chuyện du kích xã Hòa Bình bị tai nạn như thế nào và đơn vị anh
đã giúp đỡ họ ra sao. Trong câu chuyện, anh lại nhắc tới Bảy Tâm, xã đội phó, người mà anh đã đem lòng yêu mến. Anh cũng kể cho
bạn nghe về sự khó khăn trong việc chuẩn bị tác chiến tại sông Cái Lớn lần này.
Phan Vĩnh nghe một cách chăm chú. Thỉnh thoảng mắt anh khẽ nheo lại, trông têu tếu. Trước khi kết thúc câu chuyện, đại đội trưởng
hỏi:
- Phan Vĩnh này, tình hình địch hiện tại ra sao? Xa đơn vị, tao mù tịt mọi chuyện.
- Căng đấy! - Cụm trưởng quân báo nói - Chưa thấy gì sáng sủa cả. Hiện tại, ta vẫn rất khó khăn về vũ khí, đạn dược. Đặc biệt là về
quân số. Từ xưa tới nay, Quân khu chưa phải xin Miền lính tráng bao giờ, vậy mà bây giờ phải xin đấy. Mới rồi, Miền tăng cường cho
Khu thêm Trung đoàn 95A và lập tức được điều xuống bán đảo Cà Mau để bảo vệ U Minh Hạ. Đường 1C bị đánh phá liên tục, thậm
chí địch đánh phá ác liệt hơn U Minh Thượng nhiều. Đạn dược vũ khí không đưa xuống chiến trường được. Bọn địch thì rất hung
hăng. Chúng dự kiến sẽ líp U Minh Thượng vào giữa năm sau. Nhưng đến giờ, chúng đã thực hiện được hai phần ba kế hoạch. Hiện
tại, chúng đang tập trung quân, càn quét, lập căn cứ 11 tại chi khu Hiếu Lễ, nhìn chung, tình hình "héo" lắm.
- Đằng ấy có nắm được tình hình của địch ở sông Cái Lớn không?
- Ngoại trừ trận đánh của tụi mày đêm qua, thì hầu như chúng làm chủ hoàn toàn tuyến sông Cái Lớn từ Rạch Giá tới Chương Thiện.
Thậm chí, chúng còn phát triển, vào sâu những kênh rạch nhỏ, chia cắt U Minh. Lực lượng ta quá mỏng, không thể bao sân nổi.
- Chúng phản ứng thế nào?
- Đụng chúng tối qua, mày cũng biết sơ qua rồi đấy! Nhưng rõ ràng là chúng rất hung hăng, đặc biệt là bọn tàu nhanh thuộc hải đoàn
41 Mỹ. Cách đây mấy tháng, có một phân đội thanh niên xung phong khu, vận tải vũ khí, tiếp tế cho Trung đoàn 10, bị chúng phát
hiện truy đuổi đến cùng, diệt ta ba xuồng, thu toàn bộ vũ khí.
- ở khu vực nào vậy?
- Kinh Tám Ngàn.
- Cảm ơn nhá, Phan Vĩnh. Cảm ơn rất nhiều...
- Bây giờ mày tính sao?
- Tao có dự tính là dùng một phân đội nhử chúng từ sông Cái vào kênh nhỏ để dễ bề tiêu diệt. Hiềm một nỗi, không có xuồng.
- Sao mày không tính chuyện đóng bè. Bè cũng được. Điều quan trọng là mày phải ngụy trang cho kỹ. Đóng bè có khi còn lừa được
chúng dễ hơn. Phan Vĩnh xem đồng hồ - Sắp đến giờ tao lên máy rồi. Thôi, chào. à quên, cấp trên có ủy thác cho tao là giúp đỡ tụi
mày về mặt liên lạc. Có gì cần thiết thì cứ đến đây. Lập được thành tích, chớ có ăn một mình, nghẹn đấy!
4
Đại đội trưởng cùng với anh em trinh sát có mặt tại đơn vị vào buổi chiều ngày hôm ấy. Công việc đầu tiên của anh là cùng với Ba Trần
bàn bạc kế hoạch tác chiến. Sau đó, anh cử tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Phách dẫn theo năm chiến sĩ đi nhận vũ khí ở kho 14. Đại đội
trưởng còn dặn thêm rằng cố gắng động viên anh em mang thêm lấy một số thùng gỗ. Theo anh, đó là những thứ tối quan trọng cho
trận đánh tới đây.
Đêm hôm ấy, trong phiên gác của mình, chiến sĩ Bùi Như Cao nhìn thấy hai bóng người tay cầm đèn pin, lưng đeo bồng nặng, vai vác
súng, xâm nhập vào căn cứ. Qua ánh sáng lờ mờ của màn đêm và ánh sáng hắt ra từ chiếc đèn pin bịt kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ, anh
nhận ra đó là hai người con gái. Họ vừa đi vừa trao đổi với nhau về một điều gì đó, rất khẽ. Qua dáng vẻ và cách đi trong đêm của họ,
Cao nhận ra là người đằng mình. Tuy vậy, anh vẫn nép mình vào bên một gốc cây, chĩa súng về phía trước, hỏi giật giọng:
- Ai! Đứng im!
- ủa. Phải anh Cao không? - Tiếng một người con gái cất lên.
- Thì Cao đây! Mấy cô là du kích xã Hòa Bình hả? - Cao nói, rồi từ bên gốc cây bước ra - Trời đất! Bảy Tâm, Năm Thi, sao mấy cô lên
vào giờ này? Bộ không ngại bọn biệt kích sao?
- Thì có chuyện mới lên vào giờ này chớ anh. - Bảy Tâm từ phía sau bước lên, nói - Mấy anh ngủ hết cả rồi hả?
- Ngủ hết rồi! Gần hai giờ đêm rồi còn gì. Cao nói - Thôi, về đằng này, tôi thu xếp chỗ nghỉ cho.
- Anh khỏi lo, tụi em có võng, mùng cả rồi! - Năm Thi nói nhỏ - Mấy anh có khỏe không?
- Công việc bù đầu, bịnh làm sao được. Tụi tôi cũng vừa đi trinh sát hướng sông Cái Lớn về đấy! - Cao khoe - Lại còn thịt được của
chúng một tàu kéo và hai xà lan chở đầy hàng nữa. Nào, đặt tạm bồng xuống đây, rồi tôi lấy nước cho uống! - Vừa nói, Cao vừa soi
đèn pin, vào trong bếp, lấy ra một bình tông nước gạo rang, rót ra chén, trao cho Bảy Tâm - uống đi cho đỡ khát. Để tôi kêu đại đội
trưởng. Biết tin mấy cô lên, ảnh vui lắm á.
- Đừng, anh! - Bảy Tâm giữ Cao lại - Cứ để ảnh ngủ. Mấy anh cần được ngủ.
Cao băn khoăn:
- Mấy cô về, không lên báo. Sáng ra, ổng la tôi. Cô không thể tưởng tượng được từ bữa mấy cô đi, ổng buồn như thế nào đâu? Nói
xong, Cao rọi đèn, chạy đi gọi đại đội trưởng.
Biết tin Bảy Tâm và Năm Thi trở lại căn cứ, đại đội trưởng Lê Sỹ Quý lập cập ngồi dậy, xỏ dép, rồi đi theo Cao về phía nhà bếp. Dù
trời rất tối, anh vẫn nhận ra Bảy Tâm, qua dáng vẻ mảnh khảnh, chân chất của cô. Đại đội trưởng bước đến bên cô. Anh nhìn cô thật
lâu. Cái nhìn của anh làm cho cô thổn thức.
- Thế là em đã về! - Anh khẽ thốt lên, giọng tắc nghẹn.
- Dạ, em về đây! - Bảy Tâm trả lời sẽ sàng, rồi nắm lấy hai bàn tay anh. Cô nhìn anh thật lâu. Cái nhìn của cô hớp hồn anh như một ma
lực. Đại đội trưởng không thể kiểm soát được hành động của mình trước cái nhìn đầy thương yêu ấy. Anh nhẹ nhàng ôm lấy cô. Cô áp
mái đầu nồng mùi mồ hôi và lạnh toát sương đêm vào ngực anh. Toàn thân cô co rúm, run rẩy.
- Anh sẽ vô cùng khổ tâm, nếu không còn được gặp em. May thay...
- Em cũng thế! Anh Quý, em rất... cô định nói "thương anh", nhưng đã kìm lại được.
- Rất buồn anh, phải không? - Anh tiếp lời.
Bảy Tâm đánh vào vai anh, giẫy nảy:
- Anh này...
Một lần nữa, cô lại ôm anh thật chặt. Đây là lần đầu tiên trong đời, cô đã dám ôm một người trai trước mặt đồng đội của mình. Cô ôm
anh mà không nghĩ rằng sẽ làm như thế. Tất cả cứ diễn ra một cách tự nhiên, đơn giản như là sự sắp đặt thần bí của cuộc sống.
- Anh Quý à, anh có nhớ em không? - Cô hỏi nhỏ - Có nhớ thật nhiều không?
Đại đội trưởng âu yếm, gật đầu, rồi cúi xuống hôn nhẹ lên đôi môi nóng bừng bừng, đang chờ đợi của cô. Cô đón nhận nụ hôn ấy như
đón nhận một món quà thiêng liêng, vô giá mà cô hằng ao ước. Đơn giản như thế đấy, nhưng đối với cô, nó là một lời thề.
- Anh biết không, bữa nay có cả Năm Thi cùng về với em nữa. - Sau cùng, Bảy Tâm khẽ buông anh ra, nói.
Đại đội trưởng vẫn nắm tay cô không rời. Anh vui vẻ cất tiếng hỏi:
- Năm Thi đâu? Đồng chí bí thư xã đoàn yêu quý của chúng tôi đâu rồi?
Dường như Năm Thi muốn dành riêng khoảng thời gian hiếm hoi này cho xã đội phó của mình, nên ngay từ đầu, cô đã kéo Cao ra sau
bếp nói chuyện. Nghe tiếng đại đội trưởng gọi, cực chẳng đã, cô phải chạy đến, trình diện anh.
- Thưa thủ trưởng, Năm Thi có mặt.
Đại đội trưởng tiến lại, vỗ tay lên đầu cô như cử chỉ của một người anh cả.
-Từ bữa em đi, tụi lính của anh chẳng thèm ăn cơm nữa. Anh nói đùa.
- Em biết mấy ảnh mệt và cơm cũng chẳng có gì ăn, đúng không, anh?
Năm Thi trả lời hóm hỉnh - Bởi vậy, Chị Bảy bắt em phải mang thực phẩm lên cho mấy anh, vai sưng tấy cả đây nè.
- Khá lắm! Bí thư ra bí thư! Thế mới là bí thư đoàn thanh niên chứ!
Cái tin đơn vị du kích quay trở về căn cứ như một cơn mưa mát mẻ vào mùa hạ, làm cho tất cả các chiến sĩ còn lại trong đơn vị thức
dậy. Mọi người kéo đến hỏi han, chuyện trò, như thể người thân đi xa lâu ngày mới được gặp. Bảy Tâm bận tíu tít. Cô trải tấm ni lông
ra bếp, rồi thắp đèn cầy lên; trong khi Năm Thi mở bồng, lấy ra một gói trà "củ năng" và mấy bịch kẹo đậu phộng, bóc bỏ ra đĩa. Mọi
người cùng ngồi xuống, quây quần bên ngọn đèn.
- Tâm ơi! Em mà không lên thì thằng Quý nó hành tụi anh đến chết mất thôi - Ba Trần cất tiếng - Em không biết, từ bữa mấy em bỏ đi,
nó buồn bã, tru lên như sói ấy!
- Phải vậy không anh Quý? - Bảy Tâm trìu mến, nhìn đại đội trưởng, khẽ hỏi.
- Em đừng nghe hắn! Cái thằng chuyên môn phá bĩnh... Thôi, tụi ta ăn kẹo đi, kẻo bọn nhỏ nó buồn.
Mọi người vừa ăn kẹo vừa nói chuyện vui vẻ. Sực như nhớ ra điều gì, đại đội trưởng cất tiếng hỏi:
- ủa, còn Năm Thi đâu?
- Em đây! - Năm Thi lên tiếng trong lúc cô đang canh nồi nước sắp sôi trên bếp Hoàng Cầm - Em đang nấu nước pha trà.
- Em không lên ăn, tụi nó ăn hết đấy! Tụi này láo ăn lắm!
- Em ăn nhiều rồi. Để phần mấy anh đó. Năm Thi nói rồi châm nước sôi vào bình tông, trao cho Ba Trần.
Trung đội trưởng bẻ đôi gói trà, cho một nửa vào chiếc ca Mỹ, rồi úp cả bình nước sôi lên. Đợi trà ngấm, anh rót ra mấy chén:
- Chẳng lẽ dân lên thăm quân, qùa chỉ có thế này thôi sao? - Ba Trần hỏi:
Bảy Tâm đưa mắt nhìn Năm Thi. Hiểu ý chỉ huy, cô cười nói:
- Chị Bảy còn đem lên cho mấy anh hai lít rượu đế ngon nữa. Nhưng sợ đại đội trưởng cấm, nên còn ém trong bồng ấy!
- Trời ơi! - Ba Trần cười lớn - Đem ngay ra đi. Còn chờ gì nữa. Có tí cay, tâm hồn nó phấn chấn lắm!
Bảy Tâm nhìn đại đội trưởng, cái nhìn như muốn hỏi "Anh có đồng ý không?". Đại đội trưởng ầm ừ. Sau cùng, anh miễn cưỡng nói:
- Uống một xíu thôi. Nhưng không nên để Ba Trần làm chủ xị. Uống rượu vào, hay lè nhè lắm! Nhớ phải để phần tụi thằng Phách với.
Năm Thi sung sướng mở bồng lấy ra một hộp cá mòi và can rượu trao cho Ba Trần. Anh đón lấy một cách trân trọng, rót ra một chén,
rồi sai Phan Lâm mở hộp cá, cho vào đĩa, bày ra giữa nhà. Ba Trần nâng chén rượu lên, trân trọng tuyên bố:
- Chén rượu này, trước tiên, chúng ta uống mừng cho cuộc hội ngộ hôm nay. Tiếp đến, mừng cho các chú lính trinh sát nhà ta luôn
may mắn. Cầu mong cho tất cả chúng ta ra trận - thắng lợi và bình an, không ai chết. - Nói xong, anh trao chén rượu đầy cho đại đội
trưởng.
Đại đội trưởng đỡ lấy chén rượu, uống một hớp, rồi trao cho Bảy Tâm. Cô nhấp môi và chuyển nó cho Phan Lâm. Cứ thế, chén rượu
được kết thúc ở Ba Trần. Sau mấy lần xoay vòng, Ba Trần có vẻ mềm môi. Anh hỏi:
- Ngoài rượu ra, còn gì nữa không đại đội trưởng phu nhân?
- Còn. Bảy Tâm đỏ mặt nói - Em còn mang cho anh một bồng lưới rách nữa.
- Lưới rách? - Pham Lâm ngơ ngác hỏi - Lưới rách để làm gì?
- Để mấy anh đánh tàu!
- Còn đồng chí kinh tài xã, sao không thấy lên?
- ảnh ở lại bắt liên lạc với một số cơ sở, anh à! - Bảy Tâm trả lời - Ngoài ra, ảnh còn một nhiệm vụ quan trọng là phải liên hệ với bác Tư
bên Vĩnh Hòa Hưng, kiếm một ít trái thủy lôi. Vài bữa nữa, có trái, tụi em cũng đánh cho mấy anh coi.
- Mấy em thì đánh đấm cái gì? - Ba Trần lại rót rượu vào đầy chén rồi nói - Cứ kiếm trái về đây để tụi anh đánh giúp cho.
- Khỏi. - Bảy Tâm quả quyết - Khỏi cần sự hào phóng của mấy anh, tụi em cũng sẽ kiếm được chiến thắng cho mình...
- Giỏi. Cứ thế chị Bảy ạ! - Phan Lâm lên tiếng ủng hộ - Lệ thuộc vào người khác chẳng phải là khôn ngoan, đúng không, chị?
Sau khi uống gần hết bình rượu, lại thêm một tuần trà nữa, mọi người mới giải tán. Suốt từ đó đến sáng, đại đội trưởng không sao chợp
mắt lại được nữa. Bảy Tâm xem ra cũng không ngủ được. Nằm trên võng, cô cứ thở dài, trằn trọc mãi. Gần về sáng, cô nghe thấy tiếng
hát lè nhè của ai đó cất lên:
Nào bạn bè
Hãy lại đây
Ta cùng uống
Uống cho say...
Em uống đi
Đừng khóc nữa
Anh uống đi
Đừng buồn nữa
Đời sướng, khổ
Biết đâu cùng
Sống làm bão
Chết làm giông
Nào bạn bè
Hãy lại đây
Ta cùng uống
Uống cho say...
Hóa ra người hát là Ba Trần. Một con người sống thiên về bản năng và mạnh mẽ có tiếng. Dường như anh ta hát những lời đồng dao rút
ra từ tâm thức của mình. Giọng hát của Ba Trần khê nặc, nghe buồn như tiếng của quỷ thần. Chưa bao giờ đại đội trưởng thấy Ba Trần
hát những lời như vậy. Phải chăng đó là điềm báo về một điều gì sắp xảy ra, hay đó chỉ là những nỗi niềm chất chứa quá lâu trong lòng
anh ta, đến lúc này mới được dịp bộc lộ?
5
Vào buổi chiều ngày hôm sau - Một buổi chiều vàng vọt, ảm đạm - Gió từ biển Tây xao xác thổi về, Bảy Tâm đột ngột nói với đại đội
trưởng rằng cô ta đã tìm được một địa điểm thuận lợi để đánh tàu và chiều nay, cô với Năm Thi sẽ thực hiện nhiệm vụ ấy.
Đại đội trưởng đã từng được thấy rất nhiều những cô gái tham gia đánh giặc và đánh rất tốt, nhưng anh cũng cho đó là một việc làm
không nên khuyến khích, vì đó là công việc của đàn ông. Hơn nữa, Bảy Tâm đã là người yêu của anh. Anh không muốn bất kỳ một sự
rủi ro nào xảy ra với cô.
- Có hai người mà đánh đấm cái gì? - Đại đội trưởng nói - Tàu địch chứ có phải là bong bóng của trẻ con chơi đâu.
Trước sự cản ngăn của anh, Bảy Tâm trở nên băn khoăn. Cô bứt rứt bẻ ngón tay, mắt nhìn xuống đất vẻ suy nghĩ:
- Nhưng em là du kích. - Cô phản ứng một cách yếu đuối - Em không muốn bọn địch hí hửng, sau khi đã diệt được hầu hết lực lượng
của tụi em.
- Và, em muốn chứng tỏ với mọi người rằng du kích xã Hòa Bình vẫn tồn tại và có thể làm được một cái gì đó chứ gì? - Đại đội trưởng
trở nên gay gắt - Đó là một ý nghĩ không bình thường.
- Ơ, - Bảy Tâm trố mắt kinh ngạc nhìn anh - Làm sao anh lại có thể nghĩ như thế được, anh Quý?
- Em nên nghĩ kỹ câu nói của anh... Người có ý nghĩ bình thường là người biết rõ kẻ thù và biết rõ mình, trước khi đi đến một quyết
định đúng đắn. Điều em nghĩ bệnh hoạn ở chỗ là em chỉ biết có em, hai đứa em mà không biết quân thù mạnh và xảo quyệt như thế
nào. Chiến tranh cho phép chúng ta đôi khi phải phiêu lưu, nhưng phải dựa trên cơ sở của sự phân tích mang tính thực tiễn, khoa học,
bằng không, chỉ là liều mạng, ngu xuẩn.
- Ôi, anh Quý. Em không phải là một con bé bốc đồng, háo thắng như anh nghĩ đâu. Em biết là tụi em yếu. Do đó, em phải nghĩ ra
những cách đánh hợp với sức của mình và em tin em sẽ làm tốt.
Đại đội trưởng cắn môi nhìn Bảy Tâm đăm đắm. Với một con người đầy tính cách, quyết liệt như cô, việc đấu lý chẳng được tích sự gì.
Hơn nữa, anh vẫn chưa biết cách đánh của cô ra sao.
- Vậy em hãy cho anh biết là em sẽ đánh tàu địch như thế nào đi. - Đại đội trưởng xuống giọng.
Bảy Tâm kể với anh là sau trận cường tập của các anh vào đoàn tàu địch trên sông Cái Bé, bọn địch ở đây đã thay đổi ít nhiều chiến
thuật. Để bảo đảm an toàn, tránh những thiệt hại to lớn cho tàu đi tuần, chúng điều một chiếc hobo đi trước. Đây là một loại xuồng bay
nhẹ, nhỏ, trang bị một đại liên và ba tên lính. Ưu điểm của loại xuồng này là chạy rất nhanh, dễ luồn lách. Nó có thể dừng lại bất
thường và đột ngột tăng tốc. Vừa mới nghe thấy tiếng e e từ xa, đã thấy nó xuất hiện ngay trước mắt mình rồi. Với lợi thế này, chúng
luôn xuất hiện một cách mau lẹ, làm cho đối phương trở tay không kịp. Nhiều đơn vị vượt sông đã bị chúng đốn ngã giữa dòng. Nhưng
loại xuồng bay này có một yếu điểm không thể khắc phục được là nếu ta tác động vào nó một lực nhất định, nó sẽ bị lật cấp kỳ.
- Tụi em đánh vào cái chỗ yếu điểm chết người ấy của chúng! - Bảy Tâm kết thúc.
Rõ ràng là người yêu của anh suy nghĩ một cách khá táo bạo, đúng đắn đối với loại tàu này. Nhưng đó chỉ là nghĩ. Câu chuyện của cô
cũng giống như một câu chuyện ngụ ngôn nào đó, kể về chuyện những con chuột nhắt, nghĩ kế treo vào cổ mèo một cái chuông. Với
cái mẹo này, lũ chuột có thể nhận ra mèo từ xa và lẩn trốn một cách kịp thời. Nhưng khốn nỗi, không có một con chuột nào dám treo
quả chuông vào cổ mèo cả.
- Em nghĩ thì hay lắm! Nhưng làm thế nào để thực hiện được ý đồ của em đây?
Bảy Tâm đứng dậy, mở bồng, lấy ra cả cuộn dây gân màu đất, dài cả trăm mét, đường kính cỡ hai mươi ly, đưa cho anh xem.
- Vũ khí của tụi em đây! - Cô nói.
- Em đùa với anh đấy à? - Đại đội trưởng cau có hỏi - Em định dùng sợi dây này để trói tàu sao?
- Mấy anh được trang bị vũ khí đánh giặc, còn tụi em thì không. Do vậy, em phải tự mình tìm cách đánh thích hợp cho mình. Tụi em
đánh đơn giản, nhưng hiệu quả. Chắc ăn thì đánh. Không chắc thì nghỉ.
- Thôi, được rồi! - Đại đội trưởng xuống giọng - Để anh bàn với Ba Trần, cử một tổ hỗ trợ cho tụi em. Nhưng em định đi ngay bây giờ
sao?
- Dạ, ngay bây giờ. Nhiệm vụ của mấy anh chỉ là hỗ trợ thôi. Em nhắc lại - Hỗ trợ.
Ngay sau đó, đại đội trưởng bàn bạc với Ba Trần cử Phan Lâm cùng với hai chiến sĩ trang bị B41 và AK đi theo Bảy Tâm và Năm Thi
về sông Cái Bé. Mọi tình huống xảy ra đều do Phan Lâm và Bảy Tâm bàn bạc, xử lý. Ngay sau khi mọi người đã lên đường rồi, đại đội
trưởng vẫn áy náy không yên. Anh chẳng hiểu hai cô gái ốm nhách sẽ xử lý thế nào với những chiếc hobo ấy? Sau cùng, anh để Ba
Trần ở nhà coi cứ, còn mình thì dẫn theo Bùi Như Cao, hỗ trợ thêm cho Bảy Tâm.
Phải mất gần một giờ đồng hồ sau, đại đội trưởng mới đuổi kịp đồng đội. Tuy vậy, anh không cho mọi người biết về sự có mặt của
mình. Anh muốn để Bảy Tâm tự lo liệu công việc. Trường hợp bất trắc, anh mới ra tay.
Bảy Tâm chọn địa điểm đánh địch cách xã cô chừng hai cây số, về phía đông. Khoảng sông này rộng chừng tám mươi mét, thẳng và
sâu. Sau khi hành quân tới bờ sông, Bảy Tâm yêu cầu Phan Lâm cùng anh em chiến sĩ ở lại cảnh giới, còn cô thì khoác cuộn dây gân,
xách súng, cùng Năm Thi bước xuống bờ sông. Cô lần tìm một chiếc xuồng nhỏ, trước đó đã được đánh đắm và được giấu kín bên
dưới gốc cây gáo nước cụt ngọn, chao cho nước ra hết, rồi cùng Năm Thi chèo sang bờ bên kia. Là dân địa phương, các cô hoàn toàn
có khả năng ứng phó một cách chính xác trong trường hợp địch kiểm tra giấy giữa dòng.
Từ bên này sông, đại đội trưởng Lê Sỹ Quý căng mắt nhìn theo chiếc xuồng đang rời bến. Trong ánh sáng nhập nhoạng của hoàng
hôn, bóng hai cô gái trở nên đơn độc giữa bầu trời vằn vện màu vảy nến. Chiếc xuồng nhích qua sông một cách trì trệ, chậm chạp,
nhưng rồi cũng đã sang tới bờ bên kia.
Bảy Tâm không vội vàng. Cô để Năm Thi ở lại trên xuồng, rồi khoác cuộn dây, từ từ bước xuống nước. Sau khi leo lên bờ, cô mở đầu
dây quấn hai vòng vào gốc cây da, buộc thật chắc, rồi trở lại xuồng, rải dây qua sông. Sợi dây chìm trong dòng sông màu nước hến.
Sang tới bờ bên này, cô đánh đắm xuồng, bước lên bờ, rồi trao một đầu dây cho Phan Lâm.
Đại đội trưởng nép mình bên một gốc cây khô, đầy cỏ, cách chỗ Bảy Tâm đứng lối chừng hơn một trăm mét, nhìn thấy tất cả. Anh vẫn
chưa hiểu được cách đánh của Bảy Tâm thế nào. Xem ra, trò chơi với chiến tranh của cô phiêu lưu lắm. Tuy vậy, anh vẫn cứ phải chờ
đợi xem thực tế ra sao.
Trời xẩm tối. Dòng sông Cái Bé trở nên vắng lặng. Họa hoằn lắm mới có tiếng máy đuôi tôm nổ nho nhỏ ở phía xa. Tại những căn cứ
của địch ở ven sông, hỏa châu bắt đầu được bắn lên lẻ tẻ. Sau những tiếng nổ bùng bục, trên nền trời đen xẫm vỡ ra những ngọn đèn
dù chấp chới.
Bảy Tâm xem đồng hồ, rồi đứng nhìn đăm đăm về phía ấp.
- Mấy giờ rồi chị Bảy? - Phan Lâm lo âu hỏi.
- Sáu giờ rưỡi! - Bảy Tâm trả lời với vẻ thờ ơ - Vào giờ này, mấy bữa trước, chúng đi tuần rồi đó. Vậy mà, sao bữa nay vắng hoe.
Câu trả lời của cô làm cho xạ thủ thần đồng Phan Lâm và hai chiễn sĩ đi theo lắc đầu, thất vọng. Họ im lăng chờ đợi một sự thật chưa
thể diễn ra.
- Đi phối thuộc với tụi em buồn lắm hả, anh Lâm? - Năm Thi cất tiếng hỏi.
- Được đi đánh nhau với tụi em vui lắm chớ! - Phan Lâm trả lời không thành thật - Điều thú vị nhất là tụi anh học được nhiều điều.
Trong lúc hai người đang trao đổi với nhau, Bảy Tâm mơ hồ cảm thấy có tiếng hobo xuất hiện. Cô cầm sợi dây, nói với Phan Lâm:
- Nó sắp tới đấy! Hai anh cầm chặt sợ dây đi. Không phải vậy. Quấn vào tay cho chắc. Thế. Đúng rồi! Kéo dây từ từ lên đi. Chừng nào
em bảo giựt, thì hai anh giựt thật mạnh về phía đuôi tàu cho em.
- Được rồi. Em cứ yên trí. Tụi anh có thể giựt nó bay lên bờ cũng không chừng. Phan Lâm nói đùa.
- Tập trung vào. Đừng đùa nữa, anh Lâm! - Bảy Tâm nói, trong lúc cô căng mắt nhìn chiếc hobo bật đèn pha, đang xé nước lao tới với
một tốc độ kinh hồn.
Dưới ánh sáng hắt từ pha đèn, Bảy Tâm nhìn thấy chiếc hobo tạo ra những con sóng lớn, có thể làm đắm xuồng, hoặc những chiếc
thuyền chở nặng.
Khi chiếc xuồng bay lao tới cách họ chừng hơn trăm mét, Bảy Tâm ra lệnh kéo dây căng hơn chút nữa. Cô nói:
- Chuẩn bị... Giựt!
Mệnh lệnh của cô vừa phát ra, Phan Lâm và một chiến sĩ khác giựt thật mạnh. Và, điều kỳ diệu đã xảy ra. Chiếc xuồng bay bị hất tung
lên khỏi mặt nước tới hàng mét, rồi lao đầu xuống dòng sông đánh "rầm" một tiếng. Ba tên lính ngồi trên bị hất tung theo và cùng rơi
xuống dòng sông. Bầu trời trở nên tối xầm lại.
- Để tụi tôi cho bọn lính kia một băng nhá? - Một người lính cất tiếng.
- Chúng đang bơi về phía ta. Đừng bắn. Tóm được chúng sướng hơn.
Đến lúc này, đại đội trưởng cùng với chiến sĩ Bùi Như Cao lặng lẽ rút về. Anh muốn giành cho Bảy Tâm một sự đón tiếp bất ngờ.
Đại đội trưởng bước đi thật nhanh. Trời tối nhưng anh vẫn cảm nhận được phương hướng một cách khá rõ ràng. Anh đi ào ào, làm cho
Bùi Như Cao cứ phải chạy gằn. Đại đội trưởng có mặt tại căn cứ vào lúc chín giờ hai mươi bốn phút. Như vậy là anh đã đi nhanh hơn
dự kiến gần nửa tiếng đồng hồ.
- Thế nào, tụi nhỏ đánh chác được chớ? - Ba Trần đón đại đội trưởng ở phía ngoài nhà bếp, hỏi.
- Tôi chỉ có thể nói với đằng ấy là rất tuyệt! - Đại đội trưởng vừa dựng khẩu súng vào vách lá vừa nói - Đơn giản mà hiệu quả! Rồi đại
đội trưởng tả lại toàn bộ trận đánh mà anh đã mục kích cho Ba Trần nghe - Theo tôi biết thì trận đánh không hề nổ một phát súng nào.
Đại đội trưởng kết luận.
- Chà, thế thì giỏi thật! Quá giỏi! - Ba Trần thốt lên, vẻ thán phục - Vậy mà chẳng còn gì để liên hoan với tụi nhỏ.
- Có đấy! Trong số thực phẩm mới nhận ở quân báo về, ngoài mấy ký cá khô, còn mấy hộp sữa "con chim" đấy. Để tôi nói với thằng
Cao nổi lửa chiên lên, làm kẹo liên hoan.
Mãi tới hơn mười giờ đêm, Bảy Tâm và mọi người mới về tới căn cứ. Nhìn vẻ mặt mệt mỏi, buồn bã giả tạo của họ, đại đội trưởng thấy
tức cười. Hình như họ đã bàn bạc trước với nhau để "chơi" cho các anh một vố.
- Kính chào đồng chí xã đội phó. Hình như kẻ địch sợ cách đánh của đồng chí, nên đã không mò tới trận địa phải không? - Ba Trần
tủm tỉm cười, lên tiếng trước - Tuy vậy, tụi tôi ở nhà vẫn cứ chuẩn bị trà nước để liên hoan với các đồng chí đấy.
- Trận ra quân đầu tiên của tụi em mà không đạt kết quả gì nên buồn lắm! - Bảy Tâm dựa khẩu súng vào gốc tràm bên cạnh, vuốt lại
mái tóc đẫm mồ hôi, nói.
Ba Trần đủng đỉnh đem kẹo sữa đặt ra giữa nhà bếp, nói:
- Vậy mà tôi với đại đội trưởng ở nhà bấm độn, đoán già đoán non rằng quân của xã đội phó hạ được một chiếc xuồng bay, lại còn bắt
sống được ba tên tù binh nữa kia đấy.
Bảy Tâm trợn tròn mắt, kinh ngạc:
- Chẳng lẽ mấy anh biết hết cả rồi sao? Không, em không tin. Mấy anh đoán mò.
Đến lúc này đại đội trưởng mới xuất hiện trong bộ quân phục gọn gàng. Anh vừa tắm xong, đầu tóc vẫn còn ướt. Đại đội trưởng bước
tới, nắm tay Bảy Tâm, nói:
- Thiên cơ đã mách bảo cho các anh biết kết quả trận đánh rồi. Giả đò làm gì nữa. Đưa tù binh ra đây trình diện đi.
Sau vài giây đồng hồ suy nghĩ, Bảy Tâm quay sang, đấm đại đội trưởng thùm thụp:
- Như vậy là mấy anh đã bám theo tụi em. Bắt thường anh đấy!
Đại đội trưởng cười sặc sụa. Anh né người tránh nắm đấm của Bảy Tâm, nói tiếp:
- Đem tù binh ra trình diện đi!
Bảy Tâm sựng người trong giây lát, phân trần:
- Quả là tụi em có bắt sống được ba tù binh thật. Em đã tính chuyện giải chúng về đây, nhưng nghĩ lại, em thấy không nên. Bắn chúng
thì không được. Giữ chúng thì mình không có người. Nuôi chúng không ra sao cũng mắc tội. Sau khi bàn bạc, tham khảo ý kiến mấy
anh, em và Năm Thi chỉ giải thích chính sách của ta cho chúng hiểu, rồi tha cho chúng về. Trước linh hồn của đồng đội, em cứ phân
vân mãi, không biết việc làm của mình có đúng hay không?
Đại đội trưởng chăm chú lắng nghe Bảy Tâm trình bày, sau cùng, anh vỗ vai cô rồi nói:
- Việc làm của em rất đúng, Bảy Tâm ạ!
Đối với đại đội trưởng, kể từ lúc gặp và yêu Bảy Tâm đến giờ, đêm hôm ấy là đêm hai người thức trọn với nhau. Họ kể cho nhau nghe
bao nhiêu là chuyện. Bảy Tâm nghe anh kể về gia đình, quê hương và cả thời trai trẻ của anh. Anh nói về những bài đồng dao mà bọn
trẻ ở quê anh thường hát - Những bài đồng dao, theo anh, buồn như những giọt nước mắt, chảy trên gò má các thế hệ.
Bảy Tâm cũng đã gặp nhiều anh lính quê miền Bắc. Họ thường kể về quê hương xinh đẹp, giàu có của mình. Còn đại đội trưởng thì
ngược lại. Anh kể về làng Hiền Lương nghèo khó, khổ sở của anh với một nỗi buồn và một tình yêu sâu nặng. Đặc biệt, khi kể về
người mẹ của mình, anh đã khóc:
- Mẹ anh là một người đàn bà tốt bụng, nhưng lại gặp quá nhiều rủi ro và đau khổ, em ạ. Bà đã hai lần xây dựng gia đình và cả hai lần
đều dở dang. May thay, khi anh đi bộ đội, thì mẹ anh vẫn còn được một người con trai của người chồng sau, ở bên cạnh - Thằng Thắng
- Đứa em không cùng dòng máu, nhưng anh rất đỗi mến yêu.
- Anh Quý này, - Bảy Tâm nắm lấy tay anh, ngập ngừng - Em muốn hỏi chuyện này, nhưng anh không được buồn thì em mới hỏi.
- Em cứ hỏi đi. Anh s1/2n sàng trả lời em.
Sau một hồi đắn đo, cô nói:
- ở ngoải, anh đã yêu ai chưa? Đã hôn một người con gái nào chưa? Trong lúc đại đội trưởng im lặng, nghĩ cách trả lời, Bảy Tâm nói
tiếp:
- Em biết hỏi anh như vậy là không nên, bởi vì, em đã chấp nhận yêu anh rồi, đúng không? Nhưng, em vẫn cứ muốn biết. Con gái tụi
em mâu thuẫn lắm! Anh đừng giận nghe?

<< Chương Ba | Chương Năm >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 251

Return to top