1
Đại đội trưởng tỉnh dậy vào lúc chiều tà. Anh kinh hoàng khi thấy mình đang nằm giữa hố bom đầy bùn nhão, tanh tưởi. Cảm giác đầu
tiên đến với anh là sự trống vắng, cô đơn đến cùng cực. Xung quanh anh, mọi vật dường như vẫn còn chao đảo, quay cuồng, trong sự
tĩnh lặng đông cứng. Đại đội trưởng ráng cựa mình và nhận thấy đau nhức, tê dại nơi bẹ sườn phía tay trái. Không nhìn thấy dấu máu,
anh tin là mình đã không bị thương.
Đại đội trưởng nằm im lối chừng mấy phút đồng hồ, mới lại cựa quậy một lần nữa. Lần này, anh quờ tay kéo khẩu súng AK tới gần,
đặt nằm ngang trên mặt bùn, làm điểm tựa, đẩy người lên. Anh nghiến răng, gồng mình đến toát mồ hôi, cuối cùng cũng đã kéo được
thân hình ra khỏi sự trì níu của bùn nhão. Khốn thay, anh vừa mới đứng lên được thì hai chân lại tụt sâu xuống vũng lầy trong lòng hố
bom. Mỗi lần anh nhấc được chân bên này, thì chân bên kia lại lún sâu xuống. Loay hoay một hồi, nhưng anh vẫn không sao thoát
khỏi cái hố bom chết tử chết tiệt này. Trong lúc đang vô vọng, đại đội trưởng nhìn thấy ở phía trước mặt, chếch về phía tay phải, có một
cái rễ cây to bằng cổ tay, lộ ra giữa đất sình. Đại đội trưởng ráng sức ném khẩu súng lên trước, rồi nhoài người túm lấy rễ cây, trườn lên
từng chút một. Khó nhọc lắm, anh mới bò lên được miệng hố bom nhão nhoét, chết dấp ấy. Đến đây, đại đội trưởng không còn sức lực
để đứng dậy nữa. Thân thể anh trở nên rệu rã đến mức thảm hại. Anh nằm sấp dưới đất, hai tay dang rộng ra, thở hổn hển, miệng đắng
nghét.
Đại đội trưởng nhắm mắt lại. Anh cố hình dung ra tất cả những gì đã xảy ra từ hồi đêm đến giờ, chắp nối, sắp xếp tất cả những mảnh
vụn ấy lại với nhau, để rồi sau đó, anh đau đớn nhận ra rằng: anh là một thằng ngốc. Sự ngu ngốc bắt đầu bằng việc anh sơ suất không
chịu kiểm tra xem hai chiến sĩ Thái và Thắng có biết chèo thuyền hay không? Sự sơ suất ấy đã được Bảy Tâm và Năm Thi sửa chữa kịp
thời, nhưng lại dẫn tới một tai họa khác là xuồng của Bảy Tâm bị đạn tan tành. Và, cho đến bây giờ, đại đội trưởng cũng không biết
được số phận của cô ra sao?
Ngay từ đêm hôm qua, sau khi đưa phân đội một, do Ba Trần chỉ huy, vượt kênh Bà Đầm, ém quân trót lọt tại doi đất hình mỏ vịt nhìn
ra vàm Lớn, đại đội trưởng cho xuồng quay về điểm bố trí của phân đội hai, do tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Phách chỉ huy. Tại đây,
chiếc xuồng thứ hai đã được bộ đội chuyển tới cùng với mìn và thủy lôi.
Đêm trên tiền duyên vẫn lặng lẽ và tĩnh mịch, họa hoằn lắm mới có một vài tiếng pháo của địch bắn vu vơ ở phía chân trời. Đại đội
trưởng lắng nghe tiếng xẻng đào công sự đang khoét sâu vào lòng đất, cảm thấy yên lòng. Anh bước tới gần Nguyễn Hữu Phách, ghé
sát miệng vào tai anh ta, nói nhỏ:
- Đào hầm xong, cậu phải cho ngụy trang thật kỹ vào đấy. Làm vớ vẩn, tắc trách là không được đâu. Đèn pha của tàu chiến sáng lắm
đấy. Nó mà phát hiện ra hầm hố là toi mạng như chơi.
- Được rồi. Anh cứ yên trí đi...
Trong lúc mọi người đang ngụy trang công sự thì một tốp tàu địch từ hướng Chương Thiện chạy tới. Đại đội trưởng vội vã nằm rạp
xuống đất, chờ ánh đèn pha quét ngang qua người anh. Đại đội trưởng rùng mình, ớn lạnh. Qua ánh sáng hắt ra từ phía đầu tàu, đại đội
trưởng nhìn thấy những tên lính đội mũ sắt, mặc áo giáp tránh đạn, súng lăm lăm trong tay, s1/2n sàng nhả đạn vào hai bên bờ sông bất
cứ lúc nào. Đoàn tàu địch chạy tới đâu, thì hỏa châu của các đồn bót địch đóng ở hai bên bờ sông bắn lên tới đó. Chúng bắn như thể
chào đón những quan chức sang trọng.
- Mìn và thủy lôi đã chuyển ra hết chưa? - Đại đội trưởng hỏi nhỏ.
- Còn chờ chuyến cuối cùng nữa. Chắc họ cũng sắp tới rồi...
Đại đội trưởng đi đi lại lại, vẻ sốt ruột. Thỉnh thoảng, anh lại vạch tay áo xem đồng hồ. Phải tới hơn mười phút sau, Bảy Tâm, Năm Thi
và các chiến sĩ mới đem hết số vũ khí tới. Thấy Bảy Tâm đèo theo một cái bồng to tướng, đại đội trưởng bước tới, ấn nhẹ vào lớp vải,
khẽ hỏi:
- Em mang theo cái gì thế này, Bảy Tâm?
- Lưới rối! - Cô thì thào - Lát nữa, anh cứ cho thả ở ngoài sông ấy. Tàu chúng đi, thế nào cũng bị quấn vào chân vịt, không thể chạy
nhanh được. Lúc đó, mấy anh cứ tha hồ mà ngắm bắn cho chính xác.
Đại đội trưởng lắc đầu:
- Em thật lắm trò.
Chờ cho tàu địch đi qua một hồi lâu, anh mới cho chuyển mìn, thủy lôi đã được neo đá xuống xuồng. Anh dặn Nguyễn Hữu Phách là
phải thả theo hình chữ zét, hàng trước cách hàng sau chừng mười lăm mét. Theo tính toán của anh, thả thủy lôi kiểu này có thể đánh
tan được tàu địch, thay vì chỉ gây cho chúng bị thương. Để chắc ăn, anh còn cho cắm những cọc tiêu ở trên bờ, để người sử dụng mìn
có thể ngắm trước khi điểm hỏa.
Khi xuồng chở thủy lôi và mìn bắt đầu rời bến, đại đội trưởng nhìn theo, trong lòng hồi hộp, lo âu. Anh lo nhất là khi đang rải trái thì
tàu địch xuất hiện sẽ làm cho tình hình trở nên rắc rối, phức tạp.
Thời gian nặng nề trôi. Mỗi lần hỏa châu của địch vọt lên nền trời, dù ở rất xa, cũng làm cho con tim của đại đội trưởng thót lại, đau
nhói. Cảm giác này giống y như lần đầu tiên các anh đem chà cây rải ở sông Cái Bé vậy.
Rải mìn xong, Nguyễn Hữu Phách bơi xuồng về phía hạ nguồn, rải đống lưới rách của Bảy Tâm đem theo. Làm xong công việc này,
anh cho thuyền cập bến, lên bờ. Đại đội trưởng thở phào, nhẹ nhõm. Công việc còn lại của anh là cho chuyển những hòm đạn đã được
lèn đầy đất xuống xuồng, và cho ngụy trang thật kỹ. Xong, anh cho kéo vào trong con lạch nhỏ, chờ đợi.
- Công việc của mấy em coi như đã xong rồi! - Đại đội trưởng nói với Bảy Tâm - Bây giờ, mấy em trở về hầm đi. Không được tự ý rời
khỏi công sự, nếu không có sự đồng ý của y sĩ Thảo, rõ chưa?
- Rõ rồi! - Bảy Tâm búng nhẹ vào mũi anh, khẽ nói.
- Tốt! - Anh gật đầu - Mấy em phải thật cẩn thận, anh mới yên lòng được.
- Em có còn là con nít đâu anh?
- Em không còn là con nít, đúng thế! Nhưng em vẫn chưa trưởng thành. Anh nói - Thôi, về hầm đi.
Mặc dù đã căn dặn người yêu như thế, nhưng đại đội trưởng vẫn cảm thấy có một cái gì đó làm anh chưa thật yên tâm. Anh gọi Thảo
Lạnh Lùng tới, nhắc nhở là phải để mắt tới "tụi nhỏ" giùm. Xong xuôi, anh quay trở về chỗ Nguyễn Hữu Phách:
- Phách này, khi tàu địch từ hướng Rạch Giá tới, tôi vẫy tay, thì cho xuồng chèo đi nhá. Nhớ là đừng rời xa bờ đấy! - Anh nói.
- Rồi. Phách trả lời với vẻ bực bội - Có mỗi chuyện ấy mà anh cứ nhắc đi nhắc lại hoài.
Đại đội trưởng quay về chỗ Phan Lâm thì đã năm giờ sáng. Lúc đó, anh chàng xạ thủ thần sầu đang ngồi bên bờ công sự, nhìn ra dòng
sông một cách say đắm.
- Chuẩn bị xong chưa mà đã thả hồn theo mây gió, hả? - Đại đội trưởng hỏi khẽ.
- Xong từ đời tám hoánh rồi! - Phan Lâm trả lời - Nào, mời anh đi kiểm tra cho chắc ăn.
Đại đội trưởng đi xem xét cách bố trí trận địa phi lôi của anh ta và lấy làm tâm đắc.
Trời sáng dần. Dòng sông Cái Lớn trở nên mờ tỏ, thơ mộng dưới sương mai. Gió sớm thổi nhè nhẹ, đem theo hơi nước mát lạnh. Thỉnh
thoảng, ở đâu đó lại có một tiếng súng "tắc bọp" nấc lên. Từ phía ấp Vĩnh Hội, hỏa châu vẫn được bắn lên một cách muộn màng. ánh
sáng thoi thóp của nó trở nên hài hước trước ánh ngày đang rạng.
Thời gian như đông cứng lại. Đại đội trưởng liên tục xem đồng hồ. Đã hơn bảy giờ sáng, nhưng vẫn không thấy bóng dáng một con
tàu nào bén mảng tới. Đại đội trưởng thở dài thườn thượt. Anh ngồi xuống cạnh Phan Lâm, lòng bồi hồi, lo ngại. Một lúc lâu sau, có lẽ
tới hơn mười phút đồng hồ, đại đội trưởng nghe thấy tiếng súng nổ dồn dập, từ phía bờ sông bên kia vọng lại. ở một cự li khá xa, anh
khó có thể phân biệt được giữa địch và ta, bên nào nổ súng trước. Ngay lúc đó, lúc đại đội trưởng còn đang phân vân, suy xét, thì máy
bay ném bom của địch đã xẹt qua đầu anh, bay về phía súng nổ. ít phút sau, anh nghe thấy tiếng bom nổ rùng đất và cả tiếng súng
phòng không 12,8 mm vọng lại. Những cột khói đen bốc lên mù mịt ở hướng rừng tràm phía xa. Đại đội trưởng quay lại, định hỏi Phan
Lâm xem bom đánh ở hướng nào, chợt nhìn thấy một đoàn tàu địch từ hướng kênh thứ Sáu lao thẳng ra sông, rồi quay ngoắt về phía
anh. Qua lớp sóng hiện lên trắng phau trước mũi tàu, đại đội trưởng tin rằng đó là loại tàu nhanh, biệt hiệu "chim cắt" của hải quân Mỹ,
bóng ma gây kinh hoàng cho các đơn vị vượt sông. Đại đội trưởng thấy tim mình đập mạnh. Anh nói nhỏ với Phan Lâm:
- Chuẩn bị đi. Chúng nó sắp tới đấy! - Nói xong, anh khoát tay, ra hiệu cho xuồng nghi binh rời bến.
Anh khoát tay tới hai ba lần, nhưng vẫn không thấy một chiếc xuồng nào lao ra. Đại đội trưởng run lên, bụng anh sôi sùng sục. Đoàn
tàu của địch bỗng giảm tốc độ. Chiếc đi đầu đang trên đường quay vòng trở về hướng Rạch Giá, thì hai chiếc xuồng nhử địch mới từ
trong rạch lao ra, bơi về phía vàm Lớn. Người chèo xuồng không phải là hai chiến sĩ của anh, mà là Bảy Tâm và Năm Thi.
Đại đội trưởng tái mặt, giận dữ:
- Tiên nhân thằng Phách. Nó hại tao rồi! - Anh chửi thề, nhìn theo hai chiếc xuồng đang bơi một cách tuyệt vọng. Cùng lúc, anh nghe
thấy tiếng hò cất lên:
Hò ơ, xuồng em xuống rạch Cái Bần.
Anh ơi! Mau dậy, đi mần với em...
Tiếng hò của Bảy Tâm làm anh xúc động chảy nước mắt. Anh không phải xúc động vì tiếng hò, mà là vì sự bình tĩnh trước nguy hiểm
của cô. Rõ ràng cô đã chọn thời điểm một cách chính xác, để anh không thể thay đổi được gì nữa.
Sự xuất hiện của hai chiếc xuồng chở nặng, được ngụy trang, đã kích thích tàu địch. Ngay lập tức, chúng rồ máy, quay trở lại, lao về
phía hai cô gái với một tốc độ kinh người. Trước sự mắc bẫy của kẻ thù, đại đội trưởng mỉm cười. Ngay sau đó, anh cảm thấy trò chơi
của mình quá ư tàn nhẫn. Khốn thay, anh chỉ nhận ra điều ấy trong sự đã rồi. Đoàn tàu địch vẫn điên cuồng lao về phía anh. Anh thót
tim chờ đợi những loạt súng nổ vang từ phía tàu địch, nhưng may mắn là điều đó vẫn chưa xảy ra. Rất có thể là bọn Mỹ muốn bắt sống
hai cô gái cùng với những "hòm đạn" kia.
Chiếc PCF đi đầu đã hiện ra lù lù trước mắt anh. Tốc độ của nó tự nhiên chậm lại, trong khi máy vẫn gầm rú tuyệt vọng. Rất có thể bộ
phận cách ngầm của tàu đã cuốn phải đống lưới rách của Bảy Tâm. Chiếc PCF thứ hai bắt đầu vọt lên thì chiếc xuồng của Năm Thi đã
rẽ ngoặt vào kênh Bà Đầm. Đồng thời, xuồng của Bảy Tâm cũng rẽ ngoặt theo. Đến lúc đó, chiếc PCF bắt đầu nhả đạn. Đại đội trưởng
run người khi nhìn thấy những cột nước bủa vây quanh xuồng của Bảy Tâm. Chiếc xuồng như không còn người lái, quay tròn trong làn
đạn. Cho tới khi nó bị bắn tan tành. Đại đội trưởng bàng hoàng vì kinh hãi.
- Bắn! - Anh căm hờn ra lệnh.
Bờ sông bỗng rung lên bởi tiếng nổ đề pa của phi lôi. Hàng loạt trái đạn được phóng đi, giống như những tia sáng lạnh băng, lao thẳng
vào tàu địch. Súng nổ rền trời. Tất cả các công sự đều đã trút đạn về phía chúng. Hai chiếc PBR đi sau trúng phi lôi, bùng cháy. Khói
đen bốc lên cuồn cuộn che khuất cả mặt sông. Những chiếc PCF đi đầu rồ máy tăng tốc, nhằm thoát khỏi làn đạn, đã lao thẳng vào bãi
thủy lôi. Trong khoảnh khắc mờ mịt của khói đen, đại đội trưởng nhìn thấy chiếc PCF đi đầu nhảy dựng lên. Một cột nước đỏ ngầu,
cao hàng chục mét, đổ ụp xuống con tàu. Ngay sau đó, nó lại nổi lên với phía thân sau vỡ toang, chúi đầu xuống, rồi từ từ chìm nghỉm.
Mìn vẫn nổ. Những cột nước tiếp tục tung lên. Chiếc PCF đi giữa bị trúng mìn văng ra xa, nghiêng tới bốn mươi lăm độ. Bọn lính bị
sức giật đánh văng khỏi boong tàu, trôi tuột xuống dòng sông. Tiếng súng nổ, tiếng la hét, chửi bới trộn lẫn vào nhau, không sao phân
biệt nổi. Chiếc PCF bị vướng lưới lúc đầu và chiếc thứ tư lách lên bị mìn lôi tuột xuống dòng sông lúc nào không biết. Những chiếc bị
thương cố chạy về phía bờ bên kia, quay súng lại, bắn như trút đạn lên trận địa.
- Rút đi, Phan Lâm. - Đại đội trưởng ra lệnh - Rút ngay, không máy bay lên đấy!
Nói rồi, đại đội trưởng tốc hầm, xách theo khẩu AK chạy về phía vàm Lớn, tìm Bảy Tâm. Đại đội trưởng chạy bán sống bán chết, trong
khi đạn từ tàu địch vẫn bắn xối xả lên bờ. Anh chạy mà không cần quan sát tàu giặc cháy như thế nào nữa. Đối với anh, chiến công lúc
này không còn ý nghĩa gì hết, nếu như anh không tìm được người yêu.
Máy bay địch bắt đầu kéo lên, bắn phá. Bom napan nổ bùng bục, ộc lửa phía sau anh. Mặc bom đạn, đại đội trưởng cứ chạy. Vàm
Lớn, nơi chiếc xuồng của Bảy Tâm biến mất, hiện lên trước mặt anh. Đại đội trưởng tiếp tục chạy. Bỗng dưng, anh thấy mình chới với.
Dường như có một xung lực rất mạnh nào đó đẩy anh bay lên giữa bầu trời, rồi ném anh vào một khoảng tối vô định...
Giờ đây, khi đã hồi tỉnh trở lại, đại đội trưởng tin rằng trong lúc anh đang chạy, một trái bom nào đó nổ gần đã thổi anh bay đi và lẳng
anh xuống hố bom mới đào này.
Nằm một hồi cho lại sức, đại đội trưởng uể oải nhổm dậy, kinh hoàng, không nhận ra mảnh đất đang đứng nữa. Tất cả bị bom lật
ngược, ngổn ngang. Anh ráng sức xách khẩu súng lấm lem, đạp lên mặt đất nhão nhoét, lặc lè đi về phía vàm Lớn.
Mặt trời đã lặn. Hoàng hôn tím ngắt cả mặt sông. Trận địa không còn gì nữa. Không còn những đám cháy. Không còn tàu giặc bị
thương. Cũng không còn bất kỳ một dấu tích nào của chiếc xuồng.
Đại đội trưởng đi men theo kênh Bà Đầm một đoạn, lòng rối như tơ vò. Anh ngồi xuống bờ kênh, đấm tay xuống đất một cách vô
vọng.
- Thế là hết! Lê Sỹ Quý ạ! Lần này thì tao không bao giờ tha thứ cho mày nữa. Đại đội trưởng rủa thầm, ủ rũ đứng dậy. Anh kéo lê
khẩu súng trên mặt đất, lòng ngổn ngang đau khổ. Anh cứ đi như vậy cho tới khi nhìn thấy những bóng người nhòe nhoẹt, lố nhố đi về
phía anh.
2
- Anh phải không? - Giọng nói quen thuộc, gần như hụt hơi của bóng đen lờ mờ, đang từ từ tách khỏi những bóng đen khác, tiến về
phía trước, làm cho đại đội trưởng đứng không vững nữa. Mệt mỏi. Cay đắng. Buồn bã. Xúc động. Tất cả những điều ấy cứ trộn lẫn
vào nhau, tạo thành một màng mỏng vô hình, chắn ngang tầm mắt của anh. Đại đội trưởng run lẩy bẩy, đầu gối muốn sụm xuống. Phải
mất tới mấy giây đồng hồ sau, anh mới nhận ra rằng: bóng đen lờ mờ trước mặt chẳng phải ai khác, mà chính là người yêu của anh,
Bảy Tâm. Đại đội trưởng thấy mình trở nên nhẹ hẫng, trôi bồng bềnh, như không còn trọng lượng. Sợi dây súng trên tay anh lỏng ra,
rơi xuống đất.
- Anh còn sống, trời ạ! Vẫn còn sống! - Bảy Tâm reo lên nghẹn ngào. Cô bay tới, đu người lên cổ anh, làm cho anh loạng choạng, chới
với. Có thể do bóng tối và do niềm vui đột ngột lấn át, cô đã không nhìn thấy những giọt nước mắt chảy dài trên gò má của anh.
Bảy Tâm đặt chân xuống đất, cúi xuống nhặt khẩu súng, rồi lôi anh xềnh xệch về phía đồng đội, miệng rối rít:
- Anh Ba ơi! Anh Thảo ơi! Mấy anh ơi! Lại đây! Anh Quý vẫn còn sống. Vẫn còn sống!
Cho đến lúc này, những người lính trinh sát mới chạy tới, đón đại đội trưởng của mình. Thật ra, họ đã nhìn thấy anh ngay từ lúc anh
còn đang kéo lê khẩu súng, loạng choạng bước đi kia, nhưng không ai nỡ giành của Bảy Tâm niềm sung sướng ấy. Họ cũng không
muốn tước đi của cô những giây phút thiêng liêng đầu tiên, khi cô tìm thấy anh.
Đại đội trưởng nắm lấy tay đồng đội, khẽ nhếch môi cười. Nụ cười của anh có phần khô héo, tội nghiệp.
- Chẳng lẽ đại đội còn có ngần này người thôi sao, Ba Trần? - Đại đội trưởng ngơ ngác hỏi.
- Còn thế này thì có mà chết à! - Ba Trần vui vẻ nói - Tất cả vẫn còn nguyên, ngoại trừ xây xát chút đỉnh. Ngừng một lát, anh nói tiếp -
Ngay sau khi rút lui về "Rừng Một Cô", tôi cho thằng Phách đưa anh em về khu rừng tràm gần căn cứ của huyện Gò Quao, rồi đi tìm
ông ngay. Tụi tôi lùng sục suốt từ trưa tới giờ đấy. Chỉ tội cho nhỏ Tâm, thương ông, khóc đến mọng cả mắt...
Ba Trần chưa nói hết câu, Bảy Tâm đã "hứ" một cách sung sướng.
Đại đội trưởng nhìn người yêu, khẽ lắc đầu, môi mấp máy không thành tiếng. Đối với anh, việc Bảy Tâm còn sống là một bất ngờ
ngoài sức tưởng tượng của anh. Bất ngờ hơn cả việc anh thoát khỏi cái chết nữa. Sự kiện này giống như một loại thần dược xóa đi sự
dày vò, đau đớn, thất vọng, mới rồi vẫn còn ngự trị trong lòng anh. Nó xua tan nỗi nhọc nhằn, mệt mỏi trong suốt một ngày anh phải
chịu đựng.
-- Khi nhìn thấy thủ trưởng chạy băng băng đi tìm Bảy Tâm, em hãi quá. Phan Lâm cất tiếng - Trong khi đó, đạn từ tàu bắn lên cứ như
bủa quanh người. Nhất là khi bom napan ném xuống, lửa ộc ra từng đống, trùm kín tất cả. Lúc đó, không thấy thủ trưởng đâu, em đã
nghĩ "thôi rồi". Vậy mà...
-- Tại nhỏ này! - Đại đội trưởng giật mạnh tay Bảy Tâm - Khi nhìn thấy chiếc xuồng của hắn bị bắn tan, chân tay tôi bủn rủn, chẳng
còn tâm trí nào nữa. Lúc đó, tôi chỉ mong cho trận đánh kết thúc nhanh, để đi tìm hắn!
-- Mấy ông ở bờ sông nên tầm nhìn hạn chế, chớ ở chỗ tôi nhìn rõ mồn một. Khi phát hiện ra xuồng của tụi nhỏ này, chúng quay tàu
lại, đuổi theo, tôi tin rằng chúng sập bẫy rồi. Đến khi xuồng của nhỏ Thi rẽ vào kênh Bà Đầm, tôi bắt đầu chột dạ, thì thấy nhỏ Tâm bỏ
xuồng, lao xuống dòng kênh. Nó vừa vào tới bờ thì chiếc xuồng bị bắn tan ra muôn mảnh... Nói đến đây, Ba Trần chỉ tay vào Bảy Tâm
- Nhỏ này ít tuổi mà đã tinh quái lắm!
-- Thực ra, em đã tính đến chuyện này từ trước rồi kia! - Bảy Tâm từ tốn nói - Khi xuồng của Năm Thi rẽ vào kênh, thoát khỏi sự kiểm
soát của địch, thì nhất định chúng sẽ bắn vào em. Do vậy mà em phải thoát trước khi chúng nổ súng. Mấy anh tính, lưng em đâu phải là
sắt đá mà thi gan với súng đạn được?
Đại đội trưởng mỉm cười, tay vỗ nhẹ lên mái đầu Bảy Tâm. Nếu để cho câu chuyện cứ tự nhiên phát triển thì sẽ không biết lúc nào
ngừng, anh bảo:
-- Ta về thôi, Ba Trần ạ! Về cho mọi người nghỉ ngơi.
Mọi người lục tục lên đường. Họ về tới căn cứ tạm dừng vào khoảng chín giờ đêm hôm ấy. Đến lúc này, đại đội trưởng mới cảm thấy
mệt mỏi, đau ê ẩm cả người. Vết thương nơi bẹ sườn bên trái anh thỉnh thoảng lại nhói lên từng chặp. Đại đội trưởng ngồi vật xuống
mặt rừng ẩm ướt, lưng tựa vào một cây tràm, thở hổn hển. Một lát sau, Bảy Tâm đem quần áo, khăn tắm và xà bông đến gần anh.
-- Anh à, - cô dỗ dành - Em chuẩn bị đồ tắm cho anh rồi nè. Ráng tắm đi anh. Bỏ quần áo dơ lại, sớm mai em giặt cho.
Đại đội trưởng vẫn ngồi im, không nhúc nhích. Nghĩ là người yêu ốm, Bảy Tâm đặt tay lên trán anh xem có nóng không, xong, cô van
nài:
-- Thôi nào, đưa tay đây, em kéo dậy. Lẹ lên anh. Tắm khuya quá, dễ bị cảm lạnh lắm đó.
Đai đội trưởng miễn cường đưa tay cho Bảy Tâm kéo lên. Anh trút bỏ bộ quần áo dài, vắt lên một cành tràm lòa xòa, rọi đèn pin ra bến
tắm. Phải mất tới gần nửa giờ đồng hồ, xát hết già nửa cục xà bông Cô Ba, anh mới gột sạch được bùn đất dính trên người.
Đêm đã khuya. Trăng hạ tuần nhỏ xíu, giống như một con thuyền màu trắng trôi lập lờ giữa những tảng mây tựa như băng, trên bầu
trời đen thăm thẳm. Gió chướng vật vã thổi, đem theo hơi lạnh và tiếng súng nổ chập chờn, vọng lại từ phía trời xa. Đại đội trưởng rùng
mình, nổi gai người. Anh hắt hơi liên tục, co ro chạy về chỗ ở của mình.
Bảy Tâm vẫn chưa đi tắm. Sau khi mắc võng cho anh, cô ngồi đợi anh về, trong tay là một lọ dầu Con Sóc.
-- Anh lên võng đi! - Cô nói như ra lệnh - Cởi áo ra, em thoa dầu cho. Mũi anh lại sụt sịt rồi đó.
Đại đội trưởng còn đang chần chừ, lưỡng lự, Bảy Tâm đã nói:
-- Trời đất ơi! Có gì mà phải mắc cỡ không biết nữa? - Vừa nói, cô vừa mạnh dạn cởi hàng nút áo trên ngực anh, rồi lột ngược ra sau
lưng. Qua ánh sáng của cây đèn pin đặt xuôi trên võng, cô kinh hoàng nhìn thấy một vết bầm to như bàn tay, kéo dài từ bả vai xuống
tới bẹ sườn bên trái của anh - Trời đất! Cô ca cẩm - Lưng anh tím ngắt hà. Ráng chịu đau chút xíu nghe, anh. Em thoa dầu, xoa bóp
một lúc là tan máu bầm thôi hà.
Đại đội trưởng còn biết làm gì khác nữa, ngoài việc nghe theo lời người yêu. Bảy Tâm đổ dầu ra lòng bàn tay, rồi bắt đầu thoa khắp
lưng anh. Anh quá ốm. Trên người có bao nhiêu xương sườn, thì có ngần ấy cái nhô lên dưới làn da.
-- Người gì mà ốm dữ vậy không biết? - Cô chua xót thốt lên - Bộ mấy anh đói ăn lắm hả?
-- Lính tráng thời chiến tranh, ai mà chả thế. Loại người như anh vẫn còn thuộc diện có xương, có thịt đấy! Lắm đứa trông tội lắm cà.
Thân thể chỉ còn da bọc xương. - Đại đội trưởng tắc lưỡi - Mà em cũng có hơn gì anh đâu.
Hai người đang chuyện trò với nhau, chợt có ánh đèn pin huơ dọc huơ ngang, hướng về phía họ. Đại đội trưởng giật thót người, toan
kéo áo lên, nhưng Bảy Tâm giữ lại.
-- Anh làm gì mà sợ dữ vậy? Cứ làm như mình đang ăn cắp bị bắt quả tang không bằng. - Cô nói, rồi đổ dầu, xoa khắp lưng anh một
lần nữa - xong rồi đấy! - Cô kéo áo anh lên, đậy nắp lọ dầu lại - Anh nằm xuống nghỉ một lát đi. Chờ em tắm xong, rồi đi ăn. Bữa nay,
anh Phách và Năm Thi nấu tới hai nồi cháo cá lóc lựng.
Mãi tới nửa đêm hôm ấy, mọi người mới kéo xuống nhà bếp, quây quần bên hai nồi cháo to tướng, thơm phức, nghi ngút khói. Tiếng là
ở miền Tây lắm cá, nhưng mãi tới hôm ấy, mọi người mới được ăn một bữa cháo cá lóc thật ngon lành. Cháo được nêm nhiều hành và
tiêu, nên ăn đến đâu, mồ hôi ra đến đấy.
Ăn xong, trong lúc mọi người còn đang uống nước, nói chuyện lại về trận đánh vừa rồi, thì Bảy Tâm thúc ép đại đội trưởng đi nghỉ. Cô
không muốn người yêu mệt thêm nữa.
-- Chị Bảy biết không, - Năm Thi nói thầm, trong lúc hai cô đang rửa chén dĩa - Anh Lâm làm thơ hay lắm đó. ảnh vừa mới tặng em bài
thơ hay ơi là hay.
-- Bài thơ viết thế nào?
-- Em chưa nhớ được toàn bài. Chỉ biết rằng ảnh gọi em là "Thương nhớ của anh". Rồi cô đọc - Thương nhớ ơi! Cầu mong em đẹp mãi.
Đến kẻ thù nhìn thấy cũng buông gươm.
-- ừ, thơ của ảnh lạ, rất lạ! - Bảy Tâm nhận xét - Nó không giống với những bài thơ mà mình đã học.
-- Đấy. Em đã chẳng nói rồi mà. - Năm Thi sung sướng - Thơ của ảnh hay lắm. Nhưng ảnh lại bảo thơ của anh Quý mới hay. Thơ anh
Quý sâu sắc lắm, buồn lắm! ủa, nhưng chẳng lẽ ảnh chưa đọc cho chị nghe sao?
-- Tôi chẳng thấy ảnh làm thơ lúc nào. Mà cũng chẳng nghe ảnh đọc nữa.
-- Vậy ha? - Năm Thi ngập ngừng - Em nghĩ rằng anh Lâm không nói dóc với em đâu. Có thể là do quá căng thẳng, lại không có thời
gian rảnh, nên chị chưa được nghe ảnh đọc thơ thôi. Chị cũng thấy đó. Từ bữa gặp mấy ảnh đến giờ có rảnh bữa nào đâu?
-- Cũng có thể. - Bảy Tâm suy tính. Cô định bụng, vào một lúc nào đó, có dịp, cô sẽ hỏi anh chuyện này.
Hai người rửa chén dĩa xong, úp vào trong nồi, rồi về chỗ nghỉ. Bảy Tâm mắc võng cách đại đội trưởng một căn hầm tránh đạn. Cuối
đêm hôm ấy, vào lúc tỉnh giấc, cô thấy có ánh đèn pin hắt ra từ võng người yêu. Cô giả đò trở mình, ngoái đầu nhìn về phía anh. Đại
đội trưởng xếp bằng trong võng, cuốn sổ đặt nơi đầu gối. Tay trái rọi đèn, tay phải viết hí hoáy. Anh viết rồi xóa. Xóa rồi lại viết, miệng
lẩm bẩm không thành tiếng. Bảy Tâm rất muốn ngồi dậy, bước đến bên anh, bắt anh đọc cho nghe những điều anh vừa viết, nhưng cô
sợ làm gián đoạn suy nghĩ của anh. Cô chờ đợi cho tới khi anh tắt đèn pin, ngồi im không viết nữa, cô mới bước xuống đất, uống một
hớp nước, rồi bước đến bên võng anh.
-- Em không ngủ được sao, em yêu? - Đại đội trưởng nắm lấy tay cô, hỏi nhỏ.
-- Em đã ngủ được một giấc rồi anh à. - Cô ghé miệng vào sát tai anh, trả lời - Nhưng không biết vì sao, tự nhiên em thức giấc. Nhìn
sang võng anh, thấy có đèn... Ngừng một lát, cô hỏi - Anh viết gì vậy? Đọc cho em nghe được không?
-- Anh viết lăng nhăng ấy mà. - Đại đội trưởng từ chối - Viết về những cái vụn vặt.
-- Vụn vặt? - Cô hỏi - Anh đang làm thơ, đúng không?
-- Sao em biết? Bộ có thằng nào mách lẻo với em hả?
-- Không. Em nghĩ thế. Đọc cho em nghe đi, anh yêu. Em muốn nghe những điều anh viết!
-- Anh sợ em nghe không nổi.
-- Chẳng lẽ phũ phàng như vậy sao? Không, anh cứ đọc đi. Em nghe được.
Đại đội trưởng ngồi im một lát rồi đọc. Giọng anh đầm ấm, khác hẳn với giọng nói hàng ngày:
Anh đã sống những ngày dài hun hút
Trong những cánh rừng ngập mặn phương Nam.
Anh đã bỏ cả một thời trai trẻ
Trên những dòng kênh đỏ máu, tuôn tràn.
Sông Đầm Dơi vẫn chảy xuôi về biển.
Nơi bạn bè bạc tóc, mỗi lần qua.
Sông Cửa Lớn bao giờ thôi rên rỉ
Xác bạn anh trôi trên sóng nhập nhòa.
Rồi sẽ đến một ngày sông thôi khóc...
Những dòng sông chất độc của ta ơi!
Rồi sẽ đến một ngày em thôi khóc
Trong bình minh đỏ rực cả đất trời...
Đại đội trưởng chưa đọc hết đoạn thơ, Bảy Tâm đã òa khóc. Cô khóc bởi những câu thơ chân thực, sâu lắng của anh. Cô khóc cho ba,
mẹ, cho bạn bè và cũng khóc cho cả mình nữa. Cô biết, anh viết những điều này là để tặng cho cô, cho quê hương của cô. Thơ anh
buồn quá. Nhưng đó là nỗi buồn của một người từng trải, một người vào sống ra chết, một người đã từng nhìn thấy quá nhiều đồng đội
ngã xuống trong chiến tranh. Anh có quyền được buồn và được viết như thế!
-- Đừng khóc nữa, em yêu! - Đại đội trưởng xiết chặt tay người yêu, nói với vẻ đau buồn - Biết thế, anh đã chẳng đọc cho em nghe.
-- Đừng trách em, anh ạ! - Bảy Tâm đưa tay lau nước mắt - Con gái tụi em thường thế! Khóc được sẽ nhẹ lòng. Anh biết không, hồi
hôm, nghe anh Lâm kể về việc anh đã chạy đi tìm em như thế nào, em đã không cầm lòng được. Em biết là anh rất yêu em. Anh lo cho
cuộc sống của em còn hơn lo cho tính mạng của anh nữa. Em đã khóc trên suốt cả đoạn đường đi tìm anh. Cho đến khi, tìm được anh
rồi, em mới yên lòng... Nói đến đây, Bảy Tâm bỗng dừng lại trong giây lát - Anh Quý, em yêu anh! Em mãi mãi yêu anh!
Một lần nữa, đại đội trưởng lại nắm lấy đôi bàn tay của người yêu, rồi nhìn thẳng vào mắt cô, không chớp:
-- Anh cũng thế, Bảy Tâm ạ! - Anh nói - Anh rất yêu em! Trong suốt thời gian qua, anh nghĩ đến em rất nhiều.
Bảy Tâm sung sướng, khom người xuống, để được gục đầu vào ngực anh. việc làm của cô khiến cho chiếc võng chao nghiêng, suýt hất
anh xuống đất. Đại đội trưởng đứng dậy, ôm ngang thắt lưng cô. Anh nhẹ nhàng nâng cằm cô lên, rồi hôn lên cặp môi của cô đang
chờ đợi. Bảy Tâm đón nhận nụ hôn một cách nồng nhiệt. Cô ép sát người vào anh, hơi thở hổn hển. Toàn thân cô trở nên nóng bừng,
miệng ú ớ không thành tiếng.
Tình yêu nồng nàn và cuồng nhiệt của Bảy Tâm đã đánh thức bản năng phái mạnh trong con người anh. Anh cảm thấy từ trong sâu
thẳm tâm hồn như có tiếng sấm nổ. Mạch máu chuyển động rần rần trong từng thớ thịt của anh. Đại đội trưởng bế bổng người yêu lên,
rồi nhẹ nhàng đặt cô nằm xuống vạt dương xỉ ngay dưới chân mình. Anh nằm xuống bên cô. Họ cuồng nhiệt âu yếm, cho tới khi cả
hai người cùng chủ động hòa nhập vào nhau.
3
Rạng sáng, khi sương mai còn đang nhòe nhoẹt trong cánh rừng, đại đội trưởng đã đánh thức mọi người dậy. Anh vỗ tay, la to:
-- Dậy! Tất cả dậy đi! Dậy nấu cơm, không có máy bay sắp lên bây giờ đấy!
Nói xong, đại đội trưởng bắt đầu chạy bộ vòng quanh căn cứ. Mọi người cũng bắt đầu lục tục dậy.
Bảy Tâm ngồi trên võng, chải đầu. Cô búi tóc lên cao, dùng một sợi dây thun quấn chặt lại, rồi ôm quần áo của người yêu ra kênh giặt.
Sau khi chạy bộ được vài vòng, đại đội trưởng kéo theo một số chiến sĩ chạy ra kênh tắm. Có lẽ trong suốt cả thời gian hoạt động vừa
qua, đây là lần đầu tiên anh được sống trong những khoảnh khắc tuyệt vời. Cảm giác chiến thắng và cảm giác được yêu đã làm thay đổi
cuộc sống của anh và đem đến cho anh những giây phút thật ngọt ngào. Đại đội trưởng sải tay, vùng vẫy trên mặt nước. Anh nhìn lên
bờ, thấy Bảy Tâm đang ngồi giặt giũ trên chiếc cầu cây vươn ra dòng kênh. Vẻ mặt mãn nguyện của cô trở nên lộng lẫy, sáng bừng.
Anh bắt gặp cái nhìn long lanh, ướt rượt, tha thiết của cô. Đại đội trưởng chợt nhận ra là cô rất đẹp. Vẻ đẹp ấy như vừa được thoát thai
bởi chính tình yêu.
-- Đại đội trưởng có nhận thấy sớm nay, Bảy Tâm rất đẹp không? - Phan Lâm bơi tới gần anh, hỏi - Nếu như thủ trưởng nhìn thấy bữa
qua cô ấy tiều tụy, đau khổ như thế nào, thì bữa nay, thủ trưởng sẽ phải hét lên vì sung sướng đấy... Ngay cả nhỏ Thi cũng thế. Cổ
cũng có những thay đổi trên cơ thể kỳ lạ...
-- Con nhỏ yêu cậu rồi, đúng không?
-- Em cũng có cảm giác ấy!
-- Còn cậu? - Đại đội trưởng hỏi trong lúc hai người bơi vào bờ - cậu có yêu nó không?
-- Dĩ nhiên là em cũng yêu cô ấy! Phan lâm trở nên ngập ngừng - có điều, tụi em chưa hôn nhau lần nào.
-- Khi đã có tình yêu, thì việc hôn hay chưa hôn nhau, đâu có gì là quan trọng. Điều gì phải đến thì cậu không thể cưỡng lại được đâu.
Đại đội trưởng và Phan Lâm bước lên bờ kênh, thả bộ về căn cứ. Hai người vừa đi vừa nói chuyện với nhau.
-- Cứ nghĩ đến chuyện yêu nhau rồi lại phải chia tay, lòng buồn chết đi được, đại đội trưởng ạ. - Phan Lâm thổ lộ - Chiến tranh chắc
còn dài lắm. Không biết anh em mình có sống được đến cái ngày chiến thắng hay không?
-- Sao lại không? - Đại đội trưởng khẳng định - Nếu chúng ta tin rằng mình sẽ sống thì không thể chết được. Nếu cứ nghĩ đến cái chết
nhiều, thì nó dễ vận vào mình lắm. Trước khi ra trận, đừng bao giờ nghĩ về cái chết và nói đến nó. Đây không phải là chuyện duy tâm
hay không duy tâm. Đơn giản là có nhiều điều thuộc về bí ẩn của tâm linh mà chúng ta chưa biết được.
Mặc dù nói như vậy, nhưng đại đội trưởng vẫn nhận thấy cuộc sống của những người lính chiến đấu thật khắc nghiệt. Trong chiến
tranh, các anh có thể gặp may nhiều lần, nhưng không thể gặp may mãi. Biết thế, nhưng ít có ai đi ngược lại dòng chảy của dân tộc
mình. Đã có lần, đại đội trưởng hỏi một người lính trong đại đội của anh rằng: có sợ chết không, khi được giao nhiệm vụ ôm bộc phá
đánh vào chốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị tiến lên, trong khi, trước đó đã có bốn người hy sinh trước hàng rào?
Anh lính mỉm cười, e lệ:
-- Chết, ai mà không sợ, thủ trưởng. - Anh lính nói - Nhưng điều em sợ hơn cả cái chết, chính là sợ bị sỉ nhục!
Anh lính đã nói rất đúng! Đại đội trưởng nghĩ. Chỉ cần một lần hèn nhát thôi, thì dù người lính có chức vụ cao như thế nào, dưới con
mắt của mọi người, anh ta cũng bị coi là đã chết.
Đại đội trưởng cũng đã từng chứng kiến một cán bộ cấp tiểu đoàn tìm cách thoát khỏi cuộc chiến bằng việc tự thương. Anh ta thừa
khôn để không tự bắn vào mình, mà nhờ một người bạn giúp sức. Khốn thay, sự việc bị lộ và anh ta không dám ngửng mặt nhìn ai nữa.
Cũng không một người nào trong đơn vị coi anh ta còn sống trên cõi đời này. Người ta tránh mặt anh như tránh hủi. Và, điều gì đến đã
đến. Vào một buổi trưa, khi mọi người còn đang ngủ thì vị cán bộ kia đã tự nổ súng vào mình. Lần này không phải là tự thương mà là
tự sát. Có thể anh ta tự ghê tởm mình. Nhưng cũng có thể là anh ta thất vọng ở sự cảm thông nơi đồng đội.
-- Uống trà đã, đại đội trưởng. - Từ trong nhà bếp, trông thấy hai người từ kênh đi lên, Ba Trần đang pha trà, cất tiếng gọi - Sao, từ chối
hả?
-- Chờ tụi tôi thay đồ cái đã! - Đại đội trưởng nói - Uống trà thì phải thật thảnh thơi.
-- Thì nhanh lên, không, tôi uống hết nước cốt đấy!
Một lát sau, đại đội trưởng có mặt. Anh ngồi xuống một khúc cây, rồi đón lấy chén nước trà nóng hổi, thơm phức từ tay Ba Trần, đưa
lên miệng uống.
-- Chà, quá đã! - Anh nói - Đằng ấy kiếm ở đâu ra của hiếm này thế?
-- Dân vận! - Ba Trần nói tưng tửng - Sớm nay, trong lúc chạy bộ, may sao đụng nhà bếp của Quận ủy. Thấy họ mới đột ấp về, mua
được bao nhiêu là đồ, tôi hỏi chia một gói trà. Thế là họ tặng luôn.
-- Có lẽ mai mốt, chúng ta cũng phải sang thăm họ, tiện thể bàn về chuyện hai đứa nhỏ, Ba Trần ạ. Để tụi nó hoạt động với ta mãi cũng
không tiện, mà để tụi nó đơn độc về xã, trong hoàn cảnh hiện nay, thật không yên tâm một chút nào.
Ba Trần im lặng. Cặp lông mày chau lại, vẻ nghĩ ngợi:
-- Đúng thế! Nhìn thấy hoàn cảnh của hai đứa, tôi thấy lòng dạ thế nào ấy! - Những nếp nhăn trên vầng trán Ba Trần xích gần lại -
Theo tôi, đằng ấy cần phải thu xếp tụi nhỏ về phục vụ ở một nơi nào đó. Đối với chúng, đau khổ như thế là quá đủ rồi... Đại đội trưởng
nhìn bạn với vẻ biết ơn. Thực lòng, đã không ít lần anh nghĩ tới điều này. Nhưng thời buổi này, kiếm đâu ra chỗ nào không có chết
chóc, đạn bom? Giá như anh có thể nhận được các cô về đơn vị mình, giành cho các cô một công việc nào đó, như tiếp phẩm, nấu ăn
chẳng hạn, thì tốt biết bao nhiêu? Nhưng đối với đơn vị trinh sát của anh, điều đó không thể thực hiện được - Anh cũng không có đủ
quyền hạn để làm điều đó.
-- Bây giờ thế này, đại đội trưởng ạ, - Ba Trần tiếp tục - Ngay ngày mai, tiện thể đi báo cáo với cấp trên, đằng ấy nên trực tiếp đặt vấn
đề với thằng Phan Vĩnh xem. Biết đâu nó lại chẳng có phù phép nào đó giúp đỡ được.
-- Thằng Phan Vĩnh thì có hơn gì minh. - Đại đội trưởng lắc đầu, ngao ngán - Hơn nữa, tôi đã yêu Bảy Tâm rồi... Nói điều này ra, sẽ có
người nghĩ rằng thằng Sỹ Quý chỉ lo thu vén cho người yêu.
-- Mẹ khỉ. Đó là sự khiêm tốn không chân chính và cũng không cộng sản một chút nào. - Ba Trần bực bội.
-- Hiểu rồi, Ba Trần. Để tôi tính thử xem, có thể làm được cái gì.
-- Còn tính khỉ gì nữa. - Ba Trần nóng nảy - Ngày mai, ông tới chỗ thằng Vĩnh. Còn tôi sẽ sang chỗ Quận ủy đặt vấn đề thẳng với họ.
biết đâu, chúng ta lại chẳng gặp may. Để hai đứa nhỏ về xã lúc này, không được đâu...
-- ừ. Đằng ấy nói phải!
4
Đại đội trưởng có mặt tại căn cứ của Phan Vĩnh vào buổi trưa ngày hôm sau. Khu rừng hoàn toàn khác lạ so với lần trước anh tới. Tất
cả cây cối đều bị chất độc hóa học tuốt sạch lá chỉ còn lại loài ô rô ương ngạnh là không hề hấn gì. Qua cung cánh tất bật của mọi
người, đại đội trưởng có cảm giác là bộ phận quân báo đang chuẩn bị di chuyển.
Vừa mới nhìn đại đội trưởng, Phan Vĩnh đã toét miệng cười, nhảy bổ tới, xoa đầu bạn, rối rít:
-- Mẹ khỉ! Sao bữa nay mới tới hả, quỷ sứ? - Phan Vĩnh buông tay ra, nhìn chằm chằm vào mắt bạn, nói - Tao trông mày cứ như trông
mẹ về chợ. Tối qua, trung đoàn trưởng của mày điện xuống hỏi tao có phải tụi mày đánh tàu ở trên sông Cái Lớn, gần kênh Bà Đầm
không? Nhưng vì không biết chính xác, nên tao không thể trả lời được. Nhưng đúng là tụi mày đánh chớ gì?
-- Này, khoan hãy nói tới chuyện ấy! - Đại đội trưởng nắm lấy tay bạn, nói dõng dạc - Mày phải cho tao uống một ngụm nước đã chớ.
-- ừ nhỉ! - Phan Vĩnh vui vẻ kéo bạn đến bên chiếc bàn làm bằng cây dừa nước, sát miệng hầm trú ẩn, hỏi - Mày uống trà hay lacôvô
đây?
Phan Vĩnh kêu một chiến sĩ lại, dặn dò điều gì đó, rồi quay về phía bạn:
-- Trưa nay, mày phải ở lại nhậu với tụi tao đấy. Mới kiếm được con cua đinh to lắm. Mà mày uống rượu pha với tiết cua đinh chưa
nhỉ? Chưa à? Thế thì uống cho biết. Nghe nói tiết cua đinh bổ cái khoản kia lắm!
Đại đội trưởng và Phan Vĩnh cười phá lên. Một lát sau, anh lính đem nước tới. Đại đội trưởng đỡ lấy ca lacôvô thơm phức, nghi ngút
khói, uống một hớp rồi "khà" một cách sung sướng. Sau khi uống hết non nửa ca, anh mới kể cho Phan Vĩnh nghe toàn bộ diễn biến
trận đánh xảy ra trên sông Cái Lớn hôm rồi.
- Tao biết ngay mà. - Phan Vĩnh vỗ đùi cái đét khoái chí, thốt lên - Dùng nghi binh, dụ địch vào bãi thủy lôi, khóa đuôi mà diệt, đó là
lối đánh của mày, lối đánh đầy trí tuệ. Chỉ tiếc rằng tụi mày đã không tóm được cái thằng chỉ huy tàu nhanh, trung úy Elmo Zumwalt.
Đại đội trưởng trố mắt kinh ngạc:
- Mày vừa nói sao? Cái gì liên quan tới Elmo Zumwalt?
Cụm trưởng quân báo Phan Vĩnh giảng giải:
- Tao nói rằng tụi mày đã đánh trúng vào đoàn tàu tuần tra của con trai đô đốc hải quân Mỹ Zumwalt, trung úy Elmo thứ ba. Đoàn tàu
này thường từ "Căn cứ nổi" trên sông Cửa Lớn, theo bờ biển, đi lên Hà Tiên, rồi quay về sông Cái Lớn. Bữa đó, chúng đã gặp tụi mày.
-- Làm sao mày biết kỹ thế? - Đại đội trưởng hỏi với vẻ ngờ vực.
-- Mày không nên hỏi cụm trưởng quân báo điều đó, mà chỉ nên biết là mày đã chơi đúng vào tàu chỉ huy mang số 35 của Zumwalt.
Có điều, con tàu ấy chỉ bị thương, gãy bánh lái và hư chân vịt thôi.
-- Mẹ kiếp. Tao nhớ chiếc tàu đó. Đại đội trưởng nói với vẻ tiếc rẻ - Nó bị một quả thủy lôi đánh văng ra xa, rồi nghiêng tới bốn mươi
lăm độ. Một cột nước cao hàng chục mét đổ ụp lên nó. Tao đã tưởng nó chìm. Nào ngờ, khi nước truội khỏi boong tàu, tao thấy nó lại
nổi lên, rồ máy, cố sống cố chết lao vào bờ bên kia.. Đại đội trưởng gãi nhẹ lên mu bàn tay - Tao nhớ, con tàu ấy số rất lem nhem...
-- Đúng thế! - Phan Vĩnh nói - Nó nghi rằng quân báo ta nghe được những trao đổi của nó qua điện đàm, nên đã cho xóa số tàu đi, để
ta không biết đâu mà theo dõi. Nó ranh lắm!
Đến lúc này, đại đội trưởng càng cảm thấy tiếc rẻ. Nhưng thôi, mọi chuyện đã khép lại rồi. Đại đội trưởng thở dài. Con cá sểnh câu lần
này, đúng là con cá to thật.
-- Theo tin chúng tao nắm được, thì trong trận đánh vừa rồi, tụi mày đã đánh chìm ba tàu, bắn cháy và bắn bị thương ba chiếc khác.
Địch chết mười một, bị thương bảy... Mẹ kiếp, đây là một thành tích rất lớn, trung úy Lê Sỹ Quý ạ. Mày đã làm tao kinh ngạc. Nói
xong, một lần nữa, Phan Vĩnh đập mạnh vào vai bạn.
-- Này, tụi mày bị chất độc hóa học bữa nào đấy? - Đại đội trưởng nhìn khu rừng trụi lá, hỏi.
-- Bữa sáng chúng mày đánh, thì đêm ấy, chúng chơi hóa học vào tụi tao. Phan Vĩnh trả lời - Cùng lúc, chúng còn rải dọc sông Ông
Đốc, sông Đầm Dơi nữa. Mày biết không, đang đêm, cậu lính gác của tao nghe thấy tiếng máy bay C123 bay qua, nó nghi ngờ, liền
báo động. Vài phút sau, tao ngửi thấy có mùi tỏi và biết là chúng đánh chất độc rồi. Tụi tao chỉ kịp che giếng, che đồ ăn thức uống, rồi
dùng khăn mặt ướt che lấp mặt. Sáng ra, đứa nào đứa nấy ướt như chuột lột. Quần áo phải bỏ đi hết. Đến chiều thì cây bắt đầu rũ lá.
Qua đêm, tỉnh dậy, cả cánh rừng không còn một chiếc lá nào... Đây cũng là sản phẩm của đô đốc Elmo Zumwalt đấy.
-- Tụi mày chuẩn bị chuyển cứ à? - Sau cùng, đại đội trưởng hỏi.
-- Phải chuyển thôi! - Phan Vĩnh chạy vào trong hầm, lấy ra tấm bản đồ trải lên bàn. Chúng tao sẽ về khu vực này, phía bắc kênh Chệt
ớt. Có gì cần thì liên lạc với tao.
-- Dĩ nhiên rồi! - Ngừng một lát, đại đội trưởng hỏi - Tao muốn điện về trung đoàn báo cáo, được không?
-- Được. Mày viết điện đi. Tao lên máy. Viết ngắn thôi.
Đại đội trưởng ngồi thảo điện. Xong, anh trao lại cho Phan Vĩnh. Cụm trưởng quân báo cầm bức điện, chạy đi. Một lát sau, anh quay
trở về tay không.
-- Sao, máy bận à?
-- Chờ khoảng nửa giờ đồng hồ nữa mới bắt đầu phát được.
Đại đội trưởng uống hết ca lacôvô, rồi xắp giọng bằng một ngụm nước trà. Anh nói:
-- Tớ còn một việc không kém phần quan trọng, định nhờ vả đây?
-- Việc gì? Nói đi!
Đại đội trưởng bắt đầu kể cho cụm trưởng quân báo nghe về tình yêu của mình. Anh kể từ đầu đến cuối, không sót một chi tiết nào.
Gần đây nhất là chuyện cô đã liều lĩnh làm "con mồi" nhử tàu địch vào bẫy, trong trận đánh trên sông Cái Lớn.
Phan vĩnh ngồi nghe với thái độ hứng khởi, thích thú.
-- Chúc mừng cậu! - Phan Vĩnh vui vẻ nắm lấy tay bạn - Tớ thực sự chúc mừng cậu!
-- Đừng làm tớ cụt hứng. Chưa hết đâu! Đại đội trưởng nói tiếp - Tớ muốn hỏi đằng ấy là có thể thu xếp cho hai cô bé trở về phục vụ tại
đơn vị được không? Để tụi nhỏ trở về xã trong tình hình thế này, tớ thật không đành lòng.
Phan Vĩnh cười, đánh mạnh vào vai đại đội trưởng:
-- Tưởng chuyện gì quan trọng chớ chuyện ấy dễ thôi, trong úy Lê Sỹ Quý ạ. Mày muốn hai đứa cùng về làm việc ở chỗ tao, phải
không?
-- Đúng thế!
-- Tao nhận! Phan Vĩnh hứa - Tụi tao cũng đang thiếu người. Nhưng phải nói trước cho mày biết là về đây, chúng nó sẽ phải đi học
một khóa đào tạo ngắn hạn, mới làm việc được. Mặt khác, mày phải cho tao lý lịch trích ngang của tụi nó, để tao báo cáo cấp trên, rồi
làm quyết định.
Đại đội trưởng sung sướng, ôm chầm lấy bạn, cười lớn:
-- Tao thực sự biết ơn mày, Phan Vĩnh ạ! Mày đúng là vị cứu tinh của tao.
Trong lúc hai người trò chuyện với nhau, thì một chiến sĩ xuất hiện. Anh ta trao bức điện cho Phan Vĩnh, rồi đứng chờ bên cạnh. Phan
Vĩnh liếc sơ qua, trao lại cho đại đội trưởng:
-- Của mày đấy! Đọc đi!
Đại đội trưởng đón lấy bức điện, đọc đi, đọc lại nhiều lần. Sau khi ghi những ý cần thiết, anh trả lại cho Phan Vĩnh. Đây là bức điện
khẩn của trung đoàn trưởng biểu dương thành tích của đơn vị, đồng thời chỉ thị cho anh nhanh chóng quay trở về kênh thứ Mười Một,
hoạt động trong đội hình của trung đoàn.
-- Mấy ổng kêu tụi tao quay trở về kênh thứ Mười Một, mày ạ! - Đại đội trưởng nói.
-- Đó là vùng trọng điểm bình định của địch. - Phan Vĩnh nói - ở đó, rất ác liệt. Tại đấy, chúng tập trung sư đoàn 21 với mười hai tiểu
đoàn, bốn tiểu đoàn của trung đoàn 14 sư đoàn 9. Ngoài ra, chúng còn năm tiểu đoàn pháo, bảy giang đoàn và mười hai tiểu đoàn địa
phương quân. Chưa kể tới 46 đại đội độc lập khác. Về đấy, mày phải thật cẩn thận,... Thôi, mày viết lý lịch trích ngang của tụi nhỏ đi,
rồi ăn cơm.
5
Đại đội trưởng trở về đến đơn vị vào lúc xẩm tối trong một tâm trạng vừa vui, vừa buồn. Anh vui vì đã thu xếp được chỗ làm việc mới
cho người yêu và Năm Thi. Nhưng anh buồn là sắp phải sống xa cô, không biết bao giờ mới được gặp lại.
Trung đội trưởng Ba Trần hí hửng đón anh ở nhà bếp, toét miệng cười, hỏi:
-- Có được việc gì không, ông tướng?
-- Được! - Anh trả lời cắm cẳn, không vui - Thằng Phan Vĩnh đã đồng ý nhận hai đứa nhỏ về chỗ nó làm việc. Còn chúng ta thì được
điều về nghiên cứu cứ điểm hỗn hợp thứ Mười Một.
-- Tôi cũng đã sang làm việc với Quận ủy. Họ cũng đã đồng ý nhận hai đứa nhỏ về quận, rồi sẽ bố trí công tác sau. Thế đấy! Bây giờ
chúng ta cần phải bàn với tụi nhỏ xem là nên về chỗ nào tốt hơn.
-- Cảm ơn! - Đại đội trưởng nói, rồi ôm lấy Ba Trần. Đây là một cử chỉ hiếm có. Nói đúng ra là chưa bao giờ xảy ra giữa hai người với
nhau. Dường như nó là điềm báo trước cho sự chẳng lành.
-- Bữa nay, ông làm sao thế?- Ba Trần hỏi với vẻ ngơ ngác.
Đại đội trưởng không trả lời, lẫm lũi đi về nơi ở của mình. Anh hất bụi trong võng, rồi nằm ịch xuống, mắt khép hờ. Cho đến lúc này
anh mới thực sự cảm thấy day dứt, ưu buồn. Một người lính đã yêu và được yêu, nhưng trong chiến tranh, nên không được hưởng trọn
vẹn tình yêu ấy, theo ý nghĩa thông thường của đời sống. Nó giống như trò đùa của số phận, làm cho anh dở khóc, dở cười.
Tối hôm ấy, sau khi đại đội trưởng họp đại đội, phổ biến chỉ thị của trung đoàn, mọi người trở nên buồn rười rượi. Đó là nỗi buồn sâu
lắng, thống thiết mà không rõ nguồn lạch từ đâu. Rất có thể là việc phải xa rời hai cô gái thân quen đã làm cho họ khổ tâm. Ai cũng có
cảm giác như sắp phải chia lìa một cái gì đó thiêng liêng vừa mới được hình thành trong sâu thẳm lòng họ.
Bảy Tâm và Năm Thi đi thăm người quen bên Quận ủy, đang trên đường trở về. Hai cô vừa đi vừa nói chuyện oang oang, làm cho đại
đội trưởng chạnh lòng. Anh nghển cổ nhìn theo ánh đèn pin loang loáng, rồi lại nằm xuống võng.
-- Anh Quý về chưa, anh Ba? - Tiếng Bảy Tâm rổn rảng cất lên từ xa.
-- Rồi! - Ba Trần trả lời - Trông như thằng mất hồn. Tụi bay về xem nó thế nào. Cái thằng tính nết như thời tiết...
-- Chị vào với ảnh xem sao. Em ở lại đây tào lao với mấy ảnh... Năm Thi đẩy vào vai Bảy Tâm, nói.
Xã đội phó im lặng quay đi. Cô rón rén bước đến gần người yêu, rồi bất chợt ôm chầm lấy anh. Đại đội trưởng nằm im, vô cảm. Bảy
Tâm thoáng lo lắng. Cô đặt tay lên trán anh, khẽ hỏi:
-- Anh làm sao thế, anh Quý?
Đại đội trưởng cựa mình, nhưng không trả lời.
-- Có chuyện gì vậy, anh? - Bảy Tâm sốt ruột, hỏi - Nói cho em nghe đi nào? Anh buồn em lắm, phải không?
Đại đội trưởng lắc đầu.
Vậy thì có chuyện gì? Chuyện anh sắp phải xa em, đúng không?
Đại đội trưởng bặm môi, ôm lấy mặt người yêu, một lúc lâu sau mới gật đầu, nói khẽ:
-- Mấy anh vừa mới nhận được chỉ thị là phải trở về phía tây rừng, điều nghiên căn cứ thứ Mười Một, em ạ...
Trong ánh sáng lờ mờ của đêm tối, đại đội trưởng nhìn thấy vẻ mặt sửng sốt của Bảy Tâm. Nhưng ngay sau đó, cô trấn tĩnh được.
-- Ngay từ bữa qua, em đã có linh cảm là sau trận đánh này, anh sẽ ra đi... Nhưng em không ngờ nó lại xảy ra nhanh như thế! - Bảy
Tâm chua xót nói.
Đại đội trưởng ngồi xích lên một bên võng, chừa chỗ cho người yêu. Anh xoa vai cô, an ủi. Vẻ mặt Bảy Tâm trở nên hoang vắng.
-- Từ sớm nay, không biết tại sao em lại sợ gặp mặt anh. - Cô nói - Em rủ Năm Thi sang bên Quận ủy thăm mấy chú, cốt là để lánh mặt
anh và để khỏi phải nghe những lời nói vừa rồi. Nhưng, em cũng không tránh được... Bảy Tâm nấc lên - Anh yêu của em. Phải xa anh,
em rất sợ... Em không sợ chết đâu, thật lòng vậy.
Nhưng em sợ cô đơn... Em sợ rồi sẽ đến lúc anh phải đi, nhất định sẽ phải đi, chỉ còn lại em, hai người chúng em, trở về xã, gây dựng
lại phong trào, em thấy cô quạnh - Ngừng một lát như là để lấy hơi, Bảy Tâm nói tiếp - Nhưng thôi, bây giờ em đã biết tất cả sự thật rồi,
có lẩn tránh cũng không được nữa. Âu cũng là số phận, anh ạ. Có đúng là số phận không anh?
Những lời nói buồn bã, thống thiết của người yêu làm cho đại đội trưởng thấy nghẹt thở. Tâm hồn anh trở nên nặng trĩu, ưu tư.
-- Trước lúc xa em, tụi anh đã bàn bạc sắp xếp, bố trí em và Năm Thi về công tác ở một nơi nào đó thuận tiện. May mắn là mọi việc đều
đã xong xuôi! - Anh kể - Bộ phận quân báo kỹ thuật Khu đã đồng ý nhận hai em về phục vụ tại đơn vị của họ. Quận ủy cũng đã đồng
ý bố trí công việc cho hai em. Bây giờ ta nên tính toán xem nên về đâu cho tiện.
-- Sao mấy anh làm việc đó mà không hỏi tụi em trước? - Bảy Tâm trách cứ - Mấy anh phải hỏi tụi em đã chớ?
-- Anh tự cho mình cái quyền là không cần phải hỏi ý kiến mấy em! - Đại đội trưởng khẳng định một cách chắc nịch - Còn vì sao anh
có được quyền ấy, thì em biết rồi... Thực lòng, anh không thể chịu nổi việc để hai em phải quay trở về xã một cách đơn độc.
Bảy Tâm im lặng một cách lạnh giá. Trong đêm tối, đại đội trưởng khó có thể phân biệt được một cách tường tận tâm trạng của cô.
Nhưng anh tin rằng: là một người thông minh, cô sẽ nghe theo lời anh.
Sau khi trút ra một tiếng thở sâu như nấc cục, Bảy Tâm nắm lấy tay anh. Cô nhìn thật lâu vào mắt anh, giọng trở nên dằn vặt:
-- Em biết rằng anh, anh Ba và mấy anh rất quan tâm đến em, lo lắng cho cuộc sống của tụi em, nhưng em không thể vâng lời anh
được. - Bảy Tâm lắc đầu, kiên quyết - Em không muốn thế! Mấy anh có thể cứu được tụi em, nhưng mấy anh không thể cứu được hết
thảy mọi người đang bám địa bàn, đánh nhau với địch. Hàng ngày, họ vẫn mòn mỏi chiến đấu và lần lượt ngã xuống... Thực lòng, phải
xa anh, xa mấy anh, em rất đau khổ, cô đơn. Nỗi khổ ấy không biết sẽ kéo đến bao giờ. Nhưng em không muốn rời xa mảnh đất này.
Em phải ở lại với kẻ thù của em. Anh đừng trách em, anh ạ. Bản tính con người em xưa này đã như vậy rồi...
Đại đội trưởng hoàn toàn bất ngờ trước sự sắt đá của người yêu. Dường như cô không thuộc vào loại người dễ bị khuất phục.
-- Em là một cô bé ương ngạnh! - Đại đội trưởng bực bội dằn từng tiếng - Em cần phải biết rằng chiến tranh sẽ còn kéo dài. Nếu có
chuyện gì đó không hay xảy ra với em, anh làm sao mà sống yên thân được.
-- Đừng nổi nóng với em, anh yêu! - Bảy Tâm vẫn giữ vẻ kiên quyết - Em biết anh nghĩ gì. Anh muốn hai chúng ta, ít nhất phải có một
người sống sót và người đó là em... Nhưng anh đâu có thèm hiểu cho em rằng: nếu như anh có bề gì, chẳng lẽ em vẫn sống được yên
ổn sao?... Thôi, anh yêu, chúng ta chấm dứt chuyện này ở đây nha? Em không muốn trước ngày lên đường, chúng ta lại cãi lộn với
nhau. Nào, cười lên anh yêu. Cười lên! Nói rồi, cô nhẹ nhàng đẩy anh nằm xuống võng và ngã theo anh. Cô hôn lên môi anh, má anh,
nói thều thào - Anh yêu của em. Anh không bao giờ có thể biết được rằng em yêu anh như thế nào đâu. Đừng lo nghĩ gì về em cả. Em
không sao đâu. Nói theo anh thì, khi đấng thiêng liêng cho phép em ra đời và ngài cũng lấy đi của em những người thân yêu nhất,
không lẽ nào, ngài lại lấy nốt cuộc sống của em? Anh cứ tin lời em nói... Giọng cô trở nên sâu lắng, khích lệ - Nào, hãy vui lên, anh
yêu. Em còn sống ở bên anh ngày nào, thì anh phải để cho em làm được điều em muốn... Đại đội trưởng yêu thương của em, em muốn
có con với anh...
Đối với đại đội trưởng, đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của đời anh. Khoảng thời gian ấy không có chiến tranh, không có chết
chóc, chỉ có tình thương yêu nồng nàn. Đại đội trưởng đã sử dụng khoảng thời gian ấy một cách có ý nghĩa nhất, cho tới khi cả hai
người đều mãn nguyện, sung sướng và ngủ vùi trong lòng nhau.
Sáng sớm, vừa thức dậy, đại đội trưởng đã thấy người yêu ngồi bó gối, nhìn về phía dòng kênh, vẻ mặt xúc động, bồn chồn. Anh nhẹ
nhàng tiến lại bên cô, lo lắng hỏi:
-- Có chuyện gì làm em bứt rứt vậy, em yêu?
Bảy Tâm ngửa mặt nhìn anh, mắt chớp chớp.
-- Em vừa mơ thấy một chuyên thật kỳ dị, anh ạ! - Cô nói - Ngồi xuống đi, rồi em kể cho anh nghe.
Đại đội trưởng háo hức, ngồi xuống bên cô. Bảy Tâm thổn thức:
-- Đêm qua, em mơ thấy chúng mình cưới nhau, anh à. Điều kỳ lạ là đám cưới được tổ chức bên dòng kênh này, lại có mặt ba, mẹ em
nữa. Anh cũng thừa biết là em chẳng hề biết mặt ba, vậy mà khi đó, cả anh và em đều nhận ra ổng... Người đến dự đám cưới đông lắm.
Có cả mấy chú, mấy anh ở xã ủy đến nữa. Lúc chúng mình còn đang nói chuyện với mấy anh trong đơn vị thì ba tới. ổng chỉ vào anh,
hỏi: "Chồng con đây phải không?" Em hãnh diện gật đầu. Ông tươi cười nắm tay anh, rồi bảo: "Con lại đằng này với ba để chào ông
bà nội". Nói xong, ổng dắt anh đi. Đúng lúc đó, em tỉnh dậy, bàng hoàng cả người... Mơ như thế có xui không anh? - Cô lo lắng hỏi.
-- Ôi, em yêu! Không sao đâu! - Anh ôm lấy vai cô, an ủi - Mơ thấy hạnh phúc là điềm lành, em à. Rất lành nữa là đằng khác.
-- Phải vậy không, anh? - Cô hỏi với vẻ ngờ vực.
-- Tất nhiên rồi!
Ngừng một lúc để suy nghĩ, Bảy Tâm nói tiếp:
-- Anh à, không biết tại sao, từ lúc thức dậy đến giờ, em luôn cảm thấy bồn chồn thế nào ấy. Những lúc thế này, em chỉ mong cho đất
nước sớm hòa bình. Cứ hòa bình đã, rồi sau đó, cạp đất mà sống cũng được. Em muốn hòa bình ngay bây giờ để được biết rằng chúng
mình còn sống bên nhau...
-- Chúng ta chẳng đã đang sống bên nhau đó sao?
-- Sống như thế này chưa phải là sống. Sống mà tâm trạng lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái chết thì sao lại có thể gọi là sống được? - Nói
đến đây, Bảy Tâm bỗng òa khóc.
Trong hai ngày nay, đại đội trưởng thường thấy ở người yêu tâm trạng không mấy thanh thản, mặc dù cô vẫn rất đằm thắm, dịu dàng.
Nhưng đằng sau vẻ đằm thắm, dịu dàng ấy là một tâm trạng khắc khoải, buồn đau. Bảy Tâm cứng rắn đấy, nhưng lại mềm yếu đấy; vui
vẻ đấy, rồi buồn bã đấy! Dường như ở trong cô luôn có sự mâu thuẫn tồn tại song hành, nó giống như một thứ bệnh lý, khó hiểu.
-- Đừng khóc nữa, em yêu! Sẽ chẳng có chuyện gì xui xẻo xảy ra cho chúng ta đâu, em à! - Đại đội trưởng an ủi.
-- Ngày mai, chúng mình phải xa nhau rồi, đúng không, anh? - Bảy Tâm lau nước mắt nói - thời gian trôi nhanh quá, anh ạ! Trước lúc
xa em, anh đưa cho em hai tấm hình và cuốn nhật ký, anh nha? Em muốn có nó... Em cũng muốn anh để cho em bộ quần áo mà anh
đã mặc. Để làm gì, anh biết không? Để lúc nào nhớ anh, em sẽ hơ nó trên ngọn lửa, để anh phải bồn chồn nhớ đến em...
-- Anh sẽ để lại cho em tất cả những gì mà em muốn! - Đại đội trưởng hứa.
Bảy Tâm còn định nói với anh một chuyện bí mật nữa, chuyện khả năng có con của cô, nhưng cô đã không nói. Cô sợ anh sẽ nặng
lòng.
Ngày đơn vị trinh sát lên đường rồi cũng đã đến. Đó là một buổi chiều vàng vọt, ảm đạm. Mặt đất trở nên quằn quại trong gió chướng
hun hút thổi về. Cánh rừng đang sôi động bỗng chốc hoang vắng, lạnh lẽo. Mọi người lục tục mang ba lô, vũ khí, kéo ra đường mòn.
Đại đội trưởng khoác ba lô lên vai, bước đến bên người yêu. Bảy Tâm ngoảnh mặt đi, òa khóc.
-- Dù thế nào, em cũng đừng bỏ anh, nghe em! - Đại đội trưởng khẽ nói.
Bảy Tâm mím môi, khẽ gật đầu.
-- Thôi, anh đi đi... Cô nói - Ráng giữ gìn sức khỏe. Đừng lo cho em! Nói rồi, cô túm chặt lấy tay anh, không muốn rời ra nữa.
Mọi người cũng lần lượt đến chia tay với Bảy Tâm và Năm Thi. Họ quyến luyến nắm tay nhau, căn dặn đủ điều, như thể chẳng bao giờ
gặp lại. Trong không khí buồn bã, tưởng như đông cứng ấy, tiếng Phan Lâm cất lên:
Nào anh lính
Hãy đứng lên
Nào cô bé
Hãy đứng lên
Ta chia tay
Về hai ngả
Đừng ai ngã
Trên cõi đời
Đừng ai ngã
Trước bom rơi.
Nào anh lính
Hãy đứng lên
Đừng khổ nữa
Nào tình yêu
Hãy đứng lên
Đừng đau nữa...
Rồi gian khổ
Cũng sẽ qua
Rồi con cháu
Sẽ đầy nhà.
Nào anh lính
Hãy đứng lên
Nào tình yêu
Hãy đứng lên...
Thế là từ buổi chiều hôm ấy, họ chia tay nhau, mỗi người một ngả. Đại đội trưởng dẫn quân đi về phía tây rừng. Còn Bảy Tâm cùng với
Năm Thi quay về cơ quan huyện ủy, để rồi bữa sau, về lại xã Hòa Bình. Họ lặng lẽ ra đi. Không ai biết điều gì đang chờ đợi họ.