Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Đồng dao thời chiến tranh

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 29648 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đồng dao thời chiến tranh
Văn Lê

Chương Một
1.
Sau đợt pháo cuối cùng đánh trùm lên cánh rừng tràm thưa thớt dọc đôi bờ kênh Tám Ngàn, đại đội trưởng
Lê Sỹ Quý mơ thấy mình trở về làng Hiền Lương - một ngôi làng nhỏ nhoi, mỏng manh với những mái rạ bạc phếch, nằm bên này
dòng sông Đáy, tục gọi là sông Hát - nơi túm nhau của anh được chôn ở đó.
Đại đội trưởng đi theo lối mòn vắt qua vệ đê hướng đến con đường đất chạy ngoằn ngoèo giữa những hàng xoan nở hoa trắng ngắt, tỏa
mùi hương hắc mù, dẫn tới nhà anh.
Mẹ anh - bà Bùi Thị Son - đang vớt bèo dưới ao, bất chợt ngửng lên, nhìn anh chằm chằm. Tim đại đội trưởng đập nhanh.
- Kìa mẹ! - Đại đội trưởng cất tiếng - Mẹ không nhận ra con sao? Con đây! Thằng cún Quý của mẹ đây mà!
- Anh đừng nên lừa mụ già lẩm cẩm này mà phải tội! - Bà nói một cách dửng dưng - Mụ không mắc lừa anh đâu. Anh không phải là
thằng Quý. Thằng Quý con tôi đã chết rồi. Nó chết ở mặt trận phía Nam. Trong giấy báo tử, người ta đã viết như vậy.
- Họ nhầm đấy mẹ ạ! - Đại đội trưởng phân bua - con chính là thằng Quý đây mà. Con vừa mới được đơn vị cho về phép thăm mẹ. Mẹ
lên đây, nhìn kỹ xem, con có phải là thằng Quý của mẹ không?
- Tôi không tin. - Bà mẹ khăng khăng - anh chẳng phải là con tôi. Con tôi là một thanh niên lễ phép. Nó không bao giờ dám ra lệnh
cho mẹ nó cả.
Sự chối bỏ của người mẹ đã làm đại đội trưởng tỉnh giấc. Anh dụi mắt, nằm im, ráng nhớ lại những gì đã xảy ra trong cơn mơ, lòng bồi
hồi, tiếc rẻ.
Có thể nói, kể từ ngày vào Nam chiến đấu đến nay, đây là lần đầu tiên đại đội trưởng mơ thấy mẹ và làng quê của mình. Giấc mơ có vẻ
ảm đạm nhưng lại có sức xoa dịu kỳ lạ, làm cho anh cảm thấy vợi đi phần nào sự tàn khốc của chiến tranh.
Làng Hiền Lương, quê của đại đội trưởng ở cách làng Văn Cú nổi tiếng chừng năm cây số về phía đông. Khi sông Đáy chảy đến Kẽm
Trống, thì bị núi Hồi Hạc chặn lại, làm cho dòng nước co thắt, tạo thành một cái vực xoáy, rút nước xuống âm ti.
Vào mùa lũ, cái vực ấy đã nhấn chìm vô số thuyền bè qua lại. Nhưng khi chảy đến làng Hiền Lương thì dòng nước lại trở nên êm đềm,
trong vắt.
Vào thời nhà Mạc, Trình Quốc Công đi qua đây, thấy sông núi xum vầy, ưng ý lắm. Ngài nói với các vị bô lão trong làng rằng vùng đất
này có "Long mạch hội tụ, vượng khí tuôn tràn, ngày sau tất sinh ra lắm hiền tài".
Vài năm sau, quan phủ An Viễn cho gọi thợ đá đến, sai làm một tấm bia, dựng trước miếu thờ thổ thần sát bến sông. Tấm bia đã bị thất
lạc, nhưng lời lẽ văn vẻ của nó vẫn được các bậc cao niên trong vùng truyền tụng một cách rành rọt. Bia viết rằng: "Tổng Thanh Quyết
và vùng phụ cận nằm ở ngã ba sông Hoàng Long và Hát Giang, phía tây có Lân Sơn và Phụng Sơn ngậm ngọc; phía đông bắc lại có
Long Sơn, Quy Sơn phun châu, điềm báo ngày sau tất có lắm trạng nguyên".
Năm Minh Mạng thứ tư, mùa thu, tháng tám, Nguyễn Thánh Tổ Hoàng đế đi tuần du Bắc Hà, đến làng Hiền Lương, thấy cảnh sơn
thủy hữu tình, ngài cho xa giá dừng lại, ngắm mãi vẫn không chán. Ngài cho gọi thổ ti lại hỏi chuyện và được biết là ngài đang ngự tại
làng Thượng Chùa, tổng Thanh Quyết, phủ An Viễn, nguyên thuộc Thanh Hoa ngoại trấn.
- Có phải đất này có tứ linh, như Trình Tuyền Hầu từng phán đó không? Đức vua hỏi.
- Bẩm, phải, tâu Hoàng thượng! - Các thổ ti khúm núm nói.
- Có phải đây cũng là nơi mà Tả Ao thần đoán và Bùi Dám Trạch khâm sai từng ca ngợi trong cuốn "An Nam phong thủy" đó chăng?
- Tâu Hoàng thượng, đúng thế ạ!
Nghe chuyện, Đức Vua tỏ vẻ không vui. Ngài biết rằng đất này mai sau sẽ sinh ra "Thập bát quận công", những kẻ thâu tóm thiên hạ.
Suốt đêm ấy, Đức Vua trằn trọc, không ngủ. Sớm hôm sau, ngài giáng chiếu cho dân trong vùng đào một con sông dài chừng ba cây
số, nói là để nắn lại khúc cong của dòng sông Đáy, nhưng tình thực là ngài muốn cắt long mạch, không cho vùng Thanh Hoa ngoại
trấn phát tiết hiền tài.
Người ta đồn rằng: khi khởi công, trời nổi giông gió, sấm chớp đùng đùng, sóng dưới sông dựng ngược như gươm kề, giáo dựng.
Những con giải chồm lên, mắt sáng như đèn, miệng to như chậu, mình đầy những gai, vật vã trên sóng. Phu đào đất dàn thành hàng
ngang, kẻ cuốc, người khuân, đêm ngày nườm nượp. Khi khai lò được hơn một trượng thì đụng long mạch. Nước từ lòng đất trào tuôn,
đỏ như máu, sau đó thẫm đen, có mùi tanh.
Mấy bữa sau, con voi của nhà vua đang cưỡi ăn phải kiến, đau bụng rồi lăn ra chết. Vua cho an táng trọng thể sát bên đường thiên lý.
Quan phủ An Viễn lo lắm, ra lệnh cho dân trong vùng đan một cái rọ bằng tre hình con voi, rồi bắt dân đem tiền bỏ vào cho đầy, để tạ
lỗi với đức vua. Khốn thay, tiền bỏ vào rọ bao nhiêu cũng không đủ. Dân làng Thượng Chùa phải bán một nửa núi Long Sơn cho làng
Miễu Giáp mới đủ tiền. Sau này, làng Miễu Giáp yểm bùa, dựng lên một cây thánh giá cao hơn mười trượng tại đấy.
Trước tấm lòng của dân trong vùng, Đức Vua cảm động lắm. Ngài cho đổi tên làng Thượng Chùa thành làng Hiền Lương và làng Bột ở
bên kia sông thành làng Đoan Vĩ.
Khi khúc sông đào gần xong, thì nước ập vào, dìm chết hơn một trăm dân đinh trong vùng. Đức Vua rất lấy làm đau xót. Ngài cho lập
đàn tràng ở ven sông, tế lễ suốt bảy ngày liền. Lại sai dân hàng mã làm thuyền bè, đàn ông, đàn bà, quần áo, nón mũ bằng giấy, thả
xuống sông để an ủi người quá cố. Trong buổi lễ, bọn trẻ con trong làng cũng bắt chước người lớn lấy mo cau, bọ bèn, thả xuống sông
rồi hát. Hát rằng:
Những con thuyền
Hãy trôi đi
Về với mẹ
Nói với mẹ
Trên trời cao
Có ông Giăng
Dưới âm phủ
Có con sông
Cha chết đi
Về dưới ấy!
Những con thuyền
Hãy trôi đi
Về với bà
Nói với bà
Trên đất này
Có Đức Vua
Có con cua
Dưới âm phủ
Có cây cầu
Không tay vịn
Có người chết
Sắp hàng
Có chó ngao
Lao xao...
Lời hát đồng dao ấy được truyền tụng từ đó, suốt đời này sang đời khác, giống như một tài sản thừa kế của mọi người dân Hiền Lương.
Những gia đình sinh sống ở gần con sông đào còn kể rằng: Vào những đêm mưa bụi, gió may, họ nhìn thấy những oan hồn uổng tử
rách rưới, lang thang khắp bến sông. Nhiều người còn nghe thấy cả tiếng khóc nỉ non, ai oán lạnh toát cả sông đào. Đến lúc gà gáy thì
các hồn ma đều kéo nhau đi hết.
Đó là tất cả những gì mà Đức Vua đã đem đến cho làng Hiền Lương, làng Đoan Vĩ và các làng trong khu vực. Chuyện ma quỷ hiện
hồn chưa hẳn là đã thật nhưng nó vẫn còn là một nỗi ám ảnh sâu nặng trong lòng nhiều thế hệ ở địa phương anh.
2.
Gần như đã trở thành một quy định bất thành văn là tất cả những thành viên trong dòng họ Lê Quý ở Hiền Lương, trước khi đi xa, phải
biết về gia tộc của mình. Dĩ nhiên, đại đội trưởng cũng đã được mẹ và bác trưởng họ cung cấp cho toàn bộ thông tin ấy.
Mẹ anh kể rằng: ông tổ của dòng họ Lê Quý đến định cư ở làng Hiền Lương vào thời điểm sau biến cố chết người tại sông đào năm
ấy. Ông tên là Lê Quý Công-húy là Sỹ, nên sau này mọi người thường lấy họ là Lê Sỹ. Ông tổ là một người có học, nhưng tính tình
ương ngạnh, cực đoan. Nhân một vụ cãi vã với quan phủ, ông từ bỏ cương vị thư ký để làm một anh thợ thổ, sống lang bạt kỳ hồ. Gia
tài của ông khi đến làng Hiền Lương chỉ có một cái mai đào đất và một chiếc tay nải đựng vài bộ quần áo xềnh xoàng. Sau này, ông
sắm được thêm một chiếc thuyền nan chở đất.
Vào mùa lũ, nước mưa từ trên núi đổ xuống, làng Hiền Lương bị chìm trong biển nước. Người ta lại phải rời nhà lên sống tạm bợ ở núi
Quy Sơn. Những gia đình không muốn di chuyển phải tìm đến ông tổ họ Lê, thuê vượt đất, tôn cao nền nhà. Những thửa ruộng trong
làng đã trở thành ao hồ vào những năm sau đó.
Do khỏe mạnh, lại có kiến thức, nên cuộc sống của ông tổ Lê Quý Công cũng không đến nỗi nào. Nhưng người ta không kể ông là
người làng vì ông là dân ngụ cư, mất gốc rễ. Đã vào tuổi ba mươi, nhưng chẳng ai chịu gả con gái trinh trắng cho ông. Buộc lòng, ông
phải lấy một người đàn bà góa chồng tên là Từ Xinh ở làng Cung Quế. Bà Từ Xinh đẻ cho dòng họ Lê ngụ cư hai người con trai và một
người con gái. Dòng họ Lê ở làng Hiền Lương được sinh sôi từ đấy.
Mấy năm sau, ông tổ Lê Quý Công theo ông Lê Duy Lương làm phản, chống lại Vua Thánh Tổ. Việc không thành, ông bị bắt, bị
đóng cũi cùng với nhiều người khác, giải về kinh rồi bị chém, đầu bỏ một nơi, thân phanh một nẻo. Nhà Vua còn ra lệnh bắt cả những
người thuộc dòng dõi nhà Lê, đem đày vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, cứ mười lăm người cho ở một huyện, rồi phát tiền,
phát ruộng cho làm ăn.
Bà Từ Xinh phải nuôi con nhỏ, nên không bị bắt đi. Thế là dòng họ Lê ở Hiền Lương may mắn vẫn còn có người nối dõi. Theo tập
quán thời ấy, con trai tới mười sáu tuổi, con gái mười ba là có thể cưới vợ, gả chồng. Các con của bà Từ Xinh cũng tuân theo tục lệ ấy.
Cả hai người con trai của bà đều sinh được con trai, nhưng họ đều chết khi chưa đầy bốn mươi tuổi.
Phải nói rằng con cái dòng họ Lê ở Hiền Lương đều nhanh trí, chăm chỉ, nhưng đoản thọ. Chưa một ai trong dòng họ sống qua tuổi
năm mươi. Người ta đồn rằng do ông tổ Lê Quý Công chết không toàn thây, nên con cháu sau này phải gánh chịu hậu quả.
Hơn một thế kỷ trôi qua, dòng họ Lê mới gây dựng được sáu gia đình. Thời gian sau này, họ Lê không còn bị coi là dân ngụ cư nữa,
nhưng việc lấy vợ, gả chồng của những người trong dòng họ vẫn cứ gian nan. Chẳng ai muốn cưới một người mà tương lai được báo
trước là sẽ đứt gánh.
Sau này, duy nhất chỉ có một người, một thiếu nữ trong trắng, có học, dám làm dâu nhà họ Lê, đó là cô Bùi Thị Son - mẹ anh.
Vào cuối thế kỷ mười chín, khi phong trào Cần Vương nổi lên, họ Lê có tới ba người vào tận Thừa Thiên theo Đức Vua chống Pháp.
Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, họ Lê cũng bị người Pháp bắt được, gông cổ, giải về Huế chặt đầu. Người Pháp còn gởi giấy về địa
phương, kêu họ Lê là nghịch tặc.
Mỗi lần nghe mẹ kể về dòng họ của mình, đại đội trưởng Lê Sỹ Quý thường tỏ ra buồn bã. Anh không hiểu vì sao thảm họa lại thường
rơi vào những gia đình thuộc dòng họ anh? Phải chăng những người trong họ Lê Quý thường quá nhạy cảm, bức xúc trước thời thế,
nên họ thường đi đầu, dấn thân vào cơn lốc chính trị; chính vì vậy mà họ phải gánh chịu những bất hạnh xảy ra? Đại đội trưởng không
có đầy đủ những thông tin cần thiết để xác định một cách rõ ràng về điều ấy, nhưng có một thực tế mà anh không thể chối cãi được là
cha anh cùng với ông bác họ là những người đầu tiên trong làng tình nguyện nhập ngũ đánh Pháp và cả hai người đều hy sinh. Cha anh
mất lúc ông mới hai mươi ba tuổi.
Mẹ nói rằng cha hy sinh vào Chiến dịch Thu Đông, lúc anh gần một tuổi. Dĩ nhiên, đại đội trưởng không thể biết mặt cha. Nhưng mọi
người nói rằng anh giống cha như đúc, rằng anh chính là sự lột xác của ông.
- Nhờ trời, trước khi cha mất, mẹ vẫn còn có con! - Một lần, mẹ anh nói - cha con là một người tốt. Ông rất quý người.
Đại đội trưởng rất thương và kính trọng mẹ. Lúc góa chồng, bà mới hai mươi tuổi. Bà đã hứa trước vong linh của chồng là sẽ ở vậy
nuôi con suốt đời, nhưng bà không làm được điều ấy cũng bởi lòng thương người của mình.
Đại đội trưởng nhớ lại: vào khoảng thời gian sau cải cách ruộng đất, làng anh đón một đơn vị bộ đội về sửa sai. Chính trong những
ngày tháng ấy, mẹ anh - một cán bộ phụ nữ xã - đã đem lòng yêu một anh thương binh góa vợ và đã có một đứa con trai. ít lâu sau, anh
thương binh ấy đem ba lô, dắt theo thằng con về sống với mẹ con anh và trở thành một người bố dượng mẫu mực.
Sự chắp nối này, trước tiên được tổ chức ủng hộ, sau đó là dòng họ của anh. Anh rất quý bố dượng, bởi ông đã đem đến cho anh tình
cảm của một người cha mà anh chưa từng được hưởng. Thằng em của anh, Nguyễn Minh Thắng cũng được hưởng tình yêu của mẹ, mà
trước đó, nó không có được.
Lẽ ra, gia đình anh sẽ trở thành một điển hình mẫu mực của sự gãy đổ được chắp nối, nếu như dượng lại không mất đi đột ngột vào
mấy năm sau đó.
Ông mất do chứng viêm ruột thừa cấp, trong lúc cùng đi vỡ hoang với mẹ anh và bà con dân làng ở mãi tận Đá Hàn, cách làng lối
chừng hai chục cây số đường rừng. Nếu ở vào thời này, chắc chắn ông không bị chết oan uổng như vậy. Nhưng ngày đó, thầy thuốc rất
hiếm. Hơn nữa, cả dượng và mẹ đều không có kinh nghiệm và không có một chút hiểu biết nào về y học.
Đại đội trưởng không thể nào quên được những gì đã xảy ra vào ngày hôm ấy. Anh nhớ như in hình ảnh mẹ cùng với dân làng khiêng
dượng trong chiếc võng đay, chạy gằn từ rừng về nhà. Mọi người đặt dượng nằm trên chiếc giường tre được trải một chiếc chiếu mới
nhất. Trong lúc mẹ cùng mọi người tất bật tắm rửa và thay quần áo mới cho dượng, thì anh và thằng Thắng vẫn nô đùa, reo hò ngoài
sân. Không thể chấp nhận được sự vô lễ ấy, bà bác họ gọi hai anh em anh lại, tát cho mỗi đứa một cái:
- Tiên sư chúng mày! - Bà bác chửi - bố chết mà vẫn còn nô nghịch được hả? Quân mất dạy.
Cái tát của bà bác không đau, nhưng đã làm anh bật khóc. Đến lúc đó, anh mới thấy thấm thía nỗi đau của một đứa trẻ mất bố. Nếu bố
anh còn sống, thì không ai dám đánh hai anh em anh. Anh bực tức dẫn thằng Thắng chạy vào trong buồng, đứng khóc.
Mẹ anh vẫn không biết chuyện các con bị đòn. Bà cắn môi, đau khổ, nâng tay dượng đặt lên bụng, rồi dùng một dây chỉ buộc hai ngón
tay của dượng lại. Bà cắn môi, kềm nén nỗi đau, miệng méo xệch. Anh hết nhìn mẹ lại nhìn dượng. Dượng nằm đó, thản nhiên như
một người quá mệt mỏi với cuộc đời và đến lúc cần phải ngủ. Một lát sau, người ta đem đến một tờ giấy bản màu ngà, rồi phủ lên mặt
dượng.
Dân làng kéo đến mỗi lúc một đông. Người giúp làm bàn thờ. Kẻ giúp dựng rạp, têm trầu, nấu nước. Người thì lên xã xin giấy giới
thiệu mua vải liệm, kẻ thì đi mời thợ kèn, làm phướn và cờ binh chinh...
Trước khi liệm, mẹ gọi anh và thằng Thắng đến. Cả ba người cùng quỳ, lạy dượng. Mẹ khấn:
- Tôi là Bùi Thị Son, vợ của mình đây. Mình hãy tha thứ cho tôi vì đã không chăm sóc mình đến nơi đến chốn, để xảy ra nông nỗi này,
các con phải mồ côi bố. Mình có khôn thiêng thì hãy phù hộ cho các con. Chúng nó còn nhỏ dại...
Khấn xong, mẹ lật tờ giấy phủ mặt dượng, nói:
- Các con hãy nhìn bố lần cuối đi. Nhìn kỹ vào, sau này, các con không bao giờ được nhìn thấy bố nữa đâu.
Mới đó thôi mà dượng anh đã đổi khác. Màu da ông trở nên trắng dợt, vô hồn. Anh bước tới ôm lấy mặt dượng, còn thằng Thắng thì
ôm chân. Cả ba mẹ con anh cùng khóc. Cho đến khi mọi người chuyển áo quan tới, chuẩn bị khâm liệm, anh và thằng Thắng được dẫn
ra ngoài.
Dù còn nhỏ, nhưng không bao giờ đại đội trưởng quên được cảm giác sống thiếu dượng. Lúc nào anh cũng thấy mình côi cút, trống
vắng. Dường như dượng là người không thể thiếu trong gia đình anh. Mất dượng, gia đình anh như mất hẳn một cái gì đó trong tâm
hồn. Cứ nghĩ đến chuyện ấy, anh lại thấy không thể chịu đựng nổi. Lúc đó, anh lại dẫn thằng Thắng ra bờ sông, lấy bọ bèn, bẹ chuối
làm thuyền, thả xuống nước.
- Để làm gì vậy, anh cả?
- Để cho bố có thuyền về thăm chúng ta.
- Bố cũng ngồi được trên những chiếc bọ bèn này hả, anh cả?
- Mày im đi. Nhắm mắt lại, rồi nói theo tao. Nói đúng bảy lần, nghe chưa?
- Em nghe!
Rồi hai đứa cùng đọc:
Những con thuyền
Hãy trôi đi
Về với dượng
Nói với dượng
Trên trời cao
Có ông giăng
Dưới âm phủ
Có con sông
Người chết đi
Về dưới ấy!
Những con thuyền
Hãy trôi đi
Về với bố
Nói với bố
Trên đất này
Có thằng Quý
Có thằng Thắng
Nhớ cha.
Có bông hoa
Mặt trời
Có con người
Nhớ người chết!
Hai đứa trẻ cứ đọc luôn mồm đúng bảy lần bài đồng dao ấy, mắt không rời những con thuyền tuổi thơ đang được dòng nước cuốn đi.
Lúc đó, Quý tin rằng ở dưới lòng đất kia cũng tồn tại một thế giới khác. Thế giới ấy có tất cả những người thân trong đồng tộc của anh.
3
Lê Sỹ Quý nhập ngũ vào cuối năm 1964, lúc anh đang học năm thứ nhất Đại học Sư phạm, khoa Sử. Đúng ra, anh vẫn thuộc diện chưa
nhập ngũ; Nhưng không khí chiến tranh đã bắt đầu làm tan loãng sự chăm chỉ học hành. Là bí thư chi đoàn, anh quyết định làm đơn
xin nhập ngũ. Cái sự làm đầu tàu của anh đã kéo theo hàng chục sinh viên các khoa khác đăng ký lên đường.
Với lý lịch trong sáng, sau ba tháng tập luyện, anh được đi học trường sỹ quan lục quân, rồi được điều về làm đại đội trưởng bộ binh.
Cuối năm 1966, anh lại được cử đi học một khóa huấn luyện trinh sát ngắn ngày, rồi được nghỉ phép, trước khi vào Nam chiến đấu.
Trong giấy chứng minh tạm thời, anh thuộc tiểu đoàn 301 B. Nơi đến là chiến trường Hải Yến S9, mà mọi người thường gọi là "Bê
dài", mật danh của mặt trận Nam Bộ.
Sau năm tháng trời hành quân, tiểu đoàn đã vào tới miền Đông. Tại đây, đơn vị chia lẻ, bổ sung cho các sư đoàn thuộc mặt trận. Quý
được điều về Sư đoàn bộ binh tinh nhuệ số 9.
Vào một buổi trưa, đại đội trưởng còn đang chơi tu-lơ-khơ tại nhà khách, thì trưởng ban cán bộ cắp cặp tới, làm việc với anh.
- Theo nguyện vọng thì đồng chí muốn về đơn vị nào? E một, E hai hay E ba? Trưởng ban cán bộ vui vẻ hỏi.
ở chiến trường mà được tôn trọng như thế này, kể cũng tuyệt thật. Đại đội trưởng nghĩ bụng. Được quyền lựa chọn tương lai cho mình
thì quả là dân chủ số một.
- Về đơn vị nào có nền nếp ấy. Đại đội trưởng buột miệng nói.
- Vậy thì chẳng có đơn vị nào thuộc sư đoàn không có nền nếp cả. Trưởng ban cán bộ x1/2ng giọng.
- Thôi, cho tôi về E ba vậy! - Đại đội trưởng quyết định nhanh chóng.
Thế là ngay hôm ấy, đại đội trưởng nhận được quyết định về trung đoàn ba bộ binh, với cương vị đại đội trưởng trinh sát. Sau này, khi
trung đoàn được điều trở về miền Tây, chiến trường quá nhiều kênh rạch, đi lại khó khăn, người lúc nào cũng nhơm nhớp bùn nước,
đại đội trưởng mới thấy quyết định của mình sai lầm ghê gớm. Giá như hồi đó, lại giá như, anh buột miệng xin về E một hoặc E hai thì
sự thể đã khác, vị tất anh đã phải có mặt ở chiến trường này.
Nhưng ở đời, cái gì rồi cũng quen. Sau một thời gian nhăn nhó, chán chường, cuối cùng, đại đội trưởng cũng đã quen dần với hiện thực
và coi như số phận đã an bài.

<< ............ | Chương hai >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 224

Return to top