Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mùa đầy cây ngọt, trái lành và nước mát với một tên gọi khá ngô nghĩnh – Cái Bè. Và, đó cũng là nơi tôi khôn lớn. Bởi sau giải phóng vài năm, ba mẹ tôi lục đục dọn nhà về đây nương nhờ nhà ngoại. Rồi theo thời gian tôi lớn dần bên ngôi nhà nhỏ, sáng sáng chiều chiều đều vương nhẹ làn khói bếp trắng đục như sương. Tuổi thơ của tôi trôi qua khá êm đềm với làng quê hiền hòa cùng lũy tre xanh bên đồng lúa chín vàng, với dòng sông nhỏ chảy lững lờ dưới rặng bần xanh… Tuy nhiên cũng không kém phần dữ dội vì nước mắt tôi (dù không bằng một góc lũ lụt ở sông Cửu Long!). Bởi ngày ấy, tôi không thể nào đi hết một cây cầu khỉ bắc ngang con xẻo nhỏ. Mẹ tôi thường cười khi nhớ lại ngày ấy, tôi cứ ngồi “chong ngóc” bên đầu cầu. Nếu cố đi qua thì chỉ được phân nửa là “bay” xuống nước ướt loi ngoi, hoặc bê bết bùn sình khi nước cạn. Vậy là có một trận mưa nước mắt đi kèm sau đó. Tôi khóc vì cho rằng mình là một con nhỏ không quê hương, bởi nơi đây đã chối bỏ những bước chân đầu tiên của tôi, còn Sài Gòn thì chỉ còn là hình ảnh mờ nhạt trong đầu óc trẻ con với phố xá nhộn nhịp và một bà nội già khó tính. Mười hai năm học trôi qua với đủ vui buồn, hờn giận pha trong nỗi dằn vặt của một kẻ mang trong lòng cả hai hình ảnh khá quyến rũ mà vẫn chưa chọn được đâu là quê hương…
… Bây giờ, chưa thể gọi là khôn lớn nhưng qua những va chạm đời thường nơi Sài Gòn rực ánh đèn màu. Tôi hay trở về với mẹ cùng ngôi nhà nhỏ. Không phải để khóc vùi trên vai mẹ mà chỉ để lòng mình dịu xuống khi giữa buổi trưa hè quạnh vắng nằm đu đưa trên võng sau vườn, nhìn những đốm nắng nhỏ xíu len qua tàn cây, nhảy nhót trên lá, trên võng… thật vô tư và trong lành. Lúc ấy, tôi thấy mình thật sự thanh thản và quên đi một người bạn xấu, một ông thầy còn nhiều định kiến hẹp hòi.
Đêm xuống, lắng nghe tiếng côn trùng rả rích điệu nhạc buồn buồn ru hồn người say ngủ, đêm khuya, khi một số người còn ngon giấc trong nệm ấm chăn êm, tôi lại choàng dậy cùng mẹ đến chợ bán hàng. Đêm ngạt ngào hương hoa bưởi. Đường làng ướt đẫm sương khuya. Tôi cùng mẹ dò từng bước chậm. Vào giờ đó, dân làng tôi cũng gọi nhau đến chợ cho kịp chuyến hàng sớm nên đường làng có vẻ đông hơn. Họ đi thành từng tốp hai, ba hoặc bốn người. Mỗi tốp đều mang theo đuốc lá dừa, cho nên, ánh đuốc huơ lên, huơ xuống khắp đoạn đường dài. Ánh lửa bập bùng lúc ẩn lúc hiện tạo nên những hình thù kỳ lạ, hắt xuống mặt đường làm người chưa quen chùn chân sợ hãi. Tôi chắc cầm tinh con thỏ nên đi trước hay đi sau mẹ cũng đều sợ cả! Bởi vậy, tôi cứ quay ngang quay ngửa nhìn trời. Bầu trời đen thẫm, chi chít những vì sao sáng rực, làm tôi nao lòng nhớ đến giọng hát Hoàng ngày xưa xa lắc “Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay, nhiều như những gì mình đã có…” mà bâng khuâng muốn hỏi : “Nhiều như những gì mình đã có hay đã mất hở Hoàng?” Trên tàng cây, đom đóm lập lòe tỏa sáng như những bóng điện bé xíu. Gió khuya lùa qua người lạnh buốt nhưng tôi vẫn thích những buổi chợ khuya ở quê mình vì tôi đã biết được sự huyền hoặc của đêm khuya cùng không khí trong lành của đêm nơi thôn dã. Và thật là thú vị khi giữa đêm khuya, mọi người đang yên giấc, tôi đã thức cùng trời đêm, nghe côn trùng dạo nhạc mà suy nghĩ về mọi người, về cuộc đời…
Và có lẽ bây giờ, nếu có ai hỏi thăm quê hương, tôi sẽ cười mà đáp rằng: “Dạ, đó là Cái Bè, một miền quê nhỏ…” bởi với tôi, thật là kinh khủng khi cố nắm bắt những gì không có trong tầm tay hoặc đã vuột khỏi tầm tay.
(Tháng 07/1992)
Nguồn : báo Văn nghệ Cái Bè tháng 07-1992