Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mặt Thật

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 225184 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mặt Thật
Bùi Tín

Dưới đáy giếng
ở miền Bắc, từ khi còn ở tuổi mẫu giáo, các em đã được các cô dạy cho lòng căm thù. Cái gì xấu xa là đế quốc, dịa chủ, ngụy. Tập bắn súng là có sẵn bia: lính Mỹ, máy bay Mỹ, lính ngụy. Tập đánh giặc, tập bắt tù binh. Tập tra hỏi tù binh. Tập giải tù binh đi.. Khi làm tính, lập đếm, cộng trừ nhân chia cũng dùng số lính ngụy, lính Mỹ bị diệt trong 1 trận, trong hai trận lớn nhỏ để tính. Cách xưng hô cũng rõ ràng, bạn thù ta rạch ròi. Bác Hồ, chú cán bộ, ông Stalin, bác Mao, đồng chí bộ đội, còn thì phía bên kia phải gọi bằng thằng tuốt. Thằng Tổng thống Mỹ, thằng Tổng thống ngụy, thằng Việt gian, thằng sĩ quan Mỹ, thằng chỉ huy ngụy, thằng lính biệt kích, thằng Tỉnh trưởng... Trong những câu chuyện kể cho tuổi thơ trong trắng và ngây thơ, ông Stalin, bác Mao, bác Hồ hiện lên như thần thánh, tiên phật, các chú bộ đội luôn hiền ơi là hiền, dũng cảm, mưu trí, nhiều sáng kiến, cứu đồng bào trong bão lụt, thật thà, ngay thẳng, còn những kẻ hung ác, lừa đảo, tham lam, ngờ nghệch, ngu ngốc thì đều là "Mỹ-ngụy" và "tay sai"!
Từ tuổi thiếu niên, qua giáo dục của nhà trường, đội thiếu niên tiền phong, lập trường bạn thù ta trong các em đã vô cùng rõ ràng. Phe ta, phe nó, chúng ta và chúng nó; ta nhất định thằng, địch nhất định thua. Tất nhiên trong chiến tranh, động viên cổ vũ hậu phương, tuyên truyền ủng hộ tiền tuyến là cần thiết. Thế nhưng việc giáo dục từ trẻ thơ những điều kể trên, có tính chất cường điệu thiên lệch, không đúng với thực tế đã gieo vào lòng các em các nhận thức sai lệch. Công bằng và lòng nhân ái bị coi nhẹ. Lớn lên khi tự tìm hiểu được thực tế, các em sẽ nhận ra rằng thực tế không phải là như vậy, dễ sinh ra hoài nghi, hoang mang, mất phương hướng trong nhận thức.
Việc tuyên truyền một chiều: ta cái gì cũng đẹp, cũng tuyệt vời, địch cái gì cũng xấu, cũng tồi tệ đã tạm thời đạt được kết quả không phải chỉ vì đồng bào ta nhẹ dạ và thiếu tỉnh táo. Nguyên nhân chủ yếu ít người nghĩ đến chính là ở chỗ miền Bắc hồi ấy bị cách ly hầu như triệt để với bên ngoài. Thông tin bị cắt đứt giữa miền Bắc và miền Nam. Tôi có một chị ruột, một em gái ruột ở miền Nam từ năm 1954, vậy mà suốt năm năm không có một mẩu tin? Đến năm 1960 mới biết được vài hàng qua một người trong họ xa ở Pháp. Phần lớn đều đứt liên lạc như thế. Giới tuyến tạm thời ở vĩ tuyến 17 bị đóng chặt. Hai bên bờ sông Hiền Lương như hai thế giới riêng biệt. Điện thoại, điện tín, thư từ bị cát đứt với nửa nước phía Nam và cũng là với cả thế giới.
Từ năm 1950, biên giới phía Bắc được mở ra, bắt đầu quan hệ với Trung Quốc, rồi sau đó với Liên xô. Sau 1954, vấn đề quan hệ với bên ngoài vẫn bị phong tỏa chặt. Chỉ có những quan hệ với "phe ta", mà cũng là quan hệ rất ít ỏi. Vũ khí, hàng hóa, thuốc men, thực phẩm, máy móc từ Liên xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác được chở đến. Một năm có chừng mấy chục đoàn chính phủ đi thăm, ký kết với các nước "phe ta", còn các đoàn thể xã hội như công đoàn, thanh niên, phụ nữ, nhà văn, nhà báo đi ra nước ngoài thì có thể đếm trên đầu ngón tay. Một số văn nghệ sĩ, nhà báo dự Đại hội Liên hoan Thanh niên Thế giới (do Liên xô đứng ra tổ chức) ở Moscou hay Berlin trở về, đi nói chuyện khắp miền Bắc liền 4 tháng trời, thu hút và hấp dẫn mọi người tò mò muốn biết tình hình ở ngoài nước ta ra sao. Chiến sĩ thi đua nông nghiệp Trịnh Xuân Bái, anh hùng nông nghiệp Hoàng Hanh đi thăm Trung Quốc, Liên xô về là tha hồ mà kể chuyện, nửa năm không hết chuyện! Mỗi buổi đều chật cứng các nhà hát nhân dân ở ngoài trời. Mọi người thích thú, sung sướng, nức lòng nghe kể về nông trang tập thể ở Liên xô máy cày máy gặt trên đồng ruộng, về công xã nhân dân Trung Quốc, về những thửa ruộng năng xuất cao...
Ai nấy chung một nguyện vọng: ngày nay của Liên xô, Trung Quốc là ngày mai của Việt nam. Nghe chuyện về còn bàn tán suốt đêm, cho đến cả tháng trời sau đó... Những đoàn văn công, đoàn xiếc Liên xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ Hungari, Anbani... sang biểu diễn ở Hà nội và các tỉnh là những sự kiện mà hàng 1, 2 năm sau mọi người còn nhớ và nhắc đến. Cũng phải nói cả thời đó, tuổi trẻ sống trong cống hiến, trong chiến đấu, cuộc sống không có ước mong gì cao xa về vật chất, mọi người sống ngang nhau, thậm chí gần giống y như nhau, về tình cảm và tinh thần còn lạc quan, lãng mạn nữa. Hàng hóa viện trợ đầy đường, đầy bãi, trong vườn hoa, mà vẫn nguyên si, không mất mát.
Miền Nam và thế giới ra sao? Qua thông tin, tuyên truyền, người dân chỉ hiểu đại khái là miền Nam mất độc lập, phụ thuộc Pháp rồi Mỹ. Nhân dân trong đó khổ cực, lầm than, người yêu nước bị giết hại trong các chiến dịch tố cộng, diệt cộng rất tàn bạo, máy chém lê đi khắp mọi nơi; ở các thành thi chỉ là phồn vinh giả tạo, xã hội suy đồi, văn hóa đồi trụy, nạn xì ke, đĩ điếm, cờ bạc tràn lan, nạn tham nhũng tràn ngập... Tất cả những thông tin từ miền Nam theo nội dung ấy được chắt lọc, tô đậm, đưa lên báo, đài. Chính do tuyên truyền một chiều như thế mà sau 30-4- 1975, bà con ta vào miền Nam bị choáng ngập bởi hàng hóa đẹp dù và tốt khác hẳn những điều dự đoán. Về xã hội, con người cũng thế. Xã hội miền Nam không đến nỗi hỗn loạn, thối nát, vẫn có những gia đình nề nếp, con người nhân hậu ở vùng tạm chiến và thành thị. Ngay trong những gia đình bị coi là thù địch trước đây vẫn có không ít những con người ngay thật, có văn hóa và lương tâm, có tư cách và hiểu biết. Nhìn ra thế giới cũng vậy. Miền Bắc trước đây có rất ít người đi được sang thế giới phương Tây. Họ chỉ là một số rất ít nhà ngoài giao được chọn lọc rất kỹ càng. Còn thì toàn xuất ngoại là đi các nước "phương ta". Sách báo, thư từ hầu như không có. Cho nên chỉ hiểu thế giới phương Tây qua các khái niệm quen thuộc trên đài báo: khủng hoảng, thất nghiệp, trộm cáp, lạm phát, bất công, đĩ điếm, cờ bạc, bãi công và đấu tranh của người lao động!
Trong tất cả giáo trình giảng dạy chính trị và kinh tế, lý luận và thực tế về chủ nghĩa xã hội được truyền bá là: ở chủ nghĩa xã hội ưu việt không có khủng hoảng vì tất cả đều sản xuất theo kế hoạch thống nhất, tính từ cái kim, chiếc quần đùi đến hộp diêm. Không có thất nghiệp vì ai cũng được nhà nước phân công làm việc. Không có bóc lột vì mọi giai cấp bóc lột không còn tồn tại, không có tư bản, địa chủ, phú nông thì làm sao có bóc lột được. Chỉ có thiếu thốn tạm thời. Sản xuất chỉ có tăng không ngừng, không bao giờ có thể giảm sút! "Chúng ta" hơn "chúng nó", "phe ta" hơn "phe họ" là lẽ đương nhiên. Họ dựa vào một số thành tựu có thật của Liên xô (phóng vệ tinh đầu tiên của quả đất, đưa người đầu tiên lên không gian vũ trụ...) để khẳng định rằng tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội là rõ ràng, không cần bàn cãi nữa. Tất cả sự thua kém chỉ là vì chủ nghĩa tư bản có trước hơn 200 năm; còn chủ nghĩa xã hội còn non trẻ.
Vì không thấy thế giới phương Tây ra sao, không có sách báo, thư từ, lại chưa có vô tuyến truyền hình nên cả xã hội đều hiểu tình hình thiên lệch, méo mó. Nam 1971 ở Hà nội mới thử nghiệm vô tuyến truyền hình mỗi tối một giờ. Năm 1973 mới chính thức phát truyền hình, nhưng nhìn ra thế giới qua đài TV Nga, theo hệ thống kỹ thuật Bông Sen. Chỉ có phim truyện của "phe ta", của các nước xã hội chủ nghĩa. Sau 30-4-1975, cách nhìn thế giới đã bắt đầu thoáng rộng. Thế nhưng người đi ra nước ngoài vẫn bị kiểm soát gắt gao. Phải đến 1986 trở đi, với "đổi mới" và "mở cửa", ngọn gió bên ngoài mới thổi vào, người đi công tác sang phương Tây ngày càng nhiều (tuy cũng chỉ mới chiếm chừng 1 phần ngàn trong bộ máy hành chánh, kinh tế có hơn 6 triệu người). Trăm nghe không bằng một thấy! Thư từ, ảnh gia đình từ bên ngoài gửi về, hàng ngàn, hàng vạn bức thư và bức ảnh đến tận từng gia đình, từng người, chọc thủng những màn che chắn, những bức tường giả tạo. Điện thoại, fax, máy quay phim, máy ảnh, máy chiếu phim, băng cassette, băng video trở nên những vũ khí lợi hại về thông tin trung thực, từng ngày, từng ngày mở ra nhận thức chân thật, phong phú, kịp thời về thế giới xung quanh cho đông đảo người dân khao khát tìm hiểu và suy nghĩ.
Con người là động vật cao cấp, khác các động vật khác là biết quan sát, biết so sánh, biết bắt chước. Mấy chục năm trước, sống kín mít không có thông thương, bặt thông tin với thế giới, đông đảo nhân dân- về mặt nhìn ra thế giới- giống như đứng cả dưới đáy giếng! Chỉ trông thấy nhau, so sánh với nhau, bắt chước nhau. Và do đó hài lòng với cuộc sống của mình. ăn, mặc, ở, quan hệ với nhau coi như ổn, không thành vấn đề. Mặc gần như dông phục, ăn uống cũng gần giống nhau, theo mức của tem phiếu. Lấy vợ lấy chồng cũng giống nhau, "được phép của đảng, của tổ chức", đám cưới đơn sơ giản dị. Cưới nhau về là yên ổn, không được ly dị, vì ly dị là thành bê bối to, thành xì căng đan, thành chuyện nhục nhã cho cả hai gia đình, đã có tổ chức hòa giải đứng ra dàn xếp bằng được. Cho nên vợ chồng an phận, không cần chinh phục nhau tiếp, chẳng cần chiều gì nhau thêm, không cần có động cơ vun đắp hạnh phúc lứa đôi, không ít cặp vợ chồng sống tẻ nhại, cam chịu số phận, chẳng khác gì xưa bố mẹ đặt đâu con ngồi dấy. Nay là tổ chức đặt đâu đảng đặt đâu xin ngồi nguyên đấy cho yên phận tránh mọi rắc rối và tránh bị chc cười...
Thế là trong gần 30 năm, do điều kiện chiến tranh, do chính sách bế quan tỏa cảng, hàng chục triệu nhân dân Việt nam bị tước quyền được là công dân của thế giới. Họ không hiểu đồng loại đang sống ra sao, có những điều gì hơn để học tập, có những điều gì kém để giúp đỡ, không có đối tượng để so sánh, để vươn lên bằng người. Đất nước bị trì trệ khủng khiếp về mọi mặt cho đến tận nay bắt nguồn từ đó. Nếu như từ mấy chục năm trước ta được biết cuộc sống ở các nước khác, người dân được tự do ăn nói, tự do suy nghĩ, tự do đi lại ra sao, con người bình đẳng trước pháp luật thế nào, cái lợi của một xã hội co pháp luật ro ràng, có luật sư tự do, có người viết báo tự do... thì chúng ta không bao giờ cam chịu tình hình ở nước ta sao mà chậm tiến đến vậy! Chúng ta đã bị bịt kín mắt, không có đối tượng để quan sát và so sánh. Chỉ nhìn thấy nhau, chúng ta mất hẳn động lực dể vươn dậy cho như người, cho bằng người, cho hơn người. .
Cho đến tận bây giờ, khi đã gọi là mở cửa", là đổi mới", vẫn còn tình trạng nhân dân ta sống cứ như ở một hành tinh khác, với những qui tắc khác xa lạ với thế giới ngày nay. Các "thước đo" kích thước, giá trị ở nước ta cũng khác với các "thước đo" thế giới. Có những quan niệm trái ngược nhau ở các nước dân chủ, người công dân sinh ra là nghiêm nhiên có nhiều quyền. Quyền suy nghĩ, quyền phát biểu, quyền đi lại, quyền xuất cảnh, quyền tín ngưỡng hay không kín ngưỡng quyền giao dịch với bạn bè ở nước ngoài. Người công dân có quyền tự do rộng lớn, không phải nhà nước hay đảng nào ban phát cho mà tự mình có sẵn khi sinh ra và trưởng thành là đã có sẵn. Họ làm mọi chuyện theo ý muốn, không phải xin phép bất cứ ai, chỉ trừ những điều gì mà luật có khoản cấm. Mà những điều luật ngăn cấm xét cho cùng cũng chỉ vì quyền tự do của toàn xã hội.
ở nước ta, một thời gian dài, cấm đủ thứ. Cấm tự do đi lại phải có giấy phép mới được đi vào Nam, lên vùng biên giới; cấm đi ra nước ngoài, phải có giấy phép đặc biệt; cấm gặp gỡ nói chuyện với bất kỳ người nước ngoài nào, cấm thư từ với họ; có dạo cấm làm bánh cuốn, cấm mở hàng phở vì vi phạm chính sách lương thực! Lại còn có đạo cấm thanh niên để tóc dài, mặc quần loe, lập tố cờ đỏ (hỗ trợ cho cảnh sát) chặn người, đè họ ra cắt tóc và cắt quần! Tất nhiên những điều quá quất thì hiện nay không còn, nhưng kiểu cách ban ơn, cho phép, hạn chế tự do vẫn còn dai dẳng. ở nước ta chỗ nào cũng đề phục vụ nhân dân, cơ quan nhà nước nào cũng được giáo dục về phục vụ nhân dân, nhưng nạn cửa quyền, quan liêu trái với tinh thần ấy vẫn là cố tật. ở nước khác, không có khẩu hiệu phục vụ nhân dân, vậy mà ai nấy đều có ý thức: tôi làm việc là để phục vụ những người khác cần đến tôi, tôi phải làm hết trách nhiệm cho họ hài lòng đến mức cao nhất là lẽ đương nhiên; luật pháp, đạo lý, lẽ ứng xử xã hội ắt phải là như thế. Những tiếng "cám ơn", xin lỗi" luôn ở cửa miệng, không phải hình thức, mà là thành nếp nghĩ, nếp sống, cách ứng xử bình thường trong xã hội. Đã trở nên hết sức cấp bách là những người cầm quyền ở nước ta có nhiều dịp ra nước ngoài quan sát nghiên cứu một thời gian để tìm hiểu nếp sống trong xã hội có luật pháp và dân chủ. Đi, tìm hiểu, quan sát, đối chiếu với ta và suy nghĩ. Có người có dịp đi, nhưng lao vào các nghi thức hiếu hỷ và làm ăn, bỏ phí việc tìm hiểu và quan sát. Và đến bao giờ số đồng bào ta được đi thăm các nước láng giềng, rồi các nước xa gần ngày càng nhiều, thì tình hình xã hội ta sẽ càng đổi thay nhanh chóng và sâu sắc hơn. Cho đến nay, do "mở cửa", mở rộng giao lưu, mở rộng quan hệ qua thăm viếng, du lịch, bằng điện thoại, điện tín, fax, bằng thư từ, ảnh, phim chiếu, cát sét, qua đài phát thanh các nước và vô tuyến truyền hình được truyền qua vệ tinh, nhân dân ta không còn ở đáy giếng nữa. Đó là điều kiện đã giành được để chúng ta bòa nhắp ngày càng sâu rộng vào thế giới, trở thành công dân thật sự của cộng đồng thế giới ngày nay.

<< Đoàn kết và hòa giải hòa hợp | Những nỗi lo >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 928

Return to top