Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mặt Thật

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 225204 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mặt Thật
Bùi Tín

Nhà cửa: một vấn đề nổi cộm lớn nhất
Ai cũng biết Hà nội đông người, nhà ít. Thành phố dự định có 40 vạn người thời thuộc Pháp đã phình lớn lên gần 2 triệu người, nội thành hiện có gần 1 triệu người. Tốc độ xây dựng nhà không kịp với tốc độ tăng số dân. Từ trung bình mỗi đầu người có 6 mét vuông nhà ở hồi 1955 đã tụt xuoỏng 5 mét rồi 4 mét và dưới 4 mét vuông trong nội thành hồi 1987, 1988. Trong số dân ở Hà nội hiện nay, người thật sự là gốc Hà nội chỉ chiếm có 12 phần trăm. Phần lớn là người từ các tỉnh và các vùng nông thôn quanh thủ đô kéo vào từ năm 1950, 1951, rồi sau đó là từ 1955, 1956... Người khu 4, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩn chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Các biệt thự xưa kia chỉ một gia đình ở thì nay chứa đến 3, 4 gia đình, thậm chí 10, 12 gia đình. Có khi một buồng con để đồ đạc lặt vặt dưới một cầu thang gác cũng là một buồng ở cho một gia đình! Nhiều hàng hiên bao quanh nhà kiểu biệt thự được che chắn bằng gỗ hoặc xây tường mỏng để trở thành buồng ở!
Thời bao cấp, ai xây nhà là bị làm khó dễ. Tiền ở đâu ra mà xây nhà? Mua gạch, ngói, xi mãng ở đâu? Vì tất cả nguyên liệu là từ kho từ nhà máy của nhà nước, của tập thể. Hồi 1979 đến 1982 nhiều nhà ở Hà nội bị kiểm tra hành chánh trong kế hoạch X30 vì đã xây nhà mới; một thủy thủ đi tàu biển viễn dương, một người lái máy bay dân dụng, một cán bộ trung cấp học ở Liên xô về... bị tịch thu ngôi nhà mới xây thường chỉ rộng 40 mét, 60 mét vuông, 1 hoặc hai tầng; so với cơn sốt xây nhà mấy năm nay (từ 1991 đến 1993) thì những ngôi nhà ấy chỉ là "tôm tép". .
Hồi 1986 đã sôi nổi dư luận vụ nhà của nguyên bộ trưởng Tô Duy, một thời là chủ nhiệm ủy ban vật giá trung ương, chủ tịch phòng Thương mại... Phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân Trần Đình Bá có ý định phanh phủi vụ nhà này, qua đó nêu lên một vấn đề rộng lớn hơn về bất công xã hội trong nhà ở, một kiểu đặc quyền lợi phi lý. Vụ này bị ỉm đi vì động chạm đến một cán bộ cấp cao và qua đó đụng chạm đến cả một tầng lớp quan chức đương quyền. Rồi Trần Đình Bá không còn có thể tiếp tục ở báo Quân Đội Nhân Dân được nữa. Anh viết sách về vụ này và sách của anh cũng không được lưu hành binh thường!
Vấn đề nhà ở ở Hà nội, ở Sài Gòn, ở Việt nam là vấn đề cực kỳ nóng bỏng! Tính chất bất công của chế độ hiện lên rõ ràng qua vấn đề này.
Các nhà chính trị ở Hà nội thường nói đến đồng cam cộng khổ giữa đồng chí và đồng bào, thế nhưng trong vấn đề nhà ở làm sao có thể coi là đồng cam cộng khổ giữa một ông lớn ở nhà cao cửa rộng hàng 100, 200 mét vuông với một viên chức cán bộ trung cấp, một đại úy hay thiếu tá ở một buồng con 9 thước vuông cùng vợ và 2 hoặc 3 con? Có không ít đại tá có chức lớn, có quyền to có biệt thự hai tầng, có vườn hoa, có nhà để xe ở Sài Gòn, trong khi ấy cũng có hàng trăm đại tá phải tự lo lấy nhà ở, quân đội và nhà nước vẫn bắt "xếp hàng" chờ mỏi cả mất để "giải quyết khi có dịp", và nay vẫn buộc phải ở tạm theo tiêu chuẩn chung của nhân dân: dưới 4 mét vuông 1 đầu người! Họ không có các mối quan hệ thuận lợi, không có thần có thế, không lanh lợi, tháo vát, không "láu cá" như bà con thường nói, nên đành phải chịu đựng sự thiếu thốn và cực khổ. Họ cũng ra các bể hoặc máy nước công cộng để xách nước, vẫn lạch cạch chiếc xe đạp cũ để di chuyển.
ở báo Quân Đội Nhân Dân, có một phó tổng biên tập khôn ngoan, "láu vặt", đóng kịch giỏi, nói ra thì "đạo đức đầy mình", biết ra vào thưa gởi thầm thì báo cáo với cấp trên trong Tổng cục chính trị, anh ta gạt hết các đối thủ để giành ghế Tổng Biên Tập, giành luôn riêng một ngôi nhà ở số 6 Lý Nam Đế, sau khi đẩy đi gia đình đồng chí cấp dưới ở cùng nhà để độc chiếm ngôi nhà có vườn, có bếp ấy. Đến tuổi về hưu, anh ta lại chạy để kiếm chức phó tổng thư ký của hội nhà báo, trở thành người phát ngôn không chính thức của chế độ. Ngôi nhà được sửa sang để trở thành phòng khám bệnh chữa răng của bà vợ từ một quân y viện về nghỉ hưu, không quên mang theo thuốc và máy chữa răng của quân đội! Đây là một "mẫu mực", một tiêu biểu cho một cán bộ "biết sống trong chế độ". Cạnh đó là một đại tá cũng ở báo Quân Đội Nhân Dân đã về hưu, sống bần hàn trong một ngôi nhà chật với vợ yếu và 3 con gái, chỉ vì tuy có tài, có tâm, am hiểu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, chữ Hán, chữ Nôm, từng bị thương nặng ở chiến trường miền Nam nhưng lại "không biết cách sống". Vốn là con một vị tổng đốc cũ và dù đi bộ đội tứ khi 17 tuổi năm 1945, anh ta không bao giờ được chấp nhận là một thành viên của tầng lớp quan chức đặc quyền đặc lợi! Anh có vốn văn hóa rộng, luôn nghĩ đến nhân cách "làm người", không biết tranh thủ, xu nịnh như vị cựu thừa phái khôn ngoan nọ, nên phải chịu cảnh hẩm hiu, sống trong một căn nhà để xe (ga-ra) cũ. Tôi đã gặp rất nhiều lần con gái anh đi quét lá bàng về đun nấu, bản thân anh rạp người đạp chiếc xe đạp cũ phân phối báo và tạp chí cho các sạp báo ngay sau khi về hưu. Trong hàng ngũ cấp tướng của quân đội, khá nhiều vị có nhà cao cửa rộng, có của ăn của để, còn lo được nhà ở cho cả con trai, con gái, con dâu, con rể, cho cả họ hàng thân thích. Đó là các ông tướng có chức lớn quyền cao, tư lệnh quân chủng, binh chủng, phụ trách các ngành vật chất: quân nhu, quân trang, quân giới, quân y, kỹ thuật, xe máy, doanh trại, tài vụ... Họ có nhiều quà cáp, từ nhiều mối quan hệ móc ngoặc, có đi có lại. Của cải chìm nổi của họ không sao hình dung được. Thế nhưng cũng có một số vị tướng tôi quen, có đức có tài có lý tưởng sống ngay thẳng, có nhân cách, làm việc ở cơ quan, trường học, học viện, lương ba cọc ba đồng, vài bộ quần áo, sống ở ngoại ô hoặc nông thôn không hơn gì người dân bình thường. Họ chỉ có chức cao mà không có quyền, họ lại không ham hố, có khi bị vợ con trách cứ là không biết sống, là "khốt-ta-bít" theo tên ông già "Khốt-ta-bít" trong một bộ phim Liên xô sống "lẩm cẩm" với lý tưởng, là dở hơi, không biết sống theo thời thế... Cũng là hai ông tướng, nhưng cuộc sống một trời một vực; một vị ở trong tầng lớp đặc quyền đặc lợi, lột vị sống ở ngoài rìa, chịu thiệt thòi, hòa với đồng bào mình.
Nhà ở của các vị lãnh đạo chóp bu thì khỏi phải nói. Tổng bí thư Lê Duẩn có ngôi nhà rộng lớn ở đường Hoàng Diệu, được nhiều lần mở rộng và xây cất thêm, lại còn ngôi nhà 3 tầng lớn đường Trần Quốc Toán, nơi bà vợ cả từ Bích La, Triệu Phong, Quản Trị ra ở. Bà vợ hai này là bà Nga, còn gọi là bà Bảy Vân, ủy viên thường vụ tỉnh ủy An Giang đặc trách về công tác tuyên huấn hồi sau 1975, có ngôi nhà lớn giữa thị xã An Giang, sau về Sài Gòn làm phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cũng có một biệt thự lớn khác; cậu con trai lớn tên Hãn, nguyên là đại tá ở bộ đội phòng không, được đề bạt thiếu tướng, vào quân khu 7 (Sài Gòn) làm phó tư lệnh đạc trách về kỹ thuật được phán phối ưu tiên một ngôi nhà 3 tầng có vườn rộng. Theo tin từ Sài Gòn, khi hóa giá nhà năm 1992, anh ta chỉ phải trả cho sở nhà đất có 16 lượng vàng, nhận giấy ghi nhận quyền sở hữu để sau đó bán ngay cho một công ty nước ngoài lấy gần 120 lạng vàng bỏ túi! Biết bao cán bộ đảng viên theo cách mạng, theo đảng hơn 30 năm lẻ, vẫn còn xếp hàng mỏi cổ để chờ được phân phối một căn buồng nhỏ 16 mét vuông hoặc 22 mét vuông? Hoặc đang ở phòng quá chật, họ phải chờ hàng chục năm mới được phân phối một phòng rộng hơn 4 mét vuông, 6 mét vuông... sau khi đẻ 2, 3 con! Đó, một chế độ "dân chủ nói thao thao bất quyệt về "công bằng xã hội", về "tình đồng chí chung ngọt xẻ bùi", đói khổ có nhau, trên dưới đồng cam cộng khổ như vậy đó?
ở các cơ quan đều có những "ban phân phối nhà" để làm cố vấn cho cấp ủy và thủ trưởng và ban công đoàn, có nhiệm vụ bàn đến nhà ở cho cán bộ, công nhân viên. Các tổ chức này vẫn nặng về tính chất tham khảo, "trang sức" vì không được bàn đến nhà ở của cán bộ cao cấp, của cấp trên, do "trên" quản lý và phân phối; họ chỉ bàn việc phân phối nhà cho cán bộ dưới và nhân viên, cho những người trên thực tế là ở ngoài tầng lớp quan chức đặc quyền đặc lợi của chế độ.
Từ năm 1989, các nhà nghỉ mát đặc biệt của Bộ Chính Trị ở Quảng Bá, bên hồ Tây Hà nội; ở Đồ Sơn, Tam Đảo; ở Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu... đã được chuyển giao cho các công ty du lịch để kinh doanh, vì các vị cầm quyền lo rằng tiếp tục giữ hàng trăm ngôi nhà lớn ấy cho riêng họ thì ắt sẽ bị dư luận lên án và nhân dân căm phẫn vạch mặt. Chỉ đến lúc chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên xô và Đông Âu họ mới phải nhượng bộ đôi chút một cách bị động và kín đáo như vậy? Đã bao nhiêu lần, lãnh đạo buộc phải nói đến cải cách chế độ nhà ở của các bộ cáp cao, thế nhưng mọi sự đều giữ nguyên như cũ với biết bao điều bất hợp lý. Có ủy viên bộ chính trị, bộ trưởng có nhà ở Hà nội, vẫn còn giữ nhà ở Sài Gòn. Có vị tướng có đến 2 hoặc 3 nhà, giữ cho vợ và con, sang tên một cách mờ ám để chiếm nhà của nhà nước. ở Hà nội cũng như ở Sài gòn các vị chủ tịch, phó chủ tịch thành phố, các chủ tịch, phó chủ tịch quận, các giám đốc sở và trưởng phòng nhà đất quận đều thu nhập những khoản tiền và vàng không sao tính hết để bán nhà, bán đất, phân phối nhà đất theo cửa sau, trong những cuộc mặc cả mờ ám... Và biết bao nhà cửa đã được phân phối theo thư tay, trong thời kỳ lộn xộn sau 30-4-1975, khi bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh và giám đốc công an tỉnh có quyền hạn không hạn chế, định đoạt mọi chuyện trong giang sơn của mình; từ chuyện bắt giam, bỏ tù cho đến tịch thu tài sản, phân phối chiến lợi phẩm thu được trong các chiến dịch cải tạo, kiểm tra hành chính, trong đó, việc phân phối, chia chác nhà cửa là một việc làm hết sức tùy tiện, tùy hứng, không theo một quy định, một pháp luật nào!
Bất công này sẽ được giải quyết ra sao? Biết bao trí thức chân chính, văn nghệ sĩ có tài năng, nhân sĩ có trình độ, đóng góp không ít cho đất nước phải sống chật chội, âm thầm chịu đựng, tủi nhục lặng lẽ cho số phận của mình, trong khi tầng lớp đặc quyền đặc lợi rất ít cống hiến, thậm chí phá nhiều hơn xây dựng cho đất nước, thì vênh vang đài các sống trong các biệt thự xa hoa lớn nhỏ. Dân nói không sai, họ thay thế cho những kẻ cầm quyền thối nát khi xưa và điều thật mỉa mai và ô nhục, họ tỏ ra còn kém, còn tệ hơn nhiều về trí tuệ và nhân cách không ít người trong những tầng lớp cầm quyền mà họ thay thế!

<< Những khoản nhuận bút đồ sộ | Những chuyến xuất ngoại >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 932

Return to top