Sự sụp đổ của hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa kéo theo sự tan vỡ nhanh chóng của hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực là một hiện tượng ngẫu nhiên hay là tất yếu, hợp quy luật? Đây là một câu hỏi lớn được đặt ra từ mấy năm nay, đặc biệt là từ cuối năm 1989.
Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết được thành lập từ tháng 12.1922, là sự mở rộng đầu tiên của nước Nga Xô Viết sau cuộc cách mạng tháng Mười năm 1917. Cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, khối xã hội chủ nghĩa hình thành với một loạt nước được Hồng quân Liên xô "giải phóng" ở Đông Âu; Việt nam, Bắc Triều Tiên giành được độc lập từ mùa thu 1945. Triều Tiên bị chia cắt từ 1952, Bắc Triều Tiên thuộc phe xã hội chủ nghĩa. ở Việt nam, đất nước bị chia cắt từ 1954, miền Bắc thuộc phe xã hội chủ nghĩa; sau 30-4-1975, cả nước Việt nam nằm trong phe này. Trung Quốc rộng lớn đông dân nhất thế giới gia nhập phe này từ ngày 1 tháng 10 năm 1949. Đến tháng Giêng 1959, Cu Ba là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên xuất hiện ở Châu Mỹ. ở Châu Phi, E-thi-ô-pia, Ang-gô-la, Mô-dăm-bích trong những năm trước đây, theo chế độ một đảng và công nhận chủ nghĩa Mác Lênin, được Liên xô coi là những nước "dự bị" xã hội chủ nghĩa, trong khi Ma-đa-ga-xca và Nam Yê-men là những "ứng cử viên" xã hội chủ nghĩa gần gũi. Hai nước Lào và Cam Bốt (dưới chính quyền Hun Xen) cũng thường được xem như là các nước cộng sản. Các nhà lý luận và tuyên truyền theo chủ nghĩa Mác chính thống cố chứng minh rằng phe xã hội chủ nghĩa xuất hiện theo quy luật tất yếu từ không đến có, từ nhỏ đến lớn từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh... để rồi sẽ bao gồm toàn thể trái đất và loài người. Đó là "bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên quy mô toàn thế giới", được coi là đặc điểm và nội dung cơ bản của thế giới ngày nay. Luận điểm cơ bản này gắn liền với luận điểm cơ bản thứ hai về sự rẫy chết tất yếu hiện tại của chủ nghĩa tư bản thế giới.