Nekhliudov chưa đi ngủ vội, chàng cứ đi đi, lại lại trong phòng rất lâu. Công việc với Katiusa thế là đã xong.
Nàng không cần đến chàng nữa, điều đó làm cho chàng vừa buồn vừa thẹn. Nhưng giờ đây cái đó không phải là điều làm cho chàng băn khoăn. Có một việc khác, chẳng những chưa làm xong mà nó còn khiến cho chàng phải băn khoăn lo nghĩ hơn bao giờ hết và cũng đòi hỏi chàng phải ra tay hoạt động.
Tất cả những cảnh độc ác rùng rợn chàng đã mắt thấy tai nghe trong thời gian vừa qua, đặc biệt là hôm nay, trong nhà lao khủng khiếp kia những sự độc ác đã giết chết anh Krinxov đáng yêu, những sự độc ác đó hiện đang ngự trị, tràn ngập khắp nơi. Thế mà chàng không thấy có khả năng nào để diệt trừ đi được, ngay đến dùng cách nào để diệt trừ cũng không biết nữa.
Trong trí tưởng tượng của chàng hiện ra hàng trăm, hàng nghìn người đau khổ, nhục nhã, bị bọn tướng tá, chưởng lý, giám ngục lãnh đạm kia giam hãm trong đám hơi thối tha, bệnh hoạn. Chàng nhớ tới ông già kỳ quái, phóng túng, đã vạch tội bọn cầm quyền nên được coi là điên dại, nhớ tới gương mặt tuấn tú, vàng nhợt của Krinxov, chết còn giận hờn, giữa mấy tử thi. Và câu hỏi đã đặt ra trước kia phải chăng chàng, Nekhliudov, điên hay kẻ điên chính là những kẻ tự cho mình là khôn ngoan, đã làm tất cả những điều kia? Câu hỏi đó quay cuồng mãnh liệt hơn trong óc chàng và đòi hỏi phải được trả lời.
Đi đi lại lại và suy nghĩ đã mệt, chàng ngồi xuống chiếc đi-văng kê gần ngọn đèn, và tiện có quyển kinh Phúc âm người Anh lúc nãy tặng chàng làm kỷ niệm - mà khi về chàng đã rút ở túi ra quẳng lên trên bàn - chàng thuận tay mở ra, nghĩ bụng: "Họ bảo là có thể thấy trong sách nầy câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề; chàng mở cuốn kinh Phúc âm và bắt đầu đọc đoạn thánh Mathieu, chương XVII.
1. Lúc đó đồ đệ đến gần Chúa Jesus và hỏi: ai lớn nhất trên Thiên đường.
2. Chúa Jesus gọi một đứa trẻ lại và đặt nó ở giữa bọn họ.
3. Và nói: Ta nói thực với các người là nếu các người không cải giáo đi theo đạo và không trở thành như những trẻ thơ thì các người không thể lên Thiên đường được.
4. Vì vậy ai tự hạ mình xuống như đứa trẻ nhỏ nầy, kẻ đó sẽ lớn nhất trên Thiên đường.
"Phải, phải, đúng thế đấy, Nekhliudov nghĩ và chàng nhớ lại chàng chỉ thấy mình thư thái và vui sống khi tự hạ mình xuống".
5. Và người nào nhân danh ta đón tiếp lấy một đứa trẻ như vậy tức là đón tiếp ta đó.
6. Còn kẻ nào làm cho số phận những đứa trẻ tin ở ta đó bị sa ngã thì tốt hơn hết là đem buộc vào cổ kẻ đó một cái cối đá vứt nó xuống đáy bể.
- Tại sao ở đây lại nói: người nào đón tiếp mà đón tiếp vào đâu? Và "nhân danh ta" nghĩa là gì? Chàng tự hỏi như vậy, thấy những chữ đó không có nghĩa gì đối với chàng cả. Và tại sao lại "buộc cối vào cổ và quẳng xuống đáy bể". Không, ở đây có cái gì không xuôi, không chính xác, không rõ ràng. Và chàng nhớ lại lời chàng đã mấy lần mang kinh Phúc âm ra đọc khi gặp đến những chỗ tối nghĩa như vậy, đã phát ngấy mà bỏ. Chàng tiếp tục các đoạn thứ 7, thứ 8, thứ 9, thứ 10 nói về những trường hợp sa ngã - ở cõi đời thật không tránh khỏi sa ngã; về con người phải chịu hình phạt chết thiêu trong vạc dầu, dưới địa ngục; về Chúa Cha trên Trời. Chàng nghĩ: "Thật đáng tiếc là lại thiếu mạch lạc đến thế. Song người ta cũng cảm thấy có điều gì hay hay trong đó"
11. Vì con trai của người đến để cứu vớt những gì đã mất, - chàng tiếp tục đọc.
12. Các người nghĩ sao? Nếu một người có một trăm con cừu mà một con bị lạc, anh ta để chín mươi chín con trên núi đấy để đi tìm con cừu lạc kia không?
13. Và nếu anh ta tìm thấy nó, thì ta nói chắc chắn với các người là con cừu đó làm cho anh ta sung sướng hơn là chín mươi chín con không bị lạc.
14. Cho nên Đức Chúa Cha trên đời cũng vậy, Người không muốn để mất một đứa con nào trong bọn trẻ thơ nầy cả.
"Phải, Chúa Cha không muốn một đứa nào phải chết nhưng ở đây chúng chết hàng trăm, hàng ngàn. Và không có phương kế nào cứu chúng cả", - chàng nghĩ và lại đọc tiếp:
21. Lúc đó Pie đến gần Chúa và hỏi: Lạy Chúa! Anh em tôi có lỗi với tôi, tôi sẽ tha thứ cho họ bao nhiêu lần! Có đến bảy lần không ạ
22. Chúa Jesus trả lời: Ta không bảo đến bảy lần mà đến bảy mươi lần.
23. Bởi vì thế cho nên Thiên đường cũng giống như một ông vua nào đó tính số nợ với tôi tớ.
4. Khi ông vua bắt đầu tính thì người ta dẫn đến một tên đầy tớ nợ ông một vạn đồng.
25. Vì tên đó không có gì để trả được nợ, ông vua bèn ra lệnh đem bán nó, vợ con nó, và tất cả những gì nó có thể trả món nợ.
26. Tên đầy tớ bèn quỳ xuống lạy ông vua và nói: xin Nhà vua hãy khoan cho, tôi sẽ xin trả hết.
27. Động lòng thương, ông vua tha cho tên đầy tớ và không đòi món nợ nữa.
28. Tên đầy tớ nầy ra bên ngoài, gặp một người bạn nợ nó một trăm xu. Nó bèn túm lấy bạn bóp cổ và nói: trả nợ tao đây!
29. Bạn nó sụp ngay xuống đất lạy van nó: Xin anh hãy thư cho, tôi sẽ xin trả đủ.
30. Nhưng thằng kia không nghe, nó bỏ tù con nợ cho đến khi trả xong nợ.
31. Bạn bè nó thấy sự thể như vậy rất lấy làm buồn, bèn đi kể lại đầu đuôi câu chuyện cho ông vua nghe.
32. Ông vua cho gọi tên đầy tớ kia đến và bảo: mày là một đứa độc ác, ta đã tha cho mày cả món nợ vì mày đã kêu xin ta.
33. Vậy sao mày không thương bạn mày như ta đã thương mày?
"Phải chăng chỉ có thế thôi?" Nekhliudov bỗng nói to lên, và từ bên trong toàn thể con người chàng, một tiếng nói thân thiết đáp lại: "Phải, chỉ có thế thôi".
Và sự thể xảy đến với Nekhliudov cũng giống như sự thể vẫn thường xảy đến với những người quen sống một cuộc đời tinh thần. Có khi một ý nghĩ ban đầu xem ra thật kỳ quái, ngược đời, thậm chí tức cười nữa, nhưng về sau được cuộc sống ngày càng chứng thực, nó vụt biến thành chân lý đơn giản nhất, xác thực nhất. Hiện nay, chàng cũng có một ý nghĩ như thế rất rõ ràng: chỉ có một cách chắc chắn duy nhất để cứu vớt con người thoát khỏi những sự độc ác ghê gớm làm cho họ đau đớn, là mọi người phải luôn luôn tự nhận là mình có tội trước Chúa và đã như thế thì không đủ tư cách để trừng phạt và uốn nắn kẻ khác. Giờ đây, chàng đã thấy rõ ràng những sự độc ác rùng rợn chàng đã chứng kiến trong các trại giam, các nhà tù cùng thái độ bình tĩnh tự tin của những người gây nên những điều độc ác đó đều chỉ tại ở chỗ người đời muốn làm cái việc không thể nào làm được: là bản thân mình ác, lại đi sửa chữa điều ác. Những kẻ xấu xa hư hỏng lại muốn sửa chữa cho những kẻ xấu xa hư hỏng và tưởng đạt được kết quả bằng những biện pháp cứng nhắc.
Thành thử những kẻ tham lam, túng thiếu lấy cái việc trừng phạt và sửa chữa hão đó cho con người làm nghề nghiệp của mình, trong khi bản thân chúng sa doạ đến tột cùng và không ngừng làm cho những người mà chúng hành hạ phải sa đoạ. Bây giờ thì chàng đã thấy rõ bởi đâu mà có những điều khủng khiếp chàng đã trông thấy và phải làm gì để diệt trừ cho hết những cảnh ấy đi. Câu trả lời trước kia chàng không tìm ra được chính là câu mà Chúa Cơ-đốc nói với Pi-e: phải luôn luôn tha thứ cho mọi người, phải tha thứ rất nhiều lần, là vì không có ai là không phạm tội và vì vậy: họ không thể trừng phạt hay sửa chữa người khác được.
"Nhưng không thể nào giản đơn như thế được", Nekhliudov tự nghĩ. Chàng thấy chắc chắn tuy lúc đầu thấy có vẻ kỳ lạ thật vì xưa nay chàng vốn quen đặt ngược lại vấn đề, - đấy là cách giải quyết vấn đề không những về mặt lý thuyết mà cả về mặt thực tiễn nữa. Câu hỏi vặn muốn thuở về cách xử trí đối với những kẻ làm điều ác: "Phải chăng cứ để chúng không bị trừng phạt" - từ nay không còn khiến chàng phải băn khoăn nữa. Câu hỏi vặn ấy chỉ có giá trị nếu người ta chứng thực được rằng trừng phạt sẽ làm giảm bớt số hành vi có tội và sửa chữa cho tội nhân khá lên. Nhưng khi mà điều ngược hẳn lại đã chứng minh, khi đã rõ rành rành là một số người nầy không làm gì có quyền sửa chữa cho kẻ khác, thì cái điều duy nhất hợp lý là anh có thể làm được là đừng làm việc gì đã vô ích lại có hại, hơn nữa còn vô đạo đức và tàn nhẫn nữa. Từ bao nhiêu thế kỷ nay những người được coi là phạm trọng tội đã bị xử sự. Thế mà có tiêu diệt được hết những kẻ đó không? Chẳng những họ không bị tiêu diệt, mà số lượng bọn họ còn tăng lên vì có thêm con số những phạm nhân bị hình phạt làm cho sa đoạ và cả con số những phạm nhân hợp pháp như ngài thẩm phán, chưởng lý, các quan toà và giám ngục - những kẻ vẫn xét xử trừng phạt người khác. Bây giờ Nekhliudov mới hiểu sở dĩ xã hội và trật tự xã hội tồn tại được không phải vì có những phạm nhân hợp pháp kia ngồi xét xử và trừng phạt người khác, mà là vì mặc dầu sa đoạ như vậy con người ta vẫn thương xót, yêu mến lẫn nhau.
Mong thấy ý nghĩ đó được xác định trong kinh Phúc âm, Nekhliudov đọc lại quyển sách đó từ đầu. Khi chàng đọc đến bài Răn trên núi - là một bài bao giờ chàng đọc lại cũng thấy xúc động - thì hôm nay lần đầu tiên chàng thấy trong bài đó, không phải chỉ là những tư tưởng trìu tượng tốt đẹp, phần lớn nêu ra những yêu cầu quá đáng, không sao thực hiện được, mà là những điều răn giản dị, rõ ràng và thực tế có thể được; và nếu những điều răn nầy được thực hiện (mà cái đó mười phần có thể được cả mười) thì sẽ dựng lên được một thể chế hoàn toàn mới cho xã hội loài người, trong đó không những mọi sự tàn bạo - điều mà Nekhliudov hết sức căm giận - sẽ tự tiêu ma đi, mà còn có thể xây dựng nên hạnh phúc lớn nhất loài người có thể đạt được - đó là Thiên đường trên mặt đất.
Cả thảy có năm điều răn:
Điều thứ nhất (Mathieu, chương 5, đoạn 21 đến đoạn 26) nói người ta chẳng những không được giết mà còn không được tức giận anh em, không được coi khinh ai là chẳng ra gì, là "đồ nọ, đồ kia", và nếu có cãi nhau với ai thì phải làm lành với người đó trước khi dâng lễ lên Chúa, nghĩa là trước khi cầu nguyện.
Điều thứ hai (Mathieu, chương 5, đoạn 27 đến đoạn 32) nói người ta chẳng những không được làm điều dâm dật, mà còn phải tránh không được tìm thú vui trong sắc đẹp phụ nữ và nếu đã một lần ăn ở với một người đàn bà nào thì không bao giờ được phụ bạc người ấy.
Điều thứ ba (Mathieu, chương 5, đoạn 33 đến đoạn 37) nói người ta không nên tự ràng buộc mình bằng lời thề.
Điều thứ bốn (Mathieu chương 5 đoạn 38 đến đoạn 42) nói người ta chẳng những không được ăn miếng trả miếng, mà khi bị tát vào má bên nầy, phải chìa má bên kia ra; khi bị xúc phạm phải tha thứ và nhẫn nhục, chịu đựng, và không bao giờ từ chối khi người khác yêu cầu mình giúp.
Điều thử năm (Mathieu, chương 5, đoạn 43 đến đoạn 48) nói người ta chẳng những không được căm giận kẻ thù, không được đánh nhau với chúng, mà còn phải yêu chúng, giúp chúng, phục vụ chúng.
Nekhliudov lặng lẽ ngồi mắt đăm đăm nhìn ngọn đèn. Nghĩ tới bộ mặt xấu xa của cuộc đời nầy, chàng thấy rõ là nếu con người được dạy dỗ theo những nguyên tắc kia thì cuộc đời có thể tốt đẹp biết mấy và tâm hồn chàng tràn ngập một niềm phấn khởi từ lâu chưa từng thấy, khác nào sau những cơn lo lắng và đau khổ dẳng dai, lòng chàng bỗng nhiên thấy thư thái và phóng khoáng.
Suốt đêm chàng không ngủ, và cũng như thường vẫn xảy ra đối với rất nhiều người đọc kinh Phúc âm, lần đầu tiên chàng mới hiểu được đầy đủ ý nghĩa của những dòng chữ trước kia đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần mà không nhận ra. Như chất xốp hút nước, chàng hút cạn lấy tất cả những gì thiết yếu, là trọng đại, là sảng khoái thất nhiên thấy được trong quyển sách đó. Những điều chàng đọc được tưởng chừng như rất quen thuộc, dường như nó khẳng định thêm, khiến cho chàng nhận thức sâu thêm những điều đã biết từ lâu trước kia nhưng chưa hề hnh hội được đầy đủ và chưa tin tưởng. Bây giờ thì chàng đã lĩnh hội được và đã tin.
Chẳng những chàng hiểu và tin rằng, nếu người ta thực hiện những lời rãn đó thì có thể đạt được hạnh phúc cao nhất mà người ta cố thể đạt được, mà chàng còn hiểu và tin rằng nhiệm vụ duy nhất của bất cứ ai là làm sao thực hiện trọn vẹn những điều răn đó, rằng ý nghĩa duy nhất của đời người là ở chỗ đó, vi phạm các điều răn đó là sai lầm và tức khắc chuốc lấy vào thân sự trừng phạt.
Điều đó toát ra từ toàn bộ lời dạy, nhất là ở đoạn câu chuyện những người trồng nho thì lại đặc biệt mãnh liệt và rõ ràng.
Những người làm công được chủ sai đến làm ở vườn nho, lại tưởng vườn đó là của mình: họ tưởng mọi vật trong đó đều dành cho họ và công việc của họ là thưởng thức thú vui cuộc đời trong mảnh vườn đó; họ quên bẵng người chủ và giết tất cả những ai nhắc họ nhớ đến người chủ, đến phận sự của họ đối với người chủ.
"Phải chăng chúng ta cũng đang hành động y như thế. - Nekhliudov nghĩ bụng, - khi chúng ta sống và yên trí tin tưởng một cách vô lý rằng mình là chủ nhân cuộc đời mình, mình sống là để hưởng lạc thú, điều đó thật rõ ràng là ngu xuẩn. Ta được phái đến cõi đời nầy là do ý muốn của một đấng nào đó và vì một mục đích nào đó.
Thế mà ta lại định tâm sống để hưởng vui thú riêng cho mình thôi, như vậy cố nhiên là sê xảy ra những điều chẳng lành cho ta cũng như những điều chẳng lành đối với người không làm theo ý muốn của chủ. Ý muốn của chủ biểu hiện trong những điều răn kia. Khi người ta thực hiện những điều răn đó thì lập tức Thiên đường sẽ có ngay ở trên mặt đất, và người ta đạt được hạnh phúc lớn nhất có thể đạt được.
"Hãy tìm Thiên đường và chân lý của nó đã, còn tất cả những cái khác sẽ đến với anh". Thế nhưng chúng ta lại chỉ tìm những cái khác thôi, và tất nhiên là chúng ta không tìm được.
"Đó công việc của đời ta là thế. Vừa mới xong việc nầy, thì việc khác đã bắt đầu"
Từ đêm hôm đó, Nekhliudov thấy mình bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, không phải vì chàng bước vào hoàn cảnh sống mới mà là vì đấy về sau, mọi việc chàng làm đều có ý nghĩa khác hẳn trước.
Giai đoạn mới của cuộc đời chàng sẽ kết thúc ra sao, chỉ tương lai mới chứng thực được.
HẾT
VNTQ xin chân thành cảm ơn bạn MHN - Nguyễn Học .