Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, cảm giác đầu tiên của Nekhliudov là thấy hôm trước mình đã làm một điều xấu xa nào đó.
Chàng bên hồi tưởng lại tất cả: điều xấu xa không có, hành động tồi tệ cũng không, nhưng chàng đã có những ý nghĩ xấu xa, những ý nghĩ cho rằng tất cả những ý định hiện tại - cưới Katiusa làm vợ, trao ruộng đất lại cho nông dân - chỉ là những chuyện hão huyền, những điều chàng không tài nào kham nổi; cho rằng tất cả đều giả tạo, trái với tự nhiên và chàng phải sống cuộc sống như trước kia chàng đã sống.
Chàng không hành động xấu xa, nhưng lại mắc một cái tệ hơn hành dộng nhiều, đó là những ý nghĩ gây mầm cho mọi hành động xấu xa. Một hành vi có thể không bị lặp lại và gây ân hận hối cải; còn những ý nghĩ xấu xa lại đẻ ra mọi hành động xấu.
Một hành động xấu xa chỉ dọn đường cho những hành động xấu sẽ kéo con người ta đi vào con đường đó không sao kéo lại được.
Kiểm điểm lại những ý nghĩ hôm qua, Nekhliudov lấy làm ngạc nhiên rằng mình lại có thể tin vào những ý nghĩ ấy, dù chỉ trong giây lát, những việc chàng định làm, dù có mới lạ, có khó khăn đến thế nào đi nữa, chàng cũng biết rằng, hiện nay, đấy là cách sống duy nhất khả dĩ dành cho mình, còn quay trở lại cuộc sống trước kia, dù dễ dàng quen thuộc đến đâu nữa, con đường đó sẽ dẫn chàng đến chỗ chết. Chuyện cám dỗ ngày hôm qua, bây giờ chàng thấy nó giống hệt chuyện một người ngủ đã chán mắt, không thấy buồn ngủ nữa, nhưng vẫn còn ráng ườn ra trên giường một chút, tuy biết rằng đã đến lúc phải dậy để bắt tay vào công việc quan trọng, thú vị đàng chờ đợi mình.
Ngày hôm đó, ngày cuối cùng chàng ở lại Petersburg, sáng sớm Nekhliudov đi tới đảo Vaxili, thăm Suxtova.
Căn nhà của Suxtova ở gác ba. Theo lời chỉ dẫn của người gác cửa, Nekhliudov lần theo một lối tối om, leo lên một cầu thang dựng đứng, và bước vào một gian bếp đang đun, mùi xào nấu thơm lừng. Một người đàn bà có tuổi, đeo tạp dề, hai tay xắn lên, mắt đeo kính, đứng gần lò đang quấy một xoong gì đang bốc khói.
- Ông hỏi ai? - Bà cụ ngước mắt nhìn chàng bên trên cặp kính, nghiêm giọng hỏi.
Nekhliudov vừa nói tên mình xong thì gương mặt bà cụ lộ ngay vẻ vui mừng vừa sợ hãi.
- A? Công tước! - Bà cụ vừa reo lên vừa chùi hai tay vào tạp dề. - Nhưng sao ngài lại lên cầu thang lối cổng sau thế nầy? Ngài ân nhân của chúng tôi. Tôi là mẹ đẻ ra cháu nó đấy. Suýt nữa thì chúng giết chết con bé! Ngài thật là cứu tinh của mẹ con chúng tôi, - bà cụ vừa nói vừa nắm lấy tay chàng, cố nâng lên để hôn. - Hôm qua tôi đến chỗ ngài ở; cô em gái tôi nó cứ ân cần nhắc đi nhắc lại với tôi mãi. Dì nó hiện có ở đây ạ. Mời ngài đi lối nầy, lối nầy, xin ngài đi theo tôi. - Bà cụ vừa nói vừa đưa Nekhliudov đi qua một cái cửa nhỏ, rồi qua một hành lang tối om, vừa đi bà vừa sửa lại lúc thì cái váy xắn cao, lúc thì mớ tóc - Cô em tôi đổi tên là Kornilova chắc ngài cũng nghe nói đến nó? - Bà cụ vừa thì thào vừa dừng lại trước một cái cửa. - Dì nó có dính dáng vào một vụ chính trị. Một người phụ nữ rất đỗi thông minh.
Bà cụ mở cửa mời Nekhliudov vào một căn phòng nhỏ; một thiếu nữ đang ngồi trên chiếc đi văng, trước một cái bàn; thiếu nữ lùn, béo, vận chiếc áo cánh bằng vải kẻ sọc, mái tóc vàng uốn thành những búp ôm lấy khuôn mặt tròn xanh xao và nom giống mặt bà mẹ. Một thanh niên lún phún ria và chòm râu cằm đen, mình mặc sơ mi Nga thêu cổ, ngồi cúi gập người xuống trong chiếc ghế bành đối diện hai người đang nói chuyện hào hứng, say sưa quá đến nỗi Nekhliudov đã vào trong phòng rồi họ mới quay lại.
- Lydia! Đây là công tước Nekhliudov, chính người…
Cô thiếu nữ xanh xao vùng đứng dậy, sửa một món tóc vừa xoã ra trước tai và đưa đôi mắt to xám nhìn đăm đăm vào khách, vẻ sợ sệt.
- Vậy ra cô chính là người phụ nữ nguy hiểm mà chị Vera Efemovna đã nhờ tôi can thiệp xin ân xá phải không? - Nekhliudov mỉm cười đưa tay ra bắt.
- Vâng, chính tôi đây ạ, Lydia nói. Cô có nụ cười hồn hậu như đứa trẻ, và khi cười, cô để những hàm răng trắng bóng. - Dì tôi rất muốn được gặp ngài đấy. Dì ơi! - Cô ta quay về phía một cái cửa và gọi, giọng dịu dàng, dễ thương.
- Chị Vera Efemovna đã rất buồn vì cô bị bắt đấy, - Nekhliudov nói.
- Mời ông ngồi đây; hay là ngồi kia ạ, - Lydia ngắt lời, chỉ một chiếc ghế bành có đệm, đôi chỗ đã hỏng, mà người thanh niên lúc nãy ngồi vừa đứng dậy, đi ra xa. - Đây là anh Zakharov, anh họ tôi, - cô ta nói thêm khi thấy Nekhliudov chăm chú nhìn anh nầy.
Người thanh niên cũng mỉm cười hồn hậu như cô em họ và bắt tay Nekhliudov. Khi chàng ngồi xuống chiếc ghế bành, anh ta cũng xách từ cửa sổ một chiếc ghế dựa đến ngồi bên. Từ gian bên cạnh, một cậu học sinh tóc vàng chừng mười sáu tuổi đi ra chẳng nói chẳng rằng trèo lên ngồi trên bệ của sổ.
- Bà Vera Efremovna là bạn thân của dì tôi, nhưng tôi chỉ hơi biết bà ấy thôi ạ. - Lydia nói.
Lúc ấy một người phụ nữ mặc áo choàng trắng, ngang lưng thắt một chiếc dây lưng da, vẻ mặt thông minh và có duyên, từ phòng bên bước vào.
- Chào ông! Xin cảm ơn ông đã quá bộ lại thăm chúng tôi. Vừa ngồi xuống chiếc đi văng gần Lydia bà ta nói ngay. - Thưa ông, chị Voroxka có khỏe không ạ? Ông đã gặp chị ấy phải không ạ! Không biết bị thế, chị ấy chịu đựng ra sao?
- Chị ấy chẳng phàn nàn gì hết và bảo thấy thanh thản lắm.
- Voroxka là như vậy! Tôi biết rõ chị ấy lắm - người dì Lydia vừa nói vừa mỉm cười, lắc đầu. - Phải biết rõ chị ấy mới được. Một con người cao thượng, tất cả vì người khác, không một chút vì mình.
- Thực tế, chị ấy không đòi hỏi gì hết cho riêng mình mà chỉ lo lắng về cô cháu gái bà; cái chính làm chị ấy khổ tâm, theo như lời chị ấy nói, là cô cháu bà bị bắt oan.
- Đúng đấy, người dì nói, - câu chuyện ghê quá đi Thật ra, tại tôi mà cháu phải chịu khổ đấy.
- Ấy, chẳng phải thế đâu, dì ạ! Lydia nói. - Ngay cả không vì dì, cháu vẫn nhận giữ những giấy má cơ mà.
- Dì biết rõ hơn cháu, để dì nói - người dì nói tiếp. - ông biết không, - bà ta đã quay về phía Nekhliudov, - nguyên nhân tất cả câu chuyện là do có một người đến nhờ tôi giữ hộ ít giấy má trong một thời gian, và vì tôi hồi đó không có chỗ ở, nên tôi đem đến gửi nhà cháu nó đây. Và thế là đêm ấy cảnh sát đến khám nhà; chúng tìm thấy chỗ giấy má ấy và bắt cháu đưa đi, giam giữ cho tới bây giờ, lại còn bắt nó phải khai ra ai đã đưa chỗ giấy má ấy cho nó.
- Và cháu đã không khai! - Lydia vội vã nói, vừa rứt mạnh một búp tóc chẳng làm gì cô cả.
- Đúng, đúng, dì có bảo là cháu đã khai đâu. - người dì đáp lại.
- Còn Mitin bị chúng bắt, cái đó không phải lỗi tại cháu! - người thiếu nữ vừa nói vừa đỏ mặt và lấm lét nhìn chung quanh.
- Đừng có nói chuyện ấy nữa, Lydia con. - Người mẹ ngắt lời.
- Tại sao lại không ạ? Con muốn kể lại. - Lydia nói, cô không mỉm cười nữa, nhưng mặt đỏ bừng, cô không vuốt cho mượt mà cuộn cuộn tóc vào ngón tay, mắt vẫn lấm lét nhìn quanh như lúc nãy.
- Con đã quên hôm qua, khi con mới nói đến chuyện ấy thì thế nào à?
- Không, con không quên… Để mặc con, mẹ. Cháu không nói gì cả, cháu chỉ im lặng khi chúng hỏi cháu hai lần về dì và Mitin cháu chẳng nói nửa lời và bảo thẳng cho chúng biết cháu sẽ không trả lời chúng đâu. Bấy giờ tên…Petrov…
- Petrov là một tên mật thám, một tên sen đầm và một tên vô lại nổi tiếng. - Người dì ngắt lời, giải thích những lời nói của cháu với Nekhliudov.
- Bấy giờ cái tên Petrov, - người thiếu nữ nói tiếp, vẻ kích thích vội vã, - mới dỗ dành bảo cháu: "Tất cả những gì cô nói ra với tôi đều không thể làm hại ai cả, ngược lại cô mà khai ra sẽ có thể làm cho nhiều người vô tội, những người mà có thể chúng tôi đã hành hạ oan uổng được "thoát nạn". Mặc, cháu cứ nói là cháu sẽ không nói gì hết. Bấy giờ hắn bảo cháu: "Được, mày không khai cũng được, nhưng mà đừng có chối những điều tao nói". Hắn bắt đầu kể một lô tên và cả tên Mitin nữa…
- Thôi đừng nói đến chuyện đó! Người dì nói.
- À! Dì mặc cháu, - cô ta tiếp tục kéo món tóc và nhìn chung quanh; - đột nhiên, ngày hôm sau, cháu được tin có người gõ tường báo hiệu cho biết Mitin bị bắt. Cháu bụng bảo dạ: "Mày đã phản bội anh ấy rồi!" Và cái ý nghĩ ấy làm cháu đau đớn quá chừng, đau đớn quá chừng đến nỗi suýt phát điên lên.
- Về sau đã có chứng cớ rõ ràng là cháu chẳng dính dâng đến chuyện anh ấy bị bắt kia mà, - người dì nói.
- Vâng, nhưng mà lúc ấy cháu có biết đâu thế. Cháu cứ nghĩ: mình đã phản bội anh ấy. Cháu cứ đi đi lại lại trong khoảng bốn bức tường, không lúc nào hết nghĩ ngợi. Cháu cứ nghĩ: mình phản bội anh ấy. Cháu nằm xuống, trùm kín cả đầu và thấy như có tiếng nói thì thầm vào tai, mày đã phản bội anh ấy, đã phản bội Mitin, Mitin bị phản bội. Cháu biết chắc đấy chỉ là một ảo giác, vậy mà cháu vẫn cứ nghe thấy câu ấy, rót vào tai không sao tránh được. Cháu muốn thử nhắm mắt nghỉ xem sao mà cũng không sao ngủ được. Cháu muốn thử không nghĩ ngợi gì: cũng không được. Thật, kinh quá đi mất? - Lydia nói, cứ mỗi lúc cô bé càng thêm bứt rứt bồn chồn, lúc vò cuộn món tóc vào ngón tay, lúc lại tháo ra, luôn luôn hốt hoảng, lấm lét nhìn xung quanh.
- Lydia con hãy bình tĩnh lại, con - bà mẹ vừa nói vừa lấy tay rờ vào vai con gái.
Nhưng Lydia không thể ngừng được.
- Và kinh khủng nhất là… - cô bắt đầu nói nhưng một tiếng nấc đã làm cổ nghẹn lại. Không nói hết câu, cô đứng dậy chạy vụt ra khỏi buồng, va cả người vào chiếc ghế bành. Bà mẹ chạy theo.
- Treo cổ những quân khốn nạn ấy lên? - Cậu học sinh ngồi trên bệ cửa sổ lẩm bẩm.
- Con nói gì cơ?… - bà mẹ Lydia hỏi.
- Con chỉ nói…ờ, chẳng nói gì hết… - Cậu trả lời, và cầm điếu thuốc để lăn trên bàn, châm lửa hút.