Maxlova có thể ở trong đoàn tù đi chuyến đầu tiên, nên Nekhliudov cũng chuẩn bị lên đường. Nhưng những công việc phải giải quyết lại nhiều đến nỗi chàng cảm thấy mình sẽ không bao giờ thanh toán hết được, dù có bao nhiêu thì giờ đi nữa.
Tình trạng bây giờ thật là khác hẳn với trước kia.
Trước kia, chàng phải nghĩ và bày ra công việc mà nội dung bao giờ cũng chỉ nhằm phục vụ một đối tượng duy nhất, đó là Dmitri Ivanovich Nekhliudov; mặc dầu lúc đó việc gì cũng đều nhằm tập trung vào một thân Dmitri Ivanovich, thế mà chàng vẫn thấy chán ngấy. Bấy giờ mọi công việc chàng làm lại vì người khác chứ không phải vì Dmitri Ivanovich nữa, thì tất cả chàng đều thấy thích thú và hấp dẫn; và những việc như thế thì đầy rẫy không sao kể xiết.
Hơn nữa, trước kia, khi phải trông nom tới công việc của Dmitri Ivanovich, chàng bao giờ cũng thấy khó chịu, bực tức; còn giờ đây công việc làm vì người khác thì phần lớn lại khiến cho chàng vui thích.
Công việc chàng đang làm lúc nầy chia ra làm ba loại; do cái tính ngăn nắp hơi quá đáng, chàng đã chia ra như vậy và, đi theo cái cách chia đó, chàng cũng sắp xếp những giấy tờ về các loại công việc vào ba chiếc cặp.
Loại thứ nhất là về Maxlova và công việc giúp nàng. Hiện nay là việc vận động để xin ân xá, và chuẩn bị cho cuộc hành trình đi Siberi.
Loại thứ hai là việc xử lý điền sản của chàng ở Panovo, ruộng đất chàng đã trao trả cho nông dân, với điều kiện họ phải trả một số tiền chi dùng vào những công việc cần thiết chung cho hàng xã. Nhưng để cho việc đó có giá trị về mặt pháp luật, chàng còn phải thảo khế ước, một bức chúc thư và ký vào đấy. Ở Kuzminxkoie, tình trạng vẫn y nguyên như lúc chàng giải quyết; chàng phải thu tiền cho thuê ruộng đất, nhưng kỳ hạn thu, phần tiền dành cho việc chi tiêu cá nhân của riêng chàng và phần tiền trao cho nông dân sử dụng cần phải được tính rõ. Không biết rõ chuyến đi Siberi sắp tới sẽ phải chi tiêu nhiều ít như thế nào, nên chàng chưa quyết định bỏ hẳn quyền lợi tức đó được tuy chàng đã giảm nó đi một nửa.
Loại thứ ba là việc giúp đỡ những người bị giam; con số những người yêu cầu chàng càng nhiều.
Buổi đầu khi mới tiếp xúc với những người bị bắt và họ xin giúp, lập tức chàng can thiệp ngay, cố làm cho số phận họ bớt đau khổ. Về sau, con số những người xin giúp như vậy quá nhiều, chàng thấy mình bất lực, không thể giúp từng người một được, thành ra không chủ tâm mà chàng cũng phải thành lập tập hồ sơ thứ tư; tập nầy, thời gian về sau, chàng quan tâm hơn tất cả những tập khác.
Loại việc thứ tư nhằm giải đáp những vấn đề sau đây: cái tổ chức kỳ quái gọi là "Toà đại hình" có con đẻ là nhà tù mà chàng đã biết một phần những người trong đó và tất cả những nơi giam cầm khác, từ pháo đài Petropavlovxkaia đến đảo Sakhalin, là nơi hàng trăm, hàng ngàn nạn nhân bị bộ Hình luật mà chàng cho là kỳ quái kia đang chết dần chết mòn, cái tổ chức ấy là cái gì? Có nó để làm gì? Từ đâu sinh ra nó?
Nhờ có quan hệ riêng với những người bị bắt, nhờ có những lần hỏi chuyện viên trạng sư, hỏi chuyện linh mục nhà tù và viên giám mục và qua những bản danh sách tù nhân, Nekhliudov đi đến kết luận rằng những người bị bắt giam, những người gọi là tội phạm có thể chia làm năm loại.
Loại thứ nhất gồm những người bị oan, những nạn nhân của những sai lầm trong việc xét xử như Melsov kẻ bị coi là phạm tội đốt nhà, như Maxlova, và nhiều người khác. Theo như ý kiến nhận xét của linh mục thì loại người nầy không nhiều lắm, khoảng bảy phần trăm thôi, nhưng tình trạng của họ đặc biệt đáng chú ý.
Loại thứ hai là những người bị kết án vì đã có những hành động phạm pháp trong những trường hợp đặc biệt như tức giận, ghen tuông, say rượu, vv… - những hành động mà ngay cả những người xét xử và kết án họ, nếu ở trong những trường hợp tương tự, chắc sẽ phạm phải. Loại nầy, theo nhận xét của Nekhliudov thì gần quá năm mươi phần trăm tổng số tội nhân.
Loại thứ ba gồm những kẻ bị kết án về những việc mà theo nhận thức của bản thân họ, là những việc rất bình thường, thậm chí còn đáng hoan nghênh nữa là khác; nhưng vì theo sự hiểu biết của những kẻ không ở trong hoàn cảnh của họ, lại làm ra pháp luật, thì họ bị coi như phạm pháp. Đó là những người bán rượu lậu, những người cắt cỏ và nhặt củi trong những khu rừng của tư nhân hoặc của nhà nước. Có thể thêm vào đấy những tay thổ phỉ miền núi(2) và những người không tin đạo, ăn trộm của nhà thờ.
Loại thứ tư là những người bị liệt vào số người phạm pháp chỉ vì trình độ tri thức của họ hơn hẳn trình độ trung bình của xã hội như các tín đồ tông phái, những người Ba Lan, những người Chec-ket(2) nổi lên để bảo vệ nền độc lập của họ, và như những người tù chính trị, những người theo chủ nghĩa xã hội, cả những công nhân bãi công bị kết tội không phục tùng chính quyền. Tỷ số phần trăm của những người loại nầy (những người ưu tú trong xã hội), theo nhận xét của Nekhliudov - thì rất lớn.
Sau hết, loại thứ năm gồm những người bất hạnh; xã hội đối với họ có nhiều tội hơn là họ có lỗi đối với xã hội. Họ bị bỏ bơ vơ một mình, đần độn đi vì bị liên miên áp bức, bị sa vào bẫy cám dỗ, như gã thanh niên ăn cắp thảm chùi chân và hàng trăm người khác mà Nekhliudov thấy trong nhà tù hoặc còn ở bên ngoài. Nhưng điều kiện sinh sống của họ dường như nhất định phải đưa họ một cách có hệ thống đến những hành động gọi là phạm pháp.
Theo Nekhliudov thì thuộc về loại nầy có một số rất lớn những kẻ trộm cướp, sát nhân, trong đó có, gần đây chàng có tiếp xúc với vài người. Gần gũi họ nên biết họ hơn, chàng xếp vào hạng nầy cả những người hư hỏng, những kẻ truỵ lạc, những người mà trường phái phạm tội học mới gọi là "điển hình phạm tội"(3); sự tồn tại của họ trong xã hội là luận cứ chủ yếu chứng minh cho tính tất yếu của luật hình và sự trừng phạt theo quan niệm của Nekhliudov, những người bất bình thường ấy, những kẻ hư hỏng và truỵ lạc ấy, bản thân họ cũng là con người như những con người khác, họ có tội đối với xã hội ít hơn là xã hội có tội đối với họ; có điều là xã hội không có tội trực tiếp với họ bây giờ mà là từ trước kia đã từng có tội với cha mẹ họ, tổ tiên họ.
Trong số những người thuộc loại nầy, Nekhliudov chú ý đến một tay từng phạm tội ăn trộm nhiều lần tên là Okhotin. Là con đẻ hoang của một gái điếm, nuôi dưỡng trong một dạ lữ viện cho tới ba mươi tuổi, hắn chưa hề được gặp những người có đạo đức cao hơn một viên cảnh sát; ngay từ thời niên thiếu, hắn đã nhập bọn với một bầy trộm cắp, thêm vào đấy, hắn lại có biệt tài pha trò, nên tranh thủ được cảm tình của mọi người. Trong khi xin Nekhliudov giúp đỡ, hắn giễu cợt cả chính mình, cả quan toà, cả nhà lao và tất cả pháp luật, không những luật hình của người đời mà cả luật của Thượng đế nữa.
Một tay khác là Fedorov, một gã rất đẹp trai và đã cầm đầu đồ đảng giết một viên chức già và cướp của. Gã xuất thân là một nông dân, cha gã đã bị tước đoạt mất nhà cửa một cách phi pháp; rồi vào lính, gã bị bắt giam vì đã tư thông với nhân tình của một viên sĩ quan. Gã là người có bản chất dễ thương, sôi nổi, luôn luôn khao khát hưởng lạc chưa từng gặp gỡ những người vì một lý do nào đó đã tự kỳm hãm được dục vọng của mình và chưa bao giờ nghe nói đến một mục đích nào khác ở đời ngoài sự hưởng lạc ra. Nekhliudov thấy rõ cả hai người hai bản chất rất tốt nhưng đã bị bỏ rơi nên hư hỏng đi, khác nào cây bị bỏ hoang dại nền tàn tạ, héo hon chàng còn gặp một gã lưu manh và một người đàn bà bị người ta ghê tởm và có vẻ như độc ác; nhưng chàng cũng không sao nhận thấy ở họ có cái gì là "điển hình phạm tội" như trường phái Ý đã nói, chàng chỉ thấy ở họ những con người mà chính chàng cũng không ưa, y như một số kẻ chàng đã thấy ở bên ngoài nhà tù, quần áo tề chỉnh, mang ngù vai hoặc vận đồ thêu thùa đẹp đẽ.
Vậy là vấn đề tìm hiểu tại sao tất cả những con người rất khác nhau đó bị bắt giam trong khi những kẻ khác cũng như họ thì lại được thung dung tự do, thậm chí còn ngồi xét xử những người kia nữa, là nội dung tập hồ sơ thứ tư hiện đang làm cho Nekhliudov bận tâm suy nghĩ.
Hy vọng sẽ tìm ra được câu trả lời trong sách vở, chàng mua tất cả những tác phẩm đã xuất bản đề cập đến vấn đề ấy. Chàng tìm kiếm những tác phẩm của Lombroso, của Galofalo, của Feri, của Motsley, của Tarde(4) và chăm chú đọc. Nhưng càng đọc, chàng càng thất vọng. Chàng giống như những người tìm hiểu một khoa học không phải là để giành lấy một địa vị trong giới khoa học, cũng không phải nhằm mục đích biên soạn, biện luận hay giảng dạy, mà là đặt ra với khoa học những câu hỏi trực tiếp, giản đơn, có quan hệ đến đời sống. Khoa học đã giải đáp hàng ngàn câu hỏi thông thái, oái oăm về luật hình, nhưng không giải đáp gì về vấn đề chàng đang tìm tòi. Chàng hỏi một điều rất giản dị: tại sao và căn cứ vào quyền gì mà một số người đó lại bắt giam, lại hành hạ, lại đày ải, lại đánh đập, lại giết chóc những kẻ khác, trong khi họ cũng giống y những người bị họ hành hạ, đánh đập, giết chóc? Để trả lời câu hỏi đó, chàng chỉ thấy những lời bàn luận về các vấn đề như con người có ý chí tự do hay không? Liệu kích thước, hình dáng bộ xương sọ có thể dùng để xác định tính phạm tội của một con người hay không? Trong vấn đề phạm tội thì tính di truyền đóng vai trò gì? Có truỵ lạc bẩm sinh hay không? Đạo đức là gì? Điên rồ là gì? Thoái hoá là gì? Tính khí con người là gì? Rồi thì khí hậu, thức ăn, sự ngu muội, tính hay bắt chước, thôi miên, những sự đam mê, có ảnh hưởng như thế nào đến tội ác? Xã hội là gì? Trách nhiệm của xã hội là những gì? Vân vân và vân vân.
Những lý luận đó nhắc Nekhliudov nhớ đến câu trả lời của một đứa bé chàng đã có dịp hỏi khi nó đi học về. Chàng hỏi nó đã học đánh vần chưa? "Cháu học rồi ạ" - thằng bé trả lời. - Vậy cháu hãy đánh vần chữ "cẳng" xem nào? "Nhưng cẳng nào cơ ạ? Cẳng chó ấy ạ?" - Thãng bé trả lời với một vẻ ranh mãnh. Nekhliudov đã tìm được trong các pho sách khoa học những câu trả lời tương tự, dưới hình thức những vấn đề đặt ra hỏi lại để giải đáp câu hỏi duy nhất và cơ bản của chàng. Trong những tác phẩm đó có rất nhiều điều thông minh, trí tuệ uyên bác, thú vị, nhưng lời giải đáp câu hỏi chủ yếu: Dựa vào quyền gì mà có những kẻ trừng phạt được những kẻ khác? Thì lại không có. Chẳng những chỉ thiếu câu trả lời đó mà tất cả lý luận đưa ra lại đều giải thích và chứng minh sự trừng phạt là đúng, và tính tất yếu của nó được coi là một lẽ đương nhiên. Nekhliudov đọc nhiều lắm, nhưng rời rạc từng mảng, không có hệ thống. Chàng đổ tại mình nghiên cứu hời hợt cho nên không thể nào tìm ra được câu trả lời. Chàng hy vọng sau nầy sẽ tìm thấy. Vậy nên chàng không dám để cho mình tin vào sự chân xác của lời giải đáp ít lâu nay thường vẫn hiện ra luôn luôn trong đầu óc mình.
Chú thích:
(1) Thổ dân miền Kapkaz, tuy họ bị Nga hoàng chinh phục đã lâu, nhưng họ vẫn kết đảng cướp bóc bọn khách thương, cướp các đàn gia súc của người Nga, và lấy thế làm tự hào.
2. Một dân tộc miền núi phía bắc Kapkaz
(3) Trong bản dịch Pháp văn dùng danh từ: "criminels nés" (những kẻ phạm tội bẩm sinh)
(4) Tên các nhà phạm tội học Pháp, Đức, Ý, thế kỷ XIX