Ảnh hưởng của Maria Paplovna đối với Maxlova là một thứ ảnh hưởng tự Maxlova thuận tình đón nhận. Ảnh hưởng đó do Maxlova yêu Maria mà có. Ngoài ra nàng còn chịu ảnh hưởng của Ximonxon. Ảnh hưởng nầy lại do Ximonxon yêu Maxlova mà ra.
Người ta ở đời đều sống và hành động một phần theo ý kiến của mình, một phần theo ý kiến của người khác. Một trong những điều căn bản phân biệt người nầy với người khác là mức độ họ sống theo ý kiến của mình và ý kiến của người khác đến đâu. Có những người thường coi sự suy nghĩ của mình như một trò chơi tinh thần. Họ dùng lý trí của họ như một cái tay lái tháo dây cua-roa, nên trong khi hành động họ thường làm theo ý kiến cửa người khác, theo tập quán, theo phong tục, theo luật pháp. Còn có những người khác thường lấy ý kiến của mình làm động lực chủ yếu cho mọi hành động, hầu như bao giờ họ cũng tuân theo yêu cầu của lý trí và phục tùng lý trí, chỉ thỉnh thoảng họ mới theo sự quyết định của người khác, nhưng là sau khi đã nhận định một cách có phê phán. Ximonxon thuộc vào loại người sau nầy.
- Anh kiểm điểm sự việc, quyết định theo lý trí và một khi đã quyết định rồi thì nhất định làm theo.
Hồi còn là học sinh, anh đã dứt khoát nhận định rằng sản nghiệp của cha anh, một cựu viên chức cao cấp sở Tài chính là của cải không lương thiện, và đã nói với cha nên đem nó trả lại cho nhân dân. Nhưng người cha không những đã chẳng nghe mà còn mắng chửi anh, anh liền bỏ nhà ra đi và cự tuyệt không dùng gì đến của cải của cha anh nữa. Anh đi đến kết luận là mọi tệ lậu của xã hội hiện đang tồn tại đều do sự dốt nát của dân chúng mà ra cho nên ở trường Đại học ra, anh vào đảng Dân tuý: rồi làm giáo viên ở một trường làng; anh dũng cảm truyền bá cả học sinh và nông dân những điều anh cho là đúng và công khai bài bác những điều anh cho là giả dối.
- Anh bị bắt và đưa ra toà. Trong thời gian xét xử, anh kết luận là các thẩm phán không có quyền xét xử anh và anh đã bảo họ như vậy. Khi toà không nghe và cứ tiếp tục xét xử thì anh quyết định không trả lời, mặc họ hỏi gì anh cũng chỉ im lặng. Anh bị đày đến Arkhagen. Ở đấy, anh đưa ra một học thuyết có tính chất đạo giáo: học thuyết của anh xây dựng trên cơ sở coi mọi vật trên trái đất đều sống, không có cái gì chết, và những vật ta coi là không có sự sống, là vô cơ, chỉ là những bộ phận của cơ thể hữu cơ rất lớn mà ta không thể nắm được; vì thế nhiệm vụ của con người, những phần tử bé nhỏ của cái cơ thể lớn đó, là phải duy trì sự sống của cơ thể đó và tất cả các bộ phận sống của nó. Do đó, anh cho sát hại sinh linh là một tội ác: anh phản đối chiến tranh, phản đối án tử hình và mọi thứ giết chóc khác, không cứ đối với loài người, mà cả với loài vật nữa. Về hôn nhân, anh cũng có lý thuyết của riêng mình: anh cho sinh đẻ chỉ là một chức năng thấp hèn của con người mà chức năng cao thượng là phục vụ các sinh linh đã có. Anh căn cứ vào sự kiện trong máu có những bạch huyết cầu để chứng minh lý thuyết của mình. Anh cho những người độc thân cũng giống như những bạch huyết cầu trong máu; chúng có nhiệm vụ giúp đỡ cho những bộ phận ốm yếu của cơ thể.
Từ khi nhận định như vậy, anh sống theo nguyên tắc đó, mặc dầu hồi còn trẻ, anh cũng đã có ăn chơi trác táng; và bây giờ, anh tự coi mình cũng như Maria Paplovna, là những "bạch huyết cầu" của loài người.
Tình yêu của anh đối với Katiusa không phạm gì đến thuyết đó cả vì anh yêu nàng một cách lý tưởng; anh cho là tình yêu đó không những chẳng có hại gì cho hoạt động "bạch huyết cầu" giúp đỡ những người yếu đuối của anh mà trái lại, nó còn có tác dụng cổ vũ anh mạnh hơn nữa.
Chẳng những anh quyết định theo cách suy nghĩ riêng của mình trong các vấn đề đạo đức mà còn cả trong số lớn những vấn đề thực tế. Với bất cứ một vấn đề thực tế nào, anh cũng có lý thuyết riêng của mình, anh tự quy định làm việc bao nhiêu giờ, nghỉ bao nhiêu, ăn thế nào, mặc thế nào, nhóm lò, thắp đèn ra làm sao. Ngoài ra, Ximonxon lại hay cả thẹn và nhũn nhặn. Nhưng khi quyết định làm một việc gì thì không gì có thể ngăn cản được anh và con người ấy vì yêu Maxlova nên có ảnh hưởng quyết định đến nàng. Với bản năng của người phụ nữ, Maxlova sớm thấy ngay là Ximonxon yêu mình; và khi biết mình có thể làm một người khác thường như thế yêu mình thì nàng cũng tự thấy giá trị của mình cao hơn.
Nekhliudov ngỏ ý lấy nàng là vì lòng cao thượng và cũng vì câu chuyện xảy ra trước kia, còn Ximonxon yêu nàng là yêu trong hoàn cảnh của nàng hiện nay; và đơn giản chỉ vì yêu nàng mà thôi. Nàng còn cảm thấy Ximonxon coi nàng là một phụ nữ đặc biệt khác với mọi phụ nữ khác, có những đức tính cao quý khác thường. Nàng không rõ Ximonxon thấy ở nàng những đức tính gì nhưng, dù sao mặc lòng, để chàng khỏi thất vọng về mình, Maxlova hết sức phát huy mọi đức tính tốt mà nàng có thể quan niệm được. Điều đó buộc nàng phải cố gắng để thành một người hết sức tốt.
Sự thể bắt đầu khi họ còn ở trong tù, vào một buổi gặp gỡ chung, các tù chính trị, nàng đã thấy Ximonxon nhìn mình chăm chắm với đôi mắt xanh hiền từ, hồn nhiên, dưới vừng trán dô và cặp lông mày rậm. Ngay khi đó nàng đã nhận thấy anh là một người khác thường; và nàng cũng nhận thấy trên khuôn mặt anh sự kết hợp vô tình, kỳ dị giữa vẻ nghiêm khắc toát ra từ cặp lông mày nhíu lại và mớ tóc rối bù với vẻ hiền lành, thơ ngây và vẻ hồn nhiên trong khóe mắt. Rồi đến Tomxk, nàng được chuyển vào đoàn tù chính trị và lại gặp anh. Tuy hai người chưa trao đổi với nhau một lần nào, nhưng hai cặp mắt nhìn nhau đều nói rõ là họ nhớ ra nhau và cả hai đều quý nhau. Cả sau đó, họ cũng chưa thực sự nói chuyện với nhau lần nào, nhưng Maxlova vẫn cảm thấy là những khi có mặt nàng, tuy Maxlova nói với người khác, nhưng lời nói của anh đều hướng vào nàng và anh nói là để nàng nghe, và anh cố gắng nói cho hết sức rõ ràng dễ hiểu. Chỉ đến khi Ximonxon đi bộ cùng với tù thường phạm thì hai người mới thật đặc biệt gần gũi nhau.