Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> PHỤC SINH

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 100482 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

PHỤC SINH
Lev Tolstoy

Chương 120

Bên ngoài, trời đầy sao lấp lánh. Đường đi trừ một đôi chỗ, bùn đã cứng lại. Nekhliudov trở về nhà trọ, gõ vào chiếc cửa sổ tối om. Người làm công vai rộng, chân đi đất ra mở cửa. Từ gian bên phải vọng sang tiếng ngáy ầm ầm của những người đánh xe ngựa ngủ trọ; ngoài sân, phía trước mặt, có tiếng rất nhiều ngựa nhai lúa mạch. Ở bên trái, là cửa vào một căn phòng sạch sẽ; trong phòng thoảng mùi khổ ngải lẫn mồ hôi, và đằng sau bức vách, một người phổi hẳn rất khỏe đang ngáy đều đều, nhịp nhàng; trước bàn thờ thần tượng, thắp một ngọn đến có thông phong đỏ. Nekhliudov cởi quần áo, rải đệm lên chiếc đi-văng, đặt chiếc gối da, rồi nằm duỗi dài, nghĩ lan man đến những điều đã nghe hoặc trông thấy trong ngày hôm ấy. Hình ảnh đứa trẻ gối đầu lên chân một người tù và ngủ bên vũng nước rỉ từ cái thùng phân ra, làm chàng thấy khủng khiếp hơn tất cả. Câu chuyện với Ximonxon và Katiusa tối hôm đó tuy thật là bất ngờ và quan trọng, nhưng chàng cũng không nghĩ đến nó lâu.

Trong việc nầy chàng ở vào cái thế thật là éo le và không rõ ràng nên chàng bỏ qua không nghĩ đến nó nữa. Nhưng hình ảnh những con người khốn khổ nghẹt thở trong không khí ngột ngạt nằm bên vũng nước rỉ ở thùng phân ra nhất là bộ mặt ngây thơ của đứa trẻ nằm ghếch lên chân một người tù khổ sai, lại cứ luẩn quẩn trong đầu óc chàng không dứt.

Một đằng chỉ biết là ở chốn xa xôi nào đó có người hành hạ những người khác, bắt người ta phải chịu mọi nỗi nhục nhằn, mọi sự hành hạ đau đớn, vô nhân đạo - và một đằng, suốt ba tháng ròng, luôn luôn nhìn thấy tận mắt các nỗi nhục nhã, các sự hành hạ đó, hai việc thật hoàn toàn khác nhau. Và Nekhliudov cảm thấy rất rõ điều đó. Trong ba tháng nay, chàng đã nhiều lần tự hỏi: "Mình có điên không, khi mình nhìn thấy những điều mà người khác không nhìn thấy; hay là họ điên khi họ làm những điều mà mình nhìn thấy đó?" Thế mà những con người ấy - họ rất đông - làm những điều mà chàng thấy thật quái gở, ghê gớm đó - lại vẫn tin tưởng rằng công việc họ làm là cần thiết, hơn nữa nó còn rất quan trọng và có ích nữa, thành ra thật khó mà nói họ điên được. Còn chàng, chàng biết là những ý nghĩ của mình sáng suốt nên cũng khó mà tin là chính mình điên. Cho nên chàng luôn ở trong một trạng thái băn khoăn.

Chàng hình dung những điều chàng nhìn thấy trong ba tháng nay như thế nầy:

Trong số những người trước kia sống tự do, toà án và tổ chức chính quyền đã chọn lựa những người hay cáu kỷnh nhất, nóng tính nhất, bồng bột nhất, những người có tài năng nhất nhưng lại không láu lỉnh, không khôn khéo bằng kẻ khác. Những người đó cũng chẳng có tội lỗi gì đối với xã hội, chẳng nguy hiểm gì hơn những người đang sống tự do; họ bị nhốt vào trong nhà tù, bị đưa đi đầy đi tù khổ sai, ở đó được cấp ăn mặc và hàng tháng, hàng năm, sống hoàn toàn vô công rồi nghề, xa thiên nhiên, xa gia đình, tách rời khỏi lao động tức là bị gạt hẳn ra ngoài những điều kiện thiết yếu cho một cuộc sống tự nhiên và đạo đức của con người. Đó là điều thứ nhất.

Hai là, trong những nơi họ bị giam giữ, những người đó phải chịu mọi thứ nhục nhã không cần thiết; xích chân, cạo trọc đầu, vận trên mình quần áo nhuốc nhơ; nghĩa là họ bị tước mất cái động lực chủ yếu thúc đẩy con người yếu ớt sống cuộc đời lương thiện; động lực đó là sự tôn trọng dư luận, lòng biết liêm xỉ và ý thức về phẩm giá con người.

Ba là, tính mệnh họ luôn luôn bị đe doạ: nào là bệnh truyền nhiễm thường xảy ra ở những nơi giam giữ, nào bị kiệt sức và bị đánh đập (không kể những trường hợp bị cảm nắng, bị chết đuối, chết cháy). Những tai hoạ ấy khiến họ luôn luôn sống trong tình trạng mà người tốt nhất, có đạo đức nhất, cũng do bản năng tự vệ mà phạm vào những hành động tàn nhẫn, hung ác nhất, đồng thời dung túng cho những kẻ khác hành động như vậy.

Bốn là, những người đó buộc phải sống chung đụng với những kẻ đã bị đời sống làm cho sa đoạ (và đặc biệt bị chính những tổ chức nhà tù nầy làm cho sa đoạ), chung đụng với bọn du thủ du thực, những quân lưu manh, giết người. Bọn nầy tác động vào những người chưa bị những cách đối xử kia làm cho sa đoạ hẳn khác nào như chất men tác động vào bột bánh vậy.

Năm là, bằng những thủ đoạn đó, nghĩa là bằng mọi sự ngược đãi vô nhân đạo - như hành hạ phụ nữ, trẻ con, người già; đánh đập bằng gậy gộc, roi vọt; đối với người trốn thì treo giải thưởng cho ai bắt được mang nộp, sống hay chết đều được cả; chia rẽ vợ chồng rồi ghép vợ người nọ với chồng người kia; xử bắn, treo cổ - những thủ đoạn đối đãi ấy khiến cho mọi người thấy sâu sắc rằng tất cả những hành vi tàn bạo, độc ác ấy chẳng những không bị ngăn cấm mà còn được chính phủ Nga hoàng phê chuẩn khi có lợi cho cái chính phủ đó. Như vậy thì những kẻ đã mất tự do, bị hãm vào cảnh khổ sở, khốn quẫn có làm những việc như thế nữa cũng không sao.

Tất cả những tổ chức ấy dường như đã được người ta cố tình bày ra và dựng lên để gây lên tình trạng đồi bại, tội lỗi trầm trọng đến cực độ mà không có cách nào khác có thể đạt tới được để rồi truyền bá tình trạng đồi bại, tội lỗi đó lan rộng ra khắp toàn dân. "Thật đúng như người ta phải giải quyết vấn đề: bằng cách nào tốt nhất, hiệu nghiệm nhất làm cho nhiều người nhất bị sa đoạ", - Nekhliudov ngẫm nghĩ khi chàng nhìn sâu vào những sự việc đã diễn ra trong các nhà tù và ở các trạm tù nghỉ chân ở dọc đường. Hàng năm, có hàng chục vạn người bị dồn đến chỗ đồi bại nhất, và khi họ hoàn toàn sa đoạ thì họ được thả ra để cho sự sa đoạ họ đã tiêm nhiễm phải khi ở tù được lan rộng ra khắp mọi nơi.

Ở các nhà tù Tiumen, Ekaterinburg, Tomxk và những trạm nghỉ dọc đường, Nekhliudov nhận thấy các mục đích mà xả hội dường như tự đặt ra đó đã được thực hiện rất là đầy đủ. Những con người thuần phác, bình thường, vốn trước kia vẫn giữ gìn lễ giáo Cơ đốc, lễ giáo nông dân, lễ giáo của đất nước Nga, nay đã rời bỏ những ý niệm đó; họ hấp thụ những ý niệm mới về đạo đức của nhà tù mà nội dung chủ yếu là dùng bất cứ hành động nào để làm nhục và hành hạ con người, kể cả giết chóc nữa, cũng đều là chính đáng, miễn là có lợi cho mình.

Qua những nông nỗi bản thân đã phải chịu đựng, những người đã sống trong tù, từng thớ thịt của họ cũng thấy rõ rằng các nguyên tắc đạo đức như phải tôn trọng, thương yêu con người mà Nhà thờ và nhà trường đã dạy bảo họ, trong thực tế đều bị gạt bỏ; và như thế thì họ cũng không cần phải tuân theo những nguyên tắc đó làm gì.

Sự thay đổi đó, Nekhliudov nhận thấy ở tất cả các tù nhân mà chàng quen biết: ở Fedorov, ở Maka, và cả ở Taratx, anh chàng nầy, qua hai tháng ở trong các trạm nghỉ dọc đường, đã hoá ra ăn nói tục tằn, vô lễ làm cho Nekhliudov phải kinh ngạc. Dọc đường, chàng được biết chuyện có những quân hung đồ, khi trốn vào rừng, rủ bạn đi theo để rồi giết bạn mà ăn thịt. Chàng đã được trông thấy tận mắt một đứa phạm tội ác nầy và nó đã thú nhận. Điều ghê gớm nhất là những trường hợp ăn thịt người nầy lại không phải là hiếm, mà rất thường xảy ra. Chí có dùng cách trau dồi đặc biệt cho ác tâm ác tính như ở các tổ chức nhà tù nầy, mới đưa được một người Nga đến tình trạng trở thành kẻ hung đồ như vậy, đi trước cả học thuyết mới nhất của Nietzsche (1) cho rằng bất cứ hành vi gì cũng làm được không có gì bị cấm cả, và đem học thuyết đó thoạt đầu tuyên truyền trong đám tù nhân, về sau truyền bá ra ngoài dân chúng.

Chỉ có một cách giải thích duy nhất cho những việc làm kể trên là nói: để ngăn chặn tội ác để doạ nạt, để uốn nắn, sửa chữa kẻ làm bậy, để "báo thù hợp pháp" họ, như đã ghi trong sách. Nhưng thực ra kết quả không có lấy mảy may một chút nào giống như thế cả. Đã chẳng ngăn chặn được tội ác mà còn làm tội ác lan rộng thêm ra; đã chẳng doạ nạt nổi kẻ phạm tội mà còn khuyến khích chúng thêm (nhiều kẻ du thủ du thực đã tình nguyện quay lại tù): đã chẳng uốn nắn: sửa chữa được ai mà còn làm cho tất cả những điều nhơ nhuốc xấu xa lan truyền đi một cách có hệ thống. Còn về "báo thù hợp pháp" thì sự trừng phạt của Chính phủ chẳng những không làm giảm bớt mà còn nuôi dưỡng, trau đồi lòng muốn báo thù trước kia không có trong nhân dân.

"Thế thì người ta làm như thế để làm gì?" – Nekhliudov tự hỏi và không tìm được ra câu trả lời.

Lạ lùng nhất là người ta đã làm như thế không phải một lần không phải ngẫu nhiên hoặc vì lầm lẫn, mà làm một cách thường xuyên hàng bao nhiêu thế kỷ nay rồi. Chỉ có khác là xưa kia thì người ta móc mũi, xẻo tai phạm nhân, rồi về sau, đóng dấu nung đỏ vào mặt, trói vào cột sắt còn bây giờ thì người ta cùm xích họ lại và dùng xe lửa, tàu thuỷ chở họ đi chứ không phải dùng xe bò như trước.

Theo lời một sĩ quan lại trong chính phủ thì cái điều khiến cho chàng phẫn lộ, nguyên nhân là tại những nơi giam giữ, đầy ải chưa được tổ chức được hoàn bị; chỉ cần xây dựng được những nhà tù kiểu mới thì những khuyết điểm kia sẽ được sửa chữa. Song cách giải thích nầy không làm cho Nekhliudov thoả mãn vì chàng biết rằng chàng bất bình không phải vì những nhà giam được tổ chức hoàn thiện hay không hoàn thiện. Chàng đã đọc sách báo và biết rằng người ta đã cải thiện những nhà giam bằng những chuông điện, những máy hành hình bằng điện, theo như Tarde chủ trương; nhưng chính những thủ đoạn bạo lực hoàn thiện nầy lại càng làm cho chàng thêm phẫn nộ.

Điều chủ yếu khiến cho chạng phẫn nộ là ở các toà án và các bộ có những kẻ hưởng lương cao bổng hậu, lấy tiền của nhân dân đóng góp để làm cái việc khảo cứu trong các cuốn sách do những quan chức khác như chúng biên soạn theo cùng những động cơ như chúng, sắp xếp các hành vi của những người vi phạm các đạo luật do chúng biên soạn ra để tống những người phạm pháp đi đến những nơi mà chúng không nhìn thấy họ nữa, ở đấy họ nằm hoàn toàn trong tay bọn giám ngục, cai tù, lính áp giải tàn nhẫn, độc ác, và ở đấy đã có hàng triệu người bị chết cả về linh hồn lẫn thể xác.

Giờ đây, nhìn sát hơn nữa vào các nhà tù và trạm nghỉ trên đường áp giải, Nekhliudov thấy rằng tất cả những thói hư tật xấu nẩy nở trong đám tù nhân như rượu chè, cờ bạc, độc ác, cùng các tội ác ghê gớm mà họ đã làm, cho đến cả việc ăn thịt người nữa, thực chất đều không phải là những hiện tượng ngẫu nhiên, cũng không phải là những hiện tượng thoái hoá, hiện tượng "điển hình phạm tội", mà cũng không có những chuyện quái thai như các nhà bác học ngu xuẩn, bợ đỡ chính phủ giải thích. Những tội lỗi ấy chẳng qua chỉ là hậu quả tất nhiên của một sự sai lầm không thể hiểu được là: ở đời, người nầy lại có quyền trừng phạt kẻ khác. Nekhliudov thấy rằng thói ăn thịt người khởi sinh không phải ở trong rừng hoang mà là ở trong các bộ, trong các hội đồng, các nha, các vụ; rừng hoang chỉ là nơi nó kết thúc. Chàng hiểu tất cả bọn thẩm phán, quan chức - trong đó có cả người anh rể chàng - từ tên mõ toà đến viên bộ trưởng, chúng không lo nghĩ gì đến công lý, đến hạnh phúc nhân dân như chúng thường nói; chúng có lo chỉ là lo đến những đồng tiền lương chúng lĩnh để làm cái việc đẻ ra đồi bại và đau thương. Điều đó thật quá rõ ràng.

"Nhưng phải chăng những việc làm đó cũng vẫn chỉ là một sự hiểu nhầm? Liệu có cách nào bảo đảm cho những viên chức kia không những có lương bổng mà còn được cả tiền thưởng nữa chỉ để họ đừng làm tất cả những việc họ đang làm không?" - Nekhliudov tự hỏi.

Đang suy nghĩ như vậy thì có tiếng gà gáy lần thứ hai. Mặc dầu mỗi lần cựa mình, bọ chó lại nhẩy bật ra quanh mình như những tia nước bắn tung ở bể phun các công viên, chàng vẫn ngủ say thiếp đi được.

 

Chú thích:

(1) Nietzsche (1844-1900) triết gia duy tâm, tối phản động người Đức, công khai bênh vực những chủ trương xâm lược, bóc lột của giai cấp tư sản. Y đề cao chủ nghĩa cá nhân lên tận mây xanh, ca ngợi tàn ác bạo lực, cho rằng bọn hèn chết là đáng đời (N.D)
 

<< Chương 119 | Chương 121 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 216

Return to top