Ra khỏi cổng, Nekhliudov gặp một cô gái khoác chiếc áo tạp dề sặc sỡ, tai đeo đôi hoa tai đính lông chim non, đôi chân trần chắc nịch đi thoăn thoắt trên con đường mòn uốn khúc qua cánh đồng cỏ mọc cao. Cô đang đi trở về tay trái vung vẩy theo nhịp bước nhanh, tay phải ôm mặt vào lông một con gà trống tía. Con vật, cái mào đỏ khẽ lắc lư, vẻ rất bình tĩnh, chỉ đảo đôi mắt trắng, duỗi thẳng rồi co một chiếc cẳng đen lại, móng chân dài móc cả vào chiếc tạp dề của cô gái.
Khi lại gần vị quý tộc, cô gái đi chậm lại, không chạy nữa mà thủng thẳng từng bước một: Đến ngang chỗ gặp thì cố đứng lại, ngửa mặt lên chào, và chỉ khi Nekhliudov đã đi rồi, cô ta mới tiếp tục đi, con gà vẫn ôm trong tay.
Đi tới gần cái giếng, Nekhliudov gặp một bà cụ mặc chiếc áo cánh vải thô, bẩn thỉu, lưng còng đang gánh một đôi thùng đầy nước. Bà cụ thận trọng đặt đôi thùng xuống đất và cũng hất đầu, ngửa mặt lên chào. Qua giếng thì bắt đầu tới làng. Hôm đó trời trong và nóng bức. Đến mười giờ thì đã oi lắm, chốc chốc mặt trời lại bị các đám mây đang tụ lại che lấp.
Dọc đường cái lớn, một mùi phân nồng nồng bay lên, sặc sụa, nhưng được cái không thối; mùi phân bay ra từ những chiếc xe tải lớn đang ì ạch leo lên con đường dốc bóng loáng, phẳng lì và nhất là những đống phân bị rỡ tung trong sân các nhà cổng mở rộng mà Nekhliudov đi qua. Đi sau xe là những nông dân chân đất, quần áo nhơ nhớp những nước phân; họ nhìn vị quý tộc cao lớn, đẫy đà đầu đội chiếc mũ xám, có băng lụa bóng loáng dưới ánh nắng, đang đi ngược trên con đường làng, cứ mỗi bước lại khẽ chống xuống đất chiếc can bóng đẹp, có nhiều đốt đầu bịt bạc.
Những người đi làm đồng về ngồi trên thành xe, lúc lắc theo nhịp nước kiệu của ngựa, cất mũ ra chào và kinh ngạc nhìn người khách kỳ khôi đang đi trên con đường làng mình; đàn bà con gái chạy ra cổng, hoặc đứng trên bậc thềm chỉ trỏ cho nhau và trố mắt nhìn theo khi chàng đi qua.
Đi đến trước cái cổng thứ tư thì Nekhliudov phải dừng bước, vì có một chiếc xe lèn đầy phân, tiếng bánh xe nghiến ken két, trên xe có rải một chiếc chiếu nhỏ để ngồi, đang từ trong cổng đi ra. Một thằng bé lên sáu đi theo sau xe, mặt mày hớn hở vì sắp được lên xe đi chơi.
Một anh chàng nông dân trẻ tuổi, đi dép cỏ, đang rảo bước dắt một con ngựa từ trong sân ra đường.
Một con ngựa con màu tro biêng biếc, cẳng dài nghêu bước qua cổng, nhưng trông thấy Nekhliudov nó hoảng sợ nép mình vào chiếc xe, va cẳng cả vào bánh, nó luồn lên đằng trước chiếc xe nặng nề mẹ nó đang kéo; con ngựa mẹ lo ngại, khe khẽ cất tiếng hí.
Con ngựa sau do ông già gầy còm dắt ra; ông cụ người còn nhanh nhẹn, chân cũng đi đất, mình vận chiếc quần dài kẻ sọc và một chiếc áo cánh dài bẩn trông hằn rõ cả những đốt xương sống.
Khi đã đưa ngựa ra tới đường cái rải rác những cục phân xám như bị cháy đen, ông già quay trở lại cổng, nghiêng mình chào Nekhliudov.
- Chắc ngài là cháu các bà chủ của chúng tôi trước đây có phải không ạ?
- Vâng, tôi là cháu gọi các bà là cô.
- Quý hoá quá! Ngài đến thăm chúng tôi phải không ạ? - Ông cụ già nhẹ miệng hỏi tiếp.
- Vâng, thế hoàn cảnh làm ăn sinh sống của nhà ta ra sao? - Nekhliudov chẳng biết nói gì, bèn hỏi như vậy.
- Chúng tôi sinh sống ra làm sao à…Một cách khổ cực nhất, ngài ạ, - ông già nhẹ miệng trả lời, giọng kéo dài, dường như lấy làm thích thú khi nói như vậy.
- Tại sao lại khổ cực? - Nekhliudov vừa nói vừa bước vào công.
- Không phải cuộc sống thảm hại nhất thì còn là gì nữa? - ông già vừa nói vừa đi theo Nekhliudov vào một khoảng sân sạch có mái che.
Hai người cùng vào đứng dưới mái.
- Ngài xem đấy? Nhà tôi cả thảy có mười hai miệng ăn, - ông già nói tiếp, tay chỉ vào hai người đàn bà, khăn bịt đầu xô lệch, mồ hôi nhễ nhại, váy xắn lên để hở bắp chân nhơm nhếch nước phân, tay cầm chiếc chạc hai, đang đứng trên nửa đống phân còn lại. - Tháng nào tôi cũng phải mua thêm sáu "pud" bột, hỏi lấy đâu ra tiền.
- Thế lúa cụ trống không đủ ăn à?
- Lúa nhà tôi ấy à! - ông già nói với một nụ cười khinh khỉnh. - Ruộng đất nhà tôi chỉ đủ cho ba miệng ăn, năm nay tất cả thu hoạch đánh lên được tám đống, không đủ ăn đến lễ Giáng smh.
- Thế thì làm thế nào?
- Thì cũng phải liệu cách thôi, tôi đã cho một cháu đi ở và sẽ đến xin ngài rủ lòng thương cho vay thêm. Chưa đến tuần chay cuối cùng đã tiêu hết sạch, mà tô vẫn chưa có để nộp..
- Cụ phải nộp tô bao nhiêu?
Phần nhà tôi phải trả mười bảy "rúp mỗi quý; Ôi, lạy Chúa! Hãy cứu chúng con thoát khỏi một cuộc đời như thế! Chúng con thật chẳng biết xoay xở làm sao cho thoát ra được nữa?
- Tôi muốn vào trong nhà ta được không, cụ? - Nekhliudov vừa nói vừa đi vào trong sân, chân dẫm lên một lớp phân màu vàng nghệ, mùi nồng nặc, còn để nguyên, chưa rỡ.
- Sao lại không được! Xin mời ngài vào! - ông lão nói rồi nhanh nhẹn đi lên trước, nước phân bắn vọt lên qua các kẽ ngón chân và mở cửa mời Nekhliudov vào.
Mấy người đàn bà đã sửa lại khăn ngay ngắn kéo thấp thêm vạt váy xuống; họ vừa tò mò vừa kinh ngạc ngắm nhìn vị quý tộc sạch sẽ kia, có khuy tay áo bằng vàng, đang bước vào nhà họ. Có hai đứa con gái nhỏ từ trong nhà chạy ra.
Nekhliudov cúi thấp xuống, bỏ mũ, bước qua cửa rồi vào hẳn trong căn nhà chật hẹp, bẩn thỉu, sực mùi thức ăn chua chua, có hai khung cửi choán chật cả nhà. Một bà cụ ngồi bên cạnh chiếc bếp lò, tay xắn lên để lộ cánh tay gầy rám nắng, nổi gân xanh.
- Đây là ông chủ, ngài đến thăm chúng ta, - ông cụ nói.
- Tôi muốn được biết rõ hoàn cảnh sinh sống của các - cụ ra sao? – Nekhliudov nói.
- Ngài có thể thấy chúng tôi sống như thế nầy đấy.
- Túp lều nầy ụp đến nơi rồi, ngày một ngày hai sẽ có người bị đè chết thôi! Nhưng ông lão nhà tôi thì cứ bảo nó còn vững chán. Chúng tôi sống đế vương như thế đấy, thật là đế vương, - bà cụ người lanh lợi lắc đầu nói tiếp, vẻ bực dọc. - Tôi đang chuẩn bị bữa cho lũ trẻ nó đi làm về ăn đây.
- Bữa ăn nhà ta có những món gì hở cụ?
- Có những món gì ư? Thức ăn của chúng tôi thì tuyệt, món thứ nhất: bánh mì và nước kvas (1), món thứ thì: nước kvas và bánh mì, - bà cụ vừa nói vừa cười để lộ cả hàm răng đã mòn một nửa.
- Không, tôi không nói đùa đâu, cụ cho tôi xem bữa hôm nay nhà ta ăn những món gì?
- Ăn những món gì ư? - ông cụ vừa nói vừa cười. - Bếp nước của chúng tôi không nhiêu khê đâu ạ; cứ đưa cho ngài xem, bà nó!
Bà cụ lắc đầu.
- Ngài muốn xem thức ăn quê mùa của chúng tôi ư? Trời ơi? Ngài quả là một vị hiếu kỳ đấy tôi chưa thấy ai như ngài đâu? Ngài cần biết hết cả à? Tôi đã thưa với ngài, nước "quắt" và bánh mì, rồi một món xúp với bắp cải nữa; hôm qua mấy đứa con dâu mang về được mớ cá ranh đem nấu xúp và sau nữa là khoai tây.
- Ngoài ra không còn gì nữa ư?
- Lại còn gì nữa? Thêm tí sữa cho sáng nước xúp. - Bà cụ vừa cười vừa nói, mắt nhìn ra cửa.
Cửa ngỏ, lối ra vào đầy người, trẻ em, con trai, con gái, phụ nữ bồng con chen chúc nhau ngoài cửa nhìn vị quý tộc kỳ khôi đang xem bữa ăn của nhà nông. Bà cụ thấy mình ứng đối được với nhà quý tộc lấy làm hãnh diện.
- Vâng, khổ cực, đời sống của chúng tôi thật là khổ cực ông chủ ạ. Thật khổ vô cùng - ông già nói. - Chúng bay len vào đây làm gì? - ông già quát lên mắng đám người đang chen nhau ngoài cửa.
- Thôi, xin chào các cụ, - Nekhliudov nói, chàng cảm thấy ngượng ngùng, hổ thẹn, mà không hiểu vì sao.
- Xin cảm ơn ngài đã đến thăm chúng tôi, - ông già nói.
Ở lối ra vào, mọi người đứng sít vào nhau, rẽ ra lấy lối cho Nekhliudov đi. Ra đến ngoài đường, chàng đi ngược trở lên. Có hai thằng bé đi chân đất cũng từ cửa đi theo; đứa lớn tuổi mặc chiếc áo cánh, trước kia màu trắng, nay đã bẩn, còn một đứa mặc quần áo màu hồng đã bạc, sắp rách. Nekhliudov quay lại phía hai đứa bé.
- Thế bây giờ ông đi đâu? Thằng bé áo trắng hỏi.
- Đến nhà bà Matrena Kharina. Các em có biết bà ấy không?
Đứa nhỏ mặc áo hồng bật lên cười, còn đứa lớn đứng nghiêm trang hỏi lại:
- Matrena nào ạ? Bà ấy có già không?
- Bà ấy già.
- Á à! Nó dài giọng ra. - Thế là bà Xemenikha rồi. Ở đằng đầu làng ấy. Chúng cháu sẽ cùng đi với ông đến đó. Nào Feka, chúng ta dẫn ông ấy đi đi.
- Thế còn ngựa thì sao?
- Chà? Chẳng việc gì đâu!
Thằng Feka đồng ý, cả ba theo đường cái giữa làng đi ngược lên phía trước.
Chú thích:
(1) Kvas, một thứ uống làm bằng lúa hắc mạch lên men, vị rất chua (N.D.)