Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trinh Thám, Hình Sự >> Vũ điệu quỷ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21581 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vũ điệu quỷ
Jonathan Kellerman

Chương 10

Báo chí ra ngày thứ Tư biến vụ tấn công đó thành một vụ giết người.

Nạn nhân bị cướp và bị đánh tới chết, chắc chắn là một bác sĩ. Một cái tên mà tôi không nhận ra: Laurence Ashmore. Ông ta bốn mươi lăm tuổi, mới làm tại Bệnh viện Nhi đồng miền Tây được một năm. Nạn nhân bị đánh từ phía sau, bị cướp mất ví, chìa khoá xe hơi và chìa khoá thẻ từ cho phép xe của nạn nhân được vào khu để xe của bác sĩ. Một phát ngôn viên của bệnh viện không tiết lộ tên nhấn mạnh rằng tất cả các mã vào cổng bãi đậu xe đều đã được thay đổi nhưng cũng thú nhận việc đi bộ vào bãi dễ như leo một bậc cầu thang.

Kẻ tấn công không rõ danh tính, không để lại manh mối nào.

Tôi đặt tờ báo xuống và nhìn qua những chiếc ngăn kéo bàn làm việc cho tới khi phát hiện ra một bảng phân công trực có kèm ảnh của các khoa trong bệnh viện. Nhưng bảng phân công này được làm từ năm năm trước, trước khi Ashmore tới đây.

Ngay sau 8 giờ, tôi trở lại bệnh viện. Khu đậu xe của bác sĩ đã được đóng kín bởi cánh cổng sắt, những chiếc xe trong đó đậu theo hình tròn trước cửa chính. Một tấm biển có ghi "Hết chỗ" được treo ở lối vào. Một người lính gác đưa cho tôi tờ giấy nhỏ hướng dẫn thủ tục để có được chìa khoá thẻ mới.

- Vậy lúc này tôi đậu xe ở đâu được?

Anh ta chỉ tay qua đường sang những bãi đậu xe ngoài trời han gỉ dành cho y tá và hộ lý. Tôi lùi lại, quay một vòng và phải xếp hàng đúng 15 phút. Mất thêm 10 phút nữa tôi mới tìm được nơi đậu. Ngó trước nhìn sau, tôi bước qua đại lộ, chạy nhanh tới cánh cửa trước. Hai lính gác đứng bên trong đại sảnh, nhưng không hề có dấu hiệu nào cho thấy có người vừa mới bị giết cách đó vài chục mét. Tôi biết, nơi này không còn lạ gì cảnh chết chóc nhưng một vụ mưu sát phải khiến người ta có phản ứng mạnh mới phải. Rồi tôi để ý tới những người tới, lui và chờ đợi. Không hề có sự lo lắng hay buồn phiền nào trên khuôn mặt đầy lạc quan của họ.

Tôi đi về phía cầu thang sau và phát hiện ra một danh sách trực mới ngay phía sau bàn thông tin. Ảnh của Laurence Ashmore nằm ở góc phía trái. Chuyên ngành độc học.

Nếu bức ảnh đó mới chụp thì ông ta trông rất trẻ so với độ tuổi 45. Người mảnh khảnh, mặt nghiêm nghị, tóc đen không thẳng, miệng rộng, đeo kính gọng sừng. Giống như Woody Allen mắc chứng khó tiêu, ông ta không phải là kiểu người dễ gây được khó khăn cho một kẻ tấn công. Tôi tự hỏi tại sao lại phải giết hại ông ta chỉ vì cái ví, rồi nhanh chóng nhận ra câu hỏi đó thật ngớ ngẩn.

Khi chuẩn bị vào thang máy lên tầng sáu, thì những âm thanh ở phía đầu kia của bệnh viện làm tôi chú ý. Rất nhiều áo trắng xuất hiện. Một đám người đang di chuyển nhanh về phía cầu thang chuyển bệnh nhân.

Chiếc xe chở một trẻ nhỏ đang được đẩy đi, một hộ lý đẩy, một người khác giữ ống truyền nước và chạy theo.

Một người phụ nữ mà tôi nhận ra là Stephanie. Rồi hai người mặc thường phục. Chip và Cindy.

Tôi đi theo và đuổi kịp khi họ tiến vào thang máy. Tôi cố gắng chen vào và lại gần chỗ Stephanie.

Cô nhận ra tôi và nhếch mép cười. Cindy đang nắm một tay của Cassie. Chị ta và Chip đều có vẻ mệt mỏi và không ai trong số họ nhìn lên.

Chúng tôi đi trong sự im lặng. Khi chúng tôi rời khỏi thang máy, Chip chìa tay ra. Tôi nắm lấy bàn tay ấy trong một giây.

Các hộ lý đẩy Cassie vào phòng bệnh nhân qua cánh cửa gỗ tếch. Trong vài giây, hình hài bất động của con bé được hạ thấp dần xuống giường, bình truyền nước được mắc vào máy đo giọt chảy và thanh chắn được dựng lên.

Bệnh án của Cassie đang ở chiếc xe đẩy. Stephanie cầm lấy và nói:

- Cảm ơn các anh.

Những hộ lý rời đi

Cindy và Chip lượn lờ bên cạnh chiếc giường. Đèn điện trong phòng đều tắt.

Khuôn mặt Cassie sưng vù, nhưng dường như đã được hút bớt nước - một chiếc vỏ được bơm căng. Cindy nắm tay con gái một lần nữa. Chip lắc đầu và choàng cánh tay quanh eo vợ.

Stephanie nói:

- Bác sĩ Bogner sẽ lại tới đây và cả vị bác sĩ người Thuỵ Điển nữa.

Những cái gật đầu yếu ớt.

Stephanie hất đầu. Hai người chúng tôi bước ra ngoài hành lang.

- Lại một vụ co giật nữa à? - Tôi hỏi.

- Vào lúc 4 giờ sáng. Chúng tôi đã ở phòng cấp cứu kể từ lúc đó, cố làm cho con bé tỉnh lại.

- Thế tình hình con bé ra sao rồi?

- Ổn định rồi. Mệt mỏi. Bác sĩ Bogner đang làm tất cả những gì có thể nhưng không đưa ra được chẩn đoán nào.

- Con bé có gặp nguy hiểm nào không?

- Không có nguy hiểm chết người nào, nhưng anh biết đấy, nếu liên tục bị chứng này sẽ gây hậu quả khôn lường. Và nếu càng ngày càng ác liệt thì chúng ta còn phải sẵn sàng cho những điều tồi tệ hơn - Cô lấy tay dụi mắt.

Tôi nói:

- Ai là vị bác sĩ Thụy Điển thế?

- Bác sĩ điện não đồ tên là Torgeson, đã cho xuất bản một công trình nghiên cứu về bệnh chậm chạp ở trẻ. Ông ta còn đang giảng bài tại một trường y.

Chúng tôi cùng bước tới bàn. Một y tá trẻ tóc đen đang ở đó. Stephanie viết vào bệnh án và nói với cô y tá:

- Hãy gọi ngay cho tôi nếu có thay đổi nào nhé.

- Vâng, thưa bác sĩ.
Tôi và Stephanie đi dọc hành lang một đoạn nữa.

- Vicki ở đâu nhỉ? - Tôi hỏi.

- Hy vọng là bà ấy đang ngủ ở nhà. Bà ấy xong ca vào lúc 7 giờ, nhưng lại xuống phòng cấp cứu để chào Cindy, mãi tận 7 giờ 30 mới về. Bà ấy muốn ở lại và làm thêm ca nữa, nhưng tôi đề nghị bà ấy về - Bà ấy có vẻ mệt mỏi lắm rồi.

- Thế bà ấy có chứng kiến những cơn co giật của con bé không?

Stephanie gật đầu.

- Cả người thư ký của đơn vị trực cũng chứng kiến. Cindy đã nhấn chuông, rồi chạy ra khỏi phòng kêu cứu.

- Thế Chip xuất hiện khi nào?

- Thì ngay sau khi chúng tôi ổn định được tình hình của Cassie. Cindy đã gọi điện về nhà cho anh ta và anh ta đến luôn. Tôi nghĩ lúc đó vào khoảng 4 giờ 30 thì phải.

- Tệ quá - Tôi nói.

- Ôi, chí ít thì chúng ta cũng đã khẳng định được là có những cơn co giật.

- Vậy là bây giờ mọi người đều biết Cindy không phải bị điên.

- Ý anh là sao?

- Hôm qua, Cindy nói với tôi rằng mọi người nghĩ chị ta bị điên.

- Chị ta nói như vậy thật sao?

- Thật chứ. Thì bởi vì chị ta là người duy nhất thấy Cassie bị ốm, rồi khi đến bệnh viện, con bé lại trở nên bình thường. Nên ai chẳng nghi ngờ sự trung thực của chị ta. Có thể là sự bất mãn nhưng cũng có thể chị ta biết rằng mình đang nghi ngờ nên mới nói ra để thử phản ứng của tôi. Biết đâu chị ta muốn chơi trò.

- Thế anh đã phản ứng ra sao?

- Bình tĩnh và khuyên giải chị ta, tôi hy vọng là chị ta cũng cảm thấy thế.

- Hừm - Stephanie nhăn trán - Vừa hôm trước chị ta còn lo lắng về việc bị người ta nghi ngờ thì đến hôm sau chúng ta đã có bằng chứng rất cụ thể để suy nghĩ rồi ư?

- Thời điểm sự việc xảy ra thật sự là oái oăm - Tôi đáp - Tối qua ngoài Cindy ở bên cạnh Cassie thì còn ai nữa không?

- Không có ai cả. Cũng không hẳn là luôn luôn như thế. Anh nghĩ rằng chị ta đã cho thứ gì đó vào thuốc?

- Hoặc là bóp mũi con bé. Hoặc là vặn cổ nó... Cả hai hành động này tôi đều tìm thấy khi tiến hành nghiên cứu các tài liệu ghi chép về bệnh Munchausen và tôi chắc chắn còn nhiều thủ đoạn ghê gớm hơn thế vẫn chưa được ghi chép.

- Đó là những thủ thuật mà một kỹ thuật viên hô hấp có thể biết... Khỉ thật. Vậy làm sao trong thời gian ngắn mà anh lại tìm ra được những thứ đó?

Cô lấy từ cổ mình ra một cái ống nghe. Đứng đối mặt với tường nhà, cô áp trán mình vào đó và nhắm mắt lại.

- Cô định cho con bé uống thứ gì đó phải không? - Tôi hỏi - Thuốc Dilatin hay Phenobarb?

- Tôi không thể. Bởi vì nếu con bé không có một rối loạn thật sự, thuốc chỉ gây hại thôi chứ ích gì.

- Liệu bọn họ có nghi ngờ nếu cô không dùng thuốc với con bé?

- Có thể... Tôi sẽ nói với họ sự thật. Kiểm tra não không đưa ra được kết luận nào cụ thể và tôi muốn tìm ra nguyên nhân chính xác những cơn co giật trước khi cho con bé uống thuốc. Bogner sẽ ủng hộ quan điểm này của tôi - Ông ta đang điên lên vì không tìm ra được nguyên nhân bệnh đấy.

Cánh cửa gỗ tếch mở ra, George Plumb vụt bước qua, cằm đi trước, áo phất theo sau. Ông ta giữ cửa cho một người đàn ông ở độ tuổi gần bảy mươi mặc bộ complê màu xanh dương kẻ sọc. Người đàn ông thấp hơn nhiều so với Plumb - khoảng 1mét 65 - to béo, đầu hói, đi nhanh và vòng kiềng, vẻ mặt ba phải dường như bị nhiều cú va đập: mũi bị gẫy, cằm không ngay ngắn, lông mày bạc trắng, mắt nhỏ ở đuôi đã có vết chân chim. Ông ta đeo cặp kính gọng thép, áo sơ-mi trắng cổ rộng và chiếc caravat lụa màu xanh. Đôi giày ông ta đi bóng loáng.

Hai người bọn họ đi thẳng về phía chúng tôi. Người đàn ông lùn có vẻ bận rộn ngay cả khi đứng yên.

- Chào bác sĩ Eves - Plumb nói - Và... phải chăng đây là bác sĩ Delaware?

Tôi gật đầu.
Người đàn ông lùn dường như không muốn được giới thiệu. Ông ta nhìn xung quanh khu phòng bệnh - giống y như cách Plumb đã làm hai ngày trước.

Plumb nói:

- Con bé ấy bây giờ ra sao rồi, bác sĩ Eves?

- Nó đang ngủ - Stephanie đáp, mắt vẫn tập trung vào người đàn ông lùn - Xin chào ngài Jones.

Cái đầu hói quay lại rất nhanh. Người đàn ông lùn nhìn cô, rồi lại nhìn tôi. Một cái nhìn rất chú tâm, như thể ông ta là người thợ may còn tôi là mảnh vải.

- Chính xác thì có chuyện gì đã xảy ra vậy? - Ông ta nói bằng giọng khá nặng.

Stephanie đáp:

- Cassie đã bị co giật vào buổi sáng nay.

- Trời ơi! - Người đàn ông lùn đấm một bàn tay vào bàn tay kia - Và đến nay vẫn chưa biết nguyên nhân phải không?

- Vẫn chưa, thưa ngài. Lần trước, khi con bé nhập viện, chúng tôi đã làm tất cả các xét nghiệm cần thiết nhưng nay chúng tôi phải làm lại và bác sĩ Bogner đã sắp xong. Ngoài ra còn có một giáo sư từ Thụy Điển tới nữa. Ông ta chuyên về động kinh trẻ em. Tuy nhiên, khi nói chuyện trên điện thoại, ông ta cảm thấy những gì chúng tôi đã làm là đúng đắn.

- Trời ơi! - Đôi mắt chân chim nhìn tôi. Một bàn tay thò ra:

- Tôi là Chuck Jones.

- Tôi là Delaware.

Chúng tôi bắt tay nhau rất nhanh. Bàn tay ông ta giống như lưỡi cưa gỗ. Tất cả mọi thứ thuộc về ông ta dườn như luôn luôn chuyển động.

Plumb nói:

- Bác sĩ Delaware là chuyên gia tâm lý, thưa ngài Chuck.

Jones hấp háy đôi mắt và nhìn tôi chằm chằm.

- Bác sĩ Delaware đã thăm bệnh cho Cassie - Stephanie nói - để giúp con bé đỡ sợ kim tiêm.

Jones ầm ừ không ra tiếng nào cụ thể, rồi cũng nói:

- Thôi, hãy để tôi xem chuyện gì đang xảy ra. Hãy tìm hiểu xem chuyện vớ vẩn này là gì.

Ông ta rảo bước về phía phòng của Cassie. Plumb theo sau ông ta giống như chú cún con. Khi họ đã ở bên trong phòng, tôi nói:

- Chuyện vớ vẩn ư?

- Liệu ai có thể muốn có một người ông như thế chứ?

- Chắc là ông ấy rất yêu chiếc hoa tai của Chip đấy.

- Một thứ mà ông ta không thích là các chuyên gia tâm lý. Sau khi khoa Tâm thần bị giải tán, khá nhiều người đã tìm tới ông ta, cố gắng thuyết phục để khôi phục lại khoa nào đó liên quan tới sức khoẻ tâm thần. Lẽ ra chúng tôi cũng đề nghị ông ấy duỵêt một khoản cho vay không lấy lãi nữa. Có lẽ Plumb đã chơi xỏ anh khi nói cho Jones biết anh làm nghề gì rồi đấy.

- Cái trò chơi cũ rích này á? Mà sao phải làm vậy chứ?

- Ai mà biết được. Tôi chỉ nói thế để anh cảnh giác thôi. Đám người này có những trò không bình thường đâu.

- Tôi đã ghi nhớ rồi - Tôi đáp.

Cô nhìn đồng hồ:

- Đến giờ khám bệnh rồi.

Chúng tôi rời phòng của con bé và đi về phía thang máy.

Cô hỏi:

- Vậy anh định sẽ làm gì, anh Alex?

Tôi định nói cho cô biết chuyện đã nhờ Milo nhúng tay vào vụ này. Nhưng rồi tôi lại quyết định không nói nữa.

- Theo tôi, cách duy nhất có vẻ thành công là bắt quả tang kẻ làm chuyện bẩn thỉu này hoặc đối mặt trực tiếp với hắn, buộc hắn phải thừa nhận.

- Đối mặt trực tiếp ư? Giống như là buộc tội chị ta ư?

Tôi gật đầu.

- Tôi không thể làm việc đó vào lúc này, phải vậy không? - Cô nói - bởi vì chị ta đã có nhân chứng chứng kiến cơn co giật của con bé rồi còn tôi thì lại đang mời chuyên gia tới. Có trời mới biết, có thể tôi đã hoàn toàn mất phương hướng. Có lẽ đúng là có một kiểu động kinh nào đó mà tôi không biết... Tôi đã nhận được một lá thư từ Rita sáng nay. Bà ấy gửi thư nhanh từ New York tới. - Bà ấy đang đi thăm các triển lãm nghệ thuật. Bà ấy hỏi xem có tiến triển gì trong đều trị cho con bé chưa. Tôi nghĩ có kẻ nào đó đã vượt mặt tôi và gọi thẳng đến bà ấy.

- Plumb ư?

- Hừm. Chúng tôi đã gặp nhau hôm qua và nói chung không khí không hề căng thẳng tí nào. Ông ta nói rằng ông ta đánh giá cao về sự nhiệt tình của tôi với bệnh viện. Ông ta còn cho tôi biết hiện nay tình hình tài chính rất khó khăn và sẽ còn tiếp tục khó khăn, và ám chỉ rằng nếu tôi không gây ra những rắc rồi thì vẫn có thể có được một công việc tốt hơn.

- Thế vào vị trí của Rita ư?

- Ông ta không nói cụ thể, nhưng ý ông ta là thế. Vậy nên có vẻ như ông ta đã gọi điện cho Rita và để bà ấy chống lại tôi... Dù sao, chuyện đó chẳng có gì quan trọng cả. Còn tôi sẽ làm gì với Cassie đây?

- Tại sao cô không đợi xem ông ta nói gì nhỉ. Nếu ông ta cảm thấy những cơn co giật ấy đã được ngụy tạo thì cô càng có cớ để đối đầu trực tiếp chứ sao.

- Đối đầu ư? Chắc tôi không thể đợi được rồi.
Khi chúng tôi tới gần phòng đợi, tôi đã đưa ra lời nhận xét rằng vụ giết Laurence Ashmore có rất ít tác động đối với vụ này.

- Ý anh là gì?

- Không thấy ai nói về chuyện này.

- Đúng thế. Anh nói đúng - thật kinh khủng phải không?

Một vài bước nữa, cô nói:

- Tôi thực sự không quen biết người này - Ashmore ấy. Ông ta luôn sống thu mình - kiểu tính cách không thích giao du với mọi người. Không bao giờ thấy ông ta đi dự các cuộc họp giao ban, không bao giờ trả lời các thư mời dự tiệc.

- Nếu không chịu giao du thì làm sao ông ta có người giới thiệu khách tới chỗ mình chứ?

- Ashmore không muốn có người giới thiệu khách tới chỗ mình đâu - ông ta không hề khám chữa bệnh, chỉ nghiên cứu thôi.

- Bằng chuột trong phòng thí nghiệm à?

- Chỉ những chú chuột thôi. Nhưng nghe nói ông ta khá thông minh - khá giỏi về ngành độc học đấy. Vì vậy khi Cassie bắt đầu nhập viện với chứng rối loạn hô hấp, tôi đã yêu cầu ông ta kiểm tra các phác đồ điều trị của nó.

- Cô nói cho ông ta biết lý do ư?

- Anh nghĩ rằng tôi đã nghi ngờ ư? Không. Tôi muốn ông ta tham gia một cách bình thường. Tôi chỉ bảo ông ta tìm xem có thứ gì đó bất thường không thôi. Ông ta rất miễn cưỡng, gần như là cáu bẳn không muốn làm, như thể bị ép buộc. Một hai ngày sau, tôi nhận được tin nhắn trên điện thoại nói rằng ông ta không tìm được gì. Và cũng trong lời nhắn, ông ta yêu cầu tôi không làm phiền ông ta nữa.

- Thế thì ông ta lấy gì để sống và làm thí nghiệm? Được trợ cấp à?

- Tôi nghĩ vậy.

- Tôi nghĩ bệnh viện này thậm chí cấm chuyện đó là đã khá rồi ấy chứ. Họ đâu muốn phải tốn thêm tiền đầu tư cho nghiên cứu.

- Tôi không biết nữa - Cô đáp - Có thể Ashmore tự trang trải.

Stephanie nhăn trán:

- Dù quan hệ xã hội của ông ta ra sao thì việc xảy ra với ông ta cũng thật đáng sợ. Đã từng có thời kỳ, dù trên đường phố có như thế nào đi nữa thì một người mặc bộ blu trắng hay đeo ống nghe trên cổ luôn luôn được an toàn. Bây giờ thì quy tắc đó đã bị phá vỡ. Đôi khi tôi có cảm íac mọi thứ trên thế gian này dường như đang sụp đổ.

Chúng tôi đi tới phòng kh ám. Phòng đợi đã chật kín người và ồn ào như chợ vỡ.

Stephanie nói:

- Tôi đã thấy ngán những chuyện xảy ra quanh đây rồi. Tôi chỉ muốn nghỉ ở nhà cho đỡ mệt.

- Tại sao cô không làm thế?

- Thì còn đang phải trả nợ.

Mấy người phụ nữ vẫy tay về phía Stephanie, cô cũng chào đáp lễ. Chúng tôi qua cánh cửa tới khu y tế và đi về phía văn phòng của cô. Một y tá nói:

- Xin chào bác sĩ Eves.

Stephanie cười. Một y tá khác đến và đưa cho cô tập bệnh án.

Cô nói:

- Chúc mừng Giáng sinh, Joyce!

Cô y tá cười và lui ra.

- Thôi, tạm biệt cô nhé - Tôi chào.

- Vâng, cảm ơn anh - À, tôi đã biết một số thông tin khác về Vicki. Theo một y tá mà tôi từng làm việc với tại tầng năm thì bà Vicki có hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm. Ông chồng nghiện rượu thường đánh đập bà ấy. Vì vậy, bà ấy có vẻ hơi căng thẳng - chán ghét đàn ông. Bà ấy vẫn còn làm phiền anh phải không?

- Không. Thực ra chúng tôi đã có cuộc gặp riêng với nhau và thống nhất hoà hoãn tạm thời.

- Tốt.

- Bà ấy có thể ghét đàn ông, nhưng không ghét Chip - Tôi nói.

- Chip không phải là người đàn ông bình thường. Anh ta là con trai của ông chủ.

- Đấy nhé - Tôi nói - Thế là đã có lời giải thích về việc bà ta căm thù tôi rồi. Rất có thể bà ấy đã tới bác sĩ để được giúp đỡ nhưng lại bị thất vọng. Tất nhiên, căng thẳng gia đình triền miên có thể dẫn bà ta đi theo những hướng khác - trở thành người hùng trong công việc để củng cố thêm lòng tự trọng của mình. Không biết bà ấy giải quyết vụ co giật ra sao?

- Tốt lắm. Tôi có thể gọi đó là hành động anh hùng. Bà ấy đã làm cho Cindy bình tĩnh trở lại, kiểm tra kỹ Cassie để đảm bảo con bé ổn thì mới gọi điện sang cho tôi. Bà ấy thật sự là người bình tĩnh, mọi thao tác đều rất chính xác.

- Đúng là người luôn làm được theo sách giáo khoa.
- Nhưng giống như anh từng nói, làm sao bà ấy có thể tham gia nhiệt tình được khi mà ở nhà mình đang xảy ra khủng hoảng chứ?

- Nhưng cuộc khủng hoảng riêng của bà ấy thì không. Nói một cách công bằng thì không hề. Tôi không nói rằng tôi thực sự nghi ngờ bà ấy. Tôi chỉ biết gia đình bà ấy có chuyện không vui, bà ấy thường xuyên tới đây và làm rất tốt công việc của mình. Có lẽ vì bà ấy hay làm tôi bực mình nên tôi mới để ý nhiều hơn thôi.

- Anh nói hay nhỉ?

- Thì cô biết rồi đấy.

- Tôi luôn luôn giữ lời hứa của mình - Cô nhìn đồng hồ - Tôi phải khám bệnh vào buổi sáng này, rồi tới Century City để đón Torgeson này, rồi phải đảm bảo rằng không bị mắc kẹt trong bãi đậu xe này. Mà họ cho anh để xe ở chỗ nào thế?

- Bên kia đường, giống như những người khác thôi.

- Ôi, tôi sơ ý quá.

- Thôi - Tôi nói, giả vờ giận dỗi - Một số người trong chúng ta là những vĩ nhân của thế giới còn một số khác phải đậu xe ở bên kia đường đấy thôi.

- Trên điện thoại nghe giọng ông ta rất lạnh lùng - Stephanie nói - nhưng ông ta đúng là tay ác ôn đấy - đang nằm trong Uỷ ban bầu chọn giải Nobel đấy.

- Ôi chao.

- Nào, thử xem liệu chúng ta có thể làm cho gã bị thất vọng không.

 

Tôi gọi cho Milo từ buồng điện thoại công cộng và để lại lời nhắn cho anh: "Vicki Bottomley có người chồng nghiện rượu và có thể đã đánh đập bà ta khá tàn tệ. Chẳng biết chuyện này có liên quan gì không nhưng xin anh kiểm tra hộ hồ sơ về gia đình họ có xảy ra chuyện gì bạo lực không và nếu có thì hãy cho tôi biết cụ thể về ngày tháng vụ việc xảy ra nhé".

Một y tá mẫu mực như sách giáo khoa.

Căn bệnh Munchausen thế thân y như sách giáo khoa.

Những cái chết trong khi ngủ y như sách giáo khoa.

Cái chết đã được cố bác sĩ Ashmore đánh giá.

Người bác sĩ này đã không được nhìn thấy các bệnh nhân.

Chỉ là sự trùng hợp kinh khủng, không hề có gì để nghi ngờ. Chỉ cần làm việc lâu ở bệnh viện nào đó người tôi cũng sẽ thấy đầy rẫy những thứ thật kinh tởm. Nhưng không còn biết phải bắt đầu từ đâu, tôi liền quyết định tự mình xem xét kỹ hơn bệnh án của Chad Jones.

Phòng hồ sơ bệnh án vẫn được đặt ở tầng hầm. Tôi phải xếp hàng chờ đợi sau hai người thư ký mang phiếu yêu cầu và một bác sĩ nội trú có vác theo máy tính xách tay, cuối cùng người ta thông báo cho tôi biết rằng hồ sơ của bệnh nhân đã chết được đặt ở tầng hầm phía dưới nữa ở nơi gọi là SPI - tình trạng không còn sự sống. Có vẻ như đây là sản phẩm mà quân đội tạo ra.

Trên bức tường ngay bên ngoài cầu thang của tầng hầm này có một tấm bản đồ. Trên tấm bản đồ có những mũi tên chỉ "bạn đang ở đây" ở dưới góc bên tay trái. Phần còn lại là những hành lang. Đường hành lang được lát gạch trắng và trải thảm màu xám có in hình các tam giác màu đen và tím. Những cánh cửa cũng màu xám, tấm ghi tên thì màu đỏ. Hành lang được chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang và có mùi chua của phòng thí nghiệm hoá học.

SPI nằm giữa mạng lưới các hành lang, giốn như cái hộp nhỏ, rất khó xác định từ không gian hai chiều trên bản đồ.

Tôi bắt đầu bước đi và đọc biển hiệu trên các cánh cửa. Phòng nồi hơi, khu chứa đồ. Một loạt các cánh cửa có ghi là Hậu cần và nhiều cánh cửa khác không ghi gì cả.

Hành lang ngoặt phải.

Chụp hoá quang phổ. Hồ sơ X-quang. Hồ sơ mẫu vật. Một tấm biển to ghi: Nhà xác: Không được vào nếu không được phép.

Tôi dừng lại. Không ngửi thấy mùi formalin, không có dấu hiệu nào về sự chết chóc, chỉ có sự im lìm và mùi acetic cùng với không khí lành lạnh có lẽ là do nhiệt độ thấp gây ra.

Tôi hình dung tấm bản đồ trong đầu. Nếu tôi nhớ chính xác thì rẽ phải một lần nữa, rồi rẽ trái và đi một đoạn ngắn mới tới được SPI. Tôi lại bước đi và nhận ra rằng từ khi xuống tới đây tôi chưa hề gặp người nào khác. Không khí trở nên lạnh lẽo hơn.

Tôi rảo bước, chút nữa thành chạy thì một cánh cửa bên tường phải đột nhiên bật mở, nếu không tránh nhanh thì nó đã đập vào tôi.

Tường bên phải hoàn toàn không có biểu hiện gì hết. Mấy người đàn ông mặc bộ đồ bảo hộ lao động xám xuất hiện, tay ôm máy tính, nhưng là những chiếc máy tính rất lớn. Họ hằm hằm bỏ đi. Rồi hai người công nhân nữa xuất hiện. Cuối cùng là một người đàn ông, tay áo xắn lên cao, cơ bắp cuồn cuộn đang ôm chiếc máy in laze. Một tấm thẻ tra cứu bằng bàn tay dán vào chiếc máy in. Tấm thẻ ghi: L.Ashmore, M.D.

Tôi bước qua cánh cửa ấy và phát hiện ra Presley Huenengarth đang đứng ở bậu cửa, tay cầm nắm giấy in. Phía sau anh ta là những bức tường màu be không trang trí, đồ đạc bằng kim loại màu đen, vài cái máy tính trong tình trạng không được nối mạng.

Một chiếc áo choàng trắng treo trên giá là dấu hiệu duy nhất chứng tỏ có cái gì đó là sự sống chứ không phải những con toán bất động đã được trông thấy ở đây.

Huenengarth nhìn tôi chằm chằm.

Tôi nói:

- Tôi là bác sĩ Delaware. Chúng ta đã gặp nhau hai ngày trước. Tại Bệnh viện Nhi đồng miền Tây ấy.

Anh ta gật đầu rất nhẹ.

- Chuyện về bác sĩ Ashmore thật tồi tệ - Tôi nói.

Anh ta lại gật đầu rồi lùi vào trong phòng một bước và đóng cửa.

Tôi nhìn dọc theo hành lang, nhìn những người đàn ông làm công tác bảo dưỡng mang đồ đạc của Ashmore và nghĩ tới những kẻ đào trộm mồ. Bỗng nhiên, một căn phòng đầy ắp những hồ sơ khám bệnh tử thi lại có vẻ thật ấm áp và mời gọi.

<< Chương 9 | Chương 11 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 297

Return to top