Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 152279 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM
Mikhail Solokhov

Chương 160

Sau khi điều tra thì thấy ở trấn Ust-Khopeskaia không thành lập được một đội nghĩa dũng nào. Kể ra cũng có tổ chức được một đội, nhưng không phải ở Ust-Khopeskaia, mà ở Bukanovskaia.
Người thành lập đội nầy lại chính là anh chàng chính uỷ Mankin mà gã Cô-dắc cựu giáo đã nói tới trong khi đi đường. Mankin đã được bộ tư lệnh Tập đoàn quân Hồng quân số 9 cử đến các trấn vùng hạ du sông Khop. Những người đảng viên cộng sản và cán bộ chính quyền Xô viết ở các trấn Elanskaia, Bukanovskaia, Slasevskaia và Kumyngienskaia, có một số chiến sĩ Hồng quân đến bổ sung, đã tổ chức được một đơn vị chiến đấu khá mạnh gồm hai trăm tay súng cùng vài chục tay gươm của đội trinh sát kỵ binh phối thuộc với họ.
Đội nghĩa dũng nầy tạm thời đóng ở Bukanovskaia cùng một đại đội của trung đoàn Moskva để chặn quân phiến loạn đang cố tấn công xuống từ các miền thượng lưu hai con sông Elanca và Dimovna.
Sau khi nói chuyện với trưởng ban tham mưu, một sĩ quan chủ lực cũ mặt mũi cau có, tính tình nóng nảy, và chính uỷ, một công nhân Moskva trước kia làm ở nhà máy Mikhenxon, Stokman quyết định ở lại Ust-Khopeskaia, gia nhập tiểu đoàn hai của trung đoàn. Stokman đã nói chuyện rất lâu với chính uỷ trong một căn phòng nhỏ khá sạch sẽ đầy những bó xà cạp, những cuộn dây điện thoại và những thứ đồ quân dụng khác. Người chính uỷ lùn choằn choằn, da mặt vàng ệch, đang khổ vì những cơn đau ruột thừa. Anh nói giọng chậm rãi:
- Đồng chí thấy không, đây là một bộ máy rất phức tạp. Phần lớn các anh em ở chỗ tôi là dân Moskva và Ryazan, một số ít ở Nizegrod. Các anh em nầy rất kiên cường, phần lớn là công nhân. Nhưng ở đây cũng có một đại đội kỵ binh, thuộc sư đoàn Mười bốn, toàn là những tạy tự do vô kỷ luật. Chúng tôi đã phải trả họ về Ust-Medvediskaia… Đồng chí hãy ở lại đây, công việc nhiều lắm. Cần phải làm công tác trong dân chúng, phải giải thích. Đồng chí cũng rõ đấy, cái dân Cô-dắc nầy… ớ đây cần phải đề phòng, phải lắng tai nghe ngóng mới được.
Hai con mắt người chính uỷ nom rất đau khổ, lòng trắng vàng khè. Stokman nhìn cặp mắt ấy, mỉm cười trước cái giọng kẻ cả của anh ta và nói:
- Tất cả các chuyện ấy, tôi cũng hiểu rõ không kém gì đồng chí đâu. Nhưng đồng chí hãy bảo cho tôi biết đồng chí chính uỷ ở Bukanovskaia là một người như thế nào?
Người chính uỷ vuốt bộ ria xám xám tỉa ngắn, lởm xởm như bàn chải, trả lời bằng một giọng thẫn thờ, lâu lâu mới ngước hai hàng mi quầng xanh, trong trong, nhìn lên:
- Ở bên ấy, có một thời gian đồng chí ấy đã quá mạnh tay. Kể ra cũng là một anh chàng tốt, nhưng không nhận thức được đặc biệt rõ ràng tình hình chính trị. Nhưng dù sao chặt cây cũng không thể nào tránh khỏi văng cành… Hiện nay đồng chí ấy đang bắt đàn ông trong dân các trấn chuyển vào sâu trong nước Nga… Đồng chí hãy qua quản lý, hắn sẽ ghi danh sách tính sinh hoạt phí cho các đồng chí. - Người chính uỷ vừa cau mày nói một cách đau khổ, vừa dùng một tay kéo cái quần bông nhớp nhúa.
Sáng hôm sau, tiểu đoàn Hai nghe thấy hiệu kèn "Cầm súng" bèn chạy ra tập họp điểm danh. Một giờ sau tiểu đoàn đã tiến về phía thôn Krutovsky theo đội hình hành quân. Stokman, Miska và Kotliarov cùng đi trong một hàng bốn người.
Đến Krutovsky, một đội trinh sát kỵ binh được phái sang bên kia sông Đông. Đội hình hành quân của tiểu đoàn bám sát phía sau để vượt sông. Nước đọng từng vũng trên con đường đất nhão, đầy những dòng nước phân gia súc nâu nâu. Băng trên mặt sông toàn một màu xanh đục, lỗ chỗ bọt nước. Các chiến sĩ lót hàng rào lên những khoảng nước không lớn lắm ven sông để đi qua. Sau lưng họ, từ trên ngọn núi, đại đội pháo nã từng loạt đạn vào các lùm cây trong các khu rừng tiêu huyền ven thôn, có thể nhìn thấy sau thôn Elansky. Tiểu đoàn có nhiệm vụ vượt qua thôn Elansky mà quân Cô-dắc vừa rút bỏ, để tiến về hướng trấn Elanskaia và đánh chiếm thôn Antônov sau khi bắt liên lạc với đại đội của tiểu đoàn một tấn công từ Bukanovskaia tới. Theo mệnh lệnh tác chiến, tiểu đoàn trưởng phải cho đơn vị tiến theo hướng thôn Betborodov. Chẳng mấy chốc trinh sát kỵ binh đã về báo cáo rằng họ không phát hiện thấy địch ở Betborodov, nhưng bên phải thôn chừng bốn vec-xta, có những tiếng súng trường bắn rất dày.
Đạn pháo binh bay rất cao qua đầu các đội hình hàng dọc của Hồng quân kèm theo những tiếng rít, tiếng rú. Những tiếng nổ cách đó không xa của đạn trái phá làm rung chuyển cả mặt đất. Phía sau, băng nứt răng rắc trên sông Đông. Kotliarov quay đầu nhìn lại.
- Có lẽ nước đang lên.
- Bây giờ mà vượt sông Đông thì cũng chẳng thú gì. Băng sẽ tan lúc nào không biết, - Miska lầu bầu có vẻ bực bội. Anh chàng chưa làm thế nào quen được với bước chân của bộ binh, vẫn chưa đi được dứt khoát và đúng chân.
Stokman nhìn những cái dây lưng nhằng nhịt dây đeo của những người đi trước, những nòng súng trường đưa đi đưa lại đều đặn cùng với những cái lưỡi lê màu xám khói, nước bám lấm tấm như mồ hôi. Anh quay đầu nhìn lại thấy những khuôn mặt nghiêm trang và bình thản của các chiến sĩ Hồng quân, những khuôn mặt khác nhau mà cũng giống nhau lạ lùng, thấy những cái mũ xám đính ngôi sao đỏ năm cánh ngật ngưỡng theo nhịp chân, những chiếc áo ca-pốt xám cũ quá đã vàng khè, còn những chiếc nào mới hơn thì màu sáng hơn và sần sùi. Anh nghe thấy tiếng những bước chân viễn chinh nặng nề của đoàn người đang dẫm lõm bõm, tiếng nói chuyện trầm trầm, tiếng ho đủ các giọng, tiếng bình toong đập lanh canh. Anh ngửi thấy mùi ủng ẩm ướl, mùi thuốc lá hạng tồi, mùi dây đeo đạn. Anh dõi mắt cố đi cho khỏi nhầm chân, và cảm thấy trong lòng mình dạt dào những tình cảm rất ấm cúng đối với những anh em mà hôm qua mình còn chưa quen, bụng bảo dạ: "Hay thật, không hiểu sao trong lúc nầy mình lại đặc biệt thấy yêu, thấy thương những anh chàng nầy như thế? Không hiểu có cái gì ràng buộc mình với họ! Chà, lý tưởng chung chứ còn gì nữa? Không, có lẽ đây không phải là lý tưởng, mà còn là sự nghiệp. Nhưng còn gì nữa không? Có lẽ còn có hoàn cảnh cùng ở gần sự nguy hiểm, gần cái chết? Nhưng không hiểu sao lại thân thiết một cách đặc biệt như thế nầy… - Rồi một nét cười chế nhạo thoáng hiện trong con mắt anh. - Chẳng nhẽ mình đã già mất rồi?"
Stokman có một cảm giác sung sướng tương tự như cảm giác của một người cha khi nhìn cái lưng cánh phản, rất thẳng, rất khỏe và khoanh cổ hồng hào, căng tròn hở ra giữa cổ áo và cái mũ của người chiến sĩ Hồng quân đi trước mắt anh. Anh đưa mắt nhìn người đi bên cạnh, thấy một khuôn mặt cạo nhẵn nhụi, da ngăm ngăm với những đám hồng hồng đầy sức sống, cặp môi mỏng và dũng cảm, và cái thân hình cao lớn nhưng cân đối như một con bồ câu. Người chiến sĩ đi gần như không vung bên tay không giữ súng, mắt lúc nào cũng nheo nheo khó chịu, đuôi mắt có những vết nhăn như mạng nhện của người già. Stokman bỗng cảm thấy muốn bắt chuyện.
- Đồng chí vào bộ đội đã lâu chưa?
Cặp mắt màu nâu nhạt của người chiến sĩ đi bên cạnh liếc nhanh nhìn khắp người Stokman, ánh mắt lạnh lùng và thăm dò.
- Từ năm Một nghìn chín trăm mười tám, - Anh ta trả lời qua kẽ răng.
Câu trả lời dè dặt ấy không làm Stokman nản lòng.
- Đồng chí quê ở đâu thế?
- Bố già định tìm đồng hương à?
- Nếu gặp được đồng hương thì thú lắm.
- Tôi là dân Moskva.
- Công nhân à?
- Phải.
Stokman đưa nhanh mắt xuống nhìn bàn tay người đi bên cạnh.
Thời gian còn chưa xoá nhoà dấu vết của những ngày làm đồ sắt.
- Thợ kim khí à?
Cặp mắt nâu nâu kia lại lướt trên mặt Stokman, trên bộ râu đã hơi hoa râm của anh.
- Thợ tiện kim khí. Đồng chí cũng thế à?
Anh nghiêm khắc trong đuôi con mắt nâu nâu tựa như ấm lại.
- Trước kia tôi là thợ nguội… Nhưng tại sao đồng chí cứ nhăn nhăn nhó nhó thế?
- Ủng hong quá khô, bị sát chân. Đêm qua tôi nằm ở vọng tiêu bí mật, bị ẩm chân.
- Đồng chí không sợ à? - Stokman mỉm cười, vẻ thông cảm.
- Sợ cái gì cơ chứ?
- Còn sao nữa, chúng mình đang đi vào một trận đánh…
- Tôi là một đảng viên cộng sản.
- Thế đảng viên cộng sản không sợ chết hay sao? Không phải là người hay sao? - Miska nói xen vào câu chuyện.
Người đi bên cạnh Stokman xốc lại rất nhanh khẩu súng trường, ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời, nhưng văn không nhìn Miska:
- Người anh em ạ, cậu còn chưa đi sâu vào các chuyện như thế nầy. Tôi thì không thể nào sợ được. Tự mình phải ra lệnh cho mình, cậu hiểu không? Tay chưa đeo găng sạch thì chớ tìm cách mò mẫm trong tâm hồn tôi… Tôi biết tôi chiến đấu vì cái gì và chiến đấu chống lại kẻ nào, tôi biết rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Mà đó là điều chủ yếu. Ngoài ra tất cả đều không đáng kể. - Anh ta mỉm cười như với một hồi ức nào đó, rồi đưa mắt nhìn nghiêng khuôn mặt của Stokman và nói - Năm ngoái tôi tham gia chi đội của Kraxavchev ở Ukraina, hồi ấy đang có chiến đấu. Chúng tôi đã luôn luôn bị đánh lui. Tổn thất nhiều. Thương binh bắt đầu bị bỏ lại. Nhưng đến một nơi gần Zomerinka, chúng tôi bị bao vây. Phải lợi dụng đêm tối vượt qua trận tuyến của bọn Trắng, phá nổ một cái cầu trên con sông nhỏ trong hậu phương của chúng nó để chặn xe lửa thiết giáp của chúng nó, vì chúng ta phải vượt qua một đoạn đường sắt. Cấp trên kêu gọi người tình nguyện. Nhưng không ai đứng ra. Các đảng viên cộng sản, hồi ấy không đông lắm, bèn nói: "Sẽ rút thăm xem trong số chúng ta ai sẽ đi". Tôi nghĩ đi nghĩ lại thế nào bèn xin đi. Tôi mang thuốc nổ, dây cháy chậm, một bao diêm, từ biệt các đồng chí rồi ra đi. Đêm đã tối lại có sương mù. Đi được chừng một trăm xa-gien thì phải bò. Bò qua một khoảng lúa mạch đen chưa gặt rồi xuống một cái rãnh. Tôi còn nhớ lúc bắt đầu bò từ dưới cái rãnh lên đã có một con chim không biết con gì bay vụt ngay từ dưới mũ tôi lên. Pha-a-ải… Tôi bò cách vọng gác của địch mười xa-gien, lần tới được cái cầu. Quân địch có một vọng tiêu súng máy bảo vệ cầu. Tôi nằm chừng hai tiếng đồng hồ chờ đến lúc có thể hành động rồi đặt thuốc nổ và kéo tà áo che để đánh diêm, nhưng diêm bị ẩm không cháy. Vì tôi bò sấp, nên sương thấm vào người, đến vắt được ra nước, các đầu diêm đều ẩm sì. Thế rồi, bố già ạ, lúc ấy tôi bắt đầu thấy sợ. Trời đã sắp hửng, tay tôi run lên, mồ hôi đầm đìa, chảy cả vào mắt. Tôi nghĩ thầm: "Hỏng bét rồi" nhưng lại tự nhủ: "Nếu không phá nổ mình sẽ tự cho mình một phát!" Hỳ hục mãi, hỳ hục mãi, rồi cuối cùng vẫn đốt được, sau đó tôi bỏ chạy. Khi phía sau có tiếng nổ tôi đã núp được sau nền đường sắt, dưới chân những bảng tín hiệu.
Quân địch kêu rầm lên. Chúng nó báo động. Hai khẩu súng máy bắn loạn xạ. Nhiều thằng kỵ binh phi ngựa qua chỗ tôi, nhưng giữa đêm lối thì tìm được cái gì? Tôi rời khỏi chỗ những cái bảng tín hiệu, xuống được đồng lúa. Và mãi đến lúc ấy, bố già có biết không, chân tay tôi mới rã rời, không động đậy được nữa, thật là tai hại! Tôi đành nằm lại đấy. Lúc đi đến nơi thì chẳng sao cả, tinh thần hoàn toàn vững vàng nhưng xong việc trở về thì lại thế nầy… Và bố già có biết không, tôi bắt đầu ọe, có bao nhiêu nôn thốc ra kỳ hết! Tôi đã cảm thấy rằng trong bụng không còn chút gì nữa, thế mà vẫn cứ nôn. Đúng thế đấy… Nhưng tất nhiên cuối cùng tôi vẫn về được với anh em. - Anh chàng sôi nổi hẳn lên, hai con mắt mầu nâu sáng từng lên một ánh ấm áp và đẹp ra một cách lạ lùng. - Đến sáng, sau trận chiến đấu, tôi kể lại cho anh em nghe cái tiết mục mà bao diêm đã diễn ra với tôi, nhưng một thằng bạn của tôi bảo: "Thế cái bật lửa, cậu đánh mất rồi à, Sergey?" Tôi đưa tay lên túi ngực thì vẫn thấy nó còn đấy! Tôi lấy nó ra, bật một cái, bố già có tưởng tượng được không, lập tức cháy ngay.
Từ đám tiêu huyền đằng xa bị gió thổi rạp, nom như một hòn đảo, có hai con quạ đen bay vụt lên rất cao, rất nhanh. Gió thổi hai con chim bay dạt đi từng đợt. Đến khi chúng chỉ còn cách đội hình của đại đội chừng một trăm xa-gien, khẩu pháo đặt trên ngọn núi của thôn Krutovsky lại bắt đầu nhả đạn sau một giờ nghỉ. Quả đạn pháo bắn điều chỉnh bay tới mỗi lúc một gần, tiếng rú mỗi lúc một to. Khi tiếng rú hình như đã lên tới mức cao nhất, thì một trong hai con quạ, con bay cao hơn bỗng nhiên quay tròn một cách điên cuồng như một mảnh vỏ bào bị cuốn trong cơn gió lốc, rồi nó xả chếch hai cánh, lộn xuống theo đường trôn ốc tuy vẫn còn cố lấy thăng bằng, và cuối cùng rơi thẳng xuống như một tầu lá đen rất to.
- Lao đầu vào Diêm vương rồi! - Một chiến sĩ Hồng quân đi sau Stokman kêu lên một cách khoái trá. - Quả đạn làm nó quay lộn có ghê không, hay thật!
Đại đội trưởng phi ngựa từ trên đầu đội hình xuống. Tuyết dang tan dở bắn tung từ phía dưới bốn vó con ngựa cái cao lớn lông nâu đen, mũi và bẹn loang trắng.
- Tản khai!
Ba chiếc xe trượt tuyết chở súng máy chạy phóng qua, hất những đám tuyết vào đầy người Kotliarov từ nãy vẫn ngậm tăm cắm cúi đi.
Ba chiếc xe chạy long xòng xọc. Một chiến sĩ súng máy ngã lộn xuống từ chiếc xe cuối cùng. Các chiến sĩ Hồng quân cười rộ lên một cách thích thú cho đến khi anh chàng đánh xe vừa văng tục vừa quay quắt hai con ngựa chạy đương hăng, cho người chiến sĩ vừa ngã lại nhảy lên được chiếc xe đang chạy.

<< Chương 159 | Chương 161 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 755

Return to top