Hôm xuất phát từ Karginskaia để tiến về hướng Bokovskaia, Grigori đã chỉ huy tới ba ngàn rưởi tay gươm. Bộ tư lệnh và ban chấp hành quân khu đã phái liên lạc mang mệnh lệnh và chỉ thị đuổi theo chàng. Một trong những tên phụ trách bộ tư lệnh đã viết thư riêng cho Grigori, đề nghị với chàng bằng một giọng hoa hòe hoa sói:
"Đồng chí Grigori Panteleevich rất kính mến! Chúng tôi có được nghe những lời đồn đại quỷ quyệt nói rằng đồng chí đã tàn sát tù binh Hồng quân một cách hung bạo. Hình như theo lệnh của đồng chí, ba mươi tên Hồng quân mà Kharlampi Ermakov bắt được ở gần Bokovskaia đã bị tiêu diệt, tức là bị chém gần hết. Trong số những thằng tù binh kể trên, nghe nói có một tên chính uỷ vô danh tiểu tốt, tên nầy có thể rất có lợi cho chung ta trong việc điều tra lực lượng của chúng nó. Đồng chí thân mến, đồng chí hãy huy bỏ cái lệnh không bắt tù binh đi. Một lệnh như thế sẽ có hại cho chúng ta một cách ghê gớm. Hình như chính anh em Cô-dắc cũng đã phải kêu ca trước một sự tàn nhẫn như thế, và lo rằng cả bọn Đỏ cũng sẽ chém tù binh và triệt hạ thôn xóm của chúng ta. Các tên cán bộ chỉ huy, đồng chí cũng cứ để sống và cho giải vể. Chúng ta sẽ nhẹ nhàng khử chúng ở Vosenskaia hay Kazanskaia. Nhưng đồng chí lại chỉ huy các đại đội của đồng chí tiến quân như Tarat Bunba trong cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Puskin(1), lại tiêu diệt tất cả dưới ngọn lửa, lưỡi gươm và làm anh em Cô-dắc lo lắng. Mong đồng chí nghĩ lại đừng giết tù binh nữa, mà giải về cho chúng tôi. Sức mạnh của chúng ta chính là nằm trong điểm vừa nêu trên đây. Ngoài ra, chúc đồng chí mạnh khỏe. Xin gửi tới đồng chí lời chào kính mến và mong tin thắng trận của đồng chí…"
Bức thư đó Grigori chưa đọc hết đã xé vụn, ném xuống chân ngựa. Còn bản mệnh lệnh của Kudinov:
"Tức tốc phát triển thế tấn công về phía nam, khu vực Kruchenki - Axtakhovo - Grekovo. Bộ tư lệnh thấy cần phải liên hiệp với mặt trận của cánh "Kadet". Nếu không, chúng ta sẽ bị bao vây và bị đánh bại mất".
Thì chàng vẫn ngồi trên yên, viết trả lời:
"Tôi tấn công về hướng Bokovskaia, truy kích quân địch đang tháo chạy. Còn như Kruchenki thì tôi không đi, mệnh lệnh của anh tôi coi là hồ đồ. Mà tôi thì tấn công vào Axtakhovo làm gì? Ở đó ngoài gió và bọn khô-khon, sẽ chẳng có gì khác đâu".
Sự trao đổi giấy tờ chính thức giữa chàng và trung tâm phiến loạn đến đây thì chấm dứt. Các đại đội được biên chế thành hai trung đoàn tiến tới Konkov, một thôn tiếp giáp với trấn Bokovskaia.
Grigori còn liên tiếp dành được thắng lợi quân sự thêm hai ngày liền. Sau khi cường tập chiếm được trấn Bokovskaia, rồi mạo hiểm tiến về Krasnokurskaia, chàng đã đánh tan một chi đội nhỏ chặn đường mình, nhưng các tù binh bị bắt đã được chàng cho giải về hậu phương, chứ không ra lệnh chém nữa.
Ngày mồng chín tháng Ba, chàng chỉ huy hai trung đoàn tiến tới làng Trixchiakovka. Hồi ấy bộ tư lệnh Hồng quân đã cảm thấy hậu phương bị uy hiếp nên có điều vài trung đoàn và vài đại đội pháo về đối phó với quân phiến loạn. Các trung đoàn Hồng quân kéo tới gần Trixchiakovka thì chạm trán với các trung đoàn của Grigori. Trận chiến đấu kéo dài chừng ba giờ. Grigori sợ bị lọt vào trong một "cái túi", bèn rút các đơn vị của chàng về Krasnokurskaia. Nhưng trong trận chiến đấu sáng ngày mồng mười tháng Ba, quân Cô-dắc trấn Vosenskaia đã bị các chiến sĩ Hồng quân Cô-dắc vùng sông Khop đánh cho bò lê bò càng. Trong khi tấn công và phản công, người dân sông Đông, đã giáp chiến với người dân sông Đông và họ đã chém giết nhau một trận không tiếc tay. Sau khi mất con ngựa của chàng trong trận, Grigori đã kéo hai trung đoàn ra khỏi cuộc chiến đấu, rút về tới Bokovskaia với cái má bị chém toạc.
Chiều hôm ấy chàng hỏi cung một tù binh là dân vùng sông Khop. Một người Cô-dắc đã đứng tuổi, sinh quán ở trấn Chepikinskaia đứng trước mặt chàng với hai hàng lông mày trắng phếch, bộ ngực hẹp và một cái băng đỏ rách bươm dính trên cổ áo
ca-pốt. Anh ta sẵn lòng trả lời các câu hỏi nhưng nụ cười có vẻ miễn cưỡng và ngượng nghịu.
- Hôm qua đã có những trung đoàn nào tham gia chiến đấu?
- Trung đoàn Cô-dắc số ba mang tên Stenka Radin của chúng tôi. Hầu như toàn trung đoàn là gồm những anh em Cô-dắc ở quân khu Khopsky; trung đoàn năm Damursky, trung đoàn kỵ binh số mười hai và trung đoàn sáu Mchensky.
- Dưới quyền chỉ huy chung của ai? Nghe nói là Kichvitze (2) chỉ huy có phải không?
- Không, chi đội hợp nhất là do đồng chí Domnhit chỉ huy.
- Đạn dược của các anh có nhiều không?
- Nhiều vô kể.
- Còn pháo?
- Có lẽ tám khẩu.
- Trung đoàn bị điều từ đâu về!
- Từ các thôn của trấn Kamenskaia.
- Có được nói rõ là điều đi đâu không?
Người chiến sĩ Cô-dắc ngập ngừng một lát nhưng rồi cũng trả lời.
Grigori muốn tìm hiểu về tinh thần các binh sĩ vùng sông Khop, bèn hỏi:
- Các binh sĩ Cô-dắc bàn tán với nhau những gì?
- Họ nói là không muốn đi…
- Trong trung đoàn có biết rằng chúng tôi khởi nghĩa chống cái gì không?
- Làm thế nào mà biết được?
- Thế tại sao không muốn đi!
- Các ngài cũng là dân Cô-dắc mà! Vả lại chúng tôi đã chán ngấy chiến tranh rồi. Ngài cũng biết rằng chúng tôi đã đi theo Hồng quân từ đầu cho tới bây giờ.
- Anh có thể chiến đấu ở bên chúng tôi được không?
Người Cô-dắc kia nhún hai cái vai hẹp:
- Ý ngài muốn thế nào thì muốn? Chứ tôi thì không muốn đâu…
- Thôi đi ra. Chúng tôi sẽ cho về với vợ… Có lẽ nhớ lắm rồi phải không?
Grigori nheo mắt nhìn theo người tù binh Cô-dắc đi ra rồi gọi Prokho. Chàng hút thuốc giờ lâu, chẳng nói chẳng rằng, mãi mới bước tới bên cửa sổ, lưng quay về phía Prokho và thản nhiên ra lệnh:
- Ra bảo anh em là cái thằng tôi vừa hỏi cung ấy, nhẹ nhàng đưa nó ra vườn đi. Cô-dắc mà theo Hồng quân thì tôi không bắt làm tù binh. - Grigori xoay hai gót ủng mòn vẹt, quay phắt lại. - Lập tức lôi nó ra mà… Đi đi!
Prokho đã ra ngoài. Grigori đứng lại một phút, mân mê bẻ những nhánh đẩu ngưu giòn giòn trên cửa sổ rồi lại bước nhanh ra thềm.
Prokho đang thì thầm với mấy gã Cô-dắc ngồi sưởi nắng dưới chân tường nhà thóc.
- Các cậu thả thằng tù binh ấy ra. Cấp cho nó một giấy thông hành. - Grigori không nhìn mấy tên Cô-dắc, nói xong trở vào trong phòng. Chàng đứng lại trước một cái gương cũ, khoát hai tay, chính mình cũng chẳng hiểu mình nữa.
Chàng không thể nào tự trả lời bản thân mình câu hỏi vì sao mình lại ra thềm và bảo thả người tù binh. Thật ra lúc chàng nói: "Chúng tôi sẽ cho về với vợ… Thôi đi ra…", chàng đã cười thầm với một cảm giác khoái trá tàn nhẫn, một cái gì gần như mãn nguyện hả hê vì chính chàng cũng biết rằng mình sẽ lập tức gọi Prokho và ra lệnh hạ thủ gã Cô-dắc vùng sông Khop nầy ngay trong vườn. Chàng có phần bực mình trước lòng thương hại của mình. Cái tình cảm nó vừa đột nhập vào trong lòng chàng, dẫn chàng tới chỗ thả kẻ địch, đó chẳng phải là một sự thương hại bản năng thì là gì? Nhưng đồng thời chàng cũng cảm thấy trong người nhẹ nhõm… Sao lại thế nhỉ? Chàng đã không tìm thấy cho mình câu trả lời ấy. Việc làm vừa rồi của chàng lạ lùng hơn vì mới hôm qua chàng đã nói với bọn Cô-dắc: "Bọn mu-gích là kẻ thù, song những thằng Cô-dắc hiện nay đang đi theo bọn Đỏ còn là những kẻ thù nguy hiểm gấp đôi! Cũng như đối với một tên gián điệp, đối với một thằng Cô-dắc bị bắt thì cách giải quyết rất là đơn giản: cho ngay về với ông bà ông vải, không một hai gì cả".
Grigori đã ra khỏi nhà với mối mâu thuấn nhức nhối, không sao giải quyết được ấy và cái ý thức vừa nảy sinh về tính chất bất chính của sự nghiệp mà mình đang theo đuổi. Tên trung đoàn trưởng trung đoàn sông Tria, một gã Cô-dắc cao lớn trước kia thuộc trung đoàn Atamansky, bước tới trước mặt chàng với một khuôn mặt tủn mủn, chẳng có gì đặc sắc, rất dễ phai nhoà trong trí nhớ. Cùng đi với hắn có hai tên đại đội trưởng.
- Lại mới có thêm viện binh được điều tới đấy! Tên trung đoàn trưởng tươi cười nói. - Ba ngàn kỵ binh từ Napôlov, từ sông Yablonevaya, từ Guxynka, ngoài ra còn có hai đại đội bộ binh nữa. Đồng chí định đem dùng vào đâu bây giờ, đồng chí Panteley?
Grigori đeo khẩu Mauser hộp gỗ và cái túi dết dã chiến rất đẹp tước được của Likhachev rồi ra sân. Trời nắng ấm. Bầu trời cao và xanh như về mùa hè, và cũng như mùa hè, có những đám mây trắng bông như lông cừu non đuổi nhau trôi về phía nam. Grigori cho gọi tất cả những tên chỉ huy tới một cái ngõ để bàn bạc. Chừng ba mươi tên kéo đến, chúng ngồi tản mác trên một dãy hàng rào đổ, truyền tay nhau một cái túi thuốc không biết của tên nào.
Chúng ta sẽ xây dựng những kế hoạch như thế nào đây? Sẽ dùng cách nào để khử mấy trung đoàn vừa dồn chúng ta ra khỏi Trixchiakovka và sẽ tiến theo hướng nào bây giờ? - Grigori đặt vấn đề rồi nhân tiện truyền đạt nội dung mệnh lệnh của Kudinov.
- Thế chúng nó có bao nhiêu quân để đánh chúng ta? Đồng chí đã hỏi tù binh chưa? - Một tên đại đội trưởng nín lặng một lát rồi Grigori kể tên các trung đoàn đang đánh nhau với mình và ước lượng đại khái con số những tay gươm và tay súng của địch. Bọn Cô-dắc ngậm tăm một lát. Trong một cuộc họp thì không thể nói ra những ý kiến ngớ ngẩn, chưa đắn đo kỹ càng. Tên đại đội trưởng thôn Grachev cũng nói:
- Hãy hượm một lát, đồng chí Melekhov ạ? Cho chúng tôi suy nghĩ cái đã. Đâu phải là chuyện vung gươm chém một nhát? Đừng để xảy ra thua thiệt mới được.
Nhưng chính hắn đã là tên đầu tiên phát biểu ý kiến.
Grigori chăm chú nghe tất cả. Ý kiến mà phần lớn nói lên đều qui vào một điểm là dù trong trường hợp đánh đấm có kết quả cũng đừng xông ra quá xa mà phải tiến hành một cuộc chiến tranh phòng ngự. Những vẫn có một gã vùng sông Tria hết sức ủng hộ mệnh lệnh của tên tư lệnh các lực lượng phiến loạn. Hắn nói:
- Chúng ta chẳng giậm chân mãi ở đây làm gì. Đồng chí Melekhov hãy cứ dẫn chúng ta đến sông Dones. Các đồng chí mất trí khôn cả rồi hay sao thế? Chúng ta chỉ có một dúm mà lại định một mình đương đầu với cả nước Nga. Làm thế nào mà giữ vững được? Chúng nó đổ ập tới là chúng ta bỏ mạng hết! Phải chọc thủng mà ra thôi! Đạn dược của chúng ta tuy chỉ có rất ít, song vẫn có thể kiếm ra được. Phải tập kích một trận. Các đồng chí quyết định đi thôi!
- Nhưng còn nhân dân thì làm thế nào? Đàn bà, người già, con trẻ?
- Cứ để ở lại!
- Cái đầu anh kể ra cũng thông minh đấy, nhưng nó lại được cắm trên cổ một thằng ngu!
Cho đến lúc nầy mấy tên chỉ huy ngồi trên mép hàng rào vẫn rì rầm bàn tán với nhau về vụ cày mùa xuân sắp bắt đầu, về chuyện nếu phải chọc thủng vòng vây thì công việc làm ăn sẽ như thế nào.
Nhưng sau lời phát biểu của gã Cô-dắc vùng sông Tria, tất cả đều nhao nhao. Cuộc họp lập tức có ngay cái không khí sôi nổi của một đại hội thôn. Một gã Cô-dắc có tuổi, người thôn Napolov giật giọng nói to hơn cả:
- Chúng ta sẽ không rời khỏi hàng rào nhà chúng ta làm gì cả!
- Tôi sẽ là thằng đầu tiên dẫn đại đội của tôi về thôn? Đánh nhau thì phải đánh ở ngay bên cạnh nhà, chứ không phải là đi cứu mạng cho người khác!
- Anh đừng có chẹn họng tôi như thế! Tôi thì nêu ý kiến bàn bạc, còn anh chỉ gân cổ gào lên!
- Nhưng có gì mà phải bàn!
- Cứ mặc cho Kudinov đi một mình đến sông Dones!
Grigori chờ tất cả lặng đi rồi mới nói ra những ý kiến quyết định, làm lệch hẳn cán cân của cuộc tranh luận:
- Chúng ta sẽ giữ mặt trận ở đây! Nếu trấn Krasnokurskaia đi theo chúng ta thì chúng ta sẽ bảo vệ cả cho họ? Không đi đâu cả.
Hội nghị bế mạc. Giải tán về đại đội! Chúng ta sẽ xuất phát ra mặt trận ngay.
Nửa giờ sau, trong khi những đội hình kỵ binh tuôn đi cuồn cuộn tưởng chừng không bao giờ hết qua các dãy phố, trong lòng Grigori rạo rực một niềm sung sướng đầy kiêu hãnh: chàng đã từng được chỉ huy một khối người lớn như thế nầy bao giờ đâu. Nhưng bên cạnh cái hân hoan tự hào ấy, một nỗi lo lắng, đau khổ cũng nhức nhối nặng nề trong lòng: không biết mình có thể chỉ huy cho đúng đắn được không? Tài năng của mình có đủ để điều khiển hàng ngàn anh em Cô-dắc không? Trong tay mình không phải chỉ có một đại đội, mà cả một sư đoàn. Liệu một anh chàng Cô-dắc ít chữ như mình có thể nắm trong tay tính mạng của hàng ngàn con người và gánh vác cái trách nhiệm nặng nề ghê gớm ấy được không? Nhưng điều chủ yếu mà mình đưa họ đi đánh ai cơ chứ? Đánh lại nhân dân… Lẽ phải đang thuộc về ai đây?
Grigori nghiến răng nhìn theo hàng ngũ chặt chẽ của các đại đội đã tiến qua. Trước mắt chàng, quyền lực không còn có cái sức hấp dẫn ngây ngất của nó nữa mà đã mờ nhạt đi. Chỉ còn lại một nỗi lo lắng, đau khổ nó đè nén chàng với một sức nặng không tài nào chịu nổi, nó làm lưng chàng gù xuống.
Chú thích: (1) "Tarat Bunba" là một tác phẩm của Gôgôn chứ không phải của Puskin. (ND) (2) (1894 - 1919) - Một nhà cách mạng Bolsevich, anh hùng Liên Xô hồi nội chiến, hy sinh trong chiến đấu ngày 11-2-1919 (ND)