Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 152227 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM
Mikhail Solokhov

Chương 66

Trên mặt trận tây nam, trong khu vực Seven, bộ tư lệnh tập đoàn quân quyết định dùng một đợt tấn công đại qui mô bằng kỵ binh để chọc thủng trận tuyến của địch. Một chi đội kỵ binh lớn có nhiệm vụ thọc sâu vào hậu phương địch, rồi liên tục đột kích dọc theo mặt trận, tiến đến đâu phá huỷ các tuyến giao thông liên lạc, làm tan rã các đơn vị của địch bằng những cuộc tập kích bất ngờ. Bộ tư lệnh đã đặt rất nhiều hy vọng vào việc thực hiện có kết quả kế hoạch nầy: một lực lượng kỵ binh lớn chưa từng thấy đã được điều tới khu vực chỉ định. Trong số các trung đoàn kỵ binh bị ném vào khu vực nầy, có cả trung đoàn Cô-dắc của Litnhitki. Trận tấn công đáng lẽ phải được thực hiện ngày hai mươi tám tháng tám, nhưng vì trời mưa nên bị hoãn đến ngày hai mươi chín.
Từ sáng, sư đoàn đã tập hợp thành đội hình trên một cơ địa xuất phát rất rộng, sẵn sàng tấn công.
Ở cách sườn bên phải chừng tám vec-xta, bộ binh tổ chức một cuộc tấn công nghi binh để thu hút hoả lực của địch. Những phân đội của một sư đoàn kỵ binh di động theo một hướng nghi binh khác Phía trước, trong khoảng tầm mắt có thể bao quát được, chẳng thấy có địch ở đâu cả. Trước mặt đại đội của hắn chừng một vec-xta, Evgeni chỉ nhìn thấy những đường ụ chiến hào bị vứt bỏ hiện lên, đen sì như những cái hang thú rừng. Đằng sau các đường chiến hào ấy là những cánh đồng lúa nhấp nhô dưới làn sương mù xám xám trước lúc hoàng hôn bị gió quật ngang quật dọc.
Không biết bộ chỉ huy của quân địch đã được biết về trận tấn công đang được chuẩn bị hay đã dự đoán trước mà trong đêm hai mươi chín, các đơn vị địch đã rời bỏ chiến hào, lui về phía sau chừng sáu vec-xta, chỉ để lại những điểm mai phục có súng máy. Chính các điểm mai phục nầy đã quấy nhiễu bộ binh ta trên khắp khu vực.
Ở một chỗ nào đó trên cao, sau những đám mây bông, mặt trời mọc bắt đầu chiếu sáng, trong khi thung lũng tràn ngập một lớp sương mù vàng vàng màu kem. Có lệnh tấn công, các trung đoàn xông lên. Hàng bao nhiêu ngàn vó ngựa trải ra khắp vùng một thứ tiếng rầm rập trầm trầm, nghe như vang từ dưới đất lên. Evgeni ghìm con ngựa thuần giống của hắn, không cho chuyển sang nước đại. Bên tấn công đã để lại phía sau một khoảng chừng một vec-xta rưỡi. Hàng ngũ chỉnh tề, mỗi lúc họ tiến một gần tới một dải đất trồng lúa. Lúa mạch đen cao quá thắt lưng đan lẫn với những cây thổ ti bám rất chắc và cỏ dại, làm cho ngựa chạy hết sức vướng chân.
Phía trước vẫn là lúa mạch đen rập rờn như những bờm ngựa, còn phía sau lúa má đều bị vó ngựa dẫm lụi xuống. Sau khi chạy đến vec-xta thứ tư, những con ngựa bắt đầu vấp chân, mồ hôi đổ khá nhiều. Nhưng địch vẫn chẳng thấy tăm hơi đâu. Evgeni đưa mắt nhìn viên đại đội trưởng: mặt viên đại uý âm thầm đầy vẻ thất vọng…
Sau khi chạy một chặng sáu vec-xta vất vả tới mức khó tưởng tượng, những con ngựa đã kiệt sức, một số quỵ xuống cùng với những kẻ cưỡi trên lưng, những con dai sức nhất cũng lảo đảo, cố dùng nốt số sức lực còn lại. Đến lúc đó, súng máy của quân Áo mới bắt đầu quét, những loạt đạn nổ ròn đều đặn… Hoả lực khủng khiếp của chúng phạt rụng ngay những hàng đầu. Bọn kỵ binh nhẹ rối loạn hàng ngũ, cho ngựa quay trở lại trước tiên. Trung đoàn Cô-dắc cũng mất hết tinh thần. Trong lúc cuống cuồng tháo chạy, họ bị những trận mưa đạn súng máy tưới như bình phun nước hoa và bị pháo binh giã giò. Do thóì cẩu thả tội ác của bộ tư lệnh tối cao, trận tấn công quy mô chưa từng thấy kết thúc bằng một thất bại hoàn toàn. Vài trung đoàn mất tới nửa số người ngựa. Trung đoàn của Evgeni cũng bị thương vong khoảng bốn trăm binh sĩ và mười sáu sĩ quan.
Con ngựa Evgeni bị bắn chết, chính hắn cũng bị hai vết thương: ở đầu và ở chân. Lão quản Trebotarev nhảy trên yên xuống, ôm lấy Evgeni, xốc hắn lên yên, chạy thoát.
Tham mưu trưởng sư đoàn, viên đại tá của bộ tổng tham mưu Golovachev chụp được vài bức ảnh chớp nhoáng trong trận tấn công, rồi đem cho bọn sĩ quan xem. Viên trung uý bị thương Trecviakov là người đầu tiên cho hắn một cú quai hàm. Bọn Cô-dắc chạy tới xé tan xác ngay Golovachev, rồi làm tình làm tội cái xác chết rất lâu trước khi quẳng nó xuống cái rãnh bên đường, vào những vật bẩn thỉu. Trận tấn công nổi tiếng về tính chất nhục nhã của nó đã kết thúc như thế.
Từ nhà thương Vacsava, Evgeni báo tin cho biết rằng sau khi chữa lành các vết thương hắn sẽ về với lão ở Yagonoie trong thời gian nghỉ phép. Lão già nhận được thư con bèn khoá chặt cửa phòng làm việc của lão lại, mãi hôm sau mới mò ra, mặt mày nhăn nhó.
Lão ra lệnh cho Nikichit thắng một con ngựa chạy nước kiệu vào chiếc xe nhẹ, ăn sáng qua quít rồi phóng lên trấn Vosenskaia. Lão gửi cho thằng con bốn trăm rúp bằng ngân phiếu điện tín kèm theo một bức thư ngắn:
"Cha chỉ có thể lấy làm sung sướng vì con, con trai yêu của cha, đã ra hoả tuyến lần đầu. Một vận mệnh cao quý thì phải ở ngoài đó, đâu phải ở nơi cung đình. Con quá trọng danh dự và cũng đã thông minh nên tất nhiên không thể nào khom lưng uốn gối trước mặt người khác mà lương tâm không bị cắn rứt. Trong gia đình nhà ta không một ai có cái thói đó. Vì thế nên ngay ông nội con đã bị cấp trên ghét bỏ và phải về sống nôt cuộc đời ở Yagonoie, không hy vọng mà cũng chẳng mong chờ bậc đế vương gia ân. Evgeni ạ, cầu mong con khỏe mạnh, chóng lại sức. Con hãy nhớ rằng, trên đời nầy cha chỉ có một mình con thôi. Cô con gửi lờí hỏi thăm con, cô vẫn khỏẹ mạnh. Còn về phẩn cha thì chẳng có chuyện gì đáng viết, con cũng biết cha sống như thế nào rồi. Tình hình hiện nay ở ngoài ấy, trên mặt trận là như thế nào? Chẳng nhẽ không có được những người thông minh một chút hay sao? Cha không tin các tin tức thông báo trên báo chí, láo toét cả thôi. Kinh nghiệm những năm xưa đã cho cha biết như thế. Evgeni, chẳng nhẽ chúng ta thua trận nầy hay sao?
Cha nóng lòng sôt ruột mong con về nhà!"
Của đáng tội thật quả lão Litnhitki cũng chẳng có gì đáng viết về đời sống của lão. Cuộc sống ấy vẫn đơn điệu như xưa, chẳng có gì thay đổi. Chỉ có điều nhân công tăng giá và rượu xem ra không đủ uống thôi. Lão địa chủ uống rượu nhiều hơn trước, trở nên bẳn tính, hay bới chuyện. Một hôm, lão gọi Acxinhia vào một giờ chẳng thích hợp chút nào và nói:
- Công việc mày làm như mèo mửa. Tại sao hôm qua bữa sáng đem vào lại nguội. Tại sao tách cà phê không rửa sạch? Nếu còn như thế nữa, mày nghe rõ chưa, tao sẽ tống cổ ra khỏi cửa. Tao không chịu được những đứa làm ăn bẩn thỉu! - Lão địa chủ vung mạnh tay - Nghe rõ chưa? Tao không chịu được đâu.
Acxinhia mím chặt môi rồi bất chợt khóc oà lên.
- Thưa cụ Nicolai Alekseevich! Con bé cháu nó ốm. Xin cụ cho nghỉ tạm ít bữa… Tôi không sao để cháu một mình được.
- Nó bị thế nào hử?
- Cổ họng cháu khó thở…
- Sốt phát ban à? Sao không nói sớm hử, đồ ngu khổ ngu sở? Chà, quỷ dữ lột da mày ra, quân khốn kiếp! Chạy ngay đi bảo thằng Nikichit thắng ngựa vào xe lên trấn đón tên y sĩ về đây. Nhanh lên!
Acxinhia chạy tế ra ngoài. Tiếng lão già ồm ồm như sấm vẫn như nã bom sau lưng nàng:
- Đàn bà gì mà ngu khổ ngu sở! Đàn bà gì mà ngu khổ ngu sở! Đồ ngu xuẩn!
Đến sáng thì Nikichit mời được người y sĩ đến. Người ấy khám cho con bé nằm mê mệt, người nóng như lửa, rồi không trả lời câu hỏi của Acxinhia, đi ngay lên nhà trên gặp lão địa chủ. Lão Litnhitki đứng tiếp người ấy ở phòng ngoài, cũng không thèm chìa tay cho bắt.
- Con bé ra sao? - Lão vừa hỏi vừa chào giả người y sĩ bằng một cái gật đầu khinh bạc.
- Bẩm cụ lớn, sốt phát ban.
- Nó sẽ khỏi được chứ? Có hy vọng gì không?
- Vị tất đã qua khỏi được. Con bé sẽ chết mất… Xin cụ lớn cũng tính một điều là tuổi nó quá nhỏ.
- Đồ ngu xuẩn! - Lão địa chủ đỏ mặt tía tai. - Người ta đã dạy anh những gì hả? Chữa cho khỏi đi!
Rồi đóng sầm cánh cửa trước mũi người y sĩ hết hồn hết vía, và cứ đi đi lại lại trong phòng khách.
Acxinhia gõ cửa bước vào.
- Bẩm ông y tá xin ngựa trở về trấn.
Lão già xoay gót giầy quay phắt lại.
- Bảo với nó rằng nó là một thằng ngu! Truyền lời cho nó biết rằng không chữa được con bé cho tao thì đừng hòng đi khỏi nơi nầy? Dọn cho nó căn phòng ở chái nhà, cho nó ăn đi! - Lão già vung nắm tay xương xẩu, quát. - Cho nó uống, tọng cho nó phễnh bụng ra, nhưng không được đi đâu cả? - Lão không nói nữa, bước ra cửa sổ, gõ gõ những ngón tay, rồi lại gần bức ảnh phóng to chụp thằng con nằm trong tay người vú nuôi. Lão lùi hai bước, nheo mắt nhìn rất lâu như không nhận ra.
Ngay hôm đầu, hôm đứa bé vừa lăn ra ốm, Acxinhia đã nhớ lại câu nói cay đắng của Natalia: "Nước mắt của tôi rồi sẽ chảy sang mắt chị…" và nàng cho rằng Chúa phạt mình về tội đối xử tàn tệ với Natalia.
Rầu rĩ, hốt hoảng vì lo cho tính mạng của con, Acxinhia không còn có thể suy nghĩ thế nào là đúng sai nữa. Nàng chạy lăng xăng không mục đích, công việc làm chẳng đầu và đâu.
"Chẳng nhẽ Chúa đòi nó về hay sao?" - Một ý nghĩ rát như lửa luôn luôn ám ảnh nàng, nhưng nàng không tin, hết sức không muốn tin. Nàng cầu nguyện như điên như cuồng, cố xin Chúa ban ơn lần chót; giữ cho nàng cái mạng của đứa con.
"Lạy Chúa tôi, xin Chúa tha tội cho tôi? Xin người đừng đòi nó về? Cầu Chúa rủ lòng thương, cầu Chúa ban ơn!"
Bệnh tật đã bóp chết cái sinh mạng nhỏ nhoi.
Đứa bé nằm liệt giường, qua cái cổ họng sưng phồng nghe khè khè có tiếng thở rất khó khăn. Người y sĩ trên trấn ở chái nhà, mỗi ngày đến thăm bệnh cho nó khoảng bốn lần, tối tối đứng giờ lâu bên thềm nhà đầy tớ hút thuốc và nhìn các sao thu lạnh lẽo lấm tấm trên trời.
Đêm nào Acxinhia cũng quỳ bên giường đến sáng. Những tiếng thở khò khè lọc ọc cứ đâm nhói vào tim nàng.
- M-mẹ… - có tiếng thều thào qua cặp môi nhỏ xíu khô cứng.
- Hạt thóc nhỏ của mẹ, con gái yêu của mẹ? - Người mẹ cố nén tiếng kêu. - Đoá hoa nhỏ nhoi của mẹ, đừng bỏ mẹ mà đi, Tanhiuska! Con ngoan con đẹp của mẹ, mở mắt ra đi con ơi! Con yêu con quý của mẹ, con bé mắt đen của mẹ… Sao lại thế nầy, lạy Chúa tôi?
Năm thì mười hoạ con bé mới hé hai hàng mi sưng mọng, cặp mắt nhỏ xíu đờ đẫn, đầy gân đỏ có một cáỉ nhìn trơn tuột khó hiểu.
Người mẹ khao khát cố bắt gặp cái nhìn ấy, cái nhìn có vẻ như nhìn vào bên trong, buồn thảm, chịu đựng.
Đứa bé chết trong tay mẹ. Lần cuối cùng, cái miệng nhỏ xíu xám ngoét ngáp ngáp nức nở, cái thân hình nhỏ nhoi dướn lên, đờ ra, cái đầu đẫm mồ hôi ngật sang bên lăn khỏi tay Acxinhia, hai con mắt âm thầm của nhà Melekhov nheo lại, nhìn như có điều gì ngạc nhiên với hai tròng con mắt không còn sức sống.
Cụ Xaska đào một cái huyệt tí hon bên bờ ao, ngay dưới gốc cây tiêu huyền già cành vươn rất rộng. Cụ kẹp dưới nách chiếc quan tài nhỏ xíu rồi chôn vội chôn vã, cái vội vã chưa từng thấy ở cụ bao giờ.
Cụ kiên nhẫn đứng chờ rất lâu, nhưng Acxinhia vẫn không chịu đứng lên để rời khỏi nấm mồ đắp bằng đất sét. Cụ không chờ mãi được bèn hỉ mũi như tiếng roi quất, bước về chuồng ngựa… Cụ lấy trên gác rơm xuống một lọ nước hoa Côlônhơ và một bình cồn vơi đã biến chất, trộn hai thứ với nhau trong một cái chai, rồi vừa lắc, vừa ngắm màu rượu và nói:
- Ta uống để tưởng nhớ cháu. Cháu sẽ được lên thiên đàng. Linh hồn thiên sứ đã xuất hiện.
Cụ uống một hơi hết chỗ rượu, lắc lắc đầu như người mất trí, bóp bẹp một quả cà chua để nhắm, rồi cảm động nhìn cái chai và nói:
- Cháu đừng quên ta, cháu yêu của ta, còn ta sẽ không quên cháu đâu? Rồi cụ lại khóc sướt mướt.
***
Ba tuần sau, Evgeni Litnhitki gời một bức điện báo tin hắn đã được nghỉ phép và đang trên đường về nhà. Người ta đánh ra ga chiếc xe ba ngựa để đón hắn. Tất cả đầy tớ trong nhà đều bấn cả lên: người ta giết gà tây, giết ngỗng, cụ Xaska làm thịt một con cừu, cứ như sửa soạn đại tiệc đón khách khứa đến đông.
Một cỗ ngựa đã được đánh lên làng Kamenka trước một ngày để thay cho ba con ngựa kia khi về. Đến đêm cậu công tử con cụ chủ mới về đến nhà. Mưa lâm râm, ánh đèn rọi xuống những vũng nước ảm đạm trên đường. Mấy con ngựa dừng bước trước cái thềm, tiếng nhạc ngựa leng. Evgeni mỉm cười, bước ra khỏi cái thùng xe che mui, vẻ mặt cảm động. Hắn ném vào tay cụ Xaska chiếc áo mưa ẩm, bước lên thềm, chân rõ ràng có khập khiễng. Từ trong phòng khách, lão địa chủ vội vàng xô bàn xô ghế, lệt sệt chạy ra.
Acxinhia đem bữa tối lên phòng ăn rồi đi mời hai bố con sang ăn. Nàng nhìn qua lỗ khoá thấy lão địa chủ ôm chặt lấy thằng con, hôn vai nó; cổ lão nhăn nheo lũng nhũng như mọi người già, khẽ run run.
Nàng chờ vài phút rồi lại nhòm vào: Evgeni phanh tà áo quân phục màu ka-ki, quỳ trước tấm bản đồ lớn trải trên sàn.
Lão địa chủ hút píp, vừa thở ra những vòng khói lờm xờm, vừa gõ những ngón tay xương xẩu lên thành ghế bành, nói ồm ồm giọng phẫn nộ:
- Aleseyev à? Không thể thế được! Tao không tin.
Evgeni chỉ ngón tay lên bản đồ, khẽ nói rất lâu không biết những gì để thuyết phục bố. Lão già cố tự chủ trả lời giọng trầm trầm:
- Trong trường hợp nầy thì Bộ tư lệnh tối cao không đúng. Thật là hẹp hòi thiển cận! Nhưng thôi, Evgeni ạ, bây giờ cha kể cho con nghe một thí dụ tương tự trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật. Con đã thấy chưa? Con đã thấy chưa, con đã thấy chưa?
Acxinhia gõ cửa.
- Thế nào, bữa ăn đã dọn lên rồi à? Ra ngay đây.
Lão già bước ra, hoạt bát vui vẻ, mắt long lanh, nom trẻ hẳn ra.
Hai cho con lão uống với nhau một chai rượu vang mới đào dưới đất lên hôm qua. Tờ nhãn hiệu mốc xanh vẫn còn giữ được con số bạc màu: năm 1879.
Trong khi đứng hầu và nhìn hai bộ mặt tươi vui ấy, Acxinhia càng cảm thấy thấm thía hơn nỗi cô quạnh của mình. Nỗi đau khổ không thể khóc cho nguôi cứ luôn luôn làm tình làm tội nàng. Mấy ngày đầu sau khi con chết, nàng muốn khóc lắm nhưng không sao khóc được Tiếng khóc đã dồn lên đến họng, nhưng không có nước mắt, vì thế nỗi đau trong lòng đè xuống như đá lại càng nặng gấp đôi.
Acxinhia ngủ rất nhiều (nàng cố ngủ mê mệt cho khuây khoả), nhưng ngay trong giấc mơ, tiếng gọi hư ảo của đứa con cứ ơi ới đuổi theo nàng. Nàng có cảm tưởng như con gái còn nằm bên cạnh, nên thỉnh thoảng lại né ra, quờ tay lên giường tìm con. Có lúc lại như có tiếng gọi thều thào: "Mẹ, nước".
- Con yêu đứt ruột đứt gan của mẹ… - Cặp môi buốt giá của Acxinhia thì thầm.
Thậm chí ban ngày ban mặt, giữa lúc nhận thấy rõ ràng nỗi đau khổ đè nặng trong lòng mình, đôi lúc nàng cảm tưởng như đứa bé đứng áp vào đầu gối mình, và nàng bắt gặp mình đưa tay định xoa những món tóc loăn xoăn trên đầu nó.
Evgeni về nhà đến ngày thứ ba thì hắn xuống chỗ cụ Xaska ngồi rất khuya, nghe cụ kể những câu chuyện chất phác về thời xưa, về cuộc sống tự do ở vùng sông Đông trước kia. Đến chín giờ hắn mới ở đấy bước ra. Ngoài sân gió thổi vù vù, chân dẫm trên bùn ộp oạp. Vừng trăng non vàng ệch lang thang giữa những kẽ mây.
Evgeni xem đồng hồ dưới ánh trăng rồi đi về phía nhà đầy tớ. Đến bên thềm, hắn châm thuốc hút, đắn đo một lát rồi nhún vai, tặc lưỡi đứng lên. Hắn nhẹ nhàng đẩy cái then cửa, cánh cửa cọt kẹt mở ra.
Hắn bước vào gian Acxinhia ở, đánh que diêm.
- Ai thế? - Acxinhia vừa hỏi vừa kéo chăn lên che thân.
- Tôi đây.
- Tôi mặc áo ngay đây.
- Không cần. Tôi chỉ đến một phút thôi.
Evgeni hất chiếc áo ca-pôt trên vai, ngồi xuống mép giường.
- Chị vừa mất con bé cháu.
- Nó chết rồi. - Acxinhia trả lời như tiếng vọng.
- Chị đổi khác nhiều quá. Còn sao nữa, tôi cũng hiểu mất đứa con là chuyện như thế nào. Nhưng tôi nghĩ rằng chị chỉ tự mình làm khổ mình một cách vô ích mà thôi, có cách nào cứu sống nó lại được đâu. Mà chị còn trẻ, còn có con được nữa cơ mà. Không nên thế! Phải cứng cỏi lên mới được, phải biết chịu đựng… Mà xét đến cùng thì dù sao cũng không nên vì con bé không còn nữa mà vứt bỏ hết thảy. Trước mặt còn cả cuộc đời, chị thử ngẫm mà xem!
Evgeni nắm lấy tay Acxinhia, vuốt ve nàng, dịu dàng âu yếm, với vẻ một người có quyền làm như thế. Trong khi đó hắn vẫn tiếp tục vận dụng những nốt trầm trong giọng nói. Rồi hắn chuyển sang thì thầm và đến khi hắn cảm thấy toàn thân Acxinhia run bần bật trong tiếng khóc ấm ức cuối cùng oà lên thành tiếng nức nở thì hắn bắt đầu hôn hai bên má đẫm nước mắt của nàng, hôn mắt nàng…
Trái tim người đàn bà vốn thèm khát thương yêu, ve vuốt. Acxinhia đang đau khổ và tuyệt vọng đến mê dại, không còn biết mình đang làm gì nữa, đã hiến thân cho hắn với cả một sự cuồng si sôi nổi mà nàng đã quên từ lâu. Nhưng đến khi làn sóng hưởng lạc vô sỉ nó làm tâm hồn trống rỗng, đen tối như chưa từng thấy, đã rút đi như nước thuỷ triều, thì nàng bừng tỉnh, kêu lên một tiếng thất thanh, và mất cả lý trí, cứ gần như trần truồng chạy ra thềm, trên mình chỉ có chiếc áo lót. Evgeni hấp tấp chạy ra theo, mặc cho cánh cửa mở toang. Hắn bước vội vã, vừa đi vừa cài cúc áo ca-pôt, và đến khi hắn thở hổn hển leo lên sân thượng nhà trên thì trên môi hắn nở nụ cười sung sướng, thoả mãn. Một niềm vui khoái trá tràn ngập lòng hắn. Sau khi đã nằm lên giường, hắn xoa bộ ngực phồng to, mềm nhẽo thì thầm: "Về phía một con người chính trực làm như thế là đê tiện, vô luân lý. Grigori… Mình đã lấy cắp của đồng loại, nhưng phải biết rằng ngoài kia, ngoài mặt trận, mình đã đem tính mạng ra mạo hiểm. Viên đạn rất có thể chệch sang bên phải một chút và xuyên qua đầu mình. Nếu thế thì bây giờ mình đã thối rữa ra rồi, xác thịt mình đang nuôi béo dòi bọ rồi… Cần phải sống gấp từng giây, từng phút mới được. Đối với mình việc gì cũng được phép làm tuốt!". Các ý nghĩ của hắn đã làm hắn hoảng lên trong một phút, nhưng trong óc tưởng tượng của hắn lại hiện ngay rõ mồn một quang cảnh rùng rợn của trận tấn công cùng giây phút hắn nhổm lên từ cái xác con ngựa bị giết rồi gục xuống vì trúng những viên đạn.
Ngay khi đã thiu thiu, hắn còn tự nhủ, cố làm cho mình yên tâm: "Chuyện ấy hãy để đến mai, bây giờ ngủ đã, ngủ đã…"
Sáng hôm sau, lúc chỉ có mình hắn với Acxinhia trong phòng ăn, hắn nở một nụ cười như nhận tội, bước tới gần nàng, nhưng nàng đứng áp mình vào tường, vươn hai tay ra, căm giận khẽ kêu lên một câu làm hắn cảm thấy rát như lửa đốt:
- Đừng tới gần tôi, đồ khốn nạn?
Đời sống bắt con người phải theo những quy luật không có ai viết thành văn. Ba hôm sau, ban đêm Evgeni lại mò vào phòng Acxinhia, và Acxinhia đã không tống cổ hắn ra.

<< Chương 65 | Chương 67 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 721

Return to top