Ngay từ trong cuộc chiến tranh đế quốc, giữa hai từng lớp sĩ quan và Cô-dắc đã nảy ra một lòng hằn thù chia rẽ chúng như một luống cày vô hình. Nhưng đến mùa thu năm 1918, lòng hằn thù ấy đã phát triển tới một mức chưa từng thấy. Cuối năm 1917, khi các đơn vị Cô-dắc từ từ kéo về vùng sông Đông, rất ít thấy những trường hợp giết sĩ quan hay trao sĩ quan cho Xích vệ, nhưng một năm sau các chuyện như thế đã trở nên gần như bình thường. Trong các trận tấn công, theo gương các cấp chỉ huy Hồng quân, binh sĩ Cô-dắc bắt các sĩ quan của chúng tiến trước đội hình tản khai rồi không cần ầm ĩ gì cả, nhẹ nhàng nổ súng vào lưng chúng. Chỉ trong những đơn vị như trung đoàn huân chương thánh Gioóc Gundorov là có đoàn kết chặt chẽ giữa trên và dưới, nhưng trong Quân đội sông Đông rất hiếm thấy những đơn vị như thế.
Petro Melekhov tuy ngoan cố nhưng rất ranh ma, lắm mưu nhiều kế. Từ lâu hắn đã hiểu rằng nếu cãi lộn với bọn Cô-dắc thì chỉ đưa mình đến chỗ chết, vì thế ngay những ngày đầu, hắn đã cố tìm cách xoá nhoà cái ranh giới ngăn cách mình, một sĩ quan, với bọn binh sĩ. Trong những hoàn cảnh thích hợp, hắn cũng hùa theo với bọn kia, nói rằng chiến tranh là vô nghĩa lý, chỉ có điều là hắn nói một cách không thành thật, hết sức miễn cưỡng, nhưng bọn Cô-dắc không nhìn thấy thái độ giảo trá ấy. Hắn giả dạng đồng tình với người Bolsevich và từ ngày thấy Fomin được đẩy lên làm trung đoàn trưởng, hắn ra sức luồn lót bợ đỡ tên nầy không có chừng mực nào nữa. Cũng như tất cả những tên khác, Petro không phản đối cướp bóc, chửi cấp trên, đối xử nhẹ nhàng với tù binh, nhưng trong thâm tâm hắn luôn luôn bị lòng căm hờn cấu xé tim gan và hai tay hắn cứ giật giật như bị chuột rút chỉ muốn đánh, muốn giết… Trong công tác, hắn tỏ ra dễ dãi, giản dị, cứ như một thằng hình nhân bằng sáp chứ không còn ra một tên trung uý nữa! Cuối cùng Petro đã dành được lòng tin của bọn Cô-dắc, đã giấu chân tướng trước mắt chúng.
Hôm Philippov đưa bọn sĩ quan trốn đi ở gần làng Xolonca, Petro đã ở lại. Hắn làm vẻ hiền lành ngoan ngoãn, lúc nào cũng lẩn vào bóng tối, trong việc gì cũng tỏ ra ôn hoà biết điều, và cùng trung đoàn tiến vào Vosenskaia. Nhưng hắn chỉ ở lại Vosenskaia hai ngày rồi không chịu được nữa, đã chuồn thẳng về nhà, chẳng qua trung đoàn bộ mà cũng chẳng gặp Fomin.
Hôm ấy, ở Vosenskaia đã tổ chức một cuộc mít-tinh từ sáng sớm trên cái thao trường cạnh nhà thờ cổ. Trung đoàn chờ đại diện của trung đoàn Indenskaia tới dự. Bọn Cô-dắc đứng từng đám trên bãi với đủ mọi thứ áo
ca-pốt, áo khoác ngắn làm bằng da cừu không có lót hay may lại bằng những chiếc áo ca-pốt phá ra, áo vét-tông, áo trếch-men bông. Khó mà tin rằng đám người nhung nhúc như kiến, ăn vận láo nháo nầy lại là một đơn vị chiến đấu, là trung đoàn Cô-dắc Hai mươi tám. Petro chán ngán đi từ đám nầy qua đám khác, và bọn Cô-dắc đã hiện ra trong mắt hắn như những con người khác hẳn trước kia. Trước kia trên mặt trận, quần áo của chúng chẳng có gì đập vào mắt mà cũng không có dịp nào được thấy trung đoàn tập hợp đông đủ thành một khối như thế nầy. Nhưng bây giờ Petro nhai nhai một cách căm ghét và tức tối chòm ria trắng phếch mà hắn mặc cho mọc xù lên, nhìn những gương mặt đầy sương muối, những cái đầu đội đủ thứ mũ, mũ lông cừu kiểu Kavkaz, mũ da thấp, mũ Kuban, mũ
cát-két. Hắn đưa mắt nhìn xuống dưới thì cũng vẫn thấy cái tình trạng muôn màu muôn vẻ phong phú ấy: ủng dạ rách nát, ủng da, xà cạp cuốn trên những đôi giầy da lộn của Hồng quân.
- Một lũ ăn mày! Quân mu-gích chết tiệt! Một bọn quái thai? - Petro lầu bầu với cả một niềm phẫn uất bất lực.
Những tờ niêm yết mệnh lệnh của Fomin dán trắng xoá trên các hàng rào. Ngoài phố không thấy bóng vía một người dân nào. Cả thị trấn đều lẩn trốn như đang chờ đợi điều gì. Từ trong các ngõ nhìn ra có thể thấy bộ ngực mênh mông của sông Đông trắng xoá dưới lớp tuyết phủ. Khu rừng bên kia sông hiện lên đen đen như vẽ thuỷ mạc. Những người đàn bà từ các thôn đến thăm chồng đứng lốc nhốc như đàn cừu bên cạnh khối kiến trúc xây bằng đá xám của toà nhà thờ cổ.
Petro mặc áo da ngắn viền lông với cái túi to tướng trước ngực, đầu hắn đội một cái mũ lông cừu non kiểu Kavkaz. Mới gần đây thôi cái mũ sĩ quan khốn kiếp nầy còn làm hắn rất hãnh diện, nhưng lúc nầy, chính vì nó mà Petro luôn luôn cảm thấy có những cặp mắt gườm gườm, lạnh như tiền đang nhìn mình. Những cặp mắt ấy cứ nhìn xuyên qua người hắn, và càng tăng thêm cái tâm thần hốt hoảng, canh cánh sẵn có. Petro còn nhớ đại khái rằng lúc ấy có một chiến sĩ Hồng quân lùn choằn choẵn đứng lên cái đáy của một chiếc thùng ton-nô lật sấp ở giữa bãi. Người ấy mặc một chiếc áo
ca-pốt khá tốt, đầu đội một cái mũ còn mới bằng lông cừu non, hai cái tai mũ lòng thòng vì tuột dây. Người ấy đưa bàn tay đi găng len xồm lên sửa chiếc khăn quấn cổ may bằng lông thỏ màu xám khói, nhìn quanh một lượt.
- Thưa các đồng chí Cô-dắc! - Một giọng trầm như của người bị cảm chọc vào tai Petro.
Petro nhìn quanh, thấy bọn Cô-dắc có vẻ ngạc nhiên trước lối xưng hô khác thường ấy. Chúng đưa mắt cho nhau, nháy mắt với nhau với một vẻ cảm động và hy vọng. Người chiến sĩ Hồng quân nói rất lâu về chính quyền Xô-viết, về Hồng quân và quan hệ của họ với dân Cô-dắc. Petro đặc biệt còn nhớ rằng luôn luôn có những tiếng kêu ngắt lời người lên nói:
- Đồng chí, thế "cung" xã nông nghiệp là gì?
- Người ta có ghi tên bắt chúng tôi vào không?
- Còn đảng cộng sản thì là gì?
Người lên nói chuyện áp hai tay vào ngực, quay nhìn tứ phía, kiên nhẫn giải thích:
- Các đồng chí ạ! Vào đảng cộng sản là một việc tự nguyện.
Những người nào muốn đấu tranh cho sự nghiệp vĩ đại giải phóng thợ thuyền và dân cày khỏi ách áp bức của bọn tư bản và địa chủ thì gia nhập đảng theo nguyện vọng của chính mình.
Một phú sau ở một góc khác lại có người kêu lên:
- Chúng tôi đề nghị giải thích về đảng viên cộng sản và các uỷ viên?
Vừa trả lời xong được vài phút lại có người nào đó la lên ồm ồm bằng một giọng sôi nổi:
- Đồng chí nói về công xã nông nghiệp còn chưa được rõ. Chúng tôi thành khẩn đề nghị đồng chí giảng thật rõ vào. Chúng tôi là những thằng tăm tối không có chữ nghĩa. Đồng chí nên dùng những lời giản dị dễ hiểu thì hơn?
Sau đó đến lượt Fomin lên tràng giang đại hải một hồi nghe đến phát chán. Chốc chốc hắn lại cố văn hoa mỹ tự với hai tiếng "trật (triệt) binh" chẳng ăn vào đâu cả. Một gã thanh niên đội chiếc mũ
cát-két sinh viên, mặc một cái áo bành-tô rất diện, cứ ngọ nguậy như một con chạch bên cạnh Fomin. Còn Petro thì trong khi nghe những lời không đầu không đũa của Fomin hắn cứ nhớ lại cái ngày tháng Hai năm 1917, hôm Daria đến thăm hắn, hôm hắn gặp Fomin lần đầu trong cái nhà ga trên đường đi Petrograd… Trước mắt hắn lại hiện ra hai con mắt ra xa tinh mũi, long lanh ướt, nhìn rất nghiêm khắc, của tên lính đào ngũ thuộc trung đoàn Atamansky trong cái áo
ca-pốt đính chiếc lon hạ sĩ với con số "52" đã mờ, cùng với những bước chân nặng nề như chân gấu của hắn. Trong tai Petro còn vẳng mấy tiếng thều thào: "Không chịu được nữa rồi, người anh em thân mến ạ!". "Một thằng đào ngũ, ngu xuẩn chẳng khác gì thằng Khristonhia mà bây giờ đùng một cái làm đến trung đoàn trưởng, còn mình thì cứ mốc xì!" - Petro nghĩ thầm, hai con mắt hắn long lanh cho thấy cả một nỗi lòng sôi sục.
Một gã Cô-dắc đeo dây đạn súng máy bắt chéo chữ thập trước ngực lên tiếp lời Fomin:
- Thưa anh em! Tôi đã từng tham gia chi đội của Pochenkov, và bây giờ, nếu có thể, cầu Chúa cho tôi lại được cùng những anh em cũ đi đánh bọn Kadet! - Gã khoát rộng hai tay, kêu lên bằng một giọng khàn khàn.
Petro hấp tấp bước về nhà hắn ở nhờ. Hắn thắng ngựa và nghe thấy tiếng nổ súng của những tên Cô-dắc rời khỏi thị trấn. Theo tập quán từ xưa, đi lính sắp về nhà thì cũng phải có gì báo cho thôn xóm biết trước.