Mấy ngày nay, Buntruc cứ như sống trong cơn mê của một người mắc bệnh thương hàn. Anh đi lại, làm việc nầy việc nọ, ăn, ngủ, nhưng lúc nào cũng như trong một trạng thái nửa tỉnh nửa mê ngây ngất, say sưa. Hai con mắt anh sưng lên, đầy vẻ điên dại, cứ nhìn cái thế giới trải rộng chung quanh mình nhưng chẳng hiểu gì cả. Gặp những người quen biết, anh không nhận ra họ nữa. Nom anh như một người đang say bí tỉ hoặc vừa thoát khỏi một trận ốm liệt giường và đã hoàn toàn kiệt sức. Sau khi Anna qua đời, các giác quan của Bôntrúc bị mất tác dụng một thời gian: anh chẳng mong muốn gì mà cũng chẳng nghĩ tới điều gì nữa.
- Ăn đi, Buntruc! - Các đồng chí khác bảo anh ăn, thế là ngồi vào ăn, quai hàm thẫn thờ đưa đi đưa lại một cách mệt mỏi, hai con mắt nhìn đăm đăm vào một điểm.
Mọi người theo dõi Buntruc, bàn nên đưa anh vào bệnh viện.
- Anh ốm đấy à? - Hôm sau có một chiến sĩ súng máy hỏi anh.
- Không.
- Thế thì anh làm sao vậy? Nhớ Anna à?
- Không.
- Thôi được, chúng ta cùng hút điếu thuốc nhé. Người anh em ạ, bây giờ Anna không còn sống lại được nữa đâu. Thương nhớ chỉ hoài công.
- Đến giờ đi ngủ người ta bảo anh:
- Cậu đi ngủ đi. Đến giờ rồi đấy.
Thế là Buntruc nằm vào giường.
Anh đã sống bốn ngày liền trong cái trạng thái nhất thời chơi vơi ngoài thực tế như thế. Đến ngày thứ năm thì Krivoslykov bắt gặp anh ở ngoài phố, bèn nắm lấy tay áo anh và bảo:
- Chà tóm được cậu đây rồi, mình đi tìm cậu mãi. - Krivoslykov chưa được biết về những chuyện xảy ra với Buntruc. Anh mỉm cười lo lắng, thân mật vỗ vai Buntruc. - Cậu làm sao thế nầy? Vừa có tí tửu phải không? Cậu đã được nghe nói về chuyện một đại đội viễn chinh sắp được phái lên các quân khu miền Bắc chưa? Còn sao nữa, một Uỷ ban năm người vừa được bầu ra. Fedor sẽ lãnh đạo. Chỉ còn hy vọng vào bà con Cô-dắc miền Bắc nữa thôi. Nếu không tất cả sẽ hỏng bét. Tình hình đang gay go lắm! Cậu sẽ đi chứ? Bọn mình đang cần một số đồng chí làm công tác cổ động. Cậu sẽ đi chứ?
- Đi - Buntruc trả lời gọn lỏn.
- Thế thì tốt lắm. Ngày mai chúng mình sẽ lên đường. Cậu cứ tới chỗ cụ Orlov, ông cụ sẽ dẫn đường cho chúng mình đấy.
Vẫn trong trạng thái hồn vía lên chín từng mây, Buntruc làm các việc chuẩn bị lên đường, và hôm sau, tức là ngày mồng một tháng Năm, anh ra đi cùng với đội viễn chinh.
Dạo nầy, chính quyền Xô viết vùng sông Đông đang lâm vào tình thế rõ ràng bị đe doạ nghiêm trọng. Các đơn vị chiếm đóng của quân Đức tiến từ Ukraina sang, các trấn và các khu miền dưới hoàn toàn bị tràn ngập dưới làn sóng bạo động phản cách mạng Popop lượn đi lượn lại trong khu vực qua mùa đông và từ đấy uy hiếp Novocherkask. Đại đội đại biểu Xô viết quân khu họp ở Rostov từ mồng mười đến mười ba tháng Tư đã bị gián đoạn đến mấy lần, vì dân Cherkask dấy loạn đang tiến về phía Rostov và đã chiếm được vùng ngoại ô. Chỉ ở miền Bắc, trong hai quân khu Khopesky và Ust-Medvedisky là còn vài căn cứ cách mạng tương đối có tinh thần, và chính các căn cứ ấy đã tự nhiên thu hút Pochenkov cùng những người đã mất niềm tin vào sự ủng hộ của dân Cô-dắc vùng dưới. Công tác động viên vào quân đội đã thất bại, vì thế theo sáng kiến của Laguchin, Pochenkov vừa được bầu làm chủ tịch Xô viết các uỷ viên nhân dân sông Đông, đã quyết định tiến về phía bắc, để động viên trên đó ba bốn trung đoàn gồm các binh sĩ Cô-dắc mới ở mặt trận về, và đưa các trung đoàn ấy đi đánh quân Đức cùng lực lượng phản cách mạng ở vùng dưới.
Một Uỷ ban động viên đặc biệt gồm năm người do Pochenkov lãnh đạo đã được bầu ra. Ngày hai mươi chín tháng Tư đã trích công quỹ lấy mười triệu đồng vừa tiền rúp, vừa vàng, vừa giấy bạc Nicolai để dùng cho các nhu cầu của việc động viên. Một đội vũ trang đã được tổ chức vội vã để bảo vệ các hòm tiền, đội nầy chủ yếu gồm những anh em Cô-dắc trước kia thuộc đội cảnh bị địa phương Kamenskaia. Ngoài ra còn lấy thêm vài cán bộ cổ động người Cô-dắc. Ngày mồng một tháng Năm, ngay dưới làn đạn máy bay Đức, đội viễn chinh lên đường về hướng Kamenskaia.
Các con đường đều bị tắc vì những đoàn xe chở các chi đội Xích vệ rút lui khỏi Ukraina. Quân phiến loạn Cô-dắc phá cầu cống, gây ra những vụ đổ tầu. Sáng nào trên con đường Novocherkask – Kamenskaia cũng thấy máy bay Đức xuất hiện. Những chiếc máy bay lượn vòng như những đàn diều hâu, rồi là xuống, nã vài tràng súng máy ngắn ngủi. Các chiến sĩ Xích vệ chạy tản ra khỏi các đoàn xe, nổ súng loạn lên từng hồi. Ở bất cứ ga nào, mùi than xỉ cũng hoà lẫn với cái mùi khe khé của chiến tranh và chết chóc. Những chiếc máy bay đã ngóc cổ lao lên những độ cao khó tưởng tượng, nhưng các xạ thủ vẫn ra sức bắn cho vơi các hòm kẽm đựng đạn. Nếu đi qua các đoàn tầu nhà binh thì ủng sẽ thụt đến mắt cá trong vỏ đạn. Cát bị lớp vỏ đạn phủ kín như những khe núi trong tháng Mười một dưới lớp lá sồi vàng óng. Mọi vật đều ghi dấu một sự phá hoại không còn mức độ nào nữa: Trên các sườn đồi ngổn ngang những toa xe bị đốt, bị phá vỡ đen như than. Trên các cột điện tín, dây thép đứt cuốn loằng ngoằng quanh những chiếc bình bằng sứ trắng như đường. Nhiều ngôi nhà đã bị phá huỷ, các bảng tín hiệu dọc các tuyến đường sắt đều biến đi đâu mất như sau một trận bão lớn…
Đội viễn chinh đã len lỏi tiến theo hướng Minlerovo được năm ngày. Đến sáng ngày thứ sau, Pochenkov triệu tập các uỷ viên đến toa của anh.
- Không còn có thể đi như thế nầy được nữa đâu! Phải bỏ tất cả đồ đạc của chúng ta lại để xuống xe hành quân thôi.
- Cậu nói gì thế? - Laguchin ngạc nhiên kêu lên - Hành quân trên đường thì trước khi mò được tới Ust-Medvedskaia, quân Trắng đã dẫm qua xác chúng ta rồi.
- Còn khá xa đấy, - Mrykhin ngập ngừng.
Krivoslykov vừa đuổi kịp đội viễn chinh chưa được bao lâu. Anh chẳng nói chẳng rằng, cứ ngồi thu lu trong chiếc áo ca-pôt đính những chiếc quân hiệu bạc màu. Anh đang lên cơn sốt rét, uống ký ninh đến ù cả tai, đầu nóng bừng bừng, cứ gù gù cái lưng ngồi trên một túi đường, mắt mờ đi dưới lớp màng của bệnh sốt rét.
- Krivoslykov? - Pochenkov gọi nhưng mắt vẫn không rời tấm bản đồ.
- Cậu cần gì thế?
- Cậu không nghe thấy chúng mình đang nói về chuyện gì à? Phải xuống tầu đi bộ thôi, nếu không bị chúng nó đuổi kịp thì sẽ mất mạng. Cậu thấy thế nào hử? Cậu được học hành nhiều hơn bọn mình, bây giờ cậu hãy nói đi.
- Kể ra đi bộ cũng được - Krivoslykov nói thủng thẳng từng tiếng, nhưng bỗng nhiên hai hàm răng anh đập vào nhau lách cách, cứ như răng chó sói, toàn thân run bần bật trong cơn sốt rét đang phát lên đến cực độ. - Cũng được đấy nếu đồ đạc mang theo ít hơn.
Pochenkov mở rộng tấm bản đồ bên cạnh cửa sổ. Mrykhin giữ hai góc. Dưới ngọn gió thổi từ phía trời tây u ám, tấm bản đồ đập lạch phạch rồi bay đánh soạt khỏi tay hai người.
- Chúng ta sẽ đi như thế nào, cậu xem nhé! - Ngón tay vàng khè vì khói thuốc của Pochenkov đưa tréo qua tấm bản đồ. - Cậu có thấy tỉ lệ không? Chừng trăm rưởi vec-xta quá lắm hai trăm là cùng. Thế đấy!
- Giải quyết như thế mà đúng đấy, mẹ khỉ! - Laguchin đồng ý.
- Cậu thấy thế nào, Mikhail?
Krivoslykov nhún vai có vẻ bực bội.
- Mình không phản đối.
- Mình sẽ ra bảo ngay anh em Cô-dắc xuống tầu. Không nên để mất thì giờ làm gì.
Mrykhin đưa mắt nhìn mọi người một lượt có vẻ chờ đợi. Anh chàng thấy không có ai phản đối, bèn nhảy ra khỏi toa xe.
Trong buổi sáng âm u mưa dầm rả rích đó, đoàn xe nhà binh chở đội quân viễn chinh của Pochenkov dừng lại ở một nơi cách Belaya Katliva không xa mấy. Buntruc nằm trọng toa xe của anh, áo ca-pôt trùm kín đầu. Anh em Cô-dắc nấu nước trà ngay trong toa, người nọ đem người kia ra pha trò và cùng cười khà khà.
Vanca Bondyrov, anh chàng vua cù hay chế giễu người khác, dân trấn Migulinskaia, đang trêu bạn, một chàng súng máy.
- Íchnát nầy, cậu là dân tỉnh nào thế nhỉ? - Vanca hỏi, giọng vốn đã khàn lại càng khê đặc vì khói thuốc lá.
- Tambobskaia, - Ichnát vốn tính hiền lành, hắn trả lời bằng một giọng trầm rất dịu dàng.
- Có lẽ cậu ở thôn Morsansky phải không?
- Không, thôn Satsky.
- À -à-à cái dân Sátsky nhà cậu toàn là những tay gan dạ ra phết: đánh nhau thì bảy mình chọi một địch cũng chẳng sợ. Có phải hồi vua Nga lên ngôi thôn cậu đã dùng dưa chuột chọc tiết bò, phải không?
- Thôi, cậu hãy bỏ cái chuyện ấy đi!
- À phải, mình quên khuấy đi mất, cái chuyện ấy không phải đã xảy ra ở thôn cậu đâu. Hình như ở thôn cậu bà con đã đem những cái bánh tráng xếp thành một toà nhà thờ rồi đặt lên những hạt đậu Hà Lan để đẩy cho lăn xuống dốc phải không? Có cái chuyện như thế không nhỉ?
Vừa lúc ấy ấm trà bắt đầu sôi, vì thế Ichnat tạm thời thoát được những lời bông phèn của Bondyrev. Nhưng mọi người vừa ngồi vào ăn sáng, Vanca đã lại giở trò:
- Ichnát nầy, hình như cậu ít ăn thịt lợn thì phải. Cậu không thích thịt lợn có phải không?
- Không, ăn cũng chẳng sao.
- Thế thì cho cậu cái
b… lợn nầy. Ngon tuyệt đấy!
Mọi người cười rộ. Có anh chàng bị nghẹn ho sặc sụa. Trong toa xe náo lên một lát, đế ủng đập xuống sàn tầu ầm ầm. Một phút sau mới nghe thấy cái giọng hổn hển và tức tối của Ichnát:
- Của cậu, cậu ăn đi, đồ quỷ? Sao cậu lại đem cái con b... của cậu ra đây?
-
B… mình đâu,
b… lợn đấy.
- Cũng chỉ là của bẩn thỉu cả thôi?
Mặt Bondyrev vẫn phớt lạnh, hắn kéo dài cái giọng khàn đặc:
- Bẩn thỉu ấy à? Đầu óc cậu để ở đâu thế? Ngày lễ Phục sinh người ta đem nó ra phong chức thánh đấy. Nhưng cậu cứ nói thật đi, cậu sợ phạm kiêng kỵ ngày ăn chay à?
Bondyrev có một người bạn đồng hương là một chàng Cô-dắc đẹp trai râu tóc màu hạt dẻ nhạt, đã từng được thưởng cả bốn hạng huân chương thánh Gioóc. Anh ta thấy thế bèn khuyên:
- Thôi bỏ chuyện ấy đi, Ivan! Cậu làm như thế thì lúc choảng nhau với bọn mu-gích sẽ xúi quẩy đấy. Nó ăn
b… lợn vào rồi đầu óc sẽ chỉ còn nghĩ tới chuyện đi mò như con lợn đực thôi. Nhưng cái của nầy cậu rước ở đâu về thế hử?
Buntruc vẫn nằm, hai con mắt nhắm nghiền. Câu chuyện trao đổi giữa mọi người không lọt vào tai anh, vì anh đang sống với nỗi đau khổ vừa đổ lên đầu anh trong thời gian gần đây, nó không hề nguôi đi mà thậm chí như ngày một tăng thêm. Tuy nhắm mắt, nhưng anh vẫn thấy mung lung hiện ra một cánh đồng cỏ đầy tuyết quay lộn, với những cánh rừng nhấp nhô nâu nâu trên chân trời đằng xa. Anh cảm thấy như có luồng gió lạnh và nhìn thấy Anna bên cạnh mình với cặp mắt đen nhánh, những nét kiên định nhưng dịu dàng của cái miệng đáng yêu, những điểm tàn hương nhỏ li ti ở chỗ tinh mũi, một vết nhăn tư lự ngang trán… Buntruc không nghe thấy những lời thót ra từ miệng Anna, những lời đó rất khó nghe, khó hiểu vì bị át bởi những tiếng nói tiếng cười của những người nào đó, nhưng nhìn những cái ánh long lanh trong cặp đồng tử, nhìn hai hàng mi cong rung rung, anh đoán rằng Anna đang nói… Nhưng đây là một Anna khác hẳn mọi khi: da mặt xanh xanh vàng vàng, những dòng nước mắt đọng lại trên má, cái mũi nhọn hoắt ra và cặp môi méo đi vì đau khổ nom thật đáng sợ. Buntruc cúi xuống hôn hai con mắt đờ đẫn sâu hoắm, đen ngòm… Anh rên lên một tiếng nhưng đưa ngay tay trái lên bị chặt miệng mình để khỏi oà lên khóc. Những ngày qua không hề làm cho hình ảnh Anna phai nhoà hay mờ đục. Khuôn mặt Anna, thân hình, dáng đi cử chỉ, những sự thay đổi trong đường môi, ánh mắt và nét lông mày phóng khoáng của Anna, tất cả vẫn họp lại thành một Anna trọn vẹn và sống động. Buntruc nhớ lại những lời nói đầy tình cảm lãng mạn của Anna, nhớ lại tất cả những gì mình đã trải qua cùng với Anna.
Thấy có lệnh xuống tàu, anh em bèn gọi Buntruc. Anh đứng dậy, thẫn thờ thu dọn đồ đạc rồi rời khỏi toa xe. Sau đó anh giúp việc dỡ hàng và vẫn thẫn thờ như thế ngồi lên chiếc xe ngựa để lại lên đường.
Mưa lâm râm. Những đám cỏ cằn cỗi hai bên đường đều ướt đẫm. Đồng cỏ. Gió tự do hoành hành trên các đường sống đồi cũng như dưới những cái khe. Các thôn trại liên tiếp hiện ra, cái xa, cái gần.
Những đám khói trên các đầu máy xe lửa và các khối kiến trúc chữ nhật đỏ đỏ của nhà ga đã bị để lại phía sau. Hơn bốn chục chiếc xe ngựa thuê ở Belaya Kalitva nối đuôi nhau chạy trên đường cái.
Những con ngựa không chạy nhanh được. Lòng đường vừa đất sét vừa đất đen bị thấm nước mưa rất khó đi. Bùn bám vào các bánh xe từng đám nom như những túm bông đen. Từng đoàn thợ mỏ của khu Belokalitvensky đi phía trước và phía sau đội viễn chinh. Họ chạy về phía đông để trốn tránh bạo quyền của dân Cô-dắc, đem thêm bầu đoàn thê tử và chút đồ đạc nghèo nàn.
Khi đội viễn chinh tiến đến gần nhà ga tránh xe Gratri, hai chi đội Xích vệ của Romanovsky và Sadelko đuổi theo kịp. Cả hai đều bị đánh thất điên bát đảo. Mặt các chiến sĩ đều đen xạm, tiều tụy vì những trận chiến đấu, những đêm không ngủ và những sự thiếu thốn. Sadelko lại gần Pochenkov. Khuôn mặt đẹp trai của anh với hàng ria tỉa theo kiểu ănglê. Cái mũi thanh thanh, nom hốc hác hẳn đi Buntruc đi qua, thấy Sadelko cau mày nói bằng một giọng vừa bực bội vừa mệt mỏi:
- Anh nói gì với tôi vậy? Chẳng nhẽ tôi không hiểu rõ những anh em dưới quyền tôi hay sao? Tình hình nguy khốn lắm, lại còn quân Đức nữa chứ, mẹ cái bọn khốn kiếp! Thế nầy thì bao giờ mới mộ đủ quân?
Sau câu chuyện trao đổi với Sadelko, Pochenkov trở nên nhăn nhó khổ sở và tựa như có phần hoang mang. Anh đuổi theo chiếc xe của anh, xao xuyến nói không biết những gì với Krivoslykov.
Buntruc nhìn theo hai người thấy Krivoslykov chống khuỷu tay nhổm lên, nói liến thoắng một tràng, vừa nói vừa đưa bàn tay chém lia lịa trong không khí. Pochenkov lại vui hẳn lên, anh nhảy lên xe ngựa, khung xe kêu răng rắc dưới cái thân hình chàng pháo thủ nặng tới sáu pút. Người đánh xe ra roi quất hai con ngựa, bùn bắn vung từng nắm sang hai bên.
- Cứ quất đi!
Pochenkov nheo mắt kêu lên, tà áo da mở phanh đón gió.