Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 143142 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM
Mikhail Solokhov

Chương 157

Mùa xuân đã mở toang mạch máu của các con sông. Ngày dài thêm dần, những đồng nước màu xanh lá cây trong núi réo to hơn. Mặt trời đã phai bớt cái ánh vàng vàng ốm yếu và đỏ lên khá nhiều. Các tia nắng bắt đầu như có gai và đem lại hơi ấm. Đến giữa trưa, các luống cày bị bóc trần bốc hơi ngùn ngụt, mặt tuyết thủng lỗ chỗ, bong ra như vẩy cá, loá lên nhìn không chịu được. Không khí quánh và thơm, đầy hơi ẩm nhạt thếch. Nắng dãi nóng lưng bọn Cô-dắc. Những cái đệm yên êm ấm đã truyền cho người cưỡi ngựa một cảm giác rất dễ chịu. Gió như ghé những cặp môi ẩm ướt tẩm nước lên những cặp má rám nâu của bọn Cô-dắc. Nhưng thỉnh thoảng gió cũng tạt tới một luồng hơi lạnh từ trên ngọn gò còn tuyết. Tuy vậy mùa đông đã bị hơi ấm đánh bại.
Thời kỳ động đực mùa xuân làm những con ngựa lồng lên, những đám lông đang thay rụng lả tả, và mùi mồ hôi ngựa cứ như chọc vào mũi. Bọn Cô-dắc đã buộc những cái đuôi ngựa lông dày thô. Những chiếc khăn chùm đầu bằng lông lạc đà không dùng đến nữa bắt đầu lủng lẳng trên lưng bọn kỵ binh. Dưới mũ lông, mồ hôi đã chảy đầm đìa trên trán, và mặc áo lông ngắn hay áo trermen kép thì đã thấy nóng. Grigori chỉ huy một trung đoàn tiến theo con đường dùng về mùa hạ. Xa xa, sau cái cối xay gió vươn cánh như kẻ bị đóng đinh câu rút, các đại đội kỵ binh của Hồng quân đã triển khai thành đội hình tấn công: trận chiến đấu đã mở màn gần thôn Xiviridov.
Đáng là Grigori phải đứng ngoài chỉ huy, nhưng chàng còn chưa biết làm như thế. Chàng thường thân chinh chỉ huy các đại đội của trấn Vosenskaia trong chiến đấu, đưa các đại đội ấy tới chặn các địa điểm nguy hiểm nhất. Vì thế trận chiến đấu thường diễn ra thiếu chỉ đạo chung. Trung đoàn nào cũng hành động tuỳ theo tình huống phát triển, trái với những điều đã thoả thuận từ trước. Không có mặt trận gì cả. Điều kiện đó cho phép triển khai rất rộng để đánh vận động chiến.
Có nhiều kỵ binh là một ưu thế rất quan trọng, mà trong chi đội của Grigori kỵ binh lại chiếm đa số. Chàng đã lợi dụng ưu thế ấy, quyết định tiến hành chiến tranh theo kiểu "Cô-dắc", tức là bao vây bên sườn, thọc sâu vào hậu phương, tiêu diệt các đội vận tải, tập kích đêm để quấy nhiễu và làm mất tinh thần Hồng quân.
Nhưng trong trận đánh ở gần Xiviridov, chàng đã quyết định hành động theo một cách khác hẳn là cho các đại đội phi nước đại ra nơi bố trí, chỉ để một đại đội ở lại trong thôn: Chàng ra lệnh cho đại đội nầy xuống ngựa nằm phục kích trong cánh rừng ven thôn sau khi cho những tên coi ngựa phân tán vào các nhà ở sâu bên trong thôn: rồi chàng cùng với hai đại đội khác lên một ngọn gò nhỏ cách cái cối xay gió nửa vec-xta và từ từ tiến vào chiến đấu.
Kẻ địch của chàng lần nầy gồm hơn hai đại đội kỵ binh Hồng quân. Họ không phải là dân vùng sông Khop, vì Grigori nhìn qua ống nhòm thấy những con ngựa nhỏ thuộc một giống rất khỏe, với những cái đuôi xén ngắn, không phải là ngựa sông Đông, vì người Cô-dắc không bao giờ xén đuôi ngựa, không bao giờ xúc phạm đến vẻ đẹp tự nhiên của con ngựa. Do đó đơn vị tấn công lần nầy phải là trung đoàn kỵ binh số 13 hoặc một đơn vị nào vừa được điều tới. Grigori đứng trên ngọn gò quan sát địa hình qua ống nhòm.
Những khi ngồi trên yên ngựa, bao giờ chàng cũng cảm thấy mặt đất rộng lớn hơn và bản thân mình cũng vững tâm hơn khi mũi ủng nằm chắc trong bàn đạp.
Chàng thấy bên kia sông Tria có một đội hình hành quân hàng dọc rất dài màu nâu nâu, gồm chừng ba ngàn rưởi tên Cô-dắc đang tiến theo ngọn gò. Đơn vị đó từ từ trườn ngoằn ngoèo lên dốc, tiến về phía Bắc, về địa giới giữa khu du mục cuả hai trấn Elanskaia và Ust-Khopeskaia để nghênh chiến trong khu vực đó với quân địch tấn công từ Ust-Medvedcha xuống và giúp đỡ dân Elanskaia hồi nầy chiến đấu đã kiệt sức. Khoảng cách giữa Grigori và các tuyến kỵ binh Hồng quân đã chuẩn bị tấn công là chừng một vec-xta rưỡi.
Chàng vội vã dàn các đại đội theo cách chiến đấu cũ. Không phải tên Cô-dắc nào cũng đều có giáo, vì thế những tên có giáo đều được đưa lên hàng đầu, tiến tách lên trước chừng mười xa-gien. Grigori cho ngựa chạy vượt lên trước hàng đầu rồi quay nghiêng người, rút gươm.
- Nước kiệu nhẹ, tiến!
Ngay phút đầu, con ngựa chàng cưỡi thụt chân xuống một cái hang chuột đồng đầy tuyết, bị vấp một cái. Grigori ngồi lại trên yên cho vững, chàng giận quá tái mặt đi và lấy má gươm đánh cho con ngựa một cái thật mạnh. Chàng cưỡi một con ngựa chiến rất hăng, rất tốt, lấy của một tên Cô-dắc trấn Vosenskaia, nhưng đối với nó, Grigori vẫn ngầm có ý không tin. Chàng biết rằng mới hai ngày thì con ngựa chưa quen với mình được, mà bản thân chàng cũng chưa kịp nghiên cứu các thói quen và tính nết của nó. Chàng sợ rằng con ngựa lạ nầy sẽ không hiểu được ý chàng ngay mỗi khi dây cương hơi động một chút như con ngựa cũ của chàng, con vừa bị giết ở gần Trixchiakovka. Sau khi con ngựa nổi nóng vì phải ăn một cái má gươm, không nghe theo dây cương nữa và cứ thế phi vụt lên nước đại Grigori lạnh cả tim, thậm chí hơi hốt hoảng. "Nó hại mình mất?" - Chàng chợt có một ý nghĩ nhức nhối. Nhưng con ngựa chạy càng xa, cái nước đại với những sải chân rất dài của nó càng đều thì nó càng tuân theo từng cử động nhỏ của bàn tay điều khiển nó và Grigori càng vững tâm hơn, bình tĩnh hơn. Chàng rời mắt trong một giây khỏi làn sóng kỵ binh của địch đã tan vụn để nhìn xuống cổ con ngựa. Hai cái tai màu hung hung của nó áp chặt vào nhau ra vẻ rất bực bội, cổ nó rung rung theo một nhịp đều đặn và vươn thẳng ra như cái cổ của kẻ tử tù trên cái thớt chém. Grigori dướn thẳng người trên yên, hít lấy hít để không khí vào đây lồng ngực, rồi thọc sâu mũi ửng vào bàn đạp, quay đầu nhìn lại. Đã bao lần chàng nhìn thấy những làn sóng tấn công của kỵ binh phi ầm ầm, người và ngựa đúc yới nhau thành một khối, nhưng lần nào tim chàng cũng kinh sợ se lại trước một sự xúc động man rợ, thú tính, không thể nào giải thích được nó ập tới trong lòng chàng. Từ lúc bắt đầu cho con ngựa xông lên đến khi phi tới sát quân địch, có một khoảnh khắc biến hoá nội tâm rất ngắn, không thể nhận thức được. Trong khoảnh khắc khủng khiếp ấy, lý trí, sự bình tĩnh, khả năng cân nhắc, tất cả đều rời bỏ Grigori. Chỉ còn một thứ bản năng thú tính nó khống chế ý chí của chàng một cách hoàn toàn, mãnh liệt. Nếu trong giờ phút xung phong mà có ai được đứng bên nhìn Grigori thì chắc hẳn người ấy sẽ nghĩ rằng mọi cử động của chàng đều chịu sự điều khiển của một bộ óc minh mẫn, hoàn toàn tỉnh táo, vì tất cả các cử động đó đều có vẻ chắc chắn, chuẩn xác và có tính toán kỹ càng.
Khoảng cách giữa hai bên thu ngắn hết sức mau lẹ, làm trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm hẳn đi. Các hình người hình ngựa to dần. Các vó ngựa của hai làn sóng xung kích kỵ binh từ hai đầu xông tới ngốn dần hết khoảng đất nhỏ phủ tuyết, mọc đầy cỏ dại mà dân trong thôn để hưu canh. Grigori nhìn thấy một chiến sĩ kỵ binh phi vượt lên trước đại đội tới ba thân ngựa. Con ngựa cao lớn lông nâu đen loang mũi loang bẹn của anh ta phi những bước ngắn như con chó sói. Người chiến sĩ hoa lên trong không khí một thanh gươm sĩ quan, vỏ gươm bằng bạc đập đập vào bàn đạp, nắng chiếu vào loáng lên như lửa. Chỉ một giây sau Grigori đã nhận ra người chiến sĩ kỵ binh. Đó là Petr Xemiglazov, một đảng viên cộng sản, dân ngụ cư trấn Karginskaia. Năm một ngàn chín trăm mười bảy, sau cuộc chiến tranh Nga - Đức, anh ta đã là người đầu tiên bỏ về nhà với đôi xà cạp chưa ai trông thấy bao giờ. Hồi ấy Xemiglazov mới là một chàng thanh niên hai mươi tư tuổi. Anh về nhà đem theo cả một niềm tin vào đảng Bolsevich và một ý chí kiên cường đã được tôi luyện trên mặt trận. Và đến nay anh vẫn còn là một người cộng sản.
Anh đã tham gia Hồng quân và trước khi cuộc phiến loạn bùng nổ, anh đã ở đơn vị trở về tổ chức Chính quyền Xô viết trong trấn. Chính anh chàng Xemiglazov ấy đang điều khiển con ngựa một cách vững vàng, phi thẳng tới trước mặt Grigori với thanh gươm sĩ quan vung lên như trong tranh, thanh gươm mà anh ta đã tịch thu trong một cuộc khám xét chỉ thích hợp với những cuộc diễu binh.
Grigori nhe hai hàm răng nghiến chặt, giật cương, con ngựa ngoan ngoãn chạy nhanh hơn. Trong khi xung phong, Grigori có một đường gươm đặc biệt mà chỉ một mình chàng biết sử dụng. Chàng thường dùng đến nó mỗi khi linh tính hay con mắt giúp chàng nhận ra một kẻ địch mạnh, hoặc mỗi khi chàng muốn hạ thủ kẻ địch một cách hoàn toàn chắc chắn, một nhát chết tươi, bất kỳ trong trường hợp nào. Từ nhỏ Grigori đã quen dùng tay trái. Chàng cầm cùi dìa bằng tay trái và làm dấu phép cũng bằng tay trái. Vì thế chàng đã bị ông Panteley Prokofievich nện cho những trận nên thân. Bọn trẻ cùng tuổi đã đặt cho chàng cái biệt hiệu là "thằng Griska ăn tay trái". Có lẽ những lần đánh chửi đã có tác dụng đối Grigori hồi chàng còn nhỏ. Từ năm lên mười trở đi, chàng đã quen dùng tay phải thay cho tay trái, vì thế cái biệt hiệu "ăn tay trái" cũng theo đó mà mất đi. Nhưng cho đến ngày nay, tay phải làm được gì, chàng cũng có thể dùng tay trái làm thay rất có kết quả. Mà tay trái của chàng còn khỏe hơn tay phải nữa là khác. Trong các cuộc xung phong bao giờ Grigori cũng thu được kết quả nếu chàng lợi dụng ưu thế ấy. Chàng cho con ngựa chạy về phía kẻ địch mà chàng đã chọn, và cũng như tất cả mọi người thường làm, chàng hướng sang trái như để chém bằng tay phải. Cả đến kẻ phải đọ gươm với Grigori cũng cố làm như thế. Nhưng khi địch thủ chỉ còn cách độ một chục xa-gien và đã hơi nghiêng người sang bên, vung gươm lên, thì Grigori chuyển thanh gươm sang tay trái đồng thời nhẹ nhàng rẽ ngoặt con ngựa sang phải. Kẻ địch mất tinh thần đành phải thay đổi tư thế, nhưng chém qua đầu ngựa từ phải sang trái thì rất vướng, vì thế anh ta hết tin tưởng và hơi thở của Thần chết đã phả vào mặt… Grigori chém với một sức mạnh khủng khiếp, chém xuống rồi còn giật lại.
Từ ngày "Tóc trái đào" dạy Grigori bí quyết của đường gươm "Baklanov" đến nay, nước sông Đông chảy đã nhiều. Qua hai cuộc, chiến tranh, tay Grigori chém đã nhuần. Nắm vững thanh gươm đâu có giống như đi theo cái cày. Chàng đã tiến bộ rất nhiều về kiếm thuật.
Grigori không bao giờ lồng bàn tay vào dây gươm (1): đó là để trong nháy mắt, trong một khoảnh khắc hết sức bất ngờ, có thể chuyển ngay thanh gươm từ tay nọ sang tay kia. Chàng hiểu rằng trong khi chém mạnh, nếu lưỡi gươm không được hướng theo một mặt vát đúng góc thì thanh gươm sẽ bật khỏi tay hoặc bàn tay sẽ trật khớp ngay. Chàng biết được một mẹo mà rất ít người nắm vững là chỉ hơi động tay mà đánh bật được vũ khí của địch, hoặc chỉ chạm một cái rất nhanh, rất khẽ, mà tay địch bị liệt đi. Về cái thuật giết người bằng bạch binh, Grigori đã học được rất nhiều.
Trong khi người ta chém cành nho, nếu nhát gươm đưa khéo thì thân cây bị chém chéo sẽ rơi xuống mà giàn nho vẫn không rung, không động đậy một chút nào. Đầu nhọn của đoạn bị nhát gươm chém rời sẽ nhẹ nhàng cắm phập xuống đất ngay sát bên cạnh gốc cây Anh chàng Xemiglazov, mặt hơi có vẻ Kalmys kia cũng nhẹ nhàng tụt xuống như thế từ trên yên con ngựa đang đứng chồm lên, hai bàn tay áp lên lồng ngực bị phạt chéo. Cái áo lạnh buốt của Thần chết đã phủ lên người anh.
Trong khi đó Grigori dướn người trên yên, hai chân đứng thẳng trên bàn đạp. Một chiến sĩ Hồng quân thứ hai không còn đủ sức ghìm ngựa sủi bọt ngẩng cao lên, Grigori chưa nhìn rõ mặt người cưỡi ngựa đã nhận thấy lưỡi gươm cong cong với cái rãnh phay đen sì. Chàng tập trung hết sức lực, ghìm dây cương, đỡ và đánh bật nhát gươm sang bên rồi thu dây cương trong tay phải, chém vào cái cổ đỏ tía, cạo nhẵn đang cúi xuống.
Chàng là người đầu tiên phi ngựa ra khỏi đám người rách tả tơi trong trận hỗn chiến. Trước mắt chàng là cả một đống người ngựa lúc nhúc. Bàn tay chàng ngứa ngáy, giật giật như trong một cơn thần kinh. Chàng tra gươm vào vỏ, rút khẩu Mauser và quay ngựa cho phi hết tốc độ trở về. Bọn Cô-dắc ùa theo. Các đại đội phóng ngựa chạy tán loạn. Chỗ nào cũng thấy những chiếc mũ lông kiểu Kavkaz hay những chiếc mũ da kiểu Kirghist quấn băng trắng áp sát cổ ngựa.
Phi ngựa bên cạnh Grigori là một gã hạ sĩ đội chiếc mũ ba tai làm bằng lông cáo, mình mặc chiếc áo khoác ngắn mầu cứt ngựa. Gã nầy chàng có quen. Má gã bị chém toạc từ tai xuống tới cằm. Cứ như có người nghiền nát trên ngực gã cả một giỏ anh đào chín. Hai hàm răng gã nhe ra đỏ lòm những máu.
Tinh thần các chiến sĩ Hồng quân đã dao động, một nửa đã muốn bỏ chạy và thực tế đã quay ngựa trở lại. Nhưng khi thấy quân Cô-dắc rút lui họ cũng hăng lên cho ngựa đuổi theo. Một gã Cô-dắc chạy chậm bị ngã như bị gió thổi bay từ trên yên xuống rồi bị những vó ngựa dẫm loạn lên trên lớp tuyết. Trước mặt đã hiện ra cái thôn với những lùm cây đen đen trong các mảnh vườn, toà nhà thờ nhỏ trên một ngọn gò, một cái ngõ rất rộng. Chỉ chừng một trăm xa-gien là tới dãy hàng rào của khu rừng ven thôn, nơi đại đội phục kích bố trí. Lưng những con ngựa đã ngầu bọt mồ hôi và máu. Grigori vừa phóng ngựa vừa bóp cò một cách hung dữ. Bỗng một viên đạn bị tắc, khẩu súng không dùng được nữa, chàng đút nó vào cái hộp gỗ rồi hô to như đe nạt:
- Tản ra!
Hai đại đội Cô-dắc đang phi ngựa lẫn lộn như đúc với nhau bỗng cuồn cuộn tẽ ra làm hai nhánh như dòng sông lúc xô phải một tảng núi đá, để lộ cả làn sóng kỵ binh Hồng quân. Đại đội Cô-dắc phục kích sau dãy hàng rào nhắm vào họ nổ một loạt, hai loạt, ba loạt súng… Những tiếng kêu la inh ỏi vang lên. Một con ngựa ngã lộn cùng với người chiến sĩ Hồng quân trên lưng. Một con khác quỵ, gối, rúc mõm xuống tuyết đến mang tai. Thêm ba bốn chiến sĩ Hồng quân nữa bị đạn bắn ngã nhào từ trên yên xuống. Số còn lại đang phi như bay thành một đám cố quay ngựa trở lại. Trong khi đó bọn Cô-dắc bắn thêm mỗi tên một kẹp đạn rồi thôi. Grigori chỉ kịp gào lên một tiếng như xé họng: "Đại đô-ô-ội!" thì hàng ngàn vó ngựa đã quay ngoắt lại làm tuyết bắn loạn lên, truy kích theo. Nhưng bọn Cô-dắc chỉ đuổi theo một cách miễn cưỡng và đều ghìm ngựa. Chúng chỉ cho ngựa chạy chừng một vec-xta rưỡi rồi lại quay trở về.
Chúng lột quần áo các chiến sĩ Hồng quân bị hy sinh, tháo lấy yên các con ngựa bị giết. Gã Aleksey Samin cụt tay giết ba chiến sĩ bị thương. Gã bắt họ đứng quay mặt vào hàng rào rồi lần lượt chém chết hết. Sau đó bọn Cô-dắc đứng túm tụm rất lâu quanh những người bị chém chết, vừa hút thuốc vừa xem những cái xác. Cả ba đều có chung một đặc điểm là thân họ bị chém chếch từ xương đòn gánh xuống tới thắt lưng.
- Có ba đứa mà mình hoá phép thành sáu, - Aleksey khoe. Mắt gã nháy lia lịa, hai bên má giật giật.
Những tên khác săn đón mời gã hút thuốc và cứ ngắm nghía hai bàn tay và bộ ngực của gã với một vẻ khâm phục không chút giấu diếm. Nắm tay gã chỉ bằng quả dưa dại to, nhưng bộ ngực lại rất nở, độn phồng cả chiếc trermen.
Bọn Cô-dắc nới đai bụng cho những con ngựa đẫm mồ hôi được phủ áo ca-pốt đứng run cầm cập bên dãy hàng rào. Ở trong ngõ chúng xếp hàng bên bờ giếng chờ đến lượt lấy nước. Nhiều gã cầm cương dắt những con ngựa mệt mỏi lê bước rất khó khăn.
Grigori cùng năm gã Cô-dắc nữa ra đi trước. Hai con mắt chàng tựa như đã bỏ được một cái khăn bịt mặt từ nãy. Cũng như trước lúc xung phong, chàng lại nhìn thấy mặt trời chiếu sáng muôn vật và tuyết tan bên những đống rơm, lại nghe thấy tiếng chim sẻ mùa xuân ríu rít khắp thôn, lại ngửi thấy những mùi rất thanh tú của những ngày xuân đã ập đến ngưỡng cửa. Sự sống đã quay trở lại với chàng, không vì cuộc đổ máu vừa nãy mà ảm đạm, cằn cỗi chút nào, trái lại càng được những niềm vui hiếm hoi và giả dối tăng thêm tính hấp dẫn. Trên cái nền đen xạm của mặt đất đã tan tuyết, các mảng tuyết nhỏ đang tan dở bao giờ cũng sáng hơn, cũng thu hút mắt con người hơn.
Chú thích:
(1) Gươm Cô-dắc cũng như gươm trec-ket đều không có vòng bao tay ở cán (ND)

<< Chương 156 | Chương 158 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 261

Return to top