Tử Vy và Tiểu Yến Tử gặp nhau lần thứ hai, nửa tháng sau đó. Hôm ấy, Tử Vy đang ở trạng thái chán nản. Bởi lẽ đến Bắc Kinh khá lâu rồi, mà công việc phải làm, vẫn chưa thực hiện được. Tiền mang theo người càng ngày càng vơi mà mục đích tìm thân nhân vẫn xa vời vợi, chắc chỉ có nước quay về Tế Nam, tìm ai đó tá túc qua ngày. Kim Tỏa thấy cô chủ nhỏ của mình không vui, nên rủ Tử Vy ra Thiên Kiều dạo mát. Đến Thiên Kiều, mới thấy hết cái tấp nập của thành phố Bắc Kinh. Trên phố, quầy hàng san sát. Lụa là gấm vóc đủ loại hàng tiêu dùng thảy đều bắt mắt.
Tử Vy, Kim Tỏa lúc này vẫn cải trang trong trang phục nam. Nhưng lưng Tử Vy lúc nào cũng mang chiếc đãy quí hơn sinh mạng bản thân mình. Hai người đang thả giễu trên đường phố, chợt thấy có đám đông người tụ tập bên một gánh Sơn Đông, tiếng trống tiếng phèng la cuốn hút làm cả hai tấp vào xem.
Thì ra đây là một cuộc tỉ thí, một đôi nam nữ đang khoa tay múa chân, gần đấy trên mặt đất, cắm một lá cờ trắng chữ đen với mấy chữ “Mãi võ lấy tiền chôn cha".
Cặp nam nữ đó trai thì mặc áo xanh, nữ mặc áo đỏ rất giống con nhà võ. Họ đang đi nhừng đường quyền khá linh đông. Kim Tỏa chợt kéo nhẹ áo Vy, nói:
- Tiểu thư nhìn xem, cái tay Tiểu Yến Tử quậy phá lễ cưới cũng có mặt kìa, đó thấy không?
Tử Vy nhìn qua, phát hiện đúng là Tiểu Yến Tử cũng đang có mặt trong hàng khán giả và bất chợt Tiểu Yến Tử cũng quay lại, thế là bốn mắt gặp nhau nhưng cả hai chỉ cười, rồi tiếp tục theo dõi cặp mãi võ.
Sau màn múa quyền. Cặp mãi võ vòng tay chào khán giả, rồi người nam, với giọng Sơn Đông, nói với mọi người.
- Tại hạ họ Liễu tên Thanh, người xứ Sơn Đông. Còn đây là em gái tại hạ tên Liễu Hồng. Cả hai anh em theo cha lên Bắc Kinh buôn bán. Bất ngờ tiền của bị mất sạch. Cha tại hạ lại ngã bệnh qua đời mãi đến giờ, không có tiền để táng mộ cho cha. Kính mong quý bà con, cô bác, rộng lòng từ bi bố thí chút tiền để chúng tôi an táng cha già, nếu có dư một ít tiền làm lộ phí về quê, chúng tôi nguyện kết cỏ ngậm vành cảm ơn quý vị...
Trong khi thiếu nữ có tên là Liễu Hồng, nước mắt cũng ràn rụa, cầm chiếc rổ đựng tiền đi vòng quanh khán giả. Khi múa võ, thì đám người đến xem đứng bu đen nghẹt. Đến chừng xin tiền, thì ai cũng cho tay vào túi, bỏ đi. Tiền xin được chỉ lỉnh kỉnh vài đồng cắc. Tử Vy nhìn Kim Tỏa, xúc động nói:
- Họ cũng là người Sơn Đông, đồng hương của ta đấy!
Kim Tỏa hiểu ý Tử Vy, lắc đầu. Đưa tay giữ chặt túi tiền của Tử Vy. Ngay lúc đó Tiểu Yến Tử nhảy vào cuộc, cô nàng chụp lấy chiếc phèng la, gõ “Koong! Koong!” rồi dõng dạc nói
- Các vị đang đứng đây, hãy nghe tôi nói này! Người xưa có câu "Ở nhà nhờ cha mẹ, ra ngoài nhờ bạn bè" Các vị là người Bắc Kinh, hai người này là Sơn Đông, nhưng tất cả chúng ta đều là người Trung Quốc. Hai người này cha chết, lại không có tiền táng cha, về quê. Trời lúc nắng, lúc mưa, chứ đâu có nắng hoài. Họ gặp chuyện thương tâm như vậy, tôi thấy cầm lòng không đậu. Tôi nghĩ là tất cả mọi người hẳn cũng giống tôi. Vì vậy, Tiểu Yến Tử này tuy cũng nghèo rớt mồng tơi nhưng mà...
Rồi cô nàng móc trong túi ra mấy đồng bạc, ném vào rổ của Liễu Hồng nói tiếp
- Có bao nhiêu tôi góp bao nhiêu, và nếu quí vị thấy ban nãy họ biểu diễn chưa đáng đồng tiền của quí vị, thì tôi xin phép diễn thêm vài đường võ, chỉ với mục đích giúp hai anh em nhà này sớm trở về Sơn Đông. Nào! Liễu Đại Ca, chúng ta cùng đấu đi, để các vị đây xem rồi cho tiền! Nào! Mời!
Và Tiểu Yến Tử đặt phèng la xuống, bái tổ, rồi nhắm ngay ngực Liễu Thanh thoi một thoi. Liễu Thanh vội vã ứng chiến. Hai người càng đánh càng hăng. Võ nghệ của Tiểu Yến Tử tuy không bằng Liễu Thanh. Nhưng có lẽ vì Liễu Thanh quá cảm động trước sự hào hiệp của cô gái nên chỉ đỡ chứ không đánh trả. Tiểu Yến Tử là cô gái tinh nghịch, nên lúc đánh cứ hay pha trò. Khi thì giựt nón của Liễu Thanh, khi lại nắm thắt lưng, lại bẹo má, làm cho Thanh lúng túng đỏ mặt. Tạo nên những tràng cười nơi khán giả.
Liễu Hồng thừa dịp, mang rổ tiền đi khắp nơi xin tiền. Lúc bấy giờ thì Tử Vy không còn dằn lòng được nữa, nàng thò tay vào túi áo. Kim Tỏa bối rối can ngăn.
- Tiểu Thư, tiền chúng ta sắp cạn rồi, mà lại sắp phải đóng tiền nhà nữa...
- Nhưng bọn họ là người Sơn Đông, không lẽ ta không giúp? Vả lại, muội chẳng thấy Tiểu Yến Tử còn khẳng khái như vậy ư? Ta làm sao có thể đứng yên nhìn cho được?
Tử Vy xúc động nói. Và đặt ngay một nén bạc vào rổ của Liễu Hồng.
- Cái này ta cho các ngươi. Cô nương, bọn ta cũng cầu trời cho bọn cô, sớm được về quê nhà vậy!
Liễu Hồng nhìn nén bạc trong tay Vy, hình như cô bé vừa ngạc nhiên vừa lo lắng. Cô ta lí nhí cám ơn, rồi vội vã đi sang nơi khác. Sự kích động của Tiểu Yến Tử, rồi sự khẳng khái của Vy, bắt đầu tạo tác dụng. Chỉ mấy chốc sau, đám khách xem đã cho anh em Liễu Hồng đầy một rổ tiền.
Nhưng Tử Vy và Kim Tỏa đâu có ngờ cái hành vi cho tiền quá nới tay ban nãy và chiếc túi phồng to trên lưng Vy đã khiến cho bọn lưu manh để ý. Thế là có một gã đại hán, lẳng lặng tiến về phía hai người, nhẹ nhàng lấy dao ra cắt đứt hai sợi dây treo đãy trên lưng Vy, rồi ôm đãy bỏ chạy.
Cũng lúc đó, Tiểu Yến Tử và Liễu Thanh đang biểu diễn đến màn quyết liệt. Bây giờ hình như Liễu Thanh không còn nương tay với Tiểu Yến Tử nữa, nên khi Yến Tử vừa tiếp cận thì đã bị Liễu Thanh chụp lấy thắt lưng đưa cao lên, xoay hai vòng. Tiểu Yến Tử sợ quá thét lên:
- Ồ! Tuyệt chiêu! Tuyệt chiêu! Ta đã phục tài rồi xin tha mạng, tha mạng!
Đám đông đứng chung quanh cười ồ vỗ tay. Lúc Tiểu Yến Tử bị đưa lên cao cũng là lúc Tử Vy bị cắt dây đãy, nên Tiểu Yến Tử đã trông thấy. Và khi tay trộm kia vừa lách người bỏ chạy. Tiểu Yến Tử cũng hét lên:
- Kẻ cắp! Kẻ cắp! Phải rượt bắt hắn lại!
Liễu Thanh lúc đó cũng đã trông thấy, nên đặt vội Yến Tử xuống, rồi hai người đuổi theo. Tử Vy đến khi đó mới phát hiện túi đãy của mình bị mất, tái mặt kêu lên:
- Trời ơi! Chiếc túi của tôi bị mất rồi!
Kim Tỏa kéo tay Tử Vy:
- Vậy ta phải đuổi theo kẻ cướp chứ!
Và cả hai cũng chạy về hướng kẻ cướp vừa bỏ chạy, Liễu Thanh, Liễu Hồng, cả Tiểu Yến Tử đã chạy trước, vì vậy khi Tử Vy và Kim Tỏa đuổi đến một con hẻm, thì đã thấy ba người này đang vây quanh một kẻ cướp. Tiểu Yến Tử vừa xấn tới đánh, vừa hét:
- Nơi bọn tao đang biểu diễn võ mà mi lại dám ra tay hành động thì thật là quá lắm. Ngươi có đem trả lại cái tay đãy ban nãy không?
Liễu Thanh thì cũng lớn tiếng:
- Tên trộm này to gan thật, dám trộm cả đồ đạc của khách ta, sự thật đáng chết!
Gã trộm cắp một chọi ba đương nhiên là làm sao đánh lại, nên chẳng mấy chốc bị Tiểu Yến Tử chộp cổ:
- Mi muốn trộm cắp gì mặc kệ ngươi, nhưng phải nhìn người, người ta cũng là người tha phương, anh lấy hết của rồi làm sao người ta quay về nhà? Thật là thứ vô lại?
Gã trộm cắp có vẻ bất bình:
- Tất cả bọn mình đều là dân bàng môn tả đạo cả, tại sao các người lường gạt người khác được, trong khi ta không có quyền trộm chứ?
Tiểu Yến Tử trừng mắt:
- Làm sao so bì? Bọn ta để người ta tự nguyện móc túi ra, còn ngươi? Giựt trên tay người ta!
Liễu Thanh đưa nắm tay ra:
- Mi muốn chết ư? Sao không đưa trả túi đồ cho người ta đi chứ?
Liễu Hồng cũng xấn tới:
- Chưa ăn đòn chưa phục ư?
Tên trộm biết là chẳng thể cãi được nữa đành hậm hực ném túi xách của Tử Vy lại, rồi chạy biến vào hẻm. Tiểu Yến Tử cầm túi đãy lên ngắm nghía, Tử Vy nói:
- Xin cảm ơn chư vị, nếu không có các vị đuổi theo lấy lại túi đãy, chắc tôi chẳng sống nổi đâu!
Tiểu Yến Tử nâng chiếc túi lên ước lượng
- Chuyện nghiêm trọng như vậy à? Nhưng cái gì trong này? Châu báu vàng bạc? Đâu kiểm lại xem có mất mát gì không?
Lời của Tiểu Yến Tử như một nhắc nhở. Tử Vy và Kim Tỏa vội vã nhận túi đãy, rồi mở ra xem. Tiểu Yến Tử cũng tò mò nhìn vào. Trong túi đãy có đến hai lớp túi. Nhưng bên trong lại chẳng có gì cả ngoài một bức tranh và một cây quạt tay
Tử Vy nhìn thấy còn đủ hai món, thở dài nhẹ nhõm:
- May quá tất cả còn đầy đủ!
Trong khi Tiểu Yến Tử tròn mắt ngạc nhiên:
- Trời đất! Tại sao trong bị này chẳng có vàng bạc châu báu gì cả? Chỉ có một bức tranh cũ rách này? Nếu sớm biết vậy, ta đã không giúp ngươi rượt bắt tên cướp đó đâu, phí cả sức lực!
Kim Tỏa vội giải thích:
- Tại ngươi không biết, chứ những thứ này đối với tiểu thư nhà tôi, nó còn quý hơn cả vàng bạc châu báu, quý hơn cả sinh mệnh!
Trong khi Liễu Hồng cười với Tử Vy:
- Cám ơn số tiền lớn ban nãy chị đã quyên góp cho bọn này. À như vậy thì chuyện rượt bắt cướp, lấy lại bức họa cho chị, coi như huề nhé?
Trong khi Liễu Thanh quay qua Tiểu Yến Tử:
- Xong rồi, bây giờ chúng ta quay về diễn tiếp màn kịch Mãi võ chôn cha hay là quay về nghỉ sớm đây?
Đến lúc này Tử Vy mới biết Tiểu Yến Tử và hai anh em họ Liễu là cùng bọn, nàng tròn mắt:
- Thì ra... Các người diễn cảnh mãi võ kiếm tiền chôn cha chỉ là giả dối ư?
Tiểu Yến Tử cười hì hì, thản nhiên nói:
- Đóng như thật vậy, phải không? Võ công tôi tuy không cao cường, nhưng nghề diễn xuất thì chẳng kém một ai cả. Ngươi thấy có phục không?
Tử Vy nghe nói chỉ biết lắc đầu, Tiểu Yến Tử nhìn hai thầy trò Tử Vy. Ôi! những con người quá ngây thơ thật thà, lòng chợt cảm thấy áy náy, lo lắng nên hào khí hỏi:
- Các ngươi đến Bắc Kinh ở trọ nơi nào vậy? Tôi cũng rảnh đây, để tôi đưa hai người về nhà nhé?
Quay sang anh em nhà họ Liễu, Tiểu Yến Tử nói:
- Thôi hôm nay bao nhiêu đó đủ rồi, về đi, một lát sẽ gặp lại!
Lúc Tiểu Yến Tử bước vào phòng trọ của thầy trò Tử Vy, bất giác phải buột miệng kêu lên
- Hai người ở chi phòng sang thế này? Hẳn là tốn nhiều tiền lắm hả? Giàu quá!
Tử Vy thở dài:
- Giàu gì mà giàu, bọn này cũng sắp cạn tiền rồi đây.
Không muốn Yến Tử hỏi quanh co, Tử Vy nói:
- Xin cảm ơn cô một lần nữa vì chuyện giúp ban nãy.
- Cô cô cái gì? Gọi tôi là Tiểu Yến Tử được rồi, lần trước các người đã giúp tôi, thì tôi giúp lại, chúng ta xem như hòa vậy. Thôi, tôi đi nhé!
Tử Vy gọi lại và thành khẩn nắm lấy tay Tiểu Yến Tử, giọng nhẹ nhàng.
- Khoan, chờ đã! Tại sao phải bày trò lường gạt người ta như vậy? Xài đồng tiền đó, các bạn không thấy xấu hổ ư?
- Xấu hổ? Cái gì mà xấu hổ? Bọn này đã phải làm trò biểu diễn cho mọi người xem, không đáng đồng tiền ư?
Tử Vy nghe Tiểu Yến Tử ngụy biện, bất giác cười:
- Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ gặp được người như các bạn, đã lường gạt người khác mà cứ tỉnh bơ. Tôi thấy các người đã lợi dụng sự động lòng của người khác, là không quang minh chính đại. Bạn và anh em nhà họ Liễu, đều còn trẻ, đều biết võ nghệ. Tại sao không làm việc lương thiện để sống chứ?
- A. Chị là người Hàn Lâm Học Sĩ cỡ nào mà bày đặt lên mặt dạy người chứ? Chúng tôi dựa vào tài nghệ mình để kiếm tiền thì có gì là sai trái đâu?
- Nhưng lừa gạt người, đã là sai trái rồi!
- Vậy hai thầy trò cô đó, suốt ngày mặc áo giả trai kia thì không phải là để gạt người khác ư?
Tử Vy chựng lại, không biết trả lời thế nào:
- Vậy thì trên đời này làm gì có chuyện không giả? Muốn làm người thật thà chẳng phải dễ. Hãy nghĩ lại đi, từ nhỏ đến lớn chị có hoàn toàn nói thật chẳng nói dối không? Chắc là không! Chúng ta sanh ra trong một thế giới lừa đảo thì chẳng nên có chuyện thật thà? Chị học nhiều quá nên không thực tế. Ở trên đời này nếu ta không gạt người là sẽ bị người ta lường gạt ngay. Gạt và bị gạt, hai thứ đó tôi thấy thì thà gạt hay hơn. Đúng không? Hì! Hì!
Tử Vy tròn mắt ngạc nhiên nhìn Tiểu Yến Tử:
- Ồ! Sao lại lý luận nhiều vậy? Tôi chỉ nói có một câu, mà chị lại xổ ra một tràng. Lối lý luận của chị làm tôi càng nghe, càng tưởng mình sai.
- Tôi chỉ muốn nói là lý thuyết là một chuyện, mà thực tế là chuyện khác. Sách vở chẳng làm ta no bụng được đâu!
Tử Vy yên lặng nhìn Yến Tử một lúc nói:
- Chúng ta hai kẻ xa lạ tình cờ gặp nhau, nhưng như có sẵn nợ duyên, bằng chứng là hai lần gặp, đều ở cảnh éo le. Vậy mà chẳng hiểu sao. Tôi với Yến Tử vẫn như có một mối dây thân thiết nào đó. Tôi thích cái thái độ tự nhiên. Tự tin của Yến Tử nên chẳng có chuyện gì mà giấu, cũng chẳng thể dửng dưng được. Nói thật, Yến Tử đừng buồn, nhưng tôi thấy cuộc sống hiện tại của Yến Tử, nó có vẻ bàng môn tả đạo làm sao đấy! Sao không chọn một cái nghề nào khác đàng hoàng hơn?
- Kiếm công việc khác ư? Chị nói sao nghe dễ dàng vậy? Đi đâu mà tìm chứ? Anh em nhà họ Liễu và cả tôi cũng đã từng thử, nhưng họ có coi mình là con người đâu? Họ chỉ muốn mình làm nô lệ, một con súc vật để sai khiến. Tức chết đi được. Họ còn muốn mình ăn đói, mặc rét, đày đọa mình... sao bằng cứ ở tại Viện người nghèo như hiện nay, ở đó tất cả những người không nhà không cửa đều được thu nhận, tương trợ nhau, các người không biết, bọn tôi làm chuyện ban nãy cũng là để lấy tiền giúp đỡ những người đó. Như vậy thì chuyện làm của bọn tôi nào có phải là vô đạo đâu?
- Bàng môn tả đạo!
- À!... À! Bàng môn tả đạo, ta mới học được một tiếng mới. Ta cũng biết điều ngươi ví cũng có nghĩa là làm chuyện không tốt nhưng ta nghĩ chuyện múa võ để người ta cho tiền là chuyện làm đứng đắn, không ép người khác phải đưa tiền mình xài thì cũng không sai lắm. Mà ngươi cũng phải biết là ngươi có tiền cho người khác, thường họ là người có dư, họ giàu hơn vạn người ở Viện người nghèo chúng tôi.
Tử Vy tò mò:
- Ở viện người nghèo các ngươi có bao nhiêu người?
- Nhiều lắm, họ vừa bệnh, vừa đói. Bệnh không có tiền chạy thuốc, tội lắm! Mới tháng trước đây. Thím Quý cũng bị vậy mà đi đong rồi!
- Ồ!
- Thôi đừng nói những chuyện đó nữa, có nói ngươi cũng không hình dung ra được đâu!
- Được chứ! Được chứ! Tôi biết hết mà!
- Biết cái khỉ gì? Cô có cha có mẹ, ăn mặc đầy đủ lại có cả a hoàn phục vụ, thì làm sao biết thế nào là khổ? Là đói? Hở tiểu thư?
Tử Vy thở ra:
- Tôi tuy không đến độ đói khát nghèo khổ, nhưng sau khi mẹ chết rồi, tôi phải tha phương lưu lạc đến Bắc Kinh tìm cha. Cha thì chưa tìm thấy nhưng cứ đụng hết việc này đến việc khác, toàn chuyện bực mình, nhiều lúc chán nản cùng cực, tôi cũng thấm thía thế nào là khổ chứ!
Tiểu Yến Tử ngạc nhiên:
- Thế ư? Vậy mà ta cứ tưởng mà mi lén nhà dẫn a đầu lên Bắc Kinh chơi, chơi đã rồi quay về nhà chứ?
Tử Vy cười đau khổ:
- Tôi không còn nhà cửa từ lâu rồi, quê đâu mà về?
Tiểu Yến Tử nghi ngờ hết nhìn Tử Vy đến Kim Tỏa làm Kim Tỏa phải phân trần:
- Tiểu thư của chúng tôi đến Bắc Kinh là để tìm người thân, trước khi rời Tế Nam, đã bán hết nhà cửa ruộng đất, lấy tiền làm lộ phí, thì còn đâu mà quay về. Vậy mà đến đây cả nửa năm trời, chẳng tìm được gì cả. Bây giờ tiền bạc đã cạn, nếu sắp tới mà vẫn không tìm được cha, thì không biết sẽ sống thế nào đây.
Tiểu Yến Tử có vẻ xúc động:
- Thì ra ngươi cũng không có mẹ, lại chưa tìm được cha. Thế này thì cũng không hơn gì, nhưng ta thì... Đến mặt mày cha mẹ ra làm sao còn không biết. Ta sống đời trôi dạt ngay từ nhỏ...
Tử Vy và Tiểu Yến Tử lại nhìn nhau một cách đồng cảm.
Tử Vy định mở miệng nói gì đó nhưng Kim Tỏa đứng cạnh sợ chủ tiết lộ bí mật, vội nói:
- Chuyện tìm cha của tiểu thư tôi, không phải hoàn toàn là vô vọng. Có điều vì mất liên lạc đã khá lâu, nên phải gắng sức một chút, chắc cũng sắp tìm được rồi.
Tiểu Yến Tử làm ra vẻ hào phóng:
- Nếu cần gì tôi cứ nói, tôi sẵn sàng giúp hết mình. Cái chuyện thăm dò thám thính là nghề của tôi, mặc dù đều bằng cách bàng môn tả đạo cả, mấy người nhớ nhé tôi hiện đang ngụ tại nhà số mười hai hẻm Đuôi Chó đường Cây Liễu, hỏi Viện người nghèo là ai cũng biết. Cần cứ đến đấy tìm tôi!
Tiểu Yến Tử nói và chìa tay ra cho Vy:
- Riêng về tên tôi, các bạn đã biết rồi phải không? Tiểu Yến Tử? Còn bạn?
Tử Vy cảm động, xiết chặt tay Yến Tử:
- Tôi họ Hạ, tên là Tử Vy.
- Cái tên đẹp lắm, đẹp như người vậy.
- Yến Tử cũng đẹp vậy?
Và cả hai cùng cười.
Yến Tử và Tử Vy tuy bối cảnh cuộc sống khác nhau, truyền thống giáo dục cũng khác, nhưng chẳng hiểu sao tình bạn giữa hai người lại phát sinh chóng vánh. Và cái lạ lùng này lại là nguyên nhân tạo nên sự việc xảy ra sau đó. Phải chăng đó là ý trời? Giữa người với người. Sự huyền diệu lúc nào cũng có thể dễ xảy ra mà ta không lường trước được
Và thế là Tử Vy và Tiểu Yến Tử trở thành bạn. Sự kết bạn này đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của hai người sau đó.
Lần thứ ba, Tử Vy và Tiểu Yến Tử gặp nhau là ở Viện dành cho người nghèo hẻm Đuôi Chó. Hôm ấy, Tử Vy lần mò đến Viện người nghèo, tìm thăm Tiểu Yến Tử, trước sự ngạc nhiên của rất nhiều người. Tiểu Yến Tử thì vui mừng quá sức, nắm lấy tay Tử Vy hỏi:
- Sao? Tìm không được cha nên đến tìm tôi phải không? Muốn nhờ tôi dùng đòn Bàng môn tà đạo dể tìm dùm chứ gì?
Kim Tỏa chen vào:
- Không phải đâu. Tiểu thư tôi không phải đến đây nhờ cậy, mà là muốn phụ giúp các người đó!
- Cái gì?
Tiểu Yến Tử ngạc nhiên, Tử Vy cười và lấy trong túi ra một số tiền, thật thà nói:
- Hôm trước nghe nói ở đây có người không có tiền ăn, không có tiền chữa bệnh, rất tội nghiệp nên tôi có đem đến đây một ít để nhờ Yến Tử gởi giúp họ.
Tiểu Yến Tử càng ngạc nhiên hơn:
- Hôm trước nghe nói cô cũng đã gần hết tiền, vậy thì tiền đâu...
Kim Tỏa lại chen vào:
- Tiểu thư vừa mới mang đôi bông tai của bà để lại đem bán đó!
Liễu Thanh và Liễu Hồng ngại ngùng nhìn Tử Vy
- Sao lại đem bán cả vật kỷ niệm của mẹ cô?
- Bởi vì để lại tôi cũng nào có dùng? Mà mang mãi bên người thì cũng bất tiện vô cùng, tôi cứ đi mãi nên dễ bị kẻ trộm lấy mất, vì vậy bán lấy tiền gọn hơn!
Tiểu Yến Tử tròn mắt:
- Tôi chưa thấy ai như chị cả, mà tôi nghĩ trên đời này chắc cũng không có ai như chị Không lẽ... Không lẽ... Chị lại không sợ bọn này nói dối một lần nữa để gạt chị ư?
Tử Vy đưa mắt nhìn những người già và trẻ con đứng ngồi đầy trong phòng, lắc đầu nói:
- Tôi biết là Tiểu Yến Tử không nói dối với tôi lần này!
Tiểu Yến Tử nghe vậy có vẻ cảm động. Cô nàng đã mồ côi cha mẹ từ lúc lọt lòng, sự sinh tồn là một chuỗi đấu tranh lọc lừa, đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, áp bức mới trưởng thành. Đây là lần đầu tiên Yến Tử được một người ở giai cấp cao quý tin yêu, nên nắm tay Vy, vồn vã:
- Hay là... Cô đến đây ở chung với chúng tôi đi! Có đủ chỗ cơ mà!
Tử Vy ngần ngừ:
- Dọn đến đây ở à? Rồi ngủ ở đâu? Bất tiện không?
- Không được ư? Hay chê ở đây bẩn thỉu, không hợp với tư cách tiểu thư của cô?
- Làm gì có! Tôi đã nói với Yến Tử rồi, hiện tại hoàn cảnh tôi nào có hơn gì cô đâu? Cô còn có nơi cư ngụ cố định, còn có bạn bè, còn tôi, chẳng có cái gì cả.
- Vậy thì Tử Vy còn do dự gì? Hãy dọn đến đây, nơi này tuy nghèo nhưng đất còn rộng. Có thêm hai thầy trò cô cũng không chật thêm bao nhiêu. Cô cũng đã từng nói là không biết đến bao giờ mới tìm được cha và bây giờ nữ trang còn lại cô cũng đã bán hết như vậy ở lại khách sạn làm sao chịu nổi? Kéo dài được bao lâu? Ngoài ra ngụ ở khách sạn cũng đâu có tốt lành gì, khách khứa qua lại phức tạp, mà hai thầy trò lại quá thật thà. Coi chừng đấy, bữa nào bị người ta gạt bán luôn thì khổ.
Tử Vy nhoẻn miệng cười:
- Bọn này cũng đâu có ngu, làm sao để người ta bắt đi bán chứ?
Tiểu Yến Tử trợn mắt:
- Sao lại không? Với những người thật thà như các người, làm gì cũng cả tin, thì dễ vô cùng. Chính vì vậy mà nghe thầy trò hai người từ Tế Nam đến Bắc Kinh bình an vô sự, chẳng có chuyện gì xảy ra tôi ngạc nhiên vô cùng!
Tử Vy cười:
- Tại sao cô cứ nghĩ xấu cho mọi người vậy. Cuộc đời nào có phải hoàn toàn đen thủi. Bằng chứng là Tiểu Yến Tử cũng có biết gì về tôi, mà vẫn mời tôi đến, rồi rủ rê ở lại luôn, có phải là ở đâu tình người vẫn còn không?
Tiểu Yến Tử lắc đầu:
- Tôi thì khác, tôi là loại anh hùng hào kiệt, mấy người gặp tôi là gặp quý nhân, hên lắm đó!
- Vậy ư?
Tử Vy cười hỏi làm Tiểu Yến Tử ngượng chuyển sang đề tài khác:
- Sao? Bây giờ mấy người quyết định thế nào? Có chịu dọn đến đây ở không?
Tử Vy gật đầu:
- Đương nhiên là phải dọn để được ở chung với quý nhân chứ?
Và như vậy Tử Vy và Kim Tỏa đã dọn đến Viện người nghèo ở chung với đám bần dân và kết bạn với Tiểu Yến Tử.
o0o
Một tháng sau, Tử Vy và Tiểu Yến Tử đã ngụ chung nhau trong một phòng của Viện dành cho người nghèo vô gia cư. Hai cô gái cùng mười tám tuổi, nên cũng bắt chước các bậc giang hồ đàn anh, bái thiên bái địa kết nghĩa làm tỉ muội. Huynh đệ nhà họ Liễu, Kim Tỏa và đám trẻ con mồ côi trong Viện làm chứng. Tiểu Yến Tử quỳ trước bàn hương án tạm lập giữa trời, nhìn lên trời, nói to:
- Trên có Ngọc Hoàng Thượng Đế, dưới đất có Diêm Vương và tất cả những người chứng đang sống quanh đây, xin hãy chứng giám cho Tiểu Yến Tử này. Bắt đầu từ hôm nay xin thề với trời đất Thánh Thần nguyện cùng Hạ Tử Vy kết nghĩa tỉ muội. Từ nay có ăn cùng ăn, có mặc cùng mặc, cư xử nhau như tỉ muội ruột thịt. Nếu ai phản bội lời thề, phải chết thảm với gươm đao, hoặc bị đám ngựa phanh thây!
Tiểu Yến Tử vái xong, quay qua Tử Vy:
- Tử Vy, bây giờ đến phiên mi đấy!
Tử Vy cũng thành khẩn bái:
- Trên có trời dưới có đất, tôi Hạ Tử Vy xin được cùng Tiểu Yến Tử...
Vừa nói đến đây, Tử Vy chợt nhớ ra, quay lại hỏi:
- Tiểu Yến Tử mi họ gì vậy?
Tiểu Yến Tử lúng túng:
- À! À!... Lúc còn nhỏ, ta không có mẹ cha, được một ni cô trong chùa nhặt nuôi, và hình như sư bá đó nói là... Ta họ Giang, nhưng không chắc chắn lắm... Vì vậy thú thật, ta cũng không biết mình họ gì!
Tử Vy nghe nói xúc động:
- Thế mi năm nay bao nhiêu tuổi? Sinh tháng nào?
- Ta chỉ biết mình sinh năm Nhâm Tuất, năm nay mười tám tuổi, còn tháng mấy thì không nhớ.
- Tôi cũng sinh năm Nhâm Tuất, ngày sinh là mùng hai tháng tám. Vậy giữa hai ta, ai tỉ, ai muội?
Tiểu Yến Tử vội vã giành làm lớn, nói:
- Dĩ nhiên ta phải là tỉ rồi, muội sinh ngày hai tháng tám thì ta chắc là sinh ngày một tháng tám vậy.
- Sao lại chắc?
- Vậy thì ta quyết định ta sinh ngày một tháng tám. Được chưa?
Thế là Tử Vy bái thiên bái địa, vái lại:
- Trên có trời, dưới có đất. Tôi Hạ Tử Vy và Tiểu Yến Tử, cảm thấy tâm đầu ý hợp nên xin kết nghĩa tỉ muội. Bắt đầu từ đây, có phước cùng hưởng, có nạn cùng chia, bất luận số mệnh của mỗi người thế nào, phúc họa ra sao cũng không bỏ nhau! Lời thề này chung cho hai người, xin thánh thần chứng giám.
Tử Vy khấn xong, Tiểu Yến Tử cũng quỳ xuống và hai người cùng lạy. Lễ kết nghĩa kết thúc, Tử Vy nhẹ nhàng nói với Tiểu Yến Tử:
- Tiểu Yến Tử bây giờ chúng ta đã là tỉ muội rồi thì từ đây về sau, nếu có ai hỏi chị họ gì thì đừng có bảo là không biết, mà hãy nói là mình họ Hạ, cùng họ với muội nhé!
Tiểu Yến Tử cảm động rơi nước mắt, riu ríu nói:
- Họ Hạ ư? Tuyệt vời! Hoa Tử Vy của mùa hạ! Cánh én nhỏ cũng của mùa hạ. Hay quá! Từ đây ta đã có họ rồi. Ta họ Hạ! Sinh ngày một tháng tám năm Nhâm Tuất, và ta cũng có người thân, đó là muội!
Hai cô gái ứa lệ nhìn nhau, lòng ngập đầy tình cảm. Những người đứng quanh cũng thấy vui lây.
Sau khi kết nghĩa tỉ muội. Tử Vy xem Yến Tử như tỉ ruột của mình, nên không còn giấu gì cả. Nàng đem hết chuyện bí mật đời mình ra kể lại cho Tiểu Yến Tử nghe. Tử Vy đặt chiếc bị - Vật bất ly thân của mình - lên bàn. Trong đó có một bức họa thủy mạc với hình mấy cánh sen trong mưa, và một cây quạt giấy. Bức họa được đặt tên là Yên Vũ Đồ và bắt đầu nói:
- Tiểu Yến Tử nghe này. Đây là cả một sự bí mật. Tỉ có nhìn thấy bài thơ đề trên quạt không? Để muội đọc to lên cho tỉ nghe nhé.
Và Tử Vy chậm rãi đọc từng chữ một:
Sau mưa, sen đọng châu trên lá
Nắng ấm ban mai rạng bóng thành
Cảnh Đại Minh Hồ sao quá đẹp
Đỉnh Thái Nhạc như nhuộm sắc thần
Tiểu Yến Tử cầm quạt lên tẩn mẩn nhìn. Nhưng vì không biết chữ nên nào hiểu gì cả. Chỉ biết lắc đầu nói:
- Chịu thua! Với bức tranh này tôi còn có thể biết được vẽ cánh hoa sen này. Còn chữ viết ư? Bó tay!
Tử Vy sợ Yến Tử ngượng nên nói:
- Biết hay không biết không thành vấn đề. Tỉ chỉ cần hiểu là cây quạt và bức tranh này là di vật của cha muội để lại. Tranh và thơ trên quạt là nét bút của cha vẽ tặng mẹ, ám chỉ tên mẹ. Vì mẹ muội tên là Hạ Vũ Hà tức là cánh hoa sen trong mưa.
Tử Vy nói rồi chỉ hàng chữ dưới góc bức tranh đọc tiếp
- “Tân Dậu niên Thu, bên bờ hồ Đại Minh, vẽ trong lúc mưa gió mịt mù" Phía dưới lại có hàng chữ “Bảo Lịch vẽ - Tháng mười năm Tân Dậu”, rồi một dấu ấn to với bốn chữ Trường Xuân cư sĩ
Tiểu Yến Tử ngồi chăm chú lắng nghe, chăm chú nhìn nhưng nhìn mãi mà vẫn không hiểu gì, cô nàng không chịu kém, nên cố lẩm bẩm cho thuộc điều Vy nói:
- Thì ra đây là bút tích của cha muội, ông ấy tên là Bảo Lịch ư?
- Suỵt! Nói nhỏ một chút!
Tiểu Yến Tử ngạc nhiên:
- Làm gì ra vẻ bí mật vậy? Muội với cha muội chỉ thất lac nhau thôi chứ đâu có gì? Mà thất lạc bao lâu rồi?
- Muội chưa hề nhìn thấy mặt cha, mà muội nghĩ cha muội cũng không biết là trên cõi đời này có một đứa con như muội nữa.
- Sao lạ vậy? Chẳng lẽ ba và mẹ muội vừa cưới nhau đã xa nhau?
- Cha và mẹ muội cũng chưa cưới nhau!
- Ồ!... Vậy thì... Vậy thì... Không lẽ cha và mẹ muội... lén lút ăn ở với nhau?
- Cũng không hẳn như vậy. Lúc bấy giờ ông và bà ngoại muội đều biết rõ chuyện đó. Muội nghĩ họ cũng ngầm chấp nhận. Điều đó quả là hi hữu, vì ngoại muội lúc đó là một tú tài ở Tế Nam. Nghe nói lần ấy, để tránh mưa, cha muội mới vào nhà, lúc đầu chỉ định ở một chút, nhưng rồi gặp mẹ muội, thế là một chút đó biến thành mấy tháng trời. Sau đó cha muội quay về Bắc Kinh, trước khi đi đã hứa với mẹ, là chỉ trong vòng ba tháng, sẽ cho người đến rước mẹ đoàn tụ. Nhưng lời hứa của cha vì một lý do gì đó không thực hiện, và sau đó có lẽ là người đã quên bẵng mẹ muội.
Tiểu Yến Tử nghe nói bất bình:
- Sao vô lý vậy? Đời con gái bao giờ cũng nhiều thiệt thòi. Đàn ông là chúa phụ bạc. Thế còn ngoại muội? Ông ấy chẳng cho người đi tìm ư?
- Ngoại muội là người tính khí cao ngạo nên gặp chuyện xấu hổ như vậy, đã uất ức mà chết, bà muội thuộc hạng tùng phu chẳng dám ý kiến gì, mấy năm sau đó cũng qua đời. Mẹ muội thì vì không chồng mà có con, xấu hổ đâu dám tiếp xúc với ai, thui thủi nuôi con. Mãi đến lúc sắp qua đời, mới hé lộ bí mật thân thế cho muội biết, và bảo phải lên Bắc Kinh tìm cha.
Tiểu Yến Tử càng nghe, càng bất bình:
- Thôi bỏ đi! Với một người cha như vậy, muội còn đi tìm làm gì? Nếu ông ấy là người có tình nghĩa thì đâu có để mẹ con muội sống một cuộc đời lận đận tai tiếng như vậy? Mười tám năm bỏ mặc, không một lời hỏi thăm, chăm sóc. Như vậy thì... Đâu phải người tốt? Đâu phải biết mấy cái chữ, làm được mấy bài thơ, vẽ được tranh là ghê gớm lắm đâu? Muội hãy suy nghĩ kỹ đi. Người cha như vậy không thể tha thứ được, vì vậy không nên nói đến chuyện đi tìm. Tại sao chẳng coi như chẳng có ông ta trên cõi đời này đi?
Tử Vy buồn bã nói:
- Nhưng mà mẹ muội rất yêu cha, lúc gần chết còn dặn dò mãi, là muội phải đi tìm cha, và khi gặp hỏi người xem có còn nhớ Hạ Vũ Hà bên bờ hồ Đại Minh không?
- Mẹ muội rõ thật là khờ khạo. Đương nhiên là ông ta không nhớ. Vì nếu nhớ, thì sao lâu nay không quay về? Tỉ nghĩ cái điều đó, muội không cần hỏi. Tóm lại là cả muội lẫn tỉ đều có số khổ, vậy là cái họ Hạ của muội là họ mẹ chứ không phải họ chả Và cha muội họ gì chắc muội cũng không biết?
Tử Vy lẳng lặng nhìn Tiểu Yến Tử, một lúc sau mới nói:
- Làm sao muội không biết? Ông ấy họ là Ái Tân Giác La.
Tiểu Yến Tử giật mình:
- Cái gì? Ái Tân Giác La ư? Như vậy ông ấy không phải là người Hán mà là người Mãn. Thế thì hẳn thuộc vào hoàng tộc. Vua hay thân vương vậy?
Tử Vy chỉ vào cái tên trên bức tranh:
- Tỉ có biết hai chữ Bảo Lịch trên đây có nghĩa gì không? Bảo ở đây là Bảo Thân Vương còn Lịch là Hoằng Lịch. Chắc tỉ cũng biết hoàng đế hiện nay của chúng ta có tên Hoằng Lịch và lúc chưa lên ngôi người là Bảo Thân Vương.
Tiểu Yến Tử càng ngạc nhiên hơn:
- Cái gì? muội nói cái gì?
- Đúng vậy, nếu lời của mẹ muội là thật, nếu những thứ này cũng là thật thì... cha muội chẳng phải ai khác mà phải là đương kim hoàng thượng thôi!
Tiểu Yến Tử giật mình cầm cây quạt lên xem, lúng túng thế nào lại để nó rơi xuống đất. Tử Vy vội cúi xuống nhặt lên phủi lấy phủi để.
- Trời đất! Vậy là... Vậy là... Tôi đã... Đã cùng công chúa kết nghĩa tỉ muội, tôi... tôi...
Tiểu Yến Tử kêu lên. Làm Tử Vy phải ngăn lại:
- Muội van tỉ... Van tỉ... Đừng nói lớn... người khác nghe được không tốt.
Tiểu Yến Tử vẫn còn ngơ ngác. không tin:
- Vậy thì... không lẽ... cha muội lại làm lớn như vậy? Và lần trước muội muốn gặp Lương Đại Nhân, chẳng qua chỉ vì muốn gặp mặt hoàng thượng ư?
Tử Vy gật đầu:
- Vâng, nhưng sau đó muội biết được hắn chỉ là một tham quan, nên không tìm gặp hắn nữa.
- Nhưng mà... Nhưng mà... Không có ai dẫn đường làm sao muội vào cung được? Làm sao để gặp Hoàng thượng chứ?
- Cũng chính vì vậy mà muội đang bế tắc đây. Nếu được là một con chim én nhỏ, hẳn là muội vào được trong hoàng cung rồi!
Tiểu Yến Tử nghe nói nghĩ ngợi:
- Nếu muội không vào cung vua được, thì chỉ còn nước chờ ông ấy đi ra ngoài...
Tử Vy nghe nói, mắt chợt sáng lên:
- Hoàng thượng thường hay ra ngoài lắm ư! Ông ấy hay đi lắm ư?
Tiểu Yến Tử nói
- Khỏi nói, ông ta là vị vua thích ra ngoài du ngoạn nhất!
Tử Vy nhìn Tiểu Yến Tử mặt mày rạng rỡ hẳn.