Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Nhà Tây Sơn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 58094 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhà Tây Sơn
Quách Tấn, Quách Giao

CẢNH NỨT RẠN TRONG NHÀ TÂY SƠN

Ba anh em nhà Tây Sơn, từ nhỏ đến lớn, đối với nhau trọn niềm thương yêu.
Từ ngày ông Nguyễn Phi Phúc tạ thế, ông Nhạc lo vẹn đạo làm anh. Ðối với hai em, chẳng những yêu thương vì ruột thịt mà còn quý trọng đức tài. Còn ông Huệ cũng như ông Lữ thì yêu kính anh như cha, nhất nhất đều tuân theo mệnh lệnh.
Tình như thế, nhưng tánh lại có khác.
Ông Lữ lấy việc sửa mình thương người làm gốc, còn giàu sang, thua được là chuyện ngoài thân.
Ông Nhạc tuy thiệp thế đa mưu, song có phần bảo thủ, có phần cầu an. Khi chưa có thì xông Nam đột Bắc, đến khi có rồi, thì có bao nhiêu bo bo giữ bấy nhiêu, và chấp vào những gì mình đã có.
Ông Huệ tài trí vượt hẳn anh. Nhưng khi còn ở dưới quyền anh thì triệt để phục tùng. Khi con chim bằng đã nuôi đủ sức gió để quạt cánh lên chín tầng mây thì không còn ai có thể kiềm chế. Và con chim bằng khi đã bay thì hướng về tương lai chớ đâu mấy khi quay về dĩ vãng.
Nghĩa là tánh ông Nhạc tĩnh, tánh ông Huệ động.
Ðó là nguyên nhân gây ra xích mích giữa hai anh em làm cho nhà Tây Sơn bị nứt rạn.
Cảnh nứt rạn ấy bắt nguồn từ ngày Tây Sơn chiếm được Phú Xuân rồi đánh ra Thăng Long.
Nguyên sau khi dẹp yên Gia Ðịnh, ông Huệ đề nghị đem quân đánh Phú Xuân. Vì không rõ quân chúa Trịnh mạnh yếu thế nào, nên ông Nhạc không ứng thuận. Sau ông Chỉnh cho biết rõ tình hình, ông Nhạc mới cho xuất chinh. Lấy được Phú Xuân, ông Huệ tự tiện đem quân ra đánh Bắc Hà. Ông Nhạc không bằng lòng song không lấy cớ gì để bắt tội em được, nên chỉ gọi em về thôi. Về Phú Xuân ông Huệ cho chở tất cả chiến lợi phẩm thu được ở Bắc Hà về Quy Nhơn, còn mình thì lấy cớ Thuận Hóa mới lấy được cần phải củng cố nhân tâm và sửa sang chính sự, nên xin ở lại Phú Xuân. Ông Nhạc đành phải chấp nhận, tuy không lấy làm vừa lòng. Ðến khi Nguyễn Huệ được phong Bắc Bình Vương, nắm quyền quản thủ đất Thuận Hóa, thì tự ý sửa sang thành quách, phong thưởng võ tướng văn quan chớ không tấu trình theo pháp. Nhiều lần ông Nhạc vời ông Huệ vào Quy Nhơn, ông Huệ luôn luôn tìm cớ thoái thác.
Nhận thấy quyền làm anh đối với em, quyền làm vua đối với bề tôi đã bị xem khinh, ông Nhạc cử binh ra Phú Xuân hỏi tội.
Nghe tin, ông Huệ vỗ án nói:
- Tội gì mà hỏi? Ðánh Nam dẹp Bắc để giữ vững ngôi báu cho anh, đó là tội à? Còn đất Thuận Hóa này là của ta lấy nơi tay Chúa Trịnh. Ta thọ phong chẳng qua vì tình anh em đó thôi. Chớ đâu phải anh ta cắt đất của mình phong cho ta mà bắt ta nhất nhất phải tuân theo mệnh lệnh? Công có lại quên, tội không có lại buộc! Sao lại bất công thế. Ta không chịu nổi.
Rồi thân hành đem quân ra chống cự.
Ông Nhạc thấy em ra mặt bất phục tùng, càng nổi giận thêm. Không một lời phân trần, hai bên giáp chiến. Ðánh nhau kịch liệt. Lần lần ông Nhạc đuối sức phải rút lui. Ông Huệ truy kích. Ông Nhạc rút quân vào thành Quy Nhơn, cố thủ. Ông Huệ công vi cả tháng mà không hạ nổi thành, bèn đánh chiếm núi Long Cốt, rồi kê súng đại bác trên núi bắn vào thành. Những nơi hiểm yếu trong thành bị phá. Ông Nhạc liệu không giữ mãi được, bèn lên mặt thành kêu ông Huệ mà khóc:
- Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn[56]
- Nghe tiếng gọi của anh, ông Huệ òa lên khóc.
Rồi bãi binh.
Từ ấy anh em hòa thuận như cũ. Em Bắc anh Nam, lấy Hải Vân làm ranh giới.
Nguyên nhân xích mích giữa hai anh em nhà Tây Sơn không có chi khác hơn là lòng tự ái. Anh cậy quyền làm lớn, em cậy có công to. Vì chấp sanh sân hận. Một đóm lửa giận không dập tắt kịp thời, cháy bùng lên đốt cháy cả rừng tình nghĩa! Nhưng rồi một cơn mưa nước thân tình rưới xuống, bao nhiêu lửa giận đương cháy ngùn ngụt liền tắt ngay.
Không có gì bí ẩn.
Nhưng để giải thích sự bất hòa kia, nhiều nhà làm sử đặt ra chuyện. Kẻ thì nói rằng: ông Nhạc thông gian với vợ ông Huệ, và giữ hết những của cải lấy được ở Thăng Long, nên ông Huệ giận...
Ông Huệ có ba bà vợ chính thức: bà họ Phạm ở Phú Phong, mẹ ông Nguyễn Quang Thùy, bà họ Bùi ở Xuân Hòa, mẹ ông Nguyễn Quang Toản và bà Ngọc Hân công chúa con gái Vua Lê. Lúc ông Huệ trấn thủ Thuận Hóa thì bà họ Phạm qua đời đã lâu, bà họ Bùi theo chồng ra Phú Xuân, còn bà Ngọc Hân thì còn ở Thăng Long. Như vậy ông Nhạc thông gian với bà nào?
Còn về của cải lấy được ở Thăng Long, thì có thấm vào đâu so với đất đai từ Phú Yên đến Hà Tiên Phú Quốc. Ðất kia còn để cho anh cho em không chút tiếc, tiếc gì chút chiến lợi phẩm mà tranh? Có người lại bảo rằng: Nguyễn Phúc Ánh muốn chia rẽ hai anh em nhà Tây Sơn, bèn lập kế ly gián. Nguyễn Phúc Ánh dùng kế mỹ nhân, tìm một thiếu nữ Âu Châu tuyệt đẹp đem dâng cho Nguyễn Huệ và tin cho Huệ biết trước. Nhưng lại đem dâng cho Nguyễn Nhạc, rồi báo cho Huệ biết rằng đi ngang qua Quy Nhơn, bị Nhạc chận cướp, mặc dù biết là của em. Huệ giận kéo quân vào đánh.
Kế mỹ nhân, xưa nay thường được dùng đến. Nhưng xét việc bất hòa của anh em nhà Tây Sơn xảy ra vào năm Ðinh Mùi (1787). Lúc ấy Nguyễn Phúc Ánh còn ở Xiêm La, đất Gia định còn nằm trong tay nhà Tây Sơn, do ông Lữ trấn thủ. Nguyễn Ánh về nước mùa thu năm Ðinh Mùi, bị tướng sĩ Nguyễn Lữ đánh liên tiếp mãi đến năm Kỷ Dậu (1789) mới lấy được Gia Ðịnh. Như vậy Nguyễn Phúc Ánh lo chống cự với Nguyễn Lữ chưa rồi, còn rảnh đâu lo việc ly gián ông Nhạc và ông Huệ. Huống nữa lúc Nguyễn Phúc Ánh ở Xiêm về thì việc xích mích đã xảy ra rồi (Ánh về nước vào tháng 7 năm Ðinh Mùi. Chuyện xích mích của anh em nhà Tây Sơn xảy ra vào khoảng thượng bán niên năm Ðinh Mùi). Cho nên thuyết này cũng không đứng vững.
Hai giả thuyết trên, không thấy quyển sách chữ Nho nào chép. Các bộ sử soạn dưới triều Nguyễn không có bộ nào chép rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân, theo truyền thuyết ở vùng Tây Sơn chỉ là lòng cố chấp.
Và anh em hết dạ thương yêu nhau thì giận nhau dễ mà thuận lại nhau cũng không khó khăn.
Vì sự xích mích kia do nguyên nhân gì không tốt thì ngòi bút của các sử gia nhà Nguyễn dễ gì lại chịu bỏ qua, dễ gì không đồ đi đồ lại cho thêm đậm nét.
--------------
[56] Nồi da xáo thịt, lòng em sao nỡ?Bà nội tôi đã diễn ra Quốc âm:
 

<< TÂY SƠN PHÒ LÊ DIỆT TRỊNH | BẮC BÌNH VƯƠNG ÐỐI PHÓ MẶT BẮC >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 953

Return to top