Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Nhà Tây Sơn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 58114 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhà Tây Sơn
Quách Tấn, Quách Giao

TÂY SƠN KHỞI NGHĨA

Cơ sở đã vững vàng, quân sĩ, vũ khí, lương thực tạm đầy đủ, Nguyễn Nhạc xuống An Thái thỉnh giáo thầy, Trương Văn Hiến đáp:
- Khởi sự được rồi. Nguyễn Nhạc xin thầy lên nắm quyền chỉ đạo, Trương công nói:
- Ông là người trí dũng có thừa. Huống nữa văn nhân võ sĩ về với ông đều là những anh hùng hào kiệt. Tôi tuổi già sức yếu, chỉ mong được hưởng chữ nhàn. Nhưng khi có việc cần, tôi sẵn sàng góp sức.
Công lại dặn:
- Ba yếu tố cần thiết để thành công, ông đã có đủ. Nhưng luôn luôn phải giữ vững nhân tâm. Ðược đất không bằng được thành, được thành không bằng được lòng người.
Nguyễn Nhạc bái tạ về, lo chỉnh đốn quân ngũ, sắm kỳ hiệu, đặt quan chức.
Quân chia làm ba đạo:
- Một đạo lo canh phòng chiến khu, tiếp tục tuyển mộ và huấn luyện binh sĩ, đô đốc việc sản xuất và giữ an ninh trật tự ở vùng Tây Sơn.
- Một đạo xuống đánh chiếm huyện lỵ Tuy Viễn.
- Một đạo ra chiếm giữ vùng núi hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn sau khi huyện lỵ Tuy Viễn bị hạ.
Ðạo thứ nhất giao cho Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Võ Ðình Tú, Võ Xuân Hoài.
Ðạo thứ nhì do Nguyễn Nhạc thống lãnh, có Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc bên võ, Trương Mỹ Ngọc, Triệu Ðình Tiệp bên văn phò tá.
Ðạo thứ ba do Trần Quang Diệu chỉ huy, có Võ Văn Dũng, Lê Văn Hưng bên võ, La Xuân Kiều, Cao Tắc Tựu bên văn cộng tác.
Kỳ hiệu hình vuông, nền đỏ, chữ vàng, viền ngoài và tua xanh.
Ðại kỳ thêu kim tuyến ba chữ Tây Sơn Vương.
Quân kỳ nhỏ thua đại kỳ một mười một tám, thêu chỉ vàng họ và chức vị cấp chỉ huy.
Quan chức, đại loại gồm có: Bên võ: Ðại Tổng Quản, Ðại Ðô Ðốc, Ðô Ðốc, Ðề Ðốc. Bên văn: Ðại Học Sĩ, Hiệp Biện Ðại Học Sĩ.
Nguyễn Huệ được phong Ðại Tổng Quản.
Bùi Thị Xuân, Võ Ðình Tú được phong Ðại Tổng lý.
Võ Xuân Hoài được phong Ðại Học Sĩ.
Phong Trần Quang Diệu làm Ðô Ðốc, Võ Văn Dũng là Phó Ðô Ðốc, Lê Văn Hưng làm đề đốc.
Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc làm Tả Hữu Ðô Ðốc.
Các quan văn đều được phong Hiệp Biện Ðại Học Sĩ.
Việc vận tải lương thực giao cho Nguyễn Lữ và Nguyễn Thung với chức tán tương quân vụ. Nguyễn Thung lo mặt Bắc, Nguyễn Lữ lo mặt Nam.
Việc sơn phòng giao trọn cho chúa Xà Ðàng Bok Kiơm. Các sắc tộc vùng An Khê, Pleiku, Kon Tum đều thuộc quyền quản lý của Bok Kiơm, Nguyễn Nhạc tặng Bok Kiơm một nón lông đen chớp bạc quai tua điều, một con chiến mã và một cây mác bạc.
Còn bà họ Trần và Cô Hầu vẫn tiếp tục việc buôn trầu, làm ruộng, với sự trợ lực của Bùi Thị Xuân.
Mọi việc an bài, Nguyễn Nhạc lập đàn cáo Trời Ðất, hợp thức hóa danh vị chức chưởng của chúa tôi và tế cờ xuất quân.
Ðàn lập trên đèo An Khê, nơi nghẹo Cây Khế, dưới bóng hai cây đại thọ: Cây ké, cây cầy. Binh tướng của ba đạo quân tập trung về phía đông đèo An Khê từ chân đèo đến đỉnh đèo.
Khi đại quân đến gần tế đàn thì từ trên cây ké một con rắn bò xuống. Con rắn này thân lớn bằng cột nhà. Sắc đen nhánh như hạt huyền, người đương thời gọi là Ô Long, nằm chận ngang đường đi. Quân không dám tiến, Nguyễn Nhạc liền tuốt gươm chém chết. Nhớ chuyện Hán Cao Tổ chém rắn khởi nghĩa, tướng sĩ tin là điềm lành, ai nấy đều nức lòng phấn chí.
Lễ tổ chức đơn giản nhưng long trọng.
Bóng cờ đào chen bóng cây xanh, tiếng chuông trống lẫn tiếng hô của tướng sĩ, tràn ngập, vang dội cả suối rừng. Hùng khí ngút ngàn.
Lễ tất, Tây Sơn Vương ban bố quân luật, gồm ba điều:
* Không được xâm phạm tánh mạng và tài sản của đồng bào.
* Không được tiết lộ bí mật quân sự.
* Không được gây xáo trộn, chia rẽ trong hàng ngũ.
Ai phạm phải một trong ba điều, sẽ bị chém tức khắc.Tiếng hoan hô vang rừng.
Rồi lệnh truyền xuất phát.Ðạo quân Nguyễn Huệ kéo về chiến khu.
Ðạo quân Trần Quang Diệu theo đường núi ra hướng bắc.
Ðạo quân Tây Sơn Vương kéo thẳng xuống hướng đông.
Ðó là ngày rằm tháng tám năm Quý Tỵ (1773).
Ðạo quân của Tây Sơn Vương xuống đến núi Bà Phù thì trời xẩm tối. Vương truyền quân dừng lại nghỉ. Ðêm đến mở yến tiệc đãi tướng sĩ tại thung lũng dưới chân núi Bà Phù. Sáng hôm sau mới tiếp tiến phát.
Nhân đồn binh được yên ổn và yến ẩm được vui vầy. Vương đặt tên hòn Bà Phù là Tâm Phúc, và người địa phương gọi thung lũng Bà Phù là Hóc Yến.
Sáng ngày 16, gà vừa cất tiếng gáy, đạo quân của Tây Sơn Vương đã thức dậy lên đường.
Nguyễn Lữ đã chuẩn bị sẵn sàng tại chân núi Ðồng Phong để đón tiếp.
Ðến Ðồng Phong tướng sĩ dừng lại ăn uống và lãnh lương thực, rồi đi thẳng một mạch đến huyện lỵ Tuy Viễn. Binh đi như gió. Mặt trời vừa mọc thì huyện lỵ đã bị bao vây. Tiếng quân hò hét dậy đất. Viên tri huyện hết hồn bỏ trốn. Nhân viên trong huyện và tất cả lính huyện đều xin đầu hàng.
Tây Sơn Vương ban lời phủ dụ. Trong công phủ ngoài nhân dân, mọi người đều hoan hỉ. Những nhà khá giả đem bò heo gạo trái đến đãi nghĩa quân.
Nghe Tây Sơn Vương chiếm đóng Tuy Viễn, một phú thương ở Cửa Giã [17] là Huyền Khê đem gia nhân trên mười người đến xin gia nhập nghĩa quân và cúng tất cả tài sản để làm lương thực. Tiếp theo đó, hai thủ lãnh lục lâm ở nguồn An Tượng [18] là Nhưng Huy và Tứ Linh đem lâu la đến xin quy thuận.
Tây Sơn Vương thu nạp và trọng dụng.
Vương giao Tuy Viễn cho Nguyễn Văn Tuyết và Huyền Khê đóng giữ, rồi kéo đại binh ra đánh thành Quy Nhơn.
Ðược tin Tuy Viễn đã vào tay nghĩa quân rồi. Trần Quang Diệu liền chia đại binh mình chỉ huy ra làm ba đội. Một đội giao cho Lê Văn Hưng ở lại hậu phương. Một giao cho Võ Văn Dũng cùng Cao Tắc Tựu đi đánh Bồng Sơn, còn mình lãnh một đạo đi đánh Phù Ly cùng La Xuân Kiều.
Bồng Sơn và Phù Ly, nghĩa quân kéo đến, chưa đánh đã lấy được.
Quân cũng như dân của hai huyện đều hân hoan đón tiếp nghĩa binh.
Trần Quang Diệu để Võ Văn Dũng cùng hai học sĩ Cao, La ở lại giữ huyện lỵ hai nơi, còn mình thì đem quân vào hợp với Tây Sơn Vương đánh thành Quy Nhơn.
Thành Quy Nhơn là thành cũ Ðồ Bàn của Chiêm Thành.
Sau khi đất Ðồ Bàn thuộc về Việt Nam thì đặt thành phủ và chia làm ba huyện. Phủ gọi là Quy Nhơn thuộc dinh Quảng Nam, huyện là Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn. Phủ lỵ, đóng tại thành Ðồ Bàn gọi là thành Quy Nhơn, huyện lỵ Bồng Sơn đóng trên bắc ngạn sông Lại Giang, đối diện với hòn Bích Kê ở nam ngạn. Huyện lỵ Phù Ly đóng tại Phù Mỹ gần sông La Tinh. Huyện lỵ Tuy Viễn đóng ở nam ngạn sông Côn cách An Thái chừng 1 cây số. Ðịa phận của ba huyện chạy dọc theo ba con sông Cái: Lại Giang, La Tinh Giang, Côn giang[19].
Thành Quy Nhơn ở giữa Tuy Viễn và Phù Ly.
Tường xây bằng đá ong, trên một giải gò cao, chung quanh có hào sâu bao bọc, thế rất vững.
Vì vậy nên quân Tây Sơn vây đánh đã ba ngày mà không lấy được. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên đóng cửa thành cố thủ.
Không dùng sức được, Tây Sơn Vương bèn dùng mưu.
Vương truyền lui quân rồi cho đi đóng rải rác trong những nơi khuất tịch, nằm im chờ lệnh. Tuần Tuyên tưởng quân Tây Sơn đã kéo về núi, thông cáo cho nhân dân ai bắt sống Nguyễn Nhạc đem nạp hoặc giết chết lấy đầu đem nạp, sẽ được trọng thưởng. Tây Sơn Vương bèn cho đóng một chiếc cũi thật kiên cố, bên trong có máy mở đóng, rồi tự mình vào ngồi trong cũi, bảo khiêng đem nạp cho tuần Tuyên.
Trước khi đi, Vương ra lệnh và sắp xếp:
- Tướng sĩ phải chuẩn bị sẵn sàng, hễ nghe trong thành có tiếng pháo nổ thì kéo vào chiếm thành.
- Lựa tám quân nhân giỏi côn quyền, ăn mặc theo thường dân, để khiêng cũi. Khi vào được cửa thành thì dùng đòn khiêng cũi làm côn tháo thanh cũi làm gậy đánh quân giữ thành.
Cho một toán quân vài mươi người ăn mặc theo thường dân, mượn cách nghiêm giải, mang vũ khí đi theo hai bên cũi. Tổ chức một số thường dân cho chạy trước và chạy sau đoàn khiêng cũi, la Ðã bắt được giặc rồi đồng bào ra coi....
Nhưng Huy và Tứ Linh lẩn theo đám đông người đem quân mai phục ở hai bên cửa thành, hễ nghe pháo lệnh thì xông ngay vào thành.
Sắp đặt xong xuôi, Vương truyền quân khiêng cũi đi.
Ðồng bào hai bên đường kéo ra xem đông đảo.
Tuần Tuyên nghe tin, cho người lên thành xem thử rồi truyền mở cửa thành, nhưng chỉ cho hai người khiêng cũi vào thành. Những người khiêng lấy cớ cũi quá nặng, hai người không khiêng nổi. Xin cho cả tám người vào khỏi cửa rồi ra ngay. Tuần Tuyên y cho. Cũi khiêng vào thành, đồng bào lần lần giải tán.
Cũi vừa qua khỏi cửa thành, cánh cửa chưa kịp đóng Tây Sơn Vương liền mở cũi nhảy ra, rút kiếm dấu sẵn trong người, chém chết viên đội trưởng giữ cửa, tám nghĩa quân khiêng cũi, lớp côn lớp quyền, đánh tan toán giữ cửa, mở rộng cửa thành và đốt pháo hiệu truyền lệnh... Nghĩa quân do Nhưng Huy và Tứ Linh điều khiển và những người cầm vũ khí khi bị tuần Tuyên cản không cho vào còn đứng đợi trước thành ngheo pháo lệnh, liền kéo ùa vào thành một cách thần tốc, vừa chạy vừa reo hò. Tuần Tuyên khiếp đảm, dắt gia đình lẻn ra cửa sau chạy trốn. Quân lính và quan lại trong thành như rắn không đầu, đều quy hàng Tây Sơn Vương.
Kế đó quân Trần Quang Diệu và chư tướng lần lượt kéo tới, lớp vào thành, lớp đóng giữ bên ngoài phòng việc bất trắc[20].
Tây Sơn Vương giao thành cho Trần Quang Diệu và các tướng đóng giữ, tự mình đem hai quân đoàn xuống Càng Rang, Nước Ngọt, đánh lấy hai kho lương thực. Hai viên quan giữ kho là Ðốc Trưng Ðằng và Khâm Sai Lượng chống cự. Lượng bị giết, Ðằng tẩu thoát. Vương cho chở hết lương thực về thành Quy Nhơn.
Thành Quy Nhơn hạ xong, địa phận phủ Quy Nhơn từ nguồn chí bể thuộc về nhà Tây Sơn. Tháo được ách tham quan Nguyễn Khắc Tuyên, người người đều hoan hỷ và đều nguyện một lòng trung thành cùng Tây Sơn Vương.
Tây Sơn Vương dùng thành Quy Nhơn làm căn bản. Ngọn cờ đào thêu kim tuyến bay phất phới trên kỳ đài, hiên ngang rực rỡ.
Mọi việc về quân sự dân sự đều được sắp xếp lại. Quân chia làm năm đồn Trung, Tiền, Hậu, Tả, Hữu do các Ðô Ðốc chỉ huy. Lính cũ của chúa Nguyễn xin ở lại đều được sắp xếp vào hàng ngũ theo cấp bậc đã có trước. Người nào muốn xin về thì cho về không điều kiện.
Các quan lại đầu hàng đều được giữ nguyên chức vụ, nhưng thuộc quyền điều khiển của các Ðại Học Sĩ Tây Sơn.
Các huyện lỵ Tuy Viễn, Phù Ly, Bồng Sơn, mỗi huyện có một Ðề Ðốc và một học sĩ quản lý.
Mặc dù thành Quy Nhơn đã trở thành căn cứ chiến đấu, chiến khu Tây Sơn vẫn giữ y nguyên và vẫn tiếp tục phát triển kinh tế và quân sự.
An ninh và trật tự trong toàn phủ được giữ gìn chu đáo. Không một vụ lộn xộn xảy ra trong lúc giao thừa. Sắp xếp xong mọi việc trọng yếu, Tây Sơn Vương chuẩn bị mở rộng phạm vi Quy Nhơn về mặt Nam, mặt Bắc.
----------------
[17]Cửa Giã là Quy Nhơn hiện thời, Huyền Khê là hiệu. Tên thật không rõ.
[18] Nguồn An Tượng nằm trong dãy núi phía Nam của huyện Tuy Viễn. Nhưng Huy, Tứ Linh là 2 kép hát, hát hay võ giỏi.
[19]Sau này Bồng Sơn chia làm hai là Hoài Nhơn và Hoài Ân. Phù Ly chia làm hai là Phù Cát ở trong Phù Mỹ ở ngoài. Tuy Viễn chia làm ba là Bình Khê ở trên và nằm trọn trong ấp Tây Sơn cũ. An Nhơn ở giữa, Tuy Phước ở cuối và chạy xuống tới biển Thị Nại.
[20] Ðại Nam Chánh biên Liệt truyện và Khâm Ðịnh Việt sử Thông Giám Cương Mục có chép rõ việc Nguyễn Nhạc dùng mưu vào thành làm nội ứng. Nhưng lại chép người từ ngoài đánh vào là Nguyễn Thung, vào hạ thành lúc ban đêm. Nhưng theo bức thư của Linh mục Jumilla de Diego đăng ở Bulletin de la Socíeté des Etudes indochinoises, Nouvelle série, Tome XV, nos 3 et 4 - 1940 thì thành hạ lúc ban ngày và do đoàn quân của Nguyễn Thung và Nhưng Huy điều khiển. Nhưng theo các phụ lão Bình Ðịnh thì Nguyễn Thung là một nhà giàu không biết võ, lúc hạ thành Quy Nhơn đang lo vận tải lương thực.
 

<< NHÀ TÂY SƠN | ANH HÙNG NGHĨA SĨ >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 922

Return to top