Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Nhà Tây Sơn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 58109 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhà Tây Sơn
Quách Tấn, Quách Giao

ANH HÙNG NGHĨA SĨ

Vừa dựng cờ khởi nghĩa, nhà Tây Sơn đã được nhiều anh hùng nghĩa sĩ xa gần phò tá. Bên võ có:
- Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu được anh em Tây Sơn Vương coi như cật ruột.
- Nguyễn Văn Tuyết, Võ Ðình Tú, Nguyễn Văn Lộc, Lê Văn Hưng được coi như tay chân.
- Nhưng Huy và Tứ Linh là hai tay lục lâm mới quy thuận, lòng dạ chưa lường được, nhưng võ nghệ cao cường, nên vẫn được trọng dụng.
Tất cả đều là tướng tài. Mỗi người có một môn sở trường vô địch.
* Võ Văn Dũng người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn (Bình Khê). Nhà giàu. Rước thầy về học văn học võ, từ nhỏ đến lớn. Học văn thì tối. Còn học võ thì dạy đâu nhớ đó, mỗi năm phải rước một thầy mới để thay.
Ðến 20 tuổi theo người buôn ngựa vào Phú Yên. Duyên may gặp được lão trượng họ Lương giòng dõi Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa, dạy cho môn trường kiếm và môn đoản đao, dạy cách đánh trên đất, cách đánh ngựa, lúc dùng một món, lúc dùng cả đôi. Về nhà Võ Văn Dũng tập luyện ngót năm năm trời mới thành thục. Nhớ lời thầy dặn Học võ là để phòng thân và dẹp nỗi bất bình khi gặp, chớ không phải để đấu sức khoe tài. Võ giấu kín nghề riêng. Cho nên ngoài Nguyễn Nhạc là bạn cố giao, khách võ lâm không mấy ai biết Võ thuộc hàng cao thủ.
* Bùi Thị Xuân con của Bùi Ðắc Chí gọi Bùi Ðắc Tuyên bằng chú, người thôn Xuân Hòa, một thôn nằm về phía đông Phú Phong [21], vừa có sức mạnh vừa có sắc đẹp. Nữ công khéo, chữ viết đẹp. Nhưng thích làm con trai, thích múa kiếm đi quyền. Nghe kể chuyện bà Trưng bà Triệu cỡi voi đánh giặc, Bùi Thị Xuân náo nức muốn được theo gương bà Triệu bà Trưng. Còn những chuyện Tô Tiểu Muội cùng chồng xướng họa, chuyện bà Mạnh Quang cử án tề mi thì Bùi Thị Xuân cho là nhảm nhí. Lúc nhỏ đi học, thường mặc áo con trai. Lớn lên tự chế kiểu áo các nữ hiệp vẽ trong sách mà mặc. Cha mẹ chiều con, không nỡ lời trách cứ. Còn tiếng chê khen của người ngoài thì Bùi Thị Xuân không bận tâm.
Năm 12 tuổi, Bùi Thị Xuân đến trường học chữ. Một hôm anh em giễu cợt ra cho nhau câu đối:
Ngoài trai trong gái, dưa cải dưa môn.
Có người đối:
Ðứng xuân ngồi thung, lá vông lá chóc
Rồi vỗ tay cười ầm!
Bùi Thị Xuân cả thẹn, vùng quyền đánh vào mặt hai người sanh sự, rồi trở về nhà. Từ ấy bỏ học chữ. Ở nhà chuyên học võ.
Trước kia không biết Bùi Thị Xuân học võ với ai và học vào lúc nào. Nhưng từ khi bỏ học văn thì đêm đêm có một lão bà đến dạy. Dạy từ đầu hôm đến gà gáy lần thứ nhất thì bà lão lui gót. Không ai hiểu lai lịch ra sao. Suốt ba năm trời, trừ những khi mưa gió, đêm nào bà lão cũng đến cũng đi đúng giờ giấc. Dạy quyền, dạy song kiếm. Rồi dạy cách nhảy cao nhảy xa. Nhảy cao thì cột hai bao cát nơi chân mà nhảy, ban đầu bao nhỏ, rồi đổi bao to dần, cuối cùng mới nhảy chân không. Còn nhảy xa thì ban đầu dùng sào, sau dùng tre tươi ngoài bụi, níu đọt uốn cong xuống thấp rồi nương theo sức bung của cây mà nhảy. Ðêm học ngày tập. Ðến 15 tuổi thì tài nghệ đã điêu luyện.
Một hôm bà lão đến, cầm tay Bùi Thị Xuân khóc và nói:
- Ta có duyên cùng con chỉ bấy nhiêu. Ðêm nay ta đến từ biệt con. Bùi Thị Xuân khóc theo và nài nỉ xin cho biết tánh danh và quê quán. Bà lão đáp:
- Ta ở gần đây. Trong ba hôm nữa con sẽ biết tin tức. Nhưng con phải giữ bí mật. Nói rồi, vụt một cái biến mất.
Ba hôm sau, ở thôn An Vinh [22] có một đám ma của một bà lão.
Bà lão nhà nghèo, góa bụa, sống với vợ chồng người con gái làm nghề nông. Khi Bùi Thị Xuân được tin, tìm đến thì việc chôn cất đã xong. Biết bà lão đây chính là thầy mình, nhưng nhớ lời thầy dặn, chỉ điếu tang như một người thường. Về nhà mới đợi lúc khuya vắng, thiết hương án nơi vườn dạy võ mà thành phục. Nhưng chỉ để tâm tang.
Từ ấy một mình tự tập luyện.
Một hôm Bùi Thị Xuân ở ngoài về, tình cờ thấy đứa ở gái dùng hai chiếc đũa bếp làm kiếm múa. Múa đúng bài bản phép tắc. Bùi Thị Xuân giật mình! Té ra cô ả ngày ngày thấy tiểu chủ múa kiếm, bắt chước múa theo, lâu thành quen tay. Ðợi cô ả múa hết bài, Bùi Thị Xuân chạy đến ôm chầm, và khen Em giỏi, em giỏi lắm.
Từ ấy cho cô ả dùng gươm thiệt mà tập. Lại rủ chị em trong xóm ai muốn học võ học kiếm thì ban đêm rảnh việc đến nhà, Bùi Thị Xuân dạy cho. Không mấy lúc nhà họ Bùi trở thành trường dạy võ. Ðệ tử từ năm ba người trong xóm vụt nhảy lên hàng chục hàng vài ba chục... Một số người người tuy đã có con tay dắt tay bồng, mà cũng đến xin học. Tài nghệ đã tinh mà cách đối xử cách dạy dỗ lại đứng đắn, nên Bùi Thị Xuân được chị em kính yêu, quý trọng. Trong số đệ tử xuất sắc có bà Bùi Thị Nhạn.
Một phú ông họ Ðinh ở Lai Nghi, để đền ơn dạy con gái, tặng Bùi Thị Xuân một con ngựa trắng toàn sắc mới tập kiều, vóc to, sức mạnh, chạy hay. Bùi Thị Xuân tập ngựa trở thành một chiến mã, chạy suốt buổi không đổ mồ hôi[23].
Lại một hôm, lên chợ Phú Phong, Bùi Thị Xuân thấy hai thớt voi đứng ăn chuối cây. Chung quanh, người vây đông đúc, Bùi Thị Xuân chen đến gần. Voi lấy vòi cạ lên lưng, lên vai, có vẻ trìu mến. Bùi Thị Xuân xin cỡi thử. Voi co một chân trước cho Bùi Thị Xuân leo lên cổ, rồi đi tới đi lui theo sự điều khiển của Bùi. Hết thớt này đến thớt kia, Bùi Thị Xuân nhận thấy điều khiển voi còn có phần dễ hơn điều khiển ngựa. Từ ấy cái chí muốn làm bà Trưng bà Triệu lúc nhỏ trở lại nung nấu tâm hồn. Bùi Thị Xuân lo tập luyện cho mình, cho chị em trong xóm, trong làng. Tiếng đồn đi xa, chị em các làng khác các huyện khác cũng tìm đến xin thụ giáo. Bùi Thị Xuân ước có tiền mua ngựa, voi cho chị em tập. Gia đình chỉ vào hàng khá giả, nên dù thương chiều con, cũng không sao có thể làm vui lòng con.
Bùi Thị Xuân càng lớn lên càng xinh đẹp. Khách rắp ranh bắn sẻ, ngấp nghé trông sao ở gần có ở xa có, ngày nào cũng có người đến sân. Nhưng phần đông hễ thấy mặt Bùi Thị Xuân thì run như run thần tử thấy long nhan, vì trong vẻ đẹp kiều diễm của Bùi Thị Xuân lại có vẻ uy nghiêm. Ðôi mắt ngước lên nhìn như đôi lằn điện chiếu[24]. Những chàng trai nhát gan thì vừa đến sân đã lùi ra khỏi ngõ. Còn những chàng trai có nhiều ít đởm lực thì bước vào thềm. Nhưng mới bị hỏi sơ vài câu về võ về văn thì lưỡi tự nhiên cứng lại. Vì vậy cho đến hai mươi tuổi mà Bùi Thị Xuân tay không chân rồi. Thời xưa, con gái mười bảy, mười tám tuổi mà chưa có chồng thì cha mẹ rất lấy làm lo. Nhà họ Bùi cũng thế. Một hôm bà mẹ tỏ ý lo ngại cùng con. Bùi Thị Xuân cười:
- Bà Trưng có chồng, bà Triệu đâu có chồng. Nhưng ai dám cười chê ?
Ðể giúp gia đình mà cũng để thết đãi chị em học trò, Bùi Thị Xuân thường đi săn heo săn nai.
Một hôm cùng vài cô học trò đi săn ở vùng núi Thuận Ninh[25], xảy gặp một tráng sĩ đương đánh cùng một mãnh hổ. Tráng sĩ mình đầy máu me, sức đã sắp đuối. Hổ hung hăng chụp vấu. Bùi Thị Xuân hét lên một tiếng, rút song kiếm xáp vào cứu tráng sĩ. Hổ bỏ tráng sĩ, đánh cùng Bùi Thị Xuân. Hổ đã lanh, tránh khỏi những nhát kiếm hiểm độc, Bùi Thị Xuân lại càng lanh hơn, tránh khỏi những cái vồ như bão như chớp, khiến mấy phen hổ chụp hụt bị té nhào. Hổ cự địch với tráng sĩ đã lâu, sức đã mỏi, nên động tác chậm dần. Cuối cùng bị một nhát kiếm nơi vai, gầm lên một tiếng bỏ chạy.
Bùi Thị Xuân trở lại băng bó cho tráng sĩ.
Hỏi tên. Ðáp:
- Trần Quang Diệu.
* Trần Quang Diệu quê quán ở Ân Tín, huyện Hoài Ân[26]. Nhà giàu nhưng mồ côi sớm, thân tự lập thân.
Lúc nhỏ, Trần học văn học võ nhiều thầy. Lớn lên, một hôm vào dãy núi Kim Sơn[27] kiếm thịt, tình cờ thấy một ông lão nằm giỡn cùng một con cọp tàu cau to lớn. Hổ trông thấy Trần thì nhảy đến vồ. Trần tránh khỏi. Hổ vồ tiếp. Ông lão liền hét: Hổ dại nhé. Hổ liền ngoan ngoãn trở lại cùng ông lão. Ông lão gọi Trần đến gần, hỏi:
- Người là ai, chẳng biết nơi này có ổ cọp sao mà dám đưa thân tới?
Trần thật thà kể hết gia cảnh và thân phận. Ðoạn lạy ông lão xin cho mình làm học trò.
Ông lão đáp:
- Âu cũng là duyên.
Rồi bảo Trần về thu xếp việc nhà rồi trở lên.
Trần về giao nhà cửa ruộng nương cho người em thúc bá, và dặn:
- Ta đi chuyến này, mau thì năm năm, lâu thì mười năm mới về. Ở nhà lo làm ăn tử tế. Ðừng tìm hiểu ta đi đâu và đi có việc gì.
Lên Kim Sơn, Trần được lão nhân đưa về nhà nuôi dạy.
Lão nhân là ai ? Lão họ Diệp, tên là Ðình Tòng, người thôn Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Viễn (Bình Khê). Lúc tráng niên đã xuống tay giết chết tên tri huyện tham ô thời chúa Nguyễn Phúc Khoát(1738-1765). Bị truy nã, cụ đem vợ con theo đường núi ra Kim Sơn lánh nạn. Trên hai mươi năm trời, không ai biết tung tích. Vợ con không chịu nổi sơn lam chướng khí, lần lượt qua đời hết, chỉ còn mình cụ sống với hùm beo. Gặp được họ Trần, cụ vô cùng hoan hỷ.
Hai thầy trò sống trong ba gian nhà tranh rộng rãi sạch sẽ. Có đủ đồ cần dùng cho một gia đình nho nhỏ. Lại có đủ năm món vũ khí: đao, kiếm, côn, thương, cung, mỗi thứ mỗi cặp. Thứ nào cũng được lau chùi bóng nhoáng. Nhưng Trần chỉ học môn đại đao.
Thầy hết lòng dạy. Trò cố sức học. Khi luyện tập một mình, khi cùng thầy thao diễn, khi nơi đất bằng, khi trên đá núi. Học tập cách đánh trên ngựa, cách đánh dưới thuyền. Không có ngựa, phải lấy đá làm ngựa. Không có thuyền thì lấy những khúc gỗ tròn làm thuyền.
Những lúc không tập luyện thì lo trồng trỉa săn bắn để sống. Thầy trò sống một cách thích thú, ung dung. Nhưng có một điều làm cho Trần áy náy, là con hổ của thầy hễ thấy bóng Trần là bỏ chạy nơi khác. Biết ý nên khi thấy hổ ở bên cạnh thầy thì Trần cũng khéo léo tránh mặt. Ban đầu còn thắc mắc, lâu ngày thành thói quen.
Thấm thoát đã năm năm qua!
Một hôm, lão nhân trao đại đao mình thường dùng cho Trần và bảo:
- Ðây là thanh Huỳnh Long bảo đao sản xuất từ đời Trần. Ta tặng con làm kỷ niệm.
Ðoạn sai Trần thu tất cả các món vũ khí đem chôn nơi một cái hố phía sau nhà. Rồi bảo:
- Thầy đã gần trăm tuổi rồi. Bấy lâu còn phải sống là vì đao pháp của thầy chưa có người kế tập. Nay thầy đã truyền thụ cho con rồi, thì thầy chết được vui vẻ. Sau khi chôn cất thầy xong con không nên quyến luyến nơi này. Con nên kíp xuống núi, đem sở học làm sở hành, để khỏi phí cuộc đời anh tuấn. Và nếu có dịp đi ngang qua Vĩnh Thạnh thì hỏi thăm xem họ Diệp có còn ai không. Nếu còn thì con sẽ cho biết qua tin tức của thầy. Nhưng đó không phải là điều cần thiết.
Nói xong, nằm xuống, lấy tay đánh nhẹ lên đỉnh đầu mà tắt nghỉ. Buồn thương khôn tả! Trần về nhà, cửa nhà yên vui, hai hôm sau cắp đao băng núi đến Vĩnh Thạnh.
Nghe tin Nguyễn Nhạc mở sòng bạc lớn ở Kiên Mỹ, Trần nghĩ bụng:
- Anh hùng lúc chưa gặp thời cũng như khi lỡ vận, thường gởi mình vào những nơi yên hoa, tửu bác, và kẻ có chí lớn thường dùng sòng bạc làm nơi kén bạn hiền.
Liền tìm đến gặp Nhạc. Nhất kiến như cựu. Từ ấy hai bên thường qua lại với nhau.
Hôm Trần gặp cọp ở Thuận Ninh là một trong những hôm Trần ở Hoài Ân vào Kiên Mỹ để gặp gỡ Nguyễn Nhạc.
Hôm ấy Trần không mang đao theo. Ðánh tay không với cọp từ sáng đến trưa, Trần bị đuối sức nên mới bị thương. Nếu không gặp Bùi Thị Xuân thì e khó giữ toàn mạng [28].
Thoát chết, Trần yêu cầu đưa về Kiên Mỹ, nhà Nguyễn Nhạc.
Nguyễn Nhạc và Bùi Thị Xuân vốn đã từng nghe tiếng nhau, nhưng chưa có dịp làm quen. Nhờ cọp theo gió, gió đưa duyên mà nên nghĩa vườn đào Bùi, Trần, Nguyễn.
Rồi để cho nghĩa thêm nặng tình thêm thâm, Nguyễn Nhạc đứng làm mai và làm luôn chủ hôn để Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân nên đôi nên lứa.
* Nguyễn Văn Tuyết, người xã Nhơn Ân, huyện An Nhơn. Lúc nhỏ có sức mạnh, đánh lộn giỏi, tụ tập kẻ vô lại ở chợ Gò Chàm và được tôn làm đầu nậu. Những kẻ mãi võ đến chợ, phải đến ra mắt Tuyết rồi mới được hành nghề.
Một hôm, một ông già, đầu râu như bông vải vừa bắn xong, cùng hai cô gái mặt mày đẹp đẽ, đến chợ mãi võ. Ông già không theo lệ cũ, vừa đến liền khua chiêng khai diễn. Cô gái nhỏ múa kiếm vun vút, khí lạnh rợn người. Người đến xem đông như kiến và tiếng hoan hô dậy trời. Nguyễn Văn Tuyết hay tin đùng đùng nổi giận, liền kéo mười tên thủ hạ, đến vấn tội ông già. Ông già, hỏi không thèm đáp, đánh không thèm đỡ, đứng trơ trơ đó như một pho tượng trời trồng. Tuyết thất kinh bỏ về nhà, tìm cách rửa hận. Do biết ông già và hai người con gái trọ nơi miếu thổ địa ở sau chợ. Tuyết đợi đêm khuya, giắt kiếm, nhảy tường vào miếu. Bốn bề im phăng phắc. Hai cô gái ngủ say. Ông già nằm ngáy như sấm. Tuyết khẽ lén đến gần, rút kiếm đâm vào cổ. Kiếm gãy kêu rắc. Tuyết hết hồn bỏ chạy. Ông già níu lại. Tuyết run sợ quỳ xuống chịu tội, ông già ngồi dậy nói:
- Nhà ngươi tư chất thông minh lại có sức mạnh xuất chúng. Sao không lo rèn võ luyện văn, để chờ cơ hội ra giúp nước, mà lại đắm mình trong vũng bùn nhơ ?
Tuyết lạy, thề quyết tâm hối quá, và van xin theo làm môn đồ.
Ông già họ Trần tên Kim Hùng là một võ sư người thôn Trường Ðịnh huyện Tuy Viễn. Võ nghệ tuyệt luân, nhưng người con trai bị mất sớm, cụ buồn dắt hai người cháu gái đi tìm người xứng đáng để làm người thừa kế. Gặp được Nguyễn Văn Tuyết, Trần lão rất hài lòng. Tuyết theo Trần lão ra đi. Sau năm năm trở về, bọn đồ đãng cũ đến mừng. Tuyết khuyên nên bỏ nghề cướp bóc cũ.
Một hôm Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát nam tuần đến Quy Nhơn. Nghe đồn chúa Nguyễn có con tuấn mã tên Xích Kỳ, Tuyết đợi đêm khuya lẻn vào hành cung bắt ngựa rồi lên yên chạy thẳng lên vùng An Khê. Trời vừa hửng sáng thì ngựa đã qua khỏi đèo Vĩnh Viễn. Con Xích Kỳ là cống vật của Cao Miên[29], chúa rất yêu quý, ngựa bị mất trộm, Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bị tội chết. Nhờ Trương Phúc Loan ra sức cứu mới được miễn. Tuyên cho người đi tìm khắp Quy Nhơn, Phú Yên, Quảng Nghĩa, nhưng không tìm ra bóng dáng. Khi xa giá chúa Nguyễn trở về Phú Xuân, thì trong dinh Tuần phủ Quy Nhơn bỗng thấy trên vách mấy chữ lớn: Kẻ trộm ngựa Chúa là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn. Tuyên xem thấy, hết hồn, dặn tả hữu đừng tiết lộ. Việc được im.
Tuyết, sau khi theo thầy học thành tài, trở về Tuy Viễn, những mong cứu đồng bào ra khỏi ách chuyên chế của chúa Nguyễn, song không biết làm cách nào đành ôm ấp mộng mà chờ người đồng khí đồng phương. Kịp nghe tin Tây Sơn Vương chiêu mộ hào kiệt, Tuyết liền lên sơn trại đầu quân. Tại đây Tuyết gặp lại và kết hôn với cùng cô cháu gái của Trần sư phụ là Trần Thị Lan[30].
* Nguyễn Văn Lộc, lúc nhỏ, nhà nghèo ở chăn trâu cho một phú nông làng Kỳ Sơn. Học võ lúc nào và với ai, thật không ai biết.
Một hôm đi chơi về khuya, bị quân canh bắt trói vào cột đình. Lộc nhặt miếng sành cắt dây trói trốn thoát. Quân canh hơn mười người đuổi theo đều bị đánh ngã không đứng dậy nổi. Trời tối, Lộc chạy lạc vào cánh đồng lúa chín. Người giữ ruộng ngờ là ăn trộm, hô hoán... Người chung quanh chạy đến vây bắt. Người mỗi lúc mỗi đông, kẻ gậy người gộc... Lộc đánh ngã lớp này thì lớp khác xông đến... Liệu không thể dùng quyền để giải vây được, Lộc bèn giựt cây gậy, đánh một đòn chí tử mở đường máu thoát thân.
Từ ấy người địa phương mới biết Nguyễn Văn Lộc là người võ nghệ siêu phàm.
Khi nghe tin Tây Sơn Vương tụ tập quần anh, Lộc đến xin gia nhập, và được tiếp đãi vào hàng thượng tân.
* Võ Ðình Tú, hợp tác cùng Tây Sơn Vương từ buổi ban sơ. Tú con nhà giàu đất Phú Phong, tính can đảm và hào phóng từ lúc bé. Ðược một nhà sư dạy võ nghệ và binh pháp.
Nhà sư, pháp danh là gì và ở đâu không ai biết thường đến ngồi trước ngõ họ Võ. Nhà sư mặt mày xấu xí, ăn mặc rách rưới. Lũ nhỏ trong xóm hễ trông thấy nhà sư thì kéo nhau đến chọc ghẹo. Tú lúc bấy giờ mới mười bốn tuổi, đối với nhà sư lại hết sức lễ phép và thường bưng cơm nước hoặc bánh trái đến cúng dường. Nhà sư hoan hỷ mà nhận.
Một hôm trời nổi mưa gió lớn, mọi người không dám ra đường. Mưa suốt ngày, đêm đến mưa tạnh gió ngừng, nhưng trong nhà không thấy Tú đâu cả. Cho người đi khắp nơi, hết ngày này qua ngày khác, vẫn không tìm thấy tung tích, mà nhà sư từ hôm mưa gió cũng không còn thấy tới lui trong thôn. Người nhà quyết đoán rằng Tú bị nhà sư bắt, đành thắp nhang cầu Phật gia hộ cho Tú mà thôi.
Mười năm sau Tú trở về; một thanh niên vạm vỡ, sức mạnh như hùm, nhưng tánh tình chất phác, mới trông qua không ai biết rằng võ nghệ cao cường.
Về nhà, đóng cửa xem sách, trừ Võ Văn Dũng, không giao du với ai, cũng không lấy vợ.
Võ Văn Dũng giới thiệu cùng Tây Sơn Vương. Vương thân hành đến rước.
Sau khi về cùng nhà Tây Sơn. Tú mới trổ tài. Chẳng những côn quyền xuất chúng, binh pháp tinh thông mà còn có tài bắn cung, nhảy cao, cỡi ngựa. Thường ưa sử dụng thiết côn, trăm người không địch. Bùi Thị Xuân tặng một lá cờ đào thêu bốn chữ vàng Thiết côn vô địch. Nguyễn Huệ yêu thương như ruột thịt, những lúc rảnh rang thường cùng Tú bàn luận về võ nghệ và binh pháp.
* Lê Văn Hưng, vốn là một tay cướp nức tiếng ở Kiên Dõng[31], ngọn roi[32] tuyệt diệu, quất ra một đòn, đánh ngã trăm người. Tuy làm nghề ăn cướp, nhưng lấy của người giàu chia cho người nghèo nên được dân địa phương rất yêu mến.
Hưng có đến vài chục thủ hạ. Ông cấm thủ hạ không được quấy nhiễu đồng bào. Và Hưng không bao giờ phạm đến tài sản người trong huyện. Những vụ đánh cướp do Hưng cầm đầu chỉ xảy ra ở các nơi xa và vụ nào Hưng cũng cầm roi cản hậu. Ðánh người chỉ đánh ngã chớ không đánh chết hoặc gây trọng thương. Nhưng có một lần - đó là lần chót - cướp được một vố to ở Phú Yên. Khổ chủ là một tay giỏi võ, gia nhân lại toàn là lực điền có đôi miếng trong mình. Ỷ thị cứ lăn xả vào đánh Hưng. Hưng nương tay đã nhiều lần, nhưng đối phương không sợ cứ bám sát. Trời đã gần sáng mà đối phương vẫn chưa chịu lui, Hưng đành phải dùng tận lực: khổ chủ bị đánh hộc máu, chết tươi.
Các vụ bị cướp suông nhà cầm quyền không để ý. Nhưng vụ cướp này gây án mạng, chánh quyền không thể bỏ qua. Biết thủ phạm là Hưng, Tuần phủ Phú yên hợp lực cùng Tuần phủ Quy Nhơn cho truy nã gắt... Hưng đành phải bỏ nhà vào rừng. Rồi nhân Tây Sơn Vương mộ binh. Hưng bèn nhập ngũ. Nhờ tài nghệ, không bao lâu, từ cấp lính lên cấp Ðội rồi lên lần đến cấp Tướng.
* Lý Văn Bưu, còn có tên là Mưu, người làng Ðại Khoang huyện Phù Cát tỉnh Bình Ðịnh. Nổi danh từ thời niên thiếu có biệt hiệu là Phi Vân Báo (con beo bay trong mây) có tài vừa cưỡi ngựa phi nước đại vừa múa kiếm, phóng lao, bắn cung trăm phát trăm trúng. Ngoài ra, ông còn có tài nuôi ngựa chiến. Nhờ địa thế vùng từ Ðại Khoang, Thuận Truyền qua Thuận Ninh đất xấu, toàn gò đống, cây dại cùng chà là, sim, ổi mọc chen chúc lẫn với cỏ dại rất thích hợp cho việc chăn nuôi, săn bắn, nên gia đình ông chuyên nghề nuôi bò ngựa và săn bắn. Ðồng thời chuyên tập luyện võ nghệ, nghiên cứu chiến trận.
Bà Bùi Thị Xuân thường đến khu vực này săn bắn nên quen thân với ông Bưu và học ông cách thức luyện tập ngựa chiến.
Tây Sơn khởi nghĩa, ông Bưu được bà Xuân tiến cử, phụ trách chăn nuôi sản xuất tại nông trại Tây Sơn Hạ, kết hợp tổ chức tập luyện đoàn chiến mã và rèn luyện nghĩa binh.
Nhờ tài thao lược, ông được phong chức Ðô Ðốc cầm binh tham gia các trận đánh ở trong Nam và giải phóng thành Thăng Long.
* Nhưng Huy và Tứ Linh tên thật là gì và quê quán nơi đâu, không rõ. Làm nghề lục lâm, sào huyệt tại nguồn An Tượng thuộc Tây Sơn Hạ, nhưng chỉ làm ăn từ Phú Yên trở vô. Cả hai đều là tráng lực sĩ, võ thuật cao, song tánh hung bạo. Tây Sơn Vương dùng với sự dè dặt [33].
Ðó là bên võ. Còn bên văn thì có:
* Nguyễn Thung, tuy là một phú nông song sử kinh đều thông thuộc. Tánh tình hào phóng, nhân hậu, nên rất được lòng mọi người.
* Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc, đức cao học rộng, hai ngôi sao về văn học đương thời ở Bình Khê và An Nhơn.
* Cao Tắc Tựu, người đẹp, học rộng lại tinh thông binh pháp. Ngày thường ít nói, nhưng khi bàn việc lớn thì lời như nước chảy. Mọi người đều kính phục.
* La Xuân Kiều, một văn sĩ có tiếng ở Phù Cát, giỏi Nôm, lại cưỡi ngựa giỏi, bắn cung hay. Thông minh hoạt bát.
* Triệu Ðình Tiệp, học rộng ưa thực tế, ghét phù hoa. Tánh thanh khiết nghiêm nghị. Rất trọng chữ tín. Giỏi việc cai trị.
Ðây là những nhân vật rường cột, ngoài ra còn rất nhiều người tài.
Nhưng Tây Sơn Vương nhận thấy chưa đủ, nên trải lòng cầu hiền.
Hai viên tướng Tàu là Tập Ðình ở Hội An (Quảng Nam), Lý Tài ở cửa bể Phù Ly (Quy Nhơn) đem quân ứng theo Tây Sơn Vương.
Quân của Tập đình gọi là Trung nghĩa quân.
Quân của Lý Tài gọi là Hoa nghĩa quân.
Quân trong hai đội hầu hết đều là người Tàu to lớn, mạnh bạo. Khi ra trận uống rượu say, cởi trần, lấy giấy vàng bạc dán cùng mình, cất tiếng hét vang, sấn vào tấn công kẻ địch. Tây Sơn Vương đón tiếp nồng hậu và cho vào đóng trong thành, chờ dịp tấn công.
Kế đó là một tráng sĩ xin vào yết kiến. Tây Sơn Vương cho mời vào thì là Phan Văn Lân, người bạn học cũ.
Họ Phan người ở miền ngoài, nhưng không rõ phủ, huyện nào. Võ giỏi, tự bảo rằng võ mình được truyền từ Phạm Ngũ Lão đời Trần, thiên hạ vô địch. Nhưng khi vào An Thái yết kiến Trương Văn Hiến, thì liền lạy xin làm đệ tử. Trước kia họ Phan tự thị tự đắc bao nhiêu thì sau khi thọ giáo cùng Trương công lại khiêm tốn bấy nhiêu.
Gặp được bạn cũ, Tây Sơn Vương hết sức vui mừng, mời họ Phan ở ngay trong cung, Phan không chịu xin ra nơi các dinh thự cùng chư tướng.
Một hôm có một nhà sư, hình thù cổ quái, nghe tiếng tăm của Phan Văn Lân, bèn đến xin gặp, Phan tránh mặt. Nhưng quân sĩ thúc giục, Phan giả lính theo thuộc hạ ra xem. Nhưng nhà sư nhìn biết, thách Phan đấu võ. Nhận thấy nhà sư không phải hâm mộ nghệ thuật muốn làm bạn bốn phương, mà là một khách giang hồ, bụng đầy ác ý. Phan quyết định trừ khử để tránh mối họa về sau.
Lúc ấy nhà sư đương ngồi uống rượu nơi tầng hai một tửu lâu ở trước thành. Phan xủ tay áo ngồi, thách nhà sư ra tay trước. Bị chạm lòng tự ái, nhà sư nổi giận thình lình đá Phan một ngón tối độc. Phan chỉ nghiêng mình, lấy tay hất nhà sư rớt xuống lầu vỡ sọ.
Khi Phan mới đến, ngoài Tây Sơn Vương, các tướng thấy Phan hiền lành, ai cũng tưởng là kẻ tầm thường. Khi Phan đánh chết nhà sư, mọi người mới biết có tài siêu việt. Tướng sĩ yêu cầu Phan cho xem tài nghệ. Phan nhất định từ chối. Nài nỉ quá, Phan bảo rinh ba tảng đá dày chồng lên nhau, rồi đưa sống bàn tay phải chém xuống. Ba tảng đá đều vỡ làm đôi như bị lưỡi gươm thần chém đứt. Ai nấy đều gọi là người thần.
Nhà sư bị Phan Văn Lân hất rớt xuống tửu lâu là một người Trung Quốc, thuộc phái Thiếu Lâm.
Ở chợ Gò Chàm, phía bắc thành Quy Nhơn, còn có một nhà sư nữa cũng người Tàu thường đến biểu dương võ nghệ, thường cởi áo ngồi ngay ngắn, cho người dùng gươm đao chém vào đầu mình tay chân. Chém mạnh mấy cũng không hề gì. Tây Sơn Vương được tin, sợ nhà sư gây biến, muốn trừ, nhưng không thể giết được. Võ Văn Dũng lãnh trách nhiệm trừ nhà sư.
Võ đến chợ Gò Chàm gặp nhà sư, dùng lễ khoản đãi. Khi đã nên thân, Võ hỏi:
- Hòa thượng là người đã đạt đạo, không biết có khi nào bị lạc thú của trần gian cám dỗ chăng? Nhà sư đáp:
- Lòng ta như tro lạnh không có gì có thể cám dỗ.
Võ cười:
- Lời nói không đáng tin. Có thể cho phép được thí nghiệm? Nhà sư bằng lòng. Võ thuê mươi tên thanh niên vô lại và mươi gái thanh lâu xinh đẹp trải chiếu làm việc dâm dục trước mặt nhà sư. Ban đầu nhà sư cười nói như thường. Nhưng hồi lâu, bỗng nhắm mắt không muốn nhìn nữa. Xuất kỳ bất ý, Võ rút kiếm chém một nhát, đầu nhà sư rơi liền tay. Võ nói:
- Nhà sư không có thuật gì lạ. Dày công luyện khí làm cho thân thể cứng rắn. Tâm định thì khí tụ, tâm động thì khí tan. Lúc ban đầu tâm nhà sư không động nên nhà sư dám nhìn tự do. Ðến khi nhà sư nhắm mắt thì biết tâm nhà sư đã động rồi. Cho nên chém xuống, không thể kháng cự được.
Ai nấy đều phục Võ là cao kiến. Tây Sơn Vương rất hài lòng.
Ít lâu sau, Trần Quang Diệu đưa một tráng sĩ về tiến cử cùng Tây Sơn Vương.
Tráng sĩ đó là Võ Văn Nhậm.Võ Văn Nhậm người Quảng Nam, sức mạnh hơn người, đánh giặc giỏi, tánh phóng khoáng không chịu sự ràng buộc. Vốn là tướng của quan trấn thủ Quảng Nam, vì không chịu tuân theo luật pháp, bị tội, phải trốn vào Quy Nhơn.
Nhậm đến Phù Ly, nghe người đi đường cho biết có tên cường hào cưỡng đoạt con gái chưa chồng. Nhậm giận, tuốt gươm giết tên thổ hào, rồi định đến cửa quan chịu tội. Bỗng một tráng sĩ đến vỗ vai:
- Tôi xem anh chí khí tài lực đủ định loạn thiên hạ dễ dàng. Giết một con sâu dân thì có chi gọi là tội mà toan bỏ cái thiên tài hữu dụng? Sao không đến Tây Sơn Vương để chung lo việc lớn. Tôi, Trần Quang Diệu, xin tiến cử anh lên nhà vua. Võ Văn Nhậm hớn hở theo Trần Quang Diệu.
Tây Sơn Vương trọng dụng và sau này gả con gái là Thọ Hương công chúa cho[34].
Tiếng chiêu hiền đãi sĩ của Tây Sơn Vương mỗi ngày mỗi bay xa. Các anh hùng chí sĩ lần lượt đến giúp mỗi ngày mỗi đông.
Ngày kia có người tới xin được góp sức góp tài, xưng danh là Ngô Văn Sở. Ngô Văn Sở người làng Bình Thạnh (Tuy Phước) có sức mạnh, giỏi võ nghệ, thông binh pháp. Cùng với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng kết bạn thân [35].
Ðó là những bậc kỳ tài. Còn nhiều tay võ giỏi khác ứng mộ tòng quân sau lập nhiều công lớn.
Các bậc văn nhân đến phò tá Tây Sơn Vương cũng đông:
* Mã Vĩnh Thắng ở An Nhơn, nổi tiếng về thơ và từ.
* Lưu quốc Hưng ở Phú Yên, có tiếng là cương chính.
* Huỳnh Văn Thuận, người Quảng Nghĩa, học rộng, nổi tiếng hay chữ từ lúc nhỏ, có tài thuyết phục nhân tâm.
* Võ Văn Cao, người ở dưới chân núi Cù Mông thuộc Phú Yên. Học rộng, giỏi kinh dịch, ghét đạo Phật đạo Lão, không ưa thơ văn phù phiếm. Chuộng thực tế. Tánh nghiêm nghị, cương trực.
* Anh em Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Danh người gốc huyện Hùng Nguyên tỉnh Nghệ An, tổ tiên bị chúa Nguyễn bắt vào khai phá khu vực phía đông chân Hòn Lớn thuộc xã Ðại Phong, huyện Mộ Ðức, tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhà nghèo nhưng thông minh hiếu học, vào An Thái thọ giáo Trương Văn Hiến, bạn đồng môn cùng anh em Nhạc, Huệ.
Ngoài ra dưới cờ nữ tướng Bùi Thị Xuân có bốn phó nữ tướng trẻ đẹp tài cao: Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc.
* Bùi Thị Nhạn là con gái út Bùi Ðắc Lương, một cự phú thôn Xuân Hòa huyện Tuy Viễn. Ông Lương sanh ba trai là Bùi Ðắc Chí, Bùi Ðắc Trung, Bùi Ðắc Tuyên và hai gái là Bùi Thị Loan, Bùi Thị Nhạn. Bùi Thị Xuân là con Bùi Ðắc Chí gọi Bùi Thị Nhạn bằng cô, nhưng Bùi nữ tướng lớn tuổi hơn và đào tạo Bùi Thị Nhạn thành một nữ kiếm khách.
* Trần Thị Lan là em ruột Trần Thị Huệ phu nhân Nguyễn Nhạc, con Trần Kim Báu, cháu võ sư Trần Kim Hùng người thôn trường Ðịnh huyện Tuy Viễn. Khi Lan lên ba thì bà Báu qua đời, ông buồn gởi hai con cho ông bà nội Trần Kim Hùng, một thân dấn bước giang hồ. Lớn lên, Thị Huệ theo bà nội học nữ công, Thị Lan theo ông nội học võ nghệ, có tài về kiếm thuật và luyện thân lanh lẹ như chim én nên tự hiệu là Ngọc Yến. Võ sư rất yêu quý, đi đâu cũng đem theo. Trần Kim Báu vào đến Bình Khương (tức Khánh Hòa sau này) mở trường dạy võ tại huyện Quảng Phước (tức Vạn Ninh) cưới vợ địa phương sanh được một trai tên là Trần Kim Sư. Khi lên hai thì cha mất. Kim Sư sống cùng với mẹ. Võ sư Kim Hùng được tin con mất đem hai cháu vào thọ tang. Lúc ấy Thị Huệ đã mười bảy, Thị Lan lên mười hai. Tang lễ xong lão sư đem hai cháu gái về xứ. Lúc về cũng như lúc đi, lão sư bày việc mãi võ để vừa nghỉ chân vừa kiếm tiền lệ phí.
Về đến Gò Chàm lão sư gặp Nguyễn Văn Tuyết. Biết Tuyết là người có tài, lão sư về nhà giao hai cháu cho vợ rồi cùng Tuyết đi vân du.
Sau đó Trần Thị Huệ kết duyên cùng Nguyễn Nhạc. Nghe tiếng Bùi Thị Xuân võ nghệ cao cường, Thị Lan theo chị lên kết bạn cùng Bùi nữ tướng.
* Nguyễn Thị DungBùi Thị Cúc là người Quảng Ngãi.
Bà Dung là em của Nguyễn Văn Xuân người làng Lạc Phổ huyện Mộ Ðức. Bà Cúc là em Huỳnh Văn Thuận người làng Ðông Quang huyện Sơn Tịnh. Hai họ là chỗ quen thân. Ông Xuân và ông Thuận có tài về văn học. Bà Dung và bà Cúc có tài về kiếm thuật. Nghe tiếng Trương Văn Hiến, bốn anh em rủ nhau vào xin thọ giáo. Trương công không thu nạp nữ đồ đệ. Ông Xuân và ông Thuận ở lại An Thái học văn. Hai cô gái được Trương công giới thiệu lên Xuân Hòa thụ nghiệp cùng Bùi Thị Xuân.
Bà Dung và bà Cúc tuổi tác cùng tài nghệ tương đương với bà Nhạn bà Lan. Cả bốn đều tôn Bùi nữ tướng làm thầy và coi nhau như ruột thịt. Người đương thời gọi là Tây Sơn Ngũ Phụng thư.
Ngũ phụng đã cùng nhau tổ chức, huấn luyện và điều khiển một đoàn tượng binh gồm một trăm thớt voi và một đoàn nữ binh trên hai ngàn người cho nhà Tây Sơn.
Trong Ngũ Phụng thư, chỉ Bùi Thị Xuân đã có chồng là Trần Quang Diệu, trước khi kết bạn cùng các nữ anh hùng. Còn các người khác, kẻ trước người sau lần lượt theo chồng sau khi đã lập nên danh nghiệp.
Bùi Thị Nhạn kết duyên cùng Nguyễn Huệ sau khi Phạm Thị Liên qua đời.
Trần Thị Lan kết duyên cùng Nguyễn Văn Tuyết khi Tuyết đến cùng Nguyễn Nhạc.
Nguyễn Thị Dung kết duyên cùng Trương Ðăng Ðồ là người Mỹ Khê huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi, một danh tướng của Tây Sơn.
Riêng chỉ có Huỳnh Thị Cúc không chịu xuất giá, suốt đời theo phò tá Bùi Thị Xuân.
Những trang tài tuấn văn võ cùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ gây dựng Nhà Tây Sơn ngoài những người đã liệt kê trên kia còn nhiều người nữa song có công đắp móng xây nên khi chưa dựng cờ khởi nghĩa thì có:
- Bên võ có bảy người là: Võ Văn Dũng, Võ Ðình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc, danh truyền Tây Sơn Thất Hổ tướng.
- Bên văn có sáu người là Võ Xuân Hoài, Nguyễn Thung, Trương Mỹ Ngọc, La Xuân Kiều, Triệu Ðình Thiệp, Cao Tắc Tựu, người đương thời gọi là Lục Kỳ sĩ. Thất hổ tướng, Lục kỳ sĩ và Ngũ phụng thư hợp thành Tây Sơn thập bát cơ thạch, nghĩa là mười tám tảng đá làm nền móng của Nhà Tây Sơn.
--------
[21] Hai thôn Phú Phong, Xuân Hòa, sau này ghép thành xã Bình Phú. Phú Phong Xuân Hòa ở phía Nam, Kiên Mỹ, Thuận Nghĩa, Dõng Hòa ở phía Bắc, cách nhau con sông Côn.
[22] Theo cụ Bùi Sơn Nhi ở Xuân Hòa thì đó là bà cao tổ của ông Hương mục Ngạc, một võ sư trứ danh ở An Vinh, thời Pháp thuộc.
[23] Con ngựa này lúc bà ra phò Vua Quang Trung ở Phú Xuân vẫn còn, và bà thường cỡi ra mặt trận. Cho nên cụ Nghè Trì tặng bà câu: Bạch mã trì khu cổ chiến trường, Tướng quan bách chiến thanh uy dương.
[24] Vịnh Bùi Thị Xuân cụ Nghè Trì có câu: Hoàng hôn thành dốc bi già động, Hữu nhân diệu tỉ phù dung kiều.
[25] Thuận Ninh ở trong vùng Tây Sơn ở phía bắc sông Côn, thuộc Bình Khê.
[26] Họ Trần Quang ở Nghĩa Bình có hai nhánh, một nhánh ở Ân Tín, Hoài Ân, một nhánh ở Tư Sơn, Ðức phổ. Hai nhánh trước đây thường gặp nhau trong dịp chạp mả tổ ở Ân Tín. Trần Quang Diệu thuộc nhánh Ân Tín, hiện còn mả tổ và từ đường. Mả tổ có bia đề: Trần gia tổ sơn.
[27] Kim Sơn ở Hoài Ân. Ở Kim Sơn có đường núi đi vào Bình Khê. Quê hương nhà anh hùng Tăng Bạt Hổ.
[28] Chuyện ông cụ họ Diệp ở Kim Sơn do ông bạn Diệp Ðình Chi kể lại. Ông cụ là ông tổ cao đời của họ Diệp.
Ông Diệp Ðình Chi, thời Pháp thuộc làm trợ giáo ở Ðà Lạt, thời kháng chiến chống Pháp về ở Vĩnh Thạnh. Sau Hiệp định Giơnevơ, trở lại Ðà Lạt, qua đời trước ngày thống nhất. Ở Hoài Ân vào Bình Khê có đường núi, qua lại rất gần nhưng khó đi. Kim Sơn là một dãy núi nằm trong địa hạt Hoài Ân. Thế rất hiểm, khí rất hùng. Có hai ngọn cao nhất là hòn Tổng Dinh và hòn Trà Vinh. Núi không cao lắm (dưới 500 thước) nhưng chung quanh có núi khe làm trì. Lại có nhiều thú dữ nên ít ai dám đến.
[29] Cao Miên là Cao Man, tên do Minh Mạng gọi, trước kia gọi là Cam Bộc Trì nay gọi là Campuchia.
[30] Bà này sau làm tỳ tướng bà Bùi Thị Xuân.
[31] Kiên Dõng thuộc huyện Tuy Viễn ở vùng Tây Sơn Hạ tức Bình Khê. Ở cách Kiên Mỹ một thôn phía đông là thôn Thuận Nghĩa.
[32] Roi tức trường côn. Thuật đánh roi của ông Hưng truyền đến Hồ Ngạnh ở Thuận Truyền (thôn ở phía tây bắc Kiên Dõng) là tám đời.
[33] Có người bảo Nhưng Huy và Tứ Linh là hai kép hát hát hay võ giỏi. Thủ hạ gồm có vài ba người. Xét nơi nào có thể làm ăn được thì tổ chức một vài đêm hát bội để ai nấy lo coi hát bỏ việc tuần phòng, rồi mới ra tay hốt của. (Nhưng là tiếng gọi người dầm đầu gánh hát về mặt nghệ thuật. Tư hay tứ là thứ Bốn).
[34] Hoa Bằng trong Quang Trung, chép rằng Nhậm là tướng nhà Nguyễn bị bắt năm Bính Ngọ 1786 trong trận Nguyễn Huệ đánh Gia Ðịnh. Nhưng không có trận đánh Gia Ðịnh nào vào năm Bính Ngọ. Trên đây, chép theo truyền thuyết và theo Tây Sơn lương tướng của Nguyễn Trọng Trì;
[35] Ngô Văn Sở gốc ở Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Bình Thạnh đã lâu đời. Hiện nay còn con cháu là Ngô Xuân Liêm.

<< TÂY SƠN KHỞI NGHĨA | NHÀ TÂY SƠN ÐÁNH NHÀ NGUYỄN
Ở MẶT BẮC
>>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 916

Return to top