Bình xong mặt phía Nam, nhà Tây Sơn lo đến mặt phía Bắc.
Thành Thuận Hóa, sau Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Ðạt vào trấn thủ. Nhưng không bao lâu chúa Trịnh lại sai Phạm Ngô Cầu vào thay thế. Phạm Ngô Cầu là người vô mưu lại tham lam, chỉ lo việc làm giàu, còn việc dân việc quan phó mặc cho kẻ thuộc hạ.
Vua Thái Ðức biết Thuận Hóa không phòng bị, bèn sai Nguyễn Huệ làm Tiết Chế, Võ Văn Nhậm làm Tả Quân Ðô Ðốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm Hữu Quân Ðô Ðốc đem bộ binh đi trước. Nguyễn Văn Lộc làm Thủy Quân Ðô Ðốc cùng Nguyễn Lữ đem thủy binh theo sau.
Võ Văn Nhậm, Nguyễn Văn Lộc là người cũ Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh vừa mới quy thuận.
Nguyễn Hữu Chỉnh là người huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An, đỗ hương cống từ lúc 16 tuổi. Có tài ngôn luận lại lắm cơ trí và thông binh pháp. Trước theo Hoàng Ngũ Phúc thường đi đánh giặc bể, giặc sợ gọi là Chim Bằng. Hoàng Ngũ Phúc mất rồi, Chỉnh theo Hoàng Ðình Bảo. Hoàng Ðình Bảo bị kiêu binh nổi dậy ở Thăng Long giết chết. Chỉnh chạy vào Quy Nhơn phò Tây Sơn.
Nguyễn Hữu Chỉnh, năm trên vâng lệnh Hoàng Ngũ Phúc, mang ấn kiếm vào Quy Nhơn, nên đối với Vua Thái Ðức không phải chỗ xa lạ, do đó mà được nhà vua tin dùng, sai cùng Nguyễn Huệ đem binh ra đánh Thuận Hóa.
Ðại binh xuất phát ngày 18 tháng 5 năm Bính Ngọ (1786).
Ngày 24 lấy được An Tông, Nguyễn Huệ theo lời Nguyễn Hữu Chỉnh làm một phong thư để gởi cho phó tướng giữ thành Phú Xuân là Hoàng Ðình Thể, khuyên về hàng Tây Sơn, rồi giả tảng bắn lầm thư vào trại Phạm Ngô Cầu. Ngô Cầu sanh nghi... Khi binh Tây Sơn vây đánh thành Phú Xuân, Ngô Cầu sai Hoàng Ðình Thể ra đánh. Ðình Thể cùng hai con và tỳ tướng là Vũ Văn Kiên đem quân bản bộ ra trận. Bắn hết súng đạn, Ðình Thể kêu cứu. Ngô Cầu đóng chặt cửa thành không tiếp ứng, Vũ Văn Kiên và hai con Ðình Thể đều bị Võ Văn Nhậm và Nguyễn Hữu Chỉnh giết chết.
Ðình Thể, sức cùng lực kiệt, tự vận trên mình voi. Nguyễn Huệ ra lệnh phá thành. Nguyễn Văn Lộc xông vào bắt sống được Phạm Ngô Cầu đương cùng gia đình khuân của cải chạy trốn.
Thành Phú Xuân hạ xong, Nguyễn Huệ sai Nguyễn Lữ, Võ Văn Nhậm, Nguyễn Văn Lộc tiến quân đánh lấy các doanh trại thuộc Quảng Trị, Quảng Bình.
Chỉ trong mấy hôm, đất Thuận Hóa đã nằm trọn trong tay nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ bèn treo bảng phủ dụ nhân dân.
Nguyễn Hữu Chỉnh đem tình hình Bắc Hà ra kể tỉ mỉ cho Nguyễn Huệ nghe, nào là Vua Lê chỉ có hư vị, bị chúa Trịnh hà hiếp mà không dám phản ứng, chỉ ôm bụng xót thầm; nào chúa Trịnh bỏ trưởng lập thứ trong phủ Liêu [52] chia bè phái sát hại lẫn nhau: nào kiêu binh nổi dậy đánh phá kinh thành, giết triều thần, cướp bóc dân chúng... quan quân không kiềm chế nổi... Ðại loạn! Nên có thơ:
Lửa hồng từ dậy mái thành đô
Ðoài chốn lầm than chuyện được thua
Xanh biếc thú quê người ẩn dật
Bạc đen đường thế khách bôn xu
Suy tường mỗi mỗi đau lòng trí
Tính quẩn trần trần nát dạ ngu
Muốn đến Vị Xuyên mà hỏi Lữ
Rằng Thương xưa cũng thế này ru ?
Rồi khuyên Nguyễn Huệ ra đánh lấy Bắc Hà.
Nguyễn Huệ sau khi dẹp yên Gia Ðịnh đã có ý muốn bành trướng ra mặt Bắc. Nay nghe lời Chỉnh, rất lấy làm vừa lòng, nhưng giả ý do dự;
- Bắc Hà có nhiều nhân tài, không nên coi thường.
Chỉnh nói:
- Nhân tài Bắc Hà chỉ một mình Chỉnh. Nay Chỉnh đã bỏ đi, thì nước không còn ai nữa. Xin ông đừng ngại.
Nguyễn Huệ cười:
- Người khác thì không ngại. Chỉ ngại có ông thôi.
Chỉnh toát mồ hôi:
- Tôi tự biết tài hèn. Tôi nói lớn lối thế để ông tin rằng Bắc Hà không có người địch nổi ông đó thôi.
Nguyễn Huệ kiếm lời an ủi rồi nói:
- Nhà Lê làm vua đã mấy trăm năm nay, bây giờ đánh đổ, thì chưa chắc lòng người đã theo mình. Chỉnh đáp:
- Bắc Hà có Vua lại có Chúa. Một việc chưa từng có xưa nay. Thêm nưa họ Trịnh tiếng là phò Lê nhưng sự thực là hiếp chế. Ðiều đó ai ai cũng biết. Hầu hết đám sĩ phu Bắc Hà đều bất mãn, nhưng vì thế yếu không làm gì được để giúp nhà Lê. Nay ông mà lấy danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh thì thiên hạ ai mà chẳng theo.
Nguyễn Huệ nói:
- Ông bàn phải lắm. Nhưng ta chỉ phụng mệnh đi đánh Thuận Hóa mà thôi. Nếu ra Bắc Hà nữa thì sao cho khỏi mang tội kiểu mệnh [53].
Nguyễn Huệ bèn làm tờ tấu lên Vua Thái Ðức về việc lấy được Thuận Hóa và xin xá tội vì việc tự tiện đem quân đi đánh Bắc Hà, lại cho giải Phạm Ngô Cầu về Quy Nhơn để triều đình xét xử.
Ðoạn sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem thủy binh đi trước, để Nguyễn Lữ và Nguyễn Văn Lộc ở lại giữ thành Phú Xuân, còn mình và Võ Văn Nhậm kéo bộ binh theo sau, hẹn cùng Chỉnh sẽ gặp nhau ở Vị Hoàng.
Ngày mồng 6 tháng 6 năm Bính Ngọ (1-7-1786) Nguyễn Hữu Chỉnh đến Vị Hoàng. Quan quân bỏ chạy. Chỉnh lấy được trăm vạn hộc lương, rồi đốt lửa làm hiệu. Binh Nguyễn Huệ kéo đến Vị Hoàng hợp với Chỉnh rồi kéo ra Thăng Long.
Chúa Trịnh là Trịnh Khải cho Trịnh Tự Quyền đem quân ra nghinh chiến. Tự Quyền đến giữ ở mặt Kim Ðộng. Viên trấn thủ Sơn Nam là Bùi Thế Dân đem bộ binh đến đóng ở xã Phù Sa, thuộc huyện Ðông An, Ðinh Tích Nhưỡng đem thủy quân ra giữ cửa Luộc.
Chiến thuyền Tây Sơn vào sông Vị Hoàng. Gặp gió đông thổi mạnh, đêm đến Nguyễn Huệ sai lấy tượng gỗ để trên mấy chiến thuyền, rồi cho đánh trống kéo cờ, thả thuyền cho trôi đi. Ðinh Tích Nhưỡng tưởng địch tới đánh, dàn thuyền thành trận chữ nhất, rồi truyền lấy súng mà bắn. Khi biết rằng người trên thuyền là tượng gỗ, thì đạn dược đã cạn. Binh Nguyễn Huệ ùa tới đánh, Ðinh Tích Nhưỡng không chống cự nổi, phải bỏ thuyền mà chạy. Quân của Tự Quyền và Thế Dân cũng bị đánh tan, thành Sơn Nam bị hạ.
Nguyễn Huệ một mặt truyền hịch đi khắp nơi, nói là lấy nghĩa phò Lê diệt Trịnh, một mặt kéo quân lên lấy Thăng Long.
Thuyền Tây Sơn vào đến sông Thúy Ái, Ngô Cảnh Hoàn chận đánh. Một trận thủy chiến kịch liệt. Ngô Cảnh Hoàn tử thương, bao nhiêu thuyền đều bị đánh đắm, quân sĩ chết đuối gần hết!
Ngô Cảnh Hoàn, người làng Trảo Nha, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An, là một trung thần của nhà Lê. Ngô có người vợ thứ tên Phan Thị Thuấn sắc đẹp, đức cao. Ðược tin Ngô tử trận, người nhà ai nấy thương khóc, riêng bà vẫn cười nói như thường. Có người hỏi, bà đáp:
- Ðược chết vì nước, còn chi hơn nữa mà buồn.
Người chung quanh cạn nghĩ, chê bà không thương chồng. Bà không chút quan tâm. Ðến tuần bá nhật, cúng tế xong, bà trang điểm lịch sự, sai bơi thuyền ra tại chỗ Ngô Cảnh Hoàn bị giết, kêu lên một tiếng chàng ơi rồi tự trầm. Nhân dân địa phương thương người tiết nghĩa, lập đền thờ và dựng bia kỷ niệm ở bên sông.
Người sau có thơ:
Chàng đi theo nước, thiếp theo chồng
Thiếp chết trinh mà chàng chết trung
Ðến thế ân tình thôi trọn vẹn
Việc chi cười nói vẫn thung dung
Ma chay đã đủ trên trần thế
Ðào đỏ thôi về với thủy cung
Giã họ giã hàng giã thôn xóm
Cương thường để lại với non sông.
(DƯƠNG BÁ TRẠC)
Chàng trung cho thiếp mới nên trinh
Nửa vị giang san nửa vị tình
Má phấn môi son làn nước biếc
Gan vàng dạ ngọc đá bia xanh
Sô gai thiên hạ âu thừa nhĩ
Gió bụi nhân gian chẳng bợn mình
Qua lại thuyền ai sông Thúy Ái
Còn chăng gợn sóng với hương thanh.
(TẢN ÐÀ)
Thắng Ngô Cảnh Hoàn quân Tây Sơn tiến đánh Hoàng Phùng Cơ ở hồ Vạn Xuân. Quân Trịnh tan rã, Phùng Cơ tẩu thoát. Trịnh Khải vội lên voi thúc quân tiến đánh, bị Nguyễn Huệ đánh tơi bời, phải bỏ chạy lên Sơn Tây. Ðến làng Hạ Lôi bị người địa phương bắt đem nạp cho Tây Sơn. Ði nửa đường lấy gươm tự vẫn. Nguyễn Huệ dùng vương lễ tống táng cho họ Trịnh.
Ngày 26 tháng 6 năm Bính Ngọ (21-7-1786), Nguyễn Huệ vào Thăng Long mở kho Hữu Viên phát chẩn cho người nghèo. Ngày hôm sau, vào cung Vạn Thọ yết kiến Vua Lê.
Bấy giờ Vua Lê Hiển Tông đương bệnh, không ngồi dậy được, bèn mời Nguyễn Huệ vào ngồi bên sập ngự, lấy lời ôn tồn mà phủ dụ. Nguyễn Huệ tâu rằng đem binh ra Bắc Hà không còn mục đích nào khác hơn là để diệt Trịnh, phò Lê. Hiển Tông mừng rỡ, tạ ơn.
Khi binh Tây Sơn vào thăng long thì các quan triều đều chạy trốn hết. Vua Hiển Tông xuống chiếu triệu về, rồi định ngày 7 tháng 7, lập đại trào ở điện Kính Thiên, Nguyễn Huệ đem các tướng vào bái yết và dâng sổ quân sĩ dân đinh, để tỏ nghĩa tôn phù nhất thống. Vua phong cho Nguyễn Huệ là Nguyên Soái Uy Quốc Công và gả người con gái thứ 21 là Ngọc Hân Công Chúa, tục gọi là Chúa Tiên, con bà Chiêu Nghi Hoàng Hậu.
Mười hôm sau - 17 tháng 7 (10-8-1786)
- Vua Hiển Tông băng hà. Hoàng Tôn là Lê Duy Kỳ lên nối ngôi đặt niên hiệu là Chiêu Thống. Vua Thái Ðức được tin Nguyễn Huệ kéo quân đi đánh Bắc Hà, cho người ra ngăn cản nhưng không kịp. Lại được tiếp tin Huệ lấy xong Thăng Long và còn ở lại giúp Vua Lê sửa sang việc nước, Vua Thái Ðức sợ em ở ngoài lâu sanh biến muốn gọi về, song liệu giấy mực không chế ngự nổi, nên phải thân hành ra Bắc. Nhà vua đem theo 500 nhuệ binh ra Thuận Hóa lấy thêm 2.000 nữa, rồi ngày đêm đi thẳng ra Thăng Long.
Ðến Nghệ An, nhà vua gặp một toán người trần truồng tay cầm ống tre đứng hai bên đường, xưng là người đi buôn bị tướng cướp là Chưởng Tấn đoạt hết của cải và quần áo, cầu xin nhà vua bắt kẻ hung đồ đặng lấy lại vật bị cướp. Ðoạn chỉ đường cho nhà vua đi. Ðến nơi quanh co khúc khuỷu, toán người trần truồng hè to một tiếng, rút kiếm giấu trong ống tre ra chém nhà vua. Liền đó một số người đông đảo từ trong bụi rậm nhảy ra đâm chém quân tùy tùng. Lanh như chớp, nhà vua rút trường kiếm, quay một vòng, bao nhiêu lưỡi kiếm chém vào nhà vua đều lớp bị gãy lớp văng ra, và quay tiếp một vòng nữa, mươi mươi lăm chiếc đầu rụng xuống như sung. Còn số người từ trong bụi nhảy ra bị quân Tây Sơn đánh giết, lớp chết lớp quăng vũ khí chạy thoát thân. Hỏi ra thì đó là toán ăn cướp do Chưởng Tấn cầm đầu. Chưởng Tấn là bộ hạ của viên trấn thủ Nghệ An bị tướng Tây Sơn giết. Chưởng Tấn thoát chết, tụ tập bọn bất lương chờ dịp báo thù cho chủ. Bọn chúng có trên vài trăm người, ngày ngày chận đường cướp giựt hành khách và vào xóm làng phá phách nhân dân. Nay nhà vua tiêu diệt được bọn chúng, đồng bào địa phương rất hàm ơn .
Ðến Thanh Hóa, thuyền nhà vua vừa ra đến giữa sông thì thình lình bị người lặn dưới nước đâm thủng đáy. Nước chảy ấp vào thuyền. Quân cận vệ không kịp trở tay bị chết đuối. Nhà vua lanh chân nhảy qua thuyền khác được an toàn.
Từ ấy biết rằng có kẻ địch theo bên mình, nhà vua đề phòng ráo riết. Ban đêm nghỉ dọc đường, chớ không ghé vào nhà ai hết.
Ði đến Thăng Long thì người mệt ngựa mỏi.
Ðược tin Vua Thái Ðức đến Thăng Long, Nguyễn Huệ loan báo cho dân chúng biết để khỏi kinh động nhân tâm, rồi cùng tướng sĩ ra ngoài thành nghinh đón. Vua Chiêu Thống đem quần thần ra chực nơi cửa Nam Giao. Nhưng Vua Thái Ðức theo em đi thẳng đến phủ chúa Trịnh mà Nguyễn Huệ và tướng sĩ đương đóng, cho người đến hẹn cùng Vua Chiêu Thống sẽ hội kiến ngày hôm sau [54].
Lễ tương kiến của hai Vua tổ chức tại phủ chúa Trịnh. Vua Thái Ðức ngồi giữa, Vua Chiêu Thống ngồi bên tả, Nguyễn Huệ ngồi bên hữu, các quan văn võ đứng chầu hai bên. Sau khi làm lễ, Vua Chiêu Thống nói:
- Nhà Lê tôi bị họ Trịnh tiếm lộng đã hai trăm năm dư. Nay nhờ quý quốc trượng nghĩa hành nhân, vì tệ quốc gia mà chỉnh đốn lại, thì cái công đức kiền khôn tái tạo đó không biết lấy chi báo đáp cho xứng. Kính xin cắt đất vài quận làm quà để khao thưởng tướng sĩ.
Vua Thái Ðức đáp:
- Anh em chúng tôi ra đây để phò Lê diệt Trịnh. Nếu đất của họ Trịnh thì một tấc cũng không để lại, nhưng mà của nhà Lê thì một tấc cũng không dám lấy. Mong nhà vua giữ yên bờ cõi, đời đời giao hiếu với nhau. Ðó là cái phúc của hai nước.
Rồi Vua Chiêu Thống lui về cung.
Một tuần nhật sau Vua tôi nhà Tây Sơn rút quân về nước.
Nguyễn Huệ xét thấy Nguyễn Hữu Chỉnh là con người giảo quyệt, định bỏ lại Bắc Hà, nên mật truyền cho các tướng thu xếp quân thủy bộ, rồi nửa đêm ngày 17 tháng 7 nhuận (9-9-1786) kéo quân về Nam, lặng lẽ êm đềm, người trong thành không một ai hay biết .
Ðến Nghệ An, Vua Thái Ðức để Nguyễn Duệ ở lại giữ Nghệ An và cắt Võ Văn Nhậm đóng ở Ðông Hải để trông chừng mặt Bắc. Liền đó thì Nguyễn Hữu Chỉnh theo kịp. Vua Thái Ðức cho Chỉnh ở lại giúp Nguyễn Duệ, Nguyễn Huỳnh Ðức cũng xin ở lại Nghệ An[55].
Nguyễn Duệ là người tâm phúc của Vua Thái Ðức. Theo phò nhà vua lúc nào và người ở đâu, không rõ.
Còn Nguyễn Huỳnh Ðức là tướng nhà Nguyễn bị Tây Sơn bắt trong trận thủy chiến ở Gia Ðịnh năm Quý Mão (1783).
Quân giải Nguyễn Huỳnh Ðức về đại bản doanh, Nguyễn Huệ trông thấy tướng mạo khôi ngô kỳ vỹ, lòng sanh ái mộ, bèn tự tay cởi trói cho Nguyễn Huỳnh Ðức và ôn tồn khuyến dụ. Huỳnh Ðức đứng chống nạnh, trừng mắt, mắng rằng:
- Tôi trung không thờ hai chúa. Nay rủi bị bắt thì tôi chỉ đợi chết chớ không bao giờ đầu hàng.
Các tướng phẫn nộ, xin đem chém đi, Nguyễn Huệ cười:
- Thái độ của Nguyễn Huỳnh Ðức có gì là quái. Ðó là bản sắc của người anh hùng và lòng trung nghĩa của kẻ trượng phu. Trước cái chết mà không khuất đó là trung can nghĩa đảm, đó là chánh khí đường hoàng. Há chẳng khiến chư tướng khâm phục sao?
Chư tướng ngấm ngầm bất bình nhưng không dám thân biện. Nguyễn Huệ truyền đem Huỳnh Ðức để ở sau bản doanh và sai Ngô Văn Sở đến thuyết phục. Nhưng suốt ba ngày không có kết quả. Nguyễn Huệ có ý buồn.
Nguyễn Huệ có người ái cơ tên Trần Mỹ Tuyết, người có sắc lại có tài văn chương, Nguyễn Huệ rất yêu quý và thường đem theo trong quân. Thấy chồng buồn, Mỹ Tuyết xin đến gặp Huỳnh Ðức một lần xem sao.
Khi Mỹ Tuyết đến thì Huỳnh Ðức đã tuyệt thực ba ngày đêm, một mình ngồi nhắm mắt trước ngọn đèn hiu hắt. Bỗng nghe tiếng động, Ðức liền mở mắt nhìn, Mỹ Tuyết ung dung tự giới thiệu:
- Tôi là thuyết khách của Long Nhương tướng quân.
Huỳnh Ðức nhắm mắt lại, ngồi lặng thinh.
Mỹ Tuyết nói tiếp:
- Từ xưa có câu: Thiên cổ gian nan duy bất tử. Nhưng người trượng phu đương lâm nạn, thì sống chẳng dễ gì mà chết cũng rất khó. Kìa người sanh trong trời đất chỉ quý ở điểm là hoàn thành được trách nhiệm bản thân. Trách nhiệm chưa liễu, có thể gọi là bậc hoàn nhân chăng? Tức như Văn Tín Quốc chịu nhẫn nhục trong ba năm, đến lúc biết rằng nhà Ðại Tống đã tuyệt vọng rồi, mới khẳng khái chịu chết ở Ðông Thị. Và Hán Thọ Ðình Hầu, sau khi thất thủ Hạ Bì, vì nghĩ đến Lưu Hoàng Thúc lưu lạc tha phương, mà đành phải giao ước ba điều cùng Tào Mạnh Ðức. Nhân chí nghĩa tâm, nghìn thu truyền làm mỹ đàm. Tướng quân đọc sử, không từng biết đến sự tích ấy hay sao?
Huỳnh Ðức hét:
- Ta biết rõ lắm, đừng có nhiều lời.
Mỹ Tuyết thản nhiên nói tiếp:
- Nay Nguyễn chúa thất bại phải chịu cảnh lưu ly, chính đương cần kẻ bầy tôi tương trợ. Thế mà tướng quân lại đi cầu cái chết! Chết rồi, trách nhiệm cũng tiêu ư?
Huỳnh Ðức dịu giọng:
- Ta chết vì thế bức.
Mỹ Tuyết nói:
- Lúc này là lúc trục lộc Trung Nguyên. Nhưng chỉ có Long Nhương và Nguyễn Vương là đối thủ. Thiên cơ huyền ảo. Cuộc đối lũy còn đương ở thế giằng co chưa có thể biết chắc chắn được bề đắc thất. Vì tướng quân, tôi xin đưa ra một kế là hãy tạm giữ thân hữu dụng để xem thời chọn thủ. Ðến lúc khứ lưu lưỡng tiện, thì tùy ý sở cầu. Long Nhương tướng quân là người mục thông thiên cổ, khổ nghễ đương thể. Thế mà đối với tướng quân lại không giết. Rõ là vì thiên hạ mà thương tiếc anh hùng. Thấy vậy nên tôi mới tới đây. Chớ như tướng quân cũng thuộc hàng kiến ong, thì tôi đâu phải nhọc đến miệng lưỡi.
Nguyễn Huỳnh Ðức ngồi cúi đầu trầm ngâm.
Trần Mỹ Tuyết cáo biệt về phục mệnh.
Nguyễn Huệ cho Ngô Văn Sở đến ủy dụ, hứa sau này hễ lập được chiến công thì khứ lưu tùy ý.
Nguyễn Huỳnh Ðức theo lời Mỹ Tuyết.Nguyễn Huệ về Quy Nhơn đem Huỳnh Ðức theo.
Ra Thuận Hóa, ra Thăng Long, Nguyễn Huệ vẫn đem Huỳnh Ðức theo bên trướng.
Và những trận đánh Thăng Long cũng như những trận đánh Thuận Hóa, Huỳnh Ðức lập được nhiều công.
Nhớ đến lời hứa năm xưa, đến Nghệ An, Nguyễn Huệ bảo Huỳnh Ðức chọn đường lưu khứ. Huỳnh Ðức xin ở lại giúp Nguyễn Duệ trấn Nghệ An, Nguyễn Huệ chấp nhận.
Dẹp yên chúa Trịnh ở Thăng Long, đánh đuổi chúa Nguyễn ra khỏi Gia Ðịnh. Vua Thái Ðức phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương thống trị đất Thuận Hóa từ Hải Vân Sơn đến Hoành Sơn, phong cho Nguyễn Lữ là Ðông Ðịnh Vương quản lý đất Gia Ðịnh từ Bình Thuận đến Hà Tiên. Còn mình thì xưng Trung Ương Hoàng Ðế chăm lo phần đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Quan văn tướng võ có công cùng nhà Tây Sơn đều được tặng thưởng, và đều được Vua Thái Ðức phân phối cho Bắc Nam, tùy nhu cầu công vụ mà cũng tùy sở nguyện cá nhân.
Cành tuy chia nhưng cội chẳng chẽ, Bắc Nam luôn luôn liên lạc mật thiết với nhau. Và nhà Tây Sơn cùng nhà Lê phần bên nào lo bên nấy, không xâm phạm cũng không dòm ngó nội bộ của nhau.
Nhân dân an cư lạc nghiệp và mong hưởng thái bình được lâu dài.
--------------
[52] Từ khi họ Trịnh cầm quyền, thì bên nhà vua gọi là Triều Ðình bên phủ chúa gọi là Phủ Liêu. Mọi việc về chính trị, quân sự... đều do bên phủ Liêu định đoạt cả.
[53] Kiểu mệnh là trái mệnh. Kiểu chiến là không có mệnh Vua mà cứ xuất quân.
[54] Vua Thái Ðức ra đi ngày nào và đến Thăng Long ngày nào không được biết. Theo Hoàng Lê Nhất Thống chí thì nhà vua được tin Nguyễn Huệ chiếm Thăng Long ngày 14 tháng 7 năm Bính Ngọ. Năm Bính Ngọ nhuần hai tháng 7. Có thể đoán là nhà vua từ Quy Nhơn ra đi vào hạ tuần tháng 7 trước và đến Thăng Long vào thượng tuần tháng 7 sau. Ở Thăng Long chừng tuần nhật để ra về ngày 14 tháng 7 nhuần.
[55] Sáng hôm sau, Chỉnh được tin Vua tôi Tây Sơn về Nam thất kinh bỏ hết tài sản, xuống chiếc thuyền buôn chạy theo. Trong thuyền Chỉnh có làm bài văn tứ lục Tần cung nữ oán Bái Công để trách Nguyễn Huệ (rất tiếc hiện không còn giữ. Sau Ðặng Trần Thường dựa theo đó soạn một bài khác hay hơn).