Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Nhà Tây Sơn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 58098 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhà Tây Sơn
Quách Tấn, Quách Giao

NGUYỄN PHÚC ÁNH XƯNG VƯƠNG

Trong khi Nguyễn Nhạc xưng đế ở Quy Nhơn thì ở Gia Ðịnh Nguyễn Phúc Ánh quật khởi.
Năm Giáp Tý chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng Vương hiệu (1744) và chia đất Gia Ðịnh ra làm ba dinh: Trấn Biên dinh (Biên Hòa hiện nay), Phiên Trấn dinh (Vũng Sài Gòn, Gia Ðịnh hiện nay), Long Hồ dinh (vùng Long Xuyên, Vĩnh Long hiện nay).
Nguyễn Phúc Ánh là cháu nội Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, kêu Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Tần bằng chú, đối với Ðông Cung Nguyễn Phúc Dương là vai anh con ông bác.
Nguyễn Phúc Ánh theo Ðịnh Vương vào Gia Ðịnh năm Giáp Ngọ (1774). Năm Tân Dậu, Tây Sơn đánh chiếm Gia Ðịnh (1777), Ðịnh Vương và Ðông Cung bị giết. Phúc Ánh chạy thoát. Sau khi binh Tây Sơn rút về Quy Nhơn, giao thành Sài Côn cho Tổng đốc Chu trấn thủ, thì Nguyễn Phúc Ánh tụ tập đám thủ hạ cũ của chúa Nguyễn tại Long Xuyên, tấn cứ đất Tam Thụ (tục gọi là Ba Giồng thuộc Ðịnh Tường). Tháng giêng năm Mậu Tuất (1778), được quân của Ðỗ Thành Nhân ở Ðông Sơn đến giúp, Nguyễn Phúc Ánh bèn kéo binh đánh Phiên An. Không phòng bị thành Sài Côn bị thất thủ. Ðất Gia Ðịnh lọt vào tay Nguyễn Phúc Ánh. Phúc Ánh được Ðỗ Thành Nhân và tướng sĩ tôn làm Ðại Nguyên Súy Nhiếp Quốc Chánh. Phúc Ánh lúc bấy giờ mới mười bảy tuổi.
Bị mất Gia Ðịnh, Tổng Ðốc Chu cùng thủ hạ chạy về Quy Nhơn. Ðược ít lâu, Vua Thái Ðức sai đem thủy binh vào đánh Gia Ðịnh. Tổng đốc Chu bị Ðỗ Thành Nhân đánh thua. Quân Tây Sơn tan rã. Thừa thắng Nguyễn Phúc Ánh sai Lê Văn Quân kéo quân ra đánh Bình Thuận.
Bình Thuận, từ khi Lý Tài làm phản, thì giao cho Trấn thủ Diên Khánh là Lê Văn Hưng kiêm nhiệm. Do đó mà thành bị Lê Văn Quân đánh lấy được dễ dàng. Nhưng khi quân Nguyễn thừa thắng kéo ra Diên Khánh thì bị Lê Văn Hưng chận đánh phải thối lui vào Bình Thuận. Binh Tây Sơn truy kích, đánh cho một trận tơi bời, Lê Văn Quân vội rút tàn quân chạy về Gia Ðịnh. Từ ấy quân Nguyễn rất sợ Lê Văn Hưng và Nguyễn Phúc Ánh gọi Hưng là Lê Vô Ðịch.
Từ ấy Bình Thuận trở ra thuộc về Tây Sơn, từ Bình Thuận trở vô thuộc về Nguyễn Phúc Ánh.
Nguyễn Phúc Ánh sau khi chiếm được Gia Ðịnh một mặt lo sửa sang mọi việc về quân sự và nhân sự, một mặt sai sứ sang giao hiếu cùng Xiêm La.
Chỉ trong vòng hai năm, Nguyễn Phúc Ánh đã có ba vạn quân thủy bộ, tám mươi thuyền chiến hạng vừa, ba thuyền chiến lớn, hai chiếc tàu kiểu Châu Âu. Ngoài ra còn có thêm ba chiếc tàu đồng do các sĩ quan và thủy thủ Bồ Ðào Nha điều khiển. Ba tàu này đều đặt dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan Pháp là Manuel tục gọi là Mạn Hòe.
Tự thấy mình đủ sức đối đầu cùng Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh bèn xưng Vương hiệu. Lễ tấn phong cử hành vào cuối năm Canh Tý (1780). Ðỗ Thành Nhân được phong chức Ngoại Hữu Phụ Chánh Thượng Tướng Công. Tất cả tướng sĩ đều được thăng thưởng. Binh quyền do Ðỗ Thành Nhân nắm trọn, chống giữ Tây Sơn ở mặt Bắc, đánh phạt Chân Lạp ở mặt Tây. Thành Nhân lập được nhiều công lớn, nha tướng mỗi ngày mỗi thêm đông. Sợ Thành Nhân tiếm vị, Phúc Ánh bèn tìm cách giết chết năm Tân Sửu (1781).
Ðỗ Thành Nhân chết rồi, Phúc Ánh không còn lo họa bên trong, liền cử binh đánh Tây Sơn tại Bình Khang (tức Khánh Hòa hiện thời).
Ba đạo quân được điều động. Hai đạo bộ binh do Chu Văn Tiếp ở Phú Yên đánh vào, và do Tôn Thất Dụ ở Bình Thuận đánh ra. Một đạo thủy quân do Tống Phước Thiêm, Nguyễn Hữu Thụy, Dương Công Trừng chỉ huy, xuất phát từ Gia Ðịnh kéo ra chận quân Quy Nhơn ở mặt biển.
Bình Khang là dinh nằm giữa dinh Bình Thuận ở phía Nam và dinh Phú Yên ở phía Bắc, dinh Bình Khang chia làm hai phủ: phủ Bình Khang ở phía Phú Yên, phủ Diên Khánh ở phía Bình Thuận. Trấn thủ dinh Bình Khang lúc bấy giờ là Lê Văn Hưng có một đội tượng binh thiện chiến. Phần lớn quân lực đóng ở Diên Khánh.
Bình Thuận thuộc quyền chiếm đóng của Nguyễn Phúc Ánh.
Phú Yên do tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Lộc trấn thủ. Chu Văn Tiếp chỉ chiếm cứ một vùng ở Trà Lương (Tuy An).
Quân Tôn Thất Dụ kéo ra đến Diên Khánh chưa kịp đóng quân thì bị Lê Văn Hưng cho đoàn chiến tượng xung trận. Quân nhà Nguyễn vốn đã sợ uy thế Lê Văn Hưng, lại còn sức hùng mãnh của chiến tượng, đều khiếp đảm, rùng rùng bỏ chạy. Quân Nguyễn chưa đánh đã tan! Còn Chu Văn Tiếp kéo quân ra chưa khỏi Phú Yên đã bị Nguyễn Văn Lộc chặn đánh tơi bời. Binh bị giết gần hết, một mình Tiếp tẩu thoát, chạy về trốn ở Trà Lương. Trong tình hình nguy ngập của bộ binh, thì thủy binh của Tống Phước Thiêm lại không rời khỏi Gia Ðịnh được. Bởi bộ hạ của Ðỗ Thành Nhân ở Ba Giồng nổi loạn.
Không thể để yên cho Phúc Ánh phát triển lực lượng và chiếm giữ lâu dài đất gia Ðịnh, Vua Thái Ðức lo việc chinh Nam.
Tháng 3 năm Nhâm Dần (1782), nhà vua cùng Nguyễn Huệ, Phạm Ngạn đem 200 chiến thuyền vào Gia Ðịnh. Binh đi thẳng vào cửa biển Cần Giờ.
Ðược tin Nguyễn Phúc Ánh hạ lệnh cho Tống Phước Thiêm đem thủy quân ra chận đánh. Ðạo thủy quân của nhà Nguyễn gồm trên 400 chiếc thuyền, lại có một số tàu đồng của Pháp và Bồ Ðào Nha tham dự.
Tống Phước Thiêm dàn thuyền chiến thành hàng tại sông Thất Kỳ tức ngã Bảy, quyết tiêu diệt binh Tây Sơn. Hai bên kịch chiến. Bên ngoài có súng trường và đại bác bắn rền trời. Thuyền Tây Sơn anh dũng xông vào bám sát thuyền địch, dùng pháo lửa (fusée)[48] ném sang vùn vụt. Thuyền địch bị đốt cháy dữ dội. Tàu của Pháp do Mạn Hòe chỉ huy, có 10 khẩu đại bác, bị hãm không sao ra khỏi vòng vây, cố sức chống cự cuối cùng bị đốt cháy và đánh chìm, Mạn Hòe tử trận. Thuyền của nhà Nguyễn không thoát được một chiếc. Tướng sĩ bị chết gần hết!
Một đội thuyền do Nguyễn Phúc Ánh trực tiếp chỉ huy đến cứu cũng bị hỏa lực đánh tan, Phúc Ánh vội rút tàn quân chạy về Bến Nghé. Binh Tây Sơn lớp đuổi theo Phúc Ánh, lớp kéo lên đánh chiếm Thị Nghè, Gia Ðịnh. Phúc Ánh phải chạy trốn về Ba Giồng, theo phò vừa tướng vừa quân chỉ trên dưới 300 người; nhưng chưa ở yên thì bị binh Tây Sơn kéo đến đánh, phải chạy hết từ chỗ này đến chỗ khác từ Gia Ðịnh đến Hậu Giang.
Quân Nguyễn ở Bình Thuận nghe tin Gia Ðịnh thất thủ liền tiến về cứu viện. Nhưng vừa đến Biên Hòa thì Tôn Thất Dụ bị tướng Tây Sơn là Phạm Ngạn chận đánh, quân Nguyễn phải thối lui. Vừa lúc đó Châu Văn Tiếp kéo quân ở Phú Yên vào tiếp ứng. Phạm Ngạn đương đuổi theo quân Nguyễn, giết được một viên tướng Nguyễn là Hồ Công Siêu, thì bị Châu Văn Tiếp tiếp chiến thình lình trở tay không kịp liền bị giết. Quân Tây Sơn không dám đuổi tiếp. Tôn Thất Dụ cùng Châu Văn Tiếp rút ra Bình Thuận.
Nguyễn Phúc Ánh ở Hậu Giang nghe tin quân mình thất bại khắp mọi nơi, liệu không đủ sức đối phó với Tây Sơn, bèn sai Nguyễn Hữu Thụy cùng 150 người tùy tùng sang Xiêm cầu viện, còn mình thì chạy đến Hà Tiên cùng Lê Văn Duyệt và một số quan tòng vong chạy ra Phú Quốc.
Thế là đất Gia Ðịnh được bình định. Bộ tướng của Ðỗ Thành Nhân kéo binh từ Ðông Sơn đến hàng. Vua Thái Ðức thu nạp và trọng dụng.
Tháng 5 năm Nhâm Dần (1782) tình hình Gia Ðịnh đã tương đối ổn định, Vua Thái Ðức cùng Nguyễn Huệ kéo quân về Quy Nhơn. Ðất Gia Ðịnh giao cho Ðỗ Nhàn Trập và Hộ Bộ Bá trấn thủ.
Vua Thái Ðức cùng Nguyễn Huệ rút quân về Quy Nhơn chưa được bao lâu thì ở Gia Ðịnh một cựu tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Hồ Văn Lân tập hợp một số tàn quân của nhà Nguyễn còn lẩn lút ở miền Hậu Giang, nổi lên đánh chiếm dinh Long Hồ. Một số tướng khác như Dương Công Trừng, Nguyễn Văn Quý cũng đem tàn quân hợp với Hồ Văn Lân đánh úp thủy quân Tây Sơn ở Lật Giang. Trong khi bọn Hồ Văn Lân hoạt động ở Gia Ðịnh thì ở Phú Yên Châu Văn Tiếp cũng mộ quân kéo vào giúp rập.
Ðỗ Nhàn Trập và Hộ Bộ Bá chỉ có 3.000 quân trong tay, phải chia ra chống đỡ các mặt. Thành Gia Ðịnh bị yếu thế không trì thủ được lâu. Ðỗ Nhàn Trập và Hộ Bộ Bá phải bỏ chạy về Quy Nhơn.
Lấy lại được Gia Ðịnh, Châu Văn Tiếp và các tướng sai người ra Phú Quốc rước Nguyễn Phúc Ánh trở về.
Ðầu năm Quý Mão (1783) Vua Thái Ðức sai Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ, Lê Văn Hưng, Trương Văn Ða cử đại binh vào đánh Nguyễn Phúc Ánh.
Biết trước thế nào Vua Tây Sơn cũng đem quân vào đánh, Nguyễn Phúc Ánh lo phòng bị cẩn mật. Một mặt sai Lê Phúc Diễn, Lê Phúc Bình đem vàng bạc sang Xiêm La, cầu xin Vua Xiêm cứu viện khi Gia Ðịnh bị Tây Sơn tấn công. Một mặt lo tăng cường phòng thủ thành Gia Ðịnh: đồn Bến Nghé ở phía nam thành và đồn Thị Nghè ở phía bắc thành là hai đồn lớn nhất và đã xây đắp từ lâu. Ðồn Bến Nghé là bình phong của thành. Ðồn Thị Nghè nằm trên ngã ba sông Thị Nghè, có thể khống chế mấy ngã sông Thị Nghè và sông Gia Ðịnh, do đó đủ sức che chở cho thành một cách vững vàng kín đáo. Hai đồn này được tu bổ nghiêm túc. Hai đồn mới được xây đắp: đồn Thảo Câu ở phía nam thành, trên sông Vàm Cỏ Ðông; đồn Dác Ngư ở phía bắc thành, trên sông Gia Ðịnh. Ðồn nào cũng có tướng sĩ canh giữ nghiêm ngặt. Ðồng thời Nguyễn Phúc Ánh cho khôi phục thủy quân, đóng chiến thuyền. Trên khúc sông rộng ở hạ lưu Gia Ðịnh giang có đóng nọc ngầm và hai bên sông có hàng nghìn bè tre chất đầy củi khô và thuốc súng sẵn sàng đánh hỏa công. Một toán chiến thuyền trên 100 chiếc trang bị đầy đủ dàn sẵn trên sông Gia Ðịnh.
Việc phòng bị lần này nghiêm chỉnh hơn lần trước thập bội.
Thủy binh Tây Sơn đến cửa Cần Giờ ngày 24 tháng 2 năm Quý Mão (1783).
Nắm vững tình hình của địch. Nguyễn Huệ đợi lúc thủy triều dâng, gió từ cửa biển thổi mạnh vào đất mới đốc suất chiến thuyền vào cửa sông.
Châu Văn Tiếp chỉ huy chiến thuyền Nguyễn kéo binh ra chống cự. Tiếp đã bố trí chiến trường, quyết dùng hỏa công tiêu diệt thuyền địch, ít ra cũng đẩy lui địch không cho tiến vào nội địa. Cho nên mới vừa giáp chiến đã vội rút lui. Biết rằng có mưu gian, song Nguyễn Huệ vẫn hô quân tiến đánh.
Khi chiến thuyền Nguyễn đã qua khỏi khúc sông bố trí đánh hỏa công và thuyền Tây Sơn đã lâm vào khu vực bố trí, thì các bè cũi khô nổi lửa và cắt dây neo để cho trôi xuống thuyền địch. Nhưng vì thủy triều đương lên mạnh và gió biển theo nước triều thổi mạnh, bè lửa trôi ngược trở lên và lửa đốt cháy thuyền Nguyễn. Triều càng lên cao, gió càng thổi to, thuyền Tây Sơn đuổi theo càng gấp, Châu Văn Tiếp liệu không chống cự nổi liền bỏ trốn, rồi theo đường núi chạy sang Xiêm. Thủy binh của Phúc Ánh hoàn toàn bị tiêu diệt. Nguyễn Huệ chia quân đến đánh hai đồn Thảo Châu và Dác Ngư. Tướng giữ đồn Dác Ngư là Tôn Thất Mãn bị Lê Văn Hưng giết chết. Tướng giữ đồn Thảo Châu là Dương Công Trừng bị Trương Văn Ða bắt sống. Nguyễn Huệ kéo quân đánh thành Gia Ðịnh. Nguyễn Phúc Ánh hốt hoảng, bỏ thành đem gia đình chạy đến Ba Giồng, chỉ có năm, sáu viên tướng và chừng trăm quân chạy theo. Tướng sĩ ở Bến Nghé và Thị Nghè cũng bỏ đồn chạy.
Nguyễn Huệ kéo quân vào thành, phủ dụ nhân dân và tướng sĩ còn ở lại.
Chạy về Ba Giồng, Nguyễn Phúc Ánh tổ chức lại quân đội.
Ðầu tháng 4 năm Quý Mão (1783) cất quân đánh Tây Sơn.
Quân hai bên gặp nhau ở Ðồng Tuyên (Kiến An, Ðịnh Tường). Quân nhà Nguyễn vừa thấy quân Tây Sơn hùng hổ kéo đến thì đã muốn bỏ chạy. Do đó mới vừa giáp chiến thì binh liền tan rã, tướng phần nhiều bị giết. Nguyễn Văn Quý bị Trương Văn Ða chém trên mình ngựa. Nguyễn Huỳnh Ðức bị Lê Văn Hưng bắt sống. Quân sĩ bị bắt sống trên nghìn người. Quân Nguyễn bị tiêu diệt toàn bộ.
Nguyễn Phúc Ánh tẩu thoát, chạy đến Lật Giang, chạy sang Mỹ Tho, rồi chạy đến Ba Thắc, cuối cùng chạy đến Hà Tiên để xuống thuyền ra Phú Quốc.
Về việc chạy trốn của Nguyễn Phúc Ánh, sử nhà Nguyễn chép:
Vương chạy đến Lật Giang thì trên sông tuyệt không có đò sang ngang. Ngài bỗng thấy một con trâu nằm ngay nơi mé tả, Ngài bèn cỡi lên lưng trâu để qua sông. Nhưng khi đến giữa dòng thì nước rút quá mạnh, trâu không bơi được. May một con cá voi nổi lên há miệng ngậm lấy Ngài đưa sang bờ bên kia. Nhờ vậy mà ngụy quân không nhận được vết tích để truy tìm. Tới xứ Vịnh Cù, Ngài gặp Thái giám Duyệt đem theo ấn nhỏ bằng vàng cùng các quan tòng vong. Mọi người xuống thuyền tới cửa Kinh Hào (Long Xuyên) rồi sang thuyền đi Phú Quốc... (Nguyễn Triều Long Hưng sự tích).
Ðược tin Nguyễn Phúc Ánh chạy ra Phú Quốc, Nguyễn Huệ sai Phan Tiến Thận đi đánh bắt. Một số tướng lãnh bị bắt sống. Nguyễn Phúc Ánh thoát chết chạy ra đảo Cổ Long (KohRong). Trương Văn Ða đem một lực lượng thủy quân lớn đến vây đánh. Nhưng rủi gặp ngày mưa gió lớn thuyền không thể dàn ra để bao vây mà phải dồn lại ghì chặt vào nhau để chống lại sóng gió. Nhờ vậy Nguyễn Phúc
Ánh có cơ hội đem tàn quân chạy thoát, trốn sang đảo Cổ Cốt (Koh Kut) rồi chạy về Phú Quốc.
Ðất Gia Ðịnh đã được hoàn toàn giải phóng, việc phòng thủ đã được tổ chức nghiêm mật, tình hình trong cõi đã tương đối ổn định. Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ và Lê Văn Hưng rút quân về Quy Nhơn để Trương Văn Ða cùng một số tướng sĩ ở lại giữ thành Gia Ðịnh. Nguyên trước khi Nguyễn Huệ xuất binh, Trương Văn Hiến tâu cùng Vua Thái Ðức:
- Gia Ðịnh ở xa Phú Xuân, nhân dân chưa bị khổ sở về nạn Trương Phúc Loan, nên không căm thù nhà Nguyễn như người miền Trung. Quân ta vào đánh quân nhà Nguyễn, nhân dân miền Nam coi là cuộc tranh giành quyền vị với nhau, chớ không phải để giải phóng họ. Bởi vậy hễ bên nào mạnh, được thì họ theo, theo trong nhất thời. Rồi ai được ai thua, họ bàng quan tọa thị. Do đó quân ta cứ lấy được Gia Ðịnh rồi lại mất... Muốn giữ đất được lâu bền, thì phải làm thế nào chiếm cho được lòng dân, nhất là lòng của kẻ sĩ.
Do đó Nguyễn Huệ mới để Trương Văn Ða, một người văn võ toàn tài, ở lại trấn thủ Gia Ðịnh. Và khi quân thắng trận về đến Quy Nhơn, Vua Thái Ðức sai thêm hai văn thần là Cao Tắc Tựu và Triệu Ðình Tiệp vào trợ lực.
Họ Cao họ Triệu vào đến nơi lo tìm hiểu dân tình dân ý. Hai ông giả làm thầy địa lý và thầy tướng số để được gần gũi nhân dân. Hai ông nhận thấy miền Nam hầu hết đều chất phác nhân hậu. Sĩ phu giữ khư khư lời dạy của thánh hiền, chữ Trung của Hán Nho, Tống Nho đã in sâu vào tâm phủ. Lòng họ đối với nhà Nguyễn tuy không sâu đậm bằng lòng người miền Bắc đối với nhà Lê, song có tài chinh phục đến đâu cũng khó thu về cho nhà Tây Sơn trong hôm sớm. Muốn thu phục nhân tâm miền Nam, thì phải làm sao cho họ thấy nhà Tây Sơn hơn nhà Nguyễn về mọi mặt.
Trước hết phải có một chính sách tốt.
Chính sách đã có sẵn từ nghìn xưa. Chẳng qua tám chữ Thân Dân, Ái Dân, An Dân, Lợi Dân. Khó nhất là làm sao thực thi cho được tám chữ ấy.
Trong khi ở Gia Ðịnh nhà Tây Sơn lo việc an dân thì ở Phú Quốc Nguyễn Phúc Ánh lo cầu cạnh nước ngoài cứu viện để đánh cướp đất.
Nguyên Nguyễn Phúc Ánh có quen cùng hai giáo sĩ Cơ Ðốc Tây Phương là Linh mục Ly-ô (Liot), người Bồ Ðào Nha, và Giám mục Bá Ða Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine Evêque dAdran), người Pháp, trước kia truyền giáo ở Gia Ðịnh, sau chạy sang Săn Ta Buôn (Chantabuon) ở Xiêm La lập giáo sở. Phúc Ánh bắt liên lạc cùng hai nhà truyền giáo ấy, nhờ Linh mục Bồ Ðào Nha mua lương thực và Giám mục Bá Ða Lộc sang cầu viện nước Pháp. Phúc Ánh hứa bằng giấy tờ, sẽ cắt đất nhượng cho nước Pháp, và để cho người Pháp được đặc quyền vào buôn bán ở Việt Nam sau khi chiến thắng. Con trai đầu của Phúc Ánh là Hoàng Tử Cảnh theo Bá Ða Lộc làm con tin.
Giám mục chưa kịp xuống tàu sang Pháp thì Phúc Ánh được mật thư của Châu Văn Tiếp mời sang Vọng Các (Bangkok) hội kiến cùng Vua Xiêm.
Nguyễn Phúc Ánh sang Xiêm vào khoảng tháng giêng năm Giáp Thìn (1784).
Vua Xiêm tiếp đãi nồng hậu.
Nước Xiêm lúc bấy giờ ở dưới triều Vua Chất Trị (Chakkri) đương lúc thịnh vượng và đang nuôi tham vọng nuốt Chân Lạpvà Gia Ðịnh để mở rộng cõi bờ. Ðược Nguyễn Phúc Ánh xin cứu viện, Vua Xiêm chụp ngay cơ hội tốt.
Ðể chuẩn bị cuộc xâm lăng, Vua Xiêm giúp Phúc Ánh tổ chức một đạo binh gồm đám tàn quân và bọn người Việt lưu vong trên dưới nghìn người do Châu Văn Tiếp làm Ðại Ðô Ðốc và Mạc Tử Sinh làm Tham Tướng.
Mùa hạ năm Giáp Thìn (1784), Vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng làm chủ tướng và Chiêu Sương làm tiên phong, thống lĩnh hai vạn thủy quân và 300 chiến thuyền, hợp cùng đạo quân của Phúc Ánh từ Vọng Các vượt biển sang Gia Ðịnh. Ðồng thời nhà vua lại phái hai tướng là Lục Côn và Sa Uyển cùng với Chiêu Thùy Biện, một cựu thần Chân Lạp thân Xiêm, đem hai đạo binh trên 3 vạn người, tiến sang Chân Lạp rồi từ đó kéo xuống Gia Ðịnh phối hợp cùng thủy binh của Chiêu Tăng và Chiêu Sương.
Châu Văn Tiếp đã thuộc được lối và biết rõ các nơi hiểm yếu ở Gia Ðịnh, nên dẫn quân đi trước.
Thủy quân Xiêm đổ bộ lên Rạch Giá.
Bộ binh Xiêm đánh xuống Châu Ðốc.
Ðể phòng ngự mặt biển và mặt sông, thời chúa Nguyễn, Nguyễn Cư Trinh đã lập ra 5 đạo là Tân Châu Ðạo ở Cù Lao Giêng thuộc Tiền Giang, Châu Ðốc Ðạo ở Hậu Giang sát biên giới Chân Lạp, Ðông Khấu Ðạo ở Sa Ðéc, Kiên Giang Ðạo ở Rạch Giá và An Xuyên Ðạo ở Cà Mau.
Quân Xiêm kéo vào Gia Ðịnh một cách rầm rộ.
Trấn thủ Gia Ðịnh là Trương Văn Ða thấy sức giặc quá mạnh, ra lệnh cho các nơi vừa chận đánh vừa rút lui từng bước để bảo toàn lực lượng.
Quân Tây Sơn giữ đạo Kiên Giang ở Rạch Giá và đạo Châu Ðốc ở biên cương rút về Cần Thơ. Quân giặc đuổi theo. Quân Tây Sơn theo bờ sông Hậu Giang lui dần xuống Ba Thắc.
Ba Thắc (Srok Pra-sak) là một vùng rộng lớn bao trùm Sóc Trăng, Bạc Liêu... Dân cư phần đông là người Cao Miên. Ðất đai phần lớn là rừng và bưng biền nước ngập.
Quân Xiêm đuổi đến Ba Thắc bị quân Tây Sơn phục kích đánh cho một trận tơi bời phải thối lui. Quân Tây Sơn thừa thế vượt sông Hậu Giang sang Trà Ôn để rồi lui về Ðông Khấu Ðạo ở Sa Ðéc. Quân đóng ở An Xuyên Ðạo (Cà Mau) bị cô thế cũng rút về Trà Ôn. Giặc lại đuổi theo... Nhưng đến Man Thiếc (Mânthít) thuộc Vĩnh Long thì gặp đạo quân của Trương Văn Ða từ Sa Ðéc kéo xuống đánh kịch liệt. Châu Văn Tiếp bị Trương Văn Ða chém chết. Quân giặc rút lui xuống Trà Cú. Nhưng Trương Văn Ða liệu thế không thắng nổi giặc bèn bỏ vùng đất miền Tây về phía hữu ngạn sông Tiền Giang, kéo đại binh về đóng ở Mỹ Tho.
Vì mất người hướng đạo là Châu Văn Tiếp, giặc không dám sang sông, lấy Ðông Khấu Ðạo ở Sa Ðéc làm Tổng Hành dinh .
Sau trận kịch chiến ở Man Thiếc vào khoảng trung tuần tháng 10 năm Giáp Thìn (tháng 11/1784) có vài trận nhỏ kế tiếp, đáng kể là trận tháng 11 năm Giáp Thìn (tháng 12 năm 1784) tại đồn Ba Lai ở giữa Ðịnh Tường và Vĩnh Long. Chỉ huy trận này là Ðặng Văn Lương, người Ðịnh Tường, theo Phúc Ánh làm tới chức Chưởng Cơ và Lê Văn Quân cũng người Ðịnh Tường, theo Phúc Ánh làm đến chức Ðô Ðốc. Ðô Ðốc lên thay Châu Văn Tiếp làm Tổng Nhung. Họ Ðặng và họ Lê cậy mình là người địa phương thông thạo đường lối, đương tính đem quân đánh úp quân Tây Sơn. Chẳng ngờ bên Tây Sơn đã phòng bị trước, cho phục binh ở ngoài, đợi quân Nguyễn vào đồn rồi trong đánh ra ngoài đánh vô. Khí thế quân Tây Sơn rất mạnh, quân Nguyễn không chống nổi bị giết gần hết. Ðặng Văn Lương bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Kim chém chết. Lê Văn Quân bị Lê Văn Kế đánh trọng thương, chạy thóat nhưng phẫn uất mà tự sát.
Từ đó quân Xiêm - Nguyễn đóng yên một chỗ.
Trương Văn Ða với số quân không quá 10 nghìn, phải tận lực giữ vững nửa phần đất còn lại ở phía Ðông từ Tiền Giang trở ra. Vùng đất phía Tây từ Tiền Giang, Hậu giang trở vô đều thuộc quyền kiểm soát của quân Xiêm - Nguyễn.
Chiếm được nửa phần đất Gia Ðịnh, tướng sĩ Xiêm sanh ra kiêu căng. Chúng xem thường quân Tây Sơn, khinh mạn Phúc Ánh, không lo chiến đấu mà chỉ lo tìm cách cướp bóc của cải, hãm hiếp phụ nữ, sát hại những người Việt Nam tỏ thái độ hay có hành động chống đối. Chúng đã dùng chiến thuyền chở về Xiêm không biết bao nhiêu con gái, vàng bạc của cải đã cướp được. Nhân dân ta thán. Hành động bạo ngược của quân giặc đào sâu lòng căm thù của toàn dân miền Tây và cả miền Ðông Gia Ðịnh, căm thù cả Xiêm lẫn Nguyễn kẻ rước giặc về phá quê hương, và hết lòng ủng hộ tướng sĩ Tây Sơn.
Nhờ lòng dân ủng hộ mà Trương Văn Ða với một số quân ít ỏi có thể chặn đứng được bước tiến của giặc. Nhưng liệu thế không thể kéo dài được mãi. Cuối năm 1784 Trương Văn Ða sai Ðô Uùy Ðặng Văn Trấn về Quy Nhơn báo cáo rõ tình hình ở Gia Ðịnh.
Nghe qua lời tấu của Ðô úy Ðặng Văn Trấn, triều đình Tây Sơn biết rằng lực lượng của giặc mạnh hơn mấy lần trước thập bội, Vua Thái Ðức liền sai Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu cùng bộ tướng đem đại binh vào tảo trừ. Bùi Thị Xuân xin tòng chinh.
Binh Tây Sơn xuống thuyền vào Nam khoảng hạ tuần tháng 11 năm Giáp Thìn (tức khoảng đầu năm 1785). Quân thiện chiến chừng 2 vạn, danh tướng, ngoài Võ, Trần, Bùi, còn có Ðô úy Ðặng Văn Trấn và một số thuộc tướng.
Thủy binh Tây Sơn vào cửa Cần Giờ, nhưng không vào Vũng Tàu để lên Gia Ðịnh như mấy lần trước, mà đi thẳng vào Nam theo cửa sông Tiền Giang kéo đến Mỹ Tho. Chủ lực của Tây Sơn do Trương Văn Ða chỉ huy đóng tại Mỹ Tho.
Nguyễn Huệ sai Trương Văn Ða ra giữ thành Gia Ðịnh, còn mình thì đóng quân tại Mỹ Tho quyết một trận tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Trước hết Nguyễn Huệ thân hành đi xem xét địa hình địa thế, và cho người do thám tình hình của địch.
Mỹ Tho lúc bấy giờ gọi là Trường Ðồn, đất đai phì nhiêu, rừng núi hiểm trở, sông ngòi lưu thôn. Có thành bằng đất, chu vi độ bốn dặm, có hai cửa tả hữu, hào rộng 4 trượng, ngoài cửa có cầu ván vững chắc để qua hào, ngoài hào còn có lũy che chở. Trước mặt đồn có sông Ðại Giang gọi là sông Mỹ Tho, một chi lưu của sông Tiền Giang. Mặt sau có sông Vàm Cỏ Tây. Nước sông theo thủy triều mà lên xuống, rất tiện cho việc giao thông. Ở phía tây đồn lại có một cánh rừng rộng làm hào thành. Rừng ngập sình lầy và mọc toàn dừa nước, nên tục gọi là Rừng Dừa.
Ðịa thế khá hiểm trở.
Trên sông Ðại Giang tức sông Mỹ Tho lại có một khúc vừa sâu vừa rộng vừa dài. Ðó là nhờ nước sông Sầm Giang tục gọi là Rạch Gầm và sông Hiệp Ðức tục gọi là Rạch Cái La hay Rạch Xoài Mút chảy vào tăng lưu lượng cho nước sông Tiền Giang. Từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dông dài 5 dặm (khoảng 6 cây số), và rộng gần cả dặm (1 cây số). Thủy triều lên thì tràn đầy, khi xuống vẫn không cạn. Giữa sông có một gò đất bồi chu vi khoảng 5 dặm, gọi là Cù lao Thới Sơn và một cù lao nhỏ gọi là cù lao Hộ hay bãi Tôn. Hai bên bờ sông và trên cù lao lau lách và cây bần mọc um tùm và không có vết chân người qua lại.
Nguyễn Huệ dùng khúc sông Rạch Gầm - Xoài Mút và Rừng Dừa làm trận địa để diệt quân thù. Vì quân Xiêm - Nguyễn tập trung toàn bộ lực lượng, cả thủy quân tại đạo Ðông Khấu ở Sa Ðéc, lực lượng quá lớn (300 chiến thuyền và 5 vạn thủy lục quân), không thể nào đánh thẳng vào đại doanh của địch với số quân không đầy một nửa. Nguyễn Huệ phải dụ địch ra ngoài nơi có lợi thế cho mình. Nguyễn Huệ cho thủy binh mai phục trong các nhánh sông Rạch Gầm, Xoài Mút và trong các con sông nhỏ chảy quanh các cù lao. Còn bộ binh thì một đạo mai phục ở hai bên bờ sông và trên cù lao Thới, trên bãi Tôn, một đội mai phục nơi Rừng Dừa. Thủy binh do Nguyễn Huệ và Võ Văn Dũng chỉ huy. Bộ binh do vợ chồng Trần Quang Diệu điều khiển.
Vạn sự cụ bị Nguyễn Huệ cho Võ Văn Dũng kéo binh đến khiêu chiến. Ðó là chiều ngày mùng 9 tháng chạp năm Giáp Thìn, tức 19 tháng 11 năm 1785.
Quân Xiêm - Nguyễn khi được tin binh Tây Sơn kéo đến Mỹ Tho thì liền chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Nhưng do chưa biết được rõ lực lượng của địch mạnh yếu thế nào nên chưa tấn công. Bị khiêu chiến, Chiêu Tăng liền cắt Sạ Uyển cùng một vạn bộ binh ở lại giữ đại bản doanh và các nơi hiểm yếu, còn mình thống lãnh đạo thủy lục quân đi đánh Tây Sơn.
Bộ binh do Lục Côn chỉ huy theo tả ngạn sông Tiền Giang đi xuống.
Thủy binh do Chiêu Sương làm tiên phong kéo thẳng xuống sông Mỹ Tho.
Hai đạo thủy bộ đều có tướng sĩ của Nguyễn Phúc Ánh dẫn đường, hẹn nhau sau khi chiến thắng Mỹ Tho thì đồng kéo nhau ra đánh thành Gia Ðịnh.
Trời tháng chạp quang đãng. Trăng thượng huyền treo cao.
Quân giặc kéo đi rầm rộ. Nhưng không thể tiến nhanh, vì trên bờ lau lách, dưới sông thì nước triều đương dâng.
Võ Văn Dũng vừa đánh vừa lui.
Ðến giang đầu sông Mỹ Tho thì trời bắt đầu tối. Ðèn được treo trên thuyền đôi bên thắp sáng rực trời. Thuyền Tây Sơn núp trong Rạch Gầm kéo ra hợp lực cùng thuyền Võ Văn Dũng chặn không cho thuyền giặc tiến. Ðợi khi trăng sắp lặn, thủy triều sắp rút thì Võ Văn Dũng trá bại. Thuyền giặc ra sức đuổi theo. Ðến Rạch Gầm, một phần lớn thuyền Tây Sơn tắt hết đèn đuốc, trẽ vào rạch, còn phần nhỏ thì chạy thẳng theo dòng sông Mỹ Tho. Thuyền giặc cứ trông theo ánh sáng mà đuổi. Khi thuyền giặc đã lọt trọn vào trận địa, thì một tiếng pháo lệnh nổ vang. Thuyền của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy từ rạch Xoài Mút và các sông nhỏ kéo ra chặn đánh. Ðồng thời súng đại bác trên cù lao Thới Sơn và hai bên bờ sông nã liên thanh vào thuyền giặc. Bị đánh thình lình, Chiêu Sương hoảng hốt cho dừng thuyền lại. Thuyền trước dừng lại một cách đột ngột, những đoàn thuyền đi sau đương đà tiến nhanh theo nước triều rút, không sao hãm kịp, bị va vào nhau, hết lớp này đến lớp khác. Ðoàn thuyền đi sau rốt vừa quay trở lại thì bị thuyền ở Rạch Gầm kéo ra đánh thối lui vào trận địa.
Phần bị trước chặn đánh, sau đuổi đánh, phần bị hai bên hông và trên đầu đại bác nã, phần thuyền va vào nhau, hàng ngũ rối loạn, hết phương day trở, hết phương chống đỡ, thuyền địch lớp bị tan vỡ, lớp bị bắn chìm không còn một chiếc. Quân sĩ lớp nhảy xuống nước bị chết chìm, lớp bị giết chết, trăm phần không còn được một, hai. Thế là 300 chiến thuyền và 2 vạn thủy binh của Xiêm và một số quân của Phúc Ánh bị hoàn toàn tiêu diệt.
Còn đạo bộ binh của giặc đương đi bỗng nghe tiếng đại bác nổ, liền dừng bước. Thình lình trong lau lách phục binh của Tây Sơn vừa hét vừa xông ra. Lục Côn trở tay không kịp, bị Bùi Thị Xuân chém một nhát bay đầu [49]. Binh lính hết hồn, đều bỏ chạy tán loạn. Nhưng sau lưng có quân đánh, hai bên tả hữu cũng có quân đánh, chúng ùa nhau chạy về phía trước, nhảy ào vào rừng dừa. Hai vạn binh Xiêm và số quân nhà Nguyễn, lớp bị đao kiếm, lớp bị sình lầy, chết không còn một mống !
Trời vừa rạng đông thì chiến cuộc cũng vừa dứt. Quân Tây Sơn toàn thắng, Chiêu Tăng và Chiêu Sương tẩu thoát. Nguyễn Phúc Ánh được một bộ tướng là Nguyễn Văn trị cứu khỏi và cõng chạy đến trốn nơi Mỹ Ðức ở Thi Giang, rồi chạy lần ra náu ở Cồn Khơi thuộc Hà Tiên.
Tướng Xiêm Chiêu Tăng và Chiêu Sương[50] trốn thoát chạy về Sa Ðéc, bị quân Tây Sơn truy kích, hối hả cùng Sạ Uyển kéo tàn quân chạy bộ về Xiêm. Kiểm điểm quân số thì khi xuất quân, thủy bộ cả thảy 5 vạn, lúc trở về chỉ còn mươi ngàn lục quân và không đầy vài ngàn thủy quân! Như vậy chỉ trong một trận Tây Sơn tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm và 300 thuyền chiến.
Còn Nguyễn Phúc Ánh hết trốn nơi này đến nơi khác, liệu không thoát khỏi tay đối phương luôn luôn cho lùng bắt, bèn cùng một số tướng sĩ chạy qua Xiêm xin tị nạn[51].
Quét sạch quân xâm lăng, đuổi được Nguyễn Phúc Ánh ra khỏi nước, Nguyễn Huệ lo sắp đặt tề chỉnh việc quân việc dân, rồi giao Gia Ðịnh cho Trương Văn Ða và Ðặng Văn Chấn trấn thủ, còn mình cùng Võ Văn Dũng và vợ chồng Bùi Thị Xuân kéo đại binh về Quy Nhơn.
Cao Tắc Tựu và Triệu Ðình Tiếp bàn cùng nhau:
+ Cuộc chiến thắng này đã làm sáng tỏ chính nghĩa của nhà Tây Sơn. Cái tội rước voi của Nguyễn Phúc Ánh đã sờ sờ ra đó, và có công giải thoát ách ngoại xâm của Long Nhương Tướng quân đã đủ trang bị cho chúng ta để chinh phục nhân tâm của sĩ phu và lê thứ đất Gia Ðịnh.
+ Phần đông sĩ phu Gia Ðịnh hiểu nghĩa chữ trung một cách lệch lạc. Họ chỉ nghĩ đến Vua, cho rằng trung quân tức ái quốc. Cho nên cứ khư khư ôm chữ trung quân vào lòng, mặc dù Vua kia, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của mình mà dẫm đạp lên trên quyền lợi chung của Tổ quốc và Dân tộc. Họ nghĩ rằng đất này là của nhà Nguyễn bị nhà Tây Sơn chiếm đoạt, thì Nguyễn Phúc Ánh có quyền nhờ ngoại bang giúp mình đánh lấy lại. Phá nước hại dân là tội của quân Xiêm, chớ không phải tội của Phúc Ánh. Cho nên họ không oán giận họ Nguyễn mà chỉ căm thù quân Xiêm. Phải đả phá cho được tư tưởng sai lầm đó, thì lời nói phải của chúng ta mới lọt được vào tai.
+ Ðất Gia Ðịnh rộng mênh mông mà chỉ có hai chúng ta thì không thể nào dẫy hết cỏ dại đã ăn sâu vào trí não, để cấy lúa trồng dâu.
Hai ông liền bàn cùng Trương Văn Ða và Ðặng Văn Chấn rồi một mặt làm sớ gởi về Quy Nhơn xin thêm người, một mặt chiêu nạp nhân tài ở địa phương làm phụ tá.
Vua Thái Ðức liền sai Huỳnh Văn Thuận và Lưu Quốc Hưng vào tăng cường.
Từ ấy đồng bào Gia Ðịnh được an cư lạc nghiệp.
Việc học hành được tổ chức khắp nơi. Ruộng đất mỗi ngày mỗi thêm mở rộng. Quân sĩ thay phiên nhau làm việc canh tác với đồng bào. Gia Ðịnh trở thành nơi trù phú.
----------
[48]Ðích danh là Hỏa hổ lớn bằng cổ tay, làm bằng đèn khối, rất nhạy lửa, nước tưới không tắt, chỉ đất bùn mới dập tắt.
[49] Nghe truyền rằng viên tướng Xiêm thấy Bùi nữ tướng đường kiếm tuyệt luân, sắc đẹp lại tuyệt mỹ, đứng ngó sững sờ nên bị nữ tướng chém không đỡ kịp. Ðầu giặc bay xa đến mấy dặm và bị rơi dính trên cây cao.
[50] Các sách Quốc ngữ đều chép là Chiêu Sương và giải thích rằng Chiêu là một chức quan. Nhưng sách Nguyễn triều long hưng sự tích lại chép là Triệu Tăng và gọi là Thế Tử.
[51] Các sách Quốc ngữ đều chép rằng trong số tướng tá chạy theo Nguyễn Phúc Ánh có Lê Văn Quân. Song nghe truyền Quân bị thua trận Ba hai xấu hổ tự sát. Lời truyền phù hợp với lời ghi trong Ðại Nam Nhất Thống chí nơi mục sông ngòi và mục nhân vật.
 

<< TÂY SƠN VƯƠNG SỬA THÀNH ÐỒ BÀN | TÂY SƠN PHÒ LÊ DIỆT TRỊNH >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 964

Return to top