Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Nhà Tây Sơn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 56430 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhà Tây Sơn
Quách Tấn, Quách Giao

TÂY SƠN VƯƠNG SỬA THÀNH ÐỒ BÀN

Thanh toán xong Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần và Ðông Cung Nguyễn Phúc Dương thì mặt Nam gọi là tạm yên.
Còn mặt Bắc. Tháng chạp năm Ất Mùi (1775) Hoàng Ngũ Phúc đóng tại Châu Ổ (Quảng Nam), được chúa Trịnh cho rút về Thuận Hóa. Ðến Phú Xuân thì chết, Chúa Trịnh sai Bùi Thế Ðạt vào thay và cho Lê Quý Ðôn làm Tham Thị vào cùng giữ Thuận Hóa.
Từ ấy Quảng Nam thuộc về Tây Sơn.
Hai cựu thần của nhà Nguyễn là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân nổi dậy chống Tây Sơn, đánh lấy phủ Thăng Bình và phủ Ðiện Bàn .
Tây Sơn Vương liền sai Ðặng Xuân Phong đi đánh dẹp. Ðặng Xuân Phong nguyên là người Dõng Hòa thuộc Tây Sơn Hạ (Bình Khê), sức mạnh võ giỏi lại có tài cưỡi ngựa bắn cung, nhưng tánh ưa nhàn tản, nên không hưởng ứng lời chiêu mộ của Tây Sơn Vương.
Một hôm nữ tướng Bùi Thị Xuân đứng ở trường trầu Kiên Mỹ, chợt thấy một tráng sĩ trẻ tuổi cầm côn đồng, mang cung sắt, cỡi ngựa ô, từ Thuận Nghĩa chạy lên Phú Lạc[39], thái độ hiên ngang nhưng tướng mạo trung hậu. Nữ tướng lấy làm lạ, theo dò xem. Ðến Trưng Sơn, tráng sĩ cho ngựa lên núi. Ðường núi gập ghềnh mà ngựa chạy như nơi bình địa. Ngựa chạy quanh quất hồi lâu rồi mới dừng lại nơi khoanh đất bằng và rộng nằm ở lưng chừng núi. Chợt một bầy quạ bay ngang, tráng sĩ liền trương cung bắn liên tiếp hai phát: hai con quạ rơi xuống như hai quả chín cây. Rồi tráng sĩ xuống tháo cương cho ngựa đi ăn. Ðoạn xăn tay múa côn. Tiếng gió vun vút. Khí lạnh ớn người. Diễn liên tiếp mấy bài mà khí sắc không đổi. Tráng sĩ lên núi lúc mới tảng sáng. Mặt trời lên quá sào thì thắng ngựa trở về.
Nữ tướng khen thầm:
Thật là một dũng sĩ !
Và tự trách:
Anh tài ở trước mặt mà bấy lâu mình có mắt cũng như không!
Dò biết được lai lịch của tráng sĩ Ðặng Xuân Phong và Trưng Sơn là nơi tráng sĩ thường đến tập luyện, nữ tướng liền về chiến khu, rồi cùng Ðại Tổng Lý Vũ Ðình Tú xuống Dõng Hòa mời họ Ðặng tham gia đại sự. Lạ gì thanh khí lẽ hằng. Không đợi thuyết phục, họ Ðặng hưởng ứng ngay lời mời của họ Võ họ Bùi.
Ðặng Xuân Phong liền được tiến cử lên Vua Tây Sơn, và được đi đánh dẹp Quảng Nam để lập công.
Không phải dùng nhiều công sức, Ðặng Xuân Phong mới xáp chiến trận đầu là lấy ngay được Thăng Bình rồi Ðiện Bàn. Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân đều tử trận.
Quảng Nam được dẹp yên, Tây Sơn Vương gọi Nguyễn Văn Xuân ở Quảng Nghĩa về Qui Nhơn cử Ðặng Xuân Phong thay thế, và cử nguyễn Văn Tuyết[40] ra trấn thủ Quảng Nam, cùng họ Ðặng làm răng môi giữ gìn mặt Bắc.
Bắc Nam được yên ổn, Tây Sơn Vương đổi thành Minh Ðức Vương và cho sửa lại thành Qui Nhơn[41].
Thành Qui Nhơn tức là thành Ðồ Bàn cũ của Chiêm Thành.
Thành nằm trên dãy gò sỏi thuộc hai thôn Nam An và Bắc Thuận thuộc huyện Tuy Viễn (tức An Nhơn ngày nay). Ðịa thế rất lợi về mặt chiến thủ.
Thành do Vua Chiêm Thành là Xá Lợi Ðà Bàn Ngô Nhật Hoan (Indravarman IV) xây vào thế kỷ thứ X. Tường bằng gạch và đá ong. Mặt hướng vào Nam, chu vi hơn 10 dặm, có bốn cửa. Bên ngoài có dãy Kim Sơn che phía tây, có núi Long Cốt làm tiền án và gò Thâïp Tháp yểm hậu. Bốn nhánh sông Côn hội nước ở Lý Nhơn, tạo thành cái thế nước chảy bao quanh, nhờ thế mà hào thành không bao giờ khô cạn. Ngoài xa nữa, khắp bốn mặt lại có núi non trùng điệp, biển nước mênh mông, triều ủng. Như phía Bắc có các núi Sa Lung, Cung Quăng, Thạch Ðê... làm bình phong ngăn từ xa, và núi Phú Cũ, Hải Lương (tức Ðèo Nhông), Ô Phi làm bình phong thứ hai ở mặt Bắc. Phía Nam có trấn sơn Phước An và An Tượng cùng nhiều núi nối tiếp rất hiểm trở. Phía Tây có núi Hương Sơn với ba ngọn tháp nơi gò Dương Long rất tráng lệ. Phía đông có đầm Hải hạc chu vi trên 9.000 trượng, với núi Tháp Thầy, Bãi Nhạn, Gành Hổ, rừng Hoàng Giản có thể đồn binh ngăn giặc. Và đầm Thị Nại với dãy núi Triều Châu, một dãy cát trắng vun cao chất ngất, thỉnh thoảng nhô lên những ngọn núi đá, chạy từ Cách Thử đến Phương Mai là mũi đá làm cánh cửa của biển Thị Nại.
Nhờ địa thế của thành Ðồ Bàn mà Chiêm Thành đã ngăn chặn được ngoại bang vào xâm nhập bờ cõi. Mãi đến thế kỷ thứ XV, năm Canh Thìn (1470) Vua Chiêm là Trà Toàn gây sự, Vua Lê Thánh Tông mới cử binh vào đánh. Ðịa thế tuy hiểm, thành trì tuy kiên cố, song nhuệ khí của quân Chiêm lúc bấy giờ đã nhụt, nên Vua Lê chỉ mấy hôm công phá đã hạ được thành và bắt sống được Trà Toàn.
Vua Lê Thánh Tông đổi tên Ðồ Bàn thành Hoài Nhân.
Chúa Nguyễn Hoàng đổi tên Hoài Nhân thành Quy Nhơn (1605).
Chúa Nguyễn Phúc Tần đổi Quy Nhơn làm Quy Ninh (1651).
Chúa Nguyễn Phúc Khoát lại lấy lại tên Quy Nhơn (1741).
Từ 1741 cho đến năm 1776 là năm tu bổ lại, tên thành không thay đổi.
Nhà Tây Sơn cho mở rộng quy mô. Trước kia chu vi thành chỉ có 10 dặm. Nay mở thêm mặt đông, chu vi nới rộng ra thành 15 dặm. Xây toàn đá ong, cao 1 trượng 4 thước và dày 2 trượng. Trước chỉ có 4 cửa. Nay mở thêm một cửa nơi mặt thành phía nam, khoảng mới xây thêm, và gọi là Tân Môn. Còn cửa Nam Môn cũ gọi là Vệ Môn. Trong thành đắp nhiều thổ môn đặt giàn súng, dùng làm đài quan sát và tự vệ khi bị địch vây thành. Phía tây thành đắp để Ðỉnh Nhĩ để ngăn nước lụt. Phía tây nam đắp đàn Nam Giao để tế Trời Ðất. Phía trong thành lại xây một lớp thành nữa gọi là Càn Thành, chính giữa dựng điện bát giác là nơi Vua ngự. Phía sau dựng điện Chánh Tẩm để Hoàng Hậu và cung nhân ở, phía trước dựng lầu Bát Giác, bên tả bên hữu dựng hai tự đường, một thờ cha mẹ, một thờ cha mẹ vợ nhà vua. Trước lầu bát giác có cung Quyển Bồng và liền với mặt nam Càn Thành, có cửa tam quan gọi là Quyển Bồng Môn xây cổ lầu nên cũng gọi là Nam Môn Lâu. Trong thành, ngoài thành, bài trí la liệt những voi đá, ngựa đá, nghé đá, tượng nhạc công, vũ nữ... di tích của người Chiêm Thành xưa kia.
Thành sửa từ 1776 đến 1778 mới hoàn tất. Tráng lệ nguy nga. Thành Quy Nhơn sửa xong, nhà vua xưng đế hiệu Minh Ðức Hoàng Ðế, niên hiệu Thái Ðức.
Thành Quy Nhơn đổi tên là Hoàng Ðế Thành. Nhà vua rước thầy học Trương Văn Hiến về làm quân sư. Và phong:
- Nguyễn Huệ làm Long Nhương Tướng quân.
- Nguyễn Lữ là Tiết Chế.
- Phan Văn Lân làm Nội Hầu.
- Trần Quang Diệu làm Thiếu Phó.- Võ Văn Dũng làm Ðại Tư Khấu.
- Võ Ðình Tú làm Thái Uùy.
- Ngô Văn Sở làm Ðại Tư Mã.
Các tướng khác đều phong Ðô Ðốc và Ðại Ðô Ðốc.
Còn bên văn thì phong Võ Xuân Hoài làm Trung Thư Lệnh. Các quan khác đều sắp xếp từ Thị Lang, Thượng Thư đến Ðại Học Sĩ.
Bà họ Trần được rước về Hoàng Ðế Thành phong Chánh Cung Hoàng Hậu. Bà người Thượng được rước về phong Thứ Phi. Nhưng không chịu nổi cảnh phồn hoa náo nhiệt và nghi lễ nơi cung cấm, bà xin trở về vui với ruộng lúa.
Bà Bùi Thị Xuân được phong làm Ðại Tướng Quân, tự hiệu là Tây Sơn nữ tướng, quản đốc mọi việc quân dân trong Hoàng Thành và tuần sát vùng Tây Sơn.
Bok Kiơm không nhận chức tước cũng không nhận tiền của, chỉ xin mỗi năm được nhà vua cấp muối và cá khô để nuôi lòng trung thành của đồng bào Thượng.
Hai Vua Thủy Xá và Hỏa Xá được phong Vương tước, sai sứ đưa ra những trầm hương, kỳ nam, hổ phách và voi ngựa làm cống vật và nguyện giữ một lòng trung thành với Tây Sơn.
Nhà vua cũng không quên họ Ðinh ở Bằng Châu.
Truyền rằng:
Họ Ðinh lúc bấy giờ chỉ còn một ông lão trên bảy mươi, tánh khí ngang tàng bướng bỉnh. Vua vời ông lão đến, ông lão nói:
- Ông làm vua là làm vua với thiên hạ, chớ với tôi ông vẫn là con cháu. Con cháu mà ban chức tước cho cha ông, tôi thấy hơi nghịch. Chi bằng để tôi phê rồi ông lục thì hơn.
Nhà vua chuẩn y. Ông lão viết:
- Bùng binh chi tướng.
- Uýnh ướng chi quan.
- Bộn bàng chi chức.
- Chảng chảng ngang thiên.
Rồi mỗi lần ông lão đi thăm Vua Thái Ðức, thì ngồi trên một cái ghế có bốn người khiêng, hai bên có vài chục người cầm cào cỏ, cuốc chĩa, xuổng, cuốc... thay thế cho cờ biển hèo tua... và hai cây dù tát nước che thế lọng. Phía sau phía trước lại có hai đoàn người thổi kèn đánh trống bằng miệng. Tưng bừng rộn rịp. Thiên hạ kéo ra xem đông và vui như hội.
Thăng thưởng cho mọi người xong, nhớ đến Nhưng Huy và Tứ Linh, nhà vua bùi ngùi nói:
- Huy, Linh công chưa được thưởng, tội đã bị trừng, đối với ta thật chẳng khác tự mình cầm lấy đao xẻo miếng thịt hư nơi vai vế!
Ai nấy đều cảm động. Long Nhương Tướng quân nói:
Làm việc lớn không nên bận đến điều nhân nghĩa nhỏ. Thà chịu cắn răng trong chốc lát, còn hơn phải nhăn mặt suốt đời.
Rồi cuộc vui mở khắp nơi.
Ðồng bào vô cùng hoan hỷ.
Sau mười ngày yến tiệc, Vua Thái Ðức lo chỉnh đốn việc dân việc quân.
Thời chúa Nguyễn, từ Hoành Sơn đến Cà Mau, đất chia làm 12 dinh:
Chính dinh, Cựu dinh, Quảng Bình dinh, Vũ Xá dinh, Bố Chính dinh, Quảng Nam dinh, Phú Yên dinh, Bình Khang dinh, Bình Thuận dinh, Trấn Biên dinh, Phiên Trấn dinh, Long Hồ dinh.
Dinh chia ra phủ, phủ chia ra huyện.
Quy Nhơn, Quảng Nghĩa thuộc Quảng Nam dinh.
Gia Ðịnh gồm các dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ.
Gia Ðịnh ở xa, nhà vua giao quyền cai trị cho cựu thần nhà Nguyễn đã quy thuận, để lo cho được chu đáo phần đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Nhà vua bỏ dinh, chỉ để phủ, huyện.Từ Bắc đến Nam có sáu phủ: Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Quy Nhơn, Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận.
Huyện ở dưới quyền phủ. Trừ phủ Quy Nhơn, ba huyện Tuy Viễn, Phù Ly, Bồng Sơn trực thuộc trung ương.
Danh hiệu Tuần Phủ đổi là An Phủ Sứ, Phòng Ngự Sứ, An Phủ cầm đầu phủ lớn. Phòng ngự coi giữ phủ nhỏ[42].
Quân số lúc bấy giờ phỏng chừng 15 vạn (150.000) Theo binh chế đời nhà Chu, binh chia làm 6 cấp: Quân, Sư, Lữ, Tốt, Lượng, Ngũ. Ngũ gồm có 5 người. Lượng gồm có 5 ngũ tức 25 người. Tốt gồm có 4 lượng tức 100 người. Lữ gồm có 5 tốt, tức 500 người. Sư gồm có 5 lữ, tức 2.500 người. Quân gồm có 5 sư, tức 12.500 người.
Tổng số là 12 quân đoàn, có bộ binh và thủy binh. Binh chủng nào cũng tinh nhuệ.
Ðặt biệt nhất là:
- 2 quân đoàn người Thượng, với 2.000 chiến mã.
- 4 lữ đoàn nữ binh, với 100 thớt voi.
Hai quân đoàn người Thượng do Long Nhương Tướng Quân Nguyễn Huệ tổ chức và thường do Long Nhương chỉ huy.
Người nào cũng cao lớn, gan dạ. Tay cầm mác hay cầm ná, lưng giắt dao bảy. Phóng mác trăm phát trăm trúng, bắn ná không cần nhắm cũng trúng đích. Lại có tài cỡi ngựa. Ngựa đang chạy, lên lưng một cách nhẹ nhàng gọn gàng, ngựa đang sải, nhảy xuống ngựa cũng gọn gàng lẹ làng không kém. Ra trận chỉ biết tới chớ không biết lui.
Họ hết lòng trung thành với chủ tướng. Ðó là vì chẳng những chủ tướng tài cao, lượng rộng, đối với họ hết nghĩa hết tình, mà còn vì tin chắc rằng chủ tướng là người của Trời sai xuống điều khiển họ.
Không phải họ tin mù quáng, mà chính mắt họ cũng thấy rõ ràng.
Khi cùng Võ Ðình Tú quản lý Tây Sơn, Nguyễn Huệ thường đi chiêu mộ binh Thượng. Một hôm, trời vừa hửng sáng, đám tân binh đi đến chân đèo An Khê, thì trong sương mờ, xa xa thấy hai con rắn mun cực kỳ to lớn. Không ai dám đi tới.
Nguyễn Huệ chắp tay khấn:
- Nếu quỷ thần có phù hộ tôi để tôi dựng nên nghiệp lớn thì xin tránh đường cho tôi đi. Bằng không thì cắn chết tôi chớ đừng làm hại những người theo tôi.
Khấn rồi đi tới. Hai rắn cuối xuống ngậm một thanh đao, cán đen như mun, lưỡi sáng như nước, kính cẩn dâng cho Nguyễn Huệ rồi bò vào bụi biến mất. Ðám tân binh liền quỳ xuống tung hô Nguyễn Huệ là «Tướng nhà trời «.
Thanh đao đó Nguyễn Huệ gọi là Ô Long Ðao và thường dùng lúc ra trận.
Và để nhớ ơn quỷ thần tặng đao, một ngôi miếu dựng nơi chân đèo An Khê, tục gọi là Miếu Xà. Người qua lại thường thắp hương cúng[43].
Còn 4 lữ đoàn nữ binh thì do nữ tướng Bùi Thị Xuân và bà họ Trần vợ tướng Nguyễn Văn Tuyết tổ chức và điều khiển.
Bà họ Trần, song kiếm tuyệt luân, côn quyền cũng xuất chúng. Ngày ngày lo huấn luyện nữ binh. Giảng dạy rất kỹ, thưởng phạt rất nghiêm. Võ nghệ của chị em ai nấy đều tinh luyện. Ðứng xa nhìn chị em tập thì chẳng khác nhìn cánh đồng hoa trước gió nồm. Nhưng nếu bước đến gần thì sát khí đằng đằng đến lạnh mình dựng tóc.
Còn voi thì do bà Bùi huấn luyện.
Voi, phần của bà mua, phần do người Thượng tặng bà, phần là chiến lợi phẩm, cống phẩm... Bà thường dùng dãy gò ở Xuân Hòa, quê hương bà, để luyện voi[44].
Voi đã được tập luyện thuần thục thì không cần người quản tượng. Voi mới thì mỗi thớt phải có một nữ binh cỡi khi tập.
Ðể điều khiển voi, bà thường dùng ngọn cờ đỏ. Khi bà chưa ra diễn trường, thì voi đi đứng lộn xộn. Ra diễn trường, bà phất ngọn cờ thì con voi đầu đàn vội đến đứng nghiêm chỉnh trước mặt bà. Bà lẹ làng nhảy lên voi, vỗ nhẹ đầu voi. Voi cong vòi rống lên một tiếng. Tất cả đàn voi răm rắp đến sắp hàng ngay ngắn trước đầu voi đầu đàn. Rồi theo hiệu cờ, tới lui, rẽ bên nam, sang bên bắc, khi chậm khi mau, nhịp nhàng đều đặn.
Ban đầu phải tập từng thớt một.
Sau mới tập từng đoàn.
Khi tập từng đoàn, thì nữ quản tượng nào đi kèm theo voi nấy. Hàng ngũ sắp chỉnh tề rồi. Nữ tướng phất cờ hiệu, tất cả nữ quản tượng nhảy lên voi một lượt, gọn và nhanh như người kỵ mã có tài nhảy lên lưng ngựa. Rồi theo hiệu cờ mà tập... Thân vóc voi ngó nặng nề, mà bước chân voi trông lẹ làng lanh lẹ. Khí thế hùng dũng như gió cuốn sóng dồn, nhưng diễn trường im phăng phắc, khách bàng quan không nghe tiếng, chỉ thấy hình, những hình sống động vừa mạnh mẽ vừa đẹp đẽ, nửa cổ kính nửa tân kỳ... Tập xong, theo hiệu cờ, đoàn nữ quản tượng nhảy xuống voi cũng lẹ làng nhịp nhàng, với những nụ cười đắc ý.
Voi được luyện kỹ càng rồi mới đưa xuống Hoàng Ðế Thành. Ai điều khiển cũng được.
Quân số cần phải gia tăng mới đánh Nam dẹp Bắc.
Nhưng lính phải mộ chớ không bắt.
Và những lính cũ bị đau yếu được cho về nhà hoặc đưa lên các trại sản xuất để điều dưỡng nghỉ ngơi cho đến khi mạnh. Những nông dân ở các trại đã được huấn luyện quân sự rồi thì nhập ngũ để thay những người đi nghỉ, hoặc để thêm vào số quân đương cần.
Vì chế độ rộng rãi nên quân số gia tăng một cách mau chóng.
Nhà vua còn cho mở nhiều xưởng đóng chiến thuyền và xây nhiều lò đúc vũ khí. Có hai xưởng đóng thuyền lớn nhất, một ở Phương Mai thuộc Quy Nhơn, một ở Nha Trang thuộc Diên Khánh[45]. Và lò đúc lớn nhất ở Quang Hiển thuộc Tuy Phước, dưới chân hòn Bà. Ở các cửa sông lớn và nơi núi non hiểm trở đều có đồn kiên cố. Ở Phương Mai lại có xây pháo đài để canh giữ cửa bể Thị Nại [46].
Việc chiêu mộ hào kiệt vẫn tiếp tục.
Kẻ sĩ bốn phương lần lượt đến phò tá. Văn thì có một nhân vật xuất sắc:
Lê Văn Nhân, tự Nghĩa Tiên, người An Nhơn, học rộng, thơ hay lại sở trường về văn tứ lục. Ở nhà, hễ ai cầu thơ văn thì đem giống hoa thơm và cây ăn trái đến làm nhuận bút. Do đó người đương thời gọi vườn của ông là Chủng tự lâm tức là Rừng trồng chữ. Vì là người địa phương nên được bổ ngay làm Tri huyện Tuy Viễn. Làm quan thanh liêm, chuộng phong tiết, giàu phong lực, đầy phong nhã[47]. Người đời xưng tụng là Tam Phong thái thú.
Bên võ, siêu quần thì có:
Nguyễn Quang Huy, người Phú Yên, thiện dụng ngân câu (móc câu bạc), ưa cỡi bạch mã. Ðã có sức mạnh, lại giỏi võ nghệ, thông binh pháp. Vua Thái Ðức rất ái trọng, phong làm Phòng Ngự Sứ vào trấn Bình Thuận.
Lúc bấy giờ, Vua Thái Ðức đã 35, 36 tuổi. Nhà vua có hai người con gái đã đến tuổi lấy chồng và một trai là Nguyễn Bảo mới lên ba.
Trong các tướng tài, Vũ Văn Nhậm là người chưa vợ, nhà vua bèn đem con gái lớn gả cho. Còn người con gái thứ nhì gả cho người con trai của thầy học là Trương Văn Ða, tuổi mới trên hai mươi mà văn võ đã xuất chúng. Nhà vua cho ở luôn trong cung với ý định sẽ nhờ dạy dỗ Nguyễn Bảo.
Nơi triều đường, trong cung cấm cũng như ngoài nhân gian, đâu đó đều thuận thỏa yên vui. Mùa màng lại được. Người Kinh bắt chước người Thượng gọi Thái Ðức Hoàng Ðế là Vua Trời (Thiên Vương).
---------------
[39] Phú Lạc, Kiên Mỹ, Thuận Nghĩa, Dõng Hòa, từ tây xuống đông, thôn này giáp thôn nọ, thuộc về Tây Sơn Hạ (trước là huyện Tuy Viễn chia ba - Bình Khê - An Nhơn, Tuy Phước - thì Tây Sơn Hạ thuộc về Bình Khê).
[40] Trong sách của cụ Bùi Văn Lang chép là Nguyễn Văn Duệ.
[41] Việt Nam lược sử của Trần Trọng Kim chép là Tây Sơn Vương. Sách Tây Sơn của Bùi Văn Lang chép là Minh Ðức chúa công
[42] Vua Thái Ðức dựa theo quan chế nhà Trần. Nhưng đời Trần, An Phủ Sứ thuộc văn giai ngoại chức. Phòng Ngự Sứ thuộc về võ giai ngoại chức. Ðời Tây Sơn không phân biệt văn võ, mà phân biệt phủ lớn phủ nhỏ.
[43] Miếu được luôn luôn tu bổ nên mãi trước năm 1945 vẫn còn. Hành khách đến miếu thường xuống xe đốt hương.
[44] Gò đó vẫn còn, tục gọi là gò Tập voi.
[45] Tại núi Phương Mai còn di tích. Ở Diên Khánh, xưởng cất ở dưới chân núi địa đầu thành phố Nha Trang. Núi ấy có xưởng đóng thuyền ở dưới chân nên gọi là Núi Xưởng. Sau đó Trần Quang Diệu cất trại thủy binh trên núi để chặn binh Nguyễn Phúc Ánh nên núi lại mang tên là núi Trại thủy.
[46] Lò đúc Quang Hiển hiện nay vẫn còn di tích. Nông dân địa phương thường đào được gang, quặng sắt, đồng vụn... để đúc súng đánh Pháp.
[47] Thượng phong tiết, đa phong lực, nhiêu phong nhã. Ông là tác giả bộ Trần Triều Thông Sử Cương Mục soạn năm Quang Trung thứ tư.
 

<< ÐÁNH VỚI NHÀ NGUYỄN Ở MẶT NAM | NGUYỄN PHÚC ÁNH XƯNG VƯƠNG >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 288

Return to top