Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> NAVARRE Với Điện Biên Phủ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10803 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NAVARRE Với Điện Biên Phủ
Jean Pouget

Chương 10 (Đoạn kết)

Hội nghị Geneve sẽ họp vào cuối tháng 4 làm cho những người được biết tin này có thêm lý do hy vọng. Chưa thể đoán được kết quả hội nghị sẽ như thế nào, nhưng điều dễ hiểu là những cuộc thảo luận có thể sẽ kéo dài. Một thoả thuận nhanh chóng về ngừng bắn không phải là ảo tưởng, nhất là nếu các hoạt động quân sự của Pháp tiến triển.
        Tóm lại, điều cốt yếu là phải cố giữ hơn một tháng nữa. Mục tiêu này không vượt quá tầm tay.
        Castries là Langlais, Pazzis, Bigeard cùng ngồi xem xét lại tổ chức phòng ngự.
        Pazzis đã được cử giữ chức tham mưu trưởng Binh đoàn tác chiến Tây Bắc. Ban tham mưu là một cơ quan ôm đồm mọi công việc nặng nhọc: tác chiến, quân lực, tình báo, tiếp tế, điều hành mọi hoạt động phối hợp với các binh chủng và các cơ quan bạn: pháo binh, thông tin, quân nhu, y tế.
        Vai trò của tham mưu trưởng không sáng chói nhưng có tính quyết định.
        Lalande vẫn là chỉ huy trưởng toàn bộ cụm cứ điểm Isabelle phân khu Nam. Hiện nay phân khu này đang bị cô lập. Chuyến liên lạc đường bộ cuối cùng với phân khu Trung tâm là vào ngày 30 tháng 3.
        Vadot đã chỉ huy bán lữ đoàn lê dương số 13 sau khi Gaucher chết trận. Hiện nay Vadot phụ trách toàn bộ cụm cứ điểm Claudine. Vẻ bình tĩnh “rất lê dương” và một số đức tính khác khiến cho ông có được sự nổi tiếng vững chắc. Lính lê dương thường hỏi ý kiến Vadot nhiều hơn là xin chỉ thị ban tham mưu của Langlais. Còn Langlais thì lại dành phần lớn thời gian quan tâm đến lực lượng dù. Tuy nhiên không có sự trục trặc giữa ban chỉ huy lê dương và ban chỉ huy lính dù. Hơn nữa họ còn bổ sung cho nhau.
        Phân khu Trung tâm do Langlais chỉ huy là phân khu bị tiến công chủ yếu. Phân khu này gồm ba trung tâm đề kháng: mặt Đông có cụm cứ điểm Eliane do Bréchignac chỉ huy; mặt Tây Bắc có những cứ điểm Huguette đứng đầu là Clémenon; cuối cùng là cụm cứ điểm Claudine ở Tây Nam, vây quanh và bảo vệ cho trung tâm tập đoàn cứ điểm gồm có: Sở chỉ huy, cụm pháo binh, nhà vòm để xe tăng, các cơ quan thông tin liên lạc, các xưởng sửa chữa vũ khí thiết bị, các tổ máy phát điện, kho đạn, kho lương thực dự trữ, kho xăng v.v…
        Cụm pháo đặt ở Isabelle thuộc phân khu Nam, mặc dù bị pháo Việt Minh bắn phá không ngừng, vẫn là một trong những thành phần thiết yếu bảo vệ khu Trung tâm. Cụm pháo này có nhiệm vụ bắn cản, bảo vệ cho tất cả các điểm tựa chung quanh sở chỉ huy Binh đoàn tác chiến Tây Bắc.
        Trong cuộc cải tổ lại tổ chức phòng ngự lần này, Castries quyết định trực tiếp nắm Bigeard bằng cách giao cho Bigeard chỉ huy các lực lượng “can thiệp” theo lệnh của Castries.
        “Can thiệp” là một từ cổ lỗ sĩ trong từ vựng quân sự lâu đời, nay được tráng thêm lớp men mới. Trên danh nghĩa nguyên tắc, lực lượng “can thiệp” tức là những lực lượng dự bị, gồm có: các đơn vị cơ động, các đơn vị lính lê dương, lính dù, là những đơn vị thường “tiến hành chiến tranh” trong khi những đơn vị khác làm công việc “bình định”, đóng quân tại chỗ.
        Bigeard được cử giữ chức chỉ huy “các lực lượng can thiệp” nhưng trong tay không có lực lượng nào để “can thiệp” cứu ứng cho các cứ điểm bị tiến đánh. Binh đoàn đổ bộ đường không số 2 của Langlais và mười xe tăng của Hervouet trước kia nằm trong “lực lượng can thiệp” đều đã bị đánh tan từ lâu. Tất cả những đơn vị còn lại quay sang đóng giữ các cứ điểm đang bị tiến đánh, không còn sức nào, lực nào để cơ động đi “can thiệp” nữa.
        Để thành lập những lực lượng dự bị mới làm nhiệm vụ “can thiệp”, Bigeard phải tiến hành đi thu gom. Ông đến từng cụm cứ điểm lệnh cho ban chỉ huy ở đó tùy theo khả năng có thể phải rút ra một hoặc hai đại đội để đóng góp vào lực lượng can thiệp. Ông cũng giữ những toán quân được lệnh rút lui để làm lực lượng dự bị sẵn sàng ứng cứu cho bất cứ điểm tựa nào trong tập đoàn cứ điểm bị tiến đánh. Thông thường, lực lượng can thiệp là những đơn vị xung kích lính lê dương và lính dù, nhưng đã thổi phồng lên như con ngựa già được nhét rơm trong bụng cố chạy thi cho đến hết cuộc đua.
        Chỉ huy trưởng lực lượng can thiệp Bigeard đành phải hài lòng với ba hoặc bốn chiếc xe tăng còn nguyên vẹn, tuy quá ít không thể sử dụng làm mũi nhọn đi đầu (là nhiệm vụ đương nhiên), nhưng vẫn có thể tận dụng được hoả lực để yểm trợ cho bộ binh.
        Sở dĩ Castries chọn giải pháp này thực tế là để trao thêm nhiệm vụ cho Langlais mà không ngại Langlais tự ái. Castries vốn có một điểm yếu đối với Langlais một tình cảm bầu bạn khá kỳ lạ giữa một kỵ binh với một bộ binh. Castries có một tình bạn chân thành với Langlais. Chính tôi đã tai nghe mắt thấy Castries bảo vệ Langlais trước mặt tướng Gilles (là người không ưa Langlais chút nào), Castries hiểu, Langlais chỉ cáu kỉnh khi quá mệt mỏi, thần kinh bị kích động. Ngược lại, Bigeard nhờ thể chất mạnh khoẻ vẫn giữ được trấn tĩnh. Hai người bổ sung cho nhau và cùng làm việc trong một ban chỉ huy chung.
        Sau khi cải tổ lại tổ chức phòng ngự, Castries tính đến chuyện giành lại một phần sự chủ động tác chiến và cải thiện tình thế ở mặt Đông. Ông điện cho tướng Cogny: “Nếu có thêm một tiểu đoàn, tôi sẽ giành lại Eliane”.
        Bigeard thúc đẩy thêm hành động. Ông không bao giờ chịu để mất Eliane. Điểm cao nhỏ bé này khống chế Eliane 4 và là một trong ba đỉnh của hình tam giác gồm ba quả đồi phòng ngự, chiếm lĩnh một vị trí có tính sống còn. Những đợt tiến công xung phong của Việt Minh vào điểm cao này thường giáng những đòn mạnh vì quân Việt đã đào được chiến hào ở sát gần cứ điểm. Chiến hào tiếp cận để xuất phát tiến công là một kiểu đánh cổ điển đã biết rõ từ lâu. Nhưng vào thời đại đã có xe tăng thì cách thức đào hào tiến công lại quá chậm, không hợp thời. Nhưng Bigeard không hiểu điều đó, ông vẫn tin tưởng vào hiệu quả của chiến hào và đã áp dụng. Ông cũng cho đào “theo kiểu Việt Minh” một hào giao thông tiếp cận từ Eliane 4, qua bãi “yên ngựa” nằm giữa hai quả đồi, tới cách vị trí địch khoảng ba mươi mét.
        Ngày 9 tháng 4, Castries vừa mới nhận được một đại đội mới toanh thuộc tiểu đoàn dù lê dương số 2 và đang đợi các đại đội tiếp theo từ Hà Nội gửi tới, đã bật đèn xanh cho Bigeard tiến hành “can thiệp”.
        Trước khi xuất phát, Bigeard chọn hai phó chỉ huy tiểu đoàn là trung úy Trapp và trung úy Lepage, mỗi người nắm khoảng một trăm lính dù vừa Pháp vừa Việt trộn lẫn với nhau. Bigeard được ưu tiên sử dụng tất cả lực lượng pháo, liên lạc trực tiếp với hai đại đội, cối 120 và tất cả các khẩu cối 81 báo điểm ném bom với các máy bay trợ chiến ngay từ lúc mặt trời mọc đã lượn trên vòm trời Điện Biên Phủ. Tất cả các vũ khí có thể bắn tới Eliane 1 đều nhằm sẵn và sẵn sàng nhả đạn khi có lệnh.
        Ngày 10 tháng 4, đích thân Bigeard từ lúc trời chưa sáng đã có mặt trên đỉnh Eliane 4, đối mặt với mục tiêu. Bigeard nói: “Đây là chiếc ghế bành của nhạc trưởng”. Ông cho đặt tới bay máy điện đàm ở chung quanh ghế. Chỉ cần giơ tay là nắm được một chiếc micro và có thể gọi hết máy này đến máy khác để truyền lệnh.
        Kế hoạch tiến công được tính toán chi ly đến từng phút. Từng người đều đã được phân công rõ trách nhiệm, nhưng “nhạc trưởng” Bigeard muốn có mặt tại đây để phối hợp mọi hành động, để “bắt nhịp”, tăng giảm nhịp điệu tùy theo cảm hứng của mình.
        Cuộc phản kích bắt đầu đúng 5 giờ 30 phút sáng bằng một loạt pháo bắn chuẩn bị. Những khẩu đội pháo 10 ở phân khu Trung tâm và tám nòng pháo ở Isabelle thuộc phân khu Nam đều nhịp nhàng dội xuống Eliane 1 mà Việt Minh đang chiếm giữ. Những khẩu pháo 155 không bắn thẳng được vì hầm pháo nông, không có chỗ cho pháo giật lùi khi đạn nổ. Constantin chỉ huy pháo liền cho những khẩu đội 155 bắn tới những căn cứ hoả lực của Việt Minh cách đó 1.500 mét. Cối 120 giã giò vào núi Giả và núi Hói đầu.
        6 giờ đúng. “Nhạc trưởng” cho ngừng pháo, cối. Trên trời xuất hiện những máy bay trợ chiến.
        Từ chiếc gậy nhạc trưởng, Bigeard hạ lệnh cho trung úy Trapp:
        - Hervé của Bruno, chơi đi!
        - Bruno của Hervé, báo cáo nghe rõ?
        Pháo ngừng bặt một lát đủ để cho binh lính Việt Minh vừa mới nhô đầu khỏi chiến hào thì lính của trung úy ập tới. Việt Minh vẫn còn ở trong chiến hào nhưng do bị tiến công bất ngờ nên việc tổ chức chống trả có phần lộn xộn. Đó là lúc Bigeard tung thêm đơn vị của Lepage vào cuộc chiến. Cùng đi với đại đội này còn có một đội công binh và một đội lính trang bị súng phun lửa quét cháy mặt đồi.
        Phản ứng của Việt Minh rất mãnh liệt, biểu lộ sự tức giận và cả sự bực mình vì thế nên thiếu bình tĩnh. Những loạt pháo và cả máy bay Hellcat của hải quân bay tới ném bom phá được cửa mở vào đội ngũ dầy đặc của bộ đội Việt Minh.
        Dù sao, phía Pháp cũng đã bị nhiều thương vong. Trước khi trời tối, Bigeard đã phải cho các đại đội tiến công của Trapp và Lepage rút, thay bằng những đại đội mới, vừa mới nhảy dù xuống của Bréchignac, do hai đại úy Charles và Minaud chỉ huy.
        Đến đêm, cuộc phản kích của Việt Minh lại càng quyết liệt. Ba tiểu đoàn liên tiếp từng đợt xông lên Eliane 1. Đến nửa đêm, cả Charles và Minaud đều bị thương nặng. Lính dù thuộc tiểu đoàn 2 trung đoàn dù thuộc địa số 1 phải tự động chiến đấu trong hố cá nhân hoặc tụ tập thành từng nhóm nhỏ. Việt Minh lại tăng thêm quân chiến đấu.
        Tại Eliane 4, Bigeard đã thu gom các đại đội dự trữ tại các trung tâm để thành lập lực lượng phản kích mới. Tiểu đoàn dù lê dương số 1 góp Martin và Brandon, mỗi người mang theo năm mươi lính, tổng cộng là một trăm người. Đây là những đơn vị xuất phát đầu tiên, họ vừa đi vừa hát.
        Tiến theo hai đại đội này là lính dù người Việt của tiểu đoàn dù số 5 do Bottella chỉ huy, cuối cùng là đại đội 7 thuộc tiểu đoàn dù lê dương số 2. Đây là đơn vị vừa mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ được hai mươi bốn giờ. Đại úy chỉ huy Delafond bị chết ngay khi mới tới. Trung úy Lecour Grandmaison được cử lên thay. Cả Delafond lẫn Grandmaison đều chưa biết gì về Điện Biên Phủ. Họ chỉ mới được nhìn thấy trận đánh giành lại Eliane 1 vào buổi sáng và nghe thấy những tiếng hát của những đơn vị vừa mới xuất trận đang lao vào cuộc chiến đấu. Khi trèo lên đỉnh đồi Eliane 1, họ mới chỉ là những quan sát viên.
        Hai đại đội của Bréchignac sau một đêm chiến đấu chỉ còn lại tám mươi người sống sót. Đất trên đồi đã hàng trăm lần bị hàng ngàn đạn pháo cày xới tan hoang. Binh lính đã phải đào hố cá nhân để trú ẩn trong đám đất nát vụn như tro. Những đạn cối 120 cắm sâu vào lớp đất mềm nhuyễn này rồi mới nổ làm sập cả vách chiến hào. Phải dùng xẻng xúc nhanh đất để cứu những người bị lấp vùi phía dưới.
        Suốt hai mươi ngày, hai đại đội của tiểu đoàn dù lê dương và tiểu đoàn dù thuộc địa cố giữ mỏm đồi đáng nguyền rủa này. Cứ bốn mươi tám giờ lại phải một lần thay quân. Những cuộc thay quân này đều phải tiến hành vào ban đêm dưới đạn cối của Việt Minh bắn liên tục và rất chính xác.
        Clédic nói với Périou:
        - Việt Minh nghe được những cuộc nói chuyện của chúng ta qua máy vô tuyến điện thoại nên biết rõ thời điểm và hành trình thay quân.
        - Dĩ nhiên, ngày mai ta sẽ nói chuyện với nhau bằng tiếng Bretagne của xứ sở quê hương.
        Cả hai người đều sinh ra ở Bretagne, miền Bắc nước Pháp.
        Từ đó trở đi, những cuộc thay quân của tiểu đoàn 2 trung đoàn dù thuộc địa số 1 không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Riêng Bréchignac khi nghe qua điện đài thứ ngôn ngữ khác lạ cứ tưởng là Việt Minh vừa mới thành lập một tổ điện báo mới báo tin bằng một thứ ngôn ngữ nào đó của châu Á chưa ai trong phía Pháp hiểu được.
        Trong khi tạm ngừng tiến đánh các mỏm đồi phía Đông bảo vệ phân khu Trung tâm, Việt Minh vẫn đẩy mạnh nỗ lực nhằm tiêu diệt các cụm cứ điểm mang tên Huguette bảo vệ đường băng sân bay. Huguette 6 là một con mồi đầu tiên bị tiêu diệt bởi chiến thuật mới của Việt Minh.
        Cứ điểm này được xây dựng ngay trên cánh đồng ở phía đầu đường băng, theo hình ngôi sao có ba cánh không đều nhau.
        Từ ngày 8 tháng 4, cứ điểm Huguette 6 được giao cho một đại đội thuộc tiểu đoàn 5 lính bản xứ người Việt trấn giữ. Hằng ngày, đám lính Bảo an này phải chống chọi từng giờ với việc bộ đội Việt Minh đào hào lấn dần nhằm thắt chặt việc bao vây bóp nghẹt cứ điểm. Đã thế, lính Bảo an còn phải liên tục chiến đấu để giữ một con đường nối liền với khu Trung tâm ở phía Nam là con đường tiếp tế duy nhất. Đám lính tiếp tế cho Huguette 6 thường hành quân ban đêm để tránh đụng độ với địch. Mở đầu là một toán lính lê dương đi mở đường. Nối theo sau là đám dân phu rách rưới, khốn khổ vác trên vai những hòm đạn, hòm đồ hộp thực phẩm và gánh theo cả những thùng đựng nước bởi vì trên đám đất đặt cứ điểm Huguette 6 không có suối, không có giếng, chỉ còn bùn bẩn sau trận mưa làm ngập chiến hào.
        Nhưng đến đêm 14 rạng 15 tháng 4 thì chiến hào Việt Minh đào lấn đã gặp nhau ở phía Nam như những ngón tay của hai bàn tay bóp chặt lấy gáy con mồi, lính lê dương phải huy động tới ba đại đội chiến đấu. Cho tới lúc rạng sáng mới mở được đường cho đám dân phu mang đồ tiếp tế đến cho Huguette 6. Lúc xuất phát trong đám phu có 35 người gánh nước, khi tới đồn chỉ còn bẩy người và năm thùng nước. Lính trong đồn đành phải chia nhau dè sẻn, mỗi ngày mỗi người chỉ được phân phát một cả nước trong lúc trời rất nóng nực.
        Đêm 16 rạng 17 tháng 4 lại phải huy động tới hai tiểu đoàn, chiến đấu suốt mười tiếng đồng hồ mới mở được con đường tiếp tế để đưa tới Huguette 6 sáu hòm đạn và vài thùng nước.
        Langlais tới gặp chỉ huy trưởng Castries báo cáo:
        - Trong tuần lễ Thánh vừa qua, chỉ riêng việc tiếp tế cho Huguette 6 đã làm chúng ta thương vong một số quân ngang với số tổn thất trong những trận chiến đấu giành giật Eliane 1.
        Lúc này Castries vừa mới được thăng cấp thiếu tướng. Ông ngồi im trên ghế, lộ rõ vẻ mệt mỏi vì cuộc chiến đấu triền miên. Tướng quân cảm thấy rất rõ binh lính đang bị tiêu hao, năng lực ngày càng kiệt cạn. Ông nhận thức được rằng mình không có quyền tiếp tục cố gắng mãi việc giữ Huguette 6 suốt đêm này qua đêm khác nếu muốn cầm cự tới mức giới hạn cho phép. Ông quyết định rút bỏ Huguette 6 vào đêm mai.
        Bigeard được lệnh huy động toàn bộ lực lượng dự trừ của tập đoàn cứ điểm, các đơn vị lính dù lê dương, lính xung kích của Tourret đồng thời rút bớt cả một số trung đội bộ binh lê dương ở các cứ điểm khác để mở một hành lang an toàn cho lính trên đồn Huguette 6 rút về khu Trung tâm. Cần phải hành động gấp. Binh lính Huguette 6 chỉ còn mười phút để phá hủy các thiết bị cồng kềnh, nặng nề như điện đài và súng lớn. Lợi dụng đám sương mù trắng bạc chẳng biết có phải hơi sương thiên nhiên, hay là khói bốc lên từ các chất nổ, đám lính còn sống sót trong cứ điểm Huguette 6 nép mình bò dưới giao thông hào chỉ cách Việt Minh khoảng ba mươi mét, rút dần ra cửa đồn phía Nam. Theo lệnh của chỉ huy, đám lính rút lui bắn từng loạt đạn ngắn, ném từng chùm lựu đạn về phía Việt Minh rồi tháo chạy. Trong tổng số 120 binh sĩ chỉ còn lại khoảng sáu mươi vận động viên, máu me bùn đất đầy người vượt được cự ly 1500 mét để chạy vào trú ẩn tại cứ điểm Huguette 2, miệng thở hổn hển. Lúc đó là 8 giờ sáng ngày lễ Phục sinh.
        Cũng trong ngày hôm đó, đại úy Chevalier chỉ huy đại đội 4 thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 được lệnh dẫn quân thay phiên cho đại đội thuộc trung đoàn bộ binh lê dương số 2 đang trấn giữ tại cứ điểm Huguette 1. Vào lúc chập tối, toàn đại đội từng người một đi theo hàng dọc bắt đầu xuất phát. Từ Huguette 2, họ đi khoảng 100 mét dưới hào giao thông dự định nối liền với sân bay nhưng đang đào dở chừng thì vấp phải chiến hào Việt Minh cắt ngang. Khoảng 9 giờ tối thì trung đội lê dương đi đầu vấp phải công sự của Việt Minh.
        Lính Việt Minh đã cấu trúc một điểm tựa thật sự ở ngang đường, có cả lô cốt súng tự động nối liền với nhau bằng các hào giao thông. Chevalier phải cho quân dừng lại, chờ trời sáng rõ mới gọi điện cho tất cả lực lượng pháo cối ở tập đoàn cứ điểm và cả máy bay ném bom bắn phá dọn đường. Đến 10 giờ sáng đơn vị của Chevalier mới nhích được từng thước đất để tới Huguette 1 đang bị vây lấn.
        Nhưng đến khi đơn vị cũ vừa rời khỏi Huguette 1 sau khi bàn giao lại cho Chevalier thì Việt Minh lại khép chặt vòng vây sau khi tạm thời bị phá vỡ trong chốc lát. Đội lính lê dương của Chevalier tới đóng tại Huguette 1 được bốn ngày thì im bặt, không thấy Chevalier gọi điện liên lạc với sở chỉ huy trung tâm như thường lệ. Chỉ tới sáng sớm ngày 23 tháng 4, mọi người mới biết Huguette đã bị đánh chiếm mà không nghe thấy một tiếng súng nào. Một lính lê dương chạy thoát từ Huguette 1, mặt mũi hốc hác, người đầy bụi đất kể lại tình hình. Nhưng do anh ta nói những điều rất lạ tai nên phải dẫn lên tận sở chỉ huy trung tâm của tướng De Castries.
        Đến đây, có lẽ kịp hoàn hồn, người lính này mới kể lại mạch lạc câu chuyện cho chính tướng Castries nghe. Cứ điểm Huguette 1 đã bị đánh chiếm một cách hoàn toàn khác lạ, không giống như các điểm tựa khác đã từng bị tiến công. Lần này, Việt Minh đã đào một đường hầm dưới mặt đất, xuyên qua các lớp rào kẽm gai và các ụ súng.
        Từ mấy hôm trước binh lính của Chevalier có nghe rõ những tiếng động do đào hầm ngầm từ dưới đất vọng lên nhưng không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra.
        Nếu biết trước thì vẫn có thể ngăn chặn được dễ dàng như lấy một ngón tay để bịt một với nước đang chảy. Nhưng họ đã không làm như vậy. Dần dà sức ép ngày càng tăng trong lúc binh lính trong cứ điểm cũng ngày càng mệt mỏi kiệt sức vì đã hai mươi bốn giờ qua, các thứ tiếp tế, tăng viện cho đồn đều bị Việt Minh chặn lại, chỉ cách cứ điểm khoảng một trăm mét mà không thể nào vượt qua được Đúng nửa đêm hôm đó, đất dưới sàn như sụt xuống. Bộ đội Việt Minh từ dưới đất chui lên toả đi khắp nơi trong khi lính lê dương trong cứ điểm bị tê liệt hoàn toàn ngay tại chỗ vì quá bất ngờ và hoảng sợ, lún dần trong lớp bùn đất. Trong những giây phút cuối cùng, anh lính sống sót này còn nhìn thấy đại úy Chevalier đứng trên nắp hầm đốc thúc khoảng mười lính lê dương chống cự, và chính người lính lê dương này đã tận mắt nhìn thấy đại úy chỉ huy của mình từ từ sụt xuống đất như chìm trong cát chuyển động, dưới lớp sóng người của bộ đội Việt Minh đang chạy vào đồn và toả đi khắp mọi nơi.
        Anh lính sống sót được đưa đến trạm xá quân y điều trị. Tướng Castries triệu tập Langlais và Bigeard tới hội ý.
        Cuộc họp sáng 25 tháng 4 tại sở chỉ huy cũng khác thường so với những cuộc họp trước. Tướng Castries và các sĩ quan cấp tá của ông đã trải qua những giờ phút rất gay go, những tình thế rất khó khăn, những cơn mệt mỏi rất lớn, nhưng giờ đây việc Huguette 1 bị đánh chiếm lại đang là một sự kiện mới đáng lo ngại và đồng nguy cơ tiêu vong. Việt Minh đang áp dụng những chiến thuật mới, lần đầu tiên thử nghiệm và thành công, nhưng rồi sẽ trở thành một chiến thuật cổ điển vì sẽ được áp dụng từ từ như một mầm cây nhoi lên giữa hai kẽ đá, không gì có thể cưỡng lại được.
        Huguette 5 hiện cũng đang bị vây lấn và có thể cũng sẽ bị bóp nghẹt như Huguette 1.
        Một lý do nữa cũng làm cho tướng Castries lo ngại, đó là vấn đề tiếp tế. Tập đoàn cứ điểm đang chờ đạn dược từng ngày và chỉ có lương thực dự trữ khoảng hai ngày một đợt. Việc để mất Huguette 1 đã thu hẹp đáng kể diện tích thả dù và ít nhất một nửa kiện hàng thả xuống từ nay sẽ rơi vào tay Việt Minh. Bigeard lên tiếng:
        - Phải cố tranh thủ một cú “đo ván”.
        Castries nói:
        - Thế thì phải cố giành lại Huguette 1.
        Các vị sĩ quan trung tá, đại tá đều nhăn mặt.
        Trước khi điểm lại số lương thực dự trữ, họ đã điểm đại số quân. Một cuộc phản kích bao giờ cũng phải trả giá rất đắt. Muốn cầm cự lâu dài thì phải dè sẻn binh lực. Vả lại, phản kích với những phương tiện nào bây giờ? Chỉ còn lại hai xe tăng có thể hoạt động được. Tất cả các đơn vị lính dù và lính bộ binh lê dương đều đã bị sứt mẻ, tiêu hao mòn mỏi vì một cuộc chống cự quá lâu dài. Họ vẫn còn có thể bám giữ trận địa, phòng ngự tại chỗ, nhưng thiếu lực lượng dự bị để làm đà thúc đẩy xung phong phản kích, vài tiểu đoàn dù lê dương số 2 là đơn vị cuối cùng vừa mới nhảy xuống. Khi tướng Castries quyết định thử tổ chức một lần nữa, không ai nói gì thêm. Mọi người đều cho rằng, Bigeard vừa được thăng cấp trung tá và là chỉ huy các lực lượng ứng cứu sẽ đứng ra tổ chức cuộc phản kích này. Nhưng Bigeard tự nguyện nhường quyền cho thiếu tá Liesenfeld, chỉ huy tiểu đoàn dù lê dương số 2 vừa mới tới.
        Lúc trung tá Bigeard kết thúc cuộc hội ý và truyền đạt chỉ thị phản kích cho các trung úy chỉ huy bốn đại đội lính dù lê dương thì đã 11 giờ 25 phút. Đúng 11 giờ rưỡi, các cỡ pháo bắt đầu bắn chuẩn bị. Cuộc tiến công bắt đầu đúng giữa trưa, dưới sự yểm trợ của máy bay. Tiểu đoàn dù lê dương số 2 từ lâu đã được truyền tụng là “không bao giờ bị xếp thứ nhì trước bất cứ ai” đúng là một trong những đơn vị xuất sắc nhất. Ngày 23 tháng 4 tiểu đoàn này hãy còn là một đơn vị mới toanh. Các trung úy và đại úy chỉ huy các đơn vị trong tiểu đoàn đều tốt nghiệp cùng một trường đào tạo như các sĩ quan của Bigeard và Tourret.
        Các binh lính đều được tôi luyện như những lính chiến của Guiraud. Bốn đại đội do bốn trung úy chỉ huy đã lao vào trận đánh đúng thời điểm nóng nực nhất trong ngày, trong lúc tập đoàn cứ điểm vẫn im lìm như đang ngủ trưa. Đến 15 giờ, trong lúc Bigeard cũng đang ngủ trưa trong sở chỉ huy thì tướng Castries cho người đánh thức dậy và báo tin: “Tôi có cảm giác như cuộc phản kích thiếu sức bật”. Bigeard vội chạy tới Huguette 2 gặp tiểu đoàn trưởng Liesenfeld hỏi tình hình chiến đấu. Liesenfeld bình thản trả lời: “Cuộc tiến quân đang bị chững lại. Tôi không nhận được tin tức gì của các đơn vị dưới quyền”.
        Thì ra, tiểu đoàn không phối hợp chiến đấu tốt.
        Hai đại đội bí chặn đứng khi chỉ còn cách Huguette 1 khoảng năm mươi mét.
        Vào buổi trưa khi đại đội do Petre chỉ huy vừa vượt qua đường băng hạ cánh thì đại đội trưởng Petre bị thương nặng. Vài phút sau đái đội phó cũng bị chết. Trung đội trưởng Ysquierdo lên thay trong lúc toàn đại đội bị chặn lại. Phía bên kia đường băng ở khoảng cách chưa đầy năm mươi mét là những chiến hào Việt Minh, được cấu trúc với đầy đủ các công trình phòng ngự do một tiểu đoàn chiếm lĩnh. Hai đại đội lê dương cố tiến công nhưng không đủ sức đành phải bám chặt lấy trận địa, náu mình trong những hố bom. Từ phía chiến hào Việt Minh, mũi chiếc máy bay vận tải cỡ lớn bị bắn rơi ngày 13 tháng 4 đang được Việt Minh sử dụng như một ổ súng trọng liên bố trí rất tốt để bàn quét vào các hố bom có lính lê dương ẩn náu.
        Ở mặt phía Nam, hai đại đội khác của tiểu đoàn dù lê dương cũng không làm được gì hơn để mở đường tiến.
        Bigeard đành chấp nhận thất bại: Huguette đã bị mất hẳn rồi. Vậy thì đành tiếp tục chống giữ không có Huguette 1. Ngày 25 tháng 4, Bigeard báo cáo tình hình với Castries. Tại vị trí trung tâm chỉ còn có 3.620 lính chiến đấu trong đó có 1.300 lính dù hỗn hợp Pháp - Việt, 500 lính dù lê dương, 700 lính bộ binh lê dương, 500 lính Thái, 300 lính Ma-rốc, 200 lính Angiêri. Bản thống kê này chỉ bao gồm lính trực tiếp chiến đấu, không tính đến lính pháo yểm trợ đang phục vụ 18 khẩu còn hoạt động được trong tổng số 24 khẩu, cũng không kể đến lính xe tăng đang sử dụng ba hoặc bốn chiếc xe còn sử dụng được. Nếu gộp tất cả cũng chỉ còn thoảng từ 4.000 đến 5.000 binh lính trong tổng số 16.000 binh lính đã lần lượt đóng tại tập đoàn cứ điểm nhưng không có đường ra. Ngoài những binh lính đã chết trận, còn có từ hai đến ba ngàn lính bị thương. Cũng chưa tính đến chết trận tại các điểm tựa chưa có thống kê chính xác có thể tới mấy ngàn. Rồi cuối cùng là những lính đào ngũ, những lính đang sống chui rúc tại các “hố chuột” dọc sông Nậm Rốm. Nếu gộp tất cả lại thì tổng cộng vẫn là 16.000 binh sĩ.
        Tướng Castries không chỉ nhìn vào các con số ông không muốn nghĩ tới nỗi mệt nhọc của những con người đang kiệt sức vì đã chiến đấu liên tục tới nay đã bốn mươi nhăm ngày căng thẳng, không được nghỉ ngơi thư giãn. Trong khi đó những tin tức bên ngoài không mang lại nguồn động viên nào. Kế hoạch Vautourt của Mỹ nhằm cứu nguy cho Điện Biên Phủ, Castries hoàn toàn không được biết và Navarre cũng không muốn báo cho Castries biết.
        Vào giờ phút này không còn trông mong gì được về sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương. Hy vọng về một nền hoà bình đang nẩy nở tại Geneve đã cắt đứt mọi sự can thiệp từ bên ngoài.
        Từ phía Lào, cuộc hành quân Condor mà báo chí bình luận là sẽ giải vây cho Điện Biên Phủ đang tiến triển bình thường. Dẫn đầu cuộc hành quân là tiểu đoàn dù số 1 lính Lào đã đến thung lũng nhỏ cách Mường Khoa ba mươi kilômét và cách Điện Biên Phủ ba ngày đường. Nhưng, tướng De Castries cho rằng kế hoạch Condor chỉ như một bàn tay cứu người chết đuối ngoài tầm với, không thể tiếp nhận được những binh lính từ Điện Biên Phủ rút chạy khỏi thảm hoạ. Nhưng ông vẫn giữ kín không nói với ai, trừ đại tá Pazzis là tham mưu trưởng, về ý định chọc thủng vòng vây Bộ chỉ huy tại Hà Nội đã chỉ thị cho tướng De Castries nghiên cứu kỹ kế hoạch mang tên Albatros này. Đây là một hành động vô nghĩa, một hành động tuyệt vọng một cách tự sát để tránh chết ngay tại chỗ.
        Chỉ còn lại có Hội nghị Geneve. Điều kỳ diệu có thể sẽ đến từ Geneve. Những nhà ngoại giao đầu tiên tới dự hội nghị đã bắt đầu đến ở những toà biệt thự thanh bình chung quanh hồ, và còn có cả mùa mưa nữa. Phải cố giữ đến mùa mưa. Những cơn dông đã bắt đầu xuất hiện mỗi ngày một nhiều, càng ngày càng mạnh. Bùn lầy đang ngập ngụa khắp các chiến hào.
        Vài giờ trước đợt tổng tiến công của Việt Minh, tướng De Castries và các đại tá vẫn chưa nghĩ là sẽ bại trận và còn nổi nóng đối với những kẻ hoài nghi, dao động.
        Castries viết điện gửi Cogny: “Số phận Binh đoàn tác chiến Tây Bắc sẽ định đoạt trước ngày 10 tháng 5 tùy theo việc huấn luyện nhảy dù tăng viện”.
        Chương cuối cùng
        Đã đến ngày 1 tháng 5, ngày đầu tiên của tháng Trinh nữ và của những bông hồng, ngày Quốc tế lao động, ngày hội của cuộc đời. Ở châu Âu, ngày 1 tháng 5 đem lại lời hứa của niềm hy vọng, mang đến tia nắng ấm đầu tiên của mặt trời tuổi trẻ, làm nẩy nở những mầm non của cuộc sông.
        Còn đối với những người lính đang trấn giữ Điện Biên Phủ, ngày 1 tháng 5 năm 1954 mặt trời vẫn già cỗi từ hàng tỉ năm ánh sáng, đang làm ngột ngạt những người lính đội mũ sắt. Tại nghĩa trang của tập đoàn cứ điểm đã bỏ hoang từ ngày bị vây chặt phải chôn xác chết ngay tại chỗ ở bất cứ nơi nào vì không thể đưa ra chỗ tập trung, cỏ dại vẫn cứ mọc đã nở hoa màu trắng và xanh. Trên đồi A1, nơi đặt cứ điểm Eliane 2, ngay cạnh lối đi độc đạo có một hàng cây phượng vĩ to cao vẫn còn đứng vững, mặc dù những cành trước kia có chim sáo làm tổ nay găm đầy mảnh đạn, những chùm hoa màu đỏ thắm cũng đã bắt đầu nở. Chỉ có những dãy đồi là hoàn toàn trụi cây cỏ nom như những chiếc đầu trọc bị bom đạn cháy đen. Trong đồi, những binh lính chui rúc như sâu bộ vẫn đang chất đống để được sống sót. Trên cánh đồng, những vết loang lổ như bệnh phong ghi lại những chứng tích các điểm tựa đã bị mất.
        Cuộc sống tại Eliane 2 cũng chẳng hơn gì chị em sinh đôi với nó là Eliane 1. Binh lính vẫn phải đối mặt với bộ đội Việt Minh rất linh hoạt đang tích cực cải tạo trận địa, rình bắn tỉa những người lính gác mơ màng hoặc đãng trí. Trong những ngày gần đây, ngày nào ở Điện Biên Phủ cũng có mưa. Nước mưa làm cho những giao thông hào dài tổng cộng 450 kilômét phủ đầy bùn đặc quánh. Vài ngày nữa, có thể một tuần hoặc vài tuần nữa, mưa sẽ chặn đứng các hoạt động tiến công. Có tin, ông Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng của Việt nam Dân chủ Cộng hoà đã lên đường đi dự Hội nghị Geneve, có rẽ qua Bắc Kinh và Matxcơva. Vấn đề hoà bình sẽ được đưa ra thảo luận cùng trong lúc diễn ra những trận mưa lớn. Tuy nhiên, nếu đến giờ phút ngừng bắn vẫn giữ được lòng chảo Điện Biên Phủ thì xứ Thái đã bị mọt ruỗng nhưng then cửa vào Lào vẫn được khoá chặt.
        Năm giờ chiều ngày 1 tháng 5, pháo Việt Minh lại bắt đầu bắn chuẩn bị cho những cuộc tiến công… Sáng ngày 2 tháng 5, qua kênh vô tuyến mật Z.13, trung tá Seguin Pazzis từ sở chỉ huy Điện Biên Phủ báo cáo trực tiếp bằng miệng về Tổng hành dinh Hà Nội vì không còn thời gian viết và chuyến thành mật mã nữa: “Khu vực Trung tâm đã bị mất Eliane 1, Dominique 3, Huguette 5. Ở phân khu Nam, Isabelle 5 cũng đã bị mất nhưng đang tổ chức phản công để giành lại. Tất cả các điểm tựa đều bị Việt Minh tiến đánh với quân số áp đảo. Tất cả pháo binh địch đều tập trung bắn vào các cụm pháo và cối của quân ta. Không còn một đơn, vị dụ bị nào nữa. Chúng tôi đang ngăn chặn Việt Minh bằng cách đào các đường hào giữa các điểm tựa với trận địa Việt Minh ở mặt phía Tây. Tướng Castries đề nghị thêm một tiểu đoàn tăng viện nữa nhảy dù xuống ngay trong đêm mai”.
        Nhưng ở Hà Nội, tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 đang phải chờ suốt một tháng nay mà chưa cất cánh được. Chúng tôi (tức Jean Pouget, sĩ quan tùy tùng của tướng Navarre và số sĩ quan văn phòng đến phút cuối cùng đã phải dốc hết cho chiến trường Điện Biên Phủ), đang chờ đợi nhưng không sốt ruột. Những người chuẩn bị lên đường đi Điện Biên Phủ như chúng tôi đang tập trung tại các sân bay vùng châu thổ sông Hồng. Ban ngày, bộ tư lệnh chiến trường đồng bằng sử dụng chúng tôi vào việc càn quét ngăn những xóm làng đang bị Việt Minh thâm nhập. Đến đêm, chúng tôi lại tập trung canh gác chung quanh những chiếc máy bay trong bãi đậu, chờ đến phiên cất cánh, ngước mắt nhìn những chiếc Dakota đang chở các đơn vị khác lên đường đi Điện Biên Phủ trước chúng tôi. Những lính dù tự nguyện (tức chưa có bằng tốt nghiệp nhảy dù) đến sân bay bằng xe tải. Trên sân bay, các huấn luyện viên nhảy dù đeo dù vào người giúp họ. Từng người một, những thân hình méo mó, biến dạng vì đeo dù nhảy, ba lô ở cả trước ngực và sau lưng, lần lượt leo lên máy bay, ngồi vào những hàng ghế dài bằng sắt, trong khoảng tối om và nóng ruột chờ đợi. Phải may mắn lắm mới có thể nhảy được ngay trong chuyến bay đầu tiên. Đã nhiều lần, máy bay chưa tới được vùng trời Điện Biên Phủ đã phải quay trở về, hoặc đã bay tới Điện Biên Phủ, lượn vài vòng trên trời rồi lại quay về với toàn bộ số quân vì không nhảy xuống được. Và thế là lại phải chờ đợi thêm một ngày nữa. Hai trung úy Walter và Poinsignon đã mất ba ngày bay từ Paris đến Hà Nội, nhưng phải chờ mười ngày đêm mới có thể tới Điện Biên Phủ.
        Ngày chủ nhật, mùng 2 tháng 5 năm 1954, chúng tôi được tự do. Từ lúc mới rạng đông, mọi người đã cởi bộ quân phục rằn ri ngụy trang bằng vải cứng quyện chặt lớp mồ hôi, thay bằng chiếc quần ủi thẳng nếp và chiếc áo sơ mi vải mỏng. Các hạ sĩ quan kiểm tra lại giấy phép ra ngoài doanh trại.
        Tôi cùng dự với lính dù người Việt buổi cầu kinh tại một nhà thờ ở Gia Lâm. Trong khi chờ đến giờ ăn trưa, tôi đến văn phòng hậu cứ của tiểu đoàn đặt trong một toà nhà xây theo kiểu cũ của thuộc địa Pháp, trong giờ phút này vẫn còn giữ được luồng hơi mát mẻ của ban đêm. Tôi vốn yêu thích sự tĩnh mịch, vắng vẻ. Vòm trời xanh ngắt, rất cao, những cơn dông thường chỉ xuất hiện vào buổi chiều. ánh sáng từ khe cửa chớp lọt vào phòng làm việc thật trong lành, mang mầu sắc của không khí Provence, miền Nam nước Pháp.
        Khi trung úy sĩ quan bước vào phòng cũng là lúc tôi vừa mới ngẩng đầu lên khỏi trang thư đang viết gửi cho một người bạn thân ở rất xa.
        Trung úy không để cho tôi kịp trở về từ Hà Nội mà báo tin luôn:
        - Báo cáo đại úy. Tôi vừa nhận được điện từ ban tham mưu. Tối nay, tiểu đoàn sẽ nhảy xuống Điện Biên Phủ.
        Mọi việc chuẩn bị được hoàn tất trước giờ ăn trưa. Đại đội 2 xuất phát đầu tiên. Đại đội của tôi có thể lên đường ngay trong đêm nay hoặc đêm mai. Để kịp báo tin cho các sĩ quan đang được phép ra khỏi doanh trại, liên lạc phải chạy tới các tiệm cà phê, cửa hàng ăn, nhà ở của các linh mục tuyên úy; quán rượu ở ngoại ô và những ổ gái điếm công khai hoặc bí mật. Việc tập hợp điểm danh trong quân phục nhảy dù được báo trước vào lúc 17 giờ. Như vậy tôi vẫn còn 5 tiếng đồng hồ nữa để “giết thời giờ”. Tôi đến ăn trưa tại nhà ăn của Ban tham mưu tiền phương, gồm một nhóm các sĩ quan tham mưu từ Tổng hành dinh tại Sài Gòn được biệt phái ra Hà Nội để liên lạc chặt chẽ hơn với chiến trường Điện Biên Phủ. Ở nhà ăn này, thức ăn ngon, khăn trải bàn sạch sẽ và được tự do nói chuyện thoải mái.
        Từ ngày 13 tháng 3, tướng Bodet là phó của Tổng chỉ huy Navarre ở luôn tại Hà Nội làm việc cùng với các sĩ quan biệt phái tới Tổng hành dinh tiền phương. Ông cũng ăn với các sĩ quan cấp dưới tại nhà ăn chung đặt tại một biệt thự tiện nghi trong khu hành chính. Tôi là người bước vào phòng ăn đầu tiên. Trong lúc chờ đợi, tôi chơi một ván bài, không phải để cầu may vì tôi không mê tín dị đoan mà chỉ để giải trí.
        Thiếu tá Jacquelot dẫn đầu một nhóm sĩ quan vừa tới. Ông là người có thâm niên cao nhất và cũng là người đứng đầu cơ quan Tổng hành dinh tiền phương, vóc dáng đẹp với đôi mắt kính trên gò mũi quý tộc lộ rõ vẻ trí thức, nói năng lịch sự với mọi người.
        Trung úy Ferrandi phụ trách phòng tình báo quân sự đã làm việc nhiều năm tại Cục quân báo ở Sài Gòn. Mặc dù là một sĩ quan sơ cấp nhưng do làm việc lâu năm trong ngành, hiểu biết rộng, nên Ferrandi được mọi người đặc biệt coi trọng. Anh hiểu rõ Việt Minh về tất cả mọi điều cần biết và có thể còn hơn thế nữa. Anh đã từng bỏ ra nhiều giờ ngồi cặm cụi nghiên cứu tính cách từng nhân vật chủ chốt ở phía bên kia, sục tìm quá khứ, soi mói tâm hồn họ. Anh sống độc thân ở Sài Gòn nhưng có một người “con gái” Việt luôn ở bên cạnh, cho anh ăn cơm cùng với nước mắm và thỉnh thoảng lại thắp hương trên bàn thờ có pho tượng Phật bằng đồng, cầu mong cho Việt Minh… thắng trận.
        Chúng tôi bắt đầu ngồi vào bàn ăn khi tướng Bodet tới. Cặp mắt ông thâm quầng vì thiếu ngủ, trên cằm và má lởm chởm những mảng râu chưa cạo nhẵn. Thực đơn đã được tay đầu bếp người Hoa sắp xếp cẩn thận, đúng là một bữa ăn ngày chủ nhật, có thịt bê bọc bột mì là món ăn rất hiếm ở Đông Dương, gà giò nấu với kem, cơm trộn mỡ béo, rau xà lách, pho mát và nhiều món đệm. Ferrandi ngồi trước một đĩa thịt gà trống nấu với rượu nhỏ vẫn còn gây ấn tượng vì đã ăn cơm bằng đũa. Nhưng anh ăn có vẻ không ngon lành, nét mặt vàng võ vì những ngày phục vụ quá lâu, cặp mắt đen vẫn sáng. Giờ đây, tôi đã quên hình ảnh của những nhân vật khác cùng ăn với tôi hôm đó nhưng vẫn còn nhớ câu chuyện trao đổi giữa Jacquelot, Ferrandi và tướng Bodet. Từ năm mươi ngày nay, ba người này đã theo dõi tình hình Điện Biên Phủ từng giờ một. Trong đêm cuối cùng, họ cũng đã như ngồi canh bên cạnh giường kẻ hấp hối và câu chuyện giữa họ với nhau dĩ nhiên là bàn đến chuyện làm lễ tang.
        Tướng Bodet nói:
        - Tướng Navarre báo tin sẽ tới sân bay Bạch Mai vào hồi 16 giờ. Tôi sẽ ra đón.
        Người hầu bàn mang tới một chiếc khay tròn, trên có đặt một đĩa kem to màu trắng, có trộn những miếng thịt gà. Tôi vừa mới ăn xong món thịt bê bọc bột và cơn đau dạ dày từ nhiều giờ trước vẫn không ngừng hành hạ tôi. Trong khi đó, Jacquelot vừa xiên dĩa vào món ăn, vừa nói như để trả lời tướng Bodet:
        - Tôi đã soạn xong bản báo cáo tóm tắt tình hình đêm qua và sáng nay tại Điện Biên Phủ để trình lên ngài Tổng chỉ huy.
        - Cuộc phản kích ở Isabelle thế nào?
        - Báo cáo cuối cùng cho biết, quân ta đã tới chiếm lại Isabelle 5 nhưng không giữ được. Lalande đã cho lệnh rút.
        Anh hầu bàn rõ ràng là ưu ái tôi. Anh khẽ mời tôi dùng món thịt gà nấu kem. Cơn đau dạ dày tràn lên đến họng. Nếu ăn nhiều thịt nữa quả là vượt quá sức Dù sao, tôi cũng thử can đảm nhấm nháp món thịt vừa đưa đến. Tôi có cảm giác nó vừa dai vừa tanh như chất keo Arập. Tôi phải che giấu ác cảm đối với món thịt gà nấu kem bằng cách giả vờ chăm chú vào câu chuyện và nó cũng chẳng còn làm tôi khỏe khoắn hơn món thịt gà. Tướng Bodet tiếp tục nhận xét về trận phản kích ở Isabelle 5:
        - Thật tai hại. Bản thân tôi cũng thấy không còn hy vọng gì nữa. Castries và binh lính của ông ta đã chống cự vượt sự mong đợi của chúng ta, chúng ta không thể mong mỏi điều gì hơn. Thế là hết rồi: Điện Biên Phủ sẽ chết gục trong đêm nay hoặc ngày mai.
        Jacquelot nuốt vội một miếng thịt gà to tướng rồi nói ngay không cần lấy lại hơi thở:
        - Có thể, con thuyền của chúng ta sẽ chết chìm giữa lúc đã nhìn thấy bến. Chỉ vài ngày nữa, Hội nghị Geneve sẽ tranh luận về vấn đề Đông Dương. Và cũng sẽ có mưa ở vùng thượng du.
        Tướng Bodet hỏi bâng quơ, không hướng về ai trong bàn ăn:
        - Các ông có biết ý định đối phó của tướng Cogny như thế nào không?
        Rượu vang Angiêri là loại rượu ít bị ảnh hưởng bởi khí hậu Đông Dương nhất. Ferrandi nhấm nháp một cốc lớn đầy ắp rượu vang Angiêri rồi điểm tâm thêm tách nước trà hoa nhài Việt nam. Tình báo chính là lĩnh vực của Ferrandi. Anh trả lời bằng một giọng đều đều, không có vẻ hứng thú:
        - Sáng hôm nay không nhìn thấy Tư lệnh chiến trường Bắc bộ Cogny. Cũng như mọi ngày ông thường tiếp các nhà báo Lucien Bodard và Max Clos trong phòng làm việc.
        Môi dưới của tướng Bodet như rung lên. Ông ra hiệu cho người hầu bàn thu dọn đĩa ăn rồi châm một điếu thuốc lá. Ferrandi ngừng một lát rồi nói tiếp:
        - Tôi có thể khẳng định là tướng Cogny đang trình bày với các nhà báo về các kế hoạch giải vây cho Điện Biên Phủ xuất phát từ đồng bằng, có hy vọng thành công nếu không bị ngăn cản.
        Jacquelot nhún vai nói chen vào:
        - Khi chúng tôi nghiên cứu kế hoạch này, tướng Cogny là người đầu tiên cho rằng việc chiếm đóng Thái Nguyên hoàn toàn không có hiệu quả để cắt đứt đường vận chuyển tiếp tế cho Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Còn việc chiếm đóng Yên Bái thì lại không đủ phương tiện để tiến hành.
        Tướng Bodet nhận xét:
        - Đối với giới báo chí, tướng Cogny muốn bắt chước De Lattre de Tassigny, nhưng ông không có tầm cỡ và khả năng như De Lattre.
        Jaequelot lại chen vào:
        - Xin phép tướng quân cho tôi được tự do bộc lộ. Tôi thấy rằng, cả tướng Navarre lẫn tướng Cogny đều có mặt yếu gây nên tội. Cogny là người trực tiếp điều hành cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đã thiếu trách nhiệm. Ông là đội trưởng đội bóng, dẫn quân ra sân đấu mà lại nói trước là “hỏng rồi” thì còn hy vọng gì thắng nữa. “Hỏng rồi” là câu phát biểu của tướng Cogny từ ngày 13 tháng 3, khi Việt Minh mới bắt đầu mở chiến dịch tiến công. Tôi nghĩ, đáng lẽ phải thay đội trưởng đội bóng…
        Tướng Bodet nói:
        - Tướng Navarre phải rất lâu mới hết niềm tin đối với tướng Cogny, vì tướng Cogny đã trổ hết tài để mê hoặc tướng Navarre, phải mãi đến ngày 31 tháng 3 tướng Navarre mới mở mắt ra. Nhưng ông lại cho rằng không nên thay ngựa giữa dòng, trong lúc đó chính con ngựa lại đang làm đổ xe.
        Đột nhiên, tôi thấy nghẹn họng. Không biết có phải do món gà nấu kem làm cho tôi buồn nôn hay không. Bệnh đau dạ dày không giải thích được mọi chuyện. Tôi nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, làm ra vẻ như một anh chàng trót quên một cuộc hẹn hò, và nói:
        - Đã hai giờ mười lăm rồi. Xin phép tướng quân cho tôi được cáo lui. Tôi có cuộc họp vào lúc hai giờ rưỡi.
        - Cứ tự nhiên. Nhưng đến bữa tối lại đến đây với chúng tôi nhé!
        - Dạ, không thể được ạ. Tôi vẫn còn mắc bận.
        - Thế thì sáng mai vậy!
        - Sáng mai, tôi sẽ ăn tại Điện Biên Phủ.
        Tôi đã đứng khỏi ghế. Chung quanh bàn ăn, mọi gương mặt như sững sờ. Tướng Bodet cũng đứng dậy, giận dữ nói:
        - Sao cậu không nói gì cả?
        Ông rời khỏi bàn, bước ra cửa, cơn giận dữ càng bốc cao:
        - Thật ngớ ngẩn! Một chính phủ không vững chắc, những tướng lĩnh không tin tưởng, vì thế mà bọn này đêm nào cũng nhảy, từng thằng một xuống đúng mõm con quái vật!
        Tướng quân rời khỏi phòng như chạy vội. Tôi cũng bước ra ngoài, nhìn thấy một chiếc xe xích lô, người đạp đang uể oải ngồi chờ khách. Tôi bước lên xe đi qua những đại lộ rợp bóng mát và vắng người vì đang là giờ nghỉ trưa, đi về khu trường dòng là nơi đang được dùng làm địa điểm để tập hợp toàn đại đội vào buổi chiều hôm nay.
        Nhưng đêm hôm đó, chúng tôi vẫn chưa nhảy xuống Điện Biên Phủ vì thiếu máy bay. Chỉ có một đại đội của Edme là được xuất phát. Đêm hôm đó cũng chưa có chuyện gì xảy ra tại Điện Biên Phủ, chỉ có sấm chớp báo hiệu dông tố cùng với tiếng nổ của pháo mặt đất và pháo cao xạ. Lại tranh thủ được vài giờ nữa. Chúng tôi còn phải chờ suốt ngày hôm sau. Lại được tự do đi chơi phố, la cà trên đường phố Paul Bert (Tràng Tiền), tới các tiệm cà phê, hoặc các tiệm nhảy. Thuê vài giờ thân xác thơm tho của một cô gái nào đó trong tiệm Panier Fleuri (giỏ hoa). Quân số đại đội 3 của tôi có 135 binh sĩ thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 1. Sau khi đi chơi phố, chúng tôi trở về nơi tập trung. Chờ đợi hàng giờ tại sân bay, giữa nền đất tráng ximăng là chỗ để dù, ba lô, vũ khí xếp ngay ngắn từng hàng như những chiếc ghế trong nhà thờ. Gian nhà vòm lợp tôn và sắt vang vọng những tiếng nói của chúng tôi như trong gian chính giữa của nhà thờ, nơi hành lễ. Tôi nằm dài trong một góc nhà, giả vờ ngủ. Bên ngoài cơn dông đang ập xuống thành phố. Chúng tôi được những xe tô cam nhông phủ bạt đưa đến tận chỗ máy bay đậu để tránh bị ướt. Chúng tôi không nhìn thấy ai bộc lộ thái độ như những người đang còn sống, trừ những nhân viên phi hành phụ trách việc thả dù không nói một câu nào và những phi công tránh né không nhìn chúng tôi.
        Máy bay lượn rất cao trên thung lũng lòng chảo. Trong khoảng máy bay tất cả đèn điện đều bị tắt. Chỉ còn một luồng ánh sáng màu xanh nhạt hắt ra từ những bảng điều khiển trong buồng lái, soi chiếu gương mặt tổ lái. Chúng tôi đứng trong khoảng thành hàng dọc, người này đằng sau người khác. Qua cửa mở để chuẩn bị nhảy dù, tôi ngắm nhìn Điện Biên Phủ, chỉ thấy một hình chữ thập màu đỏ sáng rực trên nền đen, đánh dấu bãi nhảy và hướng thả dù. Khu vực nhảy dài khoảng mười giây đồng hồ bay. Đợt thứ nhất có mười người nhảy với điều kiện là người thứ nhất không chần chừ do dự.
        Máy bay nhào xuống đất với độ cao khoảng 300 mét vừa tầm nhảy dù, hướng theo đường dọc của hình chữ thập. Người hướng dẫn đặt tay lên vai tôi. Đó là một dấu hiệu chuẩn bị sẵn sàng. Anh nhắc tôi:
        - Hãy cẩn thận quan sát, khi nào thấy dấu hiệu đầu chữ T ở ngay dưới máy bay lúc đó mới nhảy. Đừng để ý đến tín hiệu bật đèn xanh trong khoang lái, vì bọn phi công không có kinh nghiệm bằng chúng tôi đâu.
        Cùng trong lúc đó, tất cả các loại súng phòng không của Việt Minh bố trí chung quanh thung lũng lòng chảo đồng loạt nhả đạn. Để có thể thả dù đúng địa điểm, máy bay vẫn cứ phải giữ nguyên hướng bay. Những luồng đạn vút lên cao về phía chúng tôi. Ánh đèn xanh trong khoảng máy bay cùng một lúc với tiếng chuông reo. Nhìn xuống đất, vạch đỏ hình chữ thập trôi dần về phía trước đã ở ngay dưới mũi máy bay theo chiều thẳng đứng.
        Đáng lẽ phải hô khẩu hiệu “Go” rất ngắn gọn theo điều lệnh nhằm thúc giục lính dù nhảy xuống ngay lập tức thì người hướng dẫn lại nói với tôi bằng một giọng như nói chuyện:
        - Nhảy xuống đi, thưa đại úy!
        Tôi lao ra khỏi cửa máy bay, trôi lơ lửng trong luồng không khí ấm áp, không cảm thấy đau dạ dày mà ngược lại thấy rất dễ chịu. Tôi muốn được kéo dài tình trạng này tới hàng ngàn giây đồng hồ để tận hưởng cảm giác bồng bềnh tràn ngập tâm hồn như làn gió đang thổi phồng cánh dù trong trắng của tôi, khiến tôi tự hào vì đã chế ngự được sự sợ hãi và hưởng thụ được sự vuốt vẻ của trời đêm trên da thịt. Tôi đã chạm đất mà không nhìn thấy đất. Chung quanh chỉ có những tiếng nổ của đạn pháo rực ánh lửa lung linh. Tôi lăn một vòng trên địa hình gồ ghề rồi cởi bỏ dù, tìm ngay thấy sở chỉ huy không khó khăn lắm.
        Lúc này đã quá nửa đêm. Đại tá Langlais đang ngồi ở tận cuối gian hầm, đằng sau một cái bàn gỗ, trên đặt lộn xộn đủ mọi thứ như một quầy hàng trong chợ: những chiếc cả uống nước đủ mọi kiểu, một ấm cà phê, hai chai rượu đã cạn, những mẩu giấy lau miệng, những đồ hộp thức ăn đã mở tung, một bánh sô-cô-la và một khẩu súng ngắn.
        Người ông gầy gò, rất gầy, để lộ cả xương sườn cũng như vẻ mặt hốc hác. Giỏng nói, ánh mắt, thái độ, cử chỉ đều biểu lộ sự kiệt sức và cả suy nhược thần kinh.
        Tôi nhận ra ngay vóc dáng lực sĩ của Bigeard. Ông đang đứng sát vách hầm, nói chuyện qua một máy bộ đàm. Bigeard không thay đổi mấy tuy có gầy đi chút ít. Ông nói với tôi:
        - Đợi đến sáng rõ thì tập hợp đại đội của anh lại. Rồi đi sang Eliane 3. Anh chỉ huy việc phòng ngự ở Eliane 3 nhưng cũng phải sẵn sàng để tham gia phản kích giành lại Eliane 2. Trong lúc chờ sáng, hãy ngủ đi một lát.
        Tôi không ngủ mà thảo luận các chi tiết nhiệm vụ với các sĩ quan tham mưu. Khoảng hơn hai giờ sáng tôi đến gian hầm lớn, nơi đặt bộ tư lệnh Binh đoàn tác chiến Tây Bắc, gọi tắt là GONO.
        Đại tá Seguin Pazzis tiếp đón tôi với vẻ lịch sự vốn có và nụ cười hóm hỉnh. Mặc dù vẻ ngoài như vậy, ông vẫn giữ ở bên trong tính kiêu hãnh của một con ngựa chiến thuần chủng so với các đồng cấp trong đội quân thuộc địa. Tôi biết ông từ lâu, hồi ông đang làm huấn luyện viên giảng dạy cho chúng tôi tại trường Cao đẳng quân sự Saint Cyr. Ở đây ông không đi đôi ủng Saumur bóng nhoáng nữa mà là đi đất, những ngón chân quý tộc dính đầy bùn bám chặt lấy nền đất dính và trơn. Ông chỉ tay lên bản đồ, mô tả vắn tắt cho tôi tình hình mặt trận. Từ góc hầm một loa phóng thanh đang lên tiếng rè rè. Có ai đó từ đầu bên kia đang gọi:
        - Yêu cầu tăng viện gấp. Tôi nhắc lại là tình hình rất phức tạp. Chúng tôi bị tiến công đồng loạt từ khắp mọi phía. Việt Minh đã bám chân được ở nhiều nơi. Tăng viện gấp. Hết!
        Có tiếng trả lời lạnh lùng vang lên trong loa:
        - Rõ rồi. Tôi sẽ làm mọi việc cần thiết.
        Pazzis nói với tôi:
        - Đó là Huguette 4 đấy. Chúng tôi đã đoán trước cuộc tiến công này. Trong cứ điểm có một đại đội dù, do Luciani chỉ huy, với tám chục lính dù lê dương và vài lính Ma-rốc.
        Tướng Castries bước vào hầm. Dưới ánh sáng bóng đèn điện treo trên trần, nom ông già đi tới mười tuổi so với hồi tháng 3 năm nay. Những nét hốc hác trên mặt ghi rõ ông bị mất ngủ và căng thẳng thần kinh, đi lại phải chống gậy, nhưng là một chiếc gậy của các tay chơi cá ngựa mà ông vung vẩy theo kiểu trưởng giả học làm sang. Ông chống tay lên đầu gậy để rút chân ra khỏi bùn và nói với tôi:
        - Thế nào? Cậu cũng lên đây cơ à?
        Rồi ông quay luôn sang phía đại tá Pazzis, hất hàm về phía loa phóng thanh nói:
        - Huguette 4 đấy phải không?
        - Vâng, thưa tướng quân. Việt Minh đã chọc thủng được lớp phòng ngự mặt phía Bắc.
        - Pháo binh đâu?
        - Pháo đã bắn rất trúng. Nhưng các cỗ pháo đặt ở Isabelle cũng đang bị Việt Minh bắn trả ác liệt.
        - Bigeard biết chưa?
        - Đã. Nhưng không còn lực lượng dự bị nữa. Chỉ có một trung đội lính Ma-rốc đang cố đến tăng viện cho cứ điểm.
        Tướng Castries quay sang nhìn tôi, như muốn tôi là người làm chứng vì tôi là người từ phía trên, ở Hà Nội, tôi phải biết ý định của cấp trên. Ông nói:
        - Cậu thấy không? Nhưng còn ở Hà Nội thì thế nào? Họ nghĩ rằng chúng tôi còn có thể giữ được bao lâu nữa.
        Quả thật, tôi chẳng hiểu biết gì về những ý định của Bộ tổng chỉ huy và những điều tôi biết về số phận của Điện Biên Phủ, tôi không thể nói ra với tướng De Castries được. Nhiều sĩ quan đã kéo đến đang chờ tôi trả lời. Tôi nói:
        - “Họ” nghĩ rằng chỉ cần chúng ta giữ được vài ngày nữa thôi cũng đủ. Việt Minh gặp tổn thất lớn sẽ bỏ cuộc..
        Tôi nhận rõ vẻ bi quan trong đám người đứng nghe. Hy vọng Việt Minh bỏ cuộc đã được cấp trên làm lóe sáng lên từ sáu tháng nay rồi, mọi người đều mong mỏi từng ngày nhưng Việt Minh chưa bao giờ có vẻ đứt hơi. Tôi vội nói tiếp:
        - So với ngày 13 tháng 3, tình hình hiện nay có nhiều điểm khác trước. Những trận mưa đang cản trở hoạt động, làm chậm lại cuộc tiến công của Việt Minh (tôi nhìn thấy vài người gật đầu, có vẻ tán thành). Nhưng cuộc thảo luận đang diễn ra tại Geneve. Một hiệp định ngừng bắn có thể được ký kết vài ngày nữa, thậm chí vài giờ nữa.
        Lần này, tôi nhìn thấy mọi cặp mắt đều bộc lộ vẻ đồng ý. Tướng Castries nói:
        - Geneve ư? Ừ! Phải (ông nhắc lại như muốn nhận thức rõ). Geneve? Cũng có thể…
        Trong loa phóng thanh lại vang lên tiếng gọi bằng một giọng cất cao, nói rất nhanh, lộ rõ vẻ kinh hoàng như muốn giấu đi nỗi sợ hãi.
        - Huguette 4 gọi đây. Đại úy Luciani đã bị thương vào đầu. Chúng tôi chỉ còn khoảng một chục người đang bảo vệ sở chỉ huy. Chúng tôi chờ viện binh. Quân tăng viện đâu? Việt Minh đang tiến công… Tôi đã nghe rõ tiếng Việt Minh đang tiến vào chiến hào. Về phía tôi… Quân Việt đây rồi? Ôi? IIi?
        Người đang nói là một trung úy thuộc trung đoàn bộ binh Ma-rốc số 4. Câu sau cùng anh nói như kêu thét, thật sự là một tiếng kêu lúc sắp chết làm tất cả chúng tôi đều bật dậy, đứng thẳng người.
        Tiếng loa im bặt. Một lát sau mới lại vang lên tiếng nói của anh lính phụ trách điện đài của sở chỉ huy trung tâm gọi bắt liên lạc với Huguette 4 một cách máy móc như là để làm tròn nhiệm vụ:
        - Huguette 4 đâu, Huguette 4 đâu? GONO gọi đây! Nghe rõ trả lời. Nghe rõ trả lời…
        Tướng Castries lại nói với tôi:
        - Cậu nhìn thấy chưa? Một cứ điểm vừa sụp đổ. Không làm gì được nữa. Miếng da lừa đang co lại.
        Luồng ánh sáng đầu tiên của ban ngày có vẻ xám xịt và bẩn. Tôi đã tìm gặp được rất nhanh những binh lính thuộc đại đội của tôi trong các hố hào xung quanh sở chỉ huy trung tâm. Thiếu một trung đội vì hai máy bay đã phải quay về nửa chừng. Tôi tập hợp quân và tiến hành điểm danh trong các chiến hào của tiểu đoàn dù thuộc địa số 8 tại cứ điểm Epervier. Trời vẫn mưa. Những giọt nước mưa ấm và nhầy nhụa như giọt mồ hôi.
        Để tới được Eliane 3 chúng tôi phải đi mất từ năm đến sâu tiếng đồng hồ theo những hào giao thông chật hẹp lầy lội, có đoạn nước ngập tới bụng.
        Việt Minh đang theo dõi cuộc hành quân của chúng tôi bằng ống nhòm. Thỉnh thoảng chúng tôi lại nhận được một loạt đạn pháo bắn vào đường hào và cả đạn trọng liên bắn đi từ mỏm núi trọc mà Việt Minh đã chiếm được.
        Trong các hầm trú ẩn của Eliane 3 còn đọng lại tới ba trăm lính bị thương, nằm chật các hầm hố.
        Lính của đại đội tôi đứng trong chiến hào nhìn những chiếc dù thả lạc đang rơi xuống trận địa Việt Minh. Một cơn dông ập xuống lúc nửa đêm. Nước từ nóc hầm tràn xuống như suối chảy. Nhìn ra ngoài trời tối mù mịt không thấy gì cả. Sáng thứ tư ngày 4 tháng 5, mưa vẫn tiếp tục rơi. Một trận mưa chậm rãi, không giận dữ nhưng kéo dài như vô tận. Bất chấp cơn dông và đạn pháo cao xạ, đêm qua không quân vẫn tiếp tục thả dù tăng viện. Thêm 74 binh lính được đưa đến Eliane 3 cùng với trung úy Julien.
        Đại úy Penduff cũng dẫn theo một phần trung đội của tiểu đoàn bộ. Một liên lạc viên chạy đến đưa cho tôi một mệnh lệnh do Bigeard ký tên: “Đến ngay Elian 2 (trên đồi A1) thay quân cho tiểu đoàn thuộc bán lữ đoàn lê dương 13. Anh được chỉ định chỉ huy cử điểm với hai đại đội thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 1”. Đồng thời, ngay lúc đó cùng xuất hiện một đài đội lính Ma-rốc do đại úy Nicod đến thay đại đội của tôi, làm nhiệm vụ trấn giữ Eliane 3.
        Tôi đi theo đường hào giao thông dẫn lên đỉnh đồi, đi rất chậm vì bùn dính đến tận đùi, mỗi bước tiến lên đều phải lấy sức. Lúc tôi tới cây phượng vĩ cổ thụ ở chân đồi thì đã 11 giờ trưa. Dù sao tôi cũng vượt được những thước đất cuối cùng bằng cách chạy được vào vị trí chỉ huy: thở hổn hển, đúng lúc một loạt đạn cối ập xuống. Đại úy Coutant đón tôi bằng một nụ cười và nói:
        - Tại Eliane 2 (trên đồi A1) này, không lúc nào ngừng bắn cả.
        Anh có một bộ mặt tròn, trầm lặng của một người bố, hoàn toàn khác với những bộ mặt vênh váo của lính lê dương thường mô tả trên báo chí, phim ảnh và trong những bài viết của Editn Piaf.
        Anh từ Tổng hành dinh đặt tại Sài Gòn ra công tác ngắn hạn ngoài này, với thời gian được ấn định là 48 giờ là tới Điện Biên Phủ vào ngày 12 tháng 3 trong chuyến bay cuối cùng vì hôm sau đã là trận đánh. Anh không thể quay về được nữa, đành nhận chức vụ chỉ huy tiểu đoàn bộ binh số 1… Phó của anh là đại úy Georges, người nhỏ bé, cũng là một sĩ quan cùng bay với anh trong chuyến bay cuối cùng Hà Nội - Điện Biên Phủ.
        Tôi đi chậm chạp một vòng chung quanh điểm tựa. Các chiến hào và công trình phòng ngự đều đổ nát như những di tích hoang tàn. Mái hầm, vách trần, các lỗ châu mai đều phải gia cố thêm bằng các vật liệu chắp vá hỗn độn như: Giường sắt, tủ sắt lấy ở cơ quan hậu cần, những nòng pháo bị hỏng sản xuất từ Tiệp Khắc, Trung Quốc, Mỹ, những thùng và bi đông nhồi đất. Một chiếc quần loang lổ màu ngụy trang chứa đầy cát trong hai ống, đặt thêm lên trên bờ chiến hào; lỗ châu mai nằm giữa đũng quần với hai ống dang ra hai bên nom như những bắp đùi của một xác chết.
        Đại úy Edma nhảy xuống trước tôi hai mươi bốn giờ đang chỉ huy đội trấn giữ mặt Đông và Nam, là góc bất lợi nhất cứ điểm vì chiến hào Việt Minh chỉ cách chúng tôi chưa đầy 5 mét. Đỉnh đồi hãy còn xác chết xe tăng Bazeille bị bắn hỏng bằng một quả đạn Bazooka ngày 1 tháng 4, được coi như một vật đánh giấu. Thân xe tăng đã chìm khá sâu trong lớp đất nhưng tháp pháo vẫn còn xoay chuyển được. Chiếc xe tăng này được dùng làm lô cốt bọc thép.
        Khắp nơi, mùi xác chết bốc lên nồng nặc.
        Những người lính lê dương cuối cùng được chúng tôi tới thay thế đã rút hết khỏi cứ điểm. Để chuồn khỏi nơi này thật nhanh, họ đã vọt lên bờ hào để chạy. Đến khi nghe thấy tiếng pháo cối nổ ở đầu nòng họ mới nằm rạp xuống đất bùn để tránh đạn. Sau loạt đạn, họ lại vùng lên để chạy tiếp.
        Đại đội trưởng Coutant cũng đã chuẩn bị xong ba lô. Nhưng anh chần chừ nán lại và nói với tôi:
        - Tôi sẽ ở lại đây đêm nay với anh để bàn giao tình hình.
        Nhưng Coutant không nói gì với tôi về việc bộ đội Việt Minh đang đào một đường hầm ngầm ngay phía dưới, vì hai ngày hôm nay không nghe thấy tiếng động nữa. Các chuyên gia cho rằng với đường hầm bên dưới cứ điểm Eliane 2 này, Việt Minh có thể đặt từ hai đến ba tấn thuốc nổ. Coutant chợp mắt ngủ trong khi tôi thức canh chừng. Đến đêm, chợt thấy như bộ đội Việt Minh đang có mặt ở chung quanh chúng tôi? Trong khung cảnh tĩnh mịch của ban đêm, nghe rõ những tiếng gặm nhấm như đang nghiến đồ gỗ trong căn nhà thanh bình. Những tiếng cuốc đất nạo đất, moi đất mỗi lúc một gần. Chúng tôi bắn vu vơ những phát đạn ra phía chung quanh.
        Coutant đã thức giấc nói:
        - Về khoản tiếp tế thì tình hình này mỗi đêm phải có tới 3.000 quả lựu đạn mới đủ.
        Trong đám rễ cây phượng vĩ cổ thụ có một lô cốt ngầm rất vững chắc, nằm sâu dưới mặt đất, bảo vệ cho con đường tiếp vận lộ thiên nối liền Eliane 3 với Eliane 2 và là sợi dây liên lạc duy nhất giữa hai cứ điểm. Rõ ràng Việt Minh muốn phá hủy cái lô cốt này. Bộ đội Việt Minh đã đào một đường hào dài và sâu, từ chân sườn đồi ở mặt phía Tây, nhích dần lên tới đỉnh. Đã hai chục lần, lính lê dương trên đồi phải ra sức chiến đấu để lấp đầu đoạn hào này nhưng Việt Minh vẫn tiếp tục đào lấn và hiện nay đầu hào chỉ cách lô cốt của chúng tôi khoảng 10 mét, vừa tầm để lính Việt Minh ôm bộc phá từ chiến hào vọt lên…
        Khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi nghe thấy Đài phát thanh Hà Nội báo tin đoàn đại biểu Việt Minh đã tới thành phố Geneve. Coutant đã ra đi trước khi tôi có thể mời anh một cả nước quả đóng hộp. Chúng tôi cũng chưa kịp ăn sáng, tranh thủ ban ngày, tôi dành nhiều giờ đi kiểm tra tình hình điểm tựa.
        Không nhìn thấy một binh lính Việt Minh nào cả nhưng thỉnh thoảng chúng tôi lại nhận được một loạt đạn súng bắn thẳng nhâm vào các lỗ châu mai hoặc một chùm đạn cối dội xuống đầu khi chúng tôi đi lại trong cứ điểm. Cứ điểm vẫn kiên cố nhưng thiếu ít nhất là một đại đội để giữ vững. Tôi chỉ có hai đại đội thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 dàn ra chung quanh như một vành đai mỏng có nhiều điểm yếu. Khi tôi quay về vị trí chỉ huy đặt ở sườn đồi, trời đã tạnh mưa. Thời tiết dần dần được cải thiện, pháo địch bắn có vẻ “hoà nhã” hơn. Trên vòm trời xanh ngắt, những chiếc dù trắng đang rơi xuống. Trong bầu không khí hãy còn ẩm ướt, những đỉnh núi hiện lên rất rõ nét, nom như sát gần. Đại úy Edme ngồi sưởi nắng ở cửa hầm. Lúc nhảy dù, anh bị sái chân, hiện nay bàn chân đang còn phải quấn chặt trong vải băng bó. Nhìn thấy tôi, anh đứng dậy, ngắm nhìn cảnh vật khá lâu rồi nói:
        - Kể ra nếu trời không mưa thì cũng không đến nỗi tồi tệ lắm. Cảnh vật tươi đẹp, trên đỉnh đồi không có bùn.
        Chúng tôi có cảm giác như còn đóng quân ở đây lâu. Nhưng đến 5 giờ chiều, pháo lại bắn rất dữ dội. Ngay loạt đầu có tới hàng trăm quả đạn rơi xuống rồi tiếng nổ rền cứ kéo dài như đoàn tàu chạy nhanh trên chiếc cầu sắt. Đạn bắn tới từ khắp các điểm ở phía chân trời. Một cụm cối 120 mm bắn từ phía sau núi trọc có thể nghe rõ tiếng nổ đầu nòng.
        Những quả đạn phóng đi từ những cỗ pháo không giật nhằm thắng vào các lô cốt, lần lượt phá hủy từng lỗ châu mai và làm đổ sập những vật gia cố bằng bi đông nhồi đất và những bao cát.
        Những chiến hào tiếp cận tràn đầy bộ đội Việt Minh tiến theo một hàng dọc. Tôi nghe tiếng trung tá Bréchignac gọi qua máy vô tuyến:
        - Tối nay đến lượt các cậu đấy. Đừng tung hết lực lượng ra ngay, trước hết hãy tập trung pháo bắn trả. Mọi việc sau đó là dựa theo lệnh chiến đấu của anh. Và rồi sau đó có lẽ các anh sẽ có thêm một đại đội tăng viện.
        Phụ trách chỉnh hướng cho pháo là Robin, đã có mặt tại Eliane 2 từ ba tuần nay, có thể còn sớm hơn nữa. Với một cái bảng gỗ, chiếc compa, thước kẻ, máy tính, anh sử dụng rất chính xác các thiết bị trong tay, tính toán và dọn đường cho pháo bắn theo yêu cầu. Tôi chỉ thị cho Robin hướng dẫn pháo bắn chặn ngay sát những lớp rào phòng ngự ở mặt Tây Nam cứ điểm. Bộ đội Việt Minh xung phong ngay từ lúc trời còn sáng. Khi tiếng pháo chuẩn bị vừa ngừng nhưng dư âm vẫn còn vang thì đã thấy hàng ngàn bộ đội từ dưới đất vùng lên xông thẳng vào những lớp rào kẽm gai. Tôi ra hiệu cho Robin. Robin nói một câu qua máy rồi mở thật to loa phóng thanh. Từ loa phóng thanh, tôi nghe rõ tiếng một sĩ quan ở sở chỉ huy trung tâm ra lệnh cho các khẩu pháo đồng loạt bắn chặn. Đến 7 giờ tối, trời đã đen kịt như ban đêm.
        Đồng thời ở Điện Biên Phủ cũng bắt đầu bắn pháo sáng tạo nên một ban ngày nhân tạo. Bộ đội Việt Minh vẫn tiếp tục xung phong từng đợt, cách nhau mỗi đợt khoảng nửa giờ hoặc bốn mươi nhăm phút.
        Khoảng gần 11 giờ đêm, quả mìn lớn đã nổ.
        Trước tiên, tôi cảm thấy một luồng sóng chấn động lan đi từ phía sườn đồi, đất rung chuyển, rồi một tiếng nổ lớn át cả mọi tiếng động khác. Sau tiếng nổ, dư âm còn vang vọng vài giây trong lòng đất.
        Đỉnh đồi bị vỡ như đã bị lột mất mũ đội. Các vị trí của đại đội 2 không còn nữa. Từ lỗ hổng này Việt Minh vọt lên chiếm các điểm ở miệng phễu trên đỉnh đồi. Phải ít lâu sau, tôi mới nhận thức được tình hình. Ở mặt phía Tây, Julien vẫn còn chặn địch. Ở mặt Nam, một trung đội dưới sự chỉ huy của thiếu úy Paul vẫn còn tại chỗ. Ở mặt Bắc, Nectoux vẫn giữ vững. Chúng tôi đã phản kích ở mặt phía Đông với một trung đội của đại đội 3.
        Khi tôi quay về hầm chỉ huy đã 3 giờ sáng. Tôi gọi về sở chỉ huy trung tâm; không thấy trả lời.
        Nhưng qua loa phóng thanh tôi nghe thấy tiếng trung tá Bréchignac đang nói với các đại đội. Đến lượt Elian 4 cũng đã bị tiến công. Tôi gọi về sở chỉ huy binh đoàn lê dương nói chuyện với thiếu tá Vadot:
        - Eliane 2 nói đây! Việt Minh đã ngừng tiến công. Pháo bắn thưa thớt. Tôi chỉ còn 35 lính đủ sức chiến đấu. Vài băng đạn súng máy và một quả lựu đạn. Nếu có thêm một đại đội tăng viện, tôi có thể đương đầu được với đợt tiến công sắp tới.
        - Này, anh bạn! Nên biết điều một chút. Tôi đào đâu ra một đại đội đưa cho anh bây giờ. Không còn gì hết.
        - Trong tình huống như thế này. Tôi xin phép được cùng với số binh lính còn lại chọc vòng vây, rút sang Eliane 3.
        - Ồ. Không được. Các anh phải giữ nguyên vị trí. Trước hết, anh là lính dù, anh phải chiến đấu đến cùng, ít nhất cũng đến khi trời sáng.
        - Rõ! Đối với tôi thì cũng là xong rồi.
        Tôi bắn ba phát đạn các-bin vào cỗ máy thu phát. Bên ngoài, cảnh vật vẫn hiện rõ dưới pháo sáng. Đỉnh đồi A1 nơi đặt cứ điểm Eliane 2 vẫn còn bốc khói, cứ mỗi phút lại nhận được một hoặc hai quả đạn pháo bắn cầm chừng. Những binh lính còn sống sót của đại đội dù thuộc địa số 3 ngồi túm tụm với nhau, ba người hoặc bốn người một hố. Giờ phút kích động vì cuộc chiến đã chấm dứt. Bây giờ mọi người đều lộ rõ vẻ kiệt sức, trống rỗng, bị đánh gục.
        Tôi ngồi trên bờ đất mềm của miệng hố vừa bị mìn nổ, như miệng núi lửa, nhìn những đốm lửa tung lên từ những quả đạn pháo bắn vào khu Trung tâm và các vị trí pháo binh. Trên sườn đồi mặt phía Đông, tôi nhìn thấy những chiến hào Việt Minh cách chỗ tôi khoảng năm mươi mét. Từ dưới chiến hào, Việt Minh vọt lên rất đông đi theo hàng dọc trên bờ hào rồi toả đi rất nhanh trên mặt đất, từng tổ ba hoặc bốn người. Tôi có cảm giác hình như đã mở chốt quả lựu đạn, chỉ chờ cơ hội tốt nhất thì sử dụng.
        Việt Minh rất đông. Tôi chỉ còn khoảng ba hoặc bốn chục binh lính nhưng không còn đạn. Không chần chừ, tôi ra lệnh cho trung úy Fesselet rút về khu vực trung tâm với tất cả những ai còn đi được. Có lẽ đến mai sẽ tổ chức được những đại đội phản kích từ những đám binh lính thoát khỏi vòng vây.
        Trung úy Julien ở lại bên cạnh tôi. Với chúng tôi không còn gì để làm nữa. Chúng tôi chạy đến các vị trí ở mặt phía Bắc do Nectoux trấn giữ. Các chiến hào đều vắng lặng. Tất cả đều đã bị chết trận, trừ một vài người bị thương đã bị Việt Minh mang đi.
        Tôi cảm thấy bàn tay phải giữ chặt quả lựu đạn tê cóng như bị chuột rút. Quả lựu đạn đã rút chốt an toàn. Tôi đã nghĩ đến chuyện mở những ngón tay. Rồi đếm đến năm. Dễ thôi. Tôi bắt đầu đếm đến ba thì ném quả lựu đạn về phía đám bộ đội đang xông đến cách tôi khoảng 5 mét.
        Lúc tôi tỉnh dậy thì thấy có một gương mặt cúi xuống, nói với tôi một cách hiền từ:
        - Anh đã bị Quân đội nhân dân Việt nam bắt làm tù binh. Đừng sợ. Đối với các anh chiến tranh đã chấm dứt. Anh sẽ được chăm sóc tốt do chính sách khoan hồng của chủ tịch Hồ Chí Minh.
        Trong lúc hai người lính dẫn tôi về trại tù binh, tôi ngước nhìn lên vòm trời. Mặt trời chưa lên tới đỉnh. Đến 11 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 thì tất cả các vị trí ở phía Đông sông Nậm Rốm đều bị đánh chiếm. Sau khi mất Eliane 2 được coi như chiếc chìa khoá của toàn bộ hệ thống (trên đồi A1) cuộc chiến đấu phòng ngự ở Điện Biên Phủ đã bị sụp đổ.
        Tại các cứ điểm Isabelle phía Nam Mường Thanh còn có tới 2.000 quả đạn pháo, nhưng chỉ có một khẩu pháo có thể sử dụng được.
        Từ hai hoặc ba ngày trước, Castries, Langlais, Bigeard đã nghĩ đến một kế hoạch rút lui mang mật danh Albatros. Đó là mưu đồ thực hiện vào phút cuối cùng, cố chạy sang Lào. Ba người bàn kín với nhau y như một âm mưu vụng trộm.
        Bréchignac, Tourret, Bottella, Guiraud đều là người trong cuộc. Còn những người khác đang cùng với đám binh lính bí thương bám giữ trận địa thì không biết gì cả vì họ sẽ phải ở lại. Nhưng mãi đến ngày 7 tháng 5, từ Castries đến Langlais và Bigeard đều không ai dám khởi sự, thực hiện kế hoạch này. Lần cuối cùng họ gặp nhau để bàn về những cơ may của cuộc tháo chạy là vào lúc buổi trưa. Bigeard có thể xuất phát lúc nửa đêm rút theo hướng Tây Nam, lủi vào vùng rừng núi để thoát thân. Nhưng Langlais không đảm bảo có đủ sức để đi bộ hai tiếng đồng hồ mà không gục ngã.
        Đến quá trưa thì họ đã bị đánh bại. Khu trung tâm chỉ còn lại một mẩu đất cuối cùng khoảng 500 m2 nằm lọt thỏm giữa dòng sông và cứ điểm Claudine 4, Huguette 2 và Junon, trong đó còn có tới từ 3.000 đến 4.000 lính bị thương, khoảng 3.000 đến 4.000 lính đào ngũ đang chui rúc tại các hầm hố như đàn chuột. Lính chiến đấu thật sự chỉ còn lại 1.000 đã kiệt sức, rối loạn và không còn đạn dược.
        Castries liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Đã 16 giờ 15 phút. Ở Sài Gòn và Hà Nội lúc này đã hết giờ nghỉ trưa. Ông cầm ống nói, bảo nhân viên phụ trách điện đài:
        - Cho tôi nói chuyện với Hà Nội.
        Trong lúc này không còn một cứ điểm nào có thể tổ chức phòng ngự được nữa. Đợt xung phong sắp tới của Việt Minh có thể đánh thẳng vào khu Trung tâm. Tiếng chuông reo. Nhân viên phụ trách điện đài nói:
        - Báo cáo thiếu tướng, đã liên lạc với Hà Nội. Xin tướng quân cứ nói chậm chạp để nghe cho rõ.
        Cơn dông ập xuống thung lũng nhỏ, nơi đặt trại tù binh số 1, đã chấm dứt. Bầu không khí hiện nay khá mát. Ngồi trong trại, chúng tôi nghe rõ tiếng dòng sông chảy ào ào do nước lũ và cả tiếng ngáy của ông già người Tày say thuốc lào đang nằm ngủ trong lán dùng làm nơi tạm giữ tù binh. Anh lính tù binh Ysquierdo đọc to bản thông báo cuối cùng về trận Điện Biên Phủ vừa được phát tới tay các tù binh:
        - Vào hồi 5 giờ chiều nay, ngày 7 tháng 5 năm 1954…


        Hết

<< Chương 9 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 897

Return to top