Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> NAVARRE Với Điện Biên Phủ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10819 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NAVARRE Với Điện Biên Phủ
Jean Pouget

Chương 8

Cần phải chở gấp những người bị thương nặng về Hà Nội. Nhưng sau khi Việt Minh chiếm được Gabrielle đặt trên đồi Độc Lập, sân bay đã nằm ngay dưới tầm đạn súng cối. Hơn nữa, thời tiết xấu cũng không cho phép máy bay liều lĩnh hạ cánh.
        Thiếu tá Thimonier, chỉ huy tiểu đoàn lính Thái số 3 tại cụm cứ điểm Anne Marie đặt ở Bản Kéo phát hiện thấy những hoang mang dao động trong đám lính người dân tộc. Có một người nào đó đã rải những tờ rơi kêu gọi binh lính đào ngũ.
        Trong tiểu đoàn này hầu hết binh sĩ đều là người dân tộc Thái ở Sơn La và Nghĩa Lộ. Những làng bản quê hương của họ, nơi ấp ủ những tình thương những gương mặt thân quen những truyền thống quý giá, từ hơn một năm nay nằm dưới sự kiểm soát của Việt Minh. Những người lính Thái này muốn trở về làng bản của mình. Hơn nữa, có lẽ họ cũng đã cảm thấy những làn sóng tuyệt vọng đang tràn ngập Điện Biên Phủ trước sự tiến công của Việt Minh.
        Những đám mây đen nặng nề, hình thành từ những đám cháy do bom napalm tạo ra hoà nhập với những đám mây tự nhiên, toả khắp vùng trời thung lũng.
        Buổi chiều, một cơn dông ập xuống, sấm chớp hoà trong những tiếng nổ của đạn pháo Việt Minh vẫn đang bắn phá không ngừng Điện Biên Phủ.
        Cuộc hoảng loạn tại cụm cứ điểm Anne Marie ở Bản Kéo đã bùng nổ như thế nào? Vào lúc nào? Trạng thái tinh thần binh lính ra sao tới mức toàn đơn vị đều bỏ chạy? Ngồi trong sở chỉ huy của mình, đại tá De Castries suy nghĩ miên man như vậy.
        Đây không phải lần đầu tiên ông chứng kiến tình trạng như vậy. Tháng 5 năm 1940, khi còn là trung úy, ông đã nhìn thấy tận mắt các sư đoàn trong trung đoàn của ông hoảng loạn như thế nào trước sự tiến công của quân Đức. Lúc này ông đang chỉ huy một đại đội kỵ binh được phân công bố trí phía sau sư đoàn. Đại đội của ông đã bị các xe tăng và xe bọc thép của Đức bao vây. Trong nhiều ngày, cùng với các chiến binh trên mình ngựa ông đã chiến đấu chống lại những cuộc tiến công và chống cả sự tuyệt vọng. Nhưng rồi cuối cùng ông đã phải cầu may, vượt qua lưới bao vây của địch trở về các phòng tuyến của Pháp trước khi ký kết hiệp định ngừng bắn ít ngày.
        Trước mắt mọi người, giờ đây ông vẫn phải cố giữ vẻ bình tĩnh. Nhưng khi ngồi một mình trong hầm chỉ huy, ông lại suy tưởng tới tham hoạ ở Anne Marie.
        Nếu Việt Minh tiếp tục đà thắng lợi, từ phía bắc đánh xuống Anne Marie trong đêm nay thì cụm cứ điểm này sẽ tan biến. De Castries vốn không tin cậy tiểu đoàn lính Thái này (ông đã từng nói như vậy với Cogny ). Chính vì lẽ đó ông đã bố trí tiểu đoàn này ở cứ điểm Anne Marie tại Bản Kéo nằm ở phía sau Béatrice (Him Lam) và Gabrielle (đồi Độc Lập) nhưng bây giờ cả hai cụm cứ điểm Béatrice và Gabrielle đều đã bị mất, Anne Marie đang ở tuyến sau vụt trở thành tiền tuyến.
        Ở mặt phía Đông, lính Angiêri và Ma-rốc đang trên các cụm cứ điểm Dominique và Eliane, liệu có đẩy lùi được cuộc tiến công của Việt Minh, trong khi bộ đội Việt Minh chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã hoàn toàn tiêu diệt được Béatrice có lính lê dương đóng giữ? Hiện nay, chỉ còn lại hai tiểu đoàn bộ binh lê dương và hai tiểu đoàn dù lê dương đang đóng ở phần sau trung tâm. Liệu lực lượng này có thể cố thủ liều chết trong vinh dự, hay là cố chọc thủng vòng vây rút chạy, bỏ lại những binh sĩ bị thương và hàng ngàn tấn đạn dược?
        Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có vẻ đang sống trong những giờ phút cuối cùng. De Castries gửi điện báo cáo với tướng Cogny: “Có thể, chúng tôi sẽ bị đánh tan trong cuộc tiến công sắp tới”.
        Cogny cũng nghĩ như vậy. Sáng hôm qua ông đã rất ngạc nhiên, cũng như tất cả mọi người chung quanh, khi được tin Béatrice chỉ chống cự được có vài giờ. Ông còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy pháo binh của Piroth không bắn trả có hiệu quả dù có những khẩu pháo cỡ 155 mm. Tình hình đang nguy kịch và tướng Cogny dự tính sẽ phải nói những lời dè dặt, không huênh hoang như trước, để dự phòng cho những ngày sau.
        Trước mặt nhóm sĩ quan tụ tập trong tiền sảnh, tướng Cogny tuyên bố:
        - Từ nhiều tháng trước, tôi đã nhắc lại với tướng Navarre rằng Điện Biên Phủ là cái bẫy chuột.
        Sau đó, ông tiếp hai nhà báo Lucien Bodard và Max Clos trong phòng làm việc rất lâu.
        Chiều ngày 15 tháng 3, khi đi gặp Tổng tư lệnh Navarre, tướng Cogny mang theo trong túi bức điện của De Castries và nói:
        - Castries không phải là nguời bi quan. Vì vậy phải tính trước sự quỵ đổ của Điện Biên Phủ nếu Việt Minh vẫn giữ cường độ tiến công và tiếp tục đánh trong đêm nay.
        Navarre hỏi lại:
        - Thế lực lượng tăng viện để đâu?
        Cogny trả lời:
        - Hôm nay, chúng tôi không thể tăng viện cho Điện Biên Phủ một người nào vì tất cả máy bay đều phải huy động để thả dù đạn dược đã tiêu phí rất nhiều trong những trận vừa qua. Nhưng, tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 đã sẵn sàng, có thể nhảy ngay xuống Điện Biên Phủ sáng mai, nếu…
        Cogny không nói hết câu.
        Trước khi vào Sài Gòn, tướng Navarre tự tay viết bức điện gửi chính phủ: “Tại Điện Biên Phủ, tình hình đã trở nên rất nguy kịch. Vòng vây của Việt Minh đang xiết chặt chung quanh khu vực có các trung tâm đề kháng Claudine, Eliane, Dominique, Huguette và Anne Marie. Tôi có cảm giác Việt Minh sẽ mở cuộc tổng tiến công ngay trong đêm nay”.
        Cũng trong giờ phút này các tiểu đoàn Việt Minh, chưa xuất trận và đang hăng hái, bắt đầu từ những đỉnh núi tiến xuống thung lũng lòng chảo.
        Một trung đoàn đưa các đại đội đi đầu tiến sát dãy đồi hình trăng lưỡi liềm là nơi đặt cụm cứ điểm Anne Marie có lính Thái đóng giữ. Lính trinh sát của cứ điểm Dominique 2 phát hiện sự vận chuyển và tập trung của Việt Minh trong những thung lũng có nhiều bụi rậm ở mặt Đông Nam.
        5 giờ chiều, pháo bắn thẳng, pháo không giật và súng cối của Việt Minh bắt đầu chuẩn bị trước khi bộ binh xung phong vào cứ điểm Dominique 2, lính Angiêri đóng giữ quả đồi này nghĩ rằng cuộc chống cự của họ cũng sẽ vô ích như những người anh em của họ đã bị tiêu diệt tại Gabrielle.
        Tất cả binh lính Điện Biên Phủ đều chuẩn bị chiến đấu, lính dù, lính lê dương, lính Angiêri, lính Ma-rốc đã sẵn sàng tại các vị trí phòng ngự.
        Những tổ tuần tiễu và báo động được lệnh đi ra ngoài cứ điểm để phát hiện địch. Cho tới khi trời tối hẳn, mọi người vẫn không biết tướng Giáp đã cho ngừng việc tiến công liên tục. Có thể lúc này, ông Giáp đang thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Sự tinh khôn của người chỉ huy Quân đội nhân dân Việt nam qua rất đáng khâm phục và ca ngợi.
        Sáng 16 tháng 3, thi hài các vị trung tá chết trận đã được chôn cất tại một góc nào đó mà sau này không ai còn nhớ nữa. Các đội tuần tiễu và báo động không gặp địch đã quay trở lại căn cứ. Trên trời cao, những chiếc máy bay đầu tiên đang thả dù tăng viện. Khoảng 11 giờ đơn vị dù đầu tiên đặt chân tới bãi Simone ở phía Nam trung tâm và phía Bắc cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm). Mọi người biết rằng Bigeard đã tới.
        Những đại đội thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 do Bigeard chỉ huy đã tiếp đất, đang đi bộ tiến về phía sau núi có đặt cứ điểm Eliane 1 và bắt đầu đào công sự, xây dựng một cứ điểm mới, đặt tên là Eliane 4.
        Các pháo thủ cũng được bổ sung quân số. Đó là những lính pháo binh thuộc trung đoàn pháo binh nhẹ đổ bộ đường không đưa từ Tây Nguyên tới. Mới cách đây bốn mươi tám giờ, trung đoàn pháo binh nhảy dù số 35 này đang còn tham dự chiến dịch Atlante.
        Bác sĩ Grauwin cũng không bi quan lắm như số binh sĩ bị thương. Ông vừa nhận được một trạm phẫu thuật dã chiến với đầy đủ các thiết bị dĩ nhiên chỉ thiếu các nữ y tá. Ngoài ra, một số máy bay lên thẳng từ Mường Sài tới đã hạ xuống một mẩu đất vuông ngay bên cạnh bệnh viện, mang đi sáu thương binh trong tổng số một trăm năm mươi người bị thương. Chả bõ bèn gì, nhưng dù sao cũng để lại chút hy vọng cho người còn lại.
        Bầu trời cũng đã quang đãng. Sức nóng của mặt trời cộng với gió đã quét sạch những đám mây đen từ những đám cháy vì ném bom napalm.
        Ngày 16 tháng 3, không thấy Việt Minh tiếp tục tiến công, tinh thần mọi người tại Điện Biên Phủ mới đầu phức tạp, dễ tan vỡ như pha lê nay đã cô động và cứng rắn không còn nghe thấy những tiếng kêu “Việt Minh đến đấy” như thời kỳ trước ở Béatrice. Tối nay, mặc dù pháo địch vẫn còn bắn tiêu hao, những người lính gặp nhau trong các chiến hào, tuy dáng đi chậm chạp, cặp mắt chú ý quan sát, nhưng những thớ thịt dưới cằm đã rắn chắc.
        Đêm nay và cả ngày mai, có thể những lính Thái thuộc tiểu đoàn 3 đóng ở Anne Marie sẽ bỏ chạy hết… “Mặc xác chúng! Cứ để cho chúng đi!”. Những người lính Pháp ở Điện Biên Phủ đã nghĩ như vậy.
        Dù sao, Điện Biên Phủ cũng không còn là một trung tâm để đánh rộng ra khắp vùng như tướng Cogny tưởng tượng; cũng không còn là căn cứ lục - không quân bảo vệ cho kinh đô Lào Luang Prabang như tướng Navarre nghĩ. Cái thành trì pháo đài bị vây hãm cũng không còn là màu cờ của thế giới tự do như Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles cố làm mọi người tin tưởng.
        Cuộc chiến tại Điện Biên Phủ đã trở thành một lời giải thích kín đáo giữa hai phía Việt và Pháp. Với người lính Việt Minh đó là những người không chịu khuất phục. Đối với phía Pháp, đó là những người lính thuộc mọi chủng tộc, những lính lê dương đủ mọi quốc tịch những lính dù của mọi tỉnh thành nước Pháp, sát cánh chung quanh một địa điểm mà đôi lúc họ đã quên và chỉ còn là sự tiêu biểu cho kỷ niệm của bổn phận đè nặng lên họ…
        Điện Biên Phủ đã trở thành một thách thức.
        Những con chuột ở Nậm Rốm
        Jean Péraud, phóng viên của Sở thông tin báo chí quân đội vẫn có khuynh hướng coi cuộc chiến tranh vừa mới xảy ra như là một cuộc phiêu lưu mới, đầy hình anh ngạc nhiên, kỳ lạ, lôi cuốn, đẹp đẽ hoặc bẩn thỉu. Từ ngày nhảy dù xuống Mường Sài đến nay, anh vẫn tự coi như có quyền mặc bộ đồ nhảy dù loang lổ màu ngụy trang và chiếc mũ bê-rê đỏ của lính dù. Nhưng hiện nay, anh lại cất chiếc mũ nồi đỏ trong túi để đội chiếc mũ sắt nặng nề như tất cả mọi người. Trên vai anh có đính một mẩu dạ màu xanh lá cây chứng nhận anh giữ vai trò một quan sát viên. Nhưng anh vẫn sẵn sàng tham dự tất cả những pha chiến đấu của tấn bi kịch đang diễn ra.
        Ngày 13 tháng 3 khi Việt Minh tiến đánh Điện Biên Phủ thì Péraud đã từ Mường Sài về Hà Nội và đang buồn chán. Nhà quay phim Pierre Schoendoerffer, được coi là đầu bên kia của dây ăng-ten ra-đa lại ở Sài Gòn, chờ ngày xuống tàu về Pháp. Họ đã chào từ biệt nhau trong một buổi uống rượu say. Péraud đang tự hỏi có nên cùng trở về hay không. Chỉ hai tháng nữa sẽ là mùa mưa và cũng sẽ chẳng có gì đặc biệt cho tới tháng mười mới bắt đầu mùa khô và cũng là mùa của các chiến dịch lớn.
        Cuộc tiến công của Việt Minh đến với Péraud một cách bất ngờ. Điều đó cũng chứng minh ban tham mưu quân đội Pháp có khả năng giữ bí mật. Péraud đã hụt chuyến tàu thứ nhất, không kịp đi theo tiểu đoàn dù số 5 lính Việt nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Nhưng sau đó, anh đã khéo léo ghi tên được danh sách đi theo tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 do Bigeard chỉ huy, cũng là một tiểu đoàn dù rất thích được chụp ảnh. Ngày 16 tháng 3 Péraud tiếp đất lòng chảo cùng với đơn vị đầu tiên của Bigeard, và đã lập tức đứng thẳng dậy, bấm máy Leica chụp một loạt ảnh các binh lính đang nhảy dù, tiếp đó cùng hành quân với họ tới vị trí.
        Các nhà bếp đều trống rỗng hoặc biến thành buồng cho thương binh. Péraud không tìm được nước uống. Suốt buổi chiều anh lê đôi ủng nhảy dù lang thang từ khắp các sở chỉ huy này đến các cứ điểm khác.
        Tại ban tham mưu của De Castries có rất đông người. Đó là những người không có việc gì để làm, hoặc không biết làm gì ở Điện Biên Phủ, những khách đến thăm và những nhà du lịch bất hạnh bị kẹt lại ngày 13 tháng 3 vì sân bay bị bắn hỏng, những người muốn nghỉ lại một đêm ở Điện Biên Phủ rồi không còn cách nào để bay trở về, những người bạn thân, những người đi nghỉ cuối tuần, tất cả cùng chen chúc nhau trong hầm trú ẩn và trong những chiến hào phụ, đến tìm gặp đại tá chỉ huy để xin một chỗ trong máy bay lên thẳng di tản thương binh. Và nếu hôm đó không có máy bay lên thẳng, hẳn là nhiều người đã không ngần ngại chê trách Castries là không lịch sự, không chu đáo, không làm đủ mọi việc cần thiết để đưa khách tham quan Điện Biên Phủ trở về nhà.
        Trong số người này Péraud nhận ra đặc phái viên tờ Caravele, tuần báo thông tin của lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, một trung úy ngạch dự bị đeo phù hiệu lính lê dương.
        Trong đêm 13 rạng ngày 14 hầm trú ẩn của anh ta bị pháo Việt Minh bắn sập một nửa, anh ta bị một xà gỗ trên nóc hầm rơi vào chân, mặt mũi cũng bị xây sát. Một y tá đã bôi thuốc đỏ mercurochrome lên rồi quấn băng. Bây giờ máu đỏ chảy ròng ròng thấm qua lớp vải băng màu trắng. Péraud lập tức chụp luôn một tấm ảnh màu, chú thích là “một trung úy lê dương bị thương”. Sau đó tấm ảnh được vinh dự đăng trên trang bìa tờ Match.
        Tại sở chỉ huy của Langlais, ông đã cho đuổi hết mọi người ra ngoài. Vị chỉ huy lực lượng dù tại Điện Biên Phủ quát mắng tất, cả mọi người không trừ ai. Ông nghĩ “Làm như vậy để họ nâng cao tinh thần”.
        Đây không phải là lúc nói chuyện tào lao với cánh quân lính dù trên các cứ điểm. Bởi vì, có một lần, chưa kịp bắt chuyện, Péraud đã bị lính dù sai phái: “Này, Radar, gỡ tấm ván này ra hộ mình” hoặc “Này, giúp mình một tay”.
        Những lính dù này đã bỏ vũ khí để cầm cuốc xèng đào hào giao thông, củng cố các nóc hầm quá yếu, xây dựng vội vã lô-cốt cổ thủ. Péraud rất sợ làm công việc xúc đất đào đất này. Anh chỉ “gỡ hộ tấm ván” như có người vừa nhờ giúp.
        Péraud buồn chán trước bầu không khí sôi sục là một người thích hoạt động độc lập nhưng không thích đơn độc, vậy mà hiện nay Péraud lại thiếu người bạn đồng nghiệp là Schoendoerffer.
        Anh buồn chán như con ngựa già vắng bạn kéo xe đôi. Liệu Pierre Schoendoerffer biết làm gì ở Sài Gòn trong lúc này? Anh chỉ có thể nghĩ đến chuyện đi nghỉ hè ở bờ biển Cô te d Azur nước Pháp vì không có việc như Péraud ở đây.
        Đằng sau trạm quân y, chỉ cách vài bước chân là trạm bưu điện quân đội. Từ nơi này có thể gửi điện đi toàn thế giới. Những tin điện gửi về chính quốc được miễn phí. Chỉ cần cho biết họ tên và địa chỉ người nhận. Công thức A là: “Vẫn mạnh khoẻ gửi lời thăm âu yếm”. Những công thức khác đại loại cũng tương tự.
        Péraud chen ngang dòng người đang chờ đến lượt nhắn tin trấn an gia đình. Anh nói với nhân viên quân bưu:
        Báo chí!
        Rồi nói thêm:
        - Báo chí được ưu tiên.
        Tiếp đó Péraud đưa ra một mảnh giấy viết vội trên bàn gỗ. Nhân viên quân bưu có gương mặt xanh xám đóng khung trong bộ râu tám ngày chưa cạo, đọc nội dung: “Gửi Pierre Schoendoerffer. Sở báo chí Hà Nội - Bản sao gửi Sở báo chí quân sự Sài Gòn. “Đến nhanh đây gặp tao. Kỳ cục lắm. Péraud”
        Người bưu tá đưa mắt nhìn Péraud, không hiểu gì cả. Péraud nói: “Đây là mật mã. Anh đừng bận tâm”.
        - À! Thế thì được. Anh phải trả cước phí sáu đổng bốn hào.
        Khi ra khỏi trạm quân y, Péraud đã lấy lại được tinh thần phấn khởi. Anh nghĩ thế nào Schoendoerffer cũng tìm dược cách có mặt tại đây.
        Một loạt đạn 105 nổ gần trạm quân y cắt đứt những suy nghĩ của Péraud. Gần tối đạn pháo càng bắn dữ dội hơn vào phân khu Trung tâm.
        Không có ánh sáng để làm việc. Đây là khoảnh khắc rất ngắn của hoàng hôn nhiệt đới.
        Ánh sáng giữa ngày và đêm chuyển nhanh sang màu tối, mượt mà như những gần như có thể sờ thấy được. Trên nền đen đó, một ngọn đèn điện nhỏ lóe lên ánh sáng yếu ớt của một ngôi sao.
        Nhà phóng viên ảnh Péraud thường rất tiếc chưa ghi được tấm hình nào của cảnh đẹp này trong phim ảnh.
        Anh đã nghĩ đến chuyện quay về hầm trú ẩn nhưng không thấy buồn ngủ và cũng không muốn ngồi một mình trong cái hầm nhỏ như ngôi mộ này. Anh bèn đi về khu dân cư của người Thái trắng dọc theo bờ sông Nậm Rốm. Những binh lính thủ hạ của Đèo Văn Long từ Lai Châu rút về đây cùng với gia đình, đã xây dựng được một khu sinh sống tạm gọi là làng bản, nửa chìm nửa nổi, có hầm trú ẩn. Trong những ngày chờ đợi Việt Minh tiến công cái bản người Thái này thường là nơi những khách quen thuộc lui tới ban đêm.
        Khi đi qua một hộp đêm, Péraud nghe thấy giọng nói lanh lảnh của những gái điếm người Việt. Nhà chứa này được xây dựng trong một khu hầm rộng để có thể hoạt động trong mọi trường hợp. Nhưng vài hôm nay, khu nhà này đã khép kín các cửa chớp. Các cô gái điếm không còn lòng dạ nào tiếp khách nữa, quay sang chăm sóc lính bị thương hoặc làm những việc lặt vặt ở bệnh xá.
        Những công việc này không sạch sẽ, không được trả tiền cao, nhưng rất là có ích. Mọi người đều phải nghiêm chỉnh tuân theo luật lệ quân y: cho lính bị thương uống nước, lau mồ hôi trên mặt họ, tắm rửa cho những thân hình bẩn thỉu, đổ bô, ngồi cạnh những người sắp chết…Những cô gái này đã thực hiện các nhiệm vụ một cách nhẫn nhục và với một tình thương xứng đáng với sự quản lý của bà chủ là Marie Madeleine.
        Péraud thở dài, bước nhanh ra khỏi nơi này. Anh nghĩ, đây không phải là lúc vào chơi.
        Trời đêm vẫn nóng. Những loạt đạn pháo nổ dừ dội lúc xẩm tối, nay đã dịu dần. Nhưng thỉnh thoảng vẫn còn hai hoặc ba quả đạn bắn về phía sở chỉ huy hoặc khu pháo thủ nằm ở khá xa phía sau Péraud. Anh đã tới sông Nậm Rốm và đang đi trên con đường hẻm trên bờ, dẫn xuống phía Nam.
        Trong một khu đất ven bờ sông, Bordier là con rể tướng giặc Đèo Văn Long và là đại diện chính trị - quân sự của Long tại Điện Biên Phủ đã cho làm một hầm sâu rộng có thể coi như phòng ở tiện nghi. Khi Bordier không về Hà Nội với gia đình thì ông ta thường sống ở đây như một quan cai trị trong cảnh điền viên có nhiều thú vui bí mật. Péraud nhìn thấy gian nhà hầm này có vẻ như trống rỗng. Chiều 12 tháng 3, “ngài Bordier” đã cuống quít chạy ra máy bay chuồn về Hà Nội lấy cớ “đi chữa răng”. Nhất định, Bordier không quay về đây nữa. Ngay trong đêm đầu tiên Việt Minh tiến đánh Điện Biên Phủ, những lính hầu và bồi bếp của Bordier đã lợi dụng cơ hội, chạy khỏi tập đoàn cứ điểm về phía Nam. Khu vực dành cho Bordier hiện trở thành hoang vắng. Péraud quyết định vào thăm nơi này.
        Anh đi dọc đường hào giao thông bảo vệ cho cửa hầm tránh khỏi những đạn pháo bắn thẳng rồi mở cửa. Một ngọn đèn điện nối vào đầu dây từ nóc hầm rủ xuống toả sáng gian hầm dưới chiếc chụp đèn giống như chiếc nón của “người nhà quê”. Các vách hầm đều căng vải dù. Sàn nhà hầm trải chiếu cói. Một chiếc giường rộng kiểu Trung Quốc, thường gọi là “cái sập” có bốn chân uốn cong đỡ lấy mặt phản làm bằng gỗ gụ nhẵn bóng, mầu sẫm, ban ngày dùng làm bàn, ban đêm dùng làm giường, kê ở sát vách tường. Một cô gái mặc yếm trắng, váy đen, đứng ở một góc phòng sau chiếc sập hầu như không động đậy.
        Jean Péraud sững người một lát. Anh đã từng biết đến khu phố người Thái với những vẻ đáng yêu và cả những bí mật, có những cô gái trước khi xảy ra cuộc tiến công vẫn đi lại thoải mái giữa những lớp rào dây thép gai và những nếp nhà tranh. Nhưng đây lại là một người đàn bà đứng trong hầm trú ẩn, giữa những tấm vải dù căng trên vách tường tạo dáng vẻ một gian phòng dành cho những chuyện yêu đương, thật là khó tin như không có thật.
        Péraud định thần lại ngay và nhận ra đây là một cô gái đẹp. Cô đứng im lặng, nhìn chằm chằm bằng cặp mắt đen. Péraud hiểu ngay là hình dáng anh rất đáng sợ. Tóc anh màu hung, nhưng anh có một bộ râu cứng lâu ngày không cạo. Chiếc mũ sắt nặng nề trên đầu, dây quai thõng xuống hai bên má, khẩu súng ngắn Colt 44 đeo bên sườn, bộ đồ nhầu nát bám đầy đất bụi, mồ hôi nồng nặc khiến anh giống hệt một tên lính ác ôn đang đi tìm mồi.
        Dĩ nhiên, anh đã tìm thấy. Nhưng không nên làm cho cô ta hoảng sợ. Anh nói bằng tiếng Pháp ngắn gọn dễ hiểu:
        - Đừng sợ. Tôi rất lịch sự với phụ nữ.
        Cô ta trả lời bằng tiếng Pháp với giọng nói của những cô gái Thái có thói quen vừa phát âm vừa cười:
        - Chào ông. Ông làm tôi rất khiếp sợ.
        Ngoài các công chúa trong xứ này, Péraud rất hiếm gặp một cô gái người dân tộc nói tiếng Pháp.
        Cô gái này dứt khoát không phải là một công chúa, nhưng cô ta có một vẻ đặc biệt trong thái độ và vẻ dịu dàng trong tiếng nói, gây ấn tượng đối với Péraud. Anh thay đổi cách nói và cách tiếp xúc:
        - Xin lỗi cô. Tôi cứ tưởng đây là một gian hầm không có người.
        Anh bất giác bỏ mũ ra. Đây không phải là một cử chỉ lễ phép mà chỉ là tự động. ánh sáng chiếu vào gương mặt Péraud với cặp mắt xanh lơ đầy vẻ tò mò và nhân hậu.
        Cô gái không nói gì. Péraud tiếp tục:
        - Nhưng mà cô làm gì ở đây thế này?
        - Có lẽ ông nên bắt đầu câu chuyện bằng cách nói với tôi, ông định làm gì ở nhà tôi.
        Vẻ dễ dãi trong câu trả lời của cô gái làm cho Péraud lúng túng:
        - Xin lỗi… Nhưng mà chúng ta đang đứng trong một gian hầm trú ẩn chống lại đạn pháo, chứ không phải một phòng trà.
        - Đối với các ông, phòng trà người Hoa là một ổ gái điếm. Còn ở đây, ông cứ coi như ở trong hầm trú ẩn. Tôi là vợ thứ hai của ông Bordier. Ông ta mua tôi từ năm tôi mới mười tuổi, cho tôi đi học trường của các bà “Xơ” tại Hà Nội đến khi tôi mười tám tuổi, ông Bordier mới đưa tôi từ Hà Nội về đây mười lăm ngày để cùng hưởng tuần trăng mật. Bà vợ cả của ông Bordier không muốn nhìn thấy tôi tại Hà Nội. Tôi tên là Trinh. Tôi là vợ lẽ, không phải là một cô gái điếm.
        Lần này, nhà nhiếp ảnh bỗng đỏ mặt trong, lúc cô gái rũ ra cười.
        Ngay sau khi trở lại Sở báo chí Hà Nội, Pierre Schoendoerffer đã nhận được điện của Péraud.
        Suốt ba ngày liền, anh chạy đi các ban, các sở để xin được phép nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, nhưng không ai thấy cần phải tăng viện cho tập đoàn cứ điểm một phóng viên quay phim.
        Trong ban tham mưu của tướng Cogny, người ta đã dẫn Schoendoerffer đi từ bàn giấy này đến bàn giấy khác. Ở đâu anh cũng phát hiện thấy một sự hoảng loạn tinh thần chẳng kém gì ở Điện Biên Phủ. Trưởng ban tác chiến là một đại đội trưởng kỵ binh, ngày 14 tháng 3 trong khi gặp Schoendoerffer tại phòng ăn đã trề môi nói với nhà quay phim:
        - Đi tong rồi?
        Anh ta không nói thêm câu: “May mắn quá, tôi đã đến hạn hồi hương”, nhưng đã xuống tàu về Pháp ngay lập tức, khi có thể.
        Đến gặp bộ tư lệnh các binh đoàn đổ bộ đường không, Schoendoerffer vẫn không được tiếp đón niềm nở hơn. Đại tá Sauvagnac đã thay thiếu tướng Gilles được hai tuần. Ông là một chuyên gia thực thụ về môn nhảy dù đã được cấp giấy chứng nhận loại Một. Chính trên danh nghĩa đó, ông đã không cho phép những người không tốt nghiệp được nhảy dù. Việc tiến hành tùy tiện các qui định đã ghi thành văn bản thường dẫn đến những hậu quả bi thảm.
        Đại úy Bizard chưa có bằng tốt nghiệp nhảy dù. Anh đến từ nước Pháp, tự nguyện phục vụ thêm nhiệm kỳ thứ ba. Vốn là một sĩ quan kỵ binh, anh đã dự trận chiến đấu đầu tiên ở Sài Gòn rồi xin sang phục vụ tại một tiểu đoàn dù.
        Sáng 13 tháng 3 đen tối, để bổ sung số quân bị thương vong, Bottella đã điện về Hà Nội đề nghị huy động tất cả các sĩ quan và binh lính ở hậu phương tăng viện cho Điện Biên Phủ.
        Sauvagnac cấm Bizard nhảy, đòi anh phải qua một lớp huấn luyện sơ bộ. Các huấn luyện viên ngày nào cũng phải cấp tốc dạy nhảy dù cho Bizard. Đến ngày thứ chín (chỉ cần nhảy bảy lần cũng đủ cấp giấy chứng nhận) Bizard được nhảy xuống tập đoàn cứ điểm với giấy chứng nhận cất kỹ trong túi, chỉ khi nào chạm đất mới đeo trước ngực.
        Pierre Schoendoerffer đã có giấy chứng nhận nhưng không ai gọi đến tên. Sau khi nhận được điện của Péraud, anh bèn thay đổi kế hoạch. Anh ngồi lỳ trong sân bay Bạch Mai, chờ đợi một kẽ hở nào đó trong những chiếc Dakota thả dù bay đi Điện Biên Phủ. Cuối cùng, đến ngày 19, anh lọt được vào một đội nhảy dù, giả danh là trợ lý của linh mục Tissot thường xuyên có tên trong danh sách bay. Ba lần, máy bay bay được nửa đường lại phải quay về vì trục trặc kỹ thuật. Đến lần thứ tư, máy bay mới trút tất cả số người trong khoảng, trong cùng một đợt, xuống đám ruộng phía Nam Eliane 2 (đồi A1).
        Pierre Schoendoerffer phải mất hai giờ mới lần vào được tới sở chỉ huy của De Castries để trình diện. Đại tá chỉ huy thân mật tiếp anh và nói:
        - Nếu Việt Minh tiếp tục tiến công ngày 16 tháng 3 thì đi đứt. Nhưng bây giờ nếu địch tiến công thì sẽ gặp khó khăn hơn.
        Cùng với Péraud, Schoendoerffer chui ra khỏi hầm trú ẩn vào lúc địch bắt đầu bắn phá buổi chiều. Khi chỉ còn có hai người đứng bên nhau, phóng viên ảnh nói:
        - Sao mãi lâu mới thấy cậu lên?
        Nhà quay phim không trả lời, hỏi lại:
        - Ăn ở đây à?
        - Đi theo mình!
        Hai người đi theo hào giao thông đang đào dở dang, gặp những khoảng trống lại co cẳng chạy để tránh đạn pháo địch. Péraud đưa bạn đến nhà “ông” Bordier. Cô Trinh, người vợ lẽ bí mật của con rể Đèo Văn Long đang đợi họ. Cô đã nấu củ mài, cùng ăn với xôi nếp thơm và thịt lợn thái nhỏ. Mâm cơm được đặt trên sập gỗ với ba chiếc bát sứ màu xanh và những đôi đũa ngà.
        Schoendoerffer không có thời giờ để ngạc nhiên nữa. Anh đang gần như sắp chết đói. Từ hôm qua anh chưa ăn gì cả. Sáng hôm nay, tại Hà Nội anh cũng không thể nhai được một chút gì do chứng đau thắt dạ dày kỳ lạ thường gặp ở những người lính dù trước khi nhảy… Péraud nói:
        - Cô Trinh. Cô mua ở đâu được những củ mài này. Ngon lắm!
        - Tôi mua ở bản Cò Mỵ cùng với thịt lợn và rau muống.
        - Cô ta nói gì thế? - Schoendoerffer hỏi, miệng lúng búng đầy xôi nếp.
        - Cô ấy vừa mới đi chợ, tại một làng cách đây hai hoặc là ba kilômét về phía Nam.
        - Cậu không điên đấy chứ? Tớ ở trên trời rơi xuống nhưng cũng biết rằng Điện Biên Phủ đang bị vây chặt. Cậu nói như người ta đang ở Hà Nội.
        - Cậu chẳng hiểu gì cả. Quân Việt từ phía Bắc tiến xuống, đang ở gần các mặt Bắc và Đông cứ điểm. Nhưng trong cánh đồng rộng lớn mênh mông này, Việt Minh chưa có mặt thường xuyên ở phía Tây và phía Nam. Chỉ ban đêm họ mới xục xạo vào các làng bản, hoạt động dân vận, tuyên truyền chính sách trong dân chúng, nhưng vẫn ở cách chúng ta một quãng xa. Tớ đã hai lần cùng đi với các đội tuẫn tiễu ban ngày đến tận bản Pa Pe, bản Cò Mỵ, bản Ong Pet nhưng không gặp quân Việt.
        - Vậy là có thể thoát theo hướng đó?
        - Đúng? Nhưng chỉ có thể đi được từ hai đến ba người, cải trang thành người Thái. Còn rút toàn đơn vị thì không được. Con đường mòn đi sang Lào, cậu cũng biết như tớ đấy phải trải qua nhiều đoạn thắt cổ chày và chỉ đi khoảng mười kilômét trong rừng núi là chúng ta sẽ gặp những tiểu đoàn quân Việt ngay trên lưng. Nhưng người Thái thì gần như hoàn toàn đi lại tự do.
        Cô Trinh nói chen ngang:
        - Anh Jean này! Sáng nay đi chợ em có gặp bộ đội. Họ đưa cho em tờ giấy này.
        - Đưa xem nào!
        - Chờ tý đã. Em đã dùng tờ giấy đó gói thuốc lào. À! Đây rồi.
        Péraud dùng bàn tay vuốt thẳng tờ truyền đơn. Trong truyền đơn vẽ hình nét bút đơn giản một người lính bộ đội Việt Minh không mang vũ khí, chìa tay đón một người dân Thái. Trên tờ giấy thô, chỉ có một màu đỏ in hình cờ và ba chữ “độc lập”, “hoà bình”, “hạnh phúc” bằng tiếng Việt và tiếng Thái.
        Mọi người đã ăn xong. Cô Trinh dọn bàn và đi rửa bát đĩa. Hai nhà báo nằm trên giường, gối đầu vào những chiếc gối làm bằng da trâu theo kiểu Trung Quốc cứng và mát. Pierre rút trong túi ra một gói thuốc lá Mỹ:
        - Đây là tất cả những gì mình có thể mang theo được. Hành trang bị hạn chế triệt để tới mức ít nhất.
        - Cậu đừng lo. Ở đây có thể kiếm thứ gì cũng được, kể cả thuốc lá.
        - Mua ở căng-tin?
        - Cậu điên à? Căng-tin chẳng còn gì để bán nữa. Mua ở chợ đen..
        Để trả lời tiếp câu hỏi thầm lặng của bạn, Péraud giải thích:
        - Đúng đấy! Ở chợ đen, cách đây vài trăm mét, trên bờ sông. Cậu sẽ nhìn thấy nó vào ban ngày tốt hơn là ban đêm, vì tiến thẳng vào làng nguy hiểm lắm. Tất cả bọn lính đào ngũ người Angiêri, Ma-rốc, có cả vài lính lê dương, lính Thái không muốn chiến đấu vì sợ Việt Minh, đang chui rúc trong những hầm hố do chúng đào hai bên bờ sông Nậm Rốm. Đó là khu nhà ổ chuột ở Điện Biên Phủ.
        - Nhưng chúng sống như thế nào?
        - Chúng nhặt tất cả những chiếc dù rơi lạc xuống gần chỗ chúng. Đến đêm chúng còn dám mò vào tận bãi thả dù để nhặt những kiện hàng mà quân ta chưa kịp thu lượm. Chúng lấy tất cả những gì có thể, nhưng trước hết vẫn là những gói thuốc lá Mỹ mà hằng ngày hội chữ thập đỏ vẫn gửi tới cho thương binh. Giá bán chúng đặt ra hiện nay là hai mươi nhăm đồng một gói. Kể ra cũng không đắt. Nếu cậu không có tiền, cậu có thể bán đồng hồ cho chúng, chúng mua tuốt!
        Pierre lẩm bẩm khẽ, cặp mắt mơ màng:
        - Lạy Chúa tôi?
        - Cậu có thể tìm mua mọi thứ. Tối hôm kia, trên đoạn đường đến đây nghỉ đêm, mình bắt gặp tụi lính từ bãi thả dù bước ra, mang theo các thùng đựng máu khô. Cậu biết đấy, máu là thứ đang cần rất nhiều để truyền cho những binh sĩ bị thương. Tôi đã báo cho một sĩ quan tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 biết. Đó là trung úy Allaire chỉ huy cụm súng cối của Bigeard, anh cũng biết đấy. Anh đã đến tận nơi xem xét cùng với năm, sáu tên lính trong đơn vị cùng đi. Đến một khu nhà ổ chuột, Allaire nhìn thấy có tới hơn mười tên lính Angiêri đào ngũ. Vừa thấy Allaire bọn chúng đã ném luôn một quả lựu đạn về phía trung úy. Allaire nổi cáu đã cho lính bắt lại. Trong khi lục lọi các hầm hố, anh đã phát hiện thấy nhiều thùng đựng máu khô đang được bọn đào ngũ dùng làm… giường ngủ.
        - Có lẽ vì những thứ này không bán được và cũng không ăn được.
        - Phải làm thế nào để mua được một bao thuốc lá mà không phải nổ súng?
        - Về mặt cá nhân người mua người bán với nhau thì bọn khốn kiếp này không nguy hiểm lắm nếu cậu đến gặp chúng với tư cách là một khách hàng. Chúng cũng biết tôn trọng một trật tự trong tổ chức buôn lậu do nhu cầu buôn bán và mạng sống. Chỉ khi nào gặp chúng đi lẻ hoặc đi thành từng tốp vào ban đêm, lúc đó mới nguy hiểm.
        - Thật là một lũ chuột. Có thể viết được một phóng sự về lũ chuột ở Nậm Rốm này.
        Những ngày trong hai tuần cuối tháng 3 trôi đi tương tự như nhau. Những bản báo cáo gửi về Hà Nội đều ghi: “Đêm yên tĩnh. Pháo bắn tiêu hao”. Những buổi sáng nhiều sương mù có thể coi như những giờ ngừng bắn. Đó cũng là giờ thay phiên những cả gác đêm. Những pháo thử bọc vải vào nòng súng và những lính bộ binh rời cứ điểm đi ra sông tàm. Một đoàn tuần tiễu có xe tăng dẫn đầu tung đầy bụi, tiến về cụm cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) ở phía Nam phân khu Trung tâm.
        Khi mặt trời lên tới đỉnh đầu đã hút hết những giọt sương trắng trên cánh đồng và trong thung lũng, cũng là lúc hai bên giáp mặt, sẵn sàng bắn giết lẫn nhau. Những quả đạn 105 đầu tiên, bắn để thông nòng pháo bao giờ cũng rơi chung quanh ăng-ten các sở chỉ huy. Từ trong hố ngụy trang kỹ không sao nhìn thấy được, một khẩu súng máy địch đặt trên một đỉnh đồi nhả hai, ba loạt đạn vào một lính gác đãng trí trên cụm Eliane. Những đội nhặt dù trên bãi thả cũng là mục tiêu nhằm bắn của khẩu pháo 75 do Việt Minh thu được, tiếng nổ đầu nòng biết rõ ngay là pháo Nhật Bản.
        Mọi người đã có thói quen ăn cơm trưa từ sớm. Các bếp ăn của đơn vị tiểu đoàn đã ngừng hoạt động. Từng người tự nấu ăn lấy. Thông thường vẫn là gạo nấu thành cơm, trộn lẫn với thức ăn trong đồ hộp khẩu phần cá nhân.
        Bóng đêm ập xuống sau khi trận bắn phá cuối cùng chấm dứt vài phút. Những trận bắn pháo này thường bắt đầu lúc năm giờ chiều, kéo dài suốt một giờ, nhằm vào các vị trí pháo của Pháp. Trong bản báo cáo hồi 17 giờ 30 phút gửi về Hà Nội, đại úy Drouin, sĩ quan Ban 3 (tác chiến) thường viết: “Pháo bắn tập trung vào phân khu Trung tâm 1”. Các cứ điểm vành ngoài lập tức náu mình sau những lớp rào dây kẽm gai sau khi đã cử các tổ “báo động ban đêm” ra ngoài sục sạo phát hiện địch.
        Những tổ báo động này được gọi là những cái “chuông”. Mỗi chuông báo động gồm ít nhất ba người và một cái chăn. Khi bóng tối đã vừa đủ che khuất, họ luồn ra ngoài hàng rào rồi mò mẫm đi trong đêm tối, cố tranh thủ một quả đạn pháo vừa nổ hoặc một tia chớp để định hướng. Tiếp đó, họ chọn một bãi đất trống, một bụi cây, một hố đạn pháo, một cái rãnh, một góc bờ làm vị trí quan sát Họ ngồi nép sát vào nhau, cùng khoác chung một chiếc chăn, chỉ để một người luân phiên nghe ngóng, phát hiện những tiếng động nguy hiểm, mở to mắt nhìn những bóng đen khả nghi lay động trong ánh sáng của đàn đom đóm. Khi đôi tai đã nhức nhối vì nghe những bước chân của các tiểu đoàn địch hành quân, cặp mắt mỏi như vì quan sát những hình bóng vận chuyển, sắp nhíu lại, người gác thứ nhất liền đánh thức người thứ hai dậy rồi ngủ gục bên khẩu súng trường vẫn cầm chắc trong tay.
        Có nhiều cách báo động. Thông thường nhất là dùng dây điện thoại vừa đi vừa rải nối liền từ vị trí đặt “chuông” đến căn cứ ở phía sau. Đó là phương tiện bảo đảm bí mật nhất.
        Khi nào nói thì chùm chăn kín đầu, báo cáo về sở chỉ huy:
        - Chuông đặt ở núi Hói phát hiện có tiếng động khả nghi từ phía Tây Nam thung lũng. Đề nghị cử trinh sát đi thăm dò cách vị trí bốn trăm mét.
        Đôi khi, từ tiếng chuông báo về nghe thấy cả tiếng nổ của các loại vũ khí. Thông thường sự cố này xảy ra rất nhanh, chỉ có vài loạt đạn và một hoặc hai tiếng nổ của lựu đạn. Sĩ quan trực chiến liền báo cáo ngay với chỉ huy cứ điểm.
        Người ta không bao giờ cho quân đi cứu một tổ báo động. Nếu sớm hôm sau, tổ này trở về căn cứ thì càng tốt. Nếu không thì ghi trong báo cáo: “chuông báo động trên núi Hói bị mất tích”. Chuông đã làm tròn nhiệm vụ, đã kêu khi tiếp xúc với địch.
        Trong những ngày này, không điều gì có thể làm cho thế giới bên ngoài đoán được sự vây ép chậm chạp từng giờ đè nặng lên tập đoàn cứ điểm.
        Bóp nghẹt Điện Biên Phủ xuất phát từ nguyên tắc “tiến chắc, đánh chắc” của tướng Giáp.
        Mục đích của ông là dần dần tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tiến công. Để nhằm mục đích này ông đã áp dụng hai hình thức tác chiến khác nhau hoặc hai chiến thuật.
        Thứ nhất là, làm cho kẻ địch suy nhược bằng cách cản trở tiếp tế và cắt đứt mọi đường ra, vào.
        Thứ hai là, xiết chặt bao vây các cứ điểm bằng việc cấu trúc trận địa chiến hào cổ điển nhưng phát triển sáng tạo để có thể tiến sát các vị trí địch nhất.
        Chỗ yếu nhất của Điện Biên Phủ rõ ràng là đường băng sân bay, nơi tiếp nhận lương thực, đạn dược, thuốc men và cũng là con đường duy nhất có thể đưa lính bị thương về các bệnh viện Hà Nội cứu chữa. Từ ngày 13 tháng 3 tức là ngày Việt Minh đặt được những khẩu pháo 105 trong các hầm pháo khoét vào sườn núi, không một chiếc máy bay nào dám liều chết hạ cánh vì rất dễ tan xác. Tướng Giáp đã đánh vào cái dạ dầy mềm của Điện Biên Phủ.
        Trong những giờ đầu tiên của trận đánh, các máy bay vận tải đã từ chối hạ cánh. Những chiếc Dakota và C119 mới đầu thả dù xuống đám ruộng phía Đông con đường dẫn đi Isabelle (Hồng Cúm) rồi sau đó mới dám thả dù xuống thẳng trung tâm cứ điểm.
        Để bóp chết Điện Biên Phủ, dĩ nhiên Việt Minh phải tính đến chuyện ngăn chặn thả dù tiếp tế. Trung đoàn phòng không của Việt Minh tại Điện Biên Phủ có hàng trăm súng trọng liên 12,7 mm và pháo 37mm do Liên xô viện trợ có tầm bắn cao tới 3000 mét. Những cỗ pháo này được bố trí tại các vị trí xa tầm bắn của pháo binh chúng tôi, tại các hầm được ngụy trang kỹ vây quanh thung lũng lòng chảo. Ngay trong những ngày đầu tiên đã có một số máy bay bị bắn hạ, buộc các phi công phải bay cao hơn một cách thận trọng và do đó việc thả dù tiếp tế không thật chính xác, không rơi đúng các địa điểm ấn định. Trong giải đoạn cuối của chiến dịch, lực lượng phòng không của Việt Minh được tăng cường gấp bốn lần khi mới bắt đầu nổ súng.
        Nếu sự tăng viện được tiến hành bằng cách nhảy dù và thả các kiện hàng tiếp tế thì các binh lính bị thương lại không thể đi theo con đường đó được Máy bay có cánh cố định hoặc máy bay lên thẳng chỉ có thể hạ cánh được vài phút rồi lại phải bốc lên để kịp tránh đạn pháo của Việt Minh. Ngay từ những ngày đầu tiên vấn đề thương binh đã trở thành cực kỳ quan trọng.
        Từ ngày 19 tháng 3, Bộ tư lệnh không quân Đông Dương đã cho phép thử hạ cánh ban đêm xuống sân bay Điện Biên Phủ. Đêm hôm đó, thời tiết tốt, trời quang, trăng tròn soi rõ đường băng.
        Những chiếc Dakota tắt hết đèn để các pháo thủ cao xạ Việt Minh không nhìn thấy đã hạ cánh xuống sân bay được năm chuyến. Từ hôm đó, Bộ tư lệnh không quân quyết định, máy bay Dakota sẽ hạ cánh ban đêm, máy bay lên thẳng sẽ đáp xuống ban ngày tại sân bay Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, những đêm sau, nhiều chiếc Dakota vẫn bị bắn.
        Cao xạ Việt Minh đã dò theo tiếng động cơ của máy bay để nổ súng. Nhưng đến ngày 5 tháng 4 thì đường băng và sân bay đều bị phá hoại, không một hoại máy bay nào có thể đáp xuống được nữa.
        Trong khi đó, những công việc đào hào của Việt Minh vẫn tiếp tục. Việc bao vây cứ điểm không còn là chuyện gay go lắm nữa, bởi vì rừng và núi cũng đã là những chướng ngại vật thiên nhiên mà quân Pháp khó vượt qua được nếu tháo chạy. Còn việc đào hào là một phương thức chiến thuật tiến công phù hợp với những điều kiện của trận đánh.
        Hệ thống chiến hào của Việt Minh tại Điện Biên Phủ có tầm vóc rất đáng kể và ảnh hưởng của nó nhất định còn lớn hơn pháo binh. Để vô hiệu hoá hai chủ bài của Pháp là xe thiết giáp và máy bay, để tự bảo vệ chống lại xung lực và hoả lực, bộ binh Việt Minh từ lâu đã có thói quen náu mình trong những chiến hào.
        Tại Điện Biên Phủ có những hệ thống hào giao thông và hào tiếp cận cùng với những chiến hào xuất phát xung phong. Những chiến hào này, cùng với nhiều công sự khác đã trở thành một loại vũ khí tiến công, một loại công cụ tiến đánh các thành lũy từ thời Trung Cổ.
        Ngay trong quân đội Pháp những nguyên tắc đào hào bao vây được biên soạn từ trước năm 1911, tức trước khi bùng nổ chiến tranh thế giới thứ nhất, đã ghi rõ:
        1- Lấn dần trận địa, làm cho bên phòng ngự mất dần khả năng tăng viện về người và vật chất.
        2- Thiết lập, trước khi tiến công chính diện, một cụm pháo đủ mạnh để phá hủy hoặc tiêu diệt các phương tiện chiến đấu và các hầm trú ẩn của bên phòng ngự.
        3- Tuần tự nhịp theo sự phá hoại và hủy diệt bằng pháo binh đặt trong trận địa chiến hào, cho bộ binh tiến lên từng bước, mỗi bước tiến là một bước thiết lập các chiến hào ngày càng sát gần vị trí địch, để phòng thủ và bảo vệ lực lượng của mình.
        4- Sau khi đã hình thành thế trận vững chắc trên toàn trận địa tiến công, sẽ chuyển sang giải đoạn xung phong, tiến công quyết định.
        Hàng chục ngàn dân công đang được Việt Minh huy động để thiết lập mạng lưới chiến hào rộng lớn tại Điện Biên Phủ.
        Hai chiến hào lớn mà tướng Giáp gọi là “đường hào trục” từ phía Bắc tiến xuống, đã ôm lấy phân khu Trung tâm ở mặt Đông và Tây, đồng thời cô lập phân khu này với cụm cứ điểm Isabelle ở phía Nam.
        Trục thứ nhất tiến từ bản Him Lam dưới chân cứ điểm Béatrice. Một nhánh của trục hào giao thông này vượt qua sông Nậm Rốm đi về phía Dominique 4 và đường băng sân bay. Những nhánh nhỏ hơn, gọi là hào “chân rết” như rất nhiều chiếc với bạch tuộc từ chân đồi leo lên tận các cứ điểm đặt trên những điểm cao, ngược sườn núi lên đến tận đỉnh. Trong khi đó trục chính của giao thông hào tiếp tục lấn dần xuống phía Nam.
        Trục thứ hai tạo thành một đường cánh cung rộng trên những cánh đồng phía Tây rồi ngoặt xuống phía Nam tới khu Trung tâm và cụm cứ điểm Isabelle, và cũng toả nhiều với bạch tuộc ôm lấy các cụm cứ điểm Huguette và Claudine.
        Khoảng nửa đêm 21 rạng ngày 22 tháng 3, hai đường hào trục này của Việt Minh đã nối liền với nhau. Hồi 7 giờ 30 phút sáng 22 tháng 3, một đội tuần tiễu của Isabelle đã phát hiện thấy một nhánh đường hào ngăn cản đường tiến quân của Pháp từ cụm cứ điểm Isabelle tới bản Kho Lai.
        Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh lê dương được lệnh cử một lực lượng có ba xe tăng yểm trợ tiến ra lấp hào. Đường hào của Việt Minh rất vững chắc. Thêm một tiểu đoàn nữa cũng có xe tăng yểm trợ, được huy động tiến ra chặn địch ở phía Bắc. Một trận giao chiến giữa lính lê dương với bộ đội Việt Minh đã diễn ra suốt gần một ngày, mãi tới 16 giờ chiều mới chấm dứt.
        Nhưng đến sáng hôm sau và cả nhiều buổi sáng tiếp theo mỗi lần thức dậy lính trên đồn lại phát hiện thấy chiến hào Việt Minh đào trong đêm đang nhích lên các vị trí của mình. Pháo lại bắn, máy bay lại ném bom, xe tăng lại yểm trợ cho bộ binh tiến ra lấp hào.
        Mặc dù vậy, chiến hào cửa Việt Minh vẫn lấn dần, uy hiếp các vị trí Pháp nhất là ở mặt phía Tây. Có những đoạn hào chỉ cách trung tâm cứ điểm 1.500 mét, tại đó Việt Minh đã đào hầm hố để đặt súng phòng không được ngụy trang rất kỹ.
        Đây là những công sự kiên cố và bí mật, pháo binh và máy bay không thể nào tiêu diệt được. Đêm tối, từ những địa điểm này, cao xạ Việt Minh vẫn bắn lên những máy bay Pháp tới thả dù tăng viện cho Điện Biên Phủ.
        Ngày 27 tháng 3, Castries cho gọi Bigeard tới, ra lệnh:
        - Anh dẫn một tiểu đoàn lê dương và xe tăng yểm trợ. Tôi sẽ cho toàn bộ pháo binh chi viện và đề nghị Hà Nội cho máy bay ném bom ồ ạt. Tôi muốn anh sẽ tiêu diệt được các vị trí pháo cao xạ Việt Minh đang làm cho chúng ta không sống nổi.
        Hồi đó, Bruno Bigeard chưa nổi tiếng tới mức chỉ gọi tắt là B.B cũng được mọi người biết. Ông chưa được mời cùng ăn tiệc với các bộ trưởng, chưa có ảnh đăng trên trang bìa tờ Match, chưa qua Học viện chiến tranh, chưa nghĩ tới chuyện trở thành một vị tướng. Ông mới chỉ là một sĩ quan có uy tín được binh sĩ tuyệt đối phục tùng. Ông quyết định chỉ trong một nháy mắt, chỉ huy chỉ bằng một khẩu lệnh, lôi cuốn đơn vị chỉ do một cử chỉ. Nhận được lệnh của đại tá Castries, đại úy Bruno Bigeard lập tức chạy ngay về đơn vị.
        Đêm hôm đó, Bigeard triệu tập các sĩ quan chỉ huy, các tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng đại đội xe tăng, chỉ huy pháo binh và viên phi công điều hành mặt đất. Cuộc họp rất ngắn. Bigeard vẫn có thói quen chỉ nói những điểm thiết yếu.
        Ông truyền đạt lại những mệnh lệnh của cấp trên, lấy tay ra hiệu hoặc chỉ trên bản đồ.
        - Nhiệm vụ là: tiêu diệt các khẩu pháo cao xạ Việt Minh đặt ở bản Ong Pet và bản Nậm Bố. Địch có hầm hào vững chắc. Địa hình bằng phẳng. Tóm lại để diệt được địch, phải thọc sâu, tiến nhanh đằng sau lưới lửa pháo bắn yểm trợ như giã giờ.
        Vừa nói câu đó, Bigeard vừa nhìn viên chỉ huy pháo binh đang hí hoáy ghi chép. Bigeard nắm chặt tay đập xuống như kiểu thợ rèn đập búa, nhịp với câu “giã giò” rồi nói tiếp:
        - Vậy là, phải nã pháo cả gói. Không cần bắn lâu. Nhưng phải bắn dầy đặc. Anh hiểu không? Tốt. Lúc lui quân cũng bắn như thế. Tất cả sẽ theo lệnh tôi. Tiến thật nhanh theo sau đạn pháo và bom yểm trợ của máy bay. Mọi người đã rõ cả chứ? Bây giờ, nghe phân công: đại đội 6 đánh bản Nậm Bố, đại đội 8 đánh bản Ong Pet, tiểu đoàn dù lê dương làm dự bị chờ lệnh của tôi.
        Bigeard dùng ngón tay chỉ vào bản đồ: vị trí xuất phát, các đường tiến quân, mục tiêu tiến đánh, rồi kết luận:
        - Đúng 5 giờ rưỡi chuẩn bị xong. 6 giờ xuất phát. Còn ai hỏi gì không?
        Sáng sớm hôm sau giữa lúc tất cả các nòng pháo đều nhả đạn và máy bay cùng đến với mặt trời mọc trút bom xuống các trận địa tiến công, các trung úy lãng mạn dưới quyền chỉ huy của Bigeard dẫn các đại đội của mình bám sát hàng rào lửa bằng đạn pháo và bom. Sương mù, khói và bụi che lấp mục tiêu. Binh lính chỉ còn cách ước lượng theo tầm bắn phá. Để lấy đà xung phong, họ tính toán trước khoảng cách, máy điện đàm, sẵn sàng xông lên khi có lệnh. Bigeard lần lượt gọi tên từng đại đội trưởng, như muốn nắm chặt tay từng sĩ quan chỉ huy dưới quyền:
        - Hervé của Bruno. Còn hai phút nữa.
        - Bruno của Hervé? Sẵn sàng!
        Chiếc đồng hồ đeo tay chỉ đúng 6 giờ. Cuộc bắn phá ngừng bặt. Bigeard hô to:
        - Tiến lên.
        Tiếng hô xung phong được tất cả ngần ấy cái miệng hô theo.
        Các đơn vị dưới quyền chỉ huy của Bruno Bigeard đã phải mất bẩy hoặc tám giờ chiến đấu với địch. Khoảng sau buổi trưa, Bigeard ra lệnh rút lui.
        Các máy bay lại gầm rú bổ nhào xuống ném bom bắn phá các bản làng đã bị thiêu cháy, lính Pháp phải chạy về căn cứ, mang theo các đồng đội bị chết và những binh lính bị thương đang đau đớn.
        Buổi tối hôm đó, Hà Nội nhận được một điện báo khác thường. Castries báo cáo có tới “hàng ngàn” bộ đội Việt Minh bị chết, mười khẩu pháo cao xạ, mười lăm khẩu súng phòng không bị phá hủy.
        Cogny tiếp các nhà báo Joel le Tac và Michel Descamps là đặc phái viên của báo Match vào buổi chiều, cũng nhắc lại báo cáo của Castries là có “hàng ngàn” Việt Minh bị chết, nhưng cũng thừa nhận phía Pháp có hai mươi binh sĩ bị chết trận trong đó có hai trung úy Vigouroux và Jacob, tám mươi nhăm binh sĩ bị thương đang nằm chật các hầm cứu thương của trạm xá.
        Có điều, đúng trong lúc các đơn vị được cử đi tiến công đang phải rút chạy trở về thì chiếc máy bay cuối cùng có chở cô hộ lý Genevière de Galard đậu trên đường băng sân bay Điện Biên Phủ đã bị pháo Việt Minh bắn trúng, bốc cháy trên đường băng.
        Những ngày sau, pháo cao xạ Việt Minh vẫn tiếp tục hoạt động bắn lên các máy bay Pháp.

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 620

Return to top