Cuộc chiến đấu giành giật năm quả đồi
Ngày 1 tháng 4, cơ quan tình báo Pháp thu được bản tin của Đài Tiếng nói Việt nam:
“Năm giờ chiều nay ngày 30 tháng 3 các đơn vị Quân đội nhân dân có pháo binh và pháo phòng không yểm trợ đã mở đợt tiến công thứ hai vào hệ thống phòng ngự của Pháp tại Điện Biên Phủ. Hệ thống này gồm năm vị trí kiên cố được xây dựng trên năm quả đồi có nhiệm vụ bảo vệ cho sân bay và sở chỉ huy của địch”.
Tin về đợt tiến công này được truyền đi từ Điện Biên Phủ về Bộ chỉ huy tại Hà Nội vào sau giờ nghỉ trưa bằng một dòng khô khan: “Cuộc tiến công đã bắt đầu”. Bản tin được phổ biến tới các ban và một giờ sau được lan truyền trong quán bar Normandie. Một điện mật được gửi tới Tổng tư lệnh Sài Gòn. Tướng Navarre trả lời, đêm nay sẽ ra Hà Nội. Thời tiết xấu khiến cho không một chiếc máy bay nào có thể tới Điện Biên Phủ. Vả lại, cũng chẳng còn làm được gì để cứu Điện Biên Phủ. Chỉ còn một cách là chờ đợi.
Mười phút sau, lại có báo cáo, địch đã chiếm được quả đồi trọc và một đồi nữa nhỏ hơn có đặt cứ điểm Dominique 6. Từ ngày 13 tháng 3, sở chỉ huy Điện Biên Phủ sử dụng những vị trí này như đồn tiền tiêu ban ngày và đồn báo động ban đêm, vì vậy chỉ có những đơn vị nhỏ, nhẹ đóng giữ. Những đơn vị này đã được lệnh rút nếu địch đánh lớn.
Trên bản đồ theo dõi chiến sự hằng ngày, sĩ quan thường trực gạch xoá bằng một nét đen hai vị trí được tô bằng hình tròn màu xanh.
Tuyến phòng ngự mặt phía Đông đi qua năm quả đồi theo hình cánh cung trải dài từ Bắc xuống Nam trên có các cứ điểm Dominique 1 và 2, Eliane 1, 2, 4. Tiểu đoàn bộ binh Angiêri giữ cụm Dominique, tiểu đoàn bộ binh Ma-rốc giữ Eliane 1 và 2. Còn Eliane 4 là một vị trí mới thiết lập hơi lùi về phía sau, nằm giữa Eliane 1 và 2. Bottella và Bigeard đặt ban chỉ huy tại Eliane 4 cùng với các đại đội dự bị.
Trung tá Langlais, chỉ huy khu Trung tâm ngay trong ngày hôm đó đã tới kiểm tra tất cả các vị trí phòng ngự, chiếc mũ sắt chụp đến tận tai che khuất bộ mặt khô khan của ông. Trung tá đã leo lên tận đỉnh những cao điểm, đi dọc các chiến hào phòng ngự bên ngoài lớp rào kẽm gai, kiểm tra tận mặt góc bắn từ những lỗ châu mai, nhìn từng gương mặt những người lính như muốn thấy rõ từng trái tim và tâm hồn của họ. Lính Angiêri bảo vệ cứ điểm Dominique không tạo cho ông một cảm giác tin cậy nhiều lắm. Dù sao tiểu đoàn này cũng chưa có tai tiếng gì. Bộ tư lệnh từ Hà Nội đã đưa tiểu đoàn này lên Điện Biên Phủ như là “một trong số những đơn vị tốt nhất”. Hơn nữa, tướng Cogny không thể chỉ gửi cho Castries toàn lính lê dương và lính dù.
Langlais đã từng công tác ở Môritani. Ông không hiểu rõ người Angiêri lắm nhưng cũng biết nói đôi chút tiếng Arập Bắc Phi. Ông trao đổi vài câu với những người lính Angiêri. Họ cũng đáp lại bằng tiếng Arập Bắc Phi với một vẻ rất bình thản đôi mắt lạnh lùng chẳng nói lên điều gì cả.
Leo dốc lên cứ điểm Eliane 4, trung tá tiếp tục nghiền ngẫm sự lo ngại. Các chiến hào Việt Minh đã vươn tới sát các vị trí ở một cự ly có thể xung phong nhảy vào đồn, cuộc tiến công có thể xảy ra trong đêm nay hoặc đêm sau. Hơi thở dồn dập vì thấm mệt, trung tá rẽ vào hầm của Bottella và Bigeard nghỉ chân đôi chút. Nói chuyện với hai sĩ quan này ông cảm thấy thoải mái. Để chào mừng trung tá chỉ huy trưởng khu vực trung tâm tới thăm, Bottella dùng dao găm chọc thủng lon bia mời thượng cấp. Ba người lần lượt truyền tay nhau, uống chung mỗi người một ngụm. Uống chung như thế này có vẻ ngon hơn, men rượu làm ấm lòng người hơn, cũng như tình bạn vậy. Langlais nói:
- Tôi nghĩ rằng Dominique 2 có thể giữ vững. Vị trí này rất mạnh. Chỉ huy sát cánh với binh lính. Nhưng với hai đại đội đang trấn giữ Dominique 1, tôi không được yên tâm lắm. Vị trí này ở khá xa khu Trung tâm, hơi bị cô lập, cần phải tăng cường kịp thời…
Sau khi đã cạn lon bia, Bottella lập tức đưa thêm một đại đội tới Dominique 1. Trung tá Langlais tiếp tục tới Eliane 1. Hai đại đội thuộc tiểu đoàn lính Ma-rốc đang trấn giữ vị trí này đều là những binh sĩ thuộc loại chắc chắn. Sở chỉ huy tiểu đoàn đặt ở Eliane 2 (tức đồi A1). Đây là vị trí cuối cùng Langlais tới kiểm tra trong ngày. Đại úy Nicolas chỉ huy tiểu đoàn trấn giữ Eliane đặt cơ quan chỉ huy trong tầng hầm mái vòm của một cơ quan cai trị cũ. Dinh thự phía trên đã bị đổ nát, các nguyên vật liệu còn lại được sử dụng để xây lô cốt. Vị trí chỉ huy đặt ở đây rất tốt, có thể quan sát toàn bộ thung lũng.
Langlais hỏi:
- Tinh thần lính thế nào? Anh nghĩ rằng họ sẽ giữ vững chứ?
Nicolas là một đại úy trẻ nhưng lại là một sĩ quan chỉ huy lính Ma-rốc lâu năm, biết nói tiếng Ma-rốc, hiểu rõ từng người lính thuộc địa dưới quyền. Nicolas đáp:
- Báo cáo trung tá! Tinh thần người lính ở đơn vị tôi cũng hệt như tinh thần người chỉ huy. Ở bất cứ nơi nào nếu người chỉ huy không bị chết hoặc bị loại khỏi vòng chiến đấu thì người lính vẫn chiến đấu tốt. Nhưng nếu không có mặt người chỉ huy thì không thể đảm bảo.
Câu trả lời không đủ làm yên lòng trung tá Langlais. Bài học thời gian qua đã chứng minh chỉ vài phút chiến đấu đầu tiên các sĩ quan chỉ huy đã bị chết. Tình hình này đã xảy ra ở Béatrice, Gabrrielle, khu Trung tâm. Vì vậy, ông đã quyết định thay binh lính Ma-rốc đang trấn giữ ở đây bằng một đại đội lính dù lê dương số 1. Việc thay quân phải tiến hành từ từ, theo từng đợt, mỗi ngày thay dần một trung đội và tiến hành ngay trong ngày hôm đó.
Trung đội lính dù lê dương đầu tiên do Luciani chỉ huy tới vị trí tiếp quản vào đúng giữa buổi trưa nóng nực, đáng lẽ đó là giờ ngủ trưa. Họ được dẫn tới mỏm chiến hào phía Đông Nam cứ điểm Eliane 2 nơi công trình phòng ngự chưa được xây dựng tốt, lại là nơi ngoài cùng chạm trán sớm nhất với cuộc tiến công. Lính dù lê dương vội cầm lấy cuốc xẻng đào sâu thêm chiến hào, vừa đào vừa chửi bới lính Ma-rốc đã lao động “theo kiểu ả rập”. Vào khoảng 5 giờ chiều, giữa lúc lính lê dương còn đang lao động, chưa bật nổi tảng đá chắn ngang để đào hào thì pháo Việt Minh bắt đầu ập xuống tất cả bốn quả đồi ở vành ngoài và cả khu Trung tâm ở phía trong. Tất cả các vũ khí nặng của Việt Minh dường như đều được huy động vào cuộc bắn phá chuẩn bị này. Pháo và cối nện “giã giò” trên nóc hầm và phá hủy các lỗ châu mai lô cốt để hoàn thành việc bắn phá hoại chuẩn bị cho đợt xung phong.
Pháo bắn dồn dập làm cho lính bộ binh nép mình trong hầm trú ẩn vì sò hãi rồi lan nhanh thành một cơn hoảng loạn. Trời hãy còn sáng khi những binh lính Angiêri tại các cứ điểm Dominique 1, Dominique 2 và lính Ma-rốc tại các cứ điểm Eliane 1 bỏ vị trí tháo chạy một số giơ cao hai cánh tay lên trời khi giáp mặt với Việt Minh dưới làn đạn pháo. Nhiều người khác cố chạy về khu Trung tâm. Số còn lại chạy trốn vào trong những hầm ngầm dọc theo bờ sông Nậm Rốm và cả những hố chuột ven sông. Từ cứ điểm Dominique 1, trung úy Martinet thét to:
- Bắn vào những tên bỏ chạy?
Nhưng đã quá chậm để ngăn cản sự hoảng loạn. Hơn nữa bóng tối đã ập xuống nhanh trước khi Việt Minh kịp nhận ra lính trong đồn đang tháo chạy nên lập tức ra lệnh xung phong. Dưới sự chỉ huy của trung úy Martinet lúc đó chỉ còn những lính dù và số cán bộ chỉ huy hai đại đội lính thuộc địa Angiêri phải đương đầu với kẻ địch có số quân đông hơn gấp mười lần. Họ cố chống cự vài giờ nữa rồi cuối cùng hoàn toàn tan biến.
Lúc này, cứ điểm Eliane 2 (đặt trên đồi A1) đã phải chịu đựng pháo bắn suốt bốn giờ. Các công trình phòng ngự chung quanh cứ điểm đã bị hủy diệt hoặc đổ vỡ.
Ở mỏm phía Nam, trung đội thuộc tiểu đoàn dù lê dương số 1 không kịp chui xuống hầm trú ẩn đã bị thương vong gần hết, chỉ còn lại một hạ sĩ và sáu lính lê dương lành lặn. Đến 9 giờ tối, Nicod tới gặp họ. Anh nhìn dải thung lũng dưới chân đồi trọc. Những ánh đạn pháo sáng chiếu trên mặt đất một luồng ánh sáng nhợt nhạt. Có tới hàng ngàn bộ đội Việt Minh đang lặng lẽ leo lên sườn đồi.
Nicod nói to:
- Việt Minh đây này!
Lính lê dương lập tức rũ những lớp đất bám vào người, núp sau lỗ châu mai. Việc bắn pháo đột nhiên ngừng bặt.
Đơn vị lính Ma-rốc là mục tiêu bị thiệt hại nhiều nhất trong những đợt pháo bắn chuẩn bị.
Hầm của ban chỉ huy đại đội bị sập ngay trong những phút đầu tiên do một quả đạn pháo bắn trúng. Sự cố này đã trở thành quen thuộc. Nicod bị thương nhẹ, nhưng phó của anh là một trung úy đã chết trong hầm.
Trong những tình huống này, binh lính thường có thói quen túm tụm lại chung quanh vài hạ sĩ quan còn sống sót tạo ra những khoảng trống trong tuyến phòng ngự bị đứt khúc, không còn liên tục như trước. Việt Minh lợi dụng luôn những kẽ hở đó để tiến sâu vào bên trong cứ điểm.
Cần phải xiết chặt lại đội ngũ trước khi bị tiến công tràn ngập. Nicod ra lệnh cho các trung đội co cụm lại để tổ chức một tuyến phòng ngự mới chung quanh ban chỉ huy tiểu đoàn.
Khoảng gần 22 giờ thì Bộ tư lệnh ở Hà Nội nhận được điện báo tình hình từ Điện Biên Phủ gửi về. Lúc này, tướng Cogny hãy còn bận “dự tiệc chiêu đãi trong thành phố”, chưa trở về sở chỉ huy. Không ai biết sau đó tướng quân sẽ qua đêm ở đâu, cho nên mãi sáng hôm sau ban tham mưu mới đưa trình bản báo cáo tóm tắt: “Các cứ điểm Dominique 1,2 và 6 đều đã bị mất. Eiane 1 cũng bị đánh chiếm. Chỉ còn lại một phần Eliane 2 (tức đồi A1). Đang giao tranh tại trung tâm Huguette 7. Isabelle cũng bị bắn pháo nhưng không được tăng viện từ bên ngoài, khó khôi phục đuốc tình hình. Ký tên: Castries”.
Trong thành Hà Nội là nơi đặt cơ quan thông tin, tướng Bodet cùng với các sĩ quan tham mưu ngồi bàn luận giữa các thiết bị vô tuyến. Vắng mặt tướng Cogny là tư lệnh trưởng, họ không thể quyết định điều gì. Họ biết như vậy nhưng không ai muốn quay về phòng ngự mà cũng không muốn ngồi bị động, không làm việc gì trong cơ quan. Họ đành xúm xít chung quanh máy thu, nghe tin tức báo cáo từ Điện Biên Phủ như những người ngồi canh chừng bên cạnh một kẻ đang hấp hối, nghe từng tiếng đập trong tim, đón từng lời nói cuối cùng mà không còn hy vọng giúp được gì để cứu sống.
Khi đài thu tín hiệu bặt tiếng nói, chiếc môi dưới của tướng Bodet lại trễ xuống, rung lên vì lo ngại. Ông hút thuốc lá liên tục. Vốn là một viên tướng không quân đã từng chỉ huy những đội máy bay chiến đấu trên vòm trời nước Đức phát xít hồi chiến tranh thế giới 2, ông là một người nổi tiếng vì có “trái tim sắt đá”. Lính dù chào ông, không phải chỉ theo điều lệ mà còn do kính trọng. Thỉnh thoảng, tướng Bodet lại nhấc máy nói, liên lạc với trưởng phi cơ chiếc máy bay do thám đang lượn trên vùng trời đêm thung lũng lòng chảo:
- Thời tiết Điện Biên Phủ thế nào?
- Tầm nhìn số không! - Viên phi công trả lời bằng một giọng quen thuộc.
Trong thung lũng lòng chảo, bóng đêm dày đặc chỉ bị chọc thủng bởi các đốm lửa do đạn nổ hoặc các vệt sáng theo sau đường đạn bay. Trên nóc hầm sở chỉ huy của Langlais, chiếc bóng đèn điện để trần đang đưa theo dây treo, ánh sáng cũng rung động theo những nhịp sóng chấn động.
Không khí trong hầm nặng trĩu và nóng nực, mùi mồ hôi, cà phê rượu vang chen lẫn khói thuốc lá và bụi đất. Muốn nghe rõ điện thoại báo cáo tình hình, trung tá Langlais phải gào to trong máy, bảo người nói chuyện phải nói thật to.
Từ đầu máy bên ngoài, có tiếng thiếu tá Clémenon chỉ huy các cụm cứ điểm mang tên Huguette, đề nghị được nói chuyện trực tiếp với Pierre. (Pierre là tên thân mật của trung tá Langlais).
Pierre Langlais gào to:
- Tôi nghe đây!
- Huguette 7 đang bị tiến đánh. Việt Minh đã bám chân được ở mặt Bắc. Tôi cần một đại đội để phản kích.
- Mặc kệ cái Huguette của các anh! Các anh tự lo với mọi thứ anh có trong tay. Anh không biết là ở mặt phía Đông này, Việt Minh cũng đang đánh mạnh à?
Vẻ lo ngại mà Langlais muốn giấu đã bật ra, làm giọng nói của ông rung lên, ánh mắt sáng quắc thái độ vụt trở nên giận dữ và thô bạo. Điện Biên Phủ như đang chết đến nơi. Đã hai mươi phút rồi, cứ điểm Eliane 2 đặt trên đồi A1 không trả lời tín hiệu. Bản báo cáo cuối cùng nhận được từ lúc 23 giờ, trong đó Nicolas cho biết đang tập hợp số binh lính còn lại của tiểu đoàn để cố bảo vệ sở chỉ huy đặt trên đỉnh đồi. Việt Minh đã chiếm được sườn đồi đặt tên là Champs Elysées và đang tiếp tục tiến công.
Trong tình huống này không thể suy nghĩ đắn đo Langlais biết phải hành động gấp. Nhưng hành động như thế nào? Tăng cường phòng ngự cho cứ điểm thì đã quá muộn, mà phản kích thì lại quá sớm, ít nhất phải chờ đến lúc rạng đông mới có thể tiến hành. Các đường dây điện thoại đã bị đứt hết. Langlais dùng máy vô tuyến điện gọi về ban chỉ huy cụm pháo binh:
- Pierre đích thân nói đây. Tập trung tất cả các loại pháo, bắn mạnh lên đỉnh đồi nơi đặt sở chỉ huy của Eliane 2 nhằm ngăn chặn Việt Minh, không cho chiếm đỉnh đồi để đến sáng chúng tôi tổ chức phản kích.
Từ cứ điểm Eliane 4, Bigeard đang ngồi xổm trong hầm đặt máy thu - phát, cằm tựa vào đầu gối phủ đầy đất. Một tai, Bigeard theo dõi tình hình chiến sự đang diễn ra trên đồi A1 nơi đặt vị trí Eliane 2. Một tai khác, ông nghe mệnh lệnh truyền đi từ sở chỉ huy của Langlais. Sau khi nghe thấy Langlais hạ lệnh cho pháo binh, Bigeard vội nói chen:
- Đừng cho lệnh bắn! Bruno nói đây! Nicolas vẫn đang cố giữ. Nếu ông không nghe thấy Nicolas nói thì có nghĩa là máy của ông bị trục trặc đấy. Nhưng Nicolas không tự lực cầm cự được tới sáng đâu. Tôi sẽ đưa ngay một đại đội của tôi sang tăng viện cho Eliane 2.
Lúc này là nửa đêm, giữa ngày 30 và 31. Số phận năm quả đồi phía đông đang được xoay chuyển. Cách đây vài phút Langlais đã báo cáo với Castries: “Một nửa Eliane 2 đã bị chiếm!”. Nhưng Luciani đã kịp đưa một đại đội tới. Luciani vội gọi điện cho Bigeard: “Một nửa Eliane 2 vẫn còn”.
Đúng nửa đêm, các đội lính Ma-rốc, lính dù, lính lê dương tổ chức phản công. Khoảng một giờ sáng thì giành lại được đỉnh đồi A1.
Khi mặt trời mọc cũng là lúc tại sở chỉ huy, Castries, Pazzis, Langlais và Bigeard nhanh chóng điểm lại tình hình. Tất cả bốn người đều gầy yếu, mệt nhọc, bẩn thỉu. Họ hiểu rằng chỉ còn có thể dựa vào lực lượng tại chỗ. Cho tới hết ngày hôm qua tức là từ lúc có sự tháo chạy của đám lính thuộc địa tình hình chưa trầm trọng thêm. Nhưng vẫn phải hành động gấp, phải tận dụng ban ngày là thời gian có máy bay yểm trợ để chiếm lại Eliane 2, củng cố Eliane 1 và Domimque 2.
Castries lệnh cho Lalande cố thực hiện một cuộc xuất kích để giải toả Eliane 2. Tiểu đoàn lê dương số 3 được ba xe tăng yểm trợ lập tức hành quân từ lúc rạng đông, đi dọc theo đường cái tiến về phía đồi A1 cách đó chừng sáu kilômét. Đến 9 giờ sáng thì đơn vị này vấp phải các chiến hào Việt Minh.
Lalande nghĩ rằng việc phá hủy san lấp các chiến hào có thể mang lại tổn thất cho binh lính của mình nên đã không tiến quân nữa. Trong khi đó, Bigeard cũng chỉ huy ba đại đội của mình, cùng với một tiểu đoàn của Tourret và các xe tăng còn sử dụng được, tiến lên giải vây cho Eliane 1 và Dominique 2. Castries động viên Bigeard:
- Cố đi tới đích! Hà Nội đã hứa sẽ tăng viện cho chúng ta. Có thể ngay trong ngày hôm nay, đơn vị của Bréchignac sẽ nhảy xuống trước khi trời tối. Ngày mai ta có thể có thêm một tiểu đoàn dù.
Cuộc phản kích ngày 31 tháng 3 được bắt đầu lúc gần buổi trưa, dưới trời nắng gắt. Bigeard chỉ huy cánh quân xuất phát từ Eliane 4 có nhiệm vụ giành lại Eliane 1 là cao điểm đang che khuất chân trời và khống chế Eliane 4. Suốt đêm qua, các súng cối của Bigeard đã dội lên đỉnh đồi, ngăn Việt Minh chiếm lĩnh. Tourret được trao nhiệm vụ lớn hơn. Với bốn đại đội trong tay, Tourret phải chiếm lại Dominique 2 đặt trên mỏm cao 505 mét, và dự định sẽ bắt đầu xung phong khi tới mỏm Yên Ngựa với độ cao 150 mét.
Đến ba giờ chiều, Bigeard gọi điện báo cáo với Castries:
- Chúng tôi đã chiếm được gần hết Eliane 1. Tourret đang đặt chân lên Dominique 2. Nhưng cần phải có thêm lực lượng dự trữ để có thể chiếm giữ được tất cả các vị trí này trước khi trời tối. Ông có tin gì về Bréchignac không?
- Hà Nội chưa báo tin gì cả. Chẳng biết hiện nay cái đơn vị dù của Bréchignac đang làm gì. Tuy nhiên, hôm nay đẹp trời…
Có tiếng Tourret gọi về:
- Chúng tôi đã chiếm lại được một nửa cứ điểm. Việt Minh liên tục tiến công. Địch có tới một trung đoàn. Cuộc giao tranh trên đỉnh đồi rất khủng khiếp. Pichelin đã tử trận. Tôi không thể giữ được nếu không có lực lượng tăng viện.
Bigeard ngước mắt nhìn trời. Từ tít trên cao, trên cả tầm bắn của pháo phòng không, những chiếc máy bay C 119 đang lượn vòng. Nhưng không phải để thả dù tiểu đoàn tăng viện của Bréchignac mà là thả các nhu yếu phẩm. Đây là lần đầu tiên thử nghiệm một phương pháp mới: để cho rơi tự do cách mặt đất khoảng 300 mét mới tự động mở dù. Nhưng có một nửa số kiện hàng rơi xuống đất vỡ tan vì dù chậm mở, hoặc là dù tự động mở quá sớm bị gió đánh dạt sang trận địa của Việt Minh.
Bigeard đành trả lời Tourret:
- Tôi chẳng còn lực lượng dự trữ nào để gửi sang cho anh hết. Nếu không giữ được thì rút.
Tại Eliane 1 là chính nơi Bigeard đang chống giữ, các đại đội cũng phải chiến đấu trong hoàn cảnh không hơn gì Dominique 2 của Tourret. Sau hai mươi giờ bị ném bom và nã pháo liên tục, trận địa đã hoàn toàn bị phá hủy. Đạn pháo của cả hai bên lẫn lộn với nhau như những xác chết chồng chất lên nhau trên đất đỉnh đồi bị cháy đen. Tuy vậy Bigeard vẫn cố ráng cầm cự thêm vài giờ để mong chờ viện binh của Bréchignac.
Trước khi nổ ra cuộc chiến tại Điện Biên Phủ, Bigeard vẫn thường ít nhiều tỏ vẻ trịch thượng, hơi coi thường Bréchignac. Là người muốn giữ vai trò đứng đầu, Bigeard coi Bréchignac là đối thủ cạnh tranh sát nút của mình. Trước khi lên đường đi Điện Biên Phủ, Bigeard đã viết vội mấy dòng gửi Bréchignac, đúng một giờ trước khi nhảy dù: “Mình sẽ đi làm nhiệm vụ hy sinh, chẳng biết có trở về được không. Mình trao lại cho cậu ngọn đuốc của binh đoàn dù”.
Bréchignac, vốn là người khiêm tốn, có lẽ đã mỉm cười trước thái độ bi kịch của Bigeard. Nhưng dù sao anh cũng xúc động và anh đã nhặt ngọn đuốc không bao giờ có mà Bigeard đã tưởng tượng để làm vui lòng bạn.
Đã mười sáu giờ. Vào thời điểm này khó lòng hy vọng máy bay sẽ tới thả dù. Tối nay Bréchignac sẽ không tới. Cũng chẳng cần chiến đấu vô ích để giữ Eliane trong đêm nay trong khi không thể giữ nổi với những đại đội thiếu hụt quân số vì bị thương vong quá nhiều. Tourret đã rút khỏi Dominique.
Bigeard cũng ra lệnh rút khỏi Eliane, sau đó báo cáo với phân khu Trung tâm. Lúc này, Langlais cũng đang kiệt sức. Ông đang chờ quân tăng viện nhưng hiểu rằng các phi công không bao giờ dám cho nhảy dù giữa ban ngày. Ông không thể nghĩ các phi công đã làm sai mặc dù họ bị nhiều người to giọng chửi rủa. Hà Nội cho biết, nếu đêm nay thời tiết tốt sẽ cho tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn dù thuộc địa số 1 nhảy xuống Điện Biên Phủ.
Tinh thần Langlais chưa giảm sút, vẫn rắn như cao nguyên sỏi đá nơi sinh ra ông. Nhưng đôi khi sự chán nản cũng bộc lộ qua vẻ mệt mỏi căng thẳng thần kinh của ông. Ông quát tháo rồi lại ôm hôn chẳng theo một quy luật nào. Suốt ba mươi sáu giờ không nghỉ, ông đã mắng nhiếc những kẻ trù trừ, tạo đà cho những người dè dặt, quát tháo những bọn hèn nhát. Khi được tin Eliane 1 bị mất, ông đã có lúc nản lòng, nhất là Ban 2 (Cục tình báo quân sự) ở Hà Nội lại cho biết, có thể đêm nay Việt Minh sẽ tổng tiến công. Langlais gọi điện trả lời Bigeard:
- Tôi để cho anh tự suy nghĩ và quyết định. Nếu anh thấy không có khả năng cố thủ thì cứ việc rút về bên kia sông. Anh có thẩm quyền cho rút tất cả các vị trí ở phía Đông.
Bị chạm nọc, Bigeard vùng lên:
- Báo cáo đại tá. Chừng nào còn một người, tôi sẽ không rời bỏ Eliane.
Như vậy là dự định rút khỏi Eliane đã bị chính Bigeard tự xoá bỏ.
Đêm 31 tháng 3 rạng ngày 1 tháng 4 là đêm thứ hai trôi đi rất chậm.
Vào lúc sẩm tối, một trung đoàn của sư đoàn 316 ra lệnh xung phong lên đồi A1 nơi đặt cứ điểm Eliane 2. Cũng như đêm trước, đợt tiến công đầu tiên nhằm vào mỏm Yên Ngựa mà Pháp gọi là Champs Elysées.
Nhưng cũng như đêm trước, lực lượng tiến công này mặc dù rất mạnh vẫn không chiếm được đỉnh đồi do lính lê dương chống giữ dưới sự chỉ huy của Luciani.
Cùng trong lúc đó, sư đoàn 312 lại tiến công Huguette 7, một cứ điểm được xây dựng trên một mô đất tròn như bộ ngực thiếu nữ đột khởi giữa đám ruộng. Các công trình phòng ngự được bố trí rất cân đối theo một hình ngôi sao có ba góc cạnh, chính giữa là vị trí chỉ huy. Trấn giữ cứ điểm này là đại đội 1 thuộc tiểu đoàn lính dù số 5, từ ngày 28 tháng 3 được đạt dưới sự chỉ huy của đại úy Bizard được cử tới thay trung úy Roudeau bị thương nặng.
Bizard là một sĩ quan tự nguyện xung phong lên Điện Biên Phủ và đã trải qua bảy năm chiến tranh. Ông xuất thân là một kỵ binh, thường ngồi trên yên ngựa, nhưng lại có cặp giò của bộ binh không thích hợp lắm với đôi ủng có gắn khoá thúc ngựa. Ông có thể chiến đấu thành thạo trong bùn lầy, đi bộ, cũng như ngồi trên xe bọc thép và nếu có cơ hội, ông không ngần ngại nhảy ngay lên mình ngựa để tác chiến. Ông đã được khen thưởng mười ba lần, có vóc dáng lực sĩ như một thiên thần Hy Lạp nhưng lại bẽn lẽn như một trinh nữ. Ông run rẩy trước một người đàn bà nhưng dám chọi nhau với một sư đoàn Việt Minh mà trong tay chỉ có tám mươi binh lính.
Buổi tối 31 tháng 3, Bizard ngồi một mình trong hầm chỉ huy đã đổ sụp một nửa. Hôm trước, phó của Bizard là thiếu úy Thelot đã tử trận vào lúc năm giờ rưỡi chiều bởi một viên đạn pháo 57 bắn thẳng vào vị trí chiến đấu của mình, cũng trong đêm trước, quân Việt đã đánh sâu được vào vị trí phòng ngự của một trung đội do trung sĩ Tournayre chỉ huy ở mặt Bắc. Viên trung sĩ cứng đầu cứng cổ này không chịu rút lui đã chiến đấu với địch suốt một đêm. Dù sao các công trình phòng ngự của Tournayre đã bị tan nát. Trong khi đó, Huguette 7 chờ suốt ngày cũng không có tăng viện, còn các cứ điểm Eliane thì cũng đã ngốn hết tất cả các lực lượng dự bị. Nhưng ngược lại, sư đoàn 312 vẫn không chọc được cửa mở qua những lớp rào dây thép gai để chiếm lấy các lô cốt bên trong dù đã liên tục không ngừng bắn súng cối vào đó.
Vào lúc gần tới đêm, đại úy Bizard quyết định cho rút các vị trí ở mặt Bắc cứ điểm và cả vị trí trung tâm. Cùng với số binh lính còn lại, ông tiếp tục chiến đấu tại hai vị trí cố thủ khác.
Việt Minh cũng không muốn mạo hiểm. Bộ đội Việt bắn pháo chuẩn bị nhiều giờ liền, tập trung vào từng thước đất, hủy diệt các vị trí đã rút bỏ. Đến mãi 11 giờ đêm Việt Minh mới tiến hành xung phong, một việc đã chấp nhận rất lâu, rất kỹ, nhưng đã rơi vào khoảng đất trống rỗng. Các đại đội, rồi đến toàn tiểu đoàn tập trung trên một phạm vi hẹp của vị trí.
Đây là một khu đất lồi không còn lại một hầm trú ẩn nào và đã bị pháo binh Pháp có chuẩn bị tính toán trước, bắn rất trúng.
Bizard vẫn không động đậy. Mãi tới rạng đông, ông mới ra lệnh phản kích, giành lại các vị trí đã mất.
Ngày 1 tháng 4 có một mùi vị chua chát đối với các binh sĩ ở Điện Biên Phủ. Vòm trời vẩn đục. Những đám mây chứa đầy hơi nước lững lờ trôi trước mặt trời. Không một lực lượng tăng viện nào được nhảy xuống Điện Biên Phủ trong đêm đó.
Trên đồi A1, ba đại đội dù trong cứ điểm Eliane 2 chiến đấu suốt ba mươi sáu giờ không nghỉ. Tất cả đều kiệt sức nhưng Luciani nghĩ rằng Việt Minh cũng đã thấm mệt. Vì vậy, anh đã tổ chức phản kích và báo cáo với Bigeard vào buổi trưa:
- Chúng tôi vẫn có thể giành lại được toàn bộ quả đồi này nhưng với điều kiện là phải được tăng cường thêm một đại đội mới toanh.
- Tôi chẳng còn gì cả. Hãy dè sẻn lực lượng.
Bigeard hiểu, các lực lượng tăng viện chỉ có thể nhảy dù vào giữa trưa. Vậy thì phải cố giữ, dù chỉ còn lại một người vẫn cố giữ như đã nói với Langlais.
Trong tập đoàn cứ điểm, không còn một lực lượng dự trữ nào đúng với cái tên “dự trữ”. Mọi đơn vị phải tự xoay sở để có được những lực lượng cứu ứng cho nhau khi cần thiết.
Tại cứ điểm Huguette 7 trung úy Spozio tới thay đại úy Bizard chỉ huy một đại đội xung kích gồm lính lê dương, lính Angiêri từ Béatrice sống sót trở về và lính Thái đào ngũ đã thu gom được.
Đêm thứ ba, Việt Minh giành được một thắng lợi: Huguette 7 bị đánh chiếm lúc 4 giờ sáng. Cụm cứ điểm được xây dựng cân đối theo hình học này biến thành mảnh đất tan hoang lộn xộn.
Nhưng Eliane 2 vẫn giữ vững.
Trong đêm, hai trung đội thuộc trung đoàn nhảy dù thuộc địa đã nhảy xuống được khu vực sân bay. Hai trung đội có nghĩa là một nửa đại đội. Một lực lượng tăng viện không đáng kể chống lại ba mươi nghìn quân Việt Minh đang tiến đánh. Nhưng các binh lính của Bréchignac là những quân nhân có tư cách. Họ đến đây không phải để bị đánh bại.
Đêm thứ tư Việt Minh tiếp tục tiến công Eliane 2 nhưng vẫn không tiến thêm được một mét.
Tại mặt phía Tây, Việt Minh tăng cường lực lượng tiến đánh Huguette 6 là một cứ điểm ngay đầu đường băng, như một dấu chấm trên chữ “i”.
Trung úy Rastouille cùng một trăm lính lê dương trấn giữ cứ điểm này. Họ đã tới đây từ mười lăm ngày nay và ngày nào cũng phải ra lấp những chiến hào Việt Minh đào lấn chỉ cách vị trí của họ có ba mươi mét, vào lúc hết đêm, mười hai lính lê dương trong cứ điểm đã chọc thủng một đoạn hàng rào dây kẽm gai để đào ngũ.
Bắt đầu bước sang ngày thứ năm của cuộc tiến công giải đoạn 2, tức là đêm mùng 3 rạng ngày 4 tháng 4. Pháo Việt Minh tới tấp nã xuống Huguette 6. Đến 8 giờ tối, bộ phận đi đầu của một tiểu đoàn địch đã vào được trung tâm cứ điểm bằng đoạn rào dây thép gai đã bị lính lê dương đào ngũ cắt đứt.
Castries gọi dây nói cho Langlais. Vị đại tá dòng dõi quý tộc Christian De Castries không quát to bao giờ. Bao giờ ông cũng nói bằng một giọng đều đều, cố giữ một thái độ từ tốn nào đó trong lời lẽ. Langlais, Bottella, Tourret, nhóm sĩ quan chỉ huy các đơn vị lính thuộc địa cảm thấy đây là vẻ giả tạo không thích hợp. Bigeard tán thành các chiến hữu của mình nhưng trong thâm tâm vẫn ngưỡng mộ Castries một cách kín đáo.
Langlais cố nén thần kinh căng thẳng, nghe đại tá chỉ huy Castries nói.
- Langlais, anh nghe tôi nói đấy chứ? Rõ, hả? Chúng ta không thể để mất Huguette được. Anh cũng hiểu rõ rồi chứ gì. Để mất Huguette có nghĩa là mất luôn một phần ba đường băng sân bay, có khi cả một nửa sân bay, là bãi thả dù duy nhất hiện nay để chúng ta nhận được tăng viện… Anh nghe tôi nói đấy chứ? Vậy thì anh bạn ơi, anh phải làm một cái gì đó để cứu Huguette trước khi trời sáng.
Langlais đặt máy xuống không trả lời.
Đã bốn ngày nay, ông chờ đợi tiểu đoàn tăng viện. Đó cũng là bốn ngày liên tục chiến đấu. Ngày thứ nhất, đáng lẽ viện binh đã phải nhảy dù xuống bãi thả dù, trên cánh đồng phía Nam dãy đồi có cụm cứ điểm Eliane, nhưng Việt Minh đã tới sát, pháo mặt đất và pháo phòng không Việt Minh làm cho kế hoạch nhảy dù không thực hiện được. Phải tìm các biện pháp khác. Bộ chỉ huy tại Hà Nội đã chấp nhận phương án nhảy dù đêm xuống sân bay.
Đó là một bãi nhảy dù khá tốt. Mặc dù hẹp, nhưng chiều dài của đường băng có thể vừa đủ để nhảy xuống, miễn là vẫn giữ được Huguette 6 là điểm tựa ở đầu phía Bắc đường băng.
Đêm hôm trước, các phi công đã thả dù lần đầu tiên các kiện hàng xuống đường băng cho tới khi các pháo sáng làm loá mắt không thể thả dù tiếp tục được. Nếu đêm nay mất Huguette 6, có nghĩa là mất thêm một phần sân bay. Đến lúc đó thì ngay việc thả các kiện hàng cũng rất khó thực hiện, chưa nói gì đến nhảy dù.
Huguette 6 vẫn còn trả lời được và cho biết chỉ còn lại khoảng từ sáu mươi đến tám mươi binh lính lê dương đang chiến đấu chung quanh ban chỉ huy đứng đầu vẫn là Rastouille. Họ còn có thể cầm cự được từ hai đến ba giờ nữa. Langlais phải quyết định gấp. Ông thử tiến hành một cuộc phản kích ngay trong đêm.
Lúc này chỉ còn có tiểu đoàn 8 lính dù thuộc địa với 394 binh lính do Tourret chỉ huy là một vị trí phòng ngự mới được xây dựng sau ngày 13 tháng 3 năm 1954, còn có thể sử dụng được đơn vị này vì các đơn vị khác đều đang phải chiến đấu. Hơn nữa, Epervier lại gần mục tiêu phản kích. Khoảng 9 giờ tối, đại úy Desmont nhận được lệnh đi giải vây cho Huguette 6.
Mặc dù đây là một mệnh lệnh “ngu xuẩn”, nhưng Desmont cũng đã có lần thoáng nghĩ tới. Cách đây chưa được nửa tháng, chính Langlais cho rằng việc phản kích tiến hành vào ban đêm là không thể nào thực hiện được. Thế mà bây giờ lại định tổ chức cuộc phản kích giữa đêm tối với một đại đội và hai xe tăng.
Nhưng không phải là lúc bàn cãi mà phải thực hiện ngay. Desmont cần phải dẫn đơn vị vượt một quãng đường khoảng hai kilômét. Dưới ánh pháo sáng, hai chiếc xe tăng bắn vào những bóng đen được cho là bộ đội Việt Minh. Trong khi đó, Langlais liên lạc bằng máy vô tuyến với những chiếc Dakota đang lượn vòng tròn chuẩn bị để lính dù của Bréchignac nhảy xuống. Đêm hôm trước chính những chiếc máy bay chở đầy quân này đã phải quay trở về căn cứ bởi vì bãi nhảy bị chiếu sáng khi đồn Huguette 7 đang bị tiến công. Trưởng phi cơ nói:
- Không thể nhảy xuống đường băng sân bay được chừng nào sân bay còn bị chiếu sáng.
- Nhưng tôi cũng không thể nào ngừng cuộc phản kích được. Nếu không nhảy xuống sân bay được thì cho lính nhảy xuống khu Trung tâm.
- Nhưng ở đó không có bãi nhảy đúng tiêu chuẩn.
- Mẹ kiếp! Cứ nhảy xuống. Tôi sẽ chịu trách nhiệm. - Langlais trả lời.
Tại cuộc hội ý tại Hà Nội, đại tá Sauvagnac giải thích cho đại úy Clédic rõ, ông phải nhảy thẳng xuống đường băng sân bay. Nguyên tắc theo hướng Nam - Nam - Đông để vào phân khu Trung tâm tìm gặp sở chỉ huy.
Đúng nửa đêm, đại úy rơi vào một khu vực lổn nhổn công sự và chiến hào. Chỉ cách ông vài mét, một cỗ trọng liên bốn nòng đang chĩa lên trời. Chung quanh, những đạn pháo nổ tung ra những cụm lửa đỏ xen lẫn với màu nhợt nhạt của pháo sáng.
Clédic đã tới được Điện Biên Phủ. Nhưng đang ở đâu?
Đại úy đảo mắt nghi ngờ nhìn chung quanh, lục lọi trong hành trang lấy ra một khẩu súng ngắn, rồi nằm im trên mặt đất lắng tai nghe những tiếng động của người và tiếng nổ của đạn pháo.
Có một tiếng gọi như từ lòng đất vọt ra:
- Này! Lại đây.
Clédic chỉ rơi cách hầm chỉ huy của Castries khoảng một trăm mét và coi như vừa mới khánh thành một bãi nhảy dù mới toanh. Cho tới ngày hôm đó, bãi nhảy dù vẫn được quy định là một mảnh đất có sẵn kích thước, trên mặt phủ ít nhiều loại cỏ mềm. Những bãi tập nhảy dù ở vùng núi Pyrénées bên Pháp thường trồng toàn cỏ dày hoặc những loại cỏ mềm. Còn bãi đất Clédic vừa nhảy xuống lại là một mảnh đất mơ hồ không biết rõ lổn nhổn chiến hào, hầm hố, lởm chởm nhiều cọc nhọn giữa những lớp hàng rào dây thép gai.
Gặp Clédic, Langlais hỏi ngay:
- Có nhiều quân không?
- Toàn bộ một đại đội của tôi.
Thế là Langlais, một người lính bộ binh già và là người lính dù trẻ, phá ra cười. Langlais cười viên chỉ huy của mình là đại tá Sauvagnac, một sĩ quan dù vĩ đại nhưng lại là một lính bộ nhỏ bé.
Đêm nay, Langlais là một người sung sướng. Ba trăm mười hai lính dù đã tới mà không cần phải chọn kỹ bãi nhảy, cũng không cần phải thạo nhảy dù. Chỉ cần đưa người lên máy bay rồi nhảy xuống.
Ông đề nghị Hà Nội kêu gọi thêm những người tình nguyện, dù biết hay chưa biết nhảy dù cũng không quan trọng. Có thêm lính chiến đấu, Điện Biên Phủ sẽ giữ vững.
Đúng lúc đó, Bréchignac cũng lần mò tìm được lối vào sở chỉ huy. Langlais lại phá ra cười khi nhìn thấy Bréchignac… cởi truồng. Đại úy đã rơi đúng vào lớp hàng rào dây thép gai. Trong đêm tối, ông không tài nào gỡ ra được đành phải tụt quần bỏ lại đó.
Mặt trời đã mọc. Vòm trời đã hửng sáng, không khí nhẹ nhàng như thời tiết tháng 8 ở bên Pháp. Lính dù thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn dù thuộc địa số 1 đi theo hàng một tiến lên dãy đồi Eliane. Bộ đồ ngụy trang ra trận chỉnh tề, vũ khí lau chùi sạch sẽ. Toàn đội cùng chung một kiểu đi giống như người chỉ huy, tức là bước chân dài, hơi nặng, tiết kiệm, toả ra một niềm tin bình thản.
Khoảng 5 giờ sáng Việt Minh tự rút khỏi bãi Champs Elysées ở phía trước Eliane 2 sau một đợt tiến công kéo dài một trăm giờ.
Đêm 4 rạng ngày 5 tháng 4 là đêm thứ sáu của cuộc tiến công giải đoạn hai.
Trong khi rút khỏi Eliane 2, địch tập trung tiến công Huguette 6. Việt Minh quyết tâm đánh bật cái nút chai trên đầu đường băng. Sư đoàn 312 được yểm trợ bằng tất cả các khẩu pháo 105 và một đại đội cối 120 mm, huy động tới bốn tiểu đoàn bộ binh cùng với một tiểu đoàn pháo hạng nặng.
Trước mặt sư đoàn 312 là một trăm lính lê dương số 2 vừa tới thay đơn vị của trung úy Francois, nhưng trung úy Rastouille chưa đi mà vẫn còn ở lại cứ điểm để bàn giao.
Pháo chuẩn bị của Việt Minh kéo dài năm tiếng đồng hồ. Trước nửa đêm, các tiểu đoàn Việt Minh đã lọt được vào cứ điểm qua đoạn hàng rào kẽm gai đã bị bọn lính đào ngũ cắt đứt. Lính lê dương lùi vào phía trong.
Tình thế trở lại gần giống như đêm trước.
Huguette sắp bị mất đến nơi. Langlais lại lập tức quyết định phản kích.
Trung úy Bailly thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 được báo động đầu tiên. Cũng như Desmont đêm trước, Bailly đêm nay lại dẫn toàn đại đội chạy dọc theo đường băng tiến về phía địch.
Nhưng lần nay, Việt Minh đã sử dụng toàn bộ một tiểu đoàn ở cánh trái. Một trăm năm mươi lính của Bailly phải chống với một số quân đông hơn rất nhiều. Cho tới khi trời sáng hẳn thì chỉ còn có hai mươi lính dù trụ lại chung quanh trung úy Bailly. Họ được phép rút khỏi vị trí chiến đấu.
Tại Eliane 2, Clédic ngủ từ sáng sớm trong hầm trú ẩn. Đến quá nửa đêm thì người lính gác điện thoại lay ông dậy. Bréchignac gọi Clédic.
- Huguette đã bị đánh. Anh dẫn quân chi viện. Biết đường chứ?
Đại úy Clédic không biết rõ đường lắm. Nhưng ông thường đứng trên đỉnh đồi A1 nơi đặt cứ điểm Eliane 2 nhìn bao quát chung quanh nên biết rõ các khu vực lân cận. Ông dẫn đầu đơn vị đi xuống núi. Đoàn quân xếp thành hàng dọc đi theo ông từng bước tiến về hướng Bắc vượt khúc sông nằm giữa Dominique 3 và Epervier rồi đi đến tận đường ống thoát nước. Phía trước mặt, đàn đom đóm đang lờ mờ soi sáng đường bằng sân bay như một dải băng tráng bạc của tử thần đã từng bị bắn phá nhiều lần bằng mọi hoả lực. Bailly ở phía tay phải phát tín hiệu đường đã bị chặn.
Clédic quyết định cho đơn vị tiến vọt qua đường băng xông thẳng về phía trước. Ông không biết rõ mình đang ở chỗ nào, chỉ biết đang tiến trước họng súng. Phía trước là cả một đại đội Việt đang hướng về phía Nam đối mặt với đơn vị của Clédic vừa xộc tới. Dù sao cũng không chậm trễ. Đã ba giờ sáng, Clédic đã đến con đường ngoằn ngoèo ở mặt Nam Huguette. Chỉ còn khoảng hai mươi lính lê dương trụ lại chung quanh trung úy Legros, náu mình trong những hố hào ở phía Nam cứ điểm. Quân Việt Minh kiểm soát hầu hết trận địa. Clédic hỏi:
- Quân Việt bố trí ở những đâu?
- Một trung đội ở bên phải. Một trung đội ở bên trái. Anh quét giúp chúng tôi đường hào chung quanh.
Lúc này, có vẻ như phía Việt Minh cũng cảm thấy không thể tiếp tục tiến thêm. Tiểu đoàn thứ tư, tiểu đoàn dự bị được tung vào chiến đấu. Clédic đã chọi nhau với tiểu đoàn này.
Tình thế rất gay, nhưng dù sao trời cũng đã sáng rõ. Pháo binh có thể bắn trả một cách chính xác Máy bay cũng có thể yểm trợ. Và nhất là Bigeard đang tăng viện cho Clédic một đại đội nhỏ nhưng chỉ huy bởi một trung úy lớn là Lepage.
Thấy trời đã sáng rõ. Quân Việt tuần tự rút để tránh máy bay và pháo binh bắn phá. Đến mười giờ sáng, cuộc chiến đấu chấm dứt.
Bréchignac gọi điện cho Clédic:
- Tốt lắm. Đến mười bốn giờ tôi sẽ cho đại đội của Minaud đến thay thế cho đơn vị anh. Đại đội của anh sẽ chuyển thành lực lượng dự bị để phản kích trên đồi A1.
Cuộc tiến công giải đoạn hai của Việt Minh kết thúc.
Huguette tháng tư
Trong nhà hầm của “ngài” Bordier tiếng vọng của đạn pháo đã quen thuộc như những tiếng động trong nhà, vô hại như chiếc đài thu thanh.
Suốt ngày, Jean Péraud và Pierre Schoendoerffer ngồi ở đây theo dõi “trận đánh” trên cứ điểm Eliane 1. Họ đã quay phim, chụp ảnh đợt xung phong của lính dù, trong cơn thịnh nộ đã tính toán sẵn để dàn cảnh, vừa có vẻ giống như sự phẫn nộ của một trận ẩu đả và cũng có vẻ giả tạo để đánh lừa người xem. Họ đã quay phim chụp ảnh rất gần những cảnh gọi là những đợt phản kích của Việt Minh, có cả màn trình diễn các tù binh nữa. Cuốn phim còn bố trí những cảnh không có thật như khi thấy đồng đội ra hàng lính Pháp những bộ đội Việt Minh còn vững vàng hoặc được ẩn nấp tốt, đã vừa chửi rủa, vừa nã súng máy vào họ.
Hai nhà báo Pháp xuống núi vào lúc bắt đầu tối, khi có đợt thay quân. Pierre đã dẫm phải một mảnh sắt. Anh không biết chuyện xảy ra vào lúc nào, đây là mảnh đạn pháo hay lựu đạn, chỉ biết bàn chân đã sưng lên trong giầy vải khiến anh phải kéo lê từng bước.
Thông thường đây là một vết thương rất may mắn, vì có thể được nghỉ mười ngày, nằm trong chăn đệm sạch sẽ tại một bệnh viện quân y ở Hà Nội hoặc ở Sài Gòn. Nhưng ở Điện Biên Phủ không có vết thương nào gọi là may mắn cả. Các thầy thuốc khoa ngoại chỉ mổ xẻ những vết thương đáng phẫu thuật cho những binh lính bị thương nặng mà không được chuyển về hậu phương. Còn những người bị thương nhẹ thì cứ việc tự giải quyết bằng cuộn băng cá nhân và không được rời khỏi vị trí chiến đấu. Chỉ khi nào sắp chết đến nơi mới được gái điếm chăm sóc.
Vì vậy Pierre không khi nào nghĩ tới chuyện đi trạm xá để điều trị vết xước. Cũng như mọi người, anh được phát một cuộn băng cá nhân gài chặt vào mũ sắt bằng một chất keo rất dính. Anh chỉ cần có một nơi “khô ráo” như lính thủy thường nói.
Pierre dẫn bạn đi đến gian nhà hầm bí mật bên bờ sông Nậm Rốm. Vừa thấy họ, cô Trinh đã nhận tự tay chăm sóc Pierre với tất cả uy thế và tình thương. Hồi cô còn theo học tại trường dòng ở Hà Nội, các bà “Xơ” nuôi trẻ mồ côi đã dạy cô cách sơ cứu ban đầu. Cô đặt Pierre nằm dài trên sập, tháo bỏ chiếc ủng nhảy dù dính đầy bùn và cát, bỏ chiếc tất đi chân đang ôm chặt vết thương. Cô bắt chước giọng nói của các cô gái hầu bàn người Việt, bảo Pierre:
- Chân anh bốc mùi “thúi” lắm?
Péraud phá ra cười, một giọng cười vui rất to, rất vang. Anh cũng đã bỏ áo ngoài, cởi tất cả hai đôi giầy và tất của mình. Trên trần nhà, chiếc bóng đèn điện vẫn đủ đưa chuyển động theo những làn sóng vô hình. Luồng ánh sáng vàng vọt run rẩy đem lại cho gian nhà một vẻ ấm cúng.
Pierre đứng dưới bóng đèn như tàm ánh sáng bằng với hoa sen, gãi nhẹ những đám lông trên bụng. Cô Trinh lại nói:
- Còn anh, Jean, anh đang bốc mùi xác chết đấy Trong khi tôi chăm sóc Pierre, anh hãy tắm rửa và cạo râu đi.
Pierre đã không trở lại nơi đây từ ngày 31 tháng 3. Trong suốt cuộc tiến công giải đoạn hai của Việt Minh, Péraud và anh đã chạy đi chạy lại từ điểm tựa này đến điểm tựa khác để ghi lại những hình ảnh chiến đấu. Sau những ngày làm việc mệt mỏi này, hai người phải điểm lại những đoạn phim đã chụp, đánh số, ghi nhãn rồi buộc kín trong những gói nhỏ, chờ dịp gửi về Hà Nội tráng phim rồi trình chiếu tại Parí. Những kiện hàng này vẫn đang đau khổ nằm chờ tại các kho hàng của các phi công, nhưng hai nhà báo vẫn cứ tiếp tục ghi thêm những hình ảnh tư liệu mới.
Pierre thường tìm một góc khuất có che chắn để ngủ đêm, còn Péraud thì hầu như đêm nào cũng nằm với cô Trinh.
Người đàn bà trẻ tuổi này không còn những thức ăn dự trữ của “ông” Bordier để dọn những bữa cơm ngon nữa. Cô cũng không đi chợ ở các làng bản phía Nam khu Trung tâm. Theo lệnh của Việt Minh, dân cư ở khu vực này đã sơ tán hết. Vả lại, những cuộc tuần tiễu của cả hai bên đối địch đều dẫn đến những vụ bắn giết nhau trong những nhà tranh đã bỏ trống, những khu vườn đã bỏ hoang. Còn các sân nuôi gà vịt lầy lội thì đầy chông mìn cạm bẫy.
Cô Trinh có những bàn tay thon dài xinh đẹp của phụ nữ Viễn Đông, những ngón tay mềm mại, khéo léo của những cô gái từ thủa thơ ấu đã bắt chước rồi được tập những điệu múa lễ hội. Cô đã lấy bông tẩm rượu cồn, rửa vết thương nông nhẹ của Pierre rồi khéo léo quấn băng ra ngoài.
Sau đó, chỉ trong vòng hai mươi phút cô đã làm xong bữa cơm xoàng xĩnh nhưng thơm ngon: một ki lô gạo, hai quả ớt đỏ, một củ gừng và một hộp thịt bò trong khẩu phần của lính Pháp. Trong những bát sứ mầu xanh, món ăn từ hương thơm của gạo toả ra một mùi vị rất ngon. Ba người lặng lẽ ngồi ăn. Ở châu Á, đây là một tập quán, ăn cơm không gây ra những tiếng động để chứng tỏ là người lễ phép.
Sau bữa cơm, hai người đàn ông hút mỗi người một điếu thuốc lào. Khói thuốc lào cho đến khi hết nóng vẫn còn cay xè và dầy đặc, cháy bỏng họng, bỏng phổi, tạo ra một cơn say.
Pierre nói, anh thích hút thuốc lá thơm Camel hơn.
Péraud trả lời:
- Sáng mai, tớ sẽ đi lùng mua cho cậu ở chợ buôn lậu của bọn lính đào ngũ. Tớ cũng cần mua cà phê và sữa hộp.
- Đừng đi một mình. Hình như từ khi bọn lính Angiêri và Ma-rốc từ cụm cứ điểm Dominique bỏ chạy tụ tập ở đây, tình hình có vẻ không an toàn. Những con chuột Nậm Rốm ngày càng đông hơn. Chúng cũng đang kiếm thức ăn.
Cả ba người cùng nằm trên sập. Jean Péraud đột nhiên nói:
- Ngày một ngày hai, rồi sẽ có ngày chúng đến cướp phá gian hầm này. Phải kiếm một chỗ nào gần trung tâm để đưa cô Trinh rút xuống đó.
- Cậu tưởng dễ kiếm đấy à?
Tất cả các hầm hố ở Claudine đều đặt sở chỉ huy tác chiến hoặc chật ních lính bị thương.
Ba người im lặng. Một lát sau, Pierre nói qua vai Péraud, hỏi cô Trinh:
- Cô Trinh, sao em không rút khỏi Điện Biên Phủ ngay trong lúc này? Em đi đêm, có thể lọt qua vòng vây của Việt Minh, đến một bản nào đó ở vành ngoài trước khi trời sáng. Phần lớn đồng bào của em đã đi hết rồi.
Người đàn bà trẻ vẫn không động đậy. Đi ư? Nhất định, cô có thể đi khỏi chỗ này. Bordier đã để lại cô cho những đồng bạc trắng, cô có thể thuê người dẫn đường đi đến tận Lào Cai, nơi gia đình cô đang sinh sống. Nhưng rồi sau đó sẽ ra sao? Cô không muốn tự trả lời câu hỏi rất khó giải đáp này.
Cô đã rời bản làng quê hương năm mới mười một tuổi. Mẹ cô lúc đó đã là một bà già mê tín dị đoan, còng lưng vì những công việc đồng áng và cúng lễ thần linh.
Trong thế giới của mẹ cô nhan nhan rất nhiều thần thánh, ma, quỷ. Những nhân vật cõi âm phủ này có mặt khắp nơi, bao gồm đủ loại. Có những “cái ma” là vong linh của tổ tiên, là những người trong nhà, hoặc tốt hoặc xấu, tùy theo cá tính trước kia của họ. Có thần Thổ công giữ đất và thần Cổ thụ giữ cây. Có ma đậu mùa và ma cà rồng là loại độc ác nhất.
Những loại này có khi hàng trăm năm mới trở về bản, đem theo các mầm bệnh dịch tả, dịch hạch, một nạn đói lớn. Để dẹp bớt cơn thịnh nộ và hoà giải với các ma này, mẹ cô đã phải cống hiến một phần quan trọng thời gian và của cải để cúng lễ.
Do sợ “cái ma” báo hại, mẹ cô Trinh đã không dám âu yếm chăm sóc con gái mình. Khi cô Trinh bị sốt rét hoặc tiêu chảy, bà giấu cô trong một góc tối dưới mái nhà tranh, xếp những bao diêm mua được bằng giá rất đắt ở nhà thầy phù thủy gọi là Phù tạo, chung quanh con gái. Đây là những bao diêm trừ tà, nắp bao được viết chữ trên nền giấy vàng hoặc bạc tùy theo giá bán. Đôi khi bên cạnh những bao diêm, còn treo thêm những chiếc đũa tre buộc vào sợi chỉ lụa dài từ nóc nhà rủ xuống. Trong bóng tối, tiếng đũa chạm nhau kêu lách cách không ngừng. Bà mẹ không dám gọi con gái bằng tên thật. Để đánh lừa tà ma, bà gọi con mình là “con lợn đen” hoặc “con chó nhỏ”, những con vật rất thân thuộc.
Cô không nhớ có lần nào cha cô cúi xuống nhìn mặt con gái không. Ông là một người cao lớn hơn tất cả những người đàn ông trong bản. Họ có vẻ nể sợ ông vì ông thuộc hội những người đi săn chim cốc, là một hội ngày nay đã biến mất nhưng bắt nguồn từ bên Trung Quốc, được coi như một giáo phái thường đi khắp chân trời, góc bể. Ông không bao giờ mó tay vào công việc đồng áng, rất ngại đụng chạm đến ma quỷ, thường chỉ hay nói chuyện với con chim mồi bao giờ cũng quấn quít bên cạnh ông.
Ông thường mang con chim mồi lên thuyền độc mộc, đi ngược dòng sông Nậm Thi nhiều ngày mới trở về nhà. Hoặc đi trên bờ sông, vừa đi vừa câu cá. Con chim mồi có buộc một vòng nhỏ bằng đồng chung quanh cổ, vừa khít để nó không thể nuốt được cá. Vì vậy, mỗi khi bắt được cá, nó lại đặt cá dưới chân ông.
Lúc quay về nhà vào buổi chiều tối, con chim to lớn với đôi mắt mỏi mệt lờ đờ như chết vẫn đậu trên cành tre đung đưa trên đầu ông.
Ông ăn cơm rồi nằm dài trên chiếu hút thuốc. Khi ông nhả đám khói thuốc phiện đặc sệt ra, con chim mồi liền thò cổ vươn dài tới sát môi ông chỉ để hít đầy phổi thứ khói gây nghiện.
Cô cũng không nhớ tại sao cô lại bị bán, và bán như thế nào cho cái “ông” Tây Bordier, một người rất tròn, đầu tròn, mặt tròn, bụng tròn, đùi và bắp chân tròn.
Pierre bật cười, nói chen ngang:
- Tròn như mặt trăng…
Cô Trinh cũng chẳng thấy có một tình cảm gì đặc biệt đối với ông chủ của mình. Hồi cô còn đi học tại trường bà “Xơ” ở Hà Nội, mỗi năm ông Tây Bordier lại về gặp cô vài ba lần, chủ yếu để trả tiền học cho cô. Mỗi lần gặp người con gái Thái, ông lại đưa cho cô vài lát gừng hoặc một bánh sôcôla Menier. Hồi đó, cô kiêu hãnh vì được ông chủ chăm sóc, được các bà phước ưu ái, được mặc những bộ đồ trắng ủi cẩn thận.
Cô Trinh không đi đạo. “Ông” Bordier cũng không muốn cô theo đạo Thiên Chúa “để tỏ tấm lòng tôn kính đạo thờ cúng tổ tiên” của dân tộc cô.
Các bà xơ cũng không giảng đạo cho cô. Những gì cô thấm nhuần về tinh thần hy sinh và lòng nhân đức, đó là cô đã học qua sự chịu ảnh hưởng của các bạn cùng lớp. Các bà xơ tận tâm vì đạo đã hoạt động vì tình thương yêu, một thứ “nhập đồng” của những người theo đạo.
Để chóng hoàn thành việc dạy dỗ giáo dục cô Trinh, Bordier đã gửi cô theo học một năm tại nhà một bà giáo người Hoa. Đó là bà Lô Bình, một người được nể trọng vì có một trường học dành riêng cho các cô gái đến tuổi đi lấy chồng, đặt tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Trường nữ học này là một thứ giảng đường về đạo làm vợ, làm dâu. Chương trình giáo dục vừa có tính triết học lại vừa có tính thiết thực, đơn giản và tinh tế. Bà mẹ nhỏ Lô Bình dạy rằng, địa vị xã hội duy nhất dành cho ngươi con gái là kết hôn, làm vợ, tức là phục tùng vô điều kiện người chồng. Giá trị của một người con gái được đánh giá bằng sự khéo léo bằng nghệ thuật biết thoả mãn dục vọng xác thịt cũng như khát vọng tinh thần của chồng.
Cô Trinh còn được học cách làm bếp, tổ chức những món ăn ngon. Cô đã tìm thấy ở những qui tắc được dạy dỗ một cuộc sống khôn ngoan và được trọng nể. Cô thường thầm kín mơ ước có được một người chồng giầu sang.
“Ông” Bordier đã có được cô Trinh, lúc cô hãy còn trinh tiết mà đã thông thạo nghệ thuật làm vợ, và đã đền bù sự chờ đợi kiên nhẫn của cô. Nhưng bây giờ, cô Trinh hiểu rằng cô chẳng cho Bordier một cái gì cả, ngoài việc phục tùng chồng một cách thờ ơ, lãnh đạm.
Một buổi tối tháng 3, Jean Péraud bước vào căn nhà hầm. Gọi hầm này là nhà, vì chính đây là gian nhà đầu tiên mà Jean đã tự tay sửa sang vừa ý mình.
Nhà báo ảnh này mặc quân phục nhưng không cư xử như bọn lính tráng. Còn những người lính khác thì huýt sáo gọi khi thấy cô đi ngang qua hoặc văng vào mặt cô một câu bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt thô bạo: “cởi quần ra mau lên!”. Tại phòng trà dành cho lính Pháp ở đây chỉ có nghĩa là “nhanh chóng cởi ngay bộ đồ lót”.
Jean là người đầu tiên đối xử với cô như một phụ nữ. Anh gọi cô là “em” hoặc là “cô gái” nhưng không tìm cách gạ gẫm để ngủ với cô. Cặp mắt mầu xanh lơ của anh thật dịu hiền. Khi anh nhìn cô, cô cảm thấy mình tăng thêm sức lực. Cô không còn là vợ lẽ của ông Bordier nữa mà là cô Trinh một người đàn bà tự do đang khát khao xác thịt, muốn có một cái gì đó để trao đổi.
Một đêm, cái đêm yên tĩnh trước cuộc tiến công của Việt Minh cô đã tự hiến thân cho Péraud.
Từ mười ngày trước họ vẫn nằm bên nhau trên chiếc giường gỗ rộng nhưng chưa lần nào đụng vào người nhau. Chính cô, trong đêm tối, là người đầu tiên vuốt ve bộ ngực của Péraud. Cô tự cởi quần áo rồi chập chờn đến sát anh trong bóng đen.
Mẹ trẻ Lô Bình chưa chuẩn bị cho cô Trinh điều gì phải đến trong cái đêm này. Nhưng, từ đó trở đi ngày nào cô gái cũng có một sự thích thú cuồng nhiệt muốn chinh phục anh chàng người Pháp. Cô rình bắt gặp trong cái nhìn của Péraud một ánh mắt đen làm nảy sinh sự ham muốn và thích thú với cố gắng của Péraud muốn chống lại sự cám dỗ. Khi cô trao thân cho anh, đó là cô muốn cảm ơn. Cô cho rằng đó là trả tiền trước để được lãi về sau.
Trong đêm hầm hập nóng của căn nhà hầm, trên cái sập gỗ cứng, cô đã trao cho anh tất cả làn da nâu, bộ ngực rắn, cái miệng ướt, và cô đã giải phóng cho anh được tự do. Đó là tình cảm quý báu, quan trọng, tự nguyện thoải mái và xứng đáng.
Anh đã khám phá cô. Cô đã hy sinh cho anh.
Buổi sáng, khi Péraud rời khỏi gian nhà hầm, cô Trinh đột nhiên lo sợ như buổi đầu tiên. Cô sợ mất anh. Lúc này, anh đã ngoảnh lưng về phía cô nên không nhìn thấy sự hốt hoảng trên gương mặt cô gái.
Cô muốn có được sự đảm bảo sống bên anh suốt đời, có quyền được phục vụ anh mãi mãi. Đến bây giờ cô đã khám phá ra sự bí mật của các bà “Xơ” tại Hà Nội và cũng đến bây giờ mới hiểu câu “Tin yêu phục vụ Đức Chúa Trời”. Phải chăng là như vậy đó?
Nằm bên cạnh cô, hai người đàn ông vẫn tiếp tục câu chuyện. Cô nhẹ nhàng ruỗi cánh tay. Bàn tay cô đặt nhẹ lên vai Jean. Không phải là vuốt ve, mà chỉ là một sự tiếp xúc, chứng minh cô có mặt.
Pierre nói:
- Tất cả sẽ hỏng hết nếu chậm trễ. Ta không làm được gì với một người đàn bà bên cạnh. Phải cho cô ta đi khỏi nơi này.
- Không, anh Pierre, tôi không đi khỏi Điện Biên Phủ đâu. Tôi cứ ở đây.
Cô cảm thấy bàn tay gân guốc của Jean nắm chặt tay cô.
Đó là ngày 10 tháng 4 năm 1954, vài phút trước lúc nửa đêm. Câu chuyện giữa Jean Péraud không có hồi kết. Nhưng cuốn sách này không phải là một bộ tiểu thuyết. Nên tôi chỉ xin tóm tắt là, mãi đến tận tới ngày 7 tháng 5 năm 1954, khi đã kết thúc trận đánh, người đàn bà này mới rời khỏi Điện Biên Phủ. Jean Péraud đã lên xe Molotova đêm 25 rạng 26 tháng 5 về trại tù binh nhưng đã nhảy xuống chạy trốn. Pierre Schoendoerffer cũng nhảy xuống theo nhưng đã bị Việt Minh bắt lại. Lần cuối cùng, Pierre nhìn thấy bóng bạn chạy miết phía sau đoi hướng về phía Bắc phía thung lũng Nậm Thi. Vài năm sau, có một nhà báo nước ngoài kể lại, đã nhìn thấy trên toa xe điện giữa phố Hà Nội một người Pháp gầy gò, tóc hung, mắt xanh mặc bộ đồ Kaki theo kiểu Việt Minh, cùng đi với một phụ nữ trẻ tuổi người dân tộc. Người Pháp này từ chối trả lời các câu hỏi của nhà báo châu Âu trong cuộc gặp tình cờ này.
Thực tế, không có gì chứng minh đó là Péraud.
Nhưng các bạn anh cứ muốn tin là như vậy.
Trở lại ngày 5 tháng 4 năm 1954 tại Điện Biên Phủ. Nhờ có thêm lực lượng tăng viện, tình hình đã được cải thiện đôi chút. Hai quả đồi phía Đông, nơi đặt Eliane 2 và Eliane 4 đã chống chọi được suốt sáu đêm liền trong cuộc tiến công giải đoạn hai của Việt Minh.
Nhìn chung, nếu như binh lính trong tập đoàn cứ điểm đã rất mệt mỏi thì toàn bộ tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn nhảy dù lê dương số 1 lần đầu tiên đã tới Điện Biên Phủ với đầy đủ quân số.
Castries đang chờ có thêm tiểu đoàn thứ hai. Ở Hà Nội, vẫn còn hai tiểu đoàn dù đang chuẩn bị. Tiểu đoàn dù lê dương thứ hai sẽ bắt đầu nhảy liên tục hết đêm này đến đêm khác theo nhịp độ đều đặn của số máy bay, cho tới khi toàn bộ tiểu đoàn có mặt tại Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, nếu Việt Minh tạm ngừng cuộc tiến công trực diện thì chưa phải họ đã hoàn toàn nghỉ các hoạt động quân sự. Họ vẫn tiếp tục bắn pháo với nhịp độ tiết kiệm, vẫn cho quân đi tuần tiễu sát các hàng rào dây kẽm gai của các cứ điểm, vẫn để lại trên hàng rào những lá cờ đỏ sao vàng nhỏ bé và những truyền đơn địch vận, vẫn tiếp tục hăm hở đào chiến hào lấn dần các trận địa.
Liệu Castries và các phó chỉ huy của ông còn có thể làm gì được nữa? Tiến hành thắng lợi một cuộc rút quân chăng? Họ không bao giờ tin vào điều đó. Chờ đợi một sự can thiệp kỳ diệu từ bên ngoài chăng? Ngay đến Castries là chỉ huy trưởng cũng không biết gì đến việc tướng Ely gặp Chủ tịch hội đồng tham mưu Mỹ Radford bàn kế hoạch Vautour, định sử dụng nhiều máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ từ Philippin bay tới ném bom các tuyến đường vận tải và vị trí đóng quân của Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Không một nhân vật có thẩm quyền nào ở Đông Dương, trừ mấy nhà báo, không biết gì về địa hình địa phương lại nghĩ rằng có thể rút quân từ Điện Biên Phủ sang Lào được. Tình thế càng trở nên tuyệt vọng khi mọi người đều nghĩ không thể trông chờ vào một điều kỳ diệu gì sẽ xảy ra.
Nhưng họ vẫn trông chờ thời tiết. Những trận mưa tháng 5 sẽ ngăn cản cuộc vận chuyển bằng xe ôtô vận tải trên đường cái, cũng như xe đạp thồ và người vác gồng gánh trên những đường mòn. Đến lượt lực lượng tiến công sẽ bị thời tiết vây hãm giảm dần sức lực. Dù cho lúc đó tập đoàn cứ điểm có bị chìm trong lớp bùn của lòng chảo thì vẫn cứ sống được vì vẫn có lương ăn thả dù xuống.