Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> NAVARRE Với Điện Biên Phủ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10801 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NAVARRE Với Điện Biên Phủ
Jean Pouget

Chương 7

Ngày 11 tháng 2 cuộc tiến công được coi như hiển nhiên. Vaudrey báo cáo về Tổng hành dinh, pháo 75 và cối 120 đã bắn vào sân bay. Với những mảnh chắp vá của 5 tiểu đoàn phần lớn là lính Lào, Vaudrey dự tính không chống cự được quá một đêm.
        Sáng hôm sau, tại Sài Gòn, tướng Navarre cho gọi tướng Gilles tới Tổng hành dinh. Vị tư lệnh hôm trước vừa trải qua một cơn đau tim nhưng hôm nay vẫn đứng vững. Tướng Navarre nói:
        - Tôi quyết định tăng viện cho Mường Sài. Những tin tình báo mới nhất cho biết Việt Minh sắp tiến công đến nơi. Mường Sài chỉ có thể chống chọi được vài giờ, thậm chí một đêm là cùng. Nhưng Vaudrey càng cầm chân được sư đoàn 308 ở Mường Sài được lâu thì Luang Prabang càng chưa nguy hiểm trước mắt. Đưa thêm một tiểu đoàn đến Mường Sài, có thể kéo dài thêm sự chống cự. Ngay cả khi ta có thua trận thì vẫn tranh thủ được thời gian. Hãy chỉ định ngay một tiểu đoàn dù ném xuống đó.
        - Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 có thể tập trung trong ngày hôm nay tại Sênô. Sáng mai có thể nhảy dù sau khi tập trung đủ máy bay Dakota.
        - Này. Đó là tiểu đoàn dù của Pouget có phải không? Sáng mai tôi sẽ đi Sênô cùng với ông.
        Navarre, vị tướng có cái đầu và nắm tay lạnh nhưng lại có trái tim dễ xúc động mà ông coi là những điểm yếu và thường hay che giấu như một vết thương xấu hổ. Sáng hôm sau tướng Navarre tới Sênô. Ông đứng nhìn tiểu đoàn dù số 1 bước tới những chiếc máy bay và không nói một câu nào, trong lúc đó tôi đang sửa lại chiếc dù nhảy trước khi bước lên máy bay. Sau này, chính tướng Gilles đã kể lại cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện trên một cách cụ thể. Ông nói bằng một giọng nghẹn ngào, con mắt bé nhất của ông tức con mắt không bị chột, vẫn còn lành lặn, long lanh giọt nước mắt.
        Thường thường, cuộc nhảy dù chiến đấu ở Đông Dương chỉ tiến hành vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật khi gặp phải thứ sáu ngày 13. Đây không phải là một qui định, mà là một tập quán. Hôm nay là ngày thứ bảy, nhưng lại là ngày 13 tháng 2.
        Tôi được chỉ định làm sĩ quan điều hành việc chở quân. Phần lớn đêm qua tôi đã tính toán, lập kế hoạch xếp đủ chỗ cho một tiểu đoàn trong những chiếc máy bay hiện có. Trên lý thuyết, việc này rất đơn gian. Chỉ việc đánh số thứ tự, sao cho các đơn vị khi nhảy dù xuống đất không bị tản mát quá xa nhau. Nhung trên thực tế, vẫn có chuyện phức tạp xảy ra sau khi kế hoạch đã lập xong, số thứ tự đã công bố, nhưng số quân lại không tương ứng. Cho tới khi mọi người đã ngồi yên chỗ trong khoảng máy bay rồi, kế hoạch vẫn cứ bị đảo lộn.
        - Báo cáo đại úy, máy bay số 2 cho biết ba người ốm vì bệnh kiết lỵ không hành quân được. Số quân là 137 nay chỉ còn 134. Phải điều chỉnh lại.
        - Báo cáo đại úy, thiếu tá chỉ huy cuộc hành quân đã ghi trong danh sách máy bay số 5, nay lại muốn chuyển sang máy bay số 3 để đi cùng với hai điện báo viên.
        8 giờ sáng, đại úy Treillou chỉ huy đại đội dù số 4 đến lượt ra sân bay. Đó là một người có tuổi, một tay quen săn bàn trộm, uống rượu rất khỏe và có một trái tim vàng. Anh nói với tôi bằng một giọng rất tùy tiện cứ như nói với mình:
        - Cho tớ bay cùng với 127 lính và 4 thằng khiêng đồ.
        - Sao hôm qua anh báo cáo quân số là 124?
        - Đúng rồi? Nhưng lúc đó mình quên mất mấy thằng phu khuân vác. Vả lại mãi đến tận bây giờ, chúng mới dám liều nhảy dù.
        Những “người phu” này, gọi tắt là PIM, tức là “những người tù bị giam giữ như những tù binh”. Có hai loại PIM. Loại PIM “trên thực tế” là những đàn ông trai tráng bắt được trong các cuộc hành quân, được coi là tài sản riêng của đại đội. Bị bắt vào buổi sáng đến buổi chiều họ được ăn cơm cùng với binh lính. Ngày hôm sau, họ tự thổi cơm ăn, và đôi bên cùng có lợi. Mười lăm ngày sau nếu được huấn luyện tốt họ trở thành lính vác đạn, nạp đạn súng cối hoặc súng máy. Đây là những “tù binh bí mật” đối lập với những tù binh “đúng luật” tức là những quân nhân bị bắt trong chiến đấu, được hưởng sự chăm sóc của Hội chữ thập đỏ và có thể chỉ cho các đơn vị “mượn tạm” trong một thời hạn nhất định. Trong thời gian “mượn tạm” này, họ cũng có thể nhập vào đơn vị.
        Điều khó khăn nhất là phải làm sao để họ thoát khỏi danh sách kiểm soát của chính quyền trước khi chuyển thành quân số đơn vị.
        Rất rõ ràng, cái mà đại úy Treillou gọi là phu khuân vác đều là những tu binh đúng theo luật định và phải đưa họ trở về nơi quy định. Nhưng Treillou nói:
        - Không sao cả? Tớ đã báo cáo là ba thằng tù binh đã trốn rồi. Còn những thằng này, sẽ đặt cho chúng họ tên khác, không ai biết được.
        Tôi không có thời giờ để suy nghĩ lâu về những lý do và những mục đích của cuộc chiến tranh này. Đã 11 giờ trưa. Những chiếc ôtô tải lần lượt chạy tới để đưa chúng tôi lên máy bay. Bầu không khí bị kích động đã ập xuống. Bộ đồ nhảy dù màu xanh loang lổ bắt đầu vò xé gan ruột những người lính trong tiểu đoàn dù.
        Nhưng cũng bắt đầu từ đó trở đi, trật tự đã được xiết chặt hoàn hảo. Xe tải số 1 chở quân tới sân bay sổ 1. Đoàn máy bay xếp thành hàng dọc theo đường băng. Lính dù cũng xếp thành hàng dưới cánh máy bay. Sĩ quan phụ trách thả dù kiểm tra quân số và trang bị. Những khẩu lệnh và tín hiệu đều đúng nguyên tắc, đúng ý nghĩa.
        Cho tới khi, sau hai giờ rưỡi bay liên tục chiếc đèn tín hiệu màu xanh đặt ở bên phải cánh cửa ra vào trong khoảng máy bay lập lòe chiếu sáng. Đó là lúc người lính dù mang theo từ 30 đến 40 ki lô vật dụng kể cả thuốc nổ, ướt đẫm mồ hôi, tim như vọt lên tận miệng, nhắm mắt lao qua cửa máy bay rơi vào một thế giới mới, không gì tốt đẹp hơn. Đó là lúc rơi tự do, nhẹ nhàng trong gió mát và ánh sáng, là giờ phút đơn độc vinh quang trong khoảng không trước khi tiếp xúc với mặt đất và những rủi ro của con người.
        Ban tham mưu Mường Sài đã chọn ký bãi nhảy dù. Đây là một khoảng trống trong thung lũng, vừa quá giới hạn tầm súng cối của địch. Lúc này vào khoảng ba giờ chiều. Không khí nóng. Tốc độ rơi tỷ lệ với nhiệt độ. Khó ước lượng được sức gió ở sát mặt đất. Những tính toán sai lầm của phi công (là người bình thản ngồi trên máy bay hướng mũi trở về Hà Nội uống nước giải khát) luôn luôn làm cho nhiều kiện hàng rơi lạc ra ngoài bãi thả dù. Năm trăm lính dù rơi tản mát trên phạm vi năm mươi héc-ta vừa mới tiếp đất đã phải chạy nháo nhác đi tìm đơn vị của mình. Nhiều người nằm thẳng cẳng. Đó là những lính dù đã bị gẫy một chân. Chính mắt tôi cũng nhìn thấy một PIM đi theo phục vụ hậu cần kéo lê trên mặt đất trên lưng vẫn còn chiếc dù rộng 70 m2 đang cản gió và khẩu súng cùng với các thứ mang theo nặng tới 50 ki lô. Trên nhiều cành cây cao chung quanh bãi nhảy dù, lủng lẳng những thân người giẫy giụa chơi vơi vì dù mắc phải cành cây.
        Tôi là người nhảy sau cùng. Vừa tiếp đất, tôi đã phải chứng kiến một cách buồn bực việc các phi công cẩu thả trong vài phút đã làm rối loạn tan hoang kế hoạch nhảy dù do tôi nghiên cứu nhiều giờ. Chợt có tiếng người nói:
        - Thế nào, đại úy, có bị gãy chân gãy tay không?
        Tôi nhìn người vừa hỏi có nét mặt quen thuộc nhưng không biết là ai. Chỉ thấy anh có cái đầu to, nhất định phải là một nhà trí thức. Một chàng trai có hình dáng cân đối, lực lưỡng, một gương mặt dễ chịu nếu cạo nhẵn râu, một cặp mắt xanh nhìn thẳng, dịu hiền không giống như cái nhìn của những anh lính trẻ đang nhắm bắn mục tiêu qua kính ngắm. Anh ta mặc một bộ đồ rất tài tử chiếc súng ngắn gài bên sườn theo kiểu cao bồi miền Tây nước Mỹ cầm trong tay một chiếc máy ảnh với dáng vẻ thông thạo. Tôi nói:
        - Mày còn chờ gì nữa mà không chạy đi tìm đơn vị để tập hợp? Ừ! Đúng mày đấy!
        Anh ta thản nhiên giơ máy ảnh chụp luôn tấm ảnh chân dung một đại úy đang cáu kỉnh, rồi mới nói:
        - Tôi ấy à? - Giọng anh ta chắc nịch, lễ phép nhưng không cứng nhắc - Tôi làm gì có đại đội nào. Tôi là Péraud phóng viên ảnh, làm việc tại sở thông tin báo chí quân sự. Tôi đã phải đợi đến phút cuối cùng mới có được một chỗ trên máy bay. Đây là lần đầu tiên tôi nhảy dù. Quả là quá xúc động.
        Tôi đã nhận ra anh nhà báo quen thuộc.
        Trước khi rời khỏi bãi nhảy chúng tôi đã phải khiêng vác tới bốn mươi bảy lính nhảy dù bị thương. Lúc toàn tiểu đoàn dù tập trung được tại trung tâm cứ điểm, trong một khu rừng rậm, giữa hai tiền đồn có lính Lào canh gác thì trời đã tối đen. Lính Lào bắn vu vơ trong đêm tối. Chúng tôi có thể nhìn thấy những luồng đạn lửa vọt qua trên đầu. Vậy là đạn bắn quá cao, chúng tôi yên trí nằm ngủ, đắp chung hai hoặc ba người một chiếc chăn.
        Trong những ngày tiếp theo chúng tôi đào hầm trú ẩn và xây dựng các vị trí chiến đấu. Những máy bay vận tải dân dụng chở nhiều cuộn dây kẽm gai và bao gạo tới, cứ việc ném tự do xuống đất, không cần buộc dù. Một máy bay lên thẳng từ Luang Prabang đưa thư tới và chở lính bị thương đi. Trong khoảng thời gian này chúng tôi tổ chức được hai hoặc ba cuộc vũ trang trinh sát ở bên ngoài cứ điểm. Rừng rậm đến mức các trinh sát vừa ra khỏi doanh trại đã mất hút. Bộ đội sư đoàn 308 có mặt khắp mọi nơi, tại những hầm kiên cố ngụy trang kỹ. Chúng tôi từ bỏ ý định đánh ngay vào những nơi đã có chuẩn bị, mà chờ Việt Minh tiến công, lúc đó mời chống trả. Thỉnh thoảng Việt Minh lại bắn vài qua đạn một cách dè sẻn, keo kiệt, nhưng khéo léo và rất chính xác.
        Buổi tối, trong khi đi kiểm tra, tôi nghe thấy những tiếng thở dài và những tiếng nói từ hẩm trú ẩn vọng ra:
        - Mẹ kiếp! Thà cứ nhảy xuống Điện Biên Phủ lại hay!
        Ngày 19 tháng 2, Vaudrey triệu tập các chỉ huy đơn vị đến họp trong sở chỉ huy đặt tại một quả núi nhọn hoắt. Chỉ huy cứ điểm vẫn còn giữ được gương mặt thanh niên nhưng hơi mệt mỏi, cặp mắt thâm quầng, những nếp nhăn chịu xuống. Ông nói:
        - Việt Minh sẽ tiến công vào tối mai hoặc tối ngày kia. Chúng phải sủa đổi lại kế hoạch và tiến công chậm vì tiểu đoàn dù bất ngờ tới tăng viện cho chúng ta.
        Đại đội dù của tôi có nhiệm vụ bảo vệ mặt đông bắc cứ điểm, được bố trí trên một sườn đồi rộng, đã chặt hết cây, rất dốc. Đó cũng là nơi hứng tất cả đạn pháo của địch. Máy bay đã tới ném bom bắn phá loạn xạ khu rừng rậm có nhiều cây to, là nơi nghi ngờ có bố trí pháo Việt Minh nhưng xem chừng vẫn không đạt kết quả. Suốt ngày đêm, tôi tung ra những đội tuần tiễu, đi càng xa càng tốt để phát hiện địch. Lính của chúng tôi luồn trong rừng rậm tới sát chân sườn núi đối diện rồi nằm phục ở đó. Nếu Việt Minh xuất hiện sẽ lập tức báo động. Đường chân trời có vẻ như chỉ cách họ vài ba mét. Họ có thể nghe thấy tiếng nói nhưng không nhìn thấy bộ đội Việt Minh. Những tiếng gõ lốc cốc trên khúc tre rỗng, những khẩu lệnh phát đi bằng giọng mũi và nhiều tiếng động khác vang vọng tới. Không thể tiến xa hơn vì nhất định sẽ vấp phải một luồng đạn đã nhằm sẵn, từ một chỗ vào đó bắn ra. Có thể nói đây là biên giới giữa Việt Minh và chúng tôi. Việt Minh cũng không mạo hiểm vượt qua chiến tuyến này, nhưng bố trí canh gác rất chu đáo.
        Rạng sáng 21 tôi đến chỗ các vọng gác báo động. Suốt đêm yên tĩnh. Cho đến sáng vẫn không có một tiếng động nào phá tan cảnh yên lặng trong rừng. Cũng không nghe thấy những tiếng quen thuộc chứng minh sự có mặt của đối phương tại nơi bố trí. Phải đến tận nơi xem sao.
        Chúng tôi từ từ tiến theo hàng một, người sau cách người trước một mét. Một con đường mòn dốc ngược dẫn thẳng lên đỉnh núi. Chúng tôi leo lên và rơi vào một vị trí đã xây dựng các công sự chiến đấu mà Việt Minh vừa mới bỏ đi, dấu vết để lại hãy còn tươi rói.
        Mặt trời đã chiếu ngang lưng. Khu rừng trở nên ngột ngạt, bốc hơi sương. Nhiệt độ đã làm khô khí ẩm ban đêm. Đến lừng chừng núi chúng tôi phát hiện thấy vị trí đầu tiên của pháo địch. Trong sườn núi Việt Minh đã khoét một hầm sâu. Phía mặt hầm được ngụy trang bằng cành cây, phải ra vào bằng cửa ngách. Từ vị trí này nòng pháo có thể hướng thẳng xuống đường băng sân bay và các cứ điểm phòng ngự, và pháo có thể nhằm bắn thẳng. Chúng tôi khám phá được tới hai chục hầm đặt pháo cùng một kiểu, cùng bố trí ở sườn núi. Dù có tiến sát đến vài mét vẫn không thể nào phát hiện ra những hầm pháo này vì đất đào lên đã được trồng lại cây như cũ.
        Dĩ nhiên, không một chiếc hầm nào bị trúng bom.
        Tôi nói qua điện đài, báo tin quân Việt đã rút hết. Sở chỉ huy tiểu đoàn có bố trí trực ban suốt ngày đêm và tôi bắt liên lạc được ngay. Tôi chưa kịp nói, đã nghe có tiếng reo to:
        - Thế là đại úy đây rồi! Tôi gọi đại úy suốt mấy tiếng đồng hồ, không thấy trả lời. Nghe đây nhé? Lệnh của tiểu đoàn gửi tất cả các đại đội: về ngay sở chỉ huy tiểu đoàn. Chúng ta sẽ đáp máy bay về Hà Nội. Hết!
        Một tiếng reo vui vang lên trong máy. Tôi chưa kịp hỏi lý do thì trực ban đã tắt máy.
        - Tại sao sư đoàn 308 lại đột nhiên rút khỏi Mường Sài. Tôi phải chờ đến hết ngày 4 tháng 3 mới tạm hiểu lý do.
        Ngày hôm đó, tướng Navarre vừa từ Điện Biên Phủ trở về. Tôi đến toà biệt thự dành riêng cho Tổng tư lệnh tại Hà Nội để chờ đón ông. Trong lúc chờ đợi tôi chơi vài ván cờ với chủ khách sạn là một người Hoa, nhưng lấy tên Pháp là Jean. Mãi tới bảy giờ tối, tướng Navarre mới về tới Hà Nội. Quần áo, mặt mũi ông phủ đầy bụi của thung lũng lòng chảo.
        Tôi kể lại cho ông nghe chuyện Mường Sài từ lúc toàn cứ điểm như bị bóp cổ đến lúc bùng nổ tiếng reo vui khi biết tin quân Việt đã rút. Tôi nói:
        - Có lẽ quân Việt sợ chúng ta!
        Trong không khí nồng ấm, an toàn tại Hà Nội trong lúc ngồi trên ghế bành uống nước giải khát, người ta dễ quên phắt những nỗi lo sợ vừa trải qua. Nghe tôi nói, tướng Navarre nở một nụ cười độ lượng rồi trả lời:
        - Tôi không nghĩ rằng sư đoàn 308 đã rút chạy khi nhìn thấy quân dù. Nhưng tôi cho rằng sự có mặt của các anh đã làm chậm lại cuộc tiến công Mường Sài được vài ngày. Thời gian đó, đủ để những diễn biến ở ngoài nước làm cho Việt Minh phải thay đổi kế hoạch. Việt Minh từ bỏ việc đánh chiếm Mường Sài khi nghe tin Hội nghị Geneve sắp họp. Họ quyết định tập trung mọi lực lượng để tiến công Điện Biên Phủ. Chúng ta chờ xem. Chỉ vài ngày nữa thôi. Điện Biên Phủ sẽ bị đánh.
        Tối hôm đó tướng Navarre ăn cơm tại nhà riêng cửa tướng Cogny. Trước khi vào Sài Gòn, tướng Navarre kể cho tôi nghe những diễn biến trong tháng 2, tức là khoảng thời gian tôi sống ở sân khấu thứ yếu của chiến trường, trong khi Hội nghị Berlin chỉ ghi mấy dòng vắn tắt trong thông cáo báo chí.
        Có lẽ nhờ Ngoại trưởng Anh Eden mà chúng tôi được yên lành thoát khỏi Mường Sài. Suốt hai mươi ngày, Hội nghị Tứ cường ở Berlin bị sa lầy bởi những cuộc cãi vã bất đồng. Không một vấn đề nào của châu Âu ghi trong chương trình nghị sự được giải quyết. Vì vậy, chẳng ai muốn nói đến vấn đề Đông Dương.
        Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles vẫn trung thành với chính sách “ngăn chặn”, không muốn nhắc đến Đông Dương. Ngoại trưởng Liên xô Molotov được coi như người đại diện không chính thức của Việt Minh, và Ngoại trưởng Pháp đang mong chờ mở rộng Hội nghị Tứ cường thành Hội nghị năm bên, không ai muốn là người đầu tiên đòi họp bàn về Đông Dương vì e ngại là người cầu xin ngừng bắn. Chỉ riêng Ngoại trưởng Anh Eden là tự do thoải mái đặt vấn đề.
        Quả nhiên, ngày 17 tháng 2 ông Eden đã nêu vấn đề Đông Dương trước Hội nghị Berlin. Hai mươi bốn giờ sau, đạt được thoả thuận. Ngày hôm sau nữa, thông cáo cuối cùng được công bố rằng ngày 26 tháng 4 sẽ họp bàn về Đông Dương, có thêm Trung Quốc và các nước có liên quan cùng dự.
        Trên thực tế, thông báo này chẳng làm cho ai ngạc nhiên, có lẽ chỉ trừ các bộ đội sư đoàn 308 và các lính dù Mường Sài là hai lực lượng đối địch đột nhiên được rút khỏi chiến trường này, thông báo về hội nghi có lẽ cũng thay đổi cơ bản các tình huống chiến đấu ở Điện Biên Phủ do lệnh hoãn tiến công từ ngày 25 tháng 1.
        Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Bidault là một nhân vật bướng bỉnh, ngoan cố. Ông tìm thấy ở Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles một sự cổ vũ tiếp tục cuộc chiến tranh. Vả lại, như ông Pleven vừa mới tuyên bố sau khi đi thị sát Đông Dương cùng với tướng Ely trong hai mươi ngày tình hình quân sự không đến nỗi nguy kịch lắm. Hai tháng nữa sẽ có mưa và dù muốn hay không các hoạt động quân sự vẫn cứ phải ngừng trong thế cân bằng. Vùng châu thổ sông Hồng sẽ không bị tan nát trước khi mở chiến dịch. Cuộc tiến công của Việt Minh vào miền Trung Đông Dương đã bị bẻ gẫy, khu vực Trung Lào có thể sẽ được càn quét trong mùa mưa nhằm đẩy lùi sự xâm chiếm của sư đoàn 325. Chiến dịch Atlante dù tiến triển chậm và vụng về như một con lăn già nua cũ kỹ, nhưng việc các tiểu đoàn khinh quân của Bảo Đại chiếm lính Liên khu 5 chỉ còn là vấn đề sẽ xảy ra trong vòng vài tháng nữa, đến lúc đó các căn cứ quân sự của Việt Minh sẽ bị đánh bật ra tận phía Bắc thành Huế. Điện Biên Phủ chật ních binh lính phải lội bùn vẫn cứ là một sức mạnh nặng trĩu uy hiếp toàn vùng thượng du của Việt Minh.
        Trong khi đó những trận mưa tầm tã hằng ngày sẽ buộc phần lớn các sư đoàn Việt Minh phải rút về vùng trung du cho gần với các kho lương thực dù trữ.
        Tuy vậy những trận mưa mùa hè cũng có thể làm sa lầy các cuộc hội nghị đàm phán. Tại Bàn Môn Điếm (Pan Mun Jon) Triều Tiên những cuộc thương lượng ngừng bắn đã phải kéo dài hơn một năm.
        Muốn giành giật được một quyết định tại Geneve, cần phải giáng một đòn quyết liệt. Những lực lượng tập trung của cả hai bên tại Điện Biên Phủ, tính chất của chiến trường tự quản, tương đối độc lập với các mặt trận khác, nhất là tiếng tăm cửa thành trì pháo đài Điện Biên Phủ vang dội toàn thế giới, đòi hỏi cũng sẽ phải có một chiến thắng tầm cỡ như vậy.
        Tất cả điều đó đã tạo cho hoạt động quân sự trên chiến trường này một ý nghĩa chính trị - quân sự.
        Chiếm lĩnh được Điện Biên Phủ, tướng Giáp không chi có trong tay cả xứ Thái và vùng Thượng Lào mà còn đạt được một trình độ cao hơn. Vận mệnh cuộc chiến đấu ở đây sẽ quyết định, hoặc là chiến thắng và hoà bình, hoặc là một hình thức “Triều Tiên hoá” cuộc chiến tranh Đông Dương. Ván bài này, Việt Minh của Hồ Chí Minh đã sẵn sàng giành được thắng lợi bằng bất cứ giá nào. Hội nghị Geneve sẽ làm cho Điện Biên Phủ trở thành một chiến trường đẫm máu, trước khi đấm quân cờ tướng Giáp đã đặt lên bàn cờ tất cả lực lượng dự trữ của mình.
        Tôi hỏi Tổng tư lệnh Navarre:
        - Nhưng thưa tướng quân, trong suốt cuộc họp quốc tế tại Berlin, các ngài Jacquet, Chevigné, Pleven đều có mặt tại Đông Dương. Các vị đó đều được biết những diễn biến trong hội nghị và có những yếu tố để đáp ứng những hậu quả. Vậy thì tại sao các vị đó không trì hoãn Hội nghị Geneve khoảng một hoặc hai tháng nữa. Đó là thời gian để chúng ta có được mùa mưa tại Điện Biên Phủ.
        - Trong mọi trường hợp, cả Tông cao uỷ và cả tôi nữa đều không được hỏi ý kiến gì về hội nghị này. Ngày 21 tháng 2, khi gặp ông Pleven tại Đà Lạt tôi đã nói với ông về chuyện này nhưng ông tỏ ra không quan tâm lắm. Ông nói: “Chúng tôi buộc phải chấp nhận Hội nghị Geneve. Công luận ở Pháp sẽ không hiểu nếu chúng ta lẩn tránh cuộc họp. Hơn nữa một số thành viên chính phủ đều muốn họp. Trên thực tế, chính Thủ tướng cũng cho rằng hội nghị này chẳng giải quyết được gì cả. Ta phải đi họp thôi, dù chỉ để chứng tỏ rằng Việt Minh vẫn chưa sẵn sàng thương lượng trong những điều kiện hiện nay.
        Dù sao, ngài Bộ trưởng cũng không nhầm. Bác Hồ rất muốn hoà bình nhưng phải đúng lúc. Những tình huống tháng 2, tháng 3 chưa tạo điều kiện thuận lợi và tướng Giáp đang tìm cách xoay chuyển tình thế có lợi cho Việt Minh.
        Trong suốt tháng diễn ra Hội nghị Berlin và sau khi sư đoàn 308 chuyển quân sang Lào, Điện Biên Phủ sống trong bầu không khí tương đối yên tĩnh nhưng bồn chồn chờ đợi. Các tiểu đoàn đã cải thiện vị trí phòng ngự, củng cố các kho đạn và lương thực. Đêm hãy còn mát nhưng ban ngày trời đang bắt đầu khá nóng. Đó là mùa Xuân vùng thượng du binh lính trong thung lũng mà nước sông Nậm Rốm không thể gột rửa sạch lớp bùn đất bám trên người đang mơ ước được tắm với nước hoa sen, được ôm ấp đàn bà, được ăn nóng.
        Suốt tháng 2 những chuyến đi thăm chính thức ăn nhịp với những hoạt động vũ trang trinh sát tiến công thăm dò về phía các đỉnh núi cao.
        Nhưng tất cả những chuyến đi thám sát này đều không đạt kết quả đáng kể. Phía đến thăm là những lời đánh giá cao và những cái bắt tay nồng nhiệt. Phía hành quân sục sạo là những cái chết vô ích và những huân chương vô duyên.
        Một tuần sau chuyến thăm của ngài Jacquet và tướng Blanc, đến lượt tướng Mỹ O Daniel cũng lên thăm Điện Biên Phủ ngày 2 tháng 2 năm 1954.
        Lúc này, tướng O Daniel vẫn còn đang giữ chức Tư lệnh các lực lượng mặt đất của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương. Ông tới đây với tư cách là chuyên viên, đặc phái viên của Chính phủ Mỹ trên cơ sở một đạo luật viện trợ tài chính cho Pháp.
        Tướng Navarre không được thông báo trước về thoả thuận này đã tiếp đón lịch sự tướng O Daniel như tiếp đón một bạn đồng minh, một đồng nghiệp hùng mạnh, nhưng không tiết lộ gì nhiều về các kế hoạch tác chiến. Ngài “Mike sắt thép” (đó là biệt hiệu của tướng O Daniel) không tỏ ra phản ứng.
        Thái độ thẳng thắn, thân tình cởi mở của ông, chứng tỏ ông là một người nhã nhặn. Ngay trong cuộc gặp đầu tiên vào ngày 20 tháng 6 năm 1953 tướng Navarre đã nhận được của Mike những cái vỗ mạnh mẽ, thân mật vào lưng. Từ đó tướng Navarre phải cẩn thận đứng đối diện hoặc đứng chếch tầm tay của “Mike sắt thép”.
        Tính cách vĩ đại của “Mike sắt thép” khiến cho ông khó thích nghi với những tinh tế của cuộc chiến tranh ở châu Á này. Ông tự cho mình giữ một vị trí quan trọng và đã giành một phần cuộc đời binh nghiệp để soạn thảo các kế hoạch nghiền nát Việt Minh. Ý đồ đầu tiên trong hoạt động của ông, ông đã phác hoạ ngay sau khi vừa đặt chân tới Tân Sơn Nhất hai giờ và đã bộc lộ với tướng Navarre ngay tối hôm đó. Dĩ nhiên, ý đồ này giống như kế hoạch mà Mac Arthur, Tổng tư lệnh các lực lượng ở Thái Bình Dương đã tiến hành trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và đòi hỏi Pháp cũng phải có những phương tiện tầm cỡ như Mỹ.
        Tóm lại, phương án của tướng Mỹ O Daniel là quân Pháp rút hết về tập trung tại mỏm Cà Mau (như tướng Mac Arthur trước kia đã từng rút quân về tập trung tại đầu cầu Pusan của Nam Triều Tiên) rồi sau đó sẽ dựa vào không quân và pháo binh, đánh ngược trở lên cho đến tận biên giới Trung Quốc (như Mac Arthur đã từng làm trên bán đảo Triều Tiên, tiến quân trở lại đến tận sông Áp Lục giáp Trung Quốc).
        Sau ba giờ thảo luận với tướng Navarre, tướng O Daniel đề nghị đi thăm tổng thể các chiến trường trước khi quyết định một kế hoạch chính thức. 8 giờ sáng hôm sau, O Daniel lên máy bay đi Hà Nội. Đến giữa trưa, máy bay luợn vòng trên vùng châu thổ sông Hồng, lúc này đang vào mùa mưa. Trên những cánh đồng ngập nước, làng xóm trồi lên như những đảo tròn. Đến 13 giờ tướng Navarre nhận được điện của O Daniel: “Đã hỏi rõ tình hình để áp dụng những kế hoạch tương úng. Đề nghị tham khảo sách giáo khoa của bộ binh Mỹ 1, (kèm theo số hiệu sách)”.
        Nhờ quen biết tùy viên quân sự đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tôi đã có được tài liệu này. Đó là cuốn sách viết về “cuộc chiến tranh đánh chiếm quần đảo”. Tuy nhiên một ngày sau đó khi hành quân đường bộ tới vùng châu thổ Bắc kỳ, ngài “Mike sắt thép” đã hủy bỏ bức điện đầu tiên, mặc dù đã được gửi tới tướng Navarre.
        Ngày 2 tháng 2 năm 1954 khi lên thăm Điện Biên Phủ tướng O Daniel tỏ ra ít bốc đồng hơn trước. Ông đi thăm tất cả các cứ điểm, chui vào trong hầm pháo để kiểm tra vũ khí, trèo lên các điểm cao, đi vào các hầm trú ẩn. Trước khi ra đi, ông đã vỗ vào vai Castries hai cái thật mạnh để tỏ sự tín nhiệm.
        Năm ngày sau, Thứ trưởng chiến tranh De Chevigné lên thăm Điện Biên Phủ. Đã tốt nghiệp trường Cao đăng quân sự Saint Cyr, ngài có kinh nghiệm về những chuyến đi thanh tra chính thức và không tin vào những ấn tượng bề ngoài. Ngài chỉ đi có một mình và đến Điện Biên Phủ vào buổi sáng thứ ba cốt để cùng trải qua một ngày nghỉ cuối tuần với Castries.
        Ngày hôm đó, hai tiểu đoàn dù do Langlais chỉ huy mở một cuộc tiến quân thăm dò đến tận các cao điểm 781 và 754 ở phía Đông. Mục đích cuộc hành quân này là nhằm phá hủy khẩu pháo 75 của Nhật Bản, từ ngày 31 tháng 1 cứ vào lúc 17 giờ những ngày lẻ là bắn vài quả đạn vào trung tâm cứ điểm của Pháp. Trung tá Piroth chỉ huy cụm pháo binh Điện Biên Phủ đã chờ cho khẩu pháo Việt Minh bắn hết ba quả đạn để tính toán kỹ lưỡng vị trí đặt pháo, rồi mới cho các khẩu 105 của Pháp tưới đạn ào ạt lên chỗ nghi có pháo Việt Minh. Hôm sau là ngày chẵn, không nghe thấy một tiếng pháo nào.
        Các pháo thủ của Piroth sướng phổng mũi, hy vọng đã tiêu diệt được pháo địch. Nhưng đến 17 giờ ngày 3 tháng 2, tức ngày lẻ, khẩu pháo do Nhật Bản chế tạo lại bắn, và ngày 5 tháng 2 lại tiếp tục bắn. Ngay tới hôm đó, trung tá Langlais đến tận vị trí cụm pháo binh để quát mắng các pháo thủ. Trung úy Constantin phụ trách cụm pháo 15 là người hứng chịu sự nóng giận của trung tá Langlais chỉ huy lực lượng phản kích. Trước khi quay về sở chỉ huy, Langlais còn đe một câu:
        - Tự tôi sẽ đích thân đi tiêu diệt khẩu pháo Nhật.
        Tờ mờ sáng hôm sau lính dù đã tới chân điểm cao 781. Sườn núi gần như dựng đứng. Quân Việt đóng ở trên đỉnh, nấp trong những hầm hố ngụy trang rất kỹ, có thể tránh được bom và pháo 105.
        Lính tiểu đoàn dù lê dương và tiểu đoàn dù số 8 bám vào vách đá cố tìm cách leo lên đã bị bộ đội Việt Minh ném lựu đạn xuống. Vốn là người dân xứ Bretagne nên Langlais rất kiên cường nhưng sau ba mươi sáu giờ tiến công đẫm máu mà không đạt kết quả đành phải ra lệnh rút về.
        Ngài Chevigné đã ngồi trên tháp xe tăng Hervouet theo dõi một phần trận chiến đấu. Ngài đã nhìn thấy khá rõ có một ý niệm về những khó khăn trong cuộc chiến tranh vùng rừng núi.
        Đêm hôm đó, Quốc vụ khanh Chevigné nghỉ lại trong hầm đại tá Castries. Hai người có quan hệ họ hàng với nhau và đã nói chuyện với nhau rất thoải mái.
        Sáng chủ nhật, ngài Chevigné rời Điện Biên Phủ trước 5 giờ chiều nên không được nghe Việt Minh lại bắn từ khẩu pháo 75 tịch thu được của Nhật Bản, ba phát đạn vào cứ điểm Eliane. Hôm đó là ngày 7 tháng 2, một ngày lễ.
        Ngày 19 tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Pleven cùng đi với tướng Ely, Tổng thanh tra quân đội kiêm cố vấn quốc phòng, lên kiểm tra tình hình Điện Biên Phủ. Cả hai vị nhận xét, tập đoàn cứ điểm tổ chức phòng ngự rất tốt. Mọi người ở Điện Biên Phủ và ở cả Hà Nội đều mong Việt Minh tiến đánh.
        Khi vào Sài Gòn, tướng Ely hỏi tướng Navarre:
        - Ông có cùng đồng ý thử sức ở Điện Biên Phủ không?
        Tổng tư lệnh đáp:
        - Thành thật mà nói, tôi không thích đi đến chỗ đó. Tôi chỉ mong Việt Minh nghĩ việc đánh chiếm Điện Biên Phủ sẽ phải trả giá đắt và sẽ không tiến đánh như đã từng làm hồi tháng 1.
        Bây giờ, mọi người đều biết, niềm hy vọng của tướng Navarre chỉ là hão huyền. Từ vài ngày trước khi tiến công, tướng Giáp nghĩ cái giá phải trả cho Điện Biên Phủ bất luận thế nào cũng là giá rẻ.
        Từ những ngày đầu tháng 3, Castries báo cáo về Tổng hành dinh là Việt Minh đang xiết chặt vòng vây chung quanh Điện Biên Phủ. Ngày 1 tháng 3, ngay khi vừa mới ra khỏi lòng chảo đội tuần tra đã chạm địch ở phía Tây. Trong khi đó tám ngày trước, lính dù đi xa tới mười kilômét cũng không gặp địch. Ngày 3 tháng 3 trung úy Fox thuộc tiểu đoàn 5, trung đoàn bộ binh Angiêri số 7 vừa đi cách cứ điểm Gabrille 400 mét về phía Đông Bắc đã rơi vào một ổ phục kích.
        Ngay hôm sau, đại úy Gendre với hai đại đội trong cùng một tiểu đoàn với Fox đã đụng độ với địch tại chân cao điểm 633, cách cứ điểm Gabrielle một kilômét về phía Bắc. Ngày 10, những đội tuần tra ban ngày gặp địch cách vị trí đóng quân 200 mét. Ngày 12 thiếu tá Mecquenem gửi điện báo cáo phát hiện thấy một hệ thống chiến hào địch ở phía Đông, phía Bắc, phía Tây Nam sở chỉ huy của ông.
        Trong đêm 10 rạng ngày 11 tháng 3, những khẩu pháo 105 của Việt Minh đã được bố trí trong hầm đắp đất. Sáng hôm sau, Việt Minh bàn vài quả đạn pháo vào đường sân bay để chỉnh súng, phá huy một máy bay vận tải đang bốc dỡ hàng. Sáng 12 tháng 3, tướng Cogny từ Hà Nội gọi điện cho Castries theo hệ thống Z.13 mà kẻ địch không thể nghe lén được, cho biết: “17giờ ngày mai, ngày 13 tháng 3”.
        Đêm Béatrice
        Trung úy De Veyes, sĩ quan tác chiến phân khu Trung tâm Điện Biên Phủ bắt đầu làm việc từ sáu giờ sáng. Trên bàn đặt trong hầm chỉ huy đã sắp xếp các báo cáo nhận được qua máy vô tuyến điện ban đêm. Trung úy nhìn thời điểm báo cáo: Thứ bay ngày 13 tháng 3. Anh thầm nghĩ: “Tối mai sẽ làm lễ cầu chúa trên cứ điểm Béatrice”. Thật là một ý nghĩ vớ vẩn. Từ hôm qua, chính anh là người đã biết rằng cứ điểm của tiểu đoàn 1 thuộc bán lũ đoàn lê dương số 13 sẽ bị tiến công vào buổi tối 13 tháng 3 qua bức điện mật tướng Cogny gửi tới. Đại tá Casries đã báo cho anh biết trong buổi hội ý.
        De Veves tìm đọc các báo cáo của cứ điểm Béatrice: “Trong đêm 12 rạng ngày 13 tháng 3, tất cả cảnh giới báo động đều bị tiến công, buộc phải rút lui. Tố báo động của đại đội 2 bị mất tích. Số quân trong tổ là ba người. Địch tiếp tục đào lấn, nhất là ở mặt bắc là phía chiến hào địch chỉ cách chưa đầy măm mươi mét. Việt Minh có thể đã hoàn thành trận địa bao vây toàn bộ trung tâm để kháng của chúng tôi. Ký Pégot”
        Qua giọng điệu trong bản báo cáo, trung úy De Veyes có thể đoán được tâm trạng kỳ lạ của thiếu tá Pégot phụ trách cứ điểm Béatrice.
        Không phải chỉ riêng De Veyes có sự phán đoán này. Tất cả mọi người trong lữ đoàn đều biết Pégot đang chờ cơ hội để tự giết mình. Đội lê dương có vẻ ngượng ngùng trước thái độ này vì nó vừa bi thảm vừa kỳ cục. Không ai nói ra, nhưng tất cả những người lính lê dương đều biết tại sao Pégot muốn chết.
        Mọi người thường gọi thiếu tá Pégot là “Đức Cha” một cách trìu mến. Trước khi lên Điện Biên Phủ, Pégot là thiếu tá, phó lữ đoàn trưởng, phụ trách công tác hành chính của bán lữ đoàn lê dương số 13 đóng quân ở trại Arnault Ville là căn cứ hậu cần của lữ đoàn, cách Sài Gòn ba mươi kilômét. Ở đây Pégot thừa hưởng một cuộc sống thanh bình, quan liêu, sau khi đã trải qua nhiều cuộc hành trình phiêu lưu mạo hiểm. Vì đây là năm cuối cùng của nhiệm kỳ phục vụ tại Đông Dương nên dĩ nhiên Pégot nghĩ đến chuyện đưa vợ sang chơi.
        Bà vợ Pégot không đi máy bay mà chọn tàu thủy để hưởng cuộc hành trình. Tại Sài Gòn, Pégot nhận được thư của vợ đóng dấu bưu điện Suez của Ai Cập. Bà vợ cho biết đã lên bờ thăm các Kim tự tháp và đã bị mất chiếc ví xách tay.
        Vài ngày sau, thiếu tá Pégot lại nhận được một công điện mật, ngoài bì ghi chữ “Tin dân sự”.
        Ông nghĩ thầm: “Chắc chắn đây lại là giấy báo tử của ai đó thôi”. Là sĩ quan phụ trách công việc hành chính của lữ đoàn thiếu tá Pégot vẫn thường nhận được những giấy báo như thế này.
        Ông nhăn mặt, bóc phong bì. Bức điện ghi: “Đề nghị báo thiếu tá Pégot, vợ ông đã bị mất tích ngoài biển”. Suốt một thời gian đầu, không ai biết chuyện này. “Đức Cha” Pégot không hề thay đổi chút nào trong cung cách làm việc hằng ngày.
        Cho tới lúc đó, ông vẫn chưa hiểu rõ “mất tích ngoài biển” là thế nào.
        Ông chờ đến ngày tàu cập bến cảng Sài Gòn để hỏi rõ chuyện. Chính uỷ tàu dẫn ông đến khoang tàu mà vợ ông đã ở đó. Những người phục vụ đã dọn dẹp kỹ các đồ vật cá nhân của bà, lập biên bản cất giữ trong hòm. Pégot không phát hiện được điều gì. Chính uỷ cũng không nói gì hơn được: vợ ông đã bị mất tích trong một đêm khi con tàu đang đi ngang Ấn Độ Dương, không để lại một dấu vết nào, dù rất nhỏ.
        Thiếu tá Pégot cho chuyển các hành lý của vợ xuống tàu rồi đưa về doanh trại Arnault-Ville tại Sài Gòn là nơi ông làm việc. Từ ngày hôm đó, Pégot trở nên thờ ơ với công việc không phải là chiến đấu. Khi được biết đang thiếu người chỉ huy tiểu đoàn 1 trên đồi Béatrice ở Điện Biên Phủ, Pégot đề nghị được cử làm tiểu đoàn trưởng và được chấp nhận.
        Đối với trung uý De Veyes, ngày 3 tháng 3 qua đi rất nhanh. Buổi sáng tiểu đoàn dù lê dương có pháo và chiến xa yểm trợ đánh nống ra phía ngoài. Suốt ngày hôm đó, họ cố lấp những đoạn chiến hào mà Việt Minh đã đào lấn sát vị trí đóng quân.
        Đầu buổi chiều thiếu tá Pégot cùng với trung tá Gaucher lên cứ điểm Béatrice. Hầu như ngày nào Gaucher cũng phải dùng xe Jeep đi kiểm tra vị trí đóng quân. Lính lê dương rất thích được nhìn thấy vóc dáng nặng nề của ông bước nhường bước chân chậm chắc nịch lên các điểm cao và nghe giọng nói khàn khàn của ông trò chuyện với binh lính.
        Pégot nói với Gaucher:
        - Anh em có vẻ mệt mỏi, không chỉ mệt mỏi mà còn căng thẳng thần kinh vì chờ đợi.
        Gaucher càu nhàu:
        - Đây chưa phải lúc lên gân. Hãy chờ đến tối. Nhất định như vậy đó.
        - Tôi biết?
        Cả hai người cùng tiến hành những biện pháp cuối cùng để chống chọi với trận đánh đã biết trước.
        Một giờ trước khi trời tối, máy bay ào ạt kéo lên ném bom. Nếu đúng là 5 giờ chiều Việt Minh sẽ tiến công thì vào giờ phút này, bộ đội Việt Minh đã chiếm lĩnh xong các vị trí xuất phát tiến công. Suốt nửa giờ, máy bay B.26 của không quân trút bom xuống các mỏm đồi bao quanh tập đoàn cứ điểm máy bay Hellcatt của hải quân bổ nhào giữa những cụm khói từ lưới lửa cao xạ phòng không của địch, nã đạn xuống các khe suối và những lùm cây trên đường mòn dẫn tới cứ điểm Him Lam do lính lê dương đóng giữ. Cho tới khi thả hết bom, bắn hết đạn các máy bay mới lần lượt biến dần trên vòm trời bay về hướng châu thổ. Thung lũng lòng chảo ngay lập tức lại chìm đắm trong sự im lặng.
        Đúng 17 giờ, pháo binh địch bất đầu bắn những loạt đạn chế áp đầu tiên. Từng loạt đạn pháo 105 mm rơi tới tấp xuống khu Trung tâm, khu đặt sở chỉ huy, bãi để pháo. Tại sân bay, hai chiếc máy bay đỗ trên đường băng bị bốc cháy lửa lan rộng tới cả kho dự trữ xăng và hầm chúa bom napalm. Trên đồi Him Lam, nơi đặt cứ điểm Béatrice không còn là những tiếng pháo lẻ tẻ như mấy hôm trước nữa, mà là cả một trận bắn tiêu diệt bằng đạn pháo tập trung tại mặt trước cứ điểm. Lính lê dương ngồi rụt cổ trong chiến hào nghe tiếng gầm thét của pháo và cối. Theo thói quen, mọi người không hề bộc lộ cảm xúc của mình mà cứ thản nhiên mặc cho số phận. Thỉnh thoảng, thiếu tá Pégot chỉ huy cứ điểm lại gọi điện liên lạc với các đại đội. Đường dây điện thoại đã bị đạn pháo cắt đứt chỉ còn máy bộ đàm vô tuyến.
        Hai đại đội trấn giữ mặt Bắc là những đơn vị bị bắn phá thiệt hại nhất. Nhiều lô cốt bị sập, giao thông hào bị xới tung. Đột nhiên, tiếng pháo ngừng bặt. Lính lê dương lại ngẩng đầu nhìn lên, lúc đó mới thấy, qua lớp rào kẽm gai bị pháo bắn tơi tả hình ảnh những người lính Việt Minh đang xung phong, ánh lưỡi lê lấp loáng trên đầu súng.
        Lúc đó là 18 giờ 15 phút. Tại vị trí trung tâm, các sĩ quan tham mưu đang quây quần chung quanh trung tá Gaucher chợt thấy trung úy Veyes là sĩ quan trực ban tại phòng tổng đài chạy vào nói to:
        - Báo cáo trung tá. Việt Minh đã xung phong vào đồn Béatrice, đề nghị pháo bắn chặn.
        Gaucher quay điện thoại nối chỉ huy trưởng Castries:
        - Báo cáo đại tá. Béatrice sẽ giữ vững nhưng phải có pháo bắn chặn hết cỡ.
        - Béatrice sẽ được ưu tiên về pháo!
        Các pháo thủ nã pháo rất mãnh liệt. Cứ bắn liên tục bốn hoặc năm viên đạn lại nhảy xuống hố bảo vệ trước khi Việt Minh bắn trả rồi lại nhảy lên bắn tiếp. Nhưng đã có hai khẩu 105 bị phá hủy, các pháo thủ đều bị thương, một số bị chết. Từ gian hầm tổng đài, người lính nghe điện báo với Veyes:
        - Thưa trung úy? Không thấy Béatrice trả lời.
        - Kiểm tra lại máy xem!
        - Báo cáo, máy vẫn chạy tốt. - Liền sau đó anh lính báo vụ lại tiếp tục gọi trong máy:
        - Alô! Béatrice! Nghe rõ trả lời!
        Đột nhiên, qua loa phóng thanh một giọng nói hổn hển từ xa vọng lại:
        - Béatrice đây! Toàn thể ban chỉ huy cứ điểm đều bị tử trận… Một quả đạn nổ chậm đã lọt vào trúng hầm chỉ huy… Tất cả.., chết hết.., chết, hết…
        - Sở chỉ huy trung tâm đây? Hãy đưa máy cho một sĩ quan! Gọi lại cho chúng tôi!
        - Chết hết rồi… Chúng tôi vẫn đang tiếp tục bị bắn như giã giò…
        Pháo binh của Piroth phát huy hoả lực bắn ngăn chặn nhưng không có kết quả. Pháo Việt Minh bắn cả vào sở chỉ huy ở vị trí trung tâm.
        Trung úy Veyes liếc nhìn đồng hồ: lúc này là 8 giờ kém 15 phút. Anh ghi lại rất chính xác trong sổ trực ban: 19 giờ 45 phút. Chỉ vài giây sau Veyes đã bị một luồng gió mạnh quật ngã xuống đất. Gian hầm rung lên. Điện tắt ngấm. Dư âm của tiếng nổ còn kín đặc trong đầu. Trong bóng tối và trong đám bụi đất, Veyes lần mò tìm chiếc đèn pin. Một luồng ánh sáng lóe lên soi rõ gian hầm. Nhiều xà gỗ trên nóc hầm đã bị rơi xuống.
        Một lớp đất khô phủ lên các cỗ máy thu phát hãy còn lập lòe tín hiệu le lói qua lớp bụi đất. Trung úy Veyes hiểu rõ ngay: một quả đạn pháo của Việt Minh đã rơi trúng gian hầm bên cạnh, nơi đặt vị trí chỉ huy của tham mưu trưởng. Anh vội soi đèn nhảy sang. Thiếu tá tham mưu trưởng Vadot đang đứng, có vẻ như không việc gì, nói với trung úy Veyes:
        - Trung tá bị… Anh hãy nhìn xem?
        Veyes lại bấm đèn pin, soi sáng toàn bộ gian hầm. Các cây gỗ trên nóc đều bị sập, rơi chất đống, lộn xộn. Đất phủ đầy lên những xác người. Dưới gầm chiếc bàn làm việc đã bị phá hủy, trung tá Gaucher nằm thẳng cẳng, hai mắt mở to, miệng phủ đầy đất, ngực vẫn còn phập phồng đang cố hít không khí. Nhưng cả hai cánh tay của trung tá đã bị lìa khỏi cơ thể, bộ ngực đẫm máu. Bên cạnh trung tá là một xác người đã bị cụt đầu, nhưng Veyes vẫn nhận ra được, đó là Bailly, bạn cùng học trường kỵ binh Coetquidam. Gần bên cạnh là trung úy Bredeville đang thở hổn hển trước khi tắt thở. Thiếu tá Martinelli cũng bị thương.
        Bên ngoài, pháo địch vẫn tiếp tục. Đến 20 giờ 30 phút, Veyes mới bắt liên lạc được với Béatrice.
        Từ một vị trí còn lại ở phía Tây Bắc cứ điểm, điện đài báo về cho biết “Việt Minh ở khắp mọi nơi, chúng tôi đang chiến đấu chung quanh sở chỉ huy.” Đến 9 giờ tối thì cả đại đội cuối cùng này cũng không thấy trả lời nữa, cho tới nửa đêm thì toàn bộ cuộc chiến đấu đã được sắp xếp mường tượng lại như sau: cả hai sĩ quan Pégot và Gaucher đều bị tử trận từ đầu, cuộc phòng ngự thiếu người chỉ huy rơi vào hỗn loạn, vô tổ chức. Dù sao, cũng không thể tin được rằng toàn bộ tiểu đoàn 1 thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 thiện chiến lại bị đè bẹp nhanh chóng chi trong vài giờ mà không có một lực lượng cứu viện nào. Những tin tình báo cho biết, có hai trung đoàn thuộc sư đoàn 312 Việt Minh đã tiến công Béatrice và tiểu đoàn lê dương đã phải chiến đấu với tỷ số một chọi mười.
        Buổi sớm hôm sau rất yên tĩnh, một sự yên tĩnh hoàn toàn khác xa với thực tế. Cuộc đấu pháo đã ngừng, không ai nghe thấy một tiếng súng nào. Những chiếc máy bay lượn tít trên cao cũng không bắn phá.
        Phía Việt Minh cho một trung úy Pháp bị thương mà họ bắt được quay trở về mang theo một thư đề nghị ngừng bắn từ tám giờ đến mười hai giờ để hai bên cùng thu nhặt thương binh. Mọi người ra khỏi hầm trú ẩn, nhìn về phía ba quả đồi Béatrice, chỉ thấy vài cột khói xám bốc cao, quyện vào sương mù đang bị mặt trời xua tan.
        Binh lính lợi dụng thời gian ngừng bắn để ra sông tắm.
        Đến buổi trưa tiếng súng lại tiếp tục khi những chiếc Dakota thả đơn vị đầu tiên của tiểu đoàn dù lính Việt số 5 xuống bãi nhảy ở phía Nam.
        Hà Nội tăng viện cho một tiểu đoàn dù. Sáng mai, có thể sẽ phản kích chiếm lại Béatrice.
        Nhưng đến 17 giờ ngày l tháng 3, Việt Minh đã lại nã pháo chuẩn bị vào cứ điểm Gabrielle đật trên đồi Độc Lập như đã bắn phá Béatrice ở Him Lam ngày hôm trước. Từ vị trí chỉ huy đặt trong hầm có mái đắp đất dày tới một mét trên những thân cây lớn, thiếu tá Mecquenem to vẻ tin tưởng sẽ chịu đựng được trận bắn phá. Ông là một sĩ quan đã từng phục vụ tại cơ quan liên lạc thường trực của Pháp tại thủ đô Mỹ Washington, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Ely. Ông cũng đã hết nhiệm kỳ phục vụ tại Đông Dương sắp được thăng cấp và nâng chức xứng đáng với khả năng và trí tuệ. Ông đang chán ngán cuộc chiến tranh và xứ sở này, đang căm ghét cái khí hậu nóng ẩm, cái gió bụi ở đâu. Chỉ còn hai hoặc ba ngày nữa thôi ông sẽ được rời khỏi đây, được trở về Pháp bằng phương tiện nhanh nhất. Người thay thế ông là thiếu tá Kah cũng đã bay thẳng từ Pháp tới Điện Biên Phủ, đã có mặt tại đây và đang ngồi cùng với ông trong cứ điểm này. Từ tám ngày hôm nay, thiếu tá chỉ huy đã theo dõi sát từng giờ những động tác đào hào của Việt Minh ngày càng sát gần những vị trí phòng ngự của ông. Đêm hôm trước, ông cũng đã theo dõi trận đánh tại Béatrice ở Him Lam. Ông đã dự đoán, đêm hôm sau sẽ đến lượt Gabrielle của ông bị tiến công.
        Gabrielle là một cứ điểm cách trung tâm bốn kilômét về phía Bắc nhưng là một vị trí được chọn lọc và mạnh. Cứ điểm được xây dựng trên đỉnh một điểm cao trơ trọi, (vì vậy gọi là đồi Độc Lập), sườn rất dốc nhất là ở mặt Bắc. Cây cối trên cao điểm đã bị chặt hết để dùng làm vật liệu xây hầm và lô cốt, tất cả đều vững chắc. Tiểu đoàn phòng ngự được bố trí trên đỉnh cao, tất cả các sườn dốc đều có lưới lửa quét sát đất. Thiếu tá Mecquenem không có lý do gì để lo ngại.
        Từ tối hôm đó, pháo Việt Minh đã bắn phá liên tục Gabrielle trong suốt chín giờ ba mươi phút. Đại đội 4 bố trí ở mặt Đông Bắc cứ điểm bị pháo bắn nhiều nhất. Đến mười giờ tối, một quả đạn đã rơi trúng hầm chỉ huy của trung úy đại đội trưởng Moreau làm trung úy chết ngay tại chỗ.
        Những đơn vị đi đầu của Việt Minh đã bám chân ở mặt Bắc cứ điểm giữa vị trí của đại đội 1 và đại đội 4. Đến 3 giờ sáng Việt Minh ngừng bắn pháo.
        Mecquenem tranh thủ thời gian củng cố công sự và tiếp tế đạn cho các đại đội. Đến 4 giờ các trung đoàn của sư đoàn 308 bắt đầu xung phong đánh chiếm cứ điểm từ các mặt phía bắc và phía đông.
        Khoảng 4 giờ 30, Gabrielle gọi điện báo cáo với sở chỉ huy của Castries:
        - Cuộc tiến công của địch có vẻ như đang yếu dần. Các vị trí của ta nhìn chung vẫn còn nguyên vẹn trừ khoảng giữa đại đội 1 và đại đội 4 có một đơn vị nhỏ của địch đang chiếm giữ. Đại úy Carré đã đem theo một trung đội thuộc lực lượng dự bị tiến ra tăng cường phòng ngự cho phía này.
        Chỉ vài phút sau, hầm chỉ huy của Gabrielle được coi là một vị trí vững chắc nhất đáng làm khuôn mẫu cho toàn cứ điểm bị pháo Việt Minh bắn sập. Một quả đạn pháo đã xuyên qua nóc hầm rơi đúng giữa ban chỉ huy rồi phát nổ. Thiếu tá Kah bị đứt lìa một chân. Mecquenem và các sĩ quan khác may mắn thoát chết. Sau khi được đại úy Gendre chỉ huy đại đội 3 báo cáo, Castries ra lệnh cho Langlais và Pazzis tổ chức phản kích. Lúc này Langlais đang thay Gaucher chỉ huy khu Trung tâm. Vốn là người được giao nhiệm vụ nắm toàn bộ lực lượng cơ động của tập đoàn cứ điểm, ông đã nghiên cứu trước kế hoạch phản kích. Tiểu đoàn dù lê dương số 1, tiểu đoàn dù thuộc địa số 8 và trung đội xe tăng đã tổ chức diễn tập từ hồi đầu tháng 3.
        Công binh đã chuẩn bị sẵn các thiết bị để xe tăng có thể vượt qua giao thông hào khi xuất kích.
        Trung tá Langlais nghĩ rằng tiến hành phản kích trong đêm không đạt kết quả vì vậy đợi đến sáng mới bắt đầu. Pazzis là phó của Langlais cũng là người tổ chức các đơn vị xuất kích. Nhưng thiếu tá Pazzis đã không chọn tiểu đoàn dù số 5 người Việt làm lực lượng chủ chốt, có thêm một đại đội dù lê dương hỗ trợ. Thiếu tá Guiraud chỉ huy tiểu đoàn dù lê dương đã có phản ứng khi nhận lệnh vì không đúng với kế hoạch, trong đó toàn bộ tiểu đoàn dù lê dương đã được diễn tập thành thạo.
        Ông được Pazzis giải thích:
        - Tôi đã báo cáo và được đại tá Castries đồng ý rồi. Cần phải tiết kiệm lực lượng dù của lính lê dương, nên thay bằng tiểu đoàn dù người Việt.
        Khi ba chiếc xe tăng dẫn đầu tiến ngang qua cứ điểm Anne Marie thì đã 6 giờ sáng. Những đại đội thuộc tiểu đoàn dù số 5 người Việt do thiếu tá Bottela chỉ huy tiến theo vết xích của xe tăng.
        Gabrielle chỉ còn cách họ có một ngàn hai trăm mét. Chợt những quả đạn từ hai mươi bốn khẩu pháo 105 của Việt Minh rơi xuống đầu đoàn quân đang kéo đi phản kích. Tiểu đoàn dù số 5 nằm như bị đóng đinh trên mặt đất. Thiếu tá Bottela bị thương nhẹ ở chân, nhảy tập tễnh từ chỗ này đến chỗ nọ, quát mắng ầm ĩ, lấy gậy vụt cả vào người đám lính đang nằm run cầm cập. Martin thúc đại đội dù lê dương từ phía sau vọt lên, bám sát những chiếc xe tăng mở đường. Lúc này, một tiểu đoàn Việt Minh đã đóng giữ Bản Khe Phai và cao điểm 477 như đóng nút cổ chai. Các xe tăng bắn pháo mở đường tiến. Đoàn quân nhích dần lên tới cách Gabrielle khoảng bốn trăm mét thì lại bị chặn. Lúc này là đúng 7 giờ 15 phút. Cuộc chiến đấu trên cứ điểm Gabrielle vẫn đang tiếp diễn. Việt Minh đang tiếp tục đánh chiếm các lô cốt cố thủ. Thêm một tiểu đoàn Việt Minh vừa chiếm lĩnh được sườn phía đông cứ điểm. Vài giờ sau, Gabrielle hoàn toàn bị Việt Minh chiếm đóng đoàn quân phản kích cũng chấm dứt nhiệm vụ, không giành lại được cứ điểm và cũng không yểm trợ được cho lực lượng còn lại.
        Đến 11 giờ chiếc xe tăng cuối cùng trong đoàn quân cứu viện không thành mới quay trở về được khu Trung tâm cùng với Martin bốn sĩ quan và một trăm bốn mươi lính còn sống sót thuộc tiểu đoàn bộ binh thuộc địa Angiêri, đúng vào lúc một bầu không khí tang tóc nặng trĩu trong sở chỉ huy trung tâm. Trung tá Piroth, chỉ huy cụm pháo binh vừa mới tự sát bằng lựu đạn trong hầm. Xác của ông được mang về đây, đặt bên cạnh những chiếc áo quan vừa mới nhập thi hài, đó là Gaucher và các phó chỉ huy của ông. Một đội lính lê dương lập hàng rào danh dự với nét mặt buồn thảm của những người đứng canh lễ tang. Thiếu tá, bác sĩ Grauwin, cởi trần trùng trục, người ướt đẫm mồ hôi tới gặp đại tá chỉ huy trưởng Castries báo cáo: lính bị thương nằm rải rác trong các hầm nhưng không còn máu để truyền nữa.

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 924

Return to top