Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 39190 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH
Frederick Engels

XXIV

Cuộc bao vây Pa-ri đã kéo dài tròn một tháng. Trong thời gian ấy, dự đoán của chúng tôi về 2 tình huống có liên quan đến cuộc bao vây đó[1*] đã được thực tiễn chứng thực. Một là Pa-ri chẳng nên hy vọng gì được một đạo quân Pháp nào đó giải vây kịp thời từ bên ngoài. Đạo quân sông Loa-rơ hết sức thiếu kỵ binh và pháo binh dã chiến, còn bộ binh của nó, trừ những ngoại lệ không đáng kể, đều gồm hoặc lính mới hoặc lính cũ đã mất tinh thần, rất thiếu sĩ quan; những đơn vị quân đội này hoàn toàn thiếu tinh thần đoàn kết, cái tinh thần mà chỉ riêng nó thôi cũng có thể làm cho họ có thể giao chiến trên địa hình trống trải với những binh sĩ lão luyện được sự cổ vũ của những thắng lợi liên tục do Phôn Đe Tan chỉ huy, tiến đánh họ. Ngay cả khi đạo quân Loa-rơ có tăng lên đến 100.000 hoặc 120.000 người, điều này còn có thể làm được trước khi Pa-ri thất thủ, thì nó cũng không thể giải vây được. Nhờ ưu thế lớn về kỵ binh và pháo binh dã chiến là những thứ quân mà người ta có thể điều rất nhiều khỏi Pa-ri ngay khi đội pháo công thành cùng pháo thủ đến cũng như nhờ ưu thế của bộ binh về mặt chất lượng của binh sĩ, quân Đức có thể dùng binh lực nhỏ hơn giao chiến với đạo quân ấy mà không lo ngại gì về kết quả. Ngoài ra, trong trường hợp ấy, để tăng viện cho Phôn Đe Tan, họ có thể tạm thời phái các đơn vị hiện đang càn quét địch trong khu vực cách Pa-ri 50- 60 dặm ở phía đông và phía bắc cũng như một hoặc 2 sư đoàn trong đạo quân đang bao vây. Còn đạo quân Li-ông thì nếu như một bộ phận nào đó của nó còn tồn tại trong thực tế thì nó cũng hoàn toàn bận đối phó với quân đoàn 14 Bắc Đức của tướng Véc-đe hiện ở Ê-pi-nan và Vê-du-lơ và quân đoàn 15 đang tiến theo ở phía sau hoặc bên sườn phải quân đoàn 14. Đạo quân phía bắc do Buốc-ba-ki chỉ huy còn chưa thành lập xong. Theo tất cả các tin tức hiện có thì quân cảnh vệ lưu động ở Noóc-măng-đi và Pi-các-đi đang thiếu sĩ quan nghiêm trọng và được huấn luyện rất kém, còn quân vệ binh quốc gia ở địa phương và có thể phần lớn quân cảnh vệ lưu động được sử dụng làm nhiệm vụ đóng giữ 25 hoặc trên 25 cứ điềm tập trung trong khu vực giữa Mê-di-rơ và Ha-vrơ. Vì vậy, về phía này vị tất có thể trông chờ sự chi viện có hiệu quả và Pa-ri buộc phải dựa vào chỉ độc có lực lượng của bản thân mình mà thôi.
Hai là một điều đã sáng tỏ là quân phòng thủ Pa-ri không đủ sức tấn công trên quy mô lớn. Quân phòng thủ này cũng gồm những thành phần như quân ở ngoài Pa-ri và nó cũng thiếu kỵ binh và pháo binh dã chiến. Ba cuộc xuất kích vào ngày 19 và 30 tháng Chín và 13 tháng Mười hoàn toàn chứng tỏ rằng nó không thể gây một sức ép nghiêm trọng nào đó vào quân đang bao vây thành phố. Theo lời tuyên bố của bên bao vây thì "quân Pháp không thể chọc thủng ngay cả phòng tuyến thứ nhất của chúng ta". Tuy tướng Tơ-rô-suy công khai tuyến bố rằng ông ta không muốn tấn công địch trên địa hình trống trải vì thiếu pháo binh dã chiến và ông lại không ra khỏi cứ điểm nữa cho đến khi được bảo đảm về pháo binh dã chiến, nhưng ông ta không thể không biết rằng bất cứ pháo binh dã chiến nào trên thế giới đều không thể ngăn ngừa kết cục của cuộc xuất kích en masse[2*] đầu tiên của ông kết thúc bằng thất bại hoàn toàn. Mà đến khi pháo binh dã chiến của ông có thể sẵn sàng, - nếu đó không đơn thuần là cái cớ để thoái thác- thì hỏa lực của các đơn vị pháo của quân Đức bắn vào các pháo đài và tuyến bao vây khép chặt sẽ làm cho không thể sử dụng pháo binh dã chiến trên địa hình trống trải nữa.
Hình như Tơ-rô-suy và bộ tham mưu của ông ta biết rất rõ điều đó. Tất cả các biện pháp của họ đều nói lên sự phòng ngự thụ động đơn thuần, không có cuộc xuất kích lớn nào trừ những cuộc xuất kích cần thiết để thỏa mãn yêu cầu kiên quyết của quân phòng thủ không tài nào khép vào kỷ luật được. Tường pháo đài không thể chịu đựng được lâu sự bắn phá của trọng pháo Đức mà chúng tôi sẽ nói ti mỉ hơn ở đoạn dưới. Có thể là 2 hoặc 3 ngày, như bộ tham mưu Béc-lin hy vọng, sẽ đủ để tiêu diệt pháo trên tường các pháo đài phía nam, phá vỡ một hai chỗ ở lớp đá của e-xcác-pơ bằng hỏa lực cầu vồng bắn ở cự ly xa rồi xung phong vào pháo đài trong khi hỏa lực của các đơn vị pháo từ trên các cao điểm khống chế ngăn cản các công sự nằm sau pháo đài chi viện hữu hiệu cho pháo đài. Kết cấu của pháo đài cũng như tính chất của địa hình không hề ngăn cản gì việc đó. Ở tất cả các pháo đài xung quanh Pa-ri, e-xcác-pơ, nghĩa là mặt trong của hào hoặc mặt ngoài của tường chỉ được ốp bằng đá cho đến mặt bằng cho nên người ta thường cho rằng không đủ để bảo vệ cho công sự khỏi bị xung phong bằng thang. Sở dĩ có sự đi chệch quy tắc chung ấy là bởi người ta cho rằng bất cứ đạo quân nào bao giờ cũng tiến hành phòng ngự tích cực đối với Pa-ri. Trong trường hợp nào điều đó thậm chí còn là ưu điểm vì rằng hỏa lực cầu vồng của các đơn vị pháo khó bắn trúng vào lớp tường đá ở thấp mà đơn vị pháo không thấy được. Do đó mở đột phá khẩu từ cự ly xa là công việc còn khó hơn nữa nếu như từ những cao điểm có bố trí những đơn vị pháo đó không thể bắn thẳng bằng hỏa lực cầu vồng, song chỉ có ở tại chỗ mới phán đoán được điều đó.
Dù sao cũng không nên trông đợi sự chống cự lâu dài của những pháo đài phía nam ấy, những pháo đài nào bị các điểm cao khống chế và nằm trong tầm bắn có hiệu quả nhất của trọng pháo nòng có rãnh. Nhưng ở ngay sau những pháo đài ấy, giữa pháo đài và hàng rào của cứ điểm, quân phòng thủ chủ yếu là vẫn biểu lộ tính tích cực. Khắp nơi đều xây dựng rất nhiều công sự bằng đất; tuy chúng ta dĩ nhiên không biết hết mọi chi tiết nhưng có thể tin rằng những công sự ấy được thiết kế và xây dựng với sự thận trọng, sự lo xa và sự khéo léo đã làm cho các công trình sư Pháp chiếm địa vị hàng đầu trên 200 năm nay. Hiển nhiên đây là nơi mà bên phòng thủ lựa chọn để tác chiến, nơi mà những con khe và những sườn đồi, những nhà máy và thôn xóm phần lớn được xây bằng đá đã giảm nhẹ công việc của công trình sư và làm thuận lợi cho sự chống cự của những đơn vị quân đội mới thành lập và mới huấn luyện được nửa chừng. Chúng tôi cho rằng chính ở đây quân Đức sẽ phải làm một công việc khó khăn nhất. Thật vậy, qua tờ "Daily News", chúng tôi nhận được những tin tức từ Béc-lin cho chúng tôi biết tin rằng quân Đức cho rằng chỉ cần chiếm một phần các pháo đài là đủ rồi, để cho nạn đói làm nốt phần còn lại. Nhưng chúng tôi cho rằng họ sẽ không có được khả năng đó nếu họ không phá sập các pháo đài và không lại rút lui về trận địa hiện nay của họ mà chỉ bao vây thôi; nếu như họ làm như vậy thì quân Pháp dựa vào hào chống tiếp cận có thể dần dần chiếm lại phần đất bị mất. Vì vậy chúng tôi cho rằng tất cả các pháo đài mà quân Đức có thể chiếm được, họ đều mưu toan giữ lấy làm trận địa pháo binh thích hợp có thể sử dụng để bắn phá, dọa nạt dân cư bằng những phát đạn bắn vu vơ hoặc để bắn phá một cách mãnh liệt nhất mà họ có thể tiến hành bằng phương tiện có trong tay. Trong trường hợp này họ không thể tránh cuộc giao chiến mà bên phòng ngự khiêu chiến ở nơi mà bên này lựa chọn và chuẩn bị sẵn cho mục đích ấy vì rằng những pháo đài này sẽ ở vào tầm hỏa lực gần và có hiệu quả của những công sự mới. Ở đây có lẽ chúng ta sẽ được chứng kiến trận giáp chiến cuối cùng trong cuộc chiến tranh này, một trận giáp chiến có ý nghĩa khoa học nào đó, có lẽ thậm chí có ý nghĩa lớn nhất đối với khoa học quân sự. Ở đây bên phòng ngự lại có khả năng mở các trận tấn công tuy với quy mô nhỏ và sau khi nhờ thế mà phục hồi được đến mức độ nhất định thế cân bằng của các lực lượng tham chiến, họ có thể kéo dài cuộc chống cự cho đến khi nạn đói buộc họ đầu hàng. Vì rằng chúng ta phải chú ý rằng trong số lương thực dự trữ, Pa-ri đã sử dụng một tháng dự trữ mà bất cứ một ai ở ngoài Pa-ri cũng đều không biết ở đó liệu còn dự trữ lương thực được trên một tháng nữa hay không.
Về phía công thành của quân Đức thì trong các "phóng viên đặc phái" hình như có sự lộn xộn về khái niệm, và điều này hoàn toàn dễ hiểu nếu chú ý rằng trong pháo binh Đức việc đặt tên cho các cỡ khác nhau dựa vào những nguyên tắc ít ra cũng vô lý và mâu thuẫn nhau như những nguyên tắc được dùng ở Anh. Hiện nay khi mà những trọng pháo ấy có thể gầm lên bất cứ ngày nào thì có lẽ cần giải thích vấn đề đôi chút. Trong các loại pháo công thành kiểu cũ, người ta sẽ sử dụng ở Xtơ-ra-xbua cối 25 và 50 phun, hiện những khẩu cối này đã được chuyển về Pa-ri. Chúng được đặt tên như vậy theo trọng lượng của đạn đá hình cầu tương ứng với đường kính của nòng pháo. Trong số này một loại cỡ khoảng 8,5 in-sơ, một loại khác cỡ 8,75 in-sơ, còn trọng lượng thực tế của đạn hình cầu mà chúng bắn là 64 phun đối với loại thứ nhất và 125 phun đối với loại thứ hai. Rồi đến cối nòng có rãnh cỡ 21 cm hoặc 8,25 in-sơ bắn đạn dài 20 in-sơ và nặng hơn 200 phun một chút. Những loại cối này có hiệu quả lớn không những vì rãnh của nòng súng khiến cho bắn trúng hơn mà chủ yếu là vì đạn dài có kim hỏa khi rơi bao giờ cũng hướng đầu nặng có ngòi nổ của nó về phía trước, bảo đảm thuốc nổ nổ ngay khi chạm mục tiêu, do đó làm cho sức đánh xuống và sức phá kết hợp phát sinh tác dụng cùng một lúc. Trong các loại pháo nòng có rãnh ở đây có pháo nòng dài 12 và 24 phun được đặt tên như vậy theo trọng lượng quả đạn đặc hình cầu bằng gang mà người ta thường bắn bằng những khẩu súng này trước khi nòng súng có rãnh. Cỡ của chúng tương ứng lã gần 4,5 và 5,5 in-sơ với trọng lượng đạn là 33 và 64 phun. Ngoài những loại pháo kể trên, người ta còn đưa đến Pa-ri một số pháo nòng dài hạng nặng có rãnh dùng cho thiết giáp hạm và để phòng thủ bờ biển chống thiết giáp hạm. Người ta chưa bao giờ công bố tài liệu mô tả chính xác và tỉ mỉ về cấu tạo của những pháo ấy nhưng cỡ của chúng bằng khoảng 7,8 và 9 in-sơ và đạn nặng tương ứng là khoảng 120, 200 và 300 phun. Trọng pháo lớn nhất được hai bên sử dụng ở Xê-va-xtô-pôn là pháo hải quân nòng dài bắn đạn phá của Anh 68 phun, cỡ 8 và 10 in-sơ, pháo nòng dài bắn đạn của Pháp cỡ 8,75 và 12 in-sơ, còn thêm nữa quả đạn hình cầu 12 in-sợ nặng nhất của loại pháo này nặng chừng 180 phun. Như vậy là về mặt trọng lượng và số lượng đạn đem sử dụng, cuộc vây đánh Pa-ri sẽ vượt Xê-va-xtô-pôn trên với mức độ như Xê-va-xtô-pôn đã vượt tất cả các cuộc vây đánh trước kia. Chúng tôi có thể nói thêm rằng đội ngũ pháo công thành của quân Đức có một số lượng đại bác phù hợp với dự kiến của chúng tôi tức là chừng 400 khẩu.
--------------
Chú thích
[1*]. xem tập này. tr. 161-163.
[2*]. Trên quy mô lớn, bằng lực lượng lớn

<< SỐ PHẬN THÀNH MÉT-XƠ | XA-RA-GỐT- PA-RI >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 300

Return to top