Cuối cùng, kế hoạch chiến dịch của quân Phổ bắt đầu lộ rõ. Bạn đọc nhớ rằng, mặc dầu ở hữu ngạn sông Ranh đã diễn ra những cuộc chuyển quân quy mô lớn từ phía đông sang phía tây và tây - nam, nhưng người ta rất ít nghe nói đến việc tập trung những quân đội đó ngay gần sát nơi biên giới bị uy hiếp. Các pháo đài đã nhận được viện binh mạnh của những đơn vị quân đội đóng ở gần đó. Ở Xác-bruých-kên, 500 quân của trung đoàn 40 bộ binh và 3 phân đội của trung đoàn 7 thương kỵ (cả hai đều thuộc quân đoàn 8) đã bắn nhau với quân địch; quân xạ thủ Ba-vi-e và quân long kỵ Ba-đen đã dịch tuyến tiền đồn lên đến tận sông Ranh. Nhưng ở hậu phương trực tiếp của tuyến yểm hộ sườn đó được thành lập bởi một số ít đơn vị khinh binh, dường như lại không có một số lớn quân đội đóng. Người ta không thấy có sự tham gia của pháo binh vào bất kỳ một trận chiến đấu nào trong những trận chiến đấu đó. Ở Tơ-ria hoàn toàn không có quân đội. Mặt khác, chúng ta lại nghe nói đến một số lớn quân đội đang đóng tại biên giới Bỉ, 30.000 ky binh ở gần Khiên (tại đó, ở khắp mọi nơi trên tả ngạn sông Ranh, hầu như đến tận A-khen, đều có rất nhiều thức ăn cho ngựa), cũng như 70.000 quân phía trước Ma-in-xơ. Tất cả những điều đó có vô lạ lùng và hầu như đó là một sự phân tán quân đội một cách tội lỗi, ngược lại với sự tập trung dày đặc của quân Pháp ở cách biên giới chỉ có mấy giờ hành quân. Và bỗng nhiên từ những nơi khác nhau các tin tức nối tiếp nhau lọt đến, hình như đang nói ra điều bí mật.
Phóng viên của tờ báo "Temps"[20] , mạo hiểm len lỏi đến tận Tơ-ria, ngày 25 và 26 tháng Bảy đã thấy những lực lượng lớn thuộc mọi binh chủng đi qua thành phố đó theo hướng đến phòng tuyến sông Xa-rơ. Cũng vào khoảng thời gian đó, quân đồn trú yếu ớt ở Xác-bruých-kên đã nhận được những viện binh lớn, chắc chắn là từ Cô-blen-txơ, nơi đóng quân của bộ tham mưu quân đoàn 8. Các đơn vị quân đội nối nhau đi qua Tơ-ria chắc phải thuộc về một quân đoàn nào khác từ phía bắc đến qua Ai-phen. Cuối cùng, từ một nguồn riêng, chúng tối biết được rằng ngày 27 quân đoàn 7 đã từ A-khen hành quân qua Tơ-ria theo hướng đi tới biên giới.
Như vậy, chúng ta thấy rằng ít ra cũng có 3 quân đoàn, hay gần 100.000 người, được ném vào phòng tuyến sông Xa-rơ. Trong số đó hai quân đoàn 7 và 8 thuộc về đạo quân miền Bắc của tướng Stai-nơ-me-xơ (các quân đoàn 7, 8, 9 và 10) . Có thể giả định với đầy đủ căn cứ rằng, toàn bộ đạo quân ấy hiện nay đang được tập trung ở giữa Xa-rơ-buốc và Xác-bruých-kên. Nếu như ở những vùng chung quanh Khiên quả thực có 30.000 kỵ binh (hay khoảng gần như thế), thì đơn vị này cũng phải tiến đến Xa-rơ qua Ai-phen và Mô-den. Toàn bộ sự bố trí đó hình như cho ta thấy rằng, đòn chủ yếu của quân Đức sẽ đánh vào vùng nằm ở giữa Mét-xơ và Xa-rơ-lu-i bằng cánh quân sườn phải của họ, theo hướng vùng thung lũng thượng lưu sông Nít. Nếu như kỵ binh của lực lượng dự bị thật sự đã đi theo hướng nói trên, thì giả định đó sẽ trở thành một điều chắc chắn.
Kế hoạch đó đòi hỏi phải tập trung toàn bộ quân đội Đức vào giữa Vô-he-dơ và Mô-den. Đạo quân trung tâm (của hoàng thân Phri-đrích - Các-lơ, gồm các quân đoàn 2, 3, 4 và 12), hình như phải chiếm lĩnh vị trí giáp với cánh trái của Stai-nơ-me-xơ, hoặc giả tập trung ở phía sau của tướng này với tư cách là đội dự bị. Đạo quân miền Nam (của thái tử"[1*], gồm quân đoàn 5, đội cận vệ và các đơn vị miền Nam Đức) hình như sẽ hình thành cánh trái ở đâu đấy trong vùng Xvai-bruých-kên. Hiện nay tất cả những đơn vị ấy ở đâu và sẽ chuyển đến vị trí của chúng như thế nào, điều đó chúng ta không biết. Chúng ta chỉ biết rằng, quân đoàn 3 đã bắt đầu tiến qua Khuên theo hướng nam, theo con đường sắt ở tả ngạn sông Ranh. Nhưng chúng ta có thể giả định rằng, chính cái bàn tay đã vạch ra kế hoạch cho phép tập trung một cách nhanh chóng 100.000 - 150.000 quân từ những điểm xa xôi tới và hình như là từ những nơi hết sức khác nhau, đến sông Xa-rơ, - chính bàn tay ấy cũng sẽ vạch những con đường tiến quân giống như thế, theo những hướng tương tự, cho bộ phận quân đội còn lại.
Thật vậy đó là một kế hoạch táo bạo, và chắc chắn rằng nó cũng sẽ hiệu nghiệm như mọi kế hoạch khác mà người ta có thể vạch ra. Kế hoạch đó dự kiến một trận chiến đấu trong đó cánh quân bên trái của Đức, từ Xvai-bruých-kên hầu như cho đến tận Xa-rơ-lu-i, chỉ độc có phòng ngự, trong lúc đó thì cánh phải, tiến từ Xa-rơ-lu-i và ở phía tây địa điểm ấy dưới sự yểm trợ của tất cả các đơn vị dự bị, sẽ tấn công quân địch bằng tất cả mọi lực lượng của mình và bằng động tác đánh thọc sườn, sẽ dùng toàn bộ lực lượng ky binh dự bị cắt đứt giao thông của quân địch với Mét-xơ. Nếu kế hoạch đó thành công và quân Đức thắng trong trận chiến đấu lớn đầu tiên, thì quân đội Pháp sẽ rơi vào nguy cơ không những bị cắt đứt khỏi căn cứ gần nhất của nó - tức là Mét-xơ và Mô-den, - mà còn sẽ bị đẩy vào một vị trí khiến cho quân Đức lọt vào giữa nó và Pa-ri.
Trong tình hình đó, khi các đường giao thông của họ với Cô-blen-txơ và Khiên được hoàn toàn an toàn, quân Đực có thể mạo hiểm chịu một thất bại, bởi vì đối với họ một thất bại như thế sẽ hoàn toàn không đem lại những hậu quả tai hại lắm. Nhưng dầu sao thì đó cũng vẫn là một kế hoạch mạo hiểm. Rút một cách an toàn một đạo quân bị đánh tan, đặc biệt là cánh bên phải của đạo quân đó, qua hẻm Mô-den và những nhánh của nó, sẽ là một điều bết sức khó khăn. Hơn nữa, rõ ràng là một số lớn binh lính sẽ bị bắt làm tù binh và mất một bộ phận lớn pháo binh, còn việc biên chế lại quân đội dưới sự che chở của các pháo đài của sông Ranh thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Thông qua kế hoạch đó sẽ là một điều thiếu suy nghĩ, nếu như tướng Môn-tơ-kê không hoàn toàn tin chắc rằng, dưới sự chi huy của ông ta đang có những lực lượng chiếm ưu thế đến mức là thắng lợi hầu như không còn nghi ngờ gì nữa, và nếu như, ngoài ra, ông ta không biết rằng quân Pháp không thể tấn công vào quân đội của ông ta trong khi những đội quân đó từ những nơi khác nhau đang kéo về tập trung tại địa điểm đã chọn cho trận đầu tiên. Quả thật như vậy hay không, điều đó chúng ta hẳn sẽ biết được rất nhanh, thậm chí có thể là ngay ngày mai thôi.
Còn giờ đây thì cần phải nhớ là không bao giờ được tin chắc rằng những kế hoạch chiến lược đó sẽ dẫn đến toàn bộ các kết quả mà người ta mong chờ ở chúng. Khi thì ở nơi này, khi thì ở nơi kia, bao giờ cũng có thể xuất hiện những trở ngại: các đơn vị quân đội có thể không đến kịp đúng vào lúc cần đến họ; kẻ địch có thể thực hiện những sự di chuyển bất ngờ, hay có thể chúng đã có những biện pháp phòng ngừa không dự kiến trước; và cuối cùng, một cuộc chiến đấu quyết liệt, kiên trì, hay lý trí lành mạnh của một vị tướng nào đó, thường có thể cứu thoát được một đạo quân đã bị đánh tan khỏi hậu quả tai hại nhất trong những hậu quả có thể có của sự bại trận - sự mất liên lạc với căn cứ của mình.
---------------
Chú thích
[1*] - Phri-đrích - Vin-hem