Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 42158 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH
Frederick Engels

XXII

Trong một bài tiểu luận trước đây, chúng tôi đã lưu ý rằng ngay cả hiện nay, sau khi tấn công Xtơ-ra-xbua, hầu như toàn bộ đội quân khổng lồ của Đức ở Pháp đã sử dụng hết mặc dù quân đội xâm nhập không chiếm được đến một phần sáu lãnh thổ của nước Pháp[1*]. Vấn đề đó quan trọng đến mức chúng tôi cho rằng chúng tôi cần trở lại bàn về nó.
Mét-xơ, nơi mà đội quân của Ba-den bị hãm bên trong tuyến pháo đài, đã ngốn hết 8 quân đoàn (quân đoàn 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10, sư đoàn Hét-xen, sư đoàn lan-ve của tướng Cum-me) tổng cộng là 16 sư đoàn bộ binh. Pa-ri ngốn hết 17 sư đoàn bộ binh (quân đoàn vệ binh, các quân đoàn 4, 5, 6, 11, 12 Bắc Đức, quân đoàn 1 và 2 Ba-vi-e và sư đoàn Vuyếc-tem-béc). Quân đoàn 13 và 14 mới được thành lập gồm đại bộ phận là các đơn vị lan-ve và một vài đơn vị lấy từ những quân đoàn đã kể trên thì chiếm đóng những vùng đất đã chiếm được và theo dõi, phong tỏa hoặc vây đánh những cứ điểm còn ở trong tay quân Pháp nằm trong những vùng đó. Để tiến hành những hoạt động tích cực, quân Đức chỉ có trong tay quân đoàn 15 (sư đoàn Ba-đen và ít nhất là một sư đoàn lan-ve), một quân đoàn vừa được rảnh tay sau khi Xtơ-ra-xbua đầu hàng. Quân đoàn này phải được bổ sung bằng những đơn vị lan-ve mới và sau đó phải tiến hành những hoạt động mà hiện nay người ta còn chưa biết rõ tính chất theo hướng chạy xa hơn về phía nam.
Hiện nay, những lực lượng đó bao gồm hầu như toàn bộ những đơn vị đã được tổ chức hiện có của nước Đức, trừ một ngoại lệ rất quan trọng: cụ thể là trừ những tiểu đoàn chính quy thứ tư. Trái với điều là người ta đã làm trong thời gian cuộc chiến tranh Áo cụ thể là đã điều các tiểu đoàn đó đi đánh quân địch, lần này người ta đã để 114 tiểu đoàn ở lại trong nước; căn cứ vào những nhiệm vụ ban đầu của chúng, chúng được dùng làm những bộ khung để huấn luyện và tổ chức tân binh được gọi nhập ngũ để bổ sung, bù đắp những thiệt hại của những trung đoàn tương ứng của chúng do chiến đấu, hoặc ốm đau đem lại . Ngay khi một nghìn binh sĩ cấu thành tiểu đoàn được huấn luyện đủ để đảm nhiệm chức trách chiến đấu trên chiến trường thì người ta điều họ đến để phiên chế vào 3 tiểu đoàn dã chiến của trung đoàn; việc này đã được thực hiện trên quy mô lớn vào giữa tháng Chín, sau khi xảy ra những trận kịch chiến ở Mét-xơ. Nhưng các sĩ quan và hạ sĩ quan của tiểu đoàn thì vẫn ở lại tại chỗ, họ sẵn sàng tiếp nhận một nhóm mới gồm 1.000 binh sĩ lấy từ quân hậu bị bồ sung và từ những tân binh thuộc đợt nhập ngũ hàng năm để huấn luyện tác chiến. Biện pháp này là hoàn toàn cần thiết trong một cuộc chiến tranh đẫm máu như cuộc chiến tranh hiện nay, một cuộc chiến tranh mà người ta không thể dự đoán trước một cách chắc chắn khi nào sẽ kết thúc; nhưng lúc này thì biện pháp đó làm cho quân Đức không thể sừ dụng được 114 tiểu đoàn và một số lượng tương ứng kỵ binh và pháo binh, tổng cộng là 200.000 người làm quân chiến đấu. Trừ những lực lượng ấy ra, toàn bộ quân Đức đã vướng hết vào việc chiếm đóng chưa đầy một phần sáu nước Pháp và bao vây hai căn cứ lớn trong vùng lãnh thổ này Mét-xơ và Pa-ri, thành thử để tiếp tục tác chiến ngoài phạm vi vùng lãnh thổ đã chiếm được quân Đức còn nhiều nhất là 60.000 người. Mà đấy lại là vào lúc mà ngoài các cứ điểm nước Pháp hoàn toàn không có quân đội để kháng địch được mạnh mẽ.
Nếu nói chung cần phải có những bằng chứng để chứng minh tầm quan trọng to lớn của thành lũy lớn có pháo đài làm hạt nhân chủ yếu trong chiến tranh hiện đại thì ở đây có những bằng chứng đó. Khi có dịp, chúng tôi sẽ nói rõ rằng quân bị bao vây đã sử dụng hoàn toàn không tốt lắm cả hai thành lũy mà chúng tôi đang nói đến. Đội quân phòng thủ Mét-xơ quá lớn nếu tính đến quy mô và tầm quan trọng của cứ điểm này, còn ở Pa-ri thì hầu như hoàn toàn không có quân cho ra quân, có thể sử dụng được để tác chiến trong điều kiện dã chiến. Tuy vậy, cứ điểm Mét-xơ hiện nay đang giam chân ít nhất là 240.000 lính địch, còn cứ điểm thứ hai thì giam chân 250.000 lính địch; do đó nếu bên kia sông Loa-rơ, nước Pháp dù chỉ có 200.000 lính cho ra lính thôi thì việc vây đánh Pa-ri sẽ trở thành một việc không thể làm được. Bất hạnh thay cho nước Pháp, nó không có 200.000 lính đó mà chắc chắn là người ta sẽ không thể tập hợp, tổ chức và huấn luyện được số lính như thế trong thời gian mà họ cần có. Như vậy sự thất thủ của hai trung tâm phòng ngự lớn đó là vấn đề chỉ nội trong vài tuần. Cho tới nay, đạo quân ở Mét-xơ đã duy trì được một cách rất xuất sắc tinh thần kỷ luật và phẩm chất chiến đấu của họ, nhưng sự đánh trả mà những cuộc tấn công của họ thường vấp phải rút cuộc nhất định làm tiêu tan mọi hy vọng được cứu thoát của họ. Binh sĩ Pháp là những người bảo vệ cứ điểm tuyệt vời, họ có thể chịu đựng những thất bại trong khi bị vây đánh giỏi hơn nhiều so với chịu đựng những thất bại trong dã chiến; nhưng nếu trong họ bắt đầu có sự mất tinh thần thì sự mất tinh thần đó lan nhanh và không gì khắc phục được. Còn về Pa-ri, chúng tôi sẽ không giải thích một cách quá bám vào từng câu từng chữ những lời của ngài Gam-béc-ta nói rằng ở đó có 400.000 quân vệ binh quốc gia 100.000 quân cận vệ lưu động và 60.000 quân chính quy cũng như những lời tuyên bố của ông ta về số lượng súng đại bác và súng liên thanh nhiều vô kể hiện nay đang được sản xuất tại Pa-ri hoặc về sức mạnh to lớn của các chiến lũy. Nhưng không nghi ngờ gì nữa ở Pa-ri có đủ khả năng để phòng thủ rất vững chắc, mặc dù sự phòng thủ ấy tất nhiên mang tính chất thụ động do tính chất đạo quân phòng vệ Pa-ri và sẽ không có nhân tố mạnh nhất của nó- những cuộc tấn công mạnh mẽ đánh vào quân địch bao vây.
Dù sao đi nữa, hoàn toàn rõ ràng là nếu quân Pháp còn có nhiệt huyết dân tộc thật sự thì vẫn còn có thể giành được tất cả. Trong lúc toàn bộ lực lượng địch đã xâm nhập - trừ 60.000 binh sĩ và đội kỵ binh chỉ có thể tiến hành những trận đội kích nhưng không thể chinh phục được quân địch- bị cột chặt vào những vùng bị chiếm, thì tại năm phần sáu lãnh thổ còn lại của nước Pháp người ta có thể thành lập được đủ số lượng các đơn vị vũ trang để uy hiếp quân Đức ở khắp mọi nơi, cắt đứt giao thông liên lạc của chúng, phá cầu và đường sắt, tiêu hủy lương thực và đạn dược ở hậu phương của chúng và do đó buộc chúng phải rút từ hai đạo quân lớn đó một số lượng quân khiến Ba-den có thể tìm được cách chọc thủng vòng vây ra khỏi Mét-xơ, còn việc vây Pa-ri thì sẽ trở thành hão huyền. Ngay giờ đây sự di chuyển của những đơn vị vũ trang đó đã là một mối lo thật sự cho quân Đức, mặc dù lúc này nó chưa phải là một mối nguy cho chúng, nhưng lương thực và các dự trữ khác trong vùng xung quanh Pa-ri càng cạn kiệt đi và quân Đức càng phải dùng đến những biện pháp trưng tập ở những vùng xa hơn thì mối lo đó càng tăng lên. Đạo quân Đức mới mà hiện nay người ta đang thành lập ở An-da-xơ dù tiến hành cuộc viễn chinh nào ở hướng nam thì cũng rất chắc chắn là sẽ nhanh chóng bị rút về vì quân Đức cần phải đảm bảo giao thông liên lạc và chinh phục vùng đất lớn xung quanh Pa-ri. Nhưng số phận quân Đức sẽ ra sao nếu nhân dân Pháp tràn đầy nhiệt huyết dân tộc cuồng nhiệt giống như người Tây Ban Nha năm 1808[75] nếu mỗi thành phố và hầu như mỗi thôn xóm đều biến thành một pháo đài và mỗi người nông dân, mỗi người dân thành thị biến thành một chiến sĩ. Ngay cả 200.000 binh sĩ của các tiểu đoàn thứ tư cũng không đủ để chinh phục một dân tộc như thế. Nhưng giờ đây các dân tộc văn minh không quen có bầu nhiệt huyết dân tộc như thế. Người ta có thể thấy nó ở Mê-hi-cô và người Thồ Nhĩ Kỳ; cái xứ Tây Âu bị đồng tiền làm mê mệt này, nguồn nhiệt huyết dân tộc đó đã khô cạn và 20 năm mà cơn ác mộng Đế chế thứ hai đè nặng lên nước Pháp đã hoàn toàn không tôi luyện tinh thần dân tộc của nó. Kết quả là chúng tôi nghe nói thì nhiều mà thấy làm thì ít, chúng tôi thấy cái phô trương khoe mẽ thì nhiều mà việc tổ chức thì hầu như hoàn toàn bị coi nhẹ; thật sự kháng cự thì rất ít mà khuất phục kẻ thù thì rất nhiều, binh sĩ thực sự cho ra binh sĩ thì quá ít mà số tay súng tự do thì lại quá nhiều.
--------------
Chú thích
[1*]. xem tập này tr. 154-155.

<< NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA CHẾ ĐỘ QUÂN SỰ PHỔ | XXIII >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 925

Return to top