Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Bài học đầu tiên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8822 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bài học đầu tiên
Trần Thị Hồng Hạnh

CHƯƠNG 12

Tháng tám: Tượng đổ 
Đó là một lớp học chạy trước chương trình để chuẩn bị cho học sinh lớp 12 trên con đường thi tú tài và đại học. Hầu như trường nào cũng vậy, ban giám hiệu nào cũng vậy và sở giáo dục nào cũng vậy, ai cũng muốn cho học trò của mình đậu thật nhiều vào. Hễ mà đậu ít thì giáo viên chết với hiệu trưởng, hiệu trưởng chết với giám đốc sở, giám đốc sở chết với uỷ ban tỉnh. Nên chúng ta cứ thế mà ra sức “cày cuốc”.
Bây giờ là 21 giờ khuya. Ngoài đường, con đường trước cổng, các hàng quán đã đóng cửa hết. Tỉnh lẻ mà, có ai thức khuya quá đâu. Trong trường học, các lớp vẫn sáng đèn. Tôi nhìn quanh quất xung quanh sân trường, lớp thầy Triển đang đều đều tụng bài về điện gì đó, lớp thầy Thư đang om sòm tiếng của một đứa học trò nam vừa vỡ giọng trả bài về ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám 1945, lớp của sếp lớn đang có mấy em chạy tới chạy lui làm bài trên bảng rồi trao đổi bài tập với nhau. Tất cả ồn ào như chợ vỡ. Sân trường nhộn nhịp làm tôi tự nhiên thấy vui vui. Bước rất nhẹ về phía nhà vệ sinh. Khổ thật, tôi rất sợ học sinh nhìn thấy mình đi vệ sinh. Có cái gì đó kỳ cục làm sao đó. Như hồi tôi còn nhỏ vậy, cứ thấy thầy cô nào đi vô nhà vệ sinh thì tự nhiên thấy ghét ghét thầy cô đó. (Hồi nhỏ, chắc ai cũng tưởng thầy cô là những bậc thánh nhân, hổng biết đi nhà vệ sinh và không có những nhu cầu chính đáng, hết sức con người như vậy đó). Bước rất nhẹ và thấy lòng tự nhiên yêu đời quá đỗi, tôi vấp một cục đá, té cái oạch. Chợt nghe tiếng động là lạ trong nhà vệ sinh nam. Tôi nín thở, ngồi im. Bỗng có tiếng thì thào rất khẽ:
- Không sao, chắc con gì đó, không sao…
- …
- Đừng sợ…Không sao mà…
- …
Ái chà, chuyện này hấp dẫn đây. Không phải ma. Rõ ràng là người thực một trăm phần trăm. Cái giọng này nghe quen quen. Tạm thời mất trí nhớ rồi nên không nghĩ ra được là ai. Gượng đau đứng dậy, cơn tò mò chiếm tâm trí của tôi. Nhất định phải xem ai trong cái nhà vệ sinh vào giờ này chứ? Được rồi, đứng lên được rồi! Nhẹ thôi, đừng có đau như thế chứ cái chân quái quỷ kia. Nép vào, nép sát vào! Xong! Tôi đã tìm được một chỗ ẩn nấp tuyệt vời. Đối diện nhà vệ sinh nam là một cây cổ thụ to. Tôi thì gầy nhom, có thể nép vào đó mà không sợ ai thấy. A! Ra rồi! Ơ kìa! Sao? Tôi không thể tin vào mắt mình. Đó là thầy Nan, người thầy giáo mẫu mực nổi tiếng của tỉnh tôi, người mà bọn học sinh chúng tôi ngày xưa vẫn xem là thần tượng. Thầy Nan có một gia đình hạnh phúc, con cái xinh đẹp và thành đạt, vợ thầy là người đàn bà đáng yêu nhất mà tôi từng được biết. Cô có nụ cười đáng yêu của trẻ thơ và luôn sẵn lòng tha thứ khi chúng tôi quấy phá. Tôi đứng lặng người, lảo đảo suýt ngã. Cái bóng thứ hai bước tiếp theo là một cô gái nhỏ. Ai vậy? Và sao vậy?...
Nhìn theo hai bóng người đi về hai ngả, tôi bàng hoàng. Không tin được vào mắt mình. Thực là khó hiểu. Tất nhiên là tôi không thể nói câu chuyện này với bất kỳ ai mà để trong lòng thì thực sự là khó chịu. Tự nhiên, tôi cảm thấy mình mất đi nhiều yêu kính đối với thầy Nan và cảm thấy hụt hẫng với nghề giáo viên của mình quá. Quả thật, Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại rơi vào tình cảnh này.
Cũng may, những ngày này, chưa chính thức vào năm học mới, giáo viên mới ra trường như tôi được hiệu trưởng phân công làm giám thị, ghi chép điểm danh giáo viên và học sinh đến dạy và học nâng cao mỗi ngày, thu tiền học phí và được chia phần trăm để gọi là hỗ trợ đời sống.
Tự nhiên, tôi thấy buồn quá. Chẳng thiết gì đến chuyện điểm danh này nọ. Ngồi một mình trên văn phòng trống trải, tôi chẳng biết làm gì. Viết vu vơ mấy dòng lặt vặt, định gửi bài đăng báo mà cũng chẳng viết được bài nào. Một tuần trôi qua như thế. Tối nay, thứ bảy, trường vẫn sáng đèn. Chưa vào năm học mà không khí chộn rộn của mùa thi tốt nghiệp đã xuất hiện trong trường tôi rồi. Sao mà mệt mỏi thế này? Chợt nhớ câu kinh nhật tụng của hiệu trưởng: “Trường chúng ta không phải trường bình thường”. Có lẽ vì không phải trường bình thường nên mới như thế này đây. Áp lực và mệt mỏi. Nếu mai này tôi được phân công dạy lớp 12? Không, tôi không nhận dạy 12. Áp lực thành tích sẽ giết tôi chết. Trời đang mưa, gió rất to. Ba lớp học mái tôn được cất vội để chữa cháy cho việc tuyển sinh quá nhiều đang tốc mái. Chẳng biết xây cất làm sao mà mới có mưa 5 trận thì đã như vậy. Lớp học như thể cái chuồng heo, hễ mưa là ướt lướt thướt cả thầy lẫn trò. Mưa lớn quá. Các lớp học hầu như không còn nghe tiếng ồn ào. Có tiếng bước chân về phía văn phòng.
- Này, cô Hạ Anh, qua phòng máy tính tôi bảo cái này…
Hiệu trưởng hôm nay hình như say rượu. Tôi có cảm giác vậy, không biết có đúng không? Không biết ông kiếm vì lý do gì, tôi cũng bước qua phòng máy. Ông ta đóng sầm ngay cửa lại, nhào đến ôm tôi:
- Em biết tôi yêu em lắm không? Yêu em ngay từ ngày đầu gặp gỡ…
Vừa nói ông ta vừa sờ soạng. Tôi hốt hoảng đẩy người ông ta ra, kinh tởm.
- Yêu tôi đi, tôi bất hạnh lắm, vợ tôi cho tôi mọc sừng, thằng đó không phải là con tôi…tôi bất hạnh lắm…
Ông ta rống lên như một con bò rồi tiếp tục sờ soạng, tôi lấy hết sức bình sinh, xô ông ta ra và mở cửa chạy ra ngoài.
Tức đến ứa nước mắt. Nhất định tôi sẽ kiện ông ta tội sàm sỡ. Tôi sẽ kiện ông ta ra toà, ông ta phải trả giá về hành động của ông ta.
Một đêm trôi qua rất nhanh. Cả đêm tôi chỉ nung nấu ý định kiện ông ta. Nhưng tôi chưa biết bắt đầu thế nào. Liệu tôi có nên nói với chủ tịch công đoàn nhà trường không? Bà ta có bênh vực tôi không? Hay là lại hùa với ông ta mà nói tôi vu cáo. Nghĩ tới điều này, tôi bắt đầu e ngại. Nhưng ý định kiện ông ta ra toà vẫn còn mạnh mẽ trong lòng. Thế là, tôi lên mạng, tìm kiếm luật về tố cáo khiếu nại. Đọc xong, tôi thấy buồn vô hạn. Không có bằng chứng, làm sao tôi có thể kiện tụng gì ông ta được. Hay là tôi đâm ông ta chết rồi tự sát, như kiểu Chí Phèo vậy? Cũng chưa được. Vì tôi ốm yếu gầy nhom, chưa chắc đã đâm ông ta chết được. Hay là thuê xã hội đen? Tôi có quen biết một thằng xã hội đen nào đâu? Hay là bỏ thuốc độc vào nước trà ông ta uống hằng ngày? Chị tạp vụ sẽ lãnh đủ. Hay là…Hay là…
Hàng trăm thứ suy nghĩ ập vào đầu tôi làm tôi muốn điên đầu. Không biết những thằng tội phạm khác khi chuẩn bị hành xử có suy nghĩ như tôi không? Nghĩ một ngày một đêm, tự nhiên, tôi thấy nguội lạnh ý nghĩ trả thù. Nghĩ cho cùng, ông ta cũng chưa làm gì được tôi, tôi cũng đã giáng cho ông ta một cái tát rồi. Vả chăng, ông ta cũng chẳng nhiều chuyện với ai được. Ấy là tôi nghĩ vậy thôi, chứ biết đâu chừng, ông ta lại là kẻ không biết xấu hổ, ngang nhiên bịa đặt thì cũng chẳng biết đâu mà lường. Hay là mình nghỉ việc? Tại sao lại nghỉ? Mình đã phải rất vất vả cạy cục mới vào được trường này, tại sao lại nghỉ?
Nhức đầu quá, thôi, bất quá từ nay trở đi, mình cảnh giác hơn là được chứ gì? Nhưng liệu ông ta có bỏ qua không? Không biết nữa, thực sự không biết. Cuối cùng tôi cũng chìm dần vào giấc ngủ với quyết tâm sẽ tìm một việc làm khác và sau đó xin nghỉ việc. Ngày cuối cùng, trước khi ra đi, tôi sẽ vạch mặt ông ta trước mọi người và sau đó, hiên ngang dõng dạc đi đến cơ quan mới. Còn bây giờ thì tạm thời yên lặng và tốt hơn hết là tránh được ông ta chừng nào hay chừng ấy.
Lại một đêm dài nữa trôi qua nhanh chóng. Sáng, tôi thức dậy, cố gắng dùng miếng gạc tẩm trà đắp lên mắt để làm vết sưng xẹp xuống rồi thoa chút phấn hồng, lên lớp. Mạnh mẽ và dũng cảm lên, tôi tự nhủ mình như thế.
Con đường vào trường hôm nay có vẻ ngắn hơn mọi hôm. Tôi đi trên đường mà cứ phập phồng khó chịu trong lòng. Cứ tưởng như ai cũng biết chuyện tối hôm đó và nhìn tôi bằng con mắt thương hại hay khinh bỉ. Tôi dừng xe ở chỗ để xe giáo viên, gặp Tâm, một cô giáo trẻ vừa ở huyện Thạnh Xá chuyển về, tôi gật đầu chào. Tâm cười:
- Hôm nay chị bệnh hả? Nhìn chị không được vui!
Tôi gật đầu ngay lập tức:
- Ừ, tôi bệnh, cảm ơn cô Tâm!
Tâm nhìn tôi ái ngại:
- Chị nhớ giữ gìn sức khoẻ nghe.
Lí nhí cảm ơn cô đồng nghiệp, tôi bước vào văn phòng. Ông ta đang ngồi trong văn phòng, nhìn tôi thản nhiên như thể không có chuyện gì. Máu nóng tôi sôi trào, ông ta cười chào tôi:
- Chào cô Hạ Anh, đi dạy rồi à, hết bệnh rồi à?
Tôi lạnh nhạt đáp lời:
- Cảm ơn thầy hiệu trưởng.
Rồi sau đó đi nhanh xuống lớp.

<< CHƯƠNG 11 | CHƯƠNG KẾT >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 567

Return to top