Tháng chín: Cái gì cũng đầu tiên
- Một bài báo và những suy ngẫm của một cô giáo mới ra trường.
Tôi là một cô giáo mới ra trường. Năm nay tôi hai mươi mốt tuổi. Tôi tốt nghiệp loại giỏi và nhờ một người quen giới thiệu nên tôi mới được về trường này. Ngôi trường được hân hạnh mang tên một vị nữ anh hùng cách mạng. Tôi đang ngắm nhìn tượng của chị M.K đặt trang trọng giữa sân trường. Sáng nay, khai giảng, tụi học trò đến dâng hương tưởng niệm chị. Tôi vẫn còn ngơ ngác, bàng hoàng, không tin được là mình được nhận vào trường này. Chắc bạn cười tôi giả bộ chảnh chứ gì? Làm gì mà tôi chảnh được đến vậy chứ. Tôi còn nhớ như in ngày mười tám tháng tám, tôi đem cái bằng loại giỏi, sơ yếu lý lịch và đơn xin việc đến phòng tổ chức sở. Cô Hoàn, trưởng phòng tổ chức không ngẩng mặt lên, cô đang đọc một xấp hồ sơ gì đó, hắng giọng hỏi tôi:
- Em cần gì?
- Dạ, thưa cô, em xin được dạy tại thị xã.
Ai cũng đòi ở thị xã lấy ai về huyện. Tốt nghiệp loại giỏi mới được ở lại thị xã. Em tốt nghiệp loại gì?
- Dạ, thưa cô! Em tốt nghiệp loại giỏi!
Cặp mắt kính được đẩy lên chút xíu. Chân mày cô nhíu lại, cô ngước lên nhìn tôi khoảng 2 giây rồi lại cúi xuống đống giấy tờ bề bộn:
- À, ghê quá! Tốt nghiệp loại giỏi hả? Bằng giả hay bằng thiệt đây? Hồi nãy tôi nói lộn rồi, phải có nhiều điều kiện lắm mới được ở lại thị xã… Đầu tiên là… Thứ hai là… Thôi nhiều điều kiện lắm, em không đáp ứng được đâu. Với lại…Lúc này, mấy trường ở thị xã hết chỉ tiêu rồi…
- Dạ, thưa cô, em biết trường chuyên mới mở 3 năm, ở đó đang thiếu giáo viên mà cô!
- Trời? - Cặp mắt kính được đẩy lên cao chút nữa, trán nhăn thêm mấy nếp, cô nhíu mày nhìn tôi khoảng 3, 4 giây gì đó rồi nói giọng nhẹ nhàng mà lạnh lùng và đầy quyền uy – Cô là trưởng phòng tổ chức hay tôi? Thôi, đi đi, để tôi còn làm việc. Đi huyện thì nộp hồ sơ, không đi thì thôi. Ghê quá hén, không thèm đóng học phí để khỏi bị ràng buộc nữa…
…
Tôi nhìn bức tượng chị M.K. Chị đã trở thành bí thư xứ uỷ Nam kỳ lúc chị hai mươi tuổi. Còn tôi, hai mươi mốt tuổi, không vào được trường mình muốn dạy bằng thực lực của mình. Dù với cái bằng tốt nghiệp loại giỏi người ta có thể được giữ lại dạy đại học. Tất nhiên là “với nhiều điều kiện nữa”… Tôi lại ngắm nghía bức tượng chị M.K, chợt nhận ra một điều là phía sau bức tượng bám đầy bụi. Còn phía trước thì sạch bóng. Tôi tiến đến gần thêm bước nữa. Thật mà. Đâu phải tại con mắt cận thị của tôi đâu. Hiệu trưởng có vẻ là người kỹ tính và hay xét nét. Hổng biết ổng sẽ nói gì khi biết chuyện này hả? Tôi đã thấy ông ta nhìn từ đầu đến chân tôi trong lần đầu tiên tôi đến nộp thư giới thiệu của sở. Đôi mắt ông ta có vẻ tối lại, đôi môi mỏng hơi mím như cách người ta giễu cợt khi nhìn thấy đôi giày sandal tôi mang bị đứt một quai được tôi khâu lại bằng chỉ tiệp màu. Tôi cũng không nhớ kỹ vậy, nếu như bữa họp hội đồng giáo viên đầu năm, ông ta không nói rằng: “Giáo viên trường ta là trường chuyên, ăn mặc, giày dép cũng phải đẹp đẽ, ra dáng”. Với một ông hiệu trưởng như vậy, không biết tôi có sống được ở cái trường này lâu được không. Nghĩ lan man, tôi lại nhìn cái tượng, phía sau tượng phủ bụi. Không biết ổng có thấy không mà không nghe rầy la. Chắc ổng không thấy, tôi nghĩ vậy. Chứ nếu ổng thấy, chắc chắn là ổng nói.
Chuông vô tiết lâu rồi. Tôi vẫn thơ thẩn trong sân trường. Bữa nay, tôi không có tiết. Trường dạy ngay sau khi khai giảng. Chuyện cũng ngược đời. Vì cả thị xã, không trường nào học vậy. Nhưng hiệu trưởng nói vì trường ta là trường chuyên nên cái gì cũng phải đặc biệt. Học ít như các trường khác, rớt tốt nghiệp, người ta cười vào mặt. Tôi nghe mang máng năm rồi, trường có một em học sinh, vốn là con gái cưng của phó giám đốc sở y tế tỉnh, quay bài, bị bắt và rớt tốt nghiệp. Nghe nói, hiệu trưởng muối mặt đi xin chủ tịch hội đồng thi ém đi. Nhưng người ta không đồng ý.
Tôi vẫn thơ thẩn trong sân trường, cuối cùng rồi tôi cũng vô đây được. Tất nhiên, với điều kiện đầu tiên là có tiền và có sự giới thiệu của một người quen biết thân thiết với cô Hoàn mà tôi vô cùng biết. Nghĩ cũng mắc cười. Chị Ngọc lấy hồ sơ của tôi đi nộp giùm, vì sợ cô Hoàn tự ái khi thấy tôi. Nhưng rốt cuộc, sự cẩn thận đó cũng bằng thừa, vì tôi nhớ rõ, hôm ấy, cô Hoàn không nhìn thấy hồ sơ của tôi, đâu có biết tôi tên gì mà lo, cổ cũng đâu có nhìn mặt tôi kỹ lắm đâu. Suốt buổi nói chuyện, cổ nhìn tôi có hai lần chứ mấy, mỗi lần chừng 5, 6 giây thôi. Chị Ngọc làm hết mọi thủ tục, thế là tôi về trường này. Tôi đang mỉm cười bâng quơ thì bác Ba bảo vệ kêu tôi lại:
- Nè, cô gì ơi, không được đi loanh quanh trong sân trường trong giờ học!
- Dạ, con không biết, xin lỗi bác.
- Ừ, cô không biết nên tôi mới dạy cô, cô mới ra trường, liệu mà ăn ở cho đàng hoàng đó. Tôi thì tôi biết điều lắm!
Tôi đi vô văn phòng. Nhìn quanh quất. Chứ biết làm cái gì cho hết giờ. Hiệu trưởng nói là giáo viên phải họp sau tiết một này. Nên ai không có giờ dạy cũng phải chờ. Hiệu trưởng còn căn dặn cụ thể là các thầy cô trẻ không được đi chỗ khác. Nếu trễ họp là vô kỷ luật mà ổng thì chúa ghét người vô kỷ luật. Văn phòng là phòng học được sắp xếp lại. Bức tường sau lưng bàn hiệu trưởng là hàng loạt giấy khen: Trường tiên tiến xuất sắc, chiến sĩ thi đua, học sinh giỏi gì đó. Nhìn rất xôm tụ. Tôi bước lại gần xem cho rõ. Bác Ba bảo vệ làm tôi giật mình khi lên tiếng:
- Tôi là tôi tự hào lắm đấy cô ạ. Trường ta thành tích tốt vậy là nhờ thầy hiệu trưởng đấy. Thầy ấy thực là nhân đức, tốt bụng mà lại dạy giỏi nữa chứ…
Tôi trả lời cho qua chuyện, thú thực, trong bụng cũng không thích người này cho lắm:
- Dạ, có gì bác hướng dẫn con nghe.
- Ừ, được rồi, tôi sẽ giúp đỡ cô mà. Mà này, cô có đem tiền theo đó không? Tôi mượn chục ngàn mua trà cho trường, mai tôi trả lại.
Giọng Bắc ngọt ngào quá. Tôi nhìn kỹ người bảo vệ thêm một chút nữa. Tất nhiên là tôi có đem tiền và tôi không từ chối. Nhìn chục ngàn rời tay mình, tôi thấy nghi ngờ quá. Chắc nó không trở lại. Má tôi vẫn thường hay nói rằng, bà sợ tôi không có người yêu. Má tôi nói: “Con như là mấy ông bá hộ ngày xưa lúc cho tá điền vay tiền vậy. Liếc mắt một cái là nghi ngờ người ta. Mà không hiểu sao mấy ông bá hộ đó hay thiệt, nhìn là biết anh tá điền nào không trả liền”. Tôi cười ngả nghiêng. Má so sánh nghe thấy ghê quá. Làm như tôi là bá hộ. Nhưng cười là cười vậy, chứ tôi biết má tôi nói đúng. Những linh cảm về tính tình con người đến với tôi trong mười giây tiếp xúc đầu tiên luôn luôn đúng. Đúng đến mức độ tôi phát sợ. Chẳng biết mình có bị ma quỷ gì ám không nữa… Rồi từ đó, tôi hơi mất niềm tin nơi con người và cả bản thân mình nữa. Chẳng lẽ đời mình toàn gặp những kẻ xấu nhiều hơn người tốt vậy sao. Má tôi nói không nên nghĩ vậy. Người tốt vẫn còn nhiều vô kể, tại tôi chưa gặp nhiều. Với lại, bà còn nói là ai cũng có cái tốt, tôi không nên chỉ căn cứ vô con mắt bá hộ cho vay tiền mà xét nét người ta. Tôi nghe má, nên cũng ráng sửa đổi. Không xài con mắt bá hộ nữa. Để nhìn người, nhìn đời cho trong trẻo hơn. Vậy mà, hổng biết sao, từ lúc bước vô trường này, tôi cứ đem con mắt đó nhìn hoài à, ghét mình ghê vậy.
Tôi xem mãi cũng chán nên ngồi lại bàn giáo viên. Chiếc bàn họp dài, hình chữ nhật. Tôi ngồi ngay đầu bàn đằng này. Đằng kia là ghế hiệu trưởng. Bác Ba bảo vệ nhìn tôi cười cười:
- Cô đừng có ngồi chỗ đó. Hiệu trưởng ghét ai ngồi chỗ đó lắm. Ổng nói ai ngồi đó là muốn đối đầu với ổng…
Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Trời, vụ này mới à nghen! Làm gì có cái chỗ ngồi đối đầu nữa. Mình đọc sách cũng hàng vạn trang, cả đông tây kim cổ, hình như chưa biết chuyện này. Hấp dẫn đây. Phải lấy cái sổ ra ghi lại mới được, biết đâu mai mốt mình viết được cái truyện ngắn nào thiệt hay, hihi”. Nghĩ là làm, tôi lấy quyển sổ tay ra ghi: “Không được ngồi vào chỗ đầu bàn họp, vì như vậy là đối đầu với hiệu trưởng”. Không được, dài quá, ghi tắt thôi, thôi, ghi vầy nè: “Ngồi đầu bàn = đối đầu H.T”. Tôi ngoẹt thêm một cái mặt cười le lưỡi vô đó. Vậy là xong. Tôi khoái chí cười tủm tỉm một mình.
- Ừ, vậy được đấy, tôi quý mấy người trẻ tuổi vậy. Biết kính trọng người già và khiêm tốn học hỏi. Giỏi đấy! Giỏi đấy!
Lần thứ hai trong buổi sáng này, tôi giật mình vì ông bảo vệ này. Hình như ông ta là ma xó? Hihi, trời, tôi lại nhớ mấy câu chuyện đường rừng của ai đó rồi. Ông này chắc hổng phải ma xó thì cũng ma trành. Thôi, nghĩ bụng vậy, đừng nói ra chi, mất công mang họa. Ổng ma xó, mình ma mới. Ma mới nên mới nhịn. Chờ đó đi, ma xó à, chưa biết ma nào thắng ma nào đâu nghen. Mệt quá đi! Tôi lấy một tờ báo Trẻ ra đọc. Tin tức trong nước chẳng có gì đáng chú ý nhiều. Mấy tin về cuộc thi tìm kiếm ngôi sao ca nhạc, mấy tin về ngập lụt ở Sài Gòn. Cũ quá trời, năm nào chẳng nghe điệp khúc ngập lụt. Mấy đứa bạn tôi ở Sài Gòn còn sáng chế bài ca ngập lụt nghe thấy mà phê. Như vầy nè: “Mỗi năm đến hè là tôi phát rầu, tốn thêm tiền cho lau khố bùgi. Nhìn con xế nổ đau xót tim tôi, mấy ông thoát nước ới ời, chừng nào mới hết cảnh này?”. Thằng bạn tôi làm ở một tờ báo lớn, chuyên phụ trách chuyện tin tức đào đường chế ra bài hát này dựa theo lời bài Nỗi buồn hoa phượng đó chứ. Không biết nhạc sĩ Thanh Sơn nghe nó hát thì có cảm giác gì, chứ tôi nghe thì khoái lắm. Lướt nhanh qua tin tức ngập lụt trong lúc miệng rên ư ử lời nhạc quái chiêu của thằng bạn, mắt tôi dừng lại trước một dòng tít lớn: “Bài học đầu tiên”. Tôi đọc kỹ bài báo và dừng lại rất lâu trước đoạn này: “…bài học đầu tiên của các em học sinh nước Nga hiện nay là cách ứng phó trong trường hợp bị bắt làm con tin”. Miệng tôi ngưng lời hát nhảm nhí của đứa bạn từ lúc nào. Tim tôi nghẹn lại. Trời ơi, những đứa trẻ con, chúng có tội tình gì? Cậu bé sống sót sau vụ bắt cóc con tin của bọn khủng bố đã kể lại kinh nghiệm sống sót như trong phim hành động: “Em nghĩ, nếu muốn sống phải im như thóc”. Và cậu đã im như thóc. Chao ôi, đâu phải ai cũng im lặng được như em. hàng chục cô bé, cậu bé đã chết trước họng súng quân phiến loạn, chúng ta đang sống trong một thế giới quá bất ổn. Sinh mạng con người chỉ như một trò đùa của những kẻ mạnh nhiều vũ khí và thừa lòng độc ác. Tôi bần thần một lúc rất lâu. Ngày niên thiếu, tôi từng ao ước được một lần đến nước Nga, đến với hàng bạch dương căng lồng ngực thiếu nữ, với hoa táo trắng thơm ngát và tiếng đàn balalaica trên sông Vônga từng chiều. Nước Nga của tôi, nước Nga của thứ ngôn ngữ mà tôi say mê suốt một thời thơ dại bây giờ không còn bình yên cho con trẻ được nữa. Tôi cúi đầu ngậm ngùi. Chợt nhớ, có lần trên bến phà, tôi thấy một bà sồn sồn, tát vào mặt đứa nhỏ bại liệt chỗ nhà vệ sinh và chửi em là đồ ăn hại. Cô bé ngước đôi mắt lên nhìn người đàn bà, ánh nhìn đầy cam chịu. Đôi mắt nâu mọng nước. Rồi, nước mắt từ từ tuôn rơi. Nước mắt cô bé rơi xuống đôi bàn chân nhỏ thó, rơi xuống chiếc nạng đặt kề bên. Còn tôi, lúc đó, cũng đã khóc theo em. Em lại lết đôi nạng gỗ, đi mời từng người mua vé số trên phà. Đôi mắt màu nâu vẫn còn đọng những giọt nước mắt. Mắt Nâu của tôi, bây giờ em như thế nào. Không biết em và những đứa trẻ này ai may mắn hơn, ai bất hạnh hơn? Tôi lại nhìn vào tờ báo, những tấm ảnh sống động như kể cùng tôi những câu chuyện đau lòng. Có mấy thầy cô giáo đã không về sau buổi học đầu tiên của trường Beslan ấy. Là tôi, tôi có dám hy sinh cho các học trò của tôi không? Tôi cảm thấy sống mũi mình cay cay…