Tháng hai: Câu chuyện người bạn đồng nghiệp tên Trí và những triết lý U3A của anh ta
Cuộc sống làm giáo viên năm đầu tiên của tôi trôi qua được 6 tháng. Không quá lâu với hàng trăm công việc nhưng lại quá mệt mỏi trước trăm thứ đề phòng. Từ sếp đến đồng nghiệp. Không hiểu sao mấy bà tám ở đâu về trường tôi nhiều vậy. Dường như, ngoài việc nói xấu người khác họ không còn việc gì khác để làm. Nhưng may mắn thay, trong trường không phải chỉ có những người như vậy. Nếu chỉ có những người như vậy thì chắc cái địa ngục còn tốt hơn trường tôi. Bữa nay, lại họp. Cái bệnh họp ăn sâu vào máu, thành ung thư di căn với hiệu trưởng rồi. Giờ ai cũng hiểu - chẳng người nào không hiểu nên hễ hiệu trưởng triệu tập họp là sốt sắng đi ngay. Đi sớm nữa là khác. Nhưng khi đi đừng quên mang theo báo, tạp chí khổ nhỏ (để dễ giấu vô sổ họp, đọc lén), kẹo (để nhai cho đỡ buồn miệng), vô số giấy trắng nhỏ nhỏ (để lén chơi cờ carô)… và hằng trăm thứ hằm bà rằng khác để chống buồn ngủ và chịu đựng hết sự tra tấn về mặt tinh thần của hiệu trưởng.
Buổi họp bắt đầu. Hiệu trưởng hắng giọng long trọng:
- Thưa các thầy cô trong hội đồng nhà trường! Hôm nay, tôi muốn đề cập đến một vấn đề quan trọng. Ai sẽ dạy đội tuyển học sinh giỏi của trường chúng ta… Các thầy cô biết đấy, dạy thì vất vả, nhưng chẳng ai cho đồng nào. Chúng tôi đã vất vả cả sáu năm trời, thời ấy, ít người hơn bây giờ mà công việc vẫn chạy đều đặn…
Hiệu trưởng tiếp tục bài tình ca năm cũ. Đang say sưa gật gù vừa lén chép miệng tận hưởng vị trái cây ngọt ngào của viên kẹo thì tôi giật bắn mình khi nghe một giọng nói lạ cất lên:
- Thưa thầy hiệu trưởng, tôi xin phép có ý kiến! Tôi nghĩ rằng hiệu trưởng nên đề cập vào vấn đề chính. Bởi vì hôm nay, chúng tôi được triệu tập vào đây để họp, chứ không phải…
- Anh nói gì? A, tôi hiểu rồi, anh muốn phê bình tôi nói nhiều phải không? Nói dài nói dai, nói dở chứ gì? Vâng, tôi xin lỗi các đồng chí, chúng ta bàn việc! Hiệu trưởng giận run người, tôi liếc nhìn thấy bàn tay ông ta run run. Cái yết hầu ông ta nhấp nhô mạnh. Mặt ông ta đỏ lên như những lần khác khi ông ta tức tối ai đó. Trí ơi là Trí, dại dột chi vậy. Tôi nhìn Trí, anh ta có vẻ cũng thoáng lo. Tôi thầm cảm phục anh ta, nhưng thực lòng, thấy anh ta dại dột. Thì kệ ổng, ổng nói một hồi ổng mệt, ổng im chứ gì. Nói chi cho mang họa. Chuyện này, má tôi tuy học vấn thấp, nhưng bà hiểu, bà nói với tôi là mỗi khi mà ai đó nói nhiều quá, tức là người ta có nhu cầu nói, hãy để yên cho người ta nói. Má tôi còn nói, những người không tự tin vào lời nói của mình nên mới phải nói nhiều. Nhất là những người có chức vụ đó. Vì có khi, với cái chức đó, họ không đủ năng lực nên mỗi lần phát biểu, họ phải nhắc đi nhắc lại để người ta hiểu, người ta ghi nhớ. Tôi thì tôi cũng nghĩ như má tôi, nhưng cũng không hoàn toàn vậy. Nhìn ở góc độ tâm lý, tôi cho đó là tâm lý tự ti xen lẫn tự tôn. Cái vòng lẩn quẩn này rất khó phân biệt. Tôi thấy hiệu trưởng là một đối tượng thú vị để tiến hành một nghiên cứu về tâm lý lãnh đạo. Được thôi, tôi sẽ nghiên cứu ông ta, biết đâu tôi sẽ trở thành nhà tâm lý chuyên viết về tâm lý lãnh đạo. Trời, nghĩ tới chuyện này thấy thú vị nghe. Biết đâu, nhiều kẻ nịnh bợ sẽ tìm đến tôi để mua một cuốn sách, để biết tâm lý mà nịnh. Những kẻ muốn làm lãnh đạo sẽ mua sách để học theo tâm lý, ít nhất là cũng thoả mãn trong tưởng tượng rằng ta là lãnh đạo. Trời, mình làm giàu tới nơi rồi. Bỗng:
- Cô Hạ Anh, cô đang họp hay đang ngủ gục vậy?
Tôi giật mình, buông tay xuống bàn họp cái rầm, hội đồng cười hì hì, tôi quê quá, hoá ra, mình vừa suy nghĩ vừa nằm mơ. Chuyện lạ có thiệt à nghe. Không biết có nhà bác học nào tìm ra cái này chưa nữa. Thôi, phải tập trung vào vấn đề chuyên môn mới được, không thôi bị chửi. Vừa nghĩ đến đó, tôi vừa liếc nhìn hiệu trưởng. Y như rằng, có ngay:
- Tôi nhắc các thầy cô, họp hành thì họp hành, đừng có lung tung lang tang. Phê phán thì giỏi, xây dựng mới khó.
Tôi lại lén lén ngước nhìn hiệu trưởng, ủa, sao ổng chửi tôi mà không nhìn tôi, lại nhìn Trí. Anh ta giả tảng như không nghe, mắt mơ màng. Chắc đang nhớ vợ hay nghĩ đến mấy trò chơi trong máy vi tính. Bàn tay Trí chai ngón trỏ và ngón cái, dấu hiệu của kẻ mê game mà. Nghe kể, anh ta có thể chơi game từ đêm tới sáng. Trí có dáng vóc rất thư sinh. Người cao, ốm. Thêm nét mặt rất sáng kiểu trí thức, lại gắn đôi kính cận. Tụi học trò nữ lớp mười hai mê Trí không phải vì Trí dạy hay mà vì vẻ thư sinh đó. Một lý do nữa là vì anh ta rất hiền, chẳng bao giờ chửi mắng học trò, cũng chẳng cho tiết B, C. Trước đây, Trí là chuyên viên toán của sở giáo dục, vì bất đồng chính kiến gì đó mà xin về trường dạy. Về trường ít lâu, cũng chẳng thêm được gì về chuyên môn. Tôi thấy rõ ánh mắt ác cảm của hiệu trưởng và thầy Dũ - giáo viên toán của trường từ ngày thành lập đến nay – nhìn về phía Trí, cả công khai lẫn lén lút. Thầy Dũ ác cảm đã đành. Hiệu trưởng vì sao lại thế, thỉnh thoảng, tôi dùng điều này làm bài tập thực hành phân tích tâm lý cho mình, nhưng tôi chịu thua. Không giải được.
Sau sự việc đó, không khí trường tôi trở nên rất nặng nề, không hiểu nổi vì sao sự việc lại đến nông nỗi đó. Không ai tụ tập ở văn phòng chuyện trò. Hình như, không ai dám nói chuyện với Trí. Có lẽ, họ sợ. Tôi thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với anh ta, những câu chuyện không đầu không đuôi. Tôi không muốn mình trở nên hèn hạ quá. Có hèn thì cũng ít ít thôi, còn để dũng khí cho con cháu nữa. Tôi biết chứ, tôi thừa nhạy cảm để biết, hiệu trưởng đang vận động tẩy chay Trí. Không hẳn vì anh ta mà tôi trò chuyện. Nhưng thực sự, tôi ghét như vậy. Hiệu trưởng sẽ trở thành một người hoàn hảo nếu chuyện lãnh đạo của ông ta giỏi như chuyện dạy học sinh giỏi của ổng. Trong hai mươi mấy hiệu trưởng cấp 2 và 3 của tỉnh này, ông ta là người giỏi chuyên môn nhất. Và có lẽ, cũng là người chịu đầu tư cho chuyên môn nhất. Điều đó, làm tôi ít nhiều nể trọng ông ta. Tôi vốn ghét những kẻ dốt mà làm ra mặt…nhất là khi giới quan chức của tỉnh này lại nhiều kẻ vậy. Tôi nhớ lần khai mạc hội khỏe của tỉnh, ông chủ tịch đã cầm giấy mà đọc chữ không chạy. Chắc tại ai đó soạn nên ổng đọc không ra. Sau này, nghe nói, hồi đó, ổng học bổ túc. Chuyện này nói ra dễ đụng chạm. Chứ thực sự, tỉnh này có bao nhiêu người vậy. Điều kỳ lạ là những người học thấp lại lãnh đạo người học cao. Tôi còn nhớ bài huấn thị kinh khủng của một vị lãnh đạo tỉnh đến trường tôi dự lễ khai giảng năm học mới: “Các cháu cố gắng học hành, để làm ông nọ bà kia, làm kỹ sư bác sĩ, hay tệ nhất cũng làm thầy cô”. Nghĩ đến chuyện đó, tôi bụm miệng cười. Ít ra thì hiệu trưởng cũng có chữ nghĩa và cũng thuộc loại không ngu dốt. Nói đi, nói lại, tôi cũng không hiểu sao, hiệu trưởng ghét Trí ra mặt, dù với thầy Dũ, ông ta cũng chẳng ưa gì.
Trí nói với tôi rằng anh ta cảm thấy việc đó không có gì lạ. Tôi hiểu, có thể lúc làm chuyên viên phòng nghiệp vụ của sở giáo dục, anh ta cũng ít nhiều va chạm với những chuyện như vậy. Trí cười buồn buồn:
- Hạ Anh không biết tôi thôi, hồi tôi ở trển, lương tháng có hơn bảy trăm ngàn, tới lương, ông Rạ kêu tôi đi nhậu. Vậy là hết hơn trăm. Mình là thằng đàn ông mà…
Tôi hiểu. Trí hay giấu mình sau những câu nói châm biếm nhưng thực chất, anh ta là một người trí thức day dứt về cuộc đời. Cuộc đời riêng lẫn cuộc đời chung. Tự nhiên, tôi nghĩ đến Tú Xương. Nhưng Trí không phải là Tú Xương. Chúng tôi không sống trong thời bị Pháp đàn áp nữa. Nhưng những day dứt cá nhân kiểu Trí cũng có thể là những day dứt muôn đời của người trí thức khi gánh nặng áo cơm còn đeo mang. Không chỉ có gánh nặng áo cơm mà còn có gánh nặng bị bóc lột một cách công khai bởi những kẻ có quyền có chức. Anh nói tiếp một cách nhẹ nhàng:
- Hạ Anh biết không? Hồi ở trên sở, mua một cuốn truyện tranh cho thằng nhóc cũng phải đắn đo. Thôi thì…ở đâu cũng là bán tri thức. Chấp nhận mọi thứ để kiếm thêm tiền nuôi con.
Tôi nhìn Trí ngỡ ngàng. Như lạ như quen. Người ta nói nam giới không dễ gì tâm tình nếu không phải là người thân. Anh nói chuyện với tôi rất chân tình như vậy thì chắc chắn không phải lời nói dối. Không hiểu sao, tôi thấy buồn buồn. Chợt nhớ bữa trước đọc trên tờ báo về câu nói vô tình của một bạn trẻ: “Không hiểu sao nước mình nghèo mà có nhiều người tài như vậy? Không hiểu sao nước mình có nhiều người tài vậy mà vẫn nghèo?” Câu hỏi ấy có lẽ không là trăn trở của riêng ai. Tôi quý Trí và chia sẻ với anh những suy nghĩ. Nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý với anh. Trí phê phán nhưng không nỗ lực làm gì để thay đổi hoàn cảnh. Thực ra, nhìn vào bất cứ xã hội nào, những người bất mãn cũng nhìn thấy cái xấu. Biến mình thành người bất mãn trước thời cuộc là điều không nên. Nhưng a dua, nịnh bợ và tô hồng thời mình đang sống cũng là điều không nên. Trí có cái quan điểm của một người trí thức tiêu cực. Anh không biết rằng với đôi mắt đó, anh nhìn đâu cũng thấy khó, thấy khổ, thấy tiêu cực. Nhiều đêm tôi vẫn thao thức về mình. Người trí thức làm gì cho đất nước? Mẹ không chê con nghèo, con có chê mẹ khó không? Mình nên như thế nào? Một nhà bác học từng nói rằng, người trí thức là người luôn tỉnh thức trước thời cuộc. Nhưng liệu có xa xôi quá không? Liệu sự tỉnh thức ấy có giúp ích được gì cho bản thân họ? Hay là lại cho xã hội thêm những người tiêu cực trong suy nghĩ? Tôi hay nghĩ về Trí, không phải như một người yêu mà như một đối tượng suy ngẫm. Tôi nhớ nét mặt anh khi nhận xét về phong trào xoa dịu nỗi đau da cam mà báo Trẻ tổ chức. Anh hơi bĩu môi, lắc nhẹ đầu và giọng nói nhuốm màu chán nản: “Hình thức và hình thức.” Tôi hỏi anh có ký tên vì công lý không? Anh cười: “Mình không thích làm theo phong trào…” Sự việc này làm tôi thấy xa lạ với anh.
Những ngày này, tôi suy nghĩ rất nhiều điều về cuộc sống. Có lẽ do tôi nhạy cảm quá chăng. Một lần thời sinh viên, tôi vô bảo tàng chứng tích chiến tranh. Nhìn những bào thai dị dạng, lòng tôi se thắt lại. Sợ sệt cũng có mà căm thù cũng có. Chiến tranh hiện diện đó, qua những bào thai nằm cong queo trong chiếc lọ tẩm foc-mon. Gương mặt của chiến tranh không mang hình viên đạn mà mang hình những em bé dị dạng bởi chiến tranh. Tôi cũng đã vào làng trẻ em Hoà Bình. Ai đã đặt tên cho làng trẻ em này như vậy. Hoà Bình trên nỗi đau của chiến tranh. Chiến tranh đã rời xa đất nước xinh đẹp này lâu lắm. Những vết thương cũng dần kín miệng. Nhưng, có những vết thương chưa bao giờ lành. Tôi không biết Trí có vô cảm đến thế không khi nhìn thấy những gì tôi đã thấy. Phải, anh có thể phê phán người khác hùa theo phong trào, anh có thể nhìn thấy người khác kiếm chác tên tuổi hoặc mua quảng cáo giá rẻ từ việc ủng hộ đó. Nhưng anh có thấy những người chỉ gửi có hai ngàn đồng và không để tên, anh có thấy những người giấu tên gửi hàng chục triệu đồng không? Tôi cảm thấy thất vọng về Trí nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn chuyện làm cho tôi thất vọng hơn.
…
Tôi cầm một xấp mấy tờ báo Trẻ lên phòng hiệu trưởng.
- Dạ thưa thầy, em xin phép thầy cho tổ chức một đợt quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam.
Hiệu trưởng nhướng mắt nhìn tôi:
- Ai đề nghị, thị đoàn, tỉnh đoàn hay mặt trận tổ quốc tỉnh? Có công văn không?
Tôi kiên nhẫn:
- Dạ, báo Trẻ, thầy xem trong này nè!
Tôi cẩn thận đưa xấp bài đã được đánh dấu mực đỏ cho hiệu trưởng xem. Ông ta lật tới lật lui rồi trả lời một câu làm tôi chết sững:
- Thôi chuyện này không phải chuyện liên quan đến ngành giáo dục, thu tiền học sinh là phiền lắm, cô phải biết nguyên tắc chứ. Tài chính này nọ, khó lắm. Tôi ghi nhận là cô có tấm lòng…
Tôi đâu có cần hiệu trưởng ghi nhận tôi có tấm lòng. Tôi nhìn người lãnh đạo nhà trường thật là kỹ. Nhìn kỹ một lần nữa. Rồi lại một lần nữa. Người ta có thể nhân danh mọi thứ tốt đẹp để từ chối làm một điều tốt đẹp. Đó là một nghịch lý tồn tại hằng ngày trong cuộc sống chúng ta. Mà điều đó dường như ai cũng thấy mà không ai lên tiếng và cũng không muốn lên tiếng. Khi một xã hội đi đến chỗ nhân cách trí thức băng hoại, xã hội đó sẽ băng hoại. Không biết có nhiều người trí thức và lãnh đạo trí thức giống như hiệu trưởng không? Tôi thầm thắc mắc như vậy rồi tôi thầm trả lời, chắc là không. Nếu cuộc đời này toàn là những người trí thức suy nghĩ như hiệu trưởng và Trí, thì có lẽ, có rất nhiều người đau khổ đã không được giúp đỡ. Tôi biết chứ, chúng ta đang sống trong cái thời mà lòng tốt cũng phải suy tính và sự giúp đỡ người khác lại không đem đến quả ngọt mà có khi là trái đắng. Nhưng, chao ơi, nếu lòng tốt tự nhiên nơi con người chết đi hết thì cuộc đời này ra sao. Tôi nhìn ra bên ngoài sân trường. Bức tượng chị M.K đứng sừng sững. Chị là một nhà cách mạng lớn. Chị xứng đáng được tạc tượng và đứng đó, kiêu hãnh đường bệ. Nhưng nếu như thay vì tạc tượng chị, chúng ta để số tiền đó làm một quỹ học bổng cho học sinh nghèo, cho những em bé mồ côi lang thang, như vậy tốt hơn hay xấu hơn. Hàng ngày, tôi đọc báo, có rất nhiều tượng đài đã được dựng lên. Người ta tham nhũng, làm dối trá, người ta rút ruột tượng đài, người ta…Những vĩ nhân kia ở dưới suối vàng mà biết được, chẳng biết có vui được không? Đất nước như một người bệnh, ung nhọt nhỏ thôi mà đau nhức triền miên. Trước những nỗi đau có hình hài của đồng bào, tại sao nhiều trí thức vẫn dửng dưng vô cảm? Chúng ta đang xấu dần như thế sao? Tôi cảm thấy lòng mình buồn vô hạn. Tôi nữa. Tôi phải làm gì, phải sống như thế nào?