Câu chuyện tháng tư: Chỉ là giấc mơ thôi
Đêm là một nơi tạm trú của tâm hồn, nhất là những khi buồn bã, chán nản vì đời sống chung quanh…Người ta đã viết rất hay như vậy. Tôi đang nghiền ngẫm mấy trang nhật ký online của một người có nickname là canhvac. Nghĩ cũng lạ, đó là một người con trai, thế mà anh ta lại chọn nick là canhvac. Cánh vạc, một hình ảnh quen thuộc trong nhạc của Trịnh. Tôi cũng chọn nick canhvac trong lần tình cờ, tôi lên mạng, search tìm xem có ai dùng nickname giống mình không, rồi tôi nhặt được trang nhật ký này.
Ôi, ông hoàng bé nhỏ ơi, dần dà như vậy đó, tôi hiểu ra cuộc đời nhỏ nhoi buồn bã của em, bao lâu nay em chỉ nhờ sự êm ả của hoàng hôn để mà khuây khỏa, tôi biết được nét mới đó vào buổi sáng thứ tư khi em bảo tôi:
- Tôi thích cảnh mặt trời lặn, ta đi xem cảnh mặt trời lặn đi!
- Nhưng phải đợi chứ?
- Đợi cái gì?
- Đợi đến lúc mặt trời đó lặn.
Thoạt nhiên em có vẻ kinh ngạc và rồi em tự cười mình. Và em bảo tôi:
- Tôi cứ tưởng còn ở nhà…
...
Tôi đọc những dòng ghi chép của canhvac, lòng bâng khuâng vô hạn. Tôi rất thích Saint Exupery. Hoàng Tử Bé là câu chuyện mà tôi có thể đọc đi đọc lại hàng trăm lần mà không biết chán. Cũng như quyển Cõi người ta của ông phi công này vậy. Mỗi lúc buồn, tôi hay nhớ mấy câu trong ấy: “Bao năm chúng ta tỉa hạt trồng cây, cây lớn lên, ra hoa,…rồi người ta đẵn cây đi, cũng như những bạn hữu của chúng ta vậy, lần lượt bỏ ta mà đi…”. Đọc mà nghe cô đơn rợn người. Có đôi khi, sự cô đơn của một bức tượng. Chẳng ai nói chuyện với bức tượng khi họ không mong cầu một điều gì đó linh thiêng từ nó. Sự cô đơn của những bức tượng danh nhân còn mạnh mẽ hơn sự cô đơn của những bức tượng tôn giáo.
Có kẻ lải nhải bên tai vẫn còn đỡ vắng lặng hơn là đơn độc một mình giữa mưa nắng. Không hiểu sao, những ngày này, tôi hay nghĩ nhiều về sự cô đơn, cô độc trong cuộc sống. Vốn dĩ, con người đã sống trong sự cô đơn, quãng đời có đôi khi chỉ đúng khi họ còn trong bụng mẹ. Khi rời khỏi bụng mẹ rồi, thì đó đã là sự tồn tại như một cá thể độc lập. Mà đã độc lập thì cô đơn. Tôi không tự huyễn hoặc mình để tìm đến cái gọi là nỗi cô đơn thần thánh của sự sáng tạo. Tôi không vĩ đại như vậy. Đọc S.E, tôi còn đọc được sự cô đơn của ông, và, tôi thấy đồng cảm. Suốt đời, tôi chỉ ao ước viết được một vài trang sách mà người ta đọc nó xong thì cảm thấy rưng rưng trong lòng dù nó chỉ là một khoảnh khắc thôi. Đêm, vắng lạnh. Chỉ có tiếng lách cách của bàn phím máy tính vang lên mồn một. Tiếng lách cách chẳng nói lên được một cái gì, chỉ là tín hiệu báo rằng tôi còn thức, tôi đang làm việc nhưng nó chẳng chỉ nỗi buồn hay niềm vui. Cuộc sống ngoài học đường của tôi gắn liền với bàn phím. Những con chữ xuất hiện. Tôi làm bạn của chữ. Chữ của tôi, chữ của người. Có những người, tôi tự nhận mình là bạn của họ, dù tôi chỉ biết họ bằng chữ mà thôi. Như canhvac chẳng hạn. Mưa rơi, đêm đã vắng lạnh lại thêm buồn. Tôi cầm cuốn Hoàng tử bé trên tay. Hồi chiều, tôi đã từ chối cho ông bán sách dạo trước cổng trường mượn. Thấy lòng hơi áy náy, rồi tự an ủi mình rằng chắc ông ấy giả vờ mượn để làm quen khách hàng mới chứ ổng già vậy, Hoàng tử bé đâu phải là loại truyện ổng thích đọc. Tự an ủi mình vậy chứ tôi vẫn thấy lòng không yên. Chợt nhớ, ánh mắt ngồ ngộ, là lạ của ổng khi nhìn thấy cái bìa sách làm tôi càng tin vào linh cảm của mình. Chắc chắn là ổng có cái gì đó, liên quan đến quyển sách này.
… “Một cánh hoa, một loại côn trùng, một kiếp người cũng như ánh nắng chiều ngoài cửa thư viện kia, rồi sẽ nhạt, sẽ tàn. Nhưng không thể không yêu những nét đẹp mỏng manh đến thế”[1] Lại là một đoạn trong nhật ký của canhvac. Chiều nay, tôi đi dự đám tang của một người bạn, chết rất trẻ. Đang đi trên đường đến trường, bạn bị một chiếc xe tải, do tránh một chiếc xe đạp học sinh băng ngang, lạc tay lái, đâm sầm vào. Nghe nói, người tài xế còn rất trẻ, mặt xanh như tàu lá chuối, vội vã xuống, ẵm người bị nạn lên, chạy đến bệnh viện. Chiếc xe tải đậu chơ vơ giữa đường, một lúc rất lâu sau, cảnh sát giao thông mới tới. Người nhà bạn không kiện cáo gì, anh tài xế đến viếng, đôi mắt thất thần, đôi mắt ấy vẫn còn chưa hết hoảng hốt. Anh thắp nhang, miệng lẩm nhẩm khẩn cầu điều gì đó, hết sức thành tâm. Vậy đó, bạn đột ngột ra đi, không một lời chia tay, không có cái gì dự báo trước. Trong đám tang của bạn, tôi lại gặp ông già bán sách dạo trước cổng trường, nghe ổng kể chuyện một lúc, thấy lòng ngập tràn xấu hổ. Mình vốn là người hay phê phán cái bệnh chủ quan của người trí thức trong văn Nam Cao. Vậy mà lần này, mình cũng bị nhiễm cái bệnh đó, nhiễm quá nặng. Tôi cứ tự trách mình khi nhớ về ông bán sách. Ông già, ngồi buồn bã trong đám đông ồn ào, láo nháo chia buồn với gia đình. Có người, kể lể về những kỷ niệm, có người khen ngợi đức tính của người chết, có người…Riêng ông già bán sách ngồi nép vào một góc, bên cửa sổ, ánh nắng vàng vọt của buổi chiều len qua ô cửa nhỏ. Làm gương mặt ông già nhìn nghiêng như chia làm hai nửa: Một nửa sáng, một nửa tối. Lạ lẫm và có cái gì đó, hơi rờn rợn, như thực, như ảo. Tôi thấy giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên mu bàn tay ông, cùng với những đường gân bàn tay vẽ nên một bức tranh lập thể lạ lùng. Tôi không biết gọi tên những giọt nước mắt của ông là gì? Mấy ngày này, tự nhiên tôi làm thơ. Những câu thơ vụn vặt, không có chủ đề gì cả. Nhưng mỗi lần đọc lại, lại thấy buồn vô hạn.
Này em, hãy khóc
Những giọt nước mắt
Không phải rơi cho đời
…
Giấc mơ ta mồ côi
Đứa trẻ mồ côi trong ta bật khóc nức nở
Vậy mà sao chẳng ai dỗ dành…
…
Ừ thôi,
Có một ngày ta đi
Ngọn lau trắng vật vờ hoang dại
Ừ thôi, có một ngày ta đi
Tìm mình, thấy bóng,
Bóng buồn, lại bỏ ta đi
…
Những câu thơ rời rạc, có khi đọc lên vô nghĩa. Sự cô đơn gặm nhấm tâm hồn tôi. Vinh đã không còn là liều thuốc thần để an ủi tâm hồn tôi nữa. Có đêm tôi giật mình thức giấc nửa đêm. Tự thấy thương mình vô hạn mà cũng hận mình vô hạn. Tại sao tôi lại thiếu bản lĩnh như vậy? Tại sao tôi không tìm được một lý tưởng để tựa nương. Chẳng hạn như: “Dạy học là một nghề cao quý, ta đang làm một thiên sứ”. Chao ơi, cả điều này cũng không lừa được tâm hồn tôi… Cô đơn và mệt nhoài giữa những đêm. Tôi vừa thương vừa oán ghét những giấc mơ của mình… Mồ côi ơi, tôi gọi mình như thế. Tôi là một đứa trẻ mồ côi, còn ông bán sách là một ông già mồ côi…Những kẻ mồ côi đi sóng đôi mà đơn độc trong đời. Những kẻ mồ côi cũng chẳng cho nhau được một hơi ấm nào đáng kể trong kiếp người dài đăng đẳng này. Tình yêu sao mà cay đắng quá vậy?