Tháng một: Một truyện ngắn của cô giáo ở xã
Đó là một truyện ngắn gây xôn xao dư luận trong thời gian khá dài. Một hôm, tôi đi thư viện, chợt gặp một gương mặt quen quen:
- Chào Hạ Anh! Bạn còn nhớ tôi không?
- A…À…
- Chắc bạn không còn nhớ tôi, tôi là Mai, giờ tôi không làm giáo viên nữa mà chuyển sang làm thư viện.
Tôi nhớ ra rồi, tôi đã gặp người này trong ngày thi tuyển công chức của ngành giáo dục. Hôm đó, tôi và cô ta ngồi chung bàn, sau buổi thi cũng có trò chuyện và cảm thấy khá hợp tính. Thi công chức xong, tôi cũng chẳng biết cô được phân công hay xin đi đâu. Mai cười với tôi bằng một nụ cười lạ lạ. Không biết có phải là do tôi có cảm giác vậy không. Mai hẹn tôi thứ bảy đến thư viện, bữa đó, Mai không trực. Mai sẽ kể tôi nghe một chuyện và cần nhờ tôi tư vấn giùm.
…
Đợi hết tuần, tôi tranh thủ đến thư viện. Ngọc đưa tôi một bao thư dán kín nói Mai gửi tôi và xin lỗi vì bận đi học nghiệp vụ gì đó. Tôi xé bao thư và một xấp giấy học trò rơi ra. Thì ra, đó là một truyện ngắn, đầu truyện ngắn, Mai viết: “Hạ Anh đọc giùm tôi truyện ngắn này nhé? Tôi chưa dám đưa ai hết, sợ người ta cười mình đèo bòng, bon chen này nọ…”. Tôi nhét truyện ngắn của Mai vào cặp. Đọc báo trước đã, tối về nhà, yên tĩnh hơn, chắc sẽ đọc nhập tâm hơn.
Truyện ngắn của Mai
Tựa đề: Có chồng thật là sướng…
Chị Mây là một giáo viên giỏi của trường chúng tôi, Chị đã quá tuổi ba mươi rồi mà vẫn chưa có chồng. Trong khi những cô giáo khác mới về trường đã tranh thủ kiếm được mấy anh chàng giáo viên còn sót lại của trường thì chị Mây vẫn là đại tá phòng không. Trong trường, nói đúng ra, cũng còn sót lại một “đại tướng” nhưng không ai muốn đụng đến. Chị Mây cũng có vẻ như vậy. Đó là thầy Tùng, dạy toán. Gương mặt thầy khắc khổ, thầy lại hay đi nhậu vào buổi chiều tan lớp. Trường cấp 3 này mọc lên là do ân tình của bà con trong huyện từng tham gia kháng chiến nên tỉnh ưu tiên thêm cho huyện. Ngôi trường cheo leo giữa đồng lúa. Đúng cảnh “Trường em mái ngói đỏ hồng/ Mọc lên tươi thắm giữa đồng lúa xanh…”. Chỉ có điều, không khí của cuộc sống ở đây không tươi tắn như tranh vẽ mà nó phẳng lặng chán ngán. Mấy thầy cô giáo trẻ đến đây thì nhanh chóng có gia đình, để sau giờ dạy có chỗ đi về mà hủ hỉ với nhau. Còn như cô Mây thì chỉ biết đóng cửa soạn giáo án hay khóc thầm gì đó mà chẳng ai biết. Còn như mấy thầy giáo thì đi nhậu cóc ổi vậy. Nhậu ở mấy nhà phụ huynh quen quen, ai cũng khoái thầy giáo, chẳng ai đánh giá tư cách làm gì.
Cô Mây sống một mình, nhiều khi đâm ra khó tính. Khó nhiều chuyện kỳ cục gì đâu. Bữa nọ, thằng Tí, học sinh lớp 12 duy nhất của trường quên lau cái bảng, mấy công thức toán học còn để trên bảng chưa có xoá. Cô Mây vào lớp rồi, không cho lớp ngồi: “Thôi, bữa nay mấy em đứng, để vừa học văn vừa nhớ toán hé?” Lớp xanh mặt nhìn nhau. Thằng Tí lớp trưởng nhanh nhảu: “ Cô ơi, xin cô cho tụi em lau bảng!” Cô cười cười. Chẳng nói gì thêm, nhưng bữa đó lớp học đứng. Từ bữa đó, lớp mười hai có thêm câu khẩu hiệu: “Học văn nhớ toán”. Mấy cô giáo tre trẻ có gia đình rồi bấm tay nhau: “Ừ, sao mà hai ông bà này không xáp lại luôn cho rồi, để học văn mà nhớ toán thiệt luôn á?”. Chuyện đến tai cô Mây, không dưng, cô lại cười một mình, thầy Tùng cũng cười một mình.
*
**
- Ôm anh chặt đi…
- …Ư…ư..
- Em…có…sướng…không?
Tiếng sột soạt của mấy tờ giấy báo trên giường bị đè lên, tiếng rên khẽ vì cố nén sung sướng, tiếng đặc trưng của hoạt động yêu…Tất cả làm nên một không gian…không sư phạm chút nào…
- Cộc! Cộc! Cộc!
- Mở cửa!
- Mở cửa!
Hai đương sự mặt đỏ như gấc chín.
…
- Hai người có biết làm vậy là hành vi phản sư phạm, phản giáo dục không? Các anh chị định làm gương xấu cho học sinh hả? - …
- Nhưng chúng tôi đã làm gì? - Giọng nam rắn rỏi đáp lời.
- Làm gì hả? Còn phải hỏi chúng tôi à? Đáng lý chúng tôi phải hỏi hai anh chị chứ?
- …
- Chúng tôi là trai chưa vợ, gái chưa chồng…Hoàn toàn hợp pháp luật.
- Nhưng không hợp phong tục, hai anh chị chưa đám cưới mà…
- Chúng tôi sẽ cưới vào tháng sau.
- Vào tháng sau thì cũng vẫn là chưa cưới.
- …
Cuộc họp căng thẳng đến phút cuối, chỉ có hai giọng nam đối đáp và tiếng thút thít của một giọng nữ.
- …
Cô Mây đã nghỉ dạy, thầy Tùng cũng nghỉ dạy. Họ làm đám cưới và sống chung với nhau ngay trong huyện chứ không dời đi chỗ khác như mọi người nghĩ. Thầy Tùng chuyển sang buôn bán, cô Mây phụ giúp chồng. Họ làm giàu nhanh chóng và chính đáng. Đêm, cô Mây vẫn ôm thầy Tùng thật chặt, như thể là không còn dịp nào để ôm nữa vậy. Họ mặn nồng. Có lần, cô Mây nói với thầy Tùng: “Anh nè, có chồng thật là sướng”. Thầy Tùng cười: “Chứ lúc bị kỷ luật ai trách tôi…?”.Cô Mây bẽn lẽn nép vào ngực chồng: “Thì tại…” Thầy Tùng cười xoà, ôm vợ vào lòng: “Ừ, có chồng sướng thật hả?”. Cô Mây nghĩ trong lòng: “Sướng nhất là có người bênh vực mình, có người đầu ấp tay gối…”
…
Truyện ngắn của Mai ngưng lại ở đó. Nó không hay lắm, có vẻ ngang ngang làm sao, nội dung cũng không rõ ràng. Nhưng tôi không dám nhận xét. Sợ mình quen bệnh chấm bài học sinh, nhìn cái gì cũng thành nội dung và nghệ thuật, rồi phân tích nhân vật, phân tích tư tưởng của tác phẩm riết rồi quen nếp nghĩ, biết đâu mình lại hiểu chưa tới mà chê người ta viết dở thì sao?
Truyện ngắn này khi mới xuất hiện đã lập tức gây chấn động dư luận. Có người nói Mai cố tình bôi bác ngành giáo dục, làm gì có người sa đoạ mất nhân cách như vậy trong ngành của chúng ta, có người lại thông cảm và khen Mai táo bạo dám viết khác với những gì người ta hay viết. Mai viết cho tôi vỏn vẹn một dòng cuối truyện: “Mệt mỏi lắm, Hạ Anh à.” Rồi cũng chỉ có vậy thôi. Mai mệt mỏi chắc là đúng rồi. Suy nghĩ nhiều mà làm gì Mai ơi, người ta chỉ muốn ta yên phận sáng đi dạy chiều viết giáo án, điểm thì nhớ cho nhiều nhiều. Viết báo viết biết, viết truyện viết triệt làm gì?