Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Bài học đầu tiên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8831 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bài học đầu tiên
Trần Thị Hồng Hạnh

CHƯƠNG 9

Tháng năm hè đến: Mỗi năm đến hè là…ta thấy rầu
Hè! Tiếng đó đối với học sinh trường bình thường là niềm hân hoan khôn xiết, với học sinh trường tôi dạy là nỗi ám ảnh khôn nguôi, còn với giáo viên trường tôi là cơn ác mộng. Nói thì không ai tin, nhưng thực sự, trong năm học, chúng tôi rảnh rỗi hơn hè. Cuối tháng 5: Tổng kết năm học, chuẩn bị hồ sơ cho khối mười hai thi tốt nghiệp, đi coi thi tốt nghiệp hết bốn ngày đầu tháng 6, nghỉ được 1 tuần, tuần sau vào trường dạy luyện thi tuyển sinh vào lớp 10 song song với dạy luyện thi tuyển sinh đại học, vừa chấm dứt tuyển sinh đại học, bắt đầu tham gia chấm bài tuyển sinh vào lớp 10, chấm thi vừa xong, lịch học bồi dưỡng chuyên môn đã được đưa đến tận tay, học xong bồi dưỡng chuyên môn, chuyển qua học chính trị, học chính trị xong, đã thấy thông báo năm học mới đến rồi. Đó là chưa kể, cũng trong thời gian ấy, lớp dạy nâng cao chạy trước chương trình cho các em học sinh lớp 11 lên 12 cũng được tiến hành song song. Không dạy trước thì không kịp chương trình, không kịp chương trình thì học sinh thi rớt tốt nghiệp, học sinh rớt tốt nghiệp thì thầy cô dạy 12 đứng mũi chịu sào, giơ đầu chịu búa rìu dư luận và sự đay nghiến của lãnh đạo sở. Dạy lớp 12 bao giờ cũng giống như cái miếng xương gà chình ình giữa chợ, ai cũng muốn giành mà giành thì trong bụng lo lắng. Một thứ dây nhợ mà người ta tự mua buộc vào mình rồi lấy làm hân hạnh quá chừng vì thứ dây nhợ loằng ngoằng như một thứ giấy chứng nhận ta đây hàng hiệu. Tôi chưa được phân công dạy 12. Năm đầu tiên, lớp mười một để thử sức đã là ưu ái lắm. Tôi thở phào nhẹ nhõm trước lời rên rỉ của mấy người dạy 12. Nhưng tháng năm tới thì tôi biết tôi đã lầm. Hiệu trưởng bắt buộc tất cả giáo viên đều phải phục vụ cho mục tiêu tốt nghiệp 100%, đại học 90% của trường bằng cách tổng động viên, ai không dạy 12 chính thức thì buổi chiều, tối vô truy bài học sinh. Như mọi người, tôi cũng được giao một lớp. Mà sao cái lớp này nó ngu quá vậy không biết. Bài đã cày ải đến lần thứ hai mà sao vẫn thấy không ổn. Chiều hôm qua, gặp cô Hương dạy trường L, một trường cấp 2, 3 có tiếng trong thị xã, cô than thở:
- Nè, em biết sao không, bữa trước chị cho thi thử, có đứa viết vầy nè: Nguyễn Minh Châu tiên sinh đã ra đi vào một chiều mưa gió lạnh lùng, để lại tí huyết làm đẹp cho người phụ nữ qua tàng thư Mảnh trăng cuối rừng, phụ nữ nào muốn đẹp như trăng xinh mời gặp Nguyệt…
Cười ha hả mà sao tôi thấy mắt chị hoe đỏ. Hương nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi. Thực lòng mà nói tôi muốn chị về trường tôi, đó mới là nơi cho chị thoả sức vẫy vùng. Có lần, chị đưa tôi bài kiểm tra của học sinh lớp 9, đọc mà cười sặc sụa. Em Nguyễn Thị Hồng viết: “Thuý Kiều nhảy xuống sông Tiền Giang tự tử, có một anh bộ đội Giải Phóng đi ngang qua, nhảy xuống cứu. Kiều giác ngộ, đi theo cách mạng”. Viết vậy thì có chết Nguyễn Du không chứ? Và chết cả người dạy nữa. Ông hiệu trưởng trường chị Hương nói là giáo viên dạy thế nào mà để học sinh viết ba xàm ba láp như vậy. Tôi không nghe chị kể đoạn kết của buổi họp hội đồng giông tố đó. Nhưng cũng lờ mờ đoán được kết quả khi thấy đôi mắt của chi ngày càng buồn hơn, và mỗi lần gặp tôi, chị ít bàn chuyện văn chương thơ phú. Lòng yêu nghề chai sạn dần thêm ít nhiều theo thời gian. Tháng năm thật là khó chịu. Nóng bức, bứt rứt và hàng trăm thứ làm người ta bồn chồn.
Ngày thi tốt nghiệp càng gần, không khí càng trở nên khẩn trương không thể diễn tả được. Đèn đuốc sáng trưng đến 23 giờ. Khi tôi vừa về đến nhà, hai chiếc kim đồng hồ đã chồng khít lên nhau. Má mở cửa và phàn nàn:
- Mày đi đâu vậy con? Dạy dỗ gì giờ này, chắc là lại đi chơi với thằng nào hả? Cô giáo nghe con, có gì người ta cười thúi đầu.
Mệt mỏi dắt cái xe Trung Quốc nặng trịch vào nhà, tôi chẳng nói chẳng rằng. Không còn hơi sức đâu mà nói. Tôi vốn chưa được dạy 12, nhưng nhà trường huy động tổng lực, không làm sao tiện? Mình lại đang tập sự, người ta phê một cái thì mệt. Dựng chống xe, quay đi, tự nhiên chiếc xe ngã cái ầm. Má tôi lại cằn nhằn:
- Bộ mày định không cho ai ngủ hết chắc? Muốn hàng xóm nghe hả?
Trời, đi khuya về là tội phạm sao chứ? Bộ cô giáo không được đi khuya sao? Nghĩ bụng vậy nhưng tôi cũng chẳng còn hơi sức nào mà trả lời trả vốn. Bước vô nhà tắm, mở vòi nước, tôi thấy mình lên thiên đàng.
Hàng xóm đã ngủ rồi. Tôi mở nhẹ cửa rồi khép lại. Đứng một mình trong mảnh vườn nhỏ, trồng bạc hà, cải xanh và ớt của cha tôi, tự nhiên, tôi lại thấy buồn buồn. Nhớ nét mặt bơ phờ của mấy đứa học trò, tự nhiên thấy tội tội làm sao. Sự việc ban tối như một cuốn phim quay chậm:
… 
- Em về nhà ngủ đi, mệt quá không nên học nữa…
- Em không dám về ngủ cô ơi, nhà em chỉ có mình em học đến 12, cả dòng họ em chỉ có em học như vậy, em sợ ngủ, hễ em ngủ là em mơ thấy em rớt tốt nghiệp à.
Cô bé bật khóc nức nở. Tôi vuốt mái tóc dài xác xơ của em, rồi ôm nhẹ vai em. Giật mình, em ốm quá, xương vai nhô ra, nhọn hoắt. Tôi thấy mắt mình cay cay. Sao học hành lại khổ như vậy hả em?
… 
Sao lại vậy? Chương trình học nhiều quá. Những sự kiện trong ngày lại tua lại chậm chạp trong đầu tôi.
- Hay là trường mình bớt tập trung ôn bài…- Tôi rụt rè đề nghị.
- Không được, phải ôn. Tụi nó lười biếng lắm, trường mình không thể rớt, trường mình rớt thì ăn nói sao với giám đốc sở, với tỉnh?
- Nhưng em thấy học sinh kiệt quệ lắm rồi.
- Chúng ta có sướng hơn không? Không hề, tại em chưa quen, rồi em sẽ quen thôi, không sao hết.
- Nhưng nghe nói có em đi bệnh viện tâm thần?
Không có câu trả lời. Chuông đã reng vào lớp. Tiết học thứ 14 trong ngày. Tôi mệt mỏi lê bước. Các em không đứng lên chào, một số em gục mặt xuống bàn ngủ, tôi không nỡ kêu các em dậy. Mi mắt tôi tự nhiên cũng sụp xuống, tôi ngủ gục.

Giờ này về đến nhà, tôi lại không buồn ngủ nữa. Đêm không trăng sao, thỉnh thoảng, xa xa vọng lại tiếng chó sủa. Đêm thì hay gợi buồn. Nhưng tôi thì thấy ấm ức nhiều hơn. Biết là sai, sao không ai sửa? Biết là chương trình lẫn phương pháp dạy còn nhiều bất cập, sao không ai lên tiếng? Ai cũng hèn nhát chăng? Tôi nhớ trong cuộc gặp gỡ với chuyên viên bộ giáo dục, cô Hoa đã gây sốc bằng câu hỏi: “Bao giờ thầy trò chúng tôi không còn là con chuột bạch cho bộ thử nghiệm?”. Dĩ nhiên, sau đó cô Hoa bị nhắc nhở vì tội góp ý thiếu mục đích xây dựng. Sự thực sờ sờ ra trước mắt đó, sao không ai dám lên tiếng?

<< CHƯƠNG 8 | CHƯƠNG 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 593

Return to top